Xuất phát từ chiến dịch ánh sáng văn hóa hè năm 1994

Xuất phát từ chiến dịch ánh sáng văn hóa hè năm 1994
Chiến sĩ “Mùa hè xanh” tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Long Hồ)

(Thanhuytphcm.vn) - Năm 1994, lần đầu tiên chiến dịch “Ánh sáng Văn hóa Hè” được tổ chức trên quy mô toàn TPHCM với sự tham gia hăng hái của 740 chiến sĩ tình nguyện. Từ đó, khởi đầu cho phong trào tình nguyện trên quy mô lớn của TP và cả nước trong thời kỳ đổi mới. Qua 25 năm, các chiến dịch tình nguyện ngày càng mở rộng về quy mô và đi vào chiều sâu, trở thành dòng chảy chủ đạo cho phong trào thi đua yêu nước của tuổi trẻ TP.

Cảm hứng tình nguyện

Năm 1997, chiến dịch “Ánh sáng Văn hóa Hè” đổi tên thành chiến dịch “Mùa hè xanh” mở rộng về quy mô, địa bàn, lực lượng. Từ 740 chiến sĩ ban đầu đã phát triển đến hàng chục nghìn chiến sĩ. Từ năm 2000, mặt trận mở rộng ra khỏi TPHCM, trải rộng trên nhiều tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên, cả nước bạn Lào (từ 2004) và Campuchia (từ 2007); thu hút các tình nguyện viên đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan… cùng tham gia; đóng góp trên toàn diện các lĩnh vực: giáo dục, xây dựng cầu đường, tư vấn pháp luật, bảo vệ môi trường, chuyển giao khoa học - công nghệ cho người dân nông thôn…

“Mùa hè xanh” đã trở thành “thương hiệu”, là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam. Từ đây, nhiều chiến dịch tình nguyện cho đa dạng đối tượng cũng ra đời: chiến dịch “Hoa phượng đỏ” (1999) dành cho học sinh, giáo viên trẻ; chiến dịch “Kỳ nghỉ hồng” (2002) dành cho thanh niên công nhân, viên chức, người lao động TP; chiến dịch “Hành quân xanh” (2006) dành cho thanh niên lực lượng vũ trang. Ngoài ra, từ năm 1998, chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” nhằm hỗ trợ hướng dẫn thí sinh và phụ huynh (tư vấn chỗ trọ, đường đi, thủ tục dự thi, tham gia điều phối giao thông, giữ an ninh trật tự tại điểm thi...) trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng được triển khai, thu hút hàng chục nghìn sinh viên tình nguyện hàng năm. Các chiến dịch đã phát huy cao độ sức trẻ, tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của tuổi trẻ TP, đóng góp hàng triệu ngày công, làm lợi cho xã hội hàng trăm tỷ đồng.

Từ các chiến dịch, các đơn vị cũng tạo được “thương hiệu” cho mình. Đại học Bách Khoa TPHCM với định hướng rõ ràng: gắn bó và làm dứt điểm công trình giao thông nông thôn cho 1 địa bàn trong 3 năm rồi mới di chuyển sang địa bàn khác đã để lại dấu ấn sâu đậm trên các nẻo đường miền Tây với những cây cầu, những tuyến đường bê tông hóa khang trang. Nếu 10 năm trước, chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Bách Khoa chỉ làm được 150m đường với chiều ngang chỉ hơn 1,5m trong một mùa chiến dịch thì hiện nay các công trình phải từ 1,5km trở lên với chiều rộng 3 - 3,5m (đường loại B). Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã gắn bó với mặt trận huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên từ năm 2003, tạo được sự tin tưởng, kết nối nhịp nhàng với địa phương, từ đó tăng tính hiệu quả cho các công trình, phần việc thực hiện.

Các chiến sĩ “Kỳ nghỉ hồng” của Bệnh viện Đại học Y Dược, Viện Y dược học dân tộc TPHCM… thường xuyên có mặt ở những mặt trận xa xôi nhất, từ vùng nông thôn sâu, nơi đảo xa đến nước bạn Lào và Campuchia. Ngoài các công trình, phần việc cụ thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại nước bạn, còn tập trung các hoạt động giao lưu, kết nối văn hóa giữa thanh niên hai nước, cũng như hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” với các gia đình đã nuôi giấu, hỗ trợ bộ đội Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến…

Xuất phát từ chiến dịch ánh sáng văn hóa hè năm 1994
Chiến sĩ “Hành quân xanh” hỗ trợ làm lại căn cước công dân tại nhà cho người dân Quận 9. (Ảnh: Long Hồ)

Từ cảm hứng rộng lớn của các phong trào tình nguyện sôi sục khắp TP, hàng loạt những nhóm tình nguyện phi lợi nhuận cũng đã ra đời. Phổ biến nhất là những nhóm định hướng từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như: Những ước mơ xanh, Hoa hướng dương, CLB Tháng năm… Hay rất nhiều bạn trẻ bền bỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, lan tỏa tinh thần sống đẹp đến cộng đồng.

Đổi mới để phát triển

Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động thanh niên tình nguyện dưới định hướng của tổ chức Đoàn - Hội đang cho thấy nhiều vấn đề khi giảm sức hút với thanh niên, để các bạn chủ yếu hướng về công tác tình nguyện bên ngoài. Nhiều chiến sĩ tình nguyện cũng bày tỏ băn khoăn khi tình trạng thanh niên tình nguyện “độc diễn” vẫn phổ biến ở các chiến dịch, ít khi có sự đối ứng từ thanh niên địa phương. Việc duy trì kết quả đã đạt được sau chiến dịch đặc biệt là những việc tác động đến ý thức, hành vi của một bộ phận người dân vẫn chưa đạt yêu cầu khi cùng một dòng kênh mà qua mấy mùa chiến dịch các chiến sĩ tình nguyện vẫn chỉ lặp đi lặp lại việc dọn rác, khơi thông.

Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn xác định nhiệm vụ của Thành đoàn là đưa phong trào thanh niên tình nguyện của Đoàn - Hội giữ vị trí trung tâm, dẫn dắt, định hướng hoạt động tình nguyện trong xã hội; kết nối các đội nhóm tình nguyện ngoài tổ chức Đoàn - Hội tham gia hoạt động tình nguyện chung của thanh niên TP. Vì thế, đổi mới và đẩy mạnh hiệu quả công tác tình nguyện là đòi hỏi cấp thiết được đặt ra.

Những năm qua, một số hướng đi đã phần nào phát huy hiệu quả, đưa các hoạt động dần đi vào chiều sâu qua việc: triển khai hoạt động trên cơ sở bám sát các nhu cầu thực tiễn của địa phương (có đặt hàng cụ thể), thành lập và chuyên môn hóa cao các đội hình chuyên, tổ chức phong trào theo các dự án dài hơi, công trình cụ thể…

Trong đó, từ năm 2016, chiến dịch “Mùa hè xanh” đã hướng đến việc gắn bó lâu dài với một địa bàn (ít nhất trong 3 năm) nhằm góp sức tạo sự chuyển biến rõ rệt ở địa phương, cũng như tạo dấu ấn sâu đậm của thanh niên tình nguyện TPHCM đối với địa bàn hoạt động. Đơn cử như dự án xây dựng đảo Thanh niên tại đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang), được triển khai liên tục trong 3 năm với sự góp sức của tất cả các lực lượng “Mùa hè xanh”, “Kỳ nghỉ hồng”, “Hành quân xanh” thực hiện các công trình an sinh xã hội và đảm bảo hiệu quả các công trình tiếp tục được duy trì sau khi dự án kết thúc.

Tổ chức Đoàn - Hội cũng đã chủ động thể hiện vai trò định hướng, kết nối các ý tưởng tình nguyện qua việc tổ chức các diễn đàn, cuộc thi thu hút sự quan tâm của người làm công tác tình nguyện trong cả nước.

Qua tuổi 25, để các chiến dịch tình nguyện nói riêng và phong trào tình nguyện của thanh niên TP nói chun tiếp tục tạo được cảm hứng sáng tạo, phát huy được sức mạnh tri thức, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội đòi hỏi hoạt động Đoàn - Hội, mặt trận chính thức và rộng lớn nhất của thanh niên, phải luôn được mới hóa, tươi trẻ hóa để đủ sức thu hút giới trẻ trong thời đại ngày nay!

Ngọc Tuyết

Tin liên quan

Phong trào thanh niên tình nguyện bùng lên như lửa, lan trong mọi giới, tới cả các nước bạn, nhưng chưa có được dấu ấn vật chất nổi bật, người gieo hạt “Mùa hè xanh” trăn trở.

Xuất phát từ chiến dịch ánh sáng văn hóa hè năm 1994
TS. Nguyễn Phú Bình, người gieo hạt “Mùa hè xanh”.

Phong trào thanh niên tình nguyện với tên gọi chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, rồi sau đó là Mùa hè xanh có sức sống mãnh liệt và trở thành thương hiệu lớn của Đoàn Thanh niên gần 2 thập kỷ qua.

Khởi phát từ TP.HCM, phong trào nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước và vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đến với nước bạn Lào, Campuchia, thu hút hàng triệu lượt thanh niên tham gia. Không chỉ trong thanh niên, ngọn lửa tình nguyện còn lan tỏa trong mọi giới, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hôm nay.

Dù vậy, đến nay vẫn không mấy ai biết về người gieo hạt mầm cho phong trào thanh niên tình nguyện đầy sức sống này. Đó là Tiến sỹ Nguyễn Phú Bình, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước - Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Đầu xuân, anh trò chuyện về phong trào thanh niên tình nguyện với cả niềm tự hào và sự trăn trở.

Một thời mãi xanh

Anh kể: Trong chương trình đào tạo của ĐH Sư phạm TP.HCM ngày trước có một chương trình ngoại khóa, gọi là thực hành chính trị - xã hội. Mỗi năm, sinh viên phải có 15 ngày tham gia chương trình này. Đến 1985, nhà trường giao chương trình này cho Đoàn Thanh niên chủ trì và từ đó trở thành hoạt động sinh viên tình nguyện.

Lúc ấy tôi là Chủ tịch Hội Sinh viên và anh Huỳnh Công Ba là Trưởng ban Công tác xã hội Đoàn trường (hiện anh Ba là Trưởng phòng Công tác chính trị ĐH Sư phạm), cứ hè đến, hai anh em lại cùng nhau dẫn đội hình sinh viên sư phạm đi công tác hè ở các nông trường cao su, có năm đến 500 sinh viên tham gia.

Năm 1987, tôi và Huỳnh Công Ba cùng tốt nghiệp ra trường và phong trào tình nguyện của sinh viên ĐH Sư phạm cũng gián đoạn từ đó.

Năm 1990, chúng tôi được giao nhiệm vụ trở lại Đoàn trường: tôi là Bí thư và Huỳnh Công Ba là Phó bí thư.

Việc đầu tiên và như duyên nợ, tôi và Huỳnh Công Ba nghĩ ngay đến việc khôi phục hoạt động tình nguyện hè của sinh viên ĐH Sư phạm như một phong trào mũi nhọn và ngay mùa hè năm đó, chúng tôi tổ chức đội hình nhỏ khoảng 40 sinh viên về Củ Chi làm công tác xóa mù chữ.

Các năm 1991, 1992, chúng tôi mở rộng đội hình ra toàn huyện Củ Chi và sang cả Tây Ninh. Hoạt động tình nguyện bấy giờ được xem như độc quyền của sinh viên sư phạm.

Giữa năm 1992 tôi được rút về Thành Đoàn, làm Phó ban Đại học - Chuyên nghiệp và ý tưởng tổ chức đội hình lớn sinh viên thành phố tham gia các hoạt động xã hội đeo đẳng tôi từ đó.

Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994 là một kỷ niệm đã không thể nào quên. Dù đã gần 20 năm qua đi, nhưng nó vẫn như đốm lửa âm ỉ trong lòng tôi - đốm lửa của sự hy sinh, của sự ẩn nhẫn, nhưng lớn hơn hết là đốm lửa của lòng nhiệt thành giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời.

Nhưng phải đến năm 1994, sau khi Ủy ban trù bị Hội Sinh viên Thành phố được thành lập (11/1993), với cương vị Phó chủ tịch thường trực, tôi mới chính thức đề xuất khởi xướng Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994, đưa 700 sinh viên 10 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp về 10 xã thuộc huyện Bình Chánh (TP.HCM) làm công tác xóa mù chữ.

Năm 1997, Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè được Thành đoàn đổi tên thành Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Từ năm 2000, Trung ương Đoàn tổ chức chiến dịch thanh niên, sinh viên học sinh hè tình nguyện hằng năm và từ đó trở thành một phong trào rộng khắp trong cả nước.

- Theo anh, điều gì làm nên sức sống mãnh liệt của phong trào thanh niên tình nguyện?

- Tôi cho rằng, có 4 yếu tố để làm nên sức sống của phong trào thanh niên tình nguyện. Thứ nhất, phong trào đã khai thác đúng tính cách điển hình của tuổi trẻ là dấn thân - tình nguyện, một yếu tố làm nên sức sống của phong trào và có sức hút lớn đối với tuổi trẻ.

Không có chất lửa, chất cống hiến, chất lý tưởng, dấn thân tình nguyện thì không thể có một phong trào thanh niên đích thực. Chính ý tưởng về một phong trào tuổi trẻ dấn thân - tình nguyện đã thôi thúc quyết tâm của những người khởi xướng chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 1994.

Xuất phát từ chiến dịch ánh sáng văn hóa hè năm 1994
Thanh niên tình nguyện làm đường tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, phong trào thanh niên tình nguyện có tính kế thừa, lan tỏa và tính xã hội hóa rất lớn. Ban đầu là Ánh sáng văn hóa hè, rồi chuyển thành Mùa hè xanh; trong chiến dịch lớn lại có từng chiến dịch nhỏ thích hợp với từng đối tượng như Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh... Lúc đầu chỉ là xóa mù chữ, dần mở rộng tham gia trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa... Từ 700 chiến sĩ đến giờ đã có hơn 4 triệu thanh niên - sinh viên cả nước tham gia phong trào.

Không chỉ ở TP.HCM, dấu chân tình nguyện đã in trên mọi vùng miền đất nước: từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến các vùng cao, biên giới, hải đảo… và cả trên các nước bạn Lào, Campuchia.

Không chỉ ở cơ sở Đoàn, phong trào tình nguyện còn lan vào các cơ quan, doanh nghiệp; chất tình nguyện không chỉ ở tuổi trẻ mà lan ra cả phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi… Mùa hè xanh bây giờ đã trở thành một phần của cuộc sống trong suốt 20 năm qua.

Thứ ba, Thanh niên tình nguyện không chỉ đơn thuần là một phong trào quần chúng mà còn là một phương thức giáo dục, rèn luyện thanh niên hữu hiệu.

Các trường học xem đó là môi trường thực hành chính trị - xã hội của sinh viên - học sinh. Tổ chức Đoàn, Hội xem đây là trường học thực tiễn rèn luyện, đào tạo cán bộ, thủ lĩnh thanh niên, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho Đảng.

Thứ tư, phong trào được nuôi dưỡng bởi chất lãng mạn của tuổi trẻ. Thanh niên tình nguyện đi đến các công trình lao động không phải chỉ với mục tiêu công việc cụ thể như người công nhân bình thường, mà còn có cả lòng nhiệt huyết và tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ; ở đó còn có tình bạn, tình yêu, tình dân tộc, nghĩa đồng bào và biết bao ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ.

Để “Mùa hè xanh” chín

- Theo anh, làm thế nào để “Mùa hè xanh” chuyển biến về chất mà không chỉ là một phong trào thuần túy đến hẹn lại lên?

- Tôi nghĩ, những đội hình thanh niên tình nguyện đi đến đâu phải chuyển được lửa, được chất tình nguyện đến đó. Không chỉ đội hình tình nguyện làm mà các bạn trẻ ở đó cùng làm, cả cộng đồng cùng làm; tức ngọn lửa tình nguyện phải được thổi vào và lan ra trong cuộc sống để sau khi đội hình tình nguyện rút đi sẽ có một lớp thanh niên tình nguyện tại chỗ được hình thành.

Các chiến dịch tình nguyện, đội hình tình nguyện chỉ thật sự thành công khi chuyển lửa được cho các bạn trẻ ở các địa phương. Cần đa dạng các loại hình tình nguyện: bên cạnh các đội hình tình nguyện, chiến dịch tình nguyện, các chương trình dự án tình nguyện…

Dù chia tay công tác Đoàn đã lâu, nhưng những năm qua, tôi vẫn luôn dõi theo từng bước đi của phong trào thanh niên tình nguyện và nhận thấy mặc dù có rất nhiều thành công, sức quảng bá rất lớn, nhưng dường như phong trào của chúng ta vẫn thiếu một dấu ấn vật chất nổi bật.

Nói đến phong trào thanh niên XHCN thời kỳ thập niên 70-80 của thế kỷ trước, người ta nhớ đến công trình Thủy điện Sông Đà, nhưng phong trào thanh niên tình nguyện thời kỳ đổi mới 20 năm qua vẫn chưa lưu lại được một dấu ấn vật chất xứng tầm như thế.

Tôi nghĩ, các chiến dịch tình nguyện phải đồng thời đạt được 2 mục đích: rèn luyện và cống hiến; vừa thông qua hành động thực tiễn để giáo dục rèn luyện bản lĩnh, ý thức cộng đồng cho tuổi trẻ, vừa góp phần thiết thực vào các vấn đề kinh tế - xã hội.

Theo Tiền phong