Tại sao nên chấp nhận hôn nhân đồng giới

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

  1. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959
  2. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986
  3. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
  4. Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13

NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Quan hệ vợ chồng được thừa nhận trên cơ sở kết hôn, bởi lẽ, hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa một người nam và một người nữ, sự liên kết này phải được thừa nhận bằng một hình thức pháp lý mà thông qua đó Nhà nước thừa nhận bằng một hình thức pháp lý - đăng ký kết hôn. Theo pháp luật Việt Nam, việc thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ phải được thực hiện thông qua việc đăng ký kết hôn. Mọi nghi thức kết hôn khác không tuân thủ quy định về đăng ký kết hôn đều không được pháp luật công nhận. Điều đó có thể khẳng định kết hôn là sự kiện pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo trình tự thủ tục luật định, nhằm công nhận các bên kết hôn là vợ chồng. Không phải bất kì ai cũng có thể đăng ký kết hôn mà phải thỏa mãn các điều kiện về kết hôn mà pháp luật quy định thì họ mới được kết hôn. Việc kết hôn sẽ không được coi là hợp pháp nếu thiếu một trong các sự kiện hoặc hành vi dẫn đến việc kết hôn đó có giá trị pháp lý. Theo đó, tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.

Việc hai người cùng giới tính kết hôn và chung sống với nhau, tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là “cấm” không được phép thực hiện, nếu cố tình thực hiện thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Nhưng đến Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại khoản 2 Điều 8: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. “Không thừa nhận” nghĩa là không cấm nhưng cũng không công nhận họ là vợ chồng về mặt pháp lí. Những người đồng giới có thể tổ chức đám cưới, tiệc cưới công khai, công khai chung sống với nhau như vợ chồng nhưng họ không được đăng ký kết hôn, không được hưởng các quyền lợi như những cặp vợ chồng bình thường khác. Và khi Luật mới năm 2014 được thông qua, có hai quan điểm trái chiều về việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, đó là:

Quan điểm thứ nhất đồng ý với việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Họ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Nhà nước ta chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng trong Luật Hôn nhân và gia đình cần phải có các quy định để một mặt góp phần ngăn ngừa thái độ kỳ thị đối với những người cùng giới tính, mặt khác, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ về tài sản và con [nếu có] trong trường hợp họ sống chung với nhau như vợ chồng. Bởi vì, đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…. có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội. Thực tế cho thấy, vấn đề kết hôn giữa những người đồng tính là một vấn đề diễn ra phổ biến, công khai hiện nay. Tình trạng những người đồng tính, song tính, chuyển giới khi lấy nhau đã bị xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí xa lánh họ, coi đó là một hiện tượng bất thường cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Chính vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về vấn đề này để giảm bớt hiện tượng xấu trong xã hội, đó là điều hợp lý, phù hợp với thực tế xã hội.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Luật quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam cũng như mục đích của việc kết hôn. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Mỗi quan điểm đều có lập luận hợp lý. Không thể phủ nhận rằng số người đồng tính bẩm sinh có nhu cầu luyến ái là một nhu cầu thực tế, nếu ngăn cản họ thì hạn chế quyền tự do cá nhân của họ, mà đồng tính luyến ái không phải là tệ nạn, cũng không gây hậu quả xấu cho xã hội khi họ kết hôn. Tuy nhiên, trong một xã hội truyền thống như Việt Nam, việc chấp nhận hôn nhân đồng giới tại thời điểm này là một khó khăn. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đối với những người đồng giới pháp luật không cấm việc chung sống với nhau của những người đồng tính, nhưng pháp luật cũng không thừa nhận họ là vợ chồng, nhằm đảm bảo đạo đức, phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc.

