Trình bày những bước xử lý cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu

Tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu thường gặp ở đối tượng người lớn, đặc biệt ở đối tượng làm nông, hàng ngày tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Khi ngộ độc thuốc trừ sâu, biểu hiện có thể là nôn mửa, đau bụng, khó thở, ho khan, nhức đầu…và nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh có thể tiến triển nặng dần, có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi có những biểu hiện ngộ độc thuốc trừ sâu, cần nhanh chóng thực hiện sơ cứu người uống thuốc sâu.

Biểu hiện ngộ độc thuốc trừ sâu

Ngộ độc thuốc trừ sâu có thể do nuốt, hít hay tiếp xúc trong một khoảng thời gian dài với hóa chất trừ sâu dạng khí, dạng lỏng…Ngộ độc thuốc sâu có nguy cơ gây tổn hại sức khỏe và thậm chí đe dọa tới tính mạng, tùy thuộc vào loại thuốc sâu và liều lượng mà người bệnh tiếp xúc.

Khi ngộ độc thuốc trừ sâu, các biểu hiện là:

  • Da tái sạm, vã mồ hôi. Đặc biệt vùng da quanh miệng người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu bỏng rát, sưng tấy.

  • Mắt ngứa, đỏ rát, chảy nước mắt, đồng từ co lại hoặc giãn ra, bệnh nhân có thể biểu hiện nhìn mờ, không nhìn thấy gì.

  • Khó thở, thở khò khè, ho khan, tức ngực…

  • Người bệnh thường biểu hiện triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy…

  • Người bệnh có thể biểu hiện rối loạn tinh thần, buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt, co giật, nói líu lưỡi hay đi vào hôn mê, mất ý thức.

Những biểu hiện nêu trên thường dễ nhầm với các trường hợp như ngộ độc rượu, co giật hay phản ứng với thuốc insulin mà người bệnh đang sử dụng. Vậy nên, nếu nghi ngờ ngộ độc thuốc sâu, cần kiểm tra xung quanh để có thêm thông tin về tình trạng bệnh nhân. Ví dụ như có vỏ chai thuốc sâu rỗng, thuốc vương vãi xung quanh, mùi từ cơ thể và miệng của bệnh nhân.

Ghi nhớ hoặc mang theo bao bì có tên loại thuốc trừ sâu mà bệnh nhân uống, cố gắng xác định liều lượng và thời gian bệnh nhân sử dụng thuốc sâu, sẵn sàng cung cấp thông tin giúp nhân viên y tế nắm rõ tình hình bệnh nhân hơn.

Trình bày những bước xử lý cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu
Dấu hiệu phát hiện ngộ độc thuốc sâu

Sơ cứu người uống thuốc sâu cần được tiến hành nhanh chóng vì nó có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh nếu bị tiếp xúc với lượng nhiều.

Bước 1: Tiếp cận người bệnh

  • Nhanh chóng gọi cấp cứu y tế.

  • Nếu người bệnh bất tỉnh cần đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn.

  • Đưa bệnh nhân tới nơi thoáng khí, an toàn, tránh xa khỏi vùng nhiễm thuốc sâu.

  • Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn thông qua mạch đập ở cổ tay hoặc ở cổ, kiểm tra xem bệnh nhân còn thở hay không? Lay nhẹ hoặc gọi người bệnh xem có đáp ứng không?

Trình bày những bước xử lý cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu
Nhanh chóng gọi cấp cứu 115

Bước 2: Xử trí nhanh

Trong trường hợp không bắt thấy mạch đập hoặc bệnh nhân ngừng thở, cần nhanh chóng thực hiện các bước hồi sức tim phổi gồm động tác ép tim và động tác thổi ngạt. Trước khi thực hiện cần kiểm tra xem còn dị vật, thuốc sâu còn sót lại trong miệng người bệnh và loại bỏ.Sau đó thực hiện hồi sức tim phổi theo chu kỳ 30 lần ép tim tới 2 lần thổi ngạt.

Với động tác ép tim:

  • Xác định vị trí ép tim tại vị trí nửa dưới xương ức.

  • Đặt hai bàn tay đan nhau, duỗi thẳng hai khuỷu tay vuông góc với thành ngực của người bệnh. Giữ nguyên tư thế này trong suốt quá trình ép tim đảm bảo lực ấn đồng đều.

