Ví dụ về quảng cáo sai sự thật ở Việt Nam

Tìm hiểu về các hình thức, nội dung quy định của pháp luật thương mại về quảng cáo sai sự thật.

Ví dụ về quảng cáo sai sự thật ở Việt Nam
Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 quy định : Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại bao bì, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, trong Luật Quảng cáo năm 2012 cũng đã nếu vấn đề quảng cáo sai sự thật tại Khoản 9 Điều 8: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ; về số lượng chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố’’. Theo Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại thì quảng cáo sai sự thật được hiểu là việc đưa thông tin không đúng sự thật dưới bất kỳ hình thức nào đều được coi là vi phạm nguyên tắc trung thực- nguyên tắc cơ bản của luật thương mại.

Luật Thương mại đã quy định rõ về những nội dung của sản phẩm khi không được cung cấp thông tin đúng thì sản phẩm bị coi là quảng cáo sai sự thật. Đây đều là những thông tin cơ bản mà bất kì người tiêu dùng nào muốn tiếp cận với sản phẩm đều quan tâm, vì vậy mà việc quảng cáo không đúng sẽ trực tiếp gây nên hiểu nhầm, là hành vi gian dối trong kinh doanh. Pháp luật quy định một sản phẩm quảng cáo sai sự thật một trong những nội dung cơ bản đã nêu đều phải bị xử phạt.

Thứ nhất, quảng cáo sai sự thật về số lượng, chất lượng hàng hóa. Đây được coi là sự quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Trên một sản phẩm, thông thường nhà sản xuất thường đưa ra những chỉ tiêu, những chứng nhận chất lượng hàng hóa như: chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, tiêu chuẩn ISO, sự kiểm định của những viện nghiên cứu hàng đầu trong nước hoặc quốc tế… Tuy nhiên không ít những sản phẩm đã cung cấp thông tin sai sự thật về những kiểm định chất lượng đó nhằm tạo sự tin mua của người tiêu dùng. Hay số lượng được quảng cáo, in ngoài bao bì sản phẩm, trọng lượng, khối lượng sản phẩm không đúng như thực tế. Có thể kể đến hiện tượng vòng “Titan – quan âm” được quảng cáo rộng rãi trên các đài truyền hình do công ty TNHH Specal – TV SHOPPING nhập khẩu và phân phối độc quyền vào khoảng cuối năm 2009. Theo quảng cáo về chất lượng thì “sản phẩm có chứa 99,99% titan và germanium, đã được hãng SGS của Thụy Sĩ kiểm định và chứng nhận có tác dụng tăng khả năng lưu thông máu, chống bức xạ”. Sản phẩm có số lượng là 2 vòng tay, 2 dây chuyền có giá 1.688.000 đồng (khuyến mãi còn 999.000 đồng). Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện ra rằng bộ sản phẩm này đã được công ty mua từ Công ty đồ trang sức Thâm Quyến (Trung Quốc) có giá 32 Nhân dân tệ/20 bộ (tương đương 4.000 đồng/bộ). Không chỉ vi phạm về giá sản phẩm không đúng thực tế, chất lượng sản phẩm cũng được kiểm định và cho thấy chỉ có 2,8% là titan, có tới 71,31% là sắt, còn lại là tạp chất. Hay ta có thể biết việc quảng cáo sản phẩm của quảng cáo “hạt nêm Chinsu không bọt ngọt”, mà thực chất là siêu bột ngọt. Với ý đồ đánh vào tâm lý sợ bột ngọt gây đau đầu ở người tiêu dùng, Masan đã tung ra quảng cáo “hạt nêm không bọt ngọt” để cạnh tranh với các đối thủ. Tuy nhiên, ngay sau khi tung ra quảng cáo không lâu, mẫu hạt nêm không bột ngọt này của Masan đã được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở KHCN TPHCM. Phiếu kiểm nghiệm cho thấy: bột nêm không bột ngọt Chin-su có hàm lượng 1,21% monosodium glumate (còn gọi là bột ngọt). Đây chính là sự vi phạm nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm không như quảng cáo.

Thứ hai, quảng cáo sai sự thật về giá sản phẩm. Đây là việc tung ra những chiêu thức quảng cáo về giá sản phẩm không đúng thực tế, hoặc báo giá sản phẩm mập mờ, không rõ ràng khiến người mua nhầm lẫn. Chỉ khi tiếp cận với sản phẩm trực tiếp thì họ mới nhận ra giá thật cao hơn rất nhiều. Có thể kể đến việc các hãng hàng không như Tiger Airway (Singapore), AirAsia (Thái Lan) khi thâm nhập thị trường Việt Nam đã đưa ra mức giá vô cùng hấp dẫn cho giá vé máy bay chặng Việt – Sing; Việt – Thái là 25 USD (tương đương khoảng 550.000 đồng), còn rẻ hơn rất nhiều so với các chặng bay địa phương trong nước. Nhưng khi đến đặt vé bay thì người dân mới biết ngoài 25 USD tiền vé, khách hàng còn phải trả rất nhiều phụ phí liên quan như: lệ phí sân bay, phí an ninh, xăng dầu,… Khách hàng khi mua vé phải trả số tiền nhiều gấp 5 – 6 lần so với giá mà nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo. Hơn nữa, chất lượng cũng không phù hợp với mức giá mà khách hàng đã trả, họ không được hưởng các dịch vụ tối thiểu như ăn uống, đọc báo, mang hành lý…

