Viện nghiên cứu hạt nhân ở Việt Nam

Y TẾ,  GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Năm 1958, chính quyền miền Nam đã thành lập Nguyên tử lực cuộc và đến năm 1961 một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hạt nhân được thành lập mang tên Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Trung tâm được xây dựng tại một khu vực có diện tích 21 ha ở số 4 đường Nguyên Tử Lực. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4-1961 và được hoàn thành vào tháng 12-1962.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là loại lò phản ứng nghiên cứu TRIGA - MARK II của hãng General Atomic thuộc công ty General Dynamics, có công suất danh định là 250 kW. Lò sử dụng nhiên liệu Uranium 235 được kích hoạt bằng nguồn nơtron chậm để tạo phản ứng nhiệt hạch dây chuyền và chất phóng xạ.

Sau một thời gian lắp đặt và thử nghiệm, lò hạt nhân DLR - I [Dalat Reactor - I] là lò hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á đã đạt trạng thái “tới hạn” vào lúc 12 giờ 40 phút ngày 26-2-1963 và chính thức đi vào hoạt động theo công suất danh định từ ngày 3-3-1963.

Các bộ phận nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt từ khi được thành lập đến trước ngày đất nước được giải phóng [30-4-1975] gồm có: Phòng Vật lý lò, Phòng Kiểm soát Phóng xạ, Phòng Điện tử, Phòng Vật lý hạt nhân, Phòng Hoá học Phóng xạ, Phòng Sinh học Phóng xạ và một thư viện với hơn 3.000 đầu sách, hàng trăm tạp chí khoa học và hơn 30.000 báo cáo khoa học để phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc tham khảo.

Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt triển khai 3 chương trình chính:

-  Chương trình khai thác lò phản ứng:  Lò phản ứng hạt nhân có khả năng sản xuất nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau, không những để bảo đảm cho các hoạt động của Trung tâm mà còn cung ứng cho các cơ quan khảo cứu khoa học hay ứng dụng kỹ thuật hạt nhân khác.

-  Chương trình huấn luyện, đào tạo về kỹ thuật: Tổ chức các lớp huấn luyện ở trình độ đại học để đào tạo những chuyên viên kỹ thuật nguyên tử ứng dụng vào các mục tiêu hòa bình nhằm phục vụ cho các ngành của nền kinh tế - xã hội.

-  Chương trình nghiên cứu khoa học: Xúc tiến khảo cứu khoa học và thực hiện một số ứng dụng thực tiễn của kỹ thuật hạt nhân trong đời sống.

Trong giai đoạn 1968 - 1975, Trung tâm hoạt động cầm chừng và không có những kết quả nổi bật. Trước thời điểm Đà Lạt được giải phóng, Mỹ đã tiến hành thu hồi các thanh nhiên liệu của lò phản ứng và mang về Mỹ.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được thành lập trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử và được sử dụng thêm toàn bộ cơ sở vật chất tại số 13 đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Đà Lạt.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai nước Liên Xô và Việt Nam vào năm 1979, thiết kế kỹ thuật khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được các chuyên gia Liên Xô thực hiện và được phê duyệt. Công trình khôi phục và nâng công suất lò phản ứng được tiến hành trong hai năm 1982 - 1983. Đến ngày 20-3-1984 lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chính thức đưa vào hoạt động với công suất danh định 500 kW.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được giao những nhiệm vụ cơ bản như sau:

* Tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và năng lượng nguyên tử trên nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

* Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho sự phát triển của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và ngành khoa học hạt nhân của nước ta.

* Quản lý vận hành an toàn và khai thác sử dụng có hiệu quả hoạt động của lò phản ứng. Ngoài công tác bảo đảm an toàn lò phản ứng, Viện còn hỗ trợ kỹ thuật trong việc quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ cho các đơn vị sử dụng kỹ thuật hạt nhân hay những thiết bị có phóng xạ như máy chiếu X Quang, tham gia nghiên cứu quan trắc và bảo vệ môi trường.

* Mở rộng hợp tác trong nước và nước ngoài để trao đổi khoa học, các sản phẩm dịch vụ và chuyển giao quy trình công nghệ hạt nhân.

Kể từ khi lò phản ứng hạt nhân được khôi phục và nâng cấp, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã tiến hành nghiên cứu và phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ có hiệu quả cho các mục tiêu hòa bình để phát triển kinh tế xã hội ở nước ta trong nhiều lĩnh vực khác nhau:

-  Điều chế và sản xuất các đồng vị phóng xạ và các dược chất đánh dấu phục vụ cho nhu cầu chẩn đoán và chữa trị bệnh của ngành y tế.

-  Sử dụng nguồn nơtron của lò phản ứng để ứng dụng vào kỹ thuật phân tích kích hoạt nhằm phân tích thành phần, hàm lượng các nguyên tố trong các mẫu vật khác nhau với độ chính xác cao.