Theo quan điểm của bản thân, em đồng ý với việc Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Quy định như vậy là hợp lý, phù hợp với xã hội hiện nay. Đồng tính không phải là một căn bệnh, người đồng tính cũng như những người bình thường khác, họ cũng cần phải được hưởng các quyền công dân, quyền cơ bản của con người, được thực hiện các quyền lợi của mình. Nhưng do quan điểm truyền thống, đạo đức của người Việt Nam việc chung sống như vợ chồng của những người cùng giới tính là trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, tuy nhiên trên thực tế, dù cấm hay không cấm thì những cặp đồng tính họ vẫn chung sống như vợ chồng với nhau, pháp luật không thể can thiệp và xử lý hết tất cả các trường hợp này, xã hội ngày càng phát triển và thay đổi, con người cũng phải dần thay đổi theo xã hội đó, để sớm thích nghi với xã hội mới, như vậy thì xã hội mới ngày càng phát triển, văn minh, lành mạnh hơn. Với quan điểm của người Việt Nam thì cái gì mà càng cấm thì họ càng làm, không cấm thì cũng chẳng sao, cứ cấm thì họ cảm thấy mình bị phân biệt đối xử khác với người bình thường, họ càng khó chịu và có những hành vi chống đối xã hội gây ra những tệ nạn xã hội không đáng có… Bên cạnh đó, trên nhiều nước trên thế giới hiện nay đã có nhiều quốc gia thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính như Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Pháp…dẫn đến việc những người đồng tính Việt Nam sẽ cảm thấy rằng mình không được bình đẳng như những người bình thường khác, không được tôn trọng, thậm chí còn bị xa lánh mà các nước khác lại thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới, điều này gây nhiều áp lực cho cả cơ quan có thẩm quyền và cho nhiều người dân, cảm thấy không biết nên làm gì cho đúng, cho phù hợp với xã hội. Vậy thì tại sao lại cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính?

2. Sự phù hợp của quy định không công nhân hôn nhân giữa những người cùng giới tính:

Trước hết, xã hội Việt Nam đã và đang biến đổi không ngừng với muôn vàn sự đa dạng, trong đó những giá trị văn hóa cũng biến đổi theo tự nhiên, quan điểm về thuần phong mỹ tục cũng đã có sự thay đổi về nội hàm. Vì vậy, trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, đến giai đoạn hiện nay chúng ta nên chấp nhận sự đa dạng của các kiểu loại gia đình thay cho hình ảnh nhất thể hóa về kiểu, loại, cấu trúc của gia đình truyền thống. Đối với cộng đồng người đồng tính, theo kết quả khảo sát năm 2012 của Trung tâm bảo vệ quyền người đồng tính, song tính và chuyển giới [ICS] thực hiện đối với 2.000 người đồng tính ở Việt Nam đã cho kết quả cụ thể: 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn; 25% muốn được chung sống có đăng ký; 4% muốn được sống chung không có đăng ký.

Do áp lực gia đình, xã hội nên nhiều người đồng tính phải kết hôn với người khác giới nhưng sự bền vững của hôn nhân không có tình yêu, không có sự thích thú, không muốn quan hệ tình dục, đưa đến nhiều hệ lụy cho mọi thành viên trong gia đình hình thức đó như: vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc, không có con cái, rồi dẫn đến hôn nhân tan vỡ, ly hôn. Làm cho hôn nhân không thực hiện được các chức năng của nó là: chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục và chức năng kinh tế. Hơn nữa, hôn nhân đồng giới không ảnh hưởng đến phát triển dân số và không ảnh hưởng xấu đến trật tự chung của cồng đồng, ngược lại còn mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới và hòa hợp xã hội…, sửa đổi luật theo hướng không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nghĩa là những người cùng giới tính vẫn được kết hôn với nhau, được chung sống với nhau, họ không bị coi là vi phạm pháp luật nhưng quyền và lợi ích giữa họ không được pháp luật thừa nhận là quyền lợi nghĩa vụ của vợ chồng với nhau như các cặp vợ chồng khác giới. Họ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như các cặp vợ chồng khác giới [theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính]. Đây cũng là điều phù hợp trên thực tế hiện nay.

