100 bài hát Cơ đốc giáo hiện đại hàng đầu năm 2022

100 bài hát Cơ đốc giáo hiện đại hàng đầu năm 2022

Dâng hiến cho công việc Chúa


Cơ Đốc Giáo Dục
Tác giả: Viện Thần Học Việt Nam
Chương 1 Cơ Đốc Giáo Dục là gì?
Chương 2 Nền Tảng Kinh Thánh
Chương 3 Nền Tảng Thần Học
Chương 4 Chúa Giê-xu, Vị Giáo Sư Vĩ Đại
Chương 5 Vị Trí Của Kinh Thánh trong giáo trình
Chương 6 Giáo Án, Tiến Trình Dạy và Học
Chương 7 Cơ Đốc Giáo Dục Cho Thiếu Nhi
Chương 8 Cơ Đốc Giáo Dục Cho Thanh Thiếu Niên
Chương 9 Cơ Đốc Giáo Dục Cho Người Lớn
Cùng các học viên
Tập tài liệu “Cơ Đốc Giáo Dục “ này được dùng cho các học viên từ xa (hàm thụ). Trước khi bắt đầu môn học, xin bạn lưu ý những điều chỉ dẫn sau đây:
Bạn cần chia thời khoá biểu để học đều đặn mỗi tuần một chương, và như thế bạn có thể hoàn tất môn học từ hai đến ba tháng.
xin bạn đọc kỹ từng chương trong tập bài học này và tra xem những phần Kinh Thánh liên hệ. Trong tập tài liệu có phần để trống để bạn ghi chú khi đọc.
Sau mỗi chương có phần câu hỏi. Xin bạn trả lời tất cả những câu hỏi này. Mỗi câu bạn chỉ cần trả lời vắn tắt những súc tích, tuỳ theo mỗi câu hỏi, bạn có thể trả lời từ nửa trang đến một trang giấy đánh máy.
Khi trả lời các câu hỏi, bạn có thể dựa theo tài liệu này cũng như tham khảo các tài liệu khác (nhớ ghi rõ tác giả và tài liệu mà bạn thao khảo). Trong mỗi câu trả lời, bạn cũng cần trình bày nhận định và ý kiến riêng của bạn.
Điểm của mỗi câu trả lời sẽ dựa trên sự hiểu bài và nhận định của bạn cũng như cách trả lời mạch lạc, rõ ràng.
Bạn có thể gởi bài làm về văn phòng nhà trường sau mỗi ba bài học. Các giáo sư sẽ chấm điểm, góp ý và trả bài lại cho bạn. Sau khi bạn đã hoàn tất tất cả các bài làm, nhà trường sẽ gởi đến cho bạn đề thi cuối khoá. Bài thi cuối khoá phải được hoàn tất trong thời gian ấn đinh (sẽ nói rõ trong đề thi).
Điểm cuối khoá của môn học sẽ gồm điểm bài làm (60%) và điểm bài thi cuối khoá (40%). Khi hoàn tất môn học, bạn sẽ được cấp 3 tín chỉ (units).
Khi cần sự giúp đỡ hoặc có những thắc mắc liên quan đến bài học, xin bạn liên lạc với văn phòng nhà trường hoặc trực tiếp với các giáo sư để được hướng dẫn.
Cầu xin Chúa soi sáng và thêm ơn cho bạn trong khi học Lời Ngài.
Viện thần học Việt Nam
Union College of California

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC LÀ GÌ?
I. CƠ ĐỐC GIÁO DỤC LÀ GÌ?
Cơ Đốc Giáo Dục là gì? Sau đây là những lời phát biểu về Cơ Đốc Giáo Dục nhằm giúp chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và mục đích của mục vụ quan trọng này trong Hội Thánh. Xin bạn đọc kỹ và nhận xét về những lời phát biểu này và cho biết lời những phát biểu nào bạn đắc ý nhất.
Cơ Đốc Giáo Dục là một kinh nghiệm học hỏi nhờ đó chúng ta được biết Đức Chúa Trời và kinh nghiệm về Ngài như được mạc khải qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Cơ Đốc Giáo Dục là học Kinh Thánh
Cơ Đốc Giáo Dục nhằm đem người ta đến với Chúa Cứu Thế
Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình giúp con người phát triển và trưởng thành về mặt tâm linh.
Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để xây dựng một trật tự xã hội công chính, tốt đẹp.
Cơ Đốc Giáo Dục là công tác giúp con người nhận ra giá trị của chính mình đồng thời biết lựa chọn một lối sống phù hợp với người Cơ-đốc.
Cơ Đốc Giáo Dục nhằm tạo một cộng đồng yêu thương và săn sóc nhau qua đó con ngừoi hiểu biết về chính mình, ý thức được giá trị của chính mình và chấp nhận chính mình như là con cái của Đức Chúa Trời.
Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để biết Kinh Thánh được viết như thế nào, viết cho ai và Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta hôm nay.
Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi để biết yêu Chúa hết lòng, hết trí, hết linh hồn, hết sức và yêu người lân cận như chính mình.
Cơ Đốc Giáo Dục là tìm cách nuôi dưỡng con người trong sự nhận biết mục đích của Chúa cho đời sống.
Cơ Đốc Giáo Dục là tiến trình học hỏi nhờ đó con người được giải phóng khỏi những âu lo, sợ hãi và những bối rối của đời sống.
Cơ Đốc Giáo Dục là học để biết sống một đời sống vui mừng và biết ơn về ân điển kỳ diệu của Đức Chúa Trời.
Cơ Đốc Giáo Dục là học hỏi về đời sống, chức vụ, sự chết và sự sống lại cua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Cơ Đốc Giáo Dục nhằm giúp con người tìm thấy hướng đi về mặt đạo đức và tâm linh trong thời đại mà nền văn hoá và những hệ thống giá trị đang thay đổi.
Cơ Đốc Giáo Dục nhằm dạy chúng ta sống theo gương mẫu của những nhân vật trong Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước.
Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình truyền đạt cho học viên Lời thành văn của Đức Chúa Trời qua quyền năng Đức Thánh Linh, đặt Chúa Giê-xu làm trọng tâm và lấy Kinh Thánh làm nền tảng, nhằm mục đích dẫn người khác đến với Chúa và gây dựng họ trưởng thành trong Chúa Cứu Thế.
Cơ Đốc Giáo Dục bao gồm tất cả những phương cách và sinh hoạt nhằm giúp chúng ta biết Chúa rõ ràng hơn, uốn nắn chúng ta để càng trở nên giống Chúa hơn, giúp chúng ta nhận biết mình là ai và phải làm gì trong tương quan với Đức Chúa Trời, với cộng đồng đức tin, và với thế giới mình đang sống. Cơ Đốc Giáo Dục giúp chúng ta trở nên nhạy bén trong việc áp dụng lời Chúa dạy trong cuộc sống thực tế, giúp chúng ta biết dùng khả năng, ân tứ của mình để phục vụ Hội Thánh và đồng loại.
II. ĐỊNH NGHĨA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
Cơ Đốc Giáo Dục là một tiến trình dạy dỗ và học hỏi đặt nền tảng trên Kinh Thánh và trong sự dẫn dắt của Thánh Linh. Cơ Đốc Giáo Dục nhằm hướng dẫn những cá nhân thuộc mọi trình độ đến chỗ hiểu biết và kinh nghiệm mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế trong mọi khía cạnh của đời sống bằng những phương tiện giáo dục đương thời. Cơ Đốc Giáo Dục cũng nhằm trang bị con người để làm công tác mục vụ cách có hiệu quả, đặt trọng tâm vào Chúa Cứu Thế Giê-xu là vị Giáo sư gương mẫu, và lời giáo huấn của Ngài để giúp người khác thành những môn đồ trưởng thành.
(Werner C. Graendorf, Introduction to Bibilical Christian Educa-tion, Chicago: Moody, 1981,p.16)
III. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
Lịch sử là một ngành học về những sự kiện trong quá khứ có liên hệ đến một dân tộc, một thời đại, một nhân vật, hay một tôn giáo cặp theo những lời giải luận về nguyên nhân hay một lượng giá cho những sự kiện đó và được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Theo Maro Bloch, lịch sử là khoa học về con người qua thời gian. Theo Martin Luther, lịch sử là câu chuyện về sự quan phòng của Đức Chúa Trời và sự hướng dẫn của Ngài trong đời sống chúng ta. Lịch sử là những gì viết về quá khứ, điều chỉnh sự sai lạc trong quá khứ. Lịch sử luôn luôn cho chúng ta những bài học.
Trong Cựu ước, giáo dục được đặt trên nền tảng luật pháp của Đức Chúa Trời. Phương pháp giảng dạy thời bấy giờ là truyền khẩu. Môi trường giáo dục chủ yếu là gia đình (Phục 6,7). Trong các dịp lễ, những nhà lãnh đạo dạy cho dân chúng luật pháp của Thượng Đế tại các nơi công cộng (NeNe 8:3). Về sau, những luật ấy được viết thành văn và thường theo thể thi ca hoặc phổ nhạc để truyền tụng trong dân chúng. Người Hy Lạp rất chú trọng đến vấn đề giáo dục, và họ có một nền triết học rất vững vàng, có ảnh hưởng sâu sắc trên nền văn hoá thế giới. Ví dụ, Platon chủ trương giáo dục là để giúp người công dân sống toàn hảo và công chính, dùng giáo dục để biến đổi chính trị.
Trong thời Tân ước, Cơ Đốc Giáo Dục đầu tiên được tóm tắt trong bài Tín Điều Các Sứ Đồ; có thể do các tín đồ sau các sứ đồ viết ra. Hội Thánh đầu tiên cũng có những lớp giáo lý. Các tín hữu phải học giáo lý 3 năm mới được nhận phép báp tem. Trong những thế kỷ đầu (sau Chúa) có những trường giáo lý. Những người cùng quan điểm với nhau học lại chống tà giáo, vì vậy phát sinh ra những trườngphái thần học như Clement, Tertullian, Origen, Nicene.... Tác phẩm Didache, (hay còn gọi là Giáo lý của Mười hai Sứ Đồ, được đặt bên cạnh các sách Phúc Am), là tác phẩm đầu tiên được lưu hành trong Hội thánh. Didache là hình thức xưa nhất của tài liệu Cơ Đốc Giáo Dục.
Vào thời Trung Cổ, dưới thời Constanstine, Cơ Đốc Giáo Dục thay đổi toàn diện. Thờ phượng là môi trường chính để học biết giáo lý cho các tín đồ. Ngoài ra, có các trường huấn luyện đặc biệt cho hàng giáo phẩm. Thời kỳ này ít chú trọng đến nền tảng gia đình. Những tu viện và những nhà ẩn tu tự tìm cho mình một đường lối thực hành tâm linh trong những cộng đồng nhỏ (kỷ luật thuộc linh), tìm kiếm sự tương giao với Chúa cách riêng rẽ. Hình ảnh, kiến trúc nghệ thuật có ý nghĩa biểu tượng gián tiếp dạy về đức tin. Những mặc khải của Thiên Chúa qua lịch sử đêu được mô tả qua những tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc, chạm trổ. Những nghi thức tế lễ, kịch nghệ và kiến trúc đóng vai trò rất quan trọng trong phương diện giáo dục.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 14-16), người ta chú ý đến các vấn đề thuộc lãnh vực văn chương chữ nghĩa. Thời kỳ này phát xuất từ La Mã, rồi lan tràn qua Au Châu. Đây là thời kỳ đề cao nhân bản. Giá trị của con người được coi trọng hơn thế giới siêu hình. Vì vậy, có phần coi nhẹ việc nghiên cứu, học hỏi về Đức Chúa Trời. Vì đề cao cá nhân chủ nghĩa, giáo dục nhằm phục vụ các nhân con người hơn là tìm đến những vấn đề thuộc về Thượng Đế. Vì đề cao lý trí hơn là đức tin và đề cao các ngành khoa học. Người ta họ đã chú trọng đến tạo vật hơn là Đấng Tạo Hoá. Vì ảnh hưởng văn hoá của thời Phục Hưng Cơ Đốc Giáo Dục cũng chú trọng nhiều đến xã hội, và nhân loại học hơn là chú trọng đến Thượng Đế và lời của Ngài.
