Tiết học của Ác Quỷ ebook

Kishi Yusuke [sinh năm 1959] là thành viên Hội nhà văn trinh thám Nhật Bản và CLB nhà văn trinh thám Honkaku. Tốt nghiệp ngành Kinh tế của đại học Kyoto, sau một thời gian làm cho một công ty bảo hiểm [có lẽ đây là nguồn tư liệu cho cuốn Nhà đen sau này], ông bắt đầu nghiệp viết tự do từ khoảng năm 30 tuổi. Đề tài của ông chủ yếu phản ánh mặt tối trong nhân cách con người, những gì xấu xa nhất, điên cuồng nhất ẩn trong vẻ ngoài bình dị, trong sáng, thậm chí là có vẻ rất tốt đẹp của mỗi người [theo kiểu Natsuo Kirino, Ryu Murakami…cho bạn nào đã đọc dễ liên hệ].

Các tác phẩm của Kishi Yusuke đã phát hành tại Việt Nam gồm:

– Nhà đen [The Black House – Kuroi le, 1997], đạt giải tiểu thuyết kinh dị Nhật Bản lần thứ 4 năm 1997, Nguyệt Phùng dịch, IPM phát hành 2016.

– Mê cung đỏ [The Crimson Labyrinth – Kurimuzon no Meikyu, 1999], Trịnh Lê Thu Trang dịch, IPM phát hành 2016.

– Từ Tân thế giới [From the New World – Shinsekai yori, 2008], đạt giải SF và giải Yoshikawa Eiji lần thứ 30, Thạch Vũ dịch, Hikari Thái Hà phát hành quyển Thượng năm 2019 và quyển Trung năm 2020.

– Tiết học của ác quỷ [Lesson of the Evil – Aku no Kyoten, 2010], đạt giải Yamada Futaro năm 2010, và giải tiểu thuyết kinh dị hư cấu hay nhất Nhật Bản năm 2011, Linh Hoàng dịch, I love books Az phát hành 2021.

Bị ấn tượng rất mạnh từ phim “Bài học của ác quỷ” được xem hồi sinh viên [hồi ấy tôi thích đến mức xem đi xem lại 4, 5 lần, rủ cả các bạn trong đoàn thực tập xem cùng, làm các bạn nhìn tôi bằng ánh mắt hơi khác], đồng thời cũng rất thích cuốn Nhà đen [một trong những cuốn hay nhất đã đọc trong năm 2016 của bản thân], Mê cung đỏ thì thấy bình thường, còn Từ Tân thế giới rất tiếc tôi mới đọc quyển Thượng và quên béng hết nội dung vì mãi sau mới ra quyển Trung, thấy cũng khá hấp dẫn và sẽ đọc tiếp; nên khi I love books thông báo phát hành Tiết học của ác quỷ, tôi đã rất phấn khích, nhận sách về đọc ngay. Tóm gọn một điều: nó không hề làm tôi thất vọng. Có lẽ từ giờ trở đi, mỗi năm tôi sẽ lấy bộ ba Thú tội, Tiết học của ác quỷ, và Battle Royale ra đọc lại ít nhất một lần.

Bài viết sẽ rất dài và lan man tùy hứng gõ, chắc chắn sẽ phiến diện và không đầy đủ :”]], dự kiến gồm 3 phần: tóm tắt nội dung, cảm nhận vài thứ tôi thích và cuối cùng là phân tích kỹ hơn một số chi tiết cùng vài liên tưởng cũng như thuyết âm mưu. Khuyến khích bạn nào chưa đọc sách thì hãy đọc phần 1, sau đó đi đọc sách rồi quay lại đọc phần 2, thích thì đọc thêm phần 3 :”]], vì phần 2 và 3 chắc sẽ tiết lộ gần hết tình tiết nội dung sách [bỏ qua phần 3 cũng được].

