So sánh cái chết của lão Hạc và cụ Bơ-men

Truyện ngắn là một thể loại văn học gần gũi và ta có thể sẽ tiếp xúc hàng ngày với chúng. Có rất nhiều những nhận định khác nhau về truyện ngắn, song, truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ để tái hiện lại một mảnh nhỏ của cuộc sống, có thể là môt biến cố, một hành động, một trạng thái trong cuộc đời của nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Truyện ngắn thường có dung lượng ngắn, khoảng vài trang hoặc vài chục trang, sự kiện và nhân vật không nhiều. Còn những truyện cực ngắn chỉ khoảng vài trăm chữ.

Truyện ngắn có những đặc điểm chính là truyện có rất ít nhân vật và sự kiện; cốt truyện thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế; kết cấu của truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, tương phản để làm bật ra chủ đề.

Trước hết, truyện ngắn có rất ít nhân vật và sự kiện. Các truyện ngắn thường chỉ tập trung tái hiện một khía cạnh của tính cách nhân vật hay một mặt nào đó của xã hội nên số lượng nhân vật rất ít, thậm chí có những truyện chỉ có 2-3 nhân vật. Hệ quả của số lượng nhân vật ít là biến cố trong, sự kiện trong truyện cũng không nhiều. Bởi người nghệ sĩ sẽ chỉ lựa chọn một hoặc một vài sự kiện, biến cố trong cuộc đời nhân vật để khắc họa tính cách, số phận của nhân vật mà thôi. Như trong tác phẩm Tôi đi học tác giả đã lựa chọn cảm xúc của nhân vật tôi trong ngày khai giảng đầu tiên của cuộc đời, nhân vật trong truyện chỉ có người mẹ và nhân vật tôi. Truyện ngắn Lão Hạc có nhân vật lão Hạc, ông giáo, Binh Tư, cậu con trai, vợ ông giáo [chỉ được nhắc qua], những người dân trong làng [xuất hiện với vai trò là người chứng kiến cái chết của lão Hạc] và có sự kiện nổi bật trong tác phẩm là khi lão Hạc quyết định bán con chó Vàng để không phải ăn vào tiền của cậu con trai. Còn trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri câu chuyện chỉ xoay quanh các nhân vật Giôn-xi, cụ Bơ-men và Xiu với bức họa Chiếc lá cuối cùng .

Thứ hai, cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế. Nó không kể chọn vẹn một quá trình diễn biến một đời người mà chọn lấy khoảnh khắc, những “lát cắt” của cuộc sống để thể hiện. Thanh Tịnh đã lựa chọn không gian biến đổi từ nhà tới trường học, trong khoảng thời gian như được kéo dài từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, khi con bước chân qua cánh cổng trường để bắt đầu đi học. Nam Cao lựa chọn khắc họa lão Hạc trong khoảng thời gian lão sống xa con, lúc lão ốm đau bệnh tật và lựa chọn cái chết đau đớn đế giữ lại mảnh vườn cho con trai. Còn O. Hen-ri lại bắt đầu câu chuyện của mình bằng sự chán nản, tuyệt vọng để rồi người đọc thấ được sự hồi sinh trong tâm hồn cô gái trẻ khi trông thấy bức tranh vẽ chiếc lá cuối cùng bên bậu cửa sổ của cụ Bơ-men. Cả ba tác phẩm người đọc chỉ nhìn thấy một đoạn, một lát cắt trong cuộc đời của nhân vật chứ không phải là toàn bộ cuộc đời họ, từ lúc họ sinh ra, lớn lên, trưởng thành như thế nào. Điều ấy cũng đồng nghĩa với truyện ngắn chỉ là những khoảng khắc của cuộc sống, của đời người, nhưng chừng ấy cũng đủ để người đọc nhận ra được bản chất của nhân vật, con người trong tác phẩm ấy.

Cuối cùng, kết cấu của truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, tương phản để làm bật chủ đề của tác phẩm. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra được sự thay đổi trong tâm trạng, suy nghĩ và hành động của cả người mẹ và đứa con trước ngày khai trường đầu tiên trong truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh. Đó là những cảm xúc rất mơ hồ, bâng khuâng và khó tả khiến cho người ta dường như lớn lên, trường thành hơn. Sự đối lập trong hành động của đứa trẻ trước đó và trong đêm trước ngày tựu trường thật khác: tự thu dọn đồ chơi gọn gàng, đi ngủ sớm hơn,…giúp tác giả nhấn mạnh sự thay đổi trong cảm xúc của con trẻ, của người mẹ trong giờ khắc thiêng liêng ở những bước chân đầu đời của con. Không phải ngẫu nhiên Nam Cao lại đặt nhân vật ông giáo trong cái nhìn đối sánh với lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của mình. Tác giả muốn ông giáo có thể tìm thấy được mình trong cuộc đời của lão Hạc và cùng là để ca ngợi phẩm chất cao thượng, lương thiện của người nông dân trong xã hội xưa. O. Hen-ri đã rất thành công khi sử dụng hai lần thủ pháp đảo ngược tình huống gây ra sự bất ngờ đến ngỡ ngàng cho người đọc. Sự hồi phục đầy kinh ngạc của Giôn-xi và cái chết không báo trước của cụ Bơ-men. Tất cả những chi tiết ấy là làm sống dậy tình người giữa những con người nghèo khổ với nhau.

