Văn hóa thần tượng của giới trẻ hiện nay năm 2024

Thế hệ người Việt trẻ đang phải đối mặt với các “virus văn hóa độc hại” tràn lan trên không gian mạng, đó là việc khuếch trương, cổ xúy các sản phẩm văn hóa, các nhân vật với những hành vi phản cảm, gây hiệu ứng “đám đông” cực đoan, khó kiểm soát… Cần coi đây là một nội dung trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến thông tin và phối hợp hành động để thế hệ trẻ có được “tấm khiên” chắn hiệu quả, có được bộ lọc văn hóa hữu hiệu và sức đề kháng tốt chống lại mọi “virus văn hóa độc hại” đó.

Những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã và đang ảnh hưởng rất lớn [cả tích cực và tiêu cực] đến mọi hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Với đặc điểm nổi trội là tính kết nối nhanh, chia sẻ rộng, chỉ cần một chiếc điện thoại hay một máy tính kết nối Internet, chúng ta có thể truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng xã hội. Mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau nhưng có một điểm chung là xem nó như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người.

Và đối với thế giới, đây được xem như một sức mạnh mềm đã và đang ngày càng phát huy ảnh hưởng trên không gian mạng. Nhà báo Thomas Friedman - tác giả cuốn sách “Thế giới phẳng” nhận định: Khi được đặt trong không gian mạng, sự mở rộng tầm ảnh hưởng này là không biên giới, vượt mọi giới hạn không gian, thời gian, thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân, cộng đồng, quốc gia dân tộc... Trong không gian mạng, thông tin được phát tán cực nhanh, với quy mô cực rộng, tính tương tác truyền bá cực lớn, và một khi đã phát tán thì rất khó ngăn chặn. Khác với không gian thực tế, không gian mạng mang tính gián tiếp, ẩn danh, nên dễ dàng thoát khỏi sự kiểm soát, kiểm duyệt chính thống; ít chịu sự ràng buộc về pháp lý, đạo đức, trách nhiệm và khó nắm bắt, quản lý.

Việc lợi dụng tối đa những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại làm lan truyền và phổ biến các “virus văn hóa độc hại” với nhiều chiêu thức mới cũng là một trong các thủ đoạn tinh vi nhằm làm băng hoại, phá hủy gốc rễ văn hóa và truyền thống tốt đẹp, làm cho người Việt trẻ mất phương hướng và có thể di hại lâu dài. Chúng sử dụng các trang web, blog, các tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Zalo, Istagram, Tiktok, các diễn đàn, báo điện tử, đài phát thanh để khuếch trương, cổ xúy các sản phẩm văn hóa, các nhân vật với những hành vi phản cảm, nảy sinh các “giang hồ mạng”, các nhân vật mang biểu tượng xấu, các sản phẩm phi đạo đức, phản văn hóa, gây hiệu ứng “đám đông” cực đoan, khó kiểm soát…

Việt Nam hiện là quốc gia người trẻ tham gia mạng internet đông nhất

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển Internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê đến tháng 6-2021, trong số 97,75 triệu dân cả nước có trên 68,72 triệu người [chiếm 70,3% dân số] sử dụng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 ở châu Á; hơn 72 triệu người [chiếm 73,7% dân số] dùng mạng xã hội, chủ yếu là Youtube, Facebook [đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất] và là một trong 10 nước có số lượng người dùng YouTube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% số người sử dụng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên[1], đặc biệt là GenZ [những người trẻ sinh ra từ sau năm 1997, thời kỳ Internet bắt đầu vào Việt Nam đến nay]. Đây là thế hệ sinh ra trong thời kỳ “bùng nổ” Internet, thông tin và cũng đúng lứa tuổi con người có khả năng thích ứng, học hỏi cao.