———————————————–

Phần 1: tóm tắt nội dung

“Tiết học của ác quỷ” lấy bối cảnh một trường cấp 3 ở Nhật Bản khoảng thập niên 2000, mở đầu bằng việc nhà trường đau đầu ngăn chặn một vụ gian lận thi cử trước áp lực của xã hội, và nó được thầy giáo tiếng Anh 32 tuổi Seiji Hasumi giải quyết gọn gàng trong một nốt nhạc. Đẹp trai, nhiệt tình, khỏe khoắn, giỏi chuyên môn, tâm lý, hiểu biết xã hội, thông thạo những thứ học sinh thích thú và đưa vào bài giảng, EQ, IQ đều vô cực, được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh ủng hộ và tin tưởng, Hasumi chính là điểm tựa kéo cả ngôi trường đã mục ruỗng lên đứng vững trước những bê bối, những rắc rối từ cả phía giáo viên và học trò. Những vấn đề nổi cộm học đường thì ở lớp 11/4 trường cấp ba Machida học viện Shinko đều có cả: bạo lực, bắt nạt, gian lận thi cử, quấy rối, quan hệ đồng tính, phụ huynh làm loạn, giáo viên kèn cựa tranh giành nhau hoặc chỉ muốn sống yên ổn… lãnh đạo nhà trường bất lực, và mọi việc đều đến tay Hasumi. Với năng lượng dồi dào, khả năng thuyết phục cùng các kỹ năng được rèn luyện một cách nghiêm khắc của mình và trên hết là sự nhiệt tình, tâm huyết muốn tạo ra một lớp học hoàn hảo, Hasumi đã giải quyết tất cả bằng nhiều cách: đàm phán với thầy Sonoda vừa đánh học sinh; cứu Miya thoát khỏi cảnh bị Shibahara quấy rối, áp lực với Kume rằng nếu Maejima đồng ý thì quan hệ đó không phạm luật, giải quyết “monster parent” bằng cách thay bình nước đuổi mèo, hay làm cho học sinh đầu gấu Tadenuma tự làm cho mình bị đuổi học vì thấy cả lớp thù ghét tẩy chay… Và như thế, vị thế của Hasumi càng ngày càng quan trọng, sáng lấp lánh long lanh trong mắt học trò và đồng nghiệp, thầy yêu trò mến, chiếm được cảm tình của tất cả những người xung quanh, chỉ trừ…

Trừ một nhóm 3 học sinh nhận ra Hasumi đầy rẫy những bất thường! Giai điệu vui tươi ông thầy hay huýt sáo, cái nhìn ấm áp nhưng điềm tĩnh soi tỏ tất cả lời nói dối, khả năng che giấu cảm xúc đến độ lư hỏa thuần thanh cùng với thể chất tốt, trí tuệ sắc sảo đáng kinh ngạc, và cuối cùng quan trọng nhất là khả năng chi phối tâm lý người khác hoàn hảo. Sự tò mò và trực giác chính xác đến phi lý của Reika cùng với dòng hồi tưởng của chính Hasumi đã lần lượt dẫn người đọc tìm về quá khứ của hắn: tất cả những ai ngăn cản con đường của Hasumi hay chỉ đơn thuần là phản đối hắn đều lần lượt biến mất theo những cách khác nhau! Đánh hơi được mùi bị phát hiện bằng bản năng nguy hiểm của một con sói săn mồi được huấn luyện bài bản, từng bước từng bước Hasumi thiết lập lại chế độ của mình, dạy cho toàn bộ học sinh lớp 11/4 một tiết – học – cuối – cùng bằng một kế hoạch gần như hoàn mỹ… Reika và các bạn có muốn học bài học của ác quỷ đó hay không, sẽ tốt nghiệp sớm, đối mặt hay trốn chạy, đoàn kết hay chia rẽ, tất cả được giải quyết trong đêm cô lập trước ngày hội văn hóa…

————————————————————–

Phần 2: Phân tích, cảm nhận và đánh giá: tôi sẽ tập trung vào nhân vật Hasumi.

1. Nhân vật trung tâm: thầy giáo Hasumi.

Nếu như ở Thú tội [Minato Kanae], ấn tượng đầu tiên và xuyên suốt với cô giáo Moriguchi là sự đồng cảm, vì suy cho cùng cô cũng là nạn nhân và cô trả thù đúng đối tượng, thì ở Hasumi cái thu hút đầu tiên lại là một sự choáng ngợp, vì tất cả những gì tốt nhất, hoàn hảo nhất đều thuộc về Hasumi [còn ai đồng cảm thì đề nghị tránh xa tôi ra]. Nếu bắt chước Dr Watson tóm lược về Sherlock Holmes thì “hồ sơ” của Hasumi như thế này:

– Tốt nghiệp trường phổ thông danh tiếng tại Kyoto, đỗ vào khoa Luật, đại học Kyoto.

– Du học Mỹ, tốt nghiệp đại học thuộc Ivy League, lấy bằng Thạc sĩ về kinh doanh.

– Làm việc tại trụ sở ở Mỹ của ngân hàng Morgenstern – ngân hàng lớn siêu to không lồ.

– Được cấp giấy phép đặc biệt của Sở Giáo dục công nhận có kiến thức và kinh nghiệm vượt trội, trở thành giáo viên tiếng Anh của trường cấp ba Machida học viện Shinko mà không cần qua đào tạo nghiệp vụ.

– Hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cũng như phương Tây, hiểu biết sâu rộng về kiến thức xã hội, đưa vào bài giảng một cách thành thạo, cuốn hút, sinh động và hấp dẫn.