Thứ ba, quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm. Tức là việc nhà sản xuất đưa ra những thuyết minh một công dụng nào đó không có thực của sản phẩm mình bán. Điều này ta hay bắt gặp ở các sản phẩm thuốc và thực phẩm. Thời gian gần đây, xuất hiện một loại sữa non mang nhãn hiệu Alpha Lipid trên thị trường. Loại sữa này do Công ty CP Tân Ích Mỹ phân phối độc quyền từ Công ty New Image Intermational (có xuất xứ từ New Zealand). Mỗi lon sữa Alpha Lipid được bán với giá 1,5 triệu đồng. Thông tin quảng cáo cho biết sữa có hàng trăm tác dụng, từ làm lành chấn thương sau phẫu thuật, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường, chống lại triệu chứng suy giảm hệ miễn dịch ở người mắc bệnh lao phổi, tim mạch, tai biến mạch máu não, tiểu đường, gan, đến hỗ trợ điều trị ung thư…Thậm chí, có thể lấy sữa non Alpha Lipid bôi vào vết thương sau phẫu thuật thay cho thuốc kháng sinh… nhưng thực chất, sản phẩm chỉ là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đơn thuần. Lời quảng cáo biến sữa non thành “thần dược” của doanh nghiệp bán hàng mà nhiều người tiêu dùng đã tự biến mình thành nạn nhân khi sở hữu một lon sữa bỏ ra số tiền gấp nhiều lần giá trị thực.

Thứ tư, quảng cáo sai sự thật về kiểu dáng, bao bì. Một số sản phẩm được quảng cáo trên ti vi mang một dáng vẻ khác so với sản phẩm được bày bán thực tế. Hoặc khi tiếp cận thực tế người tiêu dùng mới nhận ra nó không được như kiểu dáng mình mong muốn. Đó cũng là việc chủ cơ sở sản xuất cố ý thiết kế bao bì sản phẩm gần giống với sản phẩm của các nhãn hiệu nổi tiếng khác nhằm lợi dụng sự nhầm lẫn của người tiêu dùng để chuộc lợi, hoặc in những quảng cáo lên bao bì không đúng thực tế. Các sản phẩm như Nam Ngư, Nam Ngư Đệ Nhị, nước mắm hảo hạng Chinsu… đều có thông điệp quảng cáo: Không đổi mùi, xuống màu, trong đến cuối chai, nước mắm hảo hạng, vì sức khỏe… Trong khi đó, nước mắm Nam Ngư có thời điểm độ đạm không đảm bảo, chỉ có 6-7 độ Nitơ (còn hàm lượng công bố trong bao bì là 10g N/1 lít). Hay nước mắm thượng hạng theo tiêu chuẩn nước mắm Việt Nam là phải từ 25 độ N – 29 độ N, còn nước mắm Chinsu hiện nay chỉ đạt 12 độ N, hoàn toàn chưa đủ tiêu chuẩn để sử dụng từ “nước mắm hảo hạng”.

Thứ năm, quảng cáo sai sự thật về xuất xứ hàng hóa. Là việc nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm của mình có xuất xứ từ những quốc gia sản xuất hàng hóa chất lượng như: đồ điện tử Made in Japan, mỹ phẩm Made in Korea, USA, Thailand… mà thực chất xuất xứ hàng hóa không phải như vậy. Có thể kể đến vụ việc tháng 7-2013, Cục Hải quan TP. HCM đã phát hiện Công ty TNHH B nhập khẩu 600 máy phun thuốc trừ sâu khai báo xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên khi kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan Hải quan phát hiện, trên sản phẩm phần động cơ ghi sản xuất là HONDA Thái Lan, trên bao bì, tờ hướng dẫn sử dụng ghi toàn bộ bằng tiếng Nhật, tiếng Thái. Phần nội dung ghi xuất xứ Trung Quốc và những thông tin khác được dán lên bao bì bên ngoài của sản phẩm bằng một tờ giấy nhỏ và có thể bóc ra được. Hay hiện nay, khi mà người dân ưa chuộng dùng hàng Việt Nam do chất lượng được cải thiện thì nhiều sản phẩm được nhập lậu từ Trung Quốc,… được gắn mác Việt Nam, bán với giá thành cao hơn đánh lừa người tiêu dùng.

Ví dụ về quảng cáo sai sự thật ở Việt Nam

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Thứ sáu, quảng cáo sai sự thật về phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ. Đây là việc mà khách hàng mua sản phẩm có nội dung quảng cáo là sẽ bảo hành cho sản phẩm trong một thời hạn nhất định nhưng thực tế không được hưởng dịch vụ đó. Có thể kể đến việc siêu thị điện máy Trần Anh – Hà Nội đã từng bị khách hàng tố khi mua ti vi LED Sony 42inch có bảo hành 1 năm, nhưng khi xảy ra vấn đề và mang đến trung tâm thì được giải thích là sản phẩm chỉ đc bảo hành 6 tháng, và buộc khách hàng chi trả toàn bộ phí sửa chữa. Hay cũng có rất nhiều quảng cáo sai sự thật về phương thức phục vụ, như đối với các dịch vụ chăm sóc làm đẹp thường có quảng cáo về việc sử dụng những loại máy móc hiện đại để phục vụ cho việc chăm sóc toàn diện, hay sẽ có từ 2 – 3 nhân viên massages luân phiên cho một khách hàng. Tuy nhiên trên thực tế phương thức phục vụ không được như vậy.