Thời kỳ Cải Chánh là một thời kỳ hoàn toàn trái ngược với thời kỳ Phục hưng. Thời kỳ này chú trọng đến đức tin và sự truyền bá đức tin, nhấn mạnh đến chức tế lễ của tín đồ. Đứng đầu các nhà cải chánh là Martin Luther, đã chủ trương hai trọng điểm: Sola Scriptura (Chỉ có Kinh thánh mà thôi) và Sola Fide (chỉ có đức tin mà thôi). Trong thời kỳ này, mục tiêu Cơ Đốc Giáo Dục là nhằm giáo dục tín đồ trở nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Hằng Sống. Vì vậy, tín hữu phải được tương giao trực tiếp với Thượng Đế, không cần qua trung gian. Tín hữu biết Thượng Đế qua Thánh Kinh với cặp mắt của đức tin. Trong thời kỳ này, Cơ Đốc Giáo Dục là lãnh vực thực hành của Thần học.
So sánh thời Phục Hưng và thời Cải Chánh chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng. Thời kỳ Phục Hưng chú trọng con người, chú trọng thành phần tuyển chọn trí thức, chú trọng vấn đề phục hưng trí tuệ, văn hoá, chú trọng đến lý trí, chú trọng các tác phẩm ngoài Kinh Thánh. Trái lại thời kỳ Cải Chánh chú trọng đổi mới tâm linh. Vì nhận biết sự bại hoại của lý trí con người cho nên chú trọng đến các tác phẩm của Kinh Thánh và sự thuận phục Lời Đức Chúa Trời.
Sang thời cận đại, Cơ Đốc Giáo Dục nhấn mạnh đến Trường Chúa Nhật. Trường Chúa Nhật do Mục sư người Anh là Robert Raikes khởi xướng năm 1780. Vào thời kỳ ấy, do tình trạng thiếu niên nghèo đi làm cả tuần không có ngày nghỉ, nên ông tổ chức dạy Kinh Thánh vào ngày Chúa Nhật để hướng dẫn các em vào nếp sống đạo qua sự học Kinh Thánh. Những lớp học này trở thành một sinh hoạt thường xuyên của Hội Thánh gọi là Trường Chúa Nhật. Tại Mỹ, Hiệp Hội Trường Chúa Nhật (Gloucester) được thành lập vào năm 1854.
Trong thời hiện đại, kể từ khi khoa triết học về tôn giáo (philosophy of religion) ra đời, triết học cũng giữ vai trò quan trọng trong Cơ Đốc Giáo Dục. Triết học (philosophy) là yêu thích sự khôn ngoan (Philo=love=yêu; sophy=wisdom=khôn ngoan). Vì Đức Chúa Trời là cội nguồn ban sự khôn ngoan (ChCn 2:6; 1:7; 9:10) cho nên yêu mến sự khôn ngoan tức là yêu mến Đức Chúa Trời. Vai trò của triết học trong Cơ Đốc Giáo Dục là đặt vấn đề. Ví dụ: tại sao có sự sống? Có Đức Chúa Trời hay không? Qua đó, Cơ Đốc Giáo Dục có cơ hội để trả lời vấn đề dựa trên Kinh Thánh và mặc khải của Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-xu đã giao công tác giáo dục cho Hội Thánh: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh và làm phép báp tem cho họ và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mat Mt 28:19). Cả Cựu ước và Tân ước đều cho chúng ta những ý tưởng quý báu về quan niệm và việc thực hành công tác giáo dục. Từ nền tảng này chúng ta có thể khám phá được những nguyên tắc cuẩ Cơ Đốc Giáo Dục giúp chúng ta hình thành phương pháp hiệu quả để hoàn tất nhiệm vụ giáo dục. Điều vô cùng quan trọng đối với các giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục là vị trí của Kinh Thánh trong chương trình giảng dạy của Hội Thánh. Kinh Thánh phải là trung tâm điểm của mọi sự dạy dỗ.
Công tác giáo dục của Hội Thánh nhắm tới mọi người ở mọi lứa tuổi. Thừơng những cố gắng của chúng ta tập trung vào các thiếu nhi. Trong khi thi hành chức vụ Chúa Giê-xu rõ ràng đã chú ý đến các thiếu nhi. Chúng ta phải dạy dỗ chúng cách nào để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của chúng. Cũng vậy, khi dạy dỗ thanh niên chúng ta phải hiểu được những nhu cầu cá biệt của họ và đáp ứng một cách có hiệu quả. Lứa tuổi thanh niên là tuổi phải quyết định những điều quan trọng trong cuộc đời. Dạy dỗ những người trưởng thành đòi hỏi hiểu biết về những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống mà họ đã phải trải qua. Chúng ta phải cố gắng dạy dỗ họ thế nào để đáp ứng những nhu cầu riêng tư của họ.
Cơ cấu tổ chức của một Hội Thánh địa phương ảnh hưởng rất lớn trên kết quả của công tác giáo dục của Hội Thánh. Vai trò của Mục sư quản nhiệm, cơ cấu của các ban ngành liên quan đến giáo dục và những quan điểm về hành chánh đều là những yếu tố quan trọng cần được cân nhắc. Tổ chức và lãnh đạo các tín đồ bình thường để họ trở thành các giáo viên và nhân sự trong Hội Thánh là điểu rất quan trọng. Sau cùng, công tác giáo dục của Hội Thánh phải có liên quan đến nhiệm vụ chung của Hội Thánh. Hoàn tất công tác giáo dục là góp phần khiến Hội Thánh tăng trưởng.
CÂU HỎI
1. Xin viết một định nghĩa riêng của bạn về Cơ- Đốc giáo dục trong đó cho thấy chức năng, mục tiêu và triết lí của Cơ Đốc Giáo Dục
2. Xin liệt kê tất cả những sinh hoạt trong Hội Thánh mà bạn biết dược. Những sinh hoạt nào thuộc lãnh vực Cơ Đốc Giáo Dục? Cơ Đốc Giáo Dục tương quan thế nào với những lãnh vực khác?