– Hiểu biết sâu sắc về y khoa, giải phẫu cơ thể người [biết cơ quan quan trọng ở chỗ nào của cơ thể].

– Hiểu biết sâu sắc về võ thuật, khớp xương…nói chuyện tâm đầu ý hợp với thầy giáo dạy võ vô địch Karate đam mê võ thuật.

– Hiểu biết sâu sắc về tâm lý học: tường tận bài kiểm tra Baum, bài kiểm tra TAT… đến mức chuyên viên tâm lý của trường Mizuochi ngạc nhiên.

– Am hiểu về bút tích học, có thể giả chữ người khác.

– Rèn luyện thể chất thường xuyên, khỏe mạnh.

– Biết breakdance, quay đầu là hiphop trong ánh mắt trầm trồ của học trò:”]]]]]]

Với những điều trên, không ấn tượng và không thích Hasumi sao được? Hơn tất cả, Hasumi có sự nhiệt tình và tâm huyết với học sinh và sự nghiệp giáo dục, nguyện vọng muốn giải quyết tận gốc tất cả các vấn đề của trường học. Trong manga có một khung hình chân dung rất đắt với câu thoại: “Để tạo ra một lớp học hoàn hảo bằng chính tay mình, thầy không thể cho phép bản thân nghỉ ngơi”. Quan điểm này hơi giống Koro – sensei trong Assassination Classroom, hoặc như Onizuka bựa trong GTO, tuy nhiên cách làm thì khác hẳn: để tạo ra một lớp học hoàn hảo, việc Hasumi làm là loại trừ đi những gì không hoàn hảo; dĩ nhiên rồi vì Hasumi đâu có tốt như hai người đồng nghiệp kể trên :”]] Hasumi xử lý rất ngọt ngào những vấn đề ấy theo nhiều cách khác nhau, mềm mỏng có, cứng rắn có, tâm lý có, chiêu dụ có, thuyết phục có… và đều đạt hiệu quả cao, được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và sự tin tưởng, quý mến của tất cả học sinh, quả thật là một người thầy giáo tuyệt vời. Cái lý tưởng về chính nghĩa này gặp ở khá nhiều nhân vật, nhưng cá nhân tôi thấy giống nhất là ở Giang Á trong Ánh sáng thành phố [Lôi Mễ] và Mikami trong Death Note [Tsugumi Ohba ft Takeshi Obata, Mikami chứ không phải L nhé], nó làm cho người đọc thấy vô cùng hưng phấn…

Nhưng đi kèm theo đó cảm giác chút bất an. Nhân chi sơ là bản thiện, tính con người là hướng thiện, Xên Bọ Hung mạnh đến mấy, chúng ta cũng cổ vũ cho Songoku thắng, con người bình thường là duy mỹ, hướng tới cái đẹp, ai cũng “muốn được gần Thiện để được xấu xa”, nên khoảng ¼ truyện đầu tiên, người đọc sẽ thấy thích thú và mê mẩn bởi anh đẹp trai và tài giỏi :”]] Tuy nhiên thì từ ¼ trở đi, theo diễn tiến của truyện và mức độ tăng dần của các sự kiện, cái cảm giác bất an của người đọc sẽ lớn dần, vì dĩ nhiên chẳng ai có thể hoàn hảo đến mức không tưởng như thế, và đến cuối tập 1 là mọi thứ rõ ràng hết. Khi xem CV xin việc của hai ứng viên, đôi dòng khuyết điểm nhiều khi lại là lợi thế so với hồ sơ đẹp bóng loáng không tì vết, vì sâu trong bản thể con người luôn có sự đề phòng với dối trá, cái này có lẽ là hiệu ứng tâm lý mà mỗi người đều được trải qua trong cuộc đời.

Tuy nhiên, không tính tới độc giả thì trong tất cả học sinh và giáo viên của trường, chỉ có đúng thầy giáo Tsurii lập dị, con chó Momo nhà chủ, và cô học sinh Reika cảm nhận được sự bất an ấy. Tsurii là giáo viên của thời kỳ tuyển dụng ồ ạt, chuột chạy cùng sào mới vào dạy học của Nhật Bản, nắm thóp hiệu trưởng mà ung dung tồn tại ở trường, bị toàn bộ học sinh và giáo viên đều ghét vì sự cục cằn, thô lỗ, bất tài, thù địch, khó tính, khó ưa. Lão ta sợ bị Hasumi lấn át mất vai trò và vị trí của mình ở trường, nên âm thầm điều tra về quá khứ của Hasumi, nhưng sau cùng, thì quá kém cỏi nên Hasumi cho lão không lết tới được tập 2. Là con người “nhiều tâm sự”, bất cần đời, bất đắc chí, nhưng không ai thương cảm cho lão cả. Còn Reika thì ngược lại, một cô nữ sinh điềm đạm, ngần ngại, không quá gần gũi nhưng nhạy cảm và sâu sắc, trực giác của cô nhạy bén và bất an đến mức không dám chia sẻ cho ai. Ngay từ đầu truyện, khi nhờ Hasumi giúp Miya, cô nói: “Không phải em tin tưởng thầy. Em chỉ nghỉ, nếu là thầy, thầy sẽ không né tránh mà đối mặt với chuyện này….Thầy sẽ không chịu thua…Sẽ tìm ra chân tướng tường tận… Nhưng nói thật, so với thầy Shibahara, thì em thấy sợ thầy hơn”. Tuy vậy, trực giác nhạy bén nhìn thấu bản chất đối phương là điểm mạnh, thì điểm yếu cũng chính là tinh thần mong manh của cô. May sao, tác giả cho cô tồn tại nhiều hơn vài chục trang so với các bạn…

