Thái độ của học sinh đối với người có hiv?

Tình hình nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng cao. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cũng diễn ra hàng ngày trong cộng đồng. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do một số người chưa hiểu về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Bác sĩ đang tư vấn cho người nhiễm HIV [ảnh minh họa]. Ảnh: T.L

HIV/AIDS chỉ lây qua 3 đường chính: đường máu, đường tình dục, mẹ truyền sang con. Ngoài ra, HIV/AIDS không lây qua các tiếp xúc thông thường khác như: ở chung nhà, dùng chung nhà vệ sinh, tắm chung bể bơi, ngủ chung, bắt tay, ôm hôn, ăn cơm chung Và muỗi đốt cũng không làm lây nhiễm HIV.

Hiện nay, nhận thức về bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người khi nhắc đến HIV/AIDS vẫn quan niệm đó là tệ nạn xã hội nên đã có thái độ coi thường, xa lánh người nhiễm bệnh. Thực tế cho thấy, một số người bị nhiễm HIV không phải do tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục bừa bãi, mà do những nguyên nhân khác [lây từ chồng sang vợ, rủi ro].

Vì vậy, thái độ khinh thường hoặc phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là vô tình đưa tỷ lệ lây nhiễm HIV ngày càng tăng. Đồng thời đẩy những người nhiễm HIV vào con đường cùng, đưa họ đến với tâm trạng cô đơn của cuộc sống. Bởi, họ sợ mất đi sự thương yêu của người thân, gia đình, bè bạn; khi bước chân ra đường, họ sợ gặp phải những ánh mắt xa lánh của lối xóm xung quanh. Từ đó, đa số họ không dám đối mặt với bệnh tật, không ai dám đi xét nghiệm trước khi kết hôn, trước khi sinh con. Đa phần là khi đến giai đoạn cuối của căn bệnh AIDS họ mới đi xét nghiệm. Và lúc ấy đã quá muộn.

Các nghiên cứu ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn rất nặng nề dưới nhiều hình thức như: xa lánh, cô lập, không nhận làm việc, cho thôi việc Sự kỳ thị và phân biệt đối xử không những chỉ ở người bị nhiễm HIV, mà còn cả với người thân, gia đình họ, và tồn tại ở mọi nơi: gia đình, cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, nơi công cộng

Luật Phòng chống HIV/AIDS ghi rõ, người nhiễm HIV có quyền được sống, học tập, làm việc như bao người khác. Người nhiễm HIV/AIDS vẫn có thể sống chung với gia đình, cộng đồng do HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường [như đã nêu trên]. Vì vậy, chúng ta không nên sợ hãi, xa lánh họ. Gia đình và cộng đồng hãy quan tâm, động viên, khuyến khích, giúp đỡ để họ xóa đi mặc cảm mà hòa nhập với cộng đồng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS đóng góp công sức trong lao động, sản xuất, hoạt động phòng chống HIV/AIDS khi họ còn khả năng.

Sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ của mọi người sẽ góp phần giúp người nhiễm HIV/AIDS sống vui vẻ, thoải mái về mặt tinh thần, cải thiện được tình trạng sức khỏe, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV và giảm tỷ lệ chết trẻ. Đồng thời người có HIV thực hiện quyền của mình như: được học tập, làm việc, lao động. Từ đó, ngoài việc lo cho cuộc sống bản thân, người nhiễm HIV còn góp phần giúp ích cho gia đình và xã hội.

Khi ngày càng có nhiều người thực hiện thông điệp Hãy gần gũi, quan tâm, an ủi, chăm sóc và hết lòng thương yêu người nhiễm HIV, chắc chắn trong tương lai sẽ dần hạn chế sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng một cách có hiệu quả nhất.

LÊ DIỄM KIỀU

Video liên quan

Chủ Đề