  • Sử dụng trọng lực cơ thể ấn lồng ngực của người bệnh, sao cho lún sâu ít nhất 5cm. Cần đảm bảo hướng của lực thẳng xuống xương ức. Không bỏ tay khỏi xương ức trong quá trình ép tim.

  • Đếm to trong quá trình thực hiện, từ 1 tới 30.

  • Ép tim với tần số 100 - 120 lần/phút. Mỗi lần dừng giữa các lần ép không quá 10 giây.

Với động tác thổi ngạt:

  • Đặt một tay lên trán người bệnh và ấn nhẹ để trán ngửa ra sau.

  • Đặt một tay dưới xương hàm và ấn nhẹ giúp cằm ngửa. Từ đó, tạo tư thế đầu ngửa, cổ ưỡn tối đa.

  • Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, chỉ cần làm động tác đẩy hàm mà không làm động tác ấn trán, tránh di chuyển đầu và cổ.

  • Móc dị vật, răng giả nếu có, đờm dãi ra khỏi miệng người bệnh.

  • Quỳ ngang đầu người bệnh, kẹp chặt cánh mũi, gan bàn tay tì lên trán người bệnh.

  • Hít một hơi và thổi vào miệng bệnh nhân trong vòng một giây.

  • Quan sát xem lồng ngực bệnh nhân có phồng không? Lặp lại.

  • Sau hai lần thực hiện, quay lại động tác ép tim.

Trình bày những bước xử lý cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu
Cần thực hiện hồi sức tim phổi ngay nếu bệnh nhân ngừng thở hoặc không sờ thấy mạch đập

Bước 3: Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định

Khi bệnh nhân có mạch đập vững và nhịp thở đều, quan sát người bệnh:

  • Trường hợp bệnh nhân nuốt phải chất độc, cố gắng loại bỏ tạp chất còn sót lại trong miệng của bệnh nhân. Nếu xung quanh có nhãn, bao bì của loại thuốc sâu, làm theo hướng dẫn xử trí ngộ độc nếu có.

  • Trường hợp thuốc sâu dính ở niêm mạc mắt hoặc vùng da quanh mắt bệnh nhân, cần nhẹ nhàng rửa vùng mắt bằng nước sạch trong ít nhất 15 phút hoặc cho tới khi có can thiệp y tế.

  • Trường hợp thuốc sâu bám trên da, dùng găng tay cởi bỏ quần áo đã dính thuốc sâu. Sau đó, lau rửa sạch vùng da đã bị dính thuốc sâu dưới vòi nước chảy.

Bước 4: Tiếp tục theo dõi người bệnh

Trong lúc chờ xe cấp cứu, cần liên tục theo dõi người bệnh, cụ thể:

  • Theo dõi huyết áp nếu có thể mỗi 3 tới 5 phút một lần.

  • Theo dõi liên tục nhịp thở và mạch đập của người bệnh.

Phòng ngừa ngộ độc thuốc sâu

Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, cần có những phương pháp phòng tránh ngộ độc thuốc trừ sâu, một số cách có thể kể đến:

  • Sử dụng các nhóm thuốc trừ sâu có trong danh mục cho phép, ít gây độc và tồn dư với người và động vật.

  • Sử dụng thuốc sâu đúng theo chỉ dẫn, đúng liều lượng và phun thuốc đúng thời điểm. Tránh phun bừa bãi, phun quá lượng quy định gây nguy hiểm tới người sử dụng.

  • Tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc vệ sinh an toàn lao động như đeo găng tay, khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ hoặc quần áo dài che kín toàn thân.

  • Tránh đứng ở đầu gió trong quá trình phun thuốc.

  • Không ăn uống, nấu ăn, giặt giũ…ngay sau khi phun thuốc mà chưa vệ sinh sạch sẽ.

Trình bày những bước xử lý cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu
Cần mặc quần áo che kín cơ thể trong quá trình phun thuốc

Nói chung, ngộ độc thuốc trừ sâu có diễn biến trong thời gian từ vài giây đến đến hàng giờ, có thể gây ra các biểu hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí là tử vong. Do vậy, khi bắt đầu có biểu hiện ngộ độc thuốc trừ sâu, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu đã đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản về cách sơ cứu người uống thuốc sâu. Hy vọng bài viết có thể mang lại cho bạn những điều hữu ích. Nhà thuốc Long Châu xin kính chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!