Thế nhưng, nếu bị cuốn vào diễn biến thì có lẽ các bạn sẽ bỏ qua điều hay ho nhất ở cuốn sách này, đó là như tiêu đề của bài viết: nhân chi sơ tính bản Ác. Trước nay đa số những nhân vật phản diện khi lục về quá khứ, đều cho người đọc thấy nguyên nhân của sự độc ác của mình. Đại khái như là từ bé chịu hành hạ thể xác và tinh thần, hay chứng kiến người thân bị giết, hay bị áp bức giam cầm các kiểu, thì lớn lên trả thù xã hội, tiêu biểu như Joker, hay Hannibal Lecter, người em trong Đứa trẻ thứ 44 hay Alex [Pierre Lemaitre]… Nhưng không, Hasumi ÁC từ bé, “như một người ngoài hành tinh bỗng dưng bị ném xuống một hành tinh lạ lẫm mang tên Trái Đất”. Có trí thông minh vượt trội, năng lực vận động và tư duy thiên bẩm của một thiên tài, lớn lên trong vòng yêu thương và chăm chút tài năng của nhị vị phụ huynh, nhưng “khả năng đồng cảm” của Hasumi gần như không có. Điều này lớn dần lên theo số tuổi, những tổn thương Hasumi gây ra cho những người khác: bạn chơi cùng, bạn cùng lớp, thầy cô giáo, bố mẹ, và sau này là những người xung quanh thì càng ngày càng lớn. Hắn nhận ra càng che giấu được cảm xúc bao nhiêu, thì càng dễ đánh lừa người khác bấy nhiêu; và dần dần bằng quan sát, tìm hiểu, thử nghiệm, cùng với rèn luyện khắc khổ cả về kỹ năng cũng như tri thức, hắn đã xây dựng cho mình được một vỏ bọc đẹp đẽ hoàn hảo, chiếm được cảm tình của người khác. Và tất cả những lý tưởng, những điều tốt đẹp ấy không ngoài mục đích điều khiển tất cả mọi người khác “như những quân cờ shoji” trong trò chơi của hắn. Đó quả thật là một trò chơi cảm giác mạnh tuyệt vời: “cảm giác của bản thân người thực hiện trò chơi sẽ mang tới rất nhiều câu hỏi khó lý giải nếu ta nhìn từ góc nhìn khác”.

[Một nhân vật khá tương đồng với Hasumi, cũng “ác từ trong trứng”, phải kể đến siêu phản diện Johan trong Monster của Naoki Usarawa, điều này sẽ được nói ở phần 3.]

Thực chất, Hasumi chính là một phần nào đó trong lý tưởng về “chính nghĩa” của mỗi người, được lấy ra, phóng to lên để thấy được sự đáng sợ của nó, mà bình thường chúng ta tưởng nó nhỏ, nhưng luôn tìm cách tránh né đi, điều này khá giống sự “phán xét” của phần đông mạng xã hội bây giờ. Xã hội rất cần một người như Hasumi, hay Giang Á, thậm chí là Raito Yagami, để “dọn dẹp” hết “rác rưởi”, trả lại bình yên cho cuộc sống, nhưng đâu phải ai cũng dám làm nếu không đủ khả năng? Nếu có đủ khả năng và hiểu biết nhiều như thế, bạn có dám làm không?