Tuy dung lượng không dài song truyện ngắn là một thể loại mang tới cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc và những bài học nhận thức sâu sắc trong cuộc sống. Đến tận ngày nay, vai trò của truyện ngắn trong đời sống của con người vẫn không thể phủ nhận.

Lão Hạc

Nếu ai đã đọc truyện ngắn Lão Hặc của Nam Cao, dù chỉ một lần, cũng không khỏi bị ám ảnh bởi cái chết đầy thương tâm của nhân vật lão Hạc. Hình ảnh lão Hạc vật vã trong cái chết đau đớn, dữ dội cứ xoáy vào tâm trí người đọc, gợi lên trong lòng họ bao nỗi niềm trăn trở, day dứt khôn nguôi. Sinh rồi tử là quy luật muôn đời của tạo hóa, nào ai tránh được, âu đó cũng là chuyện bình thường. Trong cuộc sống của nhân loại, mỗi ngày có biết bao con người từ giã cõi đời để trở về nơi cát bụi! Phần lớn sự ra đi của họ là phù hợp với quy luật sinh tử của nhân gian. Song cuộc đời đâu chỉ là chuỗi êm đềm và phẳng lặng. Cuộc đời còn đầy đau thương và sóng gió, nên cũng có không ít những cái chết thương tâm. Đứng trước những cái chết bất bình thường, trái tim nhân hậu của các nhà văn không khỏi bùi ngùi thương xót. Dòng lệ trong tim nhà văn chảy xuống ngòi bút thành những trang văn nấc nở nghẹn ngào. Nam Cao cũng vậy. Trong những sáng tác của ông, ta bắt gặp không ít những cái chết đau thương khiến ta nhức nhối. Từ cái chết của một lão già tự treo cổ mình, lưỡi thè ra ngoài [Lang Rận], đến cái chết lênh láng máu của Chí Phèo [Chí Phèo], từ cái chết bội thực sau một bữa no của một bà lão nhịn ăn đã lâu ngày [Một bữa no], đến cái chết vật vã: "đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc" của Lão Hạc. Tại sao họ khốn khổ đến như vậy? Sống không yên mà chết cũng chẳng bình thường! Ta hãy đọc lại đoạn văn Nam Cao mô tả cái chết của lão Hạc: "Lão Hạc đang vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình đến như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu". Đâu phải chỉ có ông giáo và Binh Tư mới hiểu vì sao lão Hạc lại chết đau đớn và bất thình lình như vậy. Chúng ta cũng hiểu. Nhưng tại sao lão Hạc phải tự mình tìm đến cái chết? Phải chăng lão Hạc đã tuyệt vọng với cuộc đời, phải tự mình giải thoát cho mình? Lật giở lại những trang văn của truyện ngắn Lão Hạc, ta càng thấm thía điều đó. Cả đời lão Hạc chưa một lần sung sướng. Cả kiếp người lam lũ, cực nhọc, nghèo khổ, lão cũng chẳng dám kêu ca, phàn nàn, chỉ ngậm ngùi: kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn. Sau cả một chuỗi ngày dài cay đắng và bất hạnh, lão Hạc đã thực sự lâm vào cảnh cùng đường, không còn kế sinh nhai. Cái chết mà lão phải lựa chọn là tất điều tất yếu. Chính cuộc đời và xã hội đã xô đẩy lão tới cái chết. Vì thế cái chết của lão