3. Xin tóm tắt bối cảnh lịch sử của Cơ Đốc Giáo Dục qua từng thời kì. Bạn có nhận xét gì và rút ra được những bài học nào qua từng thời kì đó?

NỀN TẢNG KINH THÁNH
A. GIÁO DỤC TRONG CỰU ƯỚC
Hội thánh đã thừa hưởng nhiều gia sản Do Thái giáo. Hội Thánh thời Tân Ước được thành lập từ người Do Thái. Những giáo sư Cơ Đốc Giáo đầu tiên là người Do Thái. Hình thức thờ phượng của Hội Thánh đầu tiên theo khuôn mẫu các nhà hội. Hội Thánh thời Tân Ước nhận lấy trách nhiệm huấn luyện các tín đồ trong cùng một cách thức họ đã được huấn luyện
Trong Y-sơ-ra-ên thời cổ nền giáo dục có những mục đích, nội dung và phương phá đặc biệt. Tuổi tác và khả năng của mọi lứa tuổi đều được cân nhắc. Chương trình giáo dục của Y-sơ-ra-ên có chứa đựng 4 yếu tố cơ bản: đặc tính của học viên, mục tiêu giáo dục, nội dung phương pháp giảng dạy. Để đạt thành quả bất cứ chương trình giáo dục nào cũng cần phải kết hợp 4 yếu tố căn bản trên. Sau đây chúng ta sẽ tập trung vào 3 yếu tố sau của chương trình giáo dục trong Y-sơ-ra-ên xưa.
I. Mục tiêu
1. Nhắc nhở . Mục tiêu đầu tiên của giáo dục là nhằm nhắc nhở dân chúng mối liên hệ của Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời và những điều Ngài làm cho dân ngài trong quá khứ. Y-sơ-ra-ên là dân riêng của Đức Chúa Trời, cho nên việc dạy dỗ các thế hệ đặc biệt giữa Đức Chúa Trời và dân tộc Y-sơ-ra-ên như thế sẽ không nhận được phước hạnh nơi Ngài
2. Giáo dục đạo đức . Mục tiêu quan trọng thứ hai của việc giáo dục là dạy dỗ luân lý , đạo đức. Sự dạy dỗ này nhằm hướng dẫn nếp sống tin kính Đức Chúa Trời để nhận được phước hạnh từ nơi Ngài. Apraham đã dạy dỗ con cái của ông làm điều công bình và ngay thẳng (SaSt 18:19). Sự công bình và ngay thẳng là hai mặt của bản tánh Đức Chúa Trời, chúng thường được nhắc đến trong cả Cựu và Tân Ước. Khi chúng ta làm điềucông bình và ngay thẳng và dạy người khác cũng làm như vậy, chúng ta đang bước theo khuôn mẫu của Chúa. Đây là nội dungcủa sự giáo dục đạo đức. Y nghĩa này được trình bày rõ ràng nhất trong LeLv 19:2 “Hãy truyền cho cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: “Hãy nên thánh vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi là thánh.”
II. Nội dung
Như chúng ta đã thấy, sự dạy dỗ hướngdẫn đời sống tin kính trong sinh hoạt cá nhân cũng như cộng đồng gắn liền với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Điều đó giải thích tại sao nội dung của giáo dục là học về Đức Chúa Trời và mối liên hệ giữa Ngài với Y-sơ-ra-ên. Trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, việc giáo dục không những nhấn mạnh mối liên hệ của con dân Chúa với Ngài nhưng còn nhấn mạnhđến mối liên hệ giữa con người với nhau.
III. Phương pháp
Giáo dục cho người trưởng thành: Chúng ta cần nhớ rằng toàn bộ Cựu Ước đã được viết ra nhắm đến người trưởng thành. Trước hết, Đức Chúa Trời chính là người dạy dỗ. Ngài tự khải thị chính mình. Điều đó có nghĩa là ngài dạy chúng ta biết Ngài là ai. Ngài cũng cho chúng ta biết chúng ta là ai. Ngài dạy chúng ta về mối liên hệ giữa Ngài và chúng ta , giữa chúng ta với Ngài, cũng như cách thức thờ phượng và phụng sự Ngài. Đức Chúa trời đã có những mục tiêu và phương pháp cụ thể. Khi ban bố Luật Pháp, Ngài đã dũng những lời lẽ rất mạnh mẽ và có thẩm quyền. Khói và lửa tại núi Sinai đã khiến dân chúng phải tập chung chú y. nó tạo nên ấn tượng cho một biến cố quan trọng. Sự ban bố và tuân giữ Luật Pháp là cách thức căn bản để dân tộc Y-sơ-ra-ên bày tỏ đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời . tuy nhiên luật pháp chỉ là một phần trong chương trình giáo dục toàn diện của Ngài (XuXh 19:18-19; 20:1-21).
Trong thời Cựu Ước, mọi khía cạnh của đời sống đều có ý nghĩa giáo dục. Người ta học tập qua việc xã hội hoá, tức là quá trình học tập để sống trong xã hội. Y-sơ-ra-ên cổ là một quốc gia theo chế độ thần quyền nên chính Đức Chúa trời là đấng cai trị cả dân tộc. Luật pháp, cách ứng xử trong xã hội, trong gia đình và đời sống cá nhân tự bản chất đều có ý nghĩa tôn giáo (PhuDnl 4:9; XuXh 34:23). Cả xã hội được kiến tạo để dạy dỗ và giữ gìn những yếu tố nhắc nhở đức tin của họ. Kiểu mẫu của đền tạm cũng như các dụng cụ dùng thờ phượng, y phục của các thầy tế lễ, tất cả đều có ý nghĩa tôn giáo . Ngay cả cách thức dân chúng tụ họp chung quanh đền tạm cũng bày tỏ ý nghĩa Đức Chúa Trời hiện diện ở giữa họ . toàn dân thường nhóm lại nhiều lần trong năm để được dạy dỗ kỹ lưỡng về Luật Pháp. Mọi người đều tham dự vào công tác giáo dục. Các thầy tế lễ và trưởng lão dạy dỗ dân chúng. Bậc cha mẹ dạy dỗ con cái (PhuDnl 31:9-13). Ngay cả các hoàng đế cũng đã dẫn đầu đoàn dân Y-sơ-ra-ên trong việc ca hát và thờ phượng trong một số buổi lễ. Nhiệm vụ căn bản của các tiên tri là giảng dạy . chẳng hạn Ê-xơ-rơ đã dạy dỗ dân chúng trong nhiều ngày. Ông đã phiên dịch lời Đức Chúa Trời ra ngôn ngữ đương thời cho dân chúng hiểu (NeNe 8:18).
