Thất dạ tuyết review

Cuộc đời buồn bã như thế này, sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn?
[Trịnh Công Sơn]

Bài viết này không phải là review hay cảm nhận khách quan về Thất dạ tuyết của Thương Nguyệt, nó chỉ là cảm nhận của riêng một mình tôi, là Thất dạ tuyết trong lăng kính chủ quan của một mình tôi. Đúng vậy, mặc dù biết cách đọc này sẽ là bất công với Thương Nguyệt, nhưng tôi lại chẳng thể ngăn mình xem Thất dạ tuyết như là khúc vĩ thanh của Vân trung ca, với những nhân vật giống như là sinh mệnh kéo dài của Mạnh Giác và Vân Ca. Có thể nói, tình yêu của tôi với Thất dạ tuyết không phải nằm ở chất kiếm hiệp hào hùng của nó, cũng chẳng phải bởi những dòng văn thanh lệ, ưu nhã, đầy chất duy mỹ của Thương Nguyệt, mà chủ yếu, là bởi câu chuyện của chị đã giúp tôi giải tỏa những ẩn ức, những xót xa mà từ khi khép Vân trung ca lại, tôi vẫn chẳng thể thoát ra.
Nhân vật chính Tiết Tử Dạ, nữ thần y mẫn tuệ, y thuật phi phàm, 12 năm ôm ấp khát vọng nâng cao y thuật để hồi sinh Tuyết Hoài, chàng trai của mối tình đầu trong sáng, người đã dồn chút hơi ấm cuối cùng của mình để giữ gìn sự sống cho cô khi cả hai vì bị truy sát mà ngã xuống sông băng, để rồi vĩnh viễn nằm lại đó, vĩnh viễn 16 tuổi. Tình yêu với Tuyết Hoài là lẽ sống của Tử Dạ, nó tồn tại dai dẳng như là chấp niệm của nàng, chốn nương náu cuối cùng của nàng giữa vô vàn đêm tuyết thê lương lạnh lẽo. 12 năm, mỗi lúc cô đơn tột cùng, khát khao hơi ấm, nàng lại chạy đến bên hồ băng kia nhìn gương mặt như đang say ngủ của người xưa, nói với chàng những câu chuyện không đầu không cuối. Chàng, là giấc mơ của nàng, là nguồn cơn khát vọng cùng chấp mê bất ngộ của nàng. Kể cả đến giây phút hấp hối, ánh sáng nàng nhìn thấy trong mộng ảo cũng là ánh sáng xán lạn của Bắc cực quang trong lời hẹn ước ngày xưa.
Tôi thấy trong Tiết Tử Dạ hình bóng của Vân Ca. Tình yêu dai dẳng, nỗi cô đơn cùng giấc mộng bất tận của nàng khiến tôi nhớ đến hình ảnh Vân Ca bên bến Vị Hà, khi nàng quyết một mình đi du sơn ngoạn thủy với hình bóng Phất Lăng ở trong tim, khi nàng nói với Mạnh Giác “Đời này kiếp này ta không thể quên được Lăng ca ca”. Tôi vẫn nghĩ, khi Vân Ca từ chối cho Mạnh Giác theo cùng, em không chỉ từ chối cơ hội hạnh phúc của nhân vât tôi yêu, em còn từ chối cơ hội hạnh phúc hiếm hoi của chính em. Gấp trang sách lại, tôi vẫn không thôi ám ảnh về em- đôi mắt “nhuộm dần phong sương, chất chứa sầu bi, giống như hồ nước cuối mùa thu, liếc mắt nhìn thoáng qua thì là hồ nước ngày xuân độc nhất vô nhị, nhưng nhìn kỹ hơn, mới phát giác màu xanh trong vắt như thế không phải là tháng ba ấm ấp, vạn vật sinh sôi, mà là tháng mười lạnh lẽo, thiên địa tiêu điều”. Tôi đau lòng với kết cục ấy. Nhiều lúc tôi tự hỏi em sẽ làm thế nào để một mình bước tiếp trên đường trần dằng dặc này. Em sẽ mang trong ngực một trái tim đã chết mà đi hết trăm năm hay sao? Cuộc gặp gỡ của Tiết Tử Dạ với Hoắc Triển Bạch, vì thế, giống như niềm an ủi cho tôi.
Hoắc Triển Bạch, nếu so sánh với công tử, thì cả vẻ bề ngoài và tính cách, hầu như không có điểm nào giống cả, chỉ có một điểm giống duy nhất: y cũng mang trong lòng một tình yêu đến thành chấp niệm với Thu Thủy Âm, mối tình thanh mai trúc mã của y. Vì người con gái ấy, suốt 8 năm trời, y vào sinh ra tử, lăn lộn giữa trường gió tanh mưa máu để kiếm về những dược vật mà cả giang hồ tranh đoạt, chỉ để cứu sống Mạt Nhi, đứa con mệnh yểu của nàng với một gã đàn ông khác. Suốt 8 năm ròng, y đuổi theo trong vô vọng tiếng cười của người con gái năm xưa. Khi thần trí y mê man vì những vết thương quá nặng thì giấc mộng của y vẫn chỉ vang vọng tiếng cười, tiếng gọi của nàng “Đuổi theo muội đi… Bắt được muội muội sẽ gả cho huynh đó”. Nỗi thống khổ của y trong gương mặt vặn vẹo vì đau đớn cũng có nguồn cơn từ ánh mắt trách móc và chất đầy thù hận của nàng.