Thứ hai, không thừa nhận quyền kết hôn của người đồng tính với nhau không có nghĩa là vi phạm quyền con người. Bởi lẽ, quyền con người là quyền mang lẽ tự nhiên, cá thể, nhưng nếu quyền con người muốn được thừa nhận và điều chỉnh bằng pháp luật thì đòi hỏi phải bảo vệ nó trong một trật tự chung hợp pháp. Điều này có nghĩa có những quy định cho phép, thừa nhận trong pháp luật cũng là bảo đảm quyền con người nhưng có những quy định không cho phép hay cấm đoán trong pháp luật cũng là nhắm tới thực hiện mục đích bảo đảm quyền con người. Hai cá thể trong xã hội muốn được pháp luật cho phép kết hôn trở thành vợ chồng, phát sinh một quan hệ hôn nhân có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau nhất thiết phải là hai người khác giới – đó là quy định mang tính đặc thù để phân biệt với mối quan hệ chung sống của hai người đồng giới và cũng là cơ sở pháp lý để phân biệt khi xây dựng cơ chế pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ khác biệt này.

Thứ ba, quan hệ hôn nhân truyền thống – hôn nhân giữa hai người khác giới với nhau, bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ cho nhau họ còn thực hiện một trọng trách rất lớn đối với nhà nước, cộng đồng và xã hội là duy trì nòi giống thông qua việc thực hiện chức năng sinh đẻ. Khi định danh cho các chủ thể trong mối quan hệ hôn nhân là người nữ được gọi là vợ – người sẽ thực hiện chức năng sinh đẻ theo lẽ tự nhiên trong mối quan hệ vợ – chồng. Điều này những người đồng tính khi thiết lập quan hệ với nhau không thể thực hiện được. Dẫu rằng việc thực hiện chức năng sinh đẻ không phải là nghĩa vụ bắt buộc của các cặp vợ chồng khác giới nhưng đó là đặc thù về lợi ích mà họ đem lại cho cộng đồng, xã hội và nhà nước mà các cặp đồng tính khi chung sống với nhau dù muốn cũng không thể thực hiện được. Và như vậy, khi các cặp đồng tính không có khả năng đem lại cho nhà nước, cho cộng đồng và xã hội những lợi ích hoàn toàn giống như những cặp khác giới thì không thể đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối về cơ chế pháp lý như đối với các cặp hôn nhân khác giới. Vì vậy, trên phương diện đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội và mục đích bảo đảm quyền con người đối với những người đồng tính, pháp luật không công nhận mối quan hệ của hai người đồng tính là quan hệ vợ chồng nhưng pháp luật không cấm họ yêu thương nhau, cùng nhau thiết lập và xây dựng các mối quan hệ gia đình.

Thứ tư, việc cấm kết hôn giữa những người đồng tính như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, làm sâu sắc hơn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người đồng tính trong xã hội. Điều này có thể dẫn đến hậu quả xấu về mặt xã hội, vì hầu hết những người đồng tính phải tìm kiếm bạn tình một cách lén lút, tùy tiện để giải quyết nhu cầu, họ phải che giấu khuynh hướng tình dục, sẽ khó tiếp cận với các dịch vụ y tế để hưởng một đời sống tình dục an toàn, đây cũng là mầm mống gây bệnh tật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ, gia đình họ và cả xã hội. Do đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính giúp xã hội bớt cái nhìn định kiến đối với những người đồng tính, tạo ra cái nhìn đúng đắn của xã hội với người đồng tính, cảm thông, chia sẻ với họ, bớt áp lực cho họ và người thân của họ, cũng như giảm bớt những hậu quả xấu có thể xảy ra cho xã hội.

Thứ năm, trên thế giới hiện nay, có tổng cộng 14 quốc gia và 23 vùng lãnh thổ chấp nhận hôn nhân đồng tính như: Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Pháp, 10 Bang của Hoa Kỳ, …, 18 quốc gia và 17 vùng lãnh thổ chấp nhận người đồng tính chung sống dưới hình thức kết hợp dân sự như: Andorra, Bỉ, Brazil, Colombia, Cộng hòa Séc, Ecuador, Phần Lan, Đức, Hunggary, Ireland, Thụy sỹ, Vương quốc Anh…, có 03 quốc gia chấp nhận người đồng tính sống chung không có đăng ký; và có trên 80 nước xem đồng tính là tội phạm ở các mức độ khác nhau. Theo báo cáo khoa học từ tổ chức y tế thế giới [WHO] người có thiên hướng đồng tính chiếm khoảng 3% dân số. Tỷ lệ này nếu áp dụng ở Việt Nam dự tính cả nước sẽ có khoảng 2,5 triệu người đồng tính, thế nên dẫn đến tình trạng nếu nhà nước cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính có thể gây ảnh hưởng xấu đến đời sống bình thường của nhiều người dân, bất bình đẳng sẽ diễn ra, gây bức xúc trong xã hội…Như vậy, việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính là phù hợp với thực tế, phù hợp với xã hội hiện nay.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là hoàn toàn phù hợp với tình hình xã hội hiện nay, phù hợp với lòng dân, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