Hạc có ý nghĩa phê phán và phủ nhận xã hội một cách sâu sắc. Một câu hỏi nữa lại đặt ra trong óc người đọc: nhưng tại sao lão Hạc lại phải chết khi trong tay có tới những 30 đồng bạc và ba sào vườn bán được giá? Phải chăng vì lão gàn dở và ngu ngốc? Không! Lão Hạc không ngu ngốc, càng không gàn dở! Cái chết của lão Hạc xuất phát từ lòng tự trọng của một người cha, của một con người, từ trái tim đầy cao thượng, và đức hi sinh của lão. Là một con người sớm từng trải, có suy nghĩ nội tâm sâu xa, hơn ai hết, lão Hạc hiểu rất rõ giá trị của 30 đồng bạc mà mình đã chắt chiu dành dụm kia: ăn mãi hết đi thì đến lúc chết thì lấy gì mà lo liệu? Sống, lão đã không muốn phiền lụy đến mọi người, thì chết lão không thể làm phiền lụy đến họ. Có thể có những suy nghĩ ở người này, người khác: Ôi dào, cần gì phải lo xa, chết hãy hay, hoặc chết là hết, còn biết gì đâu mà cần. Lão Hạc không nghĩ như vậy, lão hiểu rõ cái tình của người Việt Nam: Nghĩa tử là nghĩa tận. Lão biết là dù lão chẳng có đến một xu thì khi lão nằm xuống, bà con chòm xóm vẫn lo liệu cho lão chu đáo. Mà họ nào có giàu có gì, họ cũng nghèo khổ như lão. Lão không thể cho phép mình là gánh nặng cho mọi người. Chao ôi, sự tự trọng và tấm lòng vị tha, cao thượng của một con người, sao mà đẹp thế, xúc động đến thế! Vậy còn ba sào vườn? Đó là tấm lòng, là tình cảm của người vợ quá cố dành cho con. Đó cũng là ước nguyện và tình yêu của lão đối với con. Lão không thể xâm phạm. Lòng tự trọng và đức hi sinh của người cha đã đưa lão đến một quyết định hệ trọng: Chọn cái chết để giữ được mảnh vườn cho con. Tấm lòng ấy của lão đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật ông giáo, trở thành một lời hứa thiêng liêng: Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào… Lão Hạc vẫn có thể còn một kế sinh nhai khác là theo gót Binh Tư để kiếm ăn". Liệu một người trong sạch và lương thiện như lão Hạc có thể bán linh hồn của mình cho quỷ dữ để có miếng ăn? Là một người có bản tính trong sạch và lương thiện, lại rất tự trọng, lão Hạc hiểu rõ miếng ăn là miếng nhục. Lão thà chết chứ không chịu sống mà tiếng xấu để đời. Càng suy ngẫm, ta càng hiểu rõ quả thực lão Hạc không còn giải pháp nào khác ngoài việc phải lựa chọn cái chết. Cái chết ấy làm ngời lên bao phẩm chất của một con người đáng kính. Tưởng như không còn cần bàn thêm gì cái chết của lão Hạc. Nhưng chúng ta cũng nên đặt thêm một câu hỏi nhỏ: Tại sao lão Hạc không chọn cái chết nhẹ nhàng hơn, lặng lẽ hơn? Phải chăng lão muốn chọn một cái chết đau đớn và dữ dội để tự trừng phạt mình vì đã trót lừa một con chó? Rất có thể như vậy. Thêm một lần nữa ta hiểu thêm về tấm lòng nhân hậu của lão Hạc.