2. Kết cấu của cuốn sách.

Khi xem phim, thì tôi cứ tưởng rằng bài học cuối cùng đã được lên kế hoạch từ lâu, khi mà Hasumi không “dạy” được học sinh nghe lời và bất lực nên phải tiến hành, thì hóa ra sự kiện đêm trước ngày hội văn hóa chỉ là cái bùng nổ cuối cùng của một chuỗi các sự kiện móc xích với nhau, dẫn dụ, lôi kéo nhau, là hành động bột phát của Hasumi: muốn giấu lá, hãy giấu trong rừng; muốn giấu một cái xác, hãy giấu vào một núi xác. Cái kế hoạch ấy lại rất tỉ mỉ và chi tiết, hoàn hảo đến mức tôi cảm giác nó phải được lập ra từ lâu rồi chứ không phải chỉ trong vài phút ngắn ngủi xử lý tình huống đột xuất. Qua từng sự kiện được dẫn dắt từ từ, đan xen giữa thực tại và quá khứ, từ Nhật sang Mỹ, vỏ bọc của Hasumi dần dần được tháo gỡ, từng lớp từng lớp một, lộ nguyên hình là một kẻ tâm thần nhân cách chống đối phản xã hội đáng sợ, nhưng quyến rũ :”]]], xứng đáng là idol của tôi :”]]]

Nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy các chi tiết được cài cắm có chủ đích để xây dựng được một không khí hồi hộp căng thẳng đặc trưng [một số chi tiết sẽ được nói kỹ ở phần 3] của thể loại, tuy nhiên không vì thế mà nó giống với bất kỳ cuốn trinh thám – tâm lý kinh dị nào; nó đủ thu hút những người khó tính nhất. Tôi nhận sách vào ngày 4/6, mặc dù đang đọc dở quyển Người vô tội của Harlan Coben nhưng tôi liệng đi và đọc 2 tập này, đúng một ngày xong :”]]

3. Phần biên tập của I love books là tiệm cận sự hoàn hảo.

Không được PR seeding rầm rộ lộ liễu như Bestbooks, nhưng suốt 800 trang của 2 tập, tôi không thấy bất kỳ một lỗi chính tả nào. Dịch thuật của dịch giả Linh Hoàng tôi thấy ổn, không vấn đề gì, đọc mượt mà và trơn tru. Có mỗi một điều là bìa sách chưa xứng đáng với nội dung :”]]], tôi nghĩ có thể thiết kế đẹp hơn và ấn tượng hơn. Sau Natsume Soseki với Cỏ ven đường và sắp tới là Hayashi Fumiko, I love books sẽ còn làm tốt hơn nữa.

———————————————–

Phần 3: Một vài chi tiết hay ho.

Phần 3 này dành cho các bạn đã đọc xong cuốn sách, và đủ thích nó để tìm đọc các phần phân tích. Đây là phần liên tưởng, suy luận của cá nhân, có thể đúng, có thể sai :”]]

1. Bài hát chủ đề: “Moritat”,

bạn nào xem phim rồi sẽ thấy giai điệu rất quen thuộc và rùng rợn.

Lần đầu tiên nghe bản nhạc, tuy rằng không hiểu tiếng Đức, nhưng “cậu nhớ mình đã thăng hoa đến lạ lùng”. Khi xem bản dịch, cậu sốc nặng, nhưng Hasumi cho rằng bài hát đó là dành cho mình. Khi vào phòng bố mẹ năm 14 tuổi, Hasumi mở đĩa nhạc phát bài hát này, không biết có phải là lần đầu tiên “dùng nó” làm nhạc nền hay không, về sau, bất cứ khi nào làm việc gì kích thích, hắn đều huýt sáo giai điệu này. Trong phim và cả trong truyện, bài hát được vang lên vào những phân cảnh quan trọng nhất. Lyrics và câu chuyện xung quanh bài hát các bạn có thể tìm trên mạng, nhưng ngắn gọn thì nó là câu chuyện về một kẻ giết người, nội dung câu từ đọc lên nghe kinh dị lạnh gáy, nhưng trái lại, giai điệu lại rất – vui – nhộn.

“Bản nhạc nghe nhẹ nhàng, vui nhộn, nhưng nếu huýt sáo nó trong khi ý thức được nội dung ca từ thì đấy lại là sở thích kinh tởm nhỉ…” – Reika nói.

Không phải lần đầu tiên tôi gặp tình tiết kẻ giết người làm một hành động kỳ quái gì đó như nghi thức khi giết người, hát cũng không hiếm, thậm chí trong Conan còn có vụ Let it be nếu bạn nào nhớ; nhưng ở đây việc Kishi Yusuke chọn bài hát đưa vào truyện, tôi đánh giá là thành công, đến mức mỗi khi đọc đến đoạn “Hasumi huýt sáo”, trong đầu tôi lại tự động vang lên giai điệu, vì nó ấn tượng thật :”]]] [nếu bạn nào chưa xem phim và chưa nghe thì sẽ không thế, yên tâm, nhưng chừng đó là đủ]. Một giai điệu nghe tươi vui, trong sáng, đối phương hay ngân nga nhưng đến khi mình biết lời bài hát gốc kiểu: “Bên bờ sông Thames – Người người ngã xuống – Không phải cúm hay tả – Là Mackie vừa qua – Phố xá ngày chủ nhật – Xác chết vương vãi” thì chắc là mình phải nhìn kỹ lại xem đối phương là người thế nào :”]]

