Tại sao bò được nuôi nhiều ở ấn độ

Tại sao bò được nuôi nhiều ở ấn độ
Phóng to
Bò được thả rong trên đường phố New Dehli

Đến thủ đô New Dehli của Ấn Độ, du khách vẫn chứng kiến cảnh những con bò “ngang nhiên” đi lại trên đường phố mà không ai dám xua đuổi.

Đơn giản vì người Ấn coi bò là con vật linh thiêng. Nhưng việc đi lại lộn xộn tới mức báo động của những “linh vật” này đã khiến nhà chức trách chẳng còn cách nào khác là phải “ra tay”.

Bò không chỉ là linh vật…

Có rất nhiều lý giải vì sao các tín đồ Hindu giáo không được phép giết mổ và ăn thịt bò. Các giáo sĩ đạo Hindu vẫn bám lấy luận thuyết nói rằng kể từ 5.000 năm qua, bò sữa ở Ấn Độ vẫn được tôn vinh là “Mẹ của quá khứ và tương lai”. Theo họ, loài bò còn giúp con người chữa trị được hàng trăm căn bệnh, trong đó có các căn bệnh hiểm nghèo như bệnh lao…

Chỉ có điều chúng không được cưng chiều, chẳng có một cái tên riêng và vẫn thả rông như thời thượng đế sinh ra chúng. Họ để mặc chúng ở trong tình trạng hôi hám và nếu muốn ngả lưng thì chúng cứ lăn kềnh ở nơi chúng vừa mới đứng.

Các tín đồ Hindu giáo rất lơ là trong việc chăn sóc những điều mà họ coi là thiêng liêng. Nhiều ngôi đền cổ đang bị hoang tàn và sông Hằng, một con sông linh thiêng của đạo Hindu, lại là một trong những con sông bị ô nhiễm nhất thế giới.

Sự tôn vinh loài bò, loài vật mà thần Shiva từng cưỡi, chỉ giới hạn trong việc người theo đạo Hindu không giết bò và cũng chẳng bao giờ ăn thịt chúng.

Nhà nhân chủng học người Mỹ Marvin Harris cho rằng kể từ khi các cư dân Ấn Độ biết canh tác nông nghiệp, bò đã trở thành một trợ thủ đắc lực. Chúng cung cấp sức kéo cho canh tác và chuyên chở, đem lại nguồn sữa quí báu và để lại bộ da sau khi qua đời.

Ông Harris cho rằng lệnh cấm giết bò không phải xuất phát từ tôn giáo, không phải vì chúng là vật cưỡi của thần Shiva mà xuất phát từ kinh tế của Ấn Độ cổ đại rất cần đến sự trợ giúp của bò, tương tự như “con trâu là đầu cơ nghiệp” của nền văn minh lúa nước ở VN, nên họ đã nhân danh tôn giáo ban bố một đạo luật cấm giết bò.

Dưới thời cầm quyền của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) một lần nữa loài bò lại được tôn vinh. Ngay cả Thủ tướng Vajpayee, một vị nguyên thủ theo đường lối tự do, cũng thề thốt: “Tôi thà chết chứ không bao giờ ăn thịt bò”.

Tại bang Madhya Pradesh, người ta đã đưa vào cái thử nghiệm gọi là “nền kinh tế bò”. Thậm chí các công sở ở thủ phủ Bhopal của bang cũng phải có chuồng bò. Chính phủ Ấn Độ hiện nay do đảng Quốc Đại cầm đầu đang theo đuổi một đường lối khá thực dụng.

Tuy không dám đụng đến linh vật của Hindu giáo, nhưng họ chỉ trừng phạt nhẹ tội giết mổ bò và nhắm mắt làm ngơ trước tội mổ trâu.

Đối với anh thợ sữa chữa ôtô Udaibir Singh, bò sữa không chỉ là loài vật linh thiêng mà còn là một nguồn phụ thu thực sự. Anh hiện đang chăn thả hai con bò sữa. Tuy mỗi “cô” bò chỉ còn da bọc xương chỉ cung cấp mỗi ngày không quá 12 lít sữa, nhưng thế cũng là quá đủ cho một nhà đông con như gia đình anh.

Cách đây 1 năm, Singh được yêu cầu hoặc phải bán đôi bò, hoặc cùng chúng chuyển về sinh sống ở ngoại ô. Thợ sửa ô tô Singh không nghĩ đến chuyện chuyển ra ngoại ô sinh sống và nói đây là một hành động “chống lại những người nghèo”.

Anh nói: “Trên lý thuyết, tôi cũng muốn New Dehli sạch đẹp như Singapore. Nhưng trên thực tế, tôi phản đối việc loại những con bò ra khỏi cuộc sống hàng ngày ở New Dehli”.

Thủ đô Ấn Độ sắp sạch bóng... Bò: Kế hoạch di chuyển đàn bò ra khỏi New Dehli

Đối với các tín đồ Hindu giáo, bò là một loài linh vật. Từ lâu, đàn bò thả rông đã trở thành một bộ phận “cư dân” quen thuộc của New Dehli. Chỉ có điều chúng ngày càng trở thành những kẻ gây rối ở thủ đô New Dehli.

Du khách không chỉ gặp chúng ở lối ra vào khu chung cư mà còn thấy chúng chạy rông trước các khách sạn sang trọng, nằm chềnh ềnh trên vạch phân cách... Chúng cũng nhẫn nại di chuyển từng bước ngay trong tình trạng ùn tắc giao thông.

Các cư dân New Dehli thường xuyên kiện chủ của chúng về tội phóng uế bừa bãi và cản trở giao thông. Họ nhiều lần đòi chính quyền thành phố sơ tán toàn bộ số bò ra khỏi thành phố.

Quyết định biến thủ đô New Dehli thành một thành phố không có bò thả rông của chính quyền là rất nghiêm túc. Để duy trì cuộc sống của các chủ trại nuôi bò công nghiệp và 2.700 người nuôi bò sữa tại gia, chính quyền New Dehli sẽ mở một trung tâm vắt sữa bò ở ngoại ô thủ đô. Ở đó người ta được phép nuôi vài ba con bò và có thể thuê đất để chăn thả.

Cách đây hai năm, thủ đô New Dehli có tới 35.000 con bò. Kể từ khi chương trình “sơ tán” bò có hiệu lực, số bò thả rông đã giảm đáng kể. Tại quận Pillange, nơi anh thợ sữa chữa ôtô Singh cư trú, hiện chỉ còn có 400 con bò, giảm đáng kể so với con số 3.000 trước đó.

Rakesh Meheta – quan chức chỉ đạo Chương trình di dời bò khỏi nội đô – cho biết hiện thời nội thành New Dehli chỉ còn 7.000 con bò, và tuyên bố chính quyền thành phố quyết tâm đưa toàn bộ đàn bò ra khỏi nội đô trong vòng vài tháng tới.

Meheta hiện đang chỉ huy đội đặc nhiệm gồm 100 người chuyên thu gom đám bò thả rông. Đội quân của ông có tới 12 chiếc xe thu gom bò và liên tục “càn quét” đường phố New Dehli từ sáng sớm đến tối mịt.