Chương trình gióa dục của Y-sơ-ra-ên có một nội dung căn bản được lặp đi lặp lại. Mục đích chính yếu của Đức Chúa Trời nhằm tạo một dân tộc hoàn thiện, biết tôn kính và phụng sự chỉ một mình Ngài.
1. Giáo dục trẻ con trong gia đình
trong việc gióa dục trẻ con, ngoài mười điều răn , phân đoạn Kinh Thánh quan trọng dối với Y-sơ-ra-ên thời cổ là PhuDnl 6:4-9. Phân đoạn Kinh thánh này được gọi là Shema vì được bắt đầu từ chữ Shema có nghĩa là “Hãy nghe.” Sự dạy dỗ được coi là quý báu như chính mạng sống. “Hãy nắm chắc điều khuyên dạy, chớ buông ra; khá gìn giữ nó vì là sự sống của con” (ChCn 4:13)
Shema đặt ra khuôn mẫu cho viêc dân Y-sơ-ra-ên dạy dỗ con cái của họ. Shema nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy dỗ luân lý trực tiếp qua đối thoại và vai trò của gia đình . Theo Josephus, sử gia Do Thái vào thế kỷ thứ II T.C., trẻ con bắt đầu học tập lúc tuổi còn rất nhỏ, có lẽ ngay sau khi thôi bú (EsIs 28:9). Người chacó trách nhiệm dạy dỗ con trai của mình (XuXh 12:26-27; PhuDnl 4:9; 6:7). người mẹ phải dạy dỗ con gái của mình. Việc dạy dỗ bắt đầu lúc sáng sớm ngay sau buổi bình minh. Các con trẻ học đọc và viết tiếng Hê-bơ-rơ và học thuộc lòng Kinh Thánh. Sự gióa dục trong Y-sơ-ra-ên chủ yếu có tính cách tôn giáo.
Một nguyên tắc dạy dỗ căn bản là dạy mỗi lần một chút. Trong EsIs 28:10 có chép: “Vì với họ phải giềng mối thêm giềng mối, giềng mối thêm giềng mối; hàng thêm hàng, hàng thêm hàng; một chút chỗ này một chút chỗ kia.” Nội dung học nhiều hay ít tuỳ theo khả năng của học trò. Phần lớn, hình thức khẩu truyền và phwong thức học thuộc lòng được áp dụng.
2. Giáo dục dân chúng trong nhà hội
Sự giáo dục chính thức trong Y-sơ-ra-ên bắt đầu với sự phát triển của nhà hội. Khi Bê-nu-cát-nết-sa phá huỷ thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ Sa-lô-môn năm 587 T.C. và dân Y-sơ-ra-ên bị bắt qua Ba-by-lôn làm phu tù, họ thiết lập nhà hội tại Ba-by-lôn để thay thế cho việc thờ phượng và dạy dỗ. Vào thế kỷ thứ ba trước Chúa đã có hàng trăm nhà hội. Trong khắp xứ Palestin, bất cứ nơi nào có nhiều hơn mười người đàn ông Do Thái đều có thể lập một nhà hội. Ngay tại Giê-ru-sa-lem cũng có nhà hội mặc dầu ở đó đền thờ đã được xây lại.
Trong những thế kỷ trước Chúa giáng sanh, mục đích chính của các nhà hội là cung cấp nơi thờ phượng và dạy dỗ luật pháp Do Thái. Vào năm 64 S.C. một sắc luật Do Thái được thông qua kêu gọi việc thành lập các trường tiểu học này được tiến hành trong các nhà hội. Người giữ nhà hội kiêm luôn thầy giáo, các lớp học chỉ dành cho nam học sinh và phụ nữ không được phép giảng dạy (ITi1Tm 2:12).
Tuy việc phát triển các nhà hội và các trường học trong các nhà hội rất quan trọng nhưng gia đình vẫn là nơi chủ yếu để dạy dỗ tôn giáo cho trẻ em. Tại gia đình việc thích nghi với cuộc sống trong xã hội và việc học tập đi đôi với nhau và bổ túc cho nhau một cách rất tự nhiên. Trong gia đình, việc học tập thường diễn ra trong những lúc thích hợp, khi trẻ em sẵn sàng để tiếp thu. Như thế chương trình giáo dục trong y-sơ-ra-ên cổ bao gồm mọi lãnh vực của đời sống, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội, và đều có ý nghĩa tôn giáo.
B. GIÁO DỤC TRONG TÂN ƯỚC
Chúng ta đã biết mục đích, nội dung và các phương pháp của việc giáo dục trong Y-xơ-ra-ên cổ. Chúng ta cũng cần nhờ rằng Chúa Giê-xu đã được sinh trưởng trong một gia đình người Do Thái. Mặc dầu các sách Phúc Âm không nói nhiều về thời thơ ấu của Chúa Giê-xu, chúng ta vẫn có thể đoán rằng Ngài đã được dạy dỗ trong những phương cách truyền thống của người Do Thái. Những hình thức học tập bao gồm sự giáo dục thông thường trong gia đình, sự tham gia trong sinh hoạt xã hội Do Thái như việc giữ các ngày lễ đặc biệt, thăm viếng Giê-ru-sa-lem và đền thờ, lui tới nhà hội và trường học tại nhà hội. Chúng ta được biết rằng lúc 12 tuổi Chúa Giê-xu đã thông thạo Kinh Thánh Hê-bơ-rơ (LuLc 2:41-47). Chúng ta cũng đọc thấy rằng Chúa Giê-xu đã trưởng thành một cách bình thường, nói theo cách con người (2:52) và đã có rất nhiều cơ hội để học hỏi lời Đức Chúa Trời và nhận biết các đường lối của Ngài.
