Vi khuẩn nội bào là gì

1. KHÁI QUÁT VỀ CÁC CƠ CHẾ BẢO VỆ MIỄN DỊCH CỦA NGƯỜI

1.1. Miễn dịch không đặc hiệu

1.1.1. Hàng rào vật lý, bao gồm da và niêm mạc

Da bao bọc toàn bộ cơ thể, lớp sừng cứng và bong thường xuyên, độ chun dãn của da và sự tiết mồ hôi cản trở vi sinh vật bám và xâm nhập vào cơ thể. Niêm mạc với độ chun dãn lớn, lớp tế bào ngoài cùng cũng bong thường xuyên, sự hoạt động của nhungmao và sự tiết dịch nhầy phủ niêm mạc, dịch tiết như nước mắt nước mũi, nước tiểu, dịch tử cung, âm đạo, dịch tiêu hoá rửa niêm mạc thường xuyên đã cản trở vi sinh vật bám và xâm nhập vào cơ thể.

1.1.2. Hàng rào hoá học

Trên da và niêm mạc: trên da có acid lactic, acid béo của mồ hôi. Trên niêm mạc các dịch tiết có nhiều lysozym, lactoperoxydaza,có tác dụng diệt khuẩn chống viêm.

Trong máu và gian bào của cơ thể chứa đầy lysozyme, proteinC, các thành phần bổ thể, interferon.tham gia kìm hãm và diệt vi sinh vật.

1.1.3. Hàng rào tế bào

Chủ yếu là các tế bào thực bào nhờ các phản ứng xẩy ra tại ổ viêm và do sự xâm nhập của vi sinh vật nên hàng loạt các phản ứng như hoạt hoá bổ thể, dãn mạch tăng tính thấm, bạch cầu bám mạch, bạch cầu xuyên mạch, hoá ứng động, opsonin hoá và thực bào nhằm mục đích tiêu diệt vi sinh vật.

Với sự hoạt động của các cơ chế không đặc hiệu vừa nêu trên vi sinh vật sẽ bị khu trú lại và bị tiêu diệt dưới dạng một ổ viêm không đặc hiệu.

1.2. Miễn dịch đặc hiệu

1.2.1. Thực bào

Thực bào là một phần quan trọng của cơ chế miễn dịch không đặc hiệu đồng thời cũng là khâu mở đầu của cơ chế miễn dịch đặc hiệu.

Hình 27 : Đại thực bào trình diện kháng nguyên cho lympho Th [hình trên trái] và tế bào đích trình diện kháng nguyên cho lympho Tc [ hình dưới phải]

1.2.2. Trình diện kháng nguyên:

Sau khi xử lý kháng nguyên, đại thực bào trình diện các quyết định kháng nguyên cho các tế bào có thẩm quyền miễn dịch đó là các lympho bào T và B.

1.2.3. Đáp ứng miễn dịch dịch thể

Do lympho bào B đảm nhiệm. Sau khi nhận biết kháng nguyên bằng các globulin miễn dịch, bề mặt lympho bào B sẽ tăng sinh, biệt hoá với sự chọn lọc tổ hợp các gien để sản xuất một loại globulin miễn dịch đặc hiệu cho một epitop kháng nguyên.

Các tế bào cuối cùng của sự biệt hoá [tương bào] làm nhiện vụ sản xuất kháng thể dịch thể đặc hiệu, một số khác chuyển thành tế bào nhớ cho đáp ứng lần sau với chính kháng nguyên đó.

Các kháng thể dịch thể [Ig] với phần thay đổi làm nhiệm vụ nhận biết kháng nguyên và kết hợp đặc hiệu với kháng nguyên nhờ đó mà độc tố bị trung hoà, vi khuẩn bị ngưng kết.

Sự kết hợp kháng nguyên và kháng thể dịch thể [IgG, IgM] còn hoạt hoá bổ thể làm ly giải tế bào, giúp đại thực bào vây bắt kháng nguyên nhờ hiện tượng opsonin hoá.

1.2.4. Đáp ứng miễn dịch tế bào

Do lympho bào T đảm nhiệm. Lympho bào T đặc biệt là Th với các receptor bề mặt [TCR] để nhận biết kháng nguyên do APC trình diện.

Tế bào Th sau khi nhận biết kháng nguyên [có trong MHC] do sự kết hợp với phân tử MHC của tế bào bị nhiễm chúng được hoạt hoá giải phóng ra các cytokin [interlerkin] để:

Hoạt hoá T dưới nhóm

Hỗ trợ cho sự hoạt hoá lympho bào B.

Hoạt hoá Tc diệt trực tiếp tế bào mang kháng nguyên lạ.

Hoạt hoá đại thực bào, tế bào NK

Các quá trình trên diễn ra nhịp nhàng và đồng loạt với mục đích loại trừ kháng nguyên ra khỏi cơ thể. Nhìn chung tuỳ từng loại vi sinh vật gây bệnh và vị trí xâm nhập mà miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào hoặc cả hai cùng tác động để vi sinh vật gây bệnh sẽ bị loại trừ ra khỏi cơ thể.

2. KHÁI QUÁT VỀ SỰ NÉ TRÁNH CỦA VI SINH VẬT

2.1. Sự ẩn dật của vi sinh vật

Một số vi khuẩn, virus, ký sinh trùng tìm chỗ cư trú ngay trong tế bào của cơ thể, ở đó chúng có thể yên ổn phát triển và nhân lên, thậm chí chúng có thể cư trú trong tế bào thực bào.

2.2. Thay đổi kháng nguyên

Rất nhiều loại vi sinh vật có thể thay đổi kháng nguyên. Sự thay đổi đó có thể xẩy ra giữa các giai đoạn phát triển khác nhau của vi sinh vật trong cơ thể vật chủ. Nhờ có sự thay đổi kháng nguyên bề mặt mà vi sinh vật có thể tồn tại và phát triển được trong cơ thể vật chủ.

2.3. Tác dụng ức chế miễn dịch

Có loại vi sinh vật có thể ức chế miễn dịch bằng cách tấn công vào các tế bào của hệ miễn dịch làm cho tế bào của hệ miễn dịch suy giảm cả về số lượng lẫn chức năng. Chúng ta dễ dàng nhận thấy hiện tượng này trong nhiễm HIV.

Do các biện pháp né tránh của vi sinh vật mà cho đến nay các cố gắng của Y học trong việc điều trị bệnh nhân, trong việc tạo vacin ở một số loại bệnh gặp không ít khó khăn và đây cũng chính là vấn đề còn phải được tiếp tục nghiên cứu.

3. MIỄN DỊCH CHỐNG VI KHUẨN NGOẠI BÀO

Vi khuẩn ngoại bào là các vi khuẩn có thể sống và nhân lên bên ngoài tế bào vật chủ, như trong hệ tuần hoàn, tổ chức liên kết, đường hô hấp, ống tiêu hoá Nó bao gồm các vi khuẩn Gram [+] sinh mủ như stphylococus, streptococus, các trực khuẩn Gram [+] như clostridium, các vi khuẩn Gram [-] như não mô cầu, lậu cầu và trực khuẩn Gram [-] như E. coliCác vi khuẩn ngoại bào tạo ra các phản ứng viêm hoặc bằng các độc tố của chúng dẫn đến việc huỷ hoại tổ chức, gây ngộ độc làm suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể người.

Đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại vi khuẩn ngoại bào chính là nhằm loại trừ vi khuẩn và trung hoà độc tố của chúng.

3.1. Cơ chế miễn dịch không đặc hiệu

3.1.1. Thực bào

Đây là cơ chế của đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu chống lại vi khuẩn ngoại bào được thực hiện bởi bạch cầu trung tính, monocyte, đại thực bào ở tổ chức mô. Khả năng thực bào tỷ lệ nghịch với độc lực của vi khuẩn.

3.1.2. Hoạt hoá bổ thể

Đây là cơ chế quan trọng trong việc loại trừ vi khuẩn ngoại bào của cơ thể.

Hoạt hoá bổ thể tạo ra hiện tượng opsonin hoá giúp cho bạch cầu thực bào, tạo nên phức hợp tấn công màng gây dung giải vách của vi khuẩn, làm tăng quá trình viêmtạo điều kiện cho tế bào thực bào tiêu diệt vi khuẩn.

3.1.3. Nội độc tố [LPS]

Kích thích đại thực bào và các tế bào viêm khác sản xuất nhiều cytokin gây bám dính và xuyên mạch của bạch cầu làm tăng phản ứng viêm cấp, hoạt hoá cả tế bào miễn dịch đặc hiệu.

3.2. Cơ chế miễn dịch đặc hiệu

Trong đáp ứng miễn dịch đặc hiệu để chống lại vi khuẩn ngoại bào, miễn dịch dịch thể là đáp ứng bảo vệ chính của cơ thể.

Những kháng nguyên không phụ thuộc tuyến ức có trong thàmh phần vỏ vi khuẩn khi tiếp xúc với lympho B sẽ trực tiếp kích thích chúng sản xuất ra kháng thể [Ig] đặc hiệu.

Những phần kháng nguyên vi khuẩn được đại thực bào xử lý và trình diện cùng với phân tử MHC lớp II cho tế bào Th [TCD4+], khi đó những tế bào này được hoạt hoá và tiết ra IL4, IL5, IL6 giúp lympho B sản xuất Ig. Gần đây người ta thấy rằng độc tố vi khuẩn kích thích gần như toàn bộ dòng tế bào T gây tiết rất nhiều cytokin gây ra những biểu hiện như sốc.

Kháng thể dịch thể chống lại vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn theo các cơ chế sau:

Tăng cường thực bào nhờ việc opsonin hoá vi khuẩn. Các Ig một mặt gắn với vi khuẩn mặt khác gắn với tế bào đại thực bào thông qua các recepter. Do sự kết hợp kháng nguyên kháng thể [KN KT], hoạt hoá bổ thể, tế bào thực bào tiếp cận và tiêu diệt kháng nguyên dễ dàng.

Trung hoà độc tố vi khuẩn để ngăn cản chúng gắn với tế bào đích. Phức hợp KN -KT này nhanh chóng bị đào thải thông qua hiện tượng thực bào. Đó chính là cơ sở dùng huyết thanh trong điều trị.

3.3. Sự né tránh của vi khuẩn ngoại bào

Các protein bề mặt của vi khuẩn có khả năng bám dính vào các tế bào chủ.

Các vi khuẩn có vỏ bọc chứa nhiều acid sialic có khả năng chống lại thực bào, ức chế hoạt hoá bổ thể. Ngoại độc tố của vi khuẩn gây độc cho tế bào thực bào.

Biến đổi kháng nguyên.

4. MIỄN DỊCH CHỐNG VI KHUẨN NỘI BÀO

Một số vi khuẩn, nấm sống và nhân lên ngay bên trong tế bào vật chủ. Vì vậy các kháng thể lưu động không tiếp cận được với vi khuẩn nội bào. Do đó các cơ chế miễn dịch để loại trừ vi khuẩn nội bào khác với cơ chế loại trừ vi khuẩn ngoại bào.

4.1. Cơ chế miễn dịch không đặc hiệu

Cơ chế này chủ yếu dựa vào thực bào, tuy nhiên nhiều trường hợp thậm chí vi khuẩn sống và tăng sinh trong tế bào thực bào nên hiệu quả của cơ chế này rất thấp. Vì vậy miễn dịch tự nhiên không hiệu quả mà cơ thể chỉ trông cậy vào miễn dịch thu được

4.2. Cơ chế miễn dịch đặc hiệu

Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu chống lại vi khuẩn nội bào chủ yếu là đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, còn đáp ứng miễn dịch dịch thể chỉ có vai trò chống lại vi khuẩn khi mới xâm nhập còn ở ngoài tế bào, khi vi khuẩn đã ở trong tế bào thì đáp ứng này bất lực.

Đại thực bào không tiêu diệt nổi vi khuẩn nhưng vẫn có khả năng trình diện kháng nguyên protein của vi khuẩn cho tế bào dòng T.

TCD4+tăng cường sản xuất các cytokin trong đó quan trọng là IFN. Chất này đẩy mạnh khả năng tiêu diệt vi khuẩn của đại thực bào.

TCD8+cũng hỗ trợ, kích thích thực bào.

TDTH gây ra hiện tượng dị ứng góp phần tiêu diệt cả đại thực bào đã hoặc chưa bị nhiễm.

Nhiễm khuẩn nội bào ít nhiều đều gây ra viêm cục bộ kéo dài có hoại tử và phát triển tổ chức xơ. Cơ thể phản ứng bằng cách tụ tập tại chỗ những đại thực bào hoạt hoá vây quanh trực khuẩn tạo ra u hạt nếu rộng lớn có thể gây rối loạn chức năng. Như thế có thể nói rằng chính đáp ứng của vật chủ gây ra tổn thương, tính phản ứng này phụ thuộc vào cơ địa vật chủ.

Tóm lại nhiễm khuẩn nội bào là vấn đề phức tạp, ngoài tính kháng nguyên, đường vào của vi khuẩn còn có vai trò của khả năng đề kháng và tính phản ứng của cơ thể.

5. MIỄN DỊCH CHỐNG VIRUS

Virus là loại vi sinh vật nội bào, cấu trúc chỉ có vỏ bọc và nhân [ADN hoặc ARN]. Muốn sống và nhân lên chúng phải tồn tại trong các tế bào khác, sử dụng acid nucleic cùng với bộ máy tổng hợp protein của tế bào vật chủ. Để xâm nhập vào trong tế bào trước tiên nó phải gắn với các phần tử có trên bề mặt các tế bào đó. Sau khi vào trong tế bào, nhân của virus tích hợp với nhân của tế bào và gây bệnh theo phương thức sau:

Virus nhân lên phá vỡ tế bào lan sang các tế bào khác và bệnh phát triển.

Nằm tiềm ẩn trong tế bào làm tế bào sản xuất những protein lạ biến tế bào vật chủ thành tế bào ác tính.

5.1. Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu

Tăng sản xuất IFN từ tế bào bị nhiễm virus, chất này ức chế sự nhân lên của virus hạn chế sự lan truyền của nó.

Tế bào NK tăng hoạt động ly giải những tế bào bị nhiễm virus.

5.2. Cơ chế bảo vệ đặc hiệu

5.2.1. Miễn dịch dịch thể

Các kháng thể dịch thể đặc hiệu với virus có vai trò quan trọng trong giai đoạn sớm của quá trình nhiễm, khi virus còn tự do chưa vào trong tế bào. Các IgM và IgG gắn với các protein của vỏ, nhân hoặc bao ngoài virus ngăn cản chúng bám dính và đi vào tế bào. Kháng thể IgA tiết ngăn chặn sự tấn công của virus theo đường niêm mạc. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều loại virus, kháng thể dịch thể không có tác dụng. Nhưng nói chung kháng thể dịch thể trong một số trường hợp rất có hiệu quả, vì vậy một số vacin thực sự có ý nghĩa trong phòng bệnh.

5.2.2. Miễn dịch qua trung gian tế bào

Nhìn chung kháng thể dịch thể trong một số trường hợp có vai trò nhất định, nhưng tự nó không đủ để loại bỏ virus. Cơ chế chính của miễn dịch đặc hiệu chống virus là vai trò của miễn dịch qua trung gian tế bào mà chủ yếu là đáp ứng của tế bào lympho độc CRL tức Tc.

Tc mang dấu ấn CD8+ nó nhận biết kháng nguyên virus trong sự kết hợp với phân tử MHC lớpI. Hầu hết các tế bào trong cơ thể đều mang dấu ấn này.

Tc có tác dụng ly giải tế bào bị nhiễm, kích thích các enzyme, cytokin hoạt động như interferon, hạn chế sự xâm nhập hoặc tiêu diệt virus. Tuy nhiên với cơ chế này trong một số trường hợp virus không gây độc tế bào mà vẫn tổn thương mô.

Nhiều trường hợp sự phối hợp cả 2 cơ chế dịch thể và tế bào là nguyên nhân của tình trạng bệnh lý nặng nề.

Bên cạnh tác dụng tích cực có tính chất bảo vệ, đáp ứng miễn dịch đặc hiệu chống virus là vấn đề phức tạp còn cần phải nhiên cứu nhiều. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể nói rằng đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, mà đặc biệt là miễn dịch qua trung gian tế bào có một ý nghĩa quan trọng trong chống nhiễm virus hay nhiễm khuẩn nội bào nói chung.

Th.s B.s Lâm Văn Tiên

Giảng viên chính ĐH Y Dược Thái Nguyên

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2010\/08\/Hnh_27%20-%20yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2010\/08\/Hnh_27%20-%20yhocbandia.jpg","subHtml":"Mi\u1ec5n d\u1ecbch ch\u1ed1ng nhi\u1ec5m vi sinh v\u1eadt"}]

Video liên quan

Chủ Đề