3. Một số hạn chế của quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính:

Việc không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính có nghĩa là nhà nước không cấm những người đồng tính kết hôn, không cấm họ tổ chức đám cưới, không cấm họ chung sống như vợ chồng, chỉ là việc kết hôn đó không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, cũng như không được Nhà nước thừa nhận hôn nhân có hiệu lực pháp lý. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có quan điểm cho rằng nên cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Những người theo quan điểm này chủ yếu dựa trên nguyên tắc bảo vệ các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Họ cho rằng bên cạnh những người đồng tính bẩm sinh thì trong xã hội còn nhiều người do ảnh hưởng a dua, đua đòi, theo trào lưu, muốn sống thử với cảm giác mới. Vì vậy, nếu quy định như vậy, tình trạng sống chung như vợ chồng của những người đồng tính sẽ ngày một tăng lên nhanh chóng. Điều này làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta.

Bên cạnh đó, vẫn còn bộ phận người kỳ thị hay sợ hãi đối với những người đồng tính. Họ chỉ cần thấy hoặc nghe thấy “người đồng tính” thì đã xa lánh, sợ hãi và bỏ chạy. Chỉ là một người đồng tính như vậy đã bị xa lánh, nếu cho những người đồng tính chung sống với nhau thì những người đồng tính đó ngày càng bị kỳ thị nhiều hơn và càng bị mọi người xa lánh, vì họ cảm thấy như vậy là ghê tởm, là xấu xa, những người như vậy nên tránh xa. Vì vậy, chắc chắn một điều rằng những người đó sẽ không thể chấp nhận việc Nhà nước không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Việc không thừa nhận hôn nhân cũng có thể dẫn đến một số hệ lụy xã hội. Một là, sẽ khó ngăn chặn được hiện tượng những người bình thường về giới tính lợi dụng để có quan hệ đồng tính vì mục đích xấu do y học không dễ dàng phân biệt được các trường hợp này. Hai là, khi trong thời kỳ “hôn nhân”, họ cùng chung sức tạo ra tài sản chung, đến khi chia tay, nếu có tranh chấp thì sẽ phân xử như thế nào? Hoặc nếu họ nhận nuôi con nuôi, ghi tên cha mẹ ở đây ra sao? Đây cũng là vấn đề rất phức tạp đối với các nhà làm luật.

Về mặt thực tế thì những hạn chế trên vẫn đang diễn ra rất phổ biến ở nhiều người dân, ai cũng quan điểm thấy người đồng tính là ghê tởm, sợ hãi, xa lánh, nhưng không ai hiểu được cảm nhận của những người đồng tính, họ cũng là con người, cũng cần có các quyền cơ bản của con người, cũng phải được tôn trọng và được làm những việc mà mình muốn, miễn sao mình cảm thấy hạnh phúc và không ảnh hưởng đến người khác, kết hôn cũng là chuyện bình thường như bao người, tại sao hôn nhân giữa những người đồng tính lại không thừa nhận? Khi phản đối quy định của pháp luật mà chỉ dựa vào chính cảm nhận nhất thời của bản thân mà không nghĩ đến cảm nhận của những người đặt trong hoàn cảnh đó thì sẽ không thể hiểu được họ đang nghĩ gì và muốn gì? Cái gì cũng có sự bắt đầu khó khăn, gian khổ, nhưng sau đó dần dần mọi người sẽ thích nghi được với nó, làm cho xã hội phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, quan hệ giữa người với người trong xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Theo đó, mỗi người nên mở rộng lòng mình hơn để chấp nhận những người đồng tính trong xã hội như những người bình thường khác để họ sớm hòa nhập với xã hội.