Giai điệu là một chi tiết nhỏ, nhưng đủ làm nổi bật ấn tượng về sự khác thường trong suy nghĩ của Hasumi. À tôi replay bài này trong suốt quá trình gõ. Ơ mà có bản cover của Westlife, với 1 bản của ca sĩ Tuấn Ngọc riêng một góc trời, nghe cũng hay hay nhưng không thể ám ảnh bằng ngôn ngữ gốc được, có lẽ sự khác biệt nằm ở bản thân cái cách phát âm, kết cấu từ ngữ của tiếng Đức.

2. Hai con quạ Hugin và Munin.

Ở ngôi nhà của Hasumi, mỗi buổi sáng có quạ đến đánh thức đúng giờ. Hai con quạ này to khác thường và rất thông minh, Hasumi đặt tên là Hugin và Munin. Munin khi chớp mắt trông trắng dã, lúc nào cũng đục ngàu, “nhìn là thấy điềm gở tăng gấp bội”. Hasumi dùng điện kích chết Hugin, lấy xác đưa cho thầy Nekoyama quái đản dạy sinh vật, còn Munin thì chạy thoát, bay đi, rồi thỉnh thoảng xuất hiện, đứng nhìn từ xa mỗi khi Hasumi hành động.

Hugin và Munin là tên hai con quạ của thần Odin, chu du khắp thế gian, thu thập tin tức để báo cáo với Odin. Hugin là suy nghĩ, Munin là ký ức, nên có lẽ sau này Munin mỗi lần bay đến, là Hasumi lại một lần hồi tưởng, những lần hồi tưởng ấy cho ta biết về quá khứ của Hasumi. Là thần thoại Bắc Âu, nhưng trong văn hóa Nhật Bản, quạ là hiện thân của sứ giả, được Thiên Đàng gửi xuống để chỉ dẫn hoặc can thiệp vào xã hội loài người. Tuy nhiên với Hasumi, thì Munin chỉ đứng quan sát, giương cặp mắt trắng dã nhìn chòng chọc vào hắn, cảnh báo kiểu: Ta đang theo dõi ngươi đấy. Đến cuối truyện, Hasumi nói: “Tất cả đều là ý của thần linh! Mệnh lệnh của người vang lên trong đầu tôi nên tôi phải làm thế! Học sinh lớp 11/4 đều bị quỷ ám không chừa một ai. Đó là để giải thoát cho linh hồn của các em thôi”. Có lẽ Hasumi không bị thần kinh, con quạ hắn bẫy giết rồi đưa xác cho Nekoyama là để làm bằng chứng cho việc hắn bị điên chứ không tỉnh táo trong lúc hành động. Nếu sự chuẩn bị kỹ càng đến mức ấy là thật, thì có lẽ Hasumi là phản diện không thua bất kỳ phản diện nào khác.

Hình tượng con quạ xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản, đơn cử như gia huy dòng họ Karasuma trong Conan, quạ Kasugai trong Thanh gươm diệt quỷ [Kimetsu no Yaiba], thơ Haiku của Basho, hoặc chi tiết lông vũ trong phân cảnh cuối phim Tag – Riaru onigokko [Sion Sono].

“Lần tiếp theo ta nhìn gần vào đôi mắt ấy, ánh sáng nhất định sẽ tắt trên mống mắt màu xám nhạt”

3. Nhân vật Ishida Yumi.

Chỉ xuất hiện trong dòng hồi tưởng của Hasumi về thời trung học [và không được lên phim], nhưng đây là nhân vật đóng vai trò quan trọng trong diễn tiến hoàn thiện cảm xúc của Hasumi. Được giới thiệu là một cô bé học hành không tốt, nhưng có khả năng đồng cảm với người khác, Yumi hết sức tự nhiên nhìn thấy bản chất thật dưới lớp trình diễn của Hasumi phiên bản trung học, là “người duy nhất trên đời không khiến Hasumi phải cảnh giác”. Cậu bé Hasumi đã lựa chọn phương án lợi dụng cô bé để “luyện tập diễn đạt cảm xúc sao cho hoàn hảo hơn nữa”, và đến cuối cùng, Yumi cũng là người duy nhất Hasumi không thể cố tình giết, cho dù đã đặt tay siết lên cổ cô bé. Có lẽ nếu Yumi không tự sát vì bị sàm sỡ cưỡng bức bởi một tên bất lương khác, thì cuộc đời Hasumi về sau này đã diễn ra theo một cách khác. Màn trả thù cho Yumi đã chính thức hoàn thiện một Hasumi, “giết hắn từ từ là thế mà Hasumi không thấy mình có bất kỳ phản kháng tâm lý nào”, hóa ra “không giết được Yumi chỉ là phút bối rối nhất thời thôi”.

