Ripple coó thể xử lý bao nhiêu giao dịch

Jay Clayton - chủ tịch Uỷ Ban Chứng Khoán Mỹ (SEC) 01 ngày trước khi nghỉ hưu và rời khỏi SEC đã gây chấn động thị trường Crypto bằng việc tung một đòn chí mạng với Ripple làm cho đồng XRP (đồng tiền ảo có mức vốn hoá và khối lượng giao dịch chỉ sau Bitcoin và Ethereum) chỉ trong 2 ngày rớt gần 40% và làm cho các đồng khác như Bitcoin hay Ethereum đang xanh trở thành đỏ rực.

Trước khi từ chức ngày 23/12/2020, ngày 22/12/2020 Jay Clayton với tư cách chủ tịch của SEC đã đệ đơn kiện Công ty Ripple, CEO Garlinghouse và founder Chris Larsen lên toà án quận Bắc New York. Đơn kiện này gồm 71 trang với các cáo buộc như sau: (i) đồng tiền kĩ thuật số XRP do Ripple phát hành là chứng khoán, (ii) Ripple đã phát hành chứng khoán ra công chúng mà không đăng ký với UBCK Mỹ (SEC) do đó vi phạm các Chương 5(a) và 5(c) Đạo luật Chứng khoán 1933 và (iii) yêu cầu bị đơn phải nộp lại lợi nhuận, cấm tiếp tục việc chào bán và nộp phạt theo quy định.

Câu hỏi pháp lý mấu chốt của vụ kiện này là liệu XRP có phải là chứng khoán hay không?

Theo SEC thì XRP khác với BTC hay Eth ở chỗ là BTC và Eth là các đồng tiền dựa trên nền tảng phân tán, phi tập trung và không có cá nhân, tổ chức nào kiểm soát chúng. Trong khi đó XRP là đồng do Ripple phát hành và kiểm soát. Từ 2013 đến nay Ripple đã bán 14.6 tỷ XRP và thu về hơn 1.38 tỷ đô. Do đó, đồng XRP của Ripple là một dạng chứng khoán và việc phát hành ra công chúng như của Ripple phải đăng ký và tuân thủ các quy định của Đạo luật Chứng khoán 1933. Tuy nhiên Ripple đã không tuân thủ các quy định nói trên và cần phải bị xử lý nghiêm khắc.

Trong nhiều vụ kiện tương tự, ví dụ SEC vs KIK, SEC đã giành chiến thắng và nếu SEC thắng Ripple trong vụ kiện này thì những hậu quả sau có thể xảy ra:

1. XRP buộc phải niêm yết và chịu các ràng buộc như các chứng khoán niêm yết khác.

2. XRP sẽ không được niêm yết và trading trên các sàn tiền ảo như hiện nay vì các sàn này không có giấy phép kinh doanh chứng khoán và có thể bị phạt nếu cho phép niêm yết và trading XRP. 

3. Ripple có thể phải nộp lại lợi nhuận, đóng 1 khoản tiền phạt khổng lồ, cấm phát phát hành XRP.

4. Giá trị công ty Ripple và đồng XRP sẽ rơi tự do theo phương thẳng đứng.

Tuy nhiên, hậu quả lớn hơn cho thị trường tiền ảo là các đồng coin phát hành hay Token tương tự như đồng XRP sẽ có thể chịu chung số phận với Ripple và XRP. Tức là chúng có thể bị xem là chứng khoán cũng như XRP. Điều này sẽ gây ra hiệu ứng domino trên thị trường. 

Khi mà các chính phủ trên thế giới đang lúng túng về bản chất pháp lý và chưa biết phải xử lý các đồng tiền ảo như thế nào thì một phán quyết có lợi cho SEC cũng có thể ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng hành lang pháp lý đối với các loại tiền ảo không chỉ tại Mỹ mà cả tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.

Khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam 

Tiền ảo là một sản phẩm tài chính kỹ thuật số mới xuất hiện trong những năm gần đây. Nhìn chung, đối với tiền ảo, Việt Nam vẫn đang trong qua trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nhưng chưa thật sự có khung pháp lý rõ ràng cho các loại tiền ảo và hoạt động kinh doanh, giao dịch tiền ảo. 

Theo Khoản 6, Khoản 7, Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP), thì các loại tiền ảo như Bitcoin, Ethereum hay bất kỳ loại tiền ảo nảo không được xem là tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. 

 Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy tiền ảo không được xem là tài sản. Điều này dẫn đến hệ quả là các quan hệ dân sự, hợp đồng, thừa kế không có cơ chế phù hợp để giải quyết. 

Kinh doanh tiền ảo cũng không phải là một hoạt động chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về thuế. Vì vậy, cơ quan thuế của Việt Nam cũng không có cơ sở để đánh thuế đối với các giao dịch liên quan đến tiền ảo. Chẳng hạn, ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre đã phán quyết với nội dung hủy quyết định của Chi cục thuế TP. Bến Tre về việc truy thu hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân đối với ông Nguyễn Việt C, do ông này tham gia trao đổi tiền điện tử Bitcoin.  

Theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có luật công nhận tiền ảo Bitcoin là hàng hóa, nên việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là “mặc nhiên công nhận” loại tiền này là hàng hóa. Ngoài ra, TAND Bến Tre cho rằng, đề án về khung pháp lý để quản lý và xử lý loại tiền ảo đang xây dựng và việc truy thu thuế không phù hợp, đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tiền tệ, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp. 

Việt Nam cần sớm nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho các loại tiền ảo và các giao dịch liên quan đến tiền ảo để tạo cơ chế minh bạch và hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư hợp pháp cũng như có cơ cở pháp lý để xử lý các giao dịch huy động vốn, phát hành tiền ảo trái phép và phòng chống rửa tiền trong thời kỳ công nghệ 4.0.