Sách Ma-thi-ơ được xem là cẩm nang về giáo dục. Nội dung giáo dục trong Phúc Âm Ma-thi-ơ nhấn mạnh đến năm điểm chính (1) Đạo đức cá nhân và xã hội và khải tượng về Nước Trời (MaMl 5:1-7:27) (2) Chức vụ rao truyền Phúc Âm (10:1-42) (3) Ẩn dụ về Nước Trời (13:1-52;); (4) Mối tương quan với nhau trong Chúa: Tình yêu và chân lý, hoà giải và công chính (18:1-35) Thời kỳ cuối cùng (23:1-25:4).
Hội Thánh đầu tiên ngay từ đầu đã nhận thức trách nhiệm giáo dục như đã được nêu lên trong Đại Mạng Lệnh của Chúa (28:19-20). Sinh hoạt của Hội Thánh đầu tiên bao gồm sự dạy dỗ của các sứ đồ, sự thông công, lễ bẻ bánh, sự cầu nguyện và việc tương trợ (Cong Cv 2:42-47). Thoạt đầu Hội Thánh được thiết lập tại Giê-ru-sa-lem và những tín đồ đầu tiên là người Do Thái. Họ nhóm lại tại nhà riêng vào các ngày khác trong tuần. Một phần do sự bắt bớ, Cơ Đốc Giáo đã lan tràn khắp đế quốc La mã và các dân tộc ngoại bang đã trở thành tín đồ. Chẳng bao lâu số tín đồ gốc ngoại bang đã nhiều hơn số tín đồ gốc Do Thái. Họ vốn là những người ngoại đạo và không có quá trình giáo dục giống như người Do Thái. Họ không biết hay biết rất ít về Kinh Thánh Do Thái. Do đó Hội Thánh đã coi việc dạy dỗ những tín đồ mới này là một nhiệm vụ quan trọng.
Qua hai lá thư của Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê chúng ta thấy rất rõ tầm quan trọng củachức vụ dạy dỗ trong Hội Thánh. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê đừng bỏ qua ơn ban cho ông (ITi1Tm 4:14), và nên nhen lại ơn của Đức Chúa Trời (IITi 2Tm 1:16). Ti-mô-thê đã nhận lãnh Đức Thánh Linh và bởi Đức Thánh Linh Ti-mô-thê cũng đã nhận được quyền năng đặc biệt để giảng đạo, dạy dỗ và bênh vực chân lý. Mục tiêu của Cơ Đốc Giáo Dục là kêu gọi đến đức tin, giải thích đức tin, sống đức tin.

NỀN TẢNG THẦN HỌC CỦA CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
Nói cách tổng quát, thần học là môn học nghiên cứu về thế giới siêu linh và niềm tin tôn giáo. Đối với Cơ Đốc Giáo Dục, thần học (Theology:Theo =God; Logy=Study) là môn học về Đức Chúa Trời căn cứ trên sự mặc khải của Ngài qua thiên nhiên, qua Kinh Thánh, qua Chúa Giê-xu với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Thần học Cơ Đốc Giáo có 4 đặc điểm:
Chấp nhận thẩm quyền tuyệt đối của Kinh Thánh
Đức Chúa Trời trong mối tương quan với con người
Công tác cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu
Đáp ứng của cá nhân tín hữu với Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Thần học là nội dung của Cơ Đốc Giáo Dục và Cơ Đốc Giáo Dục là lãnh vực thực hành của thần học. Cơ Đốc Giáo Dục đặt nền tảng trên những nguyên tắc thần học sau đây:
1. SỰ THỰC HỮU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Một số triết gia đã nghi ngờ sự hiện hữu của mọi vật. Họ không biết chắc là có Thượng Đế hay không; họ không rõ là thế giới có thực hữu không; họ không chắc rằng họ đang sống. Đối với họ cuộc sống chỉ là một ảo giác, hay một giấc mơ.
Kinh Thánh không hề nỗ lực chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Sự hiện hữu của ngài được mặc nhiên chấp nhận. Một trong những đặc tính của Thượng Đế là sự trường tồn của Ngài. Chúa phán với Môi-se từ trong bụi gai đang cháy: “Ta là Đấng Tự Hữu. Hằng Hữu”. (XuXh 3:14). Ta là Đấng Vĩnh Cửu. Ta không có khởi đầu và không có kết thúc. Đó là điều Chúa phản bảo Môi-se. Cả SaSt 1:1 và GiGa 1:1 đều mặc khải nhiên chấp nhận sự hiện hữu và thực tại của Thượng Đế. Nền giáo dục Cơ Đốc phải đặt nền tảng vững vàng trên sự thực hữu của Thượng Đế như người mù được chữa lành đã từng tuyên bố “Tôi chỉ biết một điều là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng” (9:25). Chúng ta biết Thượng Đế thực hữu không phải bởi vì chúng ta có thể chứng minh sự hiện hữu của Ngài, nhưng bởi vì Ngài đã biến đổi bao cuộc đời.
Thực tại vĩnh cửu là gì? Khi mọi chuyện đều sụp đổ, khi mọi người đều qua đi thì cái gì còn tồn tại? Sứ đồ Phi-e-rơ trả lời cho câu hỏi này như sau: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (GiGa 6:68). Câu trả lời của Hội Thánh cho câu hỏi về thực tại vĩnh cửu cũng giống như câu trả lời của Kinh Thánh là bắt đầu bằng sự sáng tạo của Thượng Đế Đấng là nguyên thuỷ và nền tảng của mọi tạo vật (CoCl 1:16-17; Cong Cv 17:24-28).
2. CON NGƯỜI NHẬN BIẾT CHÂN LÝ NHỜ MẠC KHẢI
Làm thế nào để con người có thể nhận biết Thượng Đế? Làm thể nào con người có thê biết các chân lý về Thượng Đế? Đức Chúa Trời là Thần và chưa ai thấy Thượng Đế thì làm sao con người có thể hiểu biết về Thượng Đế được? Câu trả lời là không, trừ phi Thượng Đế tự mặc khải chính Ngài. Ở đây chúng ta khám phá thấy một đặc điểm nổi bật của Thượng Đế đó là không những Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (vĩnh hằng) mà Ngài còn là Đấng tự mặc khải. Thượng Đế đã không ngừng mặc khải chính Ngài cho nhân loại.
Đức Chúa Trời đã tự mặc khải Ngài qua thiên nhiên (Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Thi Tv 19:1; RoRm 1:18-21), qua Môi-se, các tiên tri và qua Chúa Giê-xu Christ. Nếu Thượng Đế không tự mặc khải chính Ngài bằng những phương cách như thế thì chúng ta không thể biết về Ngài (GiGa 1:1-2; 14:1-31). Sự mặc khải này được ghi lại trong Kinh Thánh. Chính Đức Chúa Trời đã thiết lập phương thức ghi chép và bảo tồn Kinh Thánh. Giả như Ngài đã không làm như vậy thì đã không có gì lưu lại cho các thế hệ tương lai là những người không được chứng kiến các biến cố trong Kinh Thánh. Chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh những ký thuật có kèm theo sự giải thích. Thượng Đế quan tâm để những ý nghĩa của các biến cố cũng được chép vào Kinh Thánh. Kinh Thánh là nền tảng đúng đắn và đáng tin cậy duy nhất qua đó con người có được những mặc khải của Thượng Đế. Do đó chỉ Kinh Thánh mới có thể đem đến cho con người sự hiểu biết và chân lý về Thượng Đế. Nền giáo dục Cơ Đốc phải nhấn mạnh lẽ thật này. Chính Kinh Thánh cũng đề cập mục đích và thẩm quyền của Lời Chúa. Kinh Thánh nhấn mạnh Lời Chúa là chân lý, các trước giả của Kinh Thánh được hà hơi bởi Thánh Linh, Kinh Thánh là toàn vẹn và chúng ta không thể thêm hoặc bớt điều gì, Kinh Thánh có ích cho việc dạy dỗ, bẻ trách sửa trị, dạy người trong sự công bình (17:17; IITi 2Tm 3:16-17; KhKh 22:18-19; IPhi 1Pr 1:20-21).
3. NHÂN LOẠI MANG HÌNH ẢNH THƯỢNG ĐẾ
Kinh Thánh cho chúng ta biết về Thượng Đế và cũng cho chúng ta biết về con người. Kinh Thánh chép rằng loài người đã được dựng nên theo hình ảnh của Thượng Đế (SaSt 1:26) và loài người có khả năng tương giao với Thượng Đế. Loài người đã được dựng nên như một hữu thể thuộc linh có khả năng thông công với Đức Chúa Trời. Không có một tạo vật nào khác được dựng nên như vậy. Con người hoàn toàn khác biệt một cách độc đáo với thế giới loài vật.
Bởi vì mối tương giao giữa A-đam và Đức Chúa Trời đã bị cắt đứt do tội lỗi, loài người hiện sống trong tình trạng thù nghịch với Thượng Đế và xa cách Ngài. Loài người không thể phục hồi lại mối liên hệ với Thượng Đế. Kinh Thánh chép rằng sự công bình của chúng ta chỉ là một cái nhớp trước mặt Đức Chúa Trời (EsIs 64:6; RoRm 3:23). Thượng Đế đã ban cho một phương cách để phục hồi mối liên hệ giữa nhân loại với chính Ngài. Phương cách đó là sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá (ICo1Cr 15:22). Chương trình giáo dục của Hội Thánh không được rời khỏi quan niệm con người vốn có bản chất thuộc linh. Bởi vì Đấng Christ đã chịu chết cho mọi người nên mỗi người đều có khả năng trở thành con cái của Thượng Đế. Con Đức Chúa Trời đã trở thành Con loài người để con cái loài người có thể trở thành con cái Đức Chúa Trời.
4. NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG CỬU
Chương trình giáo dục của Hội Thánh phải đề cao các giá trị thuộc linh và trường Cửu. Bậc thang giá trị của thế giới này được thiết lập trên quan niệm về sở hữu. Đối với một vài nền văn hoá thì đây là sự sỡ hữu những điều vật chất và thú vui nhất thời. Đối với các nền văn hoá khác thì đó có thể là sở hữu tôi tớ và súc vật. Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta là những khách lảtong thế giới này (IPhi 1Pr 2:11). Chúng ta chỉ là những khách lữ hànhtrên đường từ trần gian về Thiên Quốc. Thế nên chúng ta không nên xét đoán theo tiêu chuẩn và giá trị của trần gian như Lót, cháu của Áp-ra-ham đã làm (SaSt 13:10). Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến nước của Đức Chúa Trời hơn là nước của trần gian này (Mat Mt 6:19-21, 33; CoCl 3:2). Chúng ta không thể làm tôi hai chủ (Mat Mt 6:24; LuLc 16:13). Chúng ta phải nhớ rằng làm bạn với thế gian là thù nghịch cùng Thượng Đế (Gia Gc 4:4) Do đóchúng ta không được dính líu đến những công việc xấu xa của trần gian. Hãy nhớ rằng các thiên xứ đã kéo lót ra khỏi thành Sô-đôm để cứu ông khỏi dính líu sâu hơn vào những việc xấu xa của trần gian và để giải thoát mạng sống của ông. SaSt 19:15-26.
5. NHỮNG MỤC TIÊU PHẢI ĐẶT TRỌNG TÂM NƠI ĐẤNG CHRIST
Mục tiêu là rất quan trọng vì nó quyết định mục đích của các hoạt động và vạch ra phương hướng để chúng ta noi theo. Sự xác nhận các mục tiêu cũng có thể giúp chúng ta trong việc lượng định thàng quả. Những mục tiêu của chương trình giáo dục của Hội Thánh là gì? Những người lãnh đạo của một Hội Thánh địa phương hay một giáo phái có thể đặt ra nhiều mục tiêu nhưng tất cả các mục tiêu phải đặt trọng tâm nơi Đấng Christ. Chẳng hạn mục tiêu của chương trình giáo dục có thể xác định đơn giản như sau:
Mục tiêu chính yếu là giúp đỡ mọi người nhìn biết Chúa như đã được mặc khải qua Chúa Giê-xu Christ, đáp ứng với Ngài bằng đức tin cá nhân, cố gắng bước theo Ngài trong tinh thần vâng phục, sống theo sự dẫn dắt và quyền năng của Đức Thánh Linh, và tăng trưởng cho tới mức trưởng thành trong Đấng Christ (Allen Clifton and Howse, The Curriculum Guide,Nashville, Tennessee: Comnvention Press, 1960, pp. 14.15)
Một mục tiêu lớn có thể bao gồm nhiều mục tiêu cụ thể: Sự cứu rỗi, sự đầy dãy Thánh Linh, Sự thờ phượng, sự bố trí, công tác phục vụ,v.v.... Mục tiêu tối hậu vẫn không phải là khiến tín đồ trở nên trưởng thành trong đời sống tin kính và trong những phẩm chất giống Đấng Christ (Eph Ep 4:11-14).
6. GIÁO TRÌNH ĐẶT NỀN TẢNG TRÊN KINH THÁNH
Nhu cầu cần phát triển những kiến thức về Kinh Thánh trong chương trình giáo dục của Hội Thánh là điểu rất ràng. Điều này cạng đặc biết đúng bởi vì chúng ta đã nói Thượng Đế là thực tại vĩnh cửu, chân lý là sự mặc khải của Thượng Đế được ghi chép trong Kinh Thánh và mục tiêu giáo dục của Hội Thánh là khiến mọi người trở nên giống Chúa Giê-xu Christ.
Cần lưu ý là kiến thức về Kinh Thánh chỉ là một phương tiện để đạt đến một cứu cánh, chứ tự nó không phải là cứu cánh. Vì thế không nên dạy Kinh Thánh một cách máy móc, chỉ học thuộc lòng, chỉ tìm kiến thức. Kinh Thánh phải được áp dụng để giải quyết các nhu cầu và nan đề của con người. Kinh Thánh phải giúp con người nhận biết Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cần phải giúp các học viên tăng trưởng về mặt thuộc linh. Đời sống của học viên được thay đổi ra sao từ những điều họ học quan trọng hơn là tri thức về Kinh Thánh mà thôi. Hội Thánh cần dạy cả tri thức về Kinh Thánh lẫn sự áp dụng Kinh Thánh trong những nhu cầu của con người.
7. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC NHẤN MẠNH SỰ GIÁO TIẾP
Như đã đề cập đến trong bài học trước, sứ điệp của Đức Chúa Trời cho dân ysơraên luôn luôn có thẩm quyền. Tuy nhiên chúng ta không được lầm lẫn giữa sứ điệp có thẩm quyền và phương pháp giảng dạy độc đoán đòi hỏi sự vâng lời mù quáng. Chính Chúa Cứu Thế vốn đầy uy quyền nhưng lại sử dụng các phương pháp nhấn mạnh sự giao tiếp và tham gia của các học viên. Điều này được thấy rõ qua nhiều cuộc đối thoại giữa Chúa và những người khác. Cuộc đối thoại giữa Chúa và Ni-cô-đem (Giăng 3) hoặc với người đàn bà Sa-ma-ri (Giăng 4) là hai thí dụ điển hình.
Kenneth O. Gangel, người có thẩm quyền trong lãnh vự Cơ Đốc Giáo Dục , trong quyển Building Leaders for Church Edu-cation (Chicago, IL..: Moody Press, 1981, p. 36-37) đã đưa ra một số ý kiến về phương pháp giảng dạy trong Hội Thánh. Theo ông, phương pháp Cơ Đốc Giáo Dục cần:
Nhấn mạnh sự thích hợp,
Sẵn sàng mở rộng giáo trình nếu nhu cầu đòi hỏi.
Khuyến khích học viên hoạt động và tham gia
Tạo nên những hứng thú khích lệ việc học
Bày tỏ sự quan tâm đối với từng học viên
Phát huy tinh thần sáng tạo
Phương pháp giảng dạy của Hội Thánh cần phải lệ thuộc vào quyền năng của Thánh Linh. Đức Thánh Linh vẫn tôn trọng các khả năng của con người, nhưng chính Ngài là Thần lẽ thật dẫn chúng ta vào lẽ thật, giúp chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời và hiểu được các chân lý thuộc về Đức Chúa Trời. Chức vụ của Ngài là hướng dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật và giúp chúng ta nhận biết Đấng Christ để được cứu rỗi (GiGa 16:12-15). Chính vai trò của Đức Thánh Linh khiến cho phương pháp giảng dạy của Hội Thánh trở nên độc đáo.
8. BẦU KHÔNG KHÍ YÊU THƯƠNG
Đặc tính tổng quát của Cơ Đốc Giáo Dục là mối liên hệ yêu thương. Các Cơ Đốc nhân phải yêu thương nhau, nhờ đó thế gian sẽ biết rằng chúng ta là môn đồ của Chúa Giê-xu (17:1-26). Mối liên hệ giữa các Cơ Đốc nhân phải theo gương mẫu của Chúa: “Hãy yêu thương nhau. Như ta đã yêu thương các ngươi thể nào các ngươi cũng phải yêu thương nhau như vậy” (13:34). Tình yêu thương theo gương mẫu của Chúa là đặc điểm riêng của Cơ Đốc Giáo Dục. Những yếu tố hình thành môi trường Cơ Đốc Giáo Dục như việc điểu khiển lớp học, sự khích lệ học viên và việc kỷ luật phải khác với bối cảnh ngoài đời vì tất cả được ràng buộc trong sợi dây yêu thương.
Trong bối cảnh ngoài đời, việc điều khiển lớp học chủ yếu là tinh thần tự chế, ngược lại trong bối cảnh Hội Thánh điểm quan