Xử lý tang vật vi phạm hành chính vô chủ

Theo phản ánh của ông Trần Anh Tú (Hà Nội), Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung quy định, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 1 bản.

Tuy nhiên, Luật không nêu rõ thời hạn bao lâu phải giao quyết định tạm giữ cho người vi phạm. Có nhiều trường hợp khi người vi phạm đến nhận quyết định xử phạt mới được nhận đồng thời quyết định tạm giữ (khi đó đã hết thời gian tạm giữ).

Ông Tú hỏi, như vậy là đúng hay sai? Sau bao lâu từ khi ra quyết định tạm giữ phải giao quyết định cho người/tổ chức vi phạm?

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Các Điểm a, b, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý VPHC quy định nguyên tắc xử phạt VPHC, bao gồm:

"a) Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

b) Việc xử phạt VPHC được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật".

Điểm b, Khoản 4, Điều 125 Luật Xử lý VPHC quy định: "Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ; quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản".

Tùy từng trường hợp cụ thể, Khoản 8, Điều 125 Luật Xử lý VPHC cũng quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC từ không quá 7 ngày làm việc đến không quá 2 tháng, kể từ ngày tạm giữ (trừ trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt).

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, Bộ Tư pháp cho rằng, quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề sau khi lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

Mặc dù Luật Xử lý VPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật không quy định cụ thể thời hạn giao quyết định này, tuy nhiên, theo trình tự, thủ tục xử phạt VPHC, thì việc giao quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, giấy phép, chứng chỉ hành nghề cần phải được thực hiện ngay sau khi ban hành quyết định để bảo đảm nguyên tắc kịp thời, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm theo đúng tinh thần của Luật Xử lý VPHC.

Chinhphu.vn


BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6822/TCHQ-PC
V/v xử lý hàng cấm, hàng vô chủ

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2018

Kính gửi: Cục Hải quan Cục Hải quan tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Trả lời công văn số 1161/HQGLKT-NV ngày 01/11/2018 của Cục Hải quan tỉnh Gia Lai - Kon Tum v/v vướng mắc trong việc xử lý hàng cấm, hàng vô chủ, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Căn cứ quy định tại khoản 5, khoản 9 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc tạm giữ tang vật phải được lập thành biên bản, ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật bị tạm giữ. Người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật tạm giữ. Theo đó, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm kiểm tra, xác định tên, chủng loại, số lượng, tình trạng của tang vật vi phạm bị tạm giữ làm cơ sở xử lý.

Trường hợp bằng mắt thường đã đủ căn cứ xác định các yếu tố nêu trên thì không cần trưng cầu giám định. Người ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm về việc xác định của mình.

2. Việc xác định trị giá tang vật vi phạm để xác định khung tiền phạt và thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, đối với nội dung “giá thị trường” đề nghị trao đổi với cơ quan tài chính trên địa bàn để xác định. Trường hợp không áp dụng được các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

3. Căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016, việc xác định thẩm quyền tịch thu tang vật vi phạm phải căn cứ vào việc xác định hành vi vi phạm do cá nhân hay tổ chức thực hiện. Do vậy, trường hợp cơ quan hải quan căn cứ vào quy định tại Điều 1 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 97/2017/NĐ-PC không có đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì thực hiện việc tịch thu tang vật theo thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, PC (02).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG

Mai Xuân Thành