Yumi trong Tiết học của ác quỷ có vai trò khá giống Mizuki – Kẻ tuẫn đạo [tử vì đạo] trong Thú tội của Minato Kanae. Là người duy nhất đồng cảm được với Shuuya, cứ tưởng sẽ xoa dịu được vết thương của Shuuya, nhưng sau cùng Mizuki cũng bị Shuuya giết, đẩy Shuuya lún sâu vào bóng tối.

4. Hasumi và nỗi cô đơn “rực rỡ kiếp người”

“Sống, dù chỉ một vai hề, cũng phải đi đến tận cùng đầy ải… Những con chữ như dấu máu vương trên tuyết, dẫn đưa ta vào một mê lộ không lối thoát của nỗi cô đơn rực rỡ kiếp người”.

Những dòng trên là dịch giả Hoàng Long để lại bìa sau cuốn Thất lạc cõi người của Dazai Osamu, bản dịch tiếng Việt. Điểm tương đồng của Hasumi và Oba Yozo chính là sự cô đơn đến như thế. Ngoài Yumi, chỉ còn có Clay Chambers, kẻ thần đồng giết người biến thái, cộng sự của Hasumi trong thời gian ở Mỹ. “Dù cuộc đời đoản mệnh phải kết thúc trong đám cháy nhưng có lẽ Clay Chambers là một trong số vô cùng ít ỏi những người hắn có thể xem là bạn”. Cũng thông minh, sắc sảo như Hasumi, lại hơn hẳn về kỹ năng và sự tàn ác máu lạnh, Clay và Hasumi lẽ ra có thể là một cặp đôi kinh điển, nhưng sau khi nhận ra khác nhau về quan điểm và cách chọn nạn nhân, nếu như Clay chọn bừa bãi chỉ cần làm hắn hưng phấn, thì Hasumi chọn những ai cản đường hắn trong quá trình tiến thân; Hasumi đã phản bội lại “niềm tin” của Clay, cái mà Hasumi chưa bao giờ có. Rất tiếc cho một người gần gũi nhất có thể làm bạn của Hasumi, nhưng nhờ Clay, Hasumi cũng kịp trang bị cho mình nhiều thứ quan trọng cho quá trình sau này.

Tiện nói đến Oba Yozo, một điểm chung nữa khó có thể nói là ngạc nhiên giữa hai nhân vật của hai tác phẩm văn học Nhật Bản xa nhau trăm năm: “Đối với con người lúc nào tôi cũng sợ run cầm cập… Thành ra tôi tự chôn giấu nỗi đau khổ của mình trong một cái đáy hộp nơi tim, cố gắng không để lộ ra sự thống khổ và căng thẳng một chút nào, dưới vẻ mặt tươi cười ngây thơ vô tội và vai diễn chú hề tài ba của tôi cuối cùng cũng được hoàn thành”. Nhưng may sao Oba Yozo không làm hại đến ai, không giết người vì đam mê như Hasumi.

5. Seiji Hasumi & Johan Liebert.

Trong truyện, Kishi Yusuke kể khá rõ: Thông thường, khi thấy bố mẹ cười, em bé sẽ bắt chước cười theo. Nhưng Seiji [Hasumi] chỉ “nhìn chăm chú vào mặt bố mẹ với vẻ thích thú”. Lên 4 tuổi, thấy mảnh chai trong đống cát, Seiji không nhặt ra. Không hề quên mảnh vỡ ấy, khi một đứa bạn thò tay vào đống cát, Seiji nhìn chằm chằm và “mắt sáng lên thích chí” khi đứa bé kia bị cắt xoẹt vào ngón tay. Tất cả đều là Hasumi chủ động, không hề chịu áp lực hay ép buộc của ai cả, chắc chỉ có của “thần linh” như lời thoại trong phần cuối của truyện. Thế thì xem ra Johan trong Monster còn thua xa: bị gieo rắc sự thù địch từ trong bụng mẹ, bị cố tình tráo đổi với Anna, lớn lên trong trại mồ côi 511… Và nếu như Johan chỉ là que đóm đốt lên đống lửa đã âm ỉ cháy sẵn, không trực tiếp nhúng tay vào việc, dùng lời nói và áp lực chi phối kẻ khác làm thay cho mình, thì Hasumi trực tiếp làm tất cả. Như vậy, cá nhân tạm đánh giá Seiji Hasumi “trên cơ” hoàn toàn Johan Liebert.