Nhiều bạn đọc nói rằng họ ghét Hoắc Triển Bạch bởi sự yếu đuối, mù quáng, thiếu cương quyết của y. Tôi không ghét Hoắc Triển Bạch, tôi chỉ thấy y đáng thương và đáng trọng.
Tình cảm giữa Hoắc Triển Bạch và Tiết Tử Dạ tôi không biết nên gọi tên là gì, là tình thân, hay tình tri kỉ, hay tình yêu, hay là sự hòa trộn của cả ba thứ ấy. Nó bắt nguồn từ sự thấu hiểu của hai kẻ cùng mang bản chất cố chấp, cùng bị ám ảnh bởi giấc mộng quá khứ mà không ai muốn thoát ra.
Với Hoắc Triển Bạch, suốt 8 năm ròng hắn bôn ba chém giết, Dược Sư cốc là bờ bến duy nhất cho gã trở về. Suốt tám năm, gã bất chấp tất cả đi liều mạng, mỗi lần xông qua chiến trường đầy thịt tanh mưa máu, nàng đều đứng ở cuối đường máu ấy đợi chờ…. “Có người đang gọi gã… ở nơi tận cùng của bóng đêm, có người đang gọi gã, yên tịnh mà dịu dàng”.
Với Tử Dạ, tám năm ấy, dần dần ngày gã xuất hiện đã trở thành ngày duy nhất mà nàng cảm thấy có chút mong ngóng trong suốt cả năm – dù là hầu như lần nào nàng và gã cũng chỉ đấu khí, đấu khẩu và đấu tửu. Gã trở thành điểm sáng duy nhất trong cuộc sống ảm đạm, khô khan, tẻ ngắt của nàng.
Từ nhiều năm nay, hai người quyến luyến lẫn nhau, dựa dẫm vào nhau, mỗi lần cô độc và đau khổ lại muốn đến bên đối phương tìm kiếm cảm giác ấm áp.
Tình cảm của Triển Bạch và Tử Dạ không mang dáng dấp của những tình yêu thường được ngợi ca trong truyện kiếm hiệp, thứ tình yêu gắn với những cái cao cả, tựa như sẵn sàng hi sinh mạng sống vì nhau. Nó bình dị, ấm áp, đời thường, nó giống với cảm giác nương tựa, giống với tình thân, nó khiến tôi nhớ đến một tên truyện, tuy rằng nội dung truyện tôi chưa kịp đọc, nhưng lại rất thích cái tiêu đề: “Nơi nào củi gạo không vương khói bếp?”.
Tôi rưng rưng, khi Đêm tuyết ấy, dưới gốc mai, bên vò Tiếu hồng trần, hai con người cô đơn ấy đã chữa lành cho nhau những vết thương lòng.
“Gã nằm lặng lẽ, lòng tràn ngập một cảm giác yên bình đã lâu lắm rồi chưa có.
Đó là sự bình yên và chắc chắn mà suốt 8 năm chỉ biết bôn ba khắp nơi cùng những trận huyết chiến kinh thiên động địa gã cơ hồ quên mất. Trăng sáng năm nào cũng lên, hoa tuyết năm nào cũng rơi, nhưng gã chưa lần nào để ý. Sinh mệnh đáng lẽ ra phải bình yên và đẹp đẽ như vậy, nhưng rốt cuộc vì điều gì mà gã mãi vẫn đắm chìm trong quá khứ xa xôi và không thể tự thoát ra được?”
“Cuộc đời là một gánh nặng, cả gã và nàng đều đã quá mệt mỏi, vậy thì tại sao không dừng lại giây lát, đối ẩm một đêm? Trong kiếp phù sinh này, tất cả đều chỉ là hư ảo, đều không vĩnh cửu, đều không thể dựa dẫm, tất cả rồi cũng đều thay đổi, cho dù là tình yêu sâu đậm nhất rồi cũng sẽ không thể chống lại nổi sự bào mòn của thời gian.
Duy chỉ có hơi thở của người bên cạnh lúc này là chân thực, duy chỉ có cảm giác ôm nhau giữ hơi ấm trong đêm này là chân thực .
Khi còn thiếu nữ, tôi vẫn tôn thờ cái gọi là tình yêu vĩnh cửu, mà không nhận ra rằng, hóa ra, sự vĩnh cửu ấy, đôi khi, cũng lại khiến đời người thực mệt mỏi. Và để có thể phá bỏ chấp niệm trong lòng, vươn tay ra với hạnh phúc, con người ta cũng rất cần một thứ dũng khí khác, bên cạnh dũng khí để duy trì một tình yêu thiên trường địa cửu: dũng khí để thỏa hiệp và từ bỏ.
Dẫu rằng đến cuối cùng, Tử Dạ và Triển Bạch là Sâm Thương vĩnh cách, dẫu cuối cùng người ôm nàng chạy như điên loạn trên đồng tuyết mênh mông kia không phải là Triển Bạch, dẫu vì sự trì néo của tình nghĩa và sự trớ trêu của định mệnh, hai con người ấy lại một lần nữa lỡ hẹn cùng hạnh phúc, nhưng tôi vẫn thấy ấm áp trong lòng. Bởi cái quan trọng là họ đã có thể từ bỏ quá khứ, cũng có nghĩa là đã sẵn sàng cho một sự khởi đầu mới, chứ không phải chết chìm trong bóng tối của chấp niệm kia.
Công tử, một ngày nào đó, công tử cũng sẽ gặp được Tiết Tử Dạ của đời mình, có phải vậy không?
Vân Ca, một ngày nào đó, em cũng sẽ gặp được Hoắc Triển Bạch của đời mình, có phải vậy không?

Chủ Đề