-  Sử dụng nguồn Coban 60 [Co-60] với hoạt độ ban đầu là 16,5 kCi được lắp đặt tại Lò phản ứng Hạt nhân Đà Lạt vào năm 1981 để ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội: Bảo quản nông sản, thực phẩm, cải tạo sinh khối, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa bằng phương pháp chiếu xạ khử trùng. Nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ lên các hệ sinh vật, gây đột biến các giống cây trồng, để tăng độ nẩy mầm, tạo ra các giống có năng suất cao hoặc thích hợp với điều kiện canh tác ở địa phương. Khử trùng các thiết bị y tế bằng phương pháp bức xạ hạt nhân.

-  Tiến hành nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, vật lý nơtron; sử dụng các kênh ngang của lò phản ứng để giúp cho công tác vận hành và khai thác lò phản ứng được an toàn và có hiệu quả hơn.

-  Trong lĩnh vực điện tử hạt nhân, Viện nghiên cứu chế tạo các khối điện tử và các hệ thống điện tử hạt nhân chuyên dùng phục vụ cho yêu cầu của ngành y tế, công nghiệp và nghiên cứu khoa học.

-  Đào tạo chuyên viên kỹ thuật cho các ngành điện nguyên tử, kỹ thuật hạt nhân.

Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã bảo đảm vận hành an toàn lò phản ứng, hỗ trợ giúp đỡ bảo đảm an toàn và có hiệu quả cao cho các ngành ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ, đã góp phần phục vụ thiết thực cho nền kinh tế quốc dân. Cùng với những kết quả đạt được trong thời gian qua, hiện nay Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia cùng các ngành hữu quan “Nghiên cứu xây dựng các nhà máy điện nguyên tử của nước ta trong chiến lược quy hoạch dài hạn về năng lượng trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”.

Đánh giá hoạt động của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, vào năm 1991, ông Hans Blix, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế [IAEA] đã có ý kiến "là lò phản ứng được khai thác có hiệu quả nhất trong các nước đang phát triển".

Toàn cảnh Lò phản ứng hạt nhân [Đà Lạt]

Trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân [Đà Lạt] được thành lập theo Quyết định số 64/CP ngày 26/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ. Do nhu cầu phát triển của ngành, trên cơ sở Viện Nghiên cứu hạt nhân [Đà Lạt], Nghị định số 59-CP ngày 23/02/1979 của Hội đồng Chính phủ đã thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân [có trụ sở chính tại Hà Nội] trong đó có Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Nghị định 87-HĐBT ngày 11/6/1984 của Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Viện Nghiên cứu hạt nhân thành Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia và Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thành Viện Nghiên cứu hạt nhân hiện nay. Tháng 3/2019, kỷ niệm 35 năm ngày khánh thành Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cũng là thời điểm Viện Nghiên cứu hạt nhân [NCHN] vừa tròn 40 năm hình thành và phát triển nếu lấy dấu mốc từ ngày mang tên Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Viện NCHN có nhiệm vụ vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các thiết bị khoa học và công nghệ khác để phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Thực hiện các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, hóa phân tích, hóa bức xạ, hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ, môi trường, định liều lượng bức xạ, v.v..; Thực hiện chức năng hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển của ngành trong các lĩnh vực an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, quản lý và xử lý thải phóng xạ, quản lý và vận hành các trạm quan trắc phóng xạ môi trường, kiểm chuẩn các thiết bị đo lường bức xạ và hạt nhân, ứng phó và xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân, v.v..; Xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của Viện và Ngành; Thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển, dịch vụ kỹ thuật và sản xuất sản phẩm trong các lĩnh vực điều chế đồng vị và dược chất phóng xạ, phân tích nguyên tố trong các loại mẫu, sản xuất chế phẩm công nghệ bức xạ, sản phẩm công nghệ sinh học, dịch vụ đánh giá tác động môi trường, sản xuất thiết bị và các lĩnh vực liên quan nhằm phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Thực hiện hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ quan trong và ngoài nước về các lĩnh vực có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Viện nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao và trao đổi các quy trình công nghệ, các sản phẩm của Viện với các cơ sở sản xuất, tổ chức nghiên cứu và đào tạo. Quản lý các hoạt động của Viện theo cơ chế tự chủ một phần kinh phí theo quy định tại Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ, Thông tư số 90/2017/TT-BTC ngày 30/8/2017 của Bộ Tài chính, Thông tư số 01/2017/TT-BKHCN ngày 12/01/2017 của Bộ KH&CN, và các Quy định hiện hành của Nhà nước. Viện cũng được giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ các chuyên ngành vật lý lý thuyết, vật lý nguyên tử và hạt nhân, hóa phân tích.

Thông tin liên hệ

Video liên quan

Chủ Đề