[So sánh trên chỉ là tương đối, vì cách thức và hệ tư tưởng và bối cảnh, cũng như thế giới quan của hai phản diện là khác nhau rất nhiều]

6. 7. …n. Còn rất nhiều điều trong sách tôi muốn nói thêm, nhưng kiến thức và thời lượng không cho phép, nên tạm để đề mục ở đây để bạn nào thích có thể tìm hiểu: hiệu ứng Werther [mặc dù không diễn ra trong sách, nhưng đó cũng là một hiện tượng hay]; so sánh giữa Hasumi và cô giáo Moriguchi, với ông thầy gì đấy trong Battle Royale; hay là một vài chi tiết khác biệt giữa sách và phim [ví dụ như đốt nhà ông phụ huynh là Hasumi tự đốt, còn phim là ông phụ huynh tự vứt tàn thuốc; hoặc Tadenuma trong phim bị vu cáo đốt nhà Rina, hoặc Kakeru chạy từ ngoài vào trong, chứ không phải đặt bẫy trong tòa nhà….], hoặc một chủ đề khá hay ho nhưng khó, đó là quá trình hoàn thiện cảm xúc của Hasumi…, và riêng bài so sánh giữa Johan và Hasumi tôi sẽ viết kỹ hơn vào một ngày nào đó, hi vọng lúc đó Monster đã được xuất bản tại Việt Nam :”]]], giờ thì ngắn gọn thế đã.

————————————————–

Trong toàn bộ sách tôi đọc [không tính chuyên ngành tôi nháp chi chít], tôi không quá giữ gìn [vì đa số cũng toàn sách cũ thôi] nhưng cũng không đánh dấu hay ghi gì vào sách, mặc dù có nhiều đoạn rất hay. Chỉ có đúng 2 cuốn tôi gập hẳn vào làm dấu những đoạn ấn tượng, đó là Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ [Coin Locker Babies] của Ryu Murakami, và cuốn này: Tiết học của ác quỷ của Kishi Yusuke. Dưới đây là một vài trong số đó:

– “Với người khác nó không sủa ghê gớm thế đâu, nhưng cớ sao ngay từ lần đầu chạm mặt, Momo có vẻ luôn xem hắn là kẻ thù không đội trời chung”.

– “Với Hasumi, phần lớn giáo viên và học sinh ở Shinko Machida đều chỉ là con tốt thí trên bàn cờ shogi”.

– “Vậy là em giống như con quái vật không có trái tim đúng không?” – Hasumi tiểu học hỏi thầy giáo của mình.

– “Thằng bé đó là một con quái vật!” – Bố Hasumi nói với mẹ Hasumi.

[chính vì câu này, tôi liên hệ với lời nhắn của Johan cho bác sĩ Tenma: con quái vật trong tôi đã lớn đến nhường này…]

– “Reika chẳng ôm mộng tưởng gì về các giáo viên, chỉ thấy là trường học đang để đám thanh niên trông thấy bộ dạng nhỏ nhen của người lớn, rồi lại biến thành cái khuôn đúc ra những con người giống y hệt vậy”.

– “Ngược lại, tao cũng muốn thử xem nỗi – đau – của – mày – truyền – được – tới – tao đến mức nào”.

– “…bên dưới lớp mặt nạ đó hoàn toàn trống không. Vốn dĩ từ đầu hắn đã thiếu đi những cảm xúc của con người”.

– “Cảm giác của bản thân người thực hiện trò chơi sẽ mang tới rất nhiều câu hỏi khó lý giải nếu ta nhìn từ góc nhìn khác”.

– “Bản nhạc nghe nhẹ nhàng, vui nhộn, nhưng nếu huýt sáo nó trong khi ý thức được nội dung ca từ thì đấy lại là sở thích kinh tởm nhỉ…”

– “Lần tiếp theo ta nhìn gần vào đôi mắt ấy, ánh sáng nhất định sẽ tắt trên đôi mắt màu xám nhạt”

– “Lá cây thì phải giấu trong rừng… Muốn giấu một cái xác, thì phải tạo ra một núi xác”.

– “Chừng nào tao còn sống, thì mày đừng hòng động đến một ngón tay học trò” – Lời ông thầy Sonoda.

—————————————–

KẾT: cuốn sách thực sự hay cho những ai đam mê thể loại, đủ tỉnh táo để kiểm soát cảm xúc của mình, không bị cuốn theo diễn tiến sự việc, không bị ảnh hưởng bởi lý tưởng của Seiji Hasumi. Một lời khuyên là nếu các bạn chưa đọc mấy truyện nhẹ nhẹ đô kiểu Assassination Classroom hay Higashino Keigo, hoặc xem phim còi còi cỡ The Conjuring hoặc Kindaichi còn giật mình thì chưa nên đọc truyện này :”]]]]]]

Xin cảm ơn các bạn đã cố gắng kiên nhẫn lết được đến đây :”]]]

Chủ Đề