Chưa hết, việc người dùng mạng xã hội ngày càng trẻ hóa ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 cũng thật đáng giật mình: 16,5% người có các tài khoản mạng xã hội là trẻ em[2]. Mặc dù việc thiết lập tài khoản giới hạn về độ tuổi, nhưng việc không kiểm soát danh tính thật dẫn đến khai man năm sinh không hề có trở ngại. Đây chính là thành phần dễ tổn thương nhất trước sự tấn công của các “virus văn hóa độc hại”, các trào lưu [hot trend] xấu, những thông tin có tính “giật gân”, “hot” chưa được kiểm chứng có thể vô tình được nhóm đối tượng này chia sẻ, bình luận để “tăng like”, “tăng view”, tăng tương tác trên các trang, nhóm của mình…

Văn hóa “thần tượng” thời @ - Những dấu hiệu lệch chuẩn

Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, lựa chọn cho mình một phong cách sống, một nhân cách sống, một mẫu hình để noi theo là một nhu cầu tự thân, khách quan và cần được tôn trọng. Thực chất, thần tượng một ai đó cũng là một nét đẹp văn hóa.

Thần tượng là một hình mẫu, một mô thức trong lĩnh vực nào đó [học tập, làm việc, lẽ sống, lối sống hay vào đời, lập nghiệp…] mà họ muốn học hỏi, noi theo; Người trẻ nói chung rất nên có thần tượng, thần tượng sẽ là một điểm tựa tinh thần rất quan trọng trong các bước thăng trầm mà người trẻ đang đi. Những người sống “phi thần tượng” có thể dễ có cảm giác bị hẫng hụt, nhất là khi bị mất niềm tin trước những xô đẩy, sóng gió cuộc đời.

Những nguyên nhân giới trẻ xu hướng thần tượng “idol dởm”:

Trước hết, xét về khách quan, thuật toán các nền tảng xã hội có thể “đẩy” bất cứ nội dung nào thành “hot trend” miễn là đạt lượt “like”, “view”, “share” lớn.

Dù được cho là cung cấp miễn phí các ứng dụng mạng xã hội, nhưng thực tế những “dấu chân” trên Internet, dữ liệu người dùng được máy học và AI [trí tuệ nhân tạo] liên tục thu thập, phân tích và tiên đoán hành vi người dùng ngày một chính xác hơn, đưa ra những đề xuất hấp dẫn, nhắm đúng đối tượng đích hứng thú với thông tin hơn khiến nó trở thành “chất gây nghiện” đến mức khó có thể đặt điện thoại xuống.

Nếu người dùng có những thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh, yêu thích nội dung mang tính giáo dục, học tập thì thuật toán sẽ hướng đến gợi ý, đề xuất nội dung đó. Nhìn từ góc độ tích cực, các thông tin trên không gian mạng có thể giúp liên kết, thôi thúc, động viên, khích lệ con người vươn lên, tạo ra những hành vi, những kết quả tốt đẹp hơn. Khi “hữu xạ tự nhiên hương”, những giá trị đích thực sẽ là mẫu số chung của những giá trị tinh thần, cá nhân có thương hiệu tốt hay thần tượng đúng nghĩa không còn là chân dung của một người nữa mà trở thành giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Song, mạng xã hội sẽ trở nên cực kỳ độc hại khi có những người dùng quan tâm nội dung nhảm và không mang tính giáo dục. Hiệu ứng đám đông trên không gian mạng rất to lớn một khi nội dung đó trở thành xu hướng được chia sẻ và đề xuất theo thuật toán, tạo điều kiện dễ dàng cho thế lực thù địch có thể sử dụng các “tài khoản ảo” để đẩy bất kỳ một sự việc, hiện tượng nào lên xu hướng. Điều này đã và đang tạo cơ hội lớn cho nhiều hiện tượng, ngôn ngữ phản cảm, thậm chí là vô văn hóa, hoặc vi phạm pháp luật không rõ lý do gì đã có thể trở thành “viral”, thành hiện tượng “hot” có lượt tìm kiếm và truy cập cao trong thời gian ngắn. Có lẽ chưa khi nào, việc một ai đó được giới trẻ hâm mộ lại dễ dàng như hiện nay. Thay vì có tài năng, có tri thức, có cống hiến cho xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng thì nhiều người gây “bão” trên mạng xã hội với những hành vi vô văn hóa, phản cảm, dung tục, có những biểu hiện lệch chuẩn trong tư duy, lối sống, thậm chí là vi phạm pháp luật lại được giới trẻ hâm mộ, tung hô.