Lão Hạc đã chết! Một cuộc đời đã kết thúc, khép lại bao lo buồn, đau khổ! Nhưng trang văn của Nam Cao chẳng bao giờ khép lại, mà cứ mở ra trong tâm hồn bạn đọc bao trăn trở, suy ngẫm về con người, về cuộc đời.

Nguồn ST

O Hen-ri là một nhà văn Mĩ chuyên viết truyện ngắn. Những tác phẩm của ông thường nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương người nghèo khổ, rất cảm động. “Chiếc lá cuối cùng” là truyện ngắn góp phần làm cho tên tuổi của O Hen- ri trở nên bất hủ. Trong câu chuyện ấy, ta thấy thấm đượm tình cảm cao đẹp giữa những người họa sĩ nghèo khổ, và đặc biệt để lại nhiều dư cảm sâu sắc nhất là nhân vật cụ Bơ-men. Hình ảnh Giôn-xi đang nhìn ra cửa sổ nhìn chiếc lá được cụ Bơ Men vẽ Cụ sống cùng Xiu và Giôn-xi trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa- sinh- tơn. Bốn chục năm nay cụ mơ ước vẽ một kiệt tác nhưng chưa thực hiện được, cụ thường ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ khác để kiếm tiền. Cuộc sống tuy nghèo nhưng cụ luôn giữ phẩm chất trong sạch, hoàn cảnh không thể làm cụ yếu mềm tinh thần. Chả thế mà cụ “ hay chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai”. Cụ Bơ-men luôn sống giàu tình thương, quan tâm tới mọi người. Cụ muốn những người xung quanh mình phải mạnh mẽ và cứng rắn. Chúng ta cảm động khi biết cụ tự coi mình có nhiệm vụ bảo vệ Xiu và Giôn-xi ở phòng vẽ tầng trên. Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi, cô tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện cửa sổ, chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng thì cô cũng lìa đời. Biết được ý nghĩ kì quặc ấy , mắt cụ Bơ- men đỏ ngầu , “ nước mắt chảy ròng ròng”. Đó là những giọt nước mắt xót xa, đầy thương cảm. Cụ “hét lên”, “quát to” rồi sau đó là lời dịu dàng, xót xa: “Chà tội nghiệp cô bé Giôn-xi”. Thật cảm động khi nghe những lời mà cụ nói với Xiu khi theo cô lên phòng vẽ mà Giôn- xi đang nằm: “ Trời đây không phải là chỗ cho một con người tốt như cô Giôn- xi nằm. Một ngày kia, tôi sẽ vẽ một tác phâm kiẹt xuất và tất cả chúng ta sẽ đi khỏi nơi này.” Vẫn là ước mơ đó nhưng nó đã gắn liền với lòng yêu thương sâu sắc. Cụ muốn sáng tạo để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Cụ Bơ-men con người có đức hi sinh cao cả. Nhà văn đã tập trung miêu tả khoảnh khắc căng thẳng của cụ và Xiu: “ Họ sợ sệt ngó ra ngoài cử sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì.” Dường như trong phút giây im lặng ấy, họ đã đoán được điều gì sẽ xảy đến. Là một nhân vật chính nhưng cụ chỉ xuất hiện ở phần đầu và giữa truyện, những hành đông tiếp theo của cụ chỉ được hiện lên qua lời kể của Xiu. Sau khi ngôi làm mẫu cho Xiu vẽ, hình ảnh cụ Bơ-men bỗng biến mất. Người đọc dần lãng quên sự hiện diện của cụ mà thay vào đó chú ý tới diễn biến căng thẳng xoay quanh Xiu, Giôn- xi và chiếc lá cuối cùng. Không ai đoán biết được cụ đã làm gì trong khoảng thời gian ấy . Phải đến cuối truyện, Giôn-xi và người đọc mới hiểu rõ hành động cao cả của cụ. Chắc chắn khi đứng dưới mưa tuyết để vẽ chiếc lá lên bờ tường gạch, con người già nua ấy giá buốt lắm, hơn ai hết cụ biết rõ tính mạng mình đang gặp nguy hiểm. Nhưng lòng thương yêu Giôn-xi, ý muốn dùng cây bút và bảng màu để đem lại niềm tin, nghị lực sống cho cô dã giúp cụ vươt lên tất cả. Chiếc lá mà cụ vẽ sống động và rất thật: “ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng với rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa”, khiến cho hai cô họa sĩ của chúng ta cũng không hề nghi nghờ. Và chiếc lá ấy đã gieo vào lòng cô gái trẻ tội nghiệp hơi ấm của niềm tin, nghị lưc, kéo cô từ vực thẳm của bệnh tật vươn lên sống tiếp. Có thể nói chiếc lá là cả tấm lòng của cụ Bơ-men, là minh chứng cho sư hi sinh đến quên mình để đem lại sự sống cho người khác. Cụ đã làm được một điều mà bốn mươi năm qua hằng ao ước: vẽ một kiệt tác. Và có lẽ khi một con người nằm xuống cũng là lúc một tâm hồn dược đánh thức, sẽ tiếp tục cống hiến cho đời những sáng tác nghệ thuật. Câu chuyện kết thúc bằng lời kể của Xiu về cái đêm mà cụ Bơ-men vẽ chiếc lá mà không để cho Giôn- xi có phản ứng gì thêm n hư để lại dư âm trong lòng người đọc. Nhà văn O Hen-ri đã rất khéo léo khi xây dựng nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần. Lần đảo ngược thứ nhất, Giôn-xi như đang tiến dần đến cái chết bỗng khỏe lại, yêu đời và chiến thắng bệnh tật. Lần đảo ngược thứ hai liền tiếp sau đó, cụ Bơ-men từ môt người khỏe mạnh đến cuối truyện mắc bệnh và qua đời. Một con người đi từ sự sống đến cái chết, một con người người từ cái chết tìm lại sự sống. Tất cả đã được nhà văn kể lại thật tự nhiên và cảm động. Truyện ngắn làm cho chúng ta không khỏi rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những người nghèo khổ. Câu chuyện còn giàu tính nhân văn , ẩn chứa bức thông điệp trong cuộc sống: dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn nhất cũng đừng bao giờ bi quan, tuyệt vọng, hãy mạnh mẽ tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, ta sẽ vượt qua tất cả.

Nguồn ST

Video liên quan

Chủ Đề