Vì sao giá y tế ở việt.nam rẻ

Vị trí tôi giữ với đa số mọi người thường gần đến lúc nghỉ hưu mới được ngồi vào. Vì thế tôi cảm động lắm, lúc nào cũng sục sôi muốn đóng góp xây dựng bệnh viện.

Thời gian ấy, xã hội đang sôi nổi khí thế đổi mới nền kinh tế. Ngành y bao năm bị mang tiếng trì trệ, lương thấp, lạc hậu... cũng muốn hòa vào trào lưu đổi mới đó.

Ngành y tế TP HCM lúc bấy giờ có đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân. Dư luận rất quan tâm. Giới y chúng tôi bàn tán sôi nổi. Nhiều người mong có luồng gió mới mẻ xua tan những trì trệ trong ngành.

Trong kỳ đại hội công nhân viên chức bệnh viện năm ấy, mang cảm hứng từ hy vọng đổi mới, tôi có bài tham luận nảy lửa kêu gọi đổi mới trong bệnh viện. Khỏi phải nói, anh chị em vỗ tay ủng hộ quá trời, 100% phiếu bầu tôi làm thanh tra nhân dân.

Sau này tôi mới biết, ban giám đốc hoảng hồn họp kín, gọi sự kiện hôm ấy là "làm loạn" mà tôi là người đầu têu.

Giữa năm 2007, chuyện cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân bị hủy bỏ. Nhiệt tình đổi mới quản lý ngành y bị dội thùng nước lạnh.

15 năm trôi qua, tôi đã về hưu. Các khuyết điểm đã được chỉ ra từ 15 năm trước vẫn y nguyên và ngày càng trầm trọng hơn. Ngành y hôm nay sa vào khủng hoảng, quan chức từ cấp bộ đến sở rồi tới bệnh viện bị bắt, tiền tham nhũng hối lộ tính bằng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Giám đốc một bệnh viện cấp quận thôi mà cáo buộc chạy án lên đến 3,7 triệu USD (khoảng 90 tỷ đồng).

Ở thế kỷ 21, không còn ai tranh luận kinh tế thị trường tốt hay kinh tế kế hoạch hóa tốt nữa, mà vận dụng mặt mạnh của cả hai loại hình kinh tế này.

Dù mang nhiều chức năng cao đẹp, ngành y về cơ bản vẫn là một ngành dịch vụ, một ngành kinh tế. Vì thế y tế muốn phát triển vẫn phải tuân theo sự điều khiển vô hình của kinh tế thị trường. Thực tế này có thể nhìn thấy trong ngành y hiện nay: chuyên khoa nào người dân có nhu cầu cao thì trở nên "hot", thu nhập cao, đông người theo học. Bệnh viện nào uy tín thì nhiều người đến, doanh thu cao.

Dù muốn dù không, vận hành bệnh viện phải theo các quy luật kinh tế. Phải hòa vốn để tồn tại. Phải có lãi để tăng trưởng.

Giá khám chữa bệnh hiện nay ở bệnh viện được thừa nhận là chưa bao gồm đủ các chi phí. Vậy tại sao hệ thống y tế không sụp đổ. Vì nó đang gắng gượng trụ được bằng các nguồn lực khác như sau: Một là nguồn kinh phí của nhà nước cấp để chi lương, chi đầu tư, hỗ trợ thuế... Thứ hai là chi phí mà người bệnh phải trả, mà phần ngầm có khi chiếm đến 50% tổng chi phí khám chữa bệnh, gồm tiền trả thêm cho các dịch vụ, tiền mua thuốc ngoài... Nguồn lực thứ ba là tệ nạn tham nhũng. Chính tham nhũng là một cách giải quyết tự phát những bất hợp lý của vận hành bệnh viện. Tôi không ủng hộ lấy một cái sai này để giải quyết một cái sai khác, nhưng hiện tượng tham nhũng diện rộng trong ngành y đang phản ánh một vấn đề có tính quy luật.

Như vậy, nếu cắt đi ba nguồn lực trên thì y tế hiện nay sẽ sụp đổ.

Vậy lối thoát của y tế Việt Nam là ở đâu. 15 năm trước, những người tâm huyết đã nhận ra, ngành y muốn phát triển lành mạnh cần phải đa dạng: y tế công, y tế tư, y tế từ thiện (phi lợi nhuận). Ý tưởng cổ phần hóa bệnh viện công là một bước đi dũng cảm.

Y tế tư nhân là con đẻ của kinh tế thị trường, từ khi mới ra đời đã nhận nhiều nghi kỵ, nhưng vẫn âm thầm phát triển. Đến nay y tế tư nhân đã trở thành bộ phận ngày càng quan trọng của y tế Việt Nam. Về nhiều mặt, chính y tế tư nhân đã buộc y tế công phải thay đổi, phải chuyển mình. Bệnh viện công phải tự hỏi chính mình: Tại sao bệnh viện tư phải tự bỏ tiền ra mua đất, tự bỏ tiền ra xây bệnh viện mua máy móc, trả lương cao cho nhân viên mà vẫn có tăng trưởng.

Có nhiều người lo ngại nếu chuyển tư nhân hóa bệnh viện sẽ dẫn đến tăng giá dịch vụ y tế. Theo tôi, giá dịch vụ y tế rẻ hiện nay của bệnh viện công là danh nghĩa, còn thực chất bệnh nhân phải chi ngoài nhiều và đang ăn vào vốn của nhà nước. Còn giá dịch vụ của y tế tư là công khai minh bạch, tính đúng tính đủ chi phí, và đang dần được xã hội chấp nhận. Giá của dịch vụ y tế tương lai sẽ do quy luật cạnh tranh, các cơ sở y tế sẽ phải thu hút khách hàng bằng chất lượng và giá cả. Song song với đó không thể thiếu vai trò điều tiết của Nhà nước thông qua đặt hàng của Bảo hiểm y tế, giá trần của các dịch vụ y tế.

Tôi hình dung ngành y Việt Nam sẽ bao gồm các thành phần như sau. Một là y tế công bao gồm y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện điều trị bệnh xã hội, bệnh viện người có công, bệnh viện của quân đội, công an. Hai là y tế tư nhân gồm bệnh viện công cổ phần hóa và bệnh viện tư. Thành phần thứ ba của nền y tế là y tế từ thiện, hoạt động phi lợi nhuận, do các tổ chức từ thiện tài trợ.

Cổ phần hóa các bệnh viện công nhà nước sẽ giảm được gánh nặng chi phí nuôi bộ máy y tế cồng kềnh tốn kém. Bệnh viện sẽ tiếp nhận cách quản lý mới, nguồn vốn đầu tư mới để thay đổi. Nhân viên y tế có cổ phần trong bệnh viện sẽ gắn bó xây dựng bệnh viện hơn. Các tiêu cực trong đấu thầu thuốc, máy móc, trong xây dựng cơ bản sẽ tự nhiên hạn chế. Bán cổ phần trong các bệnh viện công, nhà nước sẽ thu lại được nguồn lực khổng lồ, để đầu tư cho y tế cơ sở, nâng cấp cho các bệnh viện công còn lại.

Các ý kiến trên đây của tôi là cách thế giới đã làm từ rất lâu. Người trăn trở với nghề y ở Việt Nam cũng nói đến những điều này hàng chục năm qua. Nhưng tất cả trôi đi trong sự loay hoay lúng túng của quản lý.

Giáo dục và y tế miễn phí phản ánh bản chất tốt đẹp của một xã hội. Nhưng khi y tế miễn phí còn ở tương lai xa, việc thực hiện được y tế công bằng đã là rất tốt cho dân rồi.

Quan Thế Dân

Sẽ bớt chuyện “xin - cho”

Ngày 17.11, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết: Dự kiến ngày 20.11, Bộ Y tế sẽ khai trương Cổng Công khai y tế. Theo đó, tất cả dịch vụ y tế sẽ được công bố. Trong đó, 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành trong nước; khoảng 28.000 loại thực phẩm chức năng sẽ được công khai, kể cả công khai về quảng cáo, tiến tới công khai cả giá bán.

Bên cạnh đó, tất cả dịch vụ y tế của các cơ sở y tế, những dịch vụ công nào mà ngành y tế cung ứng đều phải được công khai, nhằm “không để người dân mù mờ về chi phí khám chữa bệnh”.

Công khai giá thuốc trên một cổng thông tin để người dân cả nước có thể theo dõi là một việc làm chưa từng có trong tiền lệ. Mỗi ngày, nhiều người dân Việt Nam đều mua thuốc, sử dụng thuốc để chữa các loại bệnh thông thường. Việc mua thuốc tại các hiệu thuốc, quầy thuốc... và không cần kê đơn, đã trở thành một thói quen.

Thuốc là mặt hàng không một ai “mặc cả”, đặt vấn đề đắt rẻ khi mua, vì đến lúc cần mua thuốc cũng là lúc họ chỉ quan tâm đến sức khỏe của mình. Đơn cử, 1 viên thuốc tránh thai cấp tốc, cùng mẫu mã, chủng loại, cùng hãng sản xuất nhưng một cửa hàng tại Sơn Tây - Hà Nội bán giá 10.000 đồng/viên, nhưng cửa hàng tại Yên Hòa - Cầu Giấy lại bán giá 25.000 - 30.000 đồng/viên. Đắt hay rẻ, người dân vẫn phải mua. Vì sao lại như vậy?

Vì không một ai ngoại trừ người bán thuốc biết giá bán chuẩn của viên thuốc đó là bao nhiêu, đây là vấn đề nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để. Việc có một kênh thông tin mà tất cả các loại thuốc đều được công khai giá bán, để không xảy ra sự chênh lệch giá thuốc ở các địa phương, các cửa hàng bán thuốc... là sự kỳ vọng nhiều năm nay của người dân.

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng: Trước đây có quy định các cửa hàng phải công khai giá thuốc, nhưng nhiều nơi không làm nghiêm túc, để tình trạng người dân mua phải thuốc giá cao mà chất lượng lại bình thường, thậm chí cửa hàng nọ cách cửa hàng kia 15 mét mà giá thuốc cũng khác nhau... Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước đã yêu cầu các cửa hàng thuốc công khai giá thuốc, dán tại cửa hàng, nhưng một số cửa hàng họ vẫn phớt lờ đi, gây thiệt hại cho người dân.

“Công khai giá thuốc là một việc cực kỳ có lợi cho người dân. Trước hết, khi giá thuốc được công khai như vậy là thể hiện việc chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước đối với việc kinh doanh dược. Thứ 2 cho người dân được hưởng lợi, cho người dân được quyền lựa chọn, so sánh từ những nguồn thông tin chính thống từ Bộ Y tế, từ đơn vị quản lý được giao chức năng cao nhất trong lĩnh vực dược. Nếu điều này thực hiện được, tôi đánh giá rất cao Bộ Y tế” - nguyên ĐBQH Bùi Thị An đánh giá.

Theo bà, nếu công khai giá thuốc, chúng ta có thể tránh được tất cả những chuyện “cơ hội”, đầu cơ tích trữ thuốc, đặc biệt là các loại thuốc hiếm, thuốc quý. Thứ 2, việc công khai giá thuốc chính là tôn trọng người dân, tôn trọng người bệnh, vì thuốc với người dân rất cần, nhưng họ có quyền được biết giá trị đích thực của các sản phẩm họ lựa chọn. Hơn nữa, thuốc còn liên quan rất nhiều đến thanh toán bảo hiểm y tế. Việc công khai minh bạch sẽ bớt chuyện “xin cho”, bắt tay với nhau để đưa thuốc từ ngoài vào bệnh viện.

PGS Bùi Thị An cho rằng, công khai giá thuốc chính là “một mũi tên trúng nhiều đích”. “Tôi đề nghị làm sao phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tất cả người dân, không chỉ người dân ở các thành phố lớn mà còn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa... đều có thể tiếp cận với thông tin mà Bộ Y tế công khai” - bà nói.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Đại biểu Quốc Hội khóa XIV - cho rằng, việc công khai giá thuốc sẽ có rất nhiều cái lợi. Trước hết là lợi đối với người dân khi được tiếp cận với những thông tin chính thống, minh bạch, họ sẽ biết thuốc mình mua có bị mua phải giá quá cao hơn so với giá thực tế của nó hay không. Thứ 2, công khai giá thuốc sẽ rất có lợi cho ngành Y tế, cụ thể, các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể tham khảo giá đó, để không bị thuốc với giá cao. Như vậy sẽ có sự ổn định, sự tương đồng giá một cách tương đối giữa các vùng miền, các bệnh viện với nhau, góp phần tạo nên sự công bằng trong y tế, đối với người dân.

Công việc “khổng lồ”, sẽ nhiều khó khăn

Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, hiện nay giá thuốc quá khác biệt giữa các cửa hàng với nhau, giữa các tỉnh với nhau. Việc công khai giá thuốc là việc cực kỳ quan trọng, để đảm bảo giá ổn định và thống nhất.

“Đây là một công việc “khổng lồ” vì có rất nhiều danh mục về thuốc, thuốc mình chỉ sản xuất một phần thôi, chúng ta phải nhập dược chất hoặc nhập thuốc về, tuy nhiên, đều phải sử dụng ngoại tệ, vì vậy biến động từ thị trường ngoại tệ có thể sẽ ảnh hưởng đến giá thuốc. Đây là những việc mà phải dự kiến từ trước” - ông phân tích.

Hơn nữa, theo vị Đại biểu Quốc hội này, để công khai được 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế lưu hành trong nước; khoảng 28.000 loại thực phẩm chức năng như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, là một việc lớn, cần phải quyết tâm mới có thể thực hiện được.

“Đơn cử như giá bán lẻ và giá bán buôn sẽ khác nhau, bán lẻ sẽ cao hơn giá bán buôn, hay ở những vùng dễ cung cấp, tập trung đông người như các thành phố lớn sẽ cung cấp thuận tiện, trong khi vùng sâu vùng xa giao thông cách trở, mọi thứ khó khăn hơn thì giá thuốc có thể cao hơn. Do vậy, để có giá thật chính xác thì phải cập nhật liên tục giá liên quan thị trường thực tế, tính yếu tố vùng miền và tốt nhất là cho một dải giá, giá cao nhất hoặc thấp nhất có thể, thì như vậy sẽ uyển chuyển hơn” - GS Tuấn phân tích.

GS Tuấn cũng cho rằng, đây là một thách thức lớn đối với tân Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. “Đây là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao Bộ Y tế. Người dân kỳ vọng, Bộ Y tế quyết tâm. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ thành công, vì muốn cải cách thì phải công khai minh bạch, đó là điều đầu tiên mà chúng ta phải làm” - GS Tuấn kỳ vọng.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Bùi Thị An cũng thẳng thắn: Việc công khai giá thuốc sẽ “đánh” vào việc làm ăn phi pháp của các nhóm lợi ích.

“Vì vậy, tôi cho rằng Bộ trưởng Thanh Long sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Lẽ ra những người có vai trò quản lý trong lĩnh vực dược đã phải làm việc đó từ nhiều năm nay, nhưng họ đã không làm hoặc không làm được, chế tài xử phạt không có, khiến cho lĩnh vực dược trở nên phức tạp, khó quản lý và đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân, người bệnh” - bà nói.