Điển hình, sự việc lừa đảo với từ khóa “thao túng tâm lý” xôn xao cộng đồng mạng từ tài khoản Tina Dương sinh năm 1995 ở Bắc Giang vẫn được gọi với cái tên “Anna Bắc Giang”. Thậm chí, màn livestream khoe sự việc cô vừa trở về từ cơ quan công an và thừa nhận hành vi lừa đảo của mình cũng thu hút hơn 16.000 lượt xem cùng lúc. Trái khoáy, nhiều bạn trẻ để lại bình luận tung hê cô như một thần tượng. Chưa hết, còn vô số những “giang hồ mạng” gắn mác những YouTuber rất nổi tiếng như “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, “soái ca” Khá Bảnh, “thầy dạy làm giàu” Huấn hoa hồng, đại ca Phú Lê... đều đã vướng vào vòng lao lý, hay mới đây, hiện tượng TikToker Phạm Thoại còn được ca ngợi “từ thánh chửi đến đại sứ thương hiệu”, nổi tiếng với những buổi livetreams [phát trực tiếp] bán hàng ăn mặc lố lăng, văng tục, chửi bậy 24h liên tục với hàng trăm nghìn mắt xem… Những nội dung mang đủ tính chất nhảm nhí, nói tục chửi bậy, không có tính chất giáo dục, nguy hại thay lại được các thanh, thiếu niên và đặc biệt là các em nhỏ xem rất nhiều.

Mặt khác, xét về chủ quan, người trẻ dù sao cũng hạn chế về phông văn hóa, “sức đề kháng” đối với các “virus văn hóa xấu độc” còn yếu.

Thần tượng một ai đó không hề xấu, nhưng quan trọng là giới trẻ cần có nhận thức và hiểu biết để phân biệt được đúng sai, tốt xấu từ chính những người mà mình hâm mộ. Việc tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội và thẩm thấu, sàng lọc này được thông qua “bộ lọc” của từng chủ thể. Bộ lọc ấy chính là nhận thức, trình độ, cảm xúc, nhu cầu… và nhất là nền tảng văn hóa giá trị của chính mỗi người. Nếu bộ lọc đó tốt, nghĩa là văn hóa giá trị của người đó cao thì sẽ “đãi được cát và lấy được vàng”. Bằng không, một khi bộ lọc đó yếu hay bị rách thủng thì “cát to đọng lại mà vàng vụn bị trôi đi”. Song, không phải người dùng mạng nào cũng đủ tỉnh táo để kiểm soát và điều chỉnh sự ngưỡng mộ thần tượng một cách tích cực để bản thân vươn lên, tiến bộ không ngừng, nhất là với người trẻ. “Văn hóa idol mạng” do đó vẫn còn nhiều điều gợn, hiện tượng sùng bái điên cuồng, bắt chước, hùa theo những thói hư tật xấu của thần tượng và nghiêm trọng hơn là việc fan cuồng, fan quá khích đang ngày càng trẻ hóa”

Nếu thần tượng là những anh hùng dân tộc, anh hùng trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, các danh nhân văn hóa, hay những tấm gương người trẻ thành công… thì đó là điều đáng mừng, nhưng những “cơn bão” trên mạng xã hội làm cho giới trẻ mất phương hướng trong quan điểm, làm thay đổi cả lối sống nhận thức ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của người trẻ, sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ thật sự là điều đáng trăn trở.

Cách đây khoảng 2500 năm, Lão Tử, một triết gia nổi tiếng của Trung Hoa đã nói: Làm thầy thuốc mà sai lầm thì chỉ giết một người; làm chính trị mà sai lầm thì tàn hại cả đất nước; làm văn hóa mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời. Trải qua một thời gian dài, nhìn vào lịch sử phát triển của xã hội loài người, hầu hết chúng ta đều thấy nhận xét của Lão Tử là đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy, văn hóa rất quan trọng và quan hệ mật thiết đến vận mệnh của một quốc gia. Những sai lầm về văn hóa có thể làm băng hoại cả một xã hội và để lại hậu quả thật khôn lường.