4. Tình trạng chung sống như vợ chồng giữa những người đồng tính ở Việt Nam hiện nay:

4.1 Thực tiễn:

Trên thực tế, trong xã hội nước ta hiện nay hiện tượng đồng tính không còn bị miệt thị, khinh bỉ hay xa lánh như trước, người đồng tính đã sẵn sàng công khai giới tính thật của mình và chung sống với nhau như vợ chồng. Theo thống kê từ năm 2007 thì tại Hà Nội có khoảng 10.000 đồng tính nam, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 20.000 người.

Những năm gần đây, hiện tượng chung sống như vợ chồng giữa những người đồng tính, chuyển giới ngày càng nhiều và họ ngày càng công khai quan hệ. Gần đây, đám cưới của nhà thiết kế được các sao Việt ưa chuộng - Adrian Anh Tuấn [một người hoạt động trong showbiz Việt] chính thức tổ chức lễ cưới cùng bạn trai - Sơn Đoàn, hiện đang làm kinh doanh [Mỹ]. Vào chiều 24/01/2015 tại một resort lãng mạn bên bờ biển Nha Trang [tỉnh Khánh Hòa]. Được biết, đây là đám cưới đồng giới công khai đầu tiên ở Việt Nam, sau khi Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi [áp dụng từ 1/1/2015], theo đó bãi bỏ việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Ngày 14/02/2015 là cặp đôi đồng tính yêu nhau đã 12 năm, đôi bạn trẻ Tăng Ái Linh [SN 1979] và Phạm Thị Thanh Phương quyết định đi đến hôn nhân vào đúng ngày lễ Tình yêu năm 2015 với một lễ cưới ấn tượng trên độ cao 12.000 mét và kỳ trăng mật trên đất Thái Lan. Và còn rất nhiều đám cưới giữa những người đồng tính đã xảy ra ở Việt Nam trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực như tiệc cưới của hai đồng tính nam là Trương Văn Hiên và Nguyễn Hoàng Quốc Bảo ngày 16/05/2012 tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; đám cưới của hai chàng trai là Nguyễn Trường Minh [31 tuổi] và Nguyễn Quốc Dũng [25 tuổi] vào ngày 07/05/2014 ở Phường 3, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang …

Hiện nay, quan điểm về kết hôn cùng giới tại Việt Nam khá đa dạng với nhiều mức độ khác nhau. Thời gian qua các khảo sát xã hội học về quan điểm liên quan đến quyền kết hôn của người đồng tính đã được thực hiện khá nhiều với nhiều hình thức khác nhau. Hình thức khảo sát qua mạng về hôn nhân cùng giới gần đây cho kết quả ủng hộ khá cao. Khảo sát do Báo Vnexpress vào tháng 6 năm 2012 trong số 3.417 người được hỏi, có 2.756 người chiếm 80.7% cho rằng nên ủng hộ quyền kết hôn của người đồng tính, 328 người chiếm 9,6% phản đối kịch liệt, 280 người chiếm 8.2% không quan tâm và chỉ có 53 người chiếm 1.6% có ý kiến khác. Đến tháng 7 năm 2012, khi tiếp tục khảo sát ý kiến về vấn đề này, Vnexpress thu được kết quả: 13.702/22.430 người chiếm 61.1% cho rằng nên công nhận hôn nhân đồng tính, còn lại 8.728/22.430 người chiếm 38.9% cho rằng không nên công nhận.

Tương tự như vậy, một khảo sát khác của Báo Người lao động điện tử trong tháng 7/2012 cũng thu được kết quả cho thấy có 3.921 người chiếm 86% đồng ý nên cho phép hôn nhân đồng tính, 305 người chiếm 6.69% cho rằng không nên vì trái văn hóa, truyền thống người Việt, còn lại 335 người chiếm 7.31% cho rằng cần thận trọng vì trình độ nhận thức của người dân về đồng tính còn hạn chế.

4.2 Nhận định:

Như vậy, có thể thấy rằng, tình trạng chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính ở Việt Nam ngày càng gia tăng và số người dân ủng hộ hôn nhân giữa những người cùng giới tính cũng ngày một nhiều hơn. Điều này cho thấy, việc quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” là hoàn toàn phù hợp với tình hình xã hội.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề