Vì sao nhân viên ngân hàng nhảy việc

Nhảy việc rồi... kẹt dịch 

Kể chuyện thất nghiệp bước sang tháng thứ 5, chị Đặng Thị Châu, 33 tuổi, nhà ở TP Thủ Đức , TPHCM vừa cười vừa mếu. 

Sau một thời gian dài gắn bó, lên tới chức Phó phòng tín dụng tại một ngân hàng có trụ sở ở quận Tân Bình, chị Đặng Thị Châu lại muốn thay đổi công việc. Nấn ná từ lâu, đến đầu tháng 4 vừa rồi chị dứt khoát. 

Chị cũng đã "ngắm" một vài chỗ, có nơi mời làm việc. Nhưng chị muốn nghỉ ngơi, làm một số việc rồi mới đi làm lại. Khả năng tài chính cho phép nghỉ ngơi khoảng 2 tháng, chị tranh thủ thời gian đi du lịch, về quê, đọc sách... 

Đến giữa tháng 5, chị gửi hồ sơ qua một ngân hàng. Hai bên đã có trao đổi ban đầu, dự tính giữa tháng 6 chị sẽ đi làm thì đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố thực hiện giãn cách nên kế hoạch nhận việc mới phải gác lại.

Vì sao nhân viên ngân hàng nhảy việc

Nhiều người không lường được quãng "thời gian chết" khi nhảy việc (Ảnh mang tính minh họa).

Theo lời kể hài hước của chị, trong khi đồng nghiệp cũ chủ yếu ở nhà, làm online mấy tháng qua vẫn lĩnh lương đều đều thì mình... ngồi "mốc mỏ".

Khoản để dành lớn nhất bao nhiêu năm đi làm của chị là tiền trả góp mua căn hộ, mỗi tháng trả 6,5 triệu đồng chung với em gái và chút tiền đầu tư vào cổ phiếu.

Thu nhập trước đây của chị khoảng 30 triệu đồng, chưa kể lâu lâu có khoản này khoản kia. Tuy nhiên, chị thuộc túyp "độc thân vui tính", bao nhiêu tiền đổ hết cho ăn uống, mua sắm, đi du lịch....

Quen chi tiêu thoáng tay nhưng không có nguồn thu nhập, hết tháng thứ 2, chị Đặng Thị Châu cạn kiệt những đồng tiết kiệm cuối cùng. Ba tháng nay, chị phải mượn tiền để trả tiền nhà, sống nhờ cô em gái. 

Em gái chị làm văn phòng tại một hãng taxi, công việc bị đình trệ hoàn toàn vì dịch, nhiều tháng nay chưa có lương.

Cô em sống tiết kiệm, buôn bán online thêm nên có ít tiền dự trữ chống chọi trong giai đoạn khó khăn. Nhưng "gánh" tiền trả ngân hàng, lo cho cả phần chị gái nên cũng đang cạn kiệt. 

Gần 5 tháng thất nghiệp, chị Đặng Thị Châu "ngấm đòn" khi mất nguồn thu. Từ một người sống dư giả, chị đã phải vay nợ trả tiền nhà, chi tiêu. Dù lỗ nhưng chị vừa phải bán cổ phiếu thu về 17 triệu đồng để trang trải thêm. 

"Nếu chúng ta có thu nhập khá và ổn định lâu nay, rất khó hình dung cảnh một ngày phải tính toán đến tiền ăn uống", chị bày tỏ.

Thời gian này, chị Đặng Thị Châu đăng ký tham gia vào đội tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch Covid-19, với các phần việc như hỗ trợ lấy mẫu, đi chợ giúp người dân và đăng ký một số khóa học online về chuyên môn, ngoại ngữ... 

"Phòng thân" khi nhảy việc

Từ trải nghiệm, chị Đặng Thị Châu có thêm được bài học: "Muốn nhảy việc phải có tiền". Làm việc trong ngành tài chính bao lâu, đến giờ chị mới thấm thía tầm quan trọng của nguồn thu nhập cố định cũng như tiền dự phòng. 

Vì sao nhân viên ngân hàng nhảy việc

Nhân sự cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính cho khoảng "thời gian chết" khi nhảy việc (Ảnh minh họa).

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, một người sẽ có nhiều lần nhảy việc trong đời. Nhất là ở thời đại không ngừng thử sức và thay đổi như hiện nay, nhảy việc là điều bình thường trên thị trường lao động. 

Nói về luân chuyển công việc, anh Trần Mạnh Tùng, chuyên viên tài chính một công ty ở quận 1, TPHCM cho rằng nhảy việc cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chứ không đơn thuần là chuyển con người, khối óc từ nơi này qua nơi khác.

Nhân sự thường xem xét lý do nhảy việc, tìm hiểu kỹ công việc, triển vọng nơi làm việc mới... nhưng ít người quan tâm "phòng thân" về mặt tài chính khi nhảy việc.

Thực tế không ít trường hợp người lao động thất nghiệp khi... nhảy việc. Nếu không có sự chuẩn bị về tài chính sẽ cực kỳ khó khăn, có thể rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần. Những người nặng gánh lo cho gia đình, con cái càng phải tính toán kỹ hơn.

Theo anh Trần Mạnh Tùng, tâm lý nhiều người trước khi chuyển sang làm chỗ mới muốn nghỉ ngơi, sắp xếp lại một vài thứ. Lúc này thường sẽ có quãng "thời gian chết" nhất định. 

"Nhân sự cần chuẩn bị tài chính đủ trải cuộc sống ít nhất là trong 2 tháng, an toàn nhất là 6 tháng vì  có thể xảy ra những tình huống chúng ta không lường trước được", anh Trần Mạnh Tùng chia sẻ. 

Hoài Nam 

Điệp khúc... chỉ tiêu

Một chuyện tưởng chừng như đùa lại đang xảy ra phổ biến trên thực tế. Tại phòng khám chuyên khoa cho các bệnh nhân tâm thần, rất nhiều trường hợp nhân viên làm việc trong ngành tài chính ngân hàng đến gặp bác sĩ trong tình trạng stress nặng do áp lực làm việc quá sức.

Nhân viên tín dụng của một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội cho biết chỗ chị đã từng có trường hợp nhân viên bị gia đình đưa vào viện vì quá say mê công việc đến mức không còn biết đến gia đình, người thân, không còn phân biệt được ngày tháng.

Đó cũng là lý do vì sao đối với các nhân viên ngân hàng hiện nay đã có thêm một trào lưu: tập yoga vào giờ nghỉ trưa. Chị Mai Thanh làm việc tại Sở giao dịch của ngân hàng Vietcombank cho biết, thời gian nghỉ trưa rất ngắn nhưng trưa nào chị cũng tranh thủ tập yoga để nâng cao sức khỏe đồng thời giảm bớt stress do khối lượng công việc.

Lâu nay, ngành ngân hàng vốn được coi là ngành hot, lương cao, thưởng nhiều, là niềm mơ ước của nhiều người nhưng thực tế, đã có những nhân viên lâu năm trong nghề phải từ bỏ.

Hồi tháng 11 năm ngoái, trên mạng xã hội đã xôn xao khi xuất hiện lá đơn xin nghỉ việc cùng dòng tâm sự lý do quyết định xin nghỉ làm của giao dịch viên của một ngân hàng lớn tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) sau 7 năm gắn bó.

Trên trang cá nhân, chị chia sẻ rằng công việc trong ngành ngân hàng từng là niềm tự hào của mẹ chị và các con. Suốt 7 năm công tác trong ngành, chị luôn hoàn thành công việc được giao cũng như rất yêu công việc của mình. Tuy nhiên, công việc ngày càng áp lực, niềm vui đi làm không còn nữa. Mỗi ngày chị đều cảm thấy nặng nề.

Trong đơn gửi Ban giám đốc ngân hàng, chị viết: "Vậy mà giờ đây mỗi sáng điệp khúc huy động, cho vay quay cuồng trong bộ não vốn đã quá đầy cho bất hạnh, lo toan, chỉ tiêu gì mà hàng ngày, hàng tuần vậy hả trời?.. Và rồi lại điệp khúc trăm cuộc họp không hoàn thành, không làm được,...

Áp lực chỉ tiêu, chạy đua KPI đối với các ngân hàng hiện nay thực sự rất lớn. Không riêng gì các ngân hàng thương mại cổ phần mà các ngân hàng thương mại nhà nước cũng áp chỉ tiêu cho cán bộ nhân viên và không loại trừ một bộ phận nào từ kinh doanh cho đến kỹ thuật, bộ phận truyền thông phát triển thương hiệu, từ huy động vốn, cho vay cho tới đòi nợ, mở thẻ…

Không những thế, đối với nhân viên tín dụng, áp lực doanh số cho vay cũng luôn đè nặng nhưng nỗi sợ hãi vướng vòng lao lý mới là điều họ nơm nớp nhất.

