Trái đất là 1 vì sao

Trái Đất có hình dạng hơi bẹp và phình ra ở xích đạo. Ảnh: NASA/DSCOVR EPIC

Nếu có một chiếc thước dây khổng lồ đo từ tâm Trái Đất, điểm cao nhất hành tinh sẽ không phải đỉnh núi Everest mà là núi lửa Chimborazo ở Ecuador, quốc gia nằm ở xích đạo. Chimborazo giành chiến thắng trong trường hợp này vì Trái Đất hơi bẹp ở các cực, giống như cách một người ấn hai bàn tay vào phía trên và phía dưới của quả bóng. Điều này khiến xích đạo phình ra. Do đó, thay vì có dạng hình cầu hoàn hảo, Trái Đất lại là hình cầu dẹt.

"Thực tế, hầu hết hành tinh và mặt trăng không phải hình cầu thật sự. Chúng thường bị méo theo một kiểu nào đó", James Tuttle Keane, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA, nói. Ông cho biết, nguyên nhân ở đây là lực ly tâm, hay lực hướng ra ngoài xuất hiện ở một vật thể đang quay.

Hành tinh đang quay sẽ chịu tác dụng của lực ly tâm. Nếu một người tự xoay khi ngồi trên ghế hoặc khi đứng bằng chân, người đó cũng sẽ cảm thấy bị kéo ra khỏi điểm trung tâm và tay hoặc chân vung ra ngoài. "Khi ngồi trên đu quay, sẽ có thêm một chút lực tác động lên bạn trên chiếc đu quay đó, khiến bạn cảm thấy bị kéo sang bên", Keane nói.

Các hành tinh và mặt trăng tự quay nên lực ly tâm khiến chúng phình ra ở xích đạo. Ảnh hưởng này có thể rất nhỏ. Trong hệ Mặt Trời, sao Mộc và sao Thổ là hai ví dụ tương đối dễ thấy. Nếu quan sát ảnh chụp toàn cảnh của các hành tinh khí khổng lồ này, người xem sẽ thấy chúng hơi bẹp và phần giữa phồng ra. Hình dạng bẹp của chúng dễ thấy hơn vì đây là những hành tinh quay nhanh nhất trong hệ Mặt Trời, Keane cho biết. Vật thể quay càng nhanh, lực ly tâm tác dụng lên nó càng lớn.

Hành tinh lùn Haumea có hình dạng gần giống quả trứng. Ảnh: Instituto de Astrofísica de Andalucía/NASA

Một ví dụ về tác động cực lớn của lực ly tâm là hành tinh lùn Haumea. Hành tinh lùn này nằm trong Vành đai Kuiper, một vùng không gian gồm những vật thể băng giá nằm ngoài quỹ đạo sao Hải Vương. Haumea lớn tương đương sao Diêm Vương nhưng quay rất nhanh, hoàn thành một vòng chỉ trong 4 tiếng. Nó quay nhanh đến mức biến thành hình dạng gần như quả trứng.

Thu Thảo [Theo Live Science]

Phát hiện mới về sao Kim

Ngày nay, sao Kim là một "vùng đất chết" nhưng các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi liệu hành tinh này có phải lúc nào cũng không phù hợp cho sự sống như vậy hay không?

Sao Kim - "người hàng xóm" gần chúng ta nhất, được gọi là anh em sinh đôi của Trái Đất bởi sự tương đồng về kích cỡ và mật độ của cả hai hành tinh. Tuy nhiên, xét trên những mặt khác, hai hành tinh này hoàn toàn khác nhau.

Ảnh minh họa: NASA

Trong khi Trái Đất có các điều kiện tự nhiên hỗ trợ cho sự sống thì sao Kim là một hành tinh không thể sinh sống được với bầu khí quyển có lượng khí CO2 độc hại dày gấp 90 lần so với bầu khí quyển của chúng ta cùng với những đám mây acid sulfuric và nhiệt độ bề mặt có thể lên tới 462 độ C, đủ nóng để làm tan chảy chì.

Để hiểu về việc hai hành tinh đá này vì sao lại khác nhau như vậy, một nhóm các nhà vật lý thiên văn đã quyết định mô phỏng lại từ đầu thời điểm các hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta hình thành cách đây 4,5 tỷ năm.