Bảo vệ môi trường văn hóa trên không gian mạng trước khi quá muộn

Văn hóa và những giá trị truyền thống tốt đẹp chính là thứ mà gia đình, nhà trường và xã hội đang ngày ngày phải chăm lo vun đắp cho thế hệ trẻ. Vậy mà, trong khi việc học ở trường cũng có giới hạn thời gian với quá nhiều kiến thức và môn học, trong khi cuộc sống mưu sinh bộn bề khó khăn, nhiều gia đình, cha mẹ và con cái cũng rất thiếu thốn thời gian giao tiếp với nhau, thì không gian mạng lại quá rộng mở “đón tiếp” người trẻ, đặc biệt là trẻ em bất cứ lúc nào với những nội dung đầy cuốn hút khiến họ có thể chìm đắm hàng giờ “lang thang” trên mạng mà không biết chán. Để có được “tấm áo giáp” tự bảo vệ mình, không bị “virus văn hóa độc hại” ăn mòn đến mức mê muội, mù quáng, mỗi người trẻ cần phải được gia đình và nhà trường quan tâm giáo dục hơn nữa để có thể nhận diện các giá trị thực chất chứ không phải phong trào hay a dua cho bằng bạn bằng bè, hoặc chỉ để “thể hiện đẳng cấp” một cách bồng bột.

Tuy nhiên, để có được “tấm áo giáp”, hướng người trẻ đến với các tấm gương tốt, biểu tượng đẹp không phải chuyện một sớm một chiều. Việc có lẽ cần làm ngay lúc này là chúng ta phải xây dựng cho được một môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội giúp người dùng được tiếp cận những gì thực sự là tốt đẹp trên không gian truyền thông đầy hấp dẫn với những sản phẩm phù hợp lứa tuổi và văn hóa.

Các nhà mạng viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để thường xuyên nắm bắt tình hình, trao đổi đánh giá, xử lý các thông tin xấu độc, ngăn chặn gỡ bỏ các tài khoản có hình ảnh, ngôn ngữ không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nguồn phát tán thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội góp phần đảm bảo trật tự xã hội. Tăng cường hiệu quả quản lý cũng phải dựa trên công nghệ, dựa vào trí tuệ nhân tạo để có được những thuật toán kiểm soát tối đa những video, những tài khoản đăng tải các nội dung xấu, độc… Cộng đồng và những người có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý văn hóa cũng cần kịp thời lên án, tẩy chay những clip, nội dung nhảm nhí, độc hại xuất hiện trên mạng; tăng cường kiểm tra, xử lí và báo cáo những nội dung này để tránh gây ảnh hưởng đến người trẻ. Đồng thời, những vấn đề tích cực, những bài viết, những clip truyền cảm hứng cần đề xuất truyền tải bởi những tài khoản có ảnh hưởng [các KOL, KOC] giúp lan tỏa những thông tin tốt đẹp, định hướng suy nghĩ tích cực cho những người trẻ.

Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ giá trị quốc gia trong toàn bộ đời sống chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam trong tương lai. Phải coi đây là một nội dung cần quan tâm trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến thông tin trên không gian mạng. Từ đó, giúp người trẻ phân biệt được đâu là văn hóa giá trị, đâu là văn hóa phi giá trị. Đồng thời, hệ giá trị quốc gia này cũng là cơ sở để gia đình và nhà trường giáo dục và hướng dẫn con em mình tạo được “kháng thể” cho người trẻ trước những “virus văn hóa độc hại” đang tràn lan. Việc giúp người trẻ thần tượng đúng người, biết phân biệt văn hóa với phi văn hóa sẽ khiến người trẻ sống có mục tiêu, nâng cao hiểu biết và kĩ năng, lấy đó làm động lực thúc đẩy hoàn thiện bản thân.

Như vậy, việc chấp nhận một “thế giới phẳng”, truyền thông kết nối ngày càng bùng nổ là tất yếu khách quan; việc quản lý, kiểm soát, định hướng và xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp trên không gian mạng là việc cấp thiết. Song song với đó, chúng ta cần trang bị cho thế hệ trẻ phông kiến thức xã hội phong phú, bộ lọc văn hóa hữu hiệu và sức đề kháng tốt để chống lại mọi “virus văn hóa độc hại”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế… Đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ”[3]. Điều đó cho thấy, trong tiến trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng ta chủ trương thực hiện phương châm vừa “xây”, vừa “chống”; phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Chính vì vậy, nhận diện và có giải pháp phòng chống các sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng là vấn đề quan trọng hiện nay./.

Chủ Đề