Đặc biệt các vụ án liên quan tới sai phạm trong cho vay được phanh phui càng nhiều, một số cán bộ chia sẻ họ vừa cho vay vừa run, có dự án còn lo mất ăn mất ngủ vì đôi khi có nhiều rủi ro từ phía khách hàng không lường trước được.

Chuyển dịch nhân sự

Hệ thống ngân hàng sau một chặng đường dài tái cấu trúc, nhiều ngân hàng trải qua phương án hợp nhất, sáp nhập, sẽ không tránh khỏi sự dịch chuyển nhân sự. Một cựu nhân viên của ngân hàng 0 đồng cho biết, lý do anh này bỏ việc tại ngân hàng này vì lương, thưởng bị giảm sau khi ngân hàng bị mua 0 đồng nên anh đã thi vào vị trí tín dụng tại BIDV.

Công việc ban đầu đối với anh rất vất vả vì áp lực chỉ tiêu khá lớn tuy nhiên sau khi cân nhắc về chế độ lao động hơn hẳn chỗ cũ, anh có thêm động lực để cố gắng hoàn thành công việc.

Chị Thu Hòa, cũng từng nhảy việc từ ngân hàng T. sang ngân hàng V. cho biết, khi mà kinh doanh khó khăn, mỗi ngân hàng có cách kinh doanh, sản phẩm, khẩu vị rủi ro riêng. Vì thế định hướng kinh doanh của ngân hàng có thể phù hợp với thế mạnh của nhân viên này nhưng không phải sở trường với nhân viên khác, nên cũng dẫn tới quyết định chuyển công tác.

Ngoài ra, các chuyên gia ngân hàng chỉ ra rằng, một nguyên nhân nữa là việc thay đổi lãnh đạo ngân hàng liên tục, cho vay khó khăn, nợ xấu còn cao… cũng làm nản lòng cán bộ, nhân viên và họ chủ động tìm một lối thoát.

Ngoài việc nhân viên ngân hàng thi nhau nhảy việc từ ngân hàng A sang ngân hàng B, còn xuất hiện thêm hiện tượng chuyển dịch sang doanh nghiệp hoặc tự kinh doanh.

Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, nguyên nhân các nhân viên ngoài chuyện lương, chính sách đãi ngộ, việc thường xuyên đổi chỗ làm còn đến từ nguyên nhân đặc thù của lao động. Ở các vị trí nhân viên thông thường như hỗ trợ tín dụng, tín dụng, chủ yếu họ là người trẻ, ít kinh nghiệm nên muốn thử sức ở nhiều vị trí hơn.

Ngoài ra, những vấn đề về cung – cầu của nền kinh tế cộng việc liên tục có những doanh nghiệp quy mô nhỏ mới lập ra, những doanh nghiệp lớn chuyển mình cũng khiến thị trường lao động biến đổi. Hiện nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trả thu nhập rất cao. Đặc biệt họ lại rất thích tuyển dụng nhân viên ngân hàng có năng lực và được đào tạo bài bảng, phong thái chuyên nghiệp….

Một khảo sát mới đây của JobStreet - mạng quảng cáo việc làm tại Đông Nam Á - cho thấy, 66% số người được khảo sát nhận mức lương dưới 10 triệu. Điều này khiến 29% nhân sự ngành muốn chuyển nghề vì họ thấy lương thấp hơn so với kỳ vọng. 53% cảm thấy thiếu cơ hội phát triển và khó đạt được vị trí mà họ mong muốn.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam chia sẻ, ngân hàng cần phải có lợi nhuận và chuyện áp chỉ tiêu- điều hiển nhiên ngân hàng nào cũng vậy, doanh nghiệp nào cũng có; đồng thời tạo ra động lực để nhân viên liên tục phát triển và phấn đấu.

Việc một nhân viên cảm thấy quá áp lực, không theo kịp yêu cầu của ngân hàng và nghỉ việc là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng theo ông, ngoài vấn đề lương thưởng, thì môi trường, văn hóa ngân hàng là yếu tố không nhỏ mà nhân viên ngân hàng cần cân nhắc mỗi khi quyết định nhảy việc.

Theo Mai Ngọc