Họ đã sử dụng mô hình khí hậu, tương tự như những gì các nhà nghiên cứu sử dụng khi mô phỏng sự thay đổi khí hậu trên Trái Đất, để nhìn lại thời điểm sao Kim và Trái Đất khi vẫn còn là các hành tinh trẻ. Nghiên cứu mới này đã được công bố trên tạp chí Nature ngày 13/10.

Cách đây hơn 4 tỷ năm, Trái Đất và sao Kim được bao phủ bởi nham thạch sôi sùng sục.

Các đại dương chỉ có thể hình thành khi nhiệt độ đủ lạnh để nước ngưng tụ và rơi xuống thành mưa trong hàng nghìn năm. Đó là cách mà đại dương trên Trái Đất hình thành trong hơn 10 triệu năm. Trong khi đó, sao Kim vẫn vô cùng nóng.

Vào thời điểm đó, Mặt Trời mờ hơn bây giờ 25%. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để giúp sao Kim nguội bớt bởi nó là hành tinh nằm gần Mặt Trời thứ hai. Các nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu các đám mây có giúp gì để nhiệt độ trên sao Kim giảm bớt hay không.

Mô hình khí hậu của các nhà nghiên cứu cho thấy, các đám mây đã đóng vai trò nhất định nhưng theo một cách không ngờ tới. Chúng tập hợp ở mặt tối của sao Kim và vì thế không thể bảo vệ hành tinh này khỏi Mặt trời ở phía ban ngày. Trong khi sao Kim không bị khóa thủy triều với Mặt Trời - hiện tượng mà một mặt của hành tinh luôn đối mặt với Mặt Trời, thì nó có tốc độ quay vô cùng chậm.

Thay vì che chắn cho sao Kim khỏi hơi nóng, những đám mây ở mặt tối của sao Kim góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến hơi nóng bị mắc kẹt trong bầu khí quyển đậm đặc của hành tinh này và làm cho nhiệt độ luôn ở mức cao. Với khí nóng bị mắc kẹt liên tục như vậy, sao Kim quá nóng nên không thể có mưa. Thay vào đó, nước chỉ có thể tồn tại ở thể khí và hơi nước trong khí quyển.

"Nhiệt độ cao đồng nghĩa với việc nước chỉ có thể hình thành thể hơi giống như trong một cái nồi với áp suất khổng lồ", Martin Turbet, tác giả dẫn đầu nghiên cứu tại Khoa Khoa học thuộc Phòng Thiên văn học của Đại học Geneva nhận định.

Tại sao Trái Đất không giống như sao Kim?

Những gì xảy ra với sao Kim có thể xảy ra với Trái Đất nếu hành tinh của chúng ta tiền gần Mặt trời hơn hoặc nếu Mặt trời ở thời điểm đó sáng như bây giờ.

Bởi vì cách đây hàng tỷ năm Mặt trời mờ hơn nên nhiệt độ trên Trái Đất có thể giảm bớt để hình thành nên đại dương. Mặt trời mờ hơn là "yếu tố then chốt cho việc hình thành những đại dương đầu tiên trên Trái Đất", ông Turbet cho hay.

Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn những điều mà chúng ta gọi là "Nghịch lý Mặt trời trẻ mờ", Emeline Bolmont, đồng tác giả, đồng thời là giáo sư tại Đại học Geneva nhận định.

"Điều này luôn bị coi là một trở ngại lớn cho sự xuất hiện sự sống trên Trái Đất. Nhưng hóa ra, với một Trái Đất còn trẻ và rất nóng, một Mặt trời với ánh sáng yếu như vậy thực sự là một cơ hội nằm ngoài kỳ vọng".

Trước đó, các nhà khoa học tin rằng, nếu bức xạ mặt trời yếu hơn cách đây hàng tỷ năm, Trái Đất sẽ trở thành một quả cầu tuyết. Đến nay, điều ngược lại mới là đúng.

Những phát hiện trên đã cho thấy các hành tinh đá trong Hệ Mặt trời của chúng ta đã tiến hóa theo những cách thức khác nhau. Trái Đất đã tồn tại gần 4 tỷ năm. Có những bằng chứng cho thấy sao Mộc được bao phủ bởi sông hồ cách đây 3,5 - 3,8 tỷ năm. Và hiện nay, dường như ít có khả năng sao Kim có thể hỗ trợ nước tồn tại ở thể lỏng trên bề mặt của nó./.

VOV.VN - Các chòm sao và các hành tinh với vẻ đẹp riêng thôi thúc chúng ta không ngừng khám phá về vũ trụ rộng lớn, bí ẩn nhưng cũng đầy ngoạn mục.

Trái Đất là một hành tinh "đột biến"?

[NLĐO]- Các nhà khoa học NASA thừa nhận họ chỉ mới tìm thấy những hành tinh mang một số đặc điểm giống với Trái Đất, nhưng giống hoàn toàn về mọi mặt thì chưa, mặc dù có cả hàng ngàn ngoại hành tinh đã được xác định.

  • Vũ trụ ma quái: 5 vật thể đáng sợ nhất đang bao vây Trái Đất

  • Sốc: kho trang sức 45.000 năm y hệt hiện đại, nhưng của loài người khác

  • Nhiều "hành tinh non" va chạm, sinh ra Trái Đất?

  • Xác định dãy núi lớn nhất Trái Đất mà không ai nhìn thấy: Somalaya

Một bài báo khoa học từ Chương trình thám hiểm ngoại hành tinh của NASA đã phân tích xem có phải chúng ta đến giờ vẫn "cô đơn" có phải vì Trái Đất là một hành tinh dị biệt, đã phát triển theo cách "không giống ai" giữa các loại hành tinh khác trong vũ trụ.

Trái Đất có thể là một kẻ dị chủng trong vũ trụ? - Ảnh: NASA

Như các công bố của NASA và nhiều nhóm nghiên cứu thiên văn về các ngoại hành tinh [hành tinh ngoài hệ Mặt Trời], chúng dường như hình thành theo những dạng nhất định: các Sao Mộc nóng, các siêu Trái Đất cực lạnh, các tiểu Hải Vương Tinh... Có nhiều cái giống Trái Đất ở nhiều mặt, nhưng giống hoàn toàn để chắc chắn 100% sống được thì chưa.

Tờ SciTech Daily dẫn lời tiến sĩ Jessie Christiansen từ Viện Khoa học Ngoại hành tinh của NASA: "Các hệ hành tinh mà chúng ta đang tìm thấy không giống như hệ Mặt Trời của chúng ta. Quan trọng là hệ Mặt Trời của chúng ta có khác biệt không?"

Theo NASA, cũng có khả năng chúng ta không phải một dạng hành tinh "đột biến" nên may mắn có sự sống, mà có thể do các phương tiện khoa học hiện đại đã bỏ sót các hành tinh thực sự giống Trái Đất. Là một cơ quan vũ trụ đi đầu trong cuộc săn ngoại hành tinh, nhưng NASA thừa nhận những khiếm khuyết của các "thợ săn ngoại hành tinh" tối tân của mình.

Ví dụ, phương pháp "dao động" hay còn gọi là "vận tốc xuyên tâm" phổ biến nhất để tìm kiếm ngoại hành tinh còn nhiều hạn chế. Khó mà có thể nhìn thấy ngoại hành tinh trực tiếp, nên các nhà khoa học đã nhìn bằng cách đo đạc những lực vô hình kéo lệch ngôi sao mẹ, từ đó tính toán về thứ đang quay quanh nó. Nhưng hành tinh càng to, lực kéo càng lớn. Vì thế, hầu hết hành tinh tìm thấy theo cách này đều lớn hơn Trái Đất.

Phương pháp "quá cảnh" - nôm na là đo đạc sự thay đổi độ sáng của sao mẹ khi ngoại hành tinh quay quanh nó - thì dường như chỉ tìm thấy chủ yếu những hành tinh thường xuyên đi qua sao mẹ. Nhưng những hành tinh chỉ có quỹ đạo vài giờ, vài ngày hay vài chục ngày này thì lại quá gần sao mẹ nên thường quá nóng.

Vì vậy, NASA cho biết để có thể tìm ra bản sao Trái Đất, họ đang nhắm tới các "thợ săn ngoại hành tinh" mới có khả năng kiểm tra bầu khí quyển để tìm dấu hiệu của oxy, mê-tan hoặc carbon dioxide. James Webb vừa bay lên vũ trụ có thể đáp ứng được phần nào kỳ vọng đó.

Anh Thư

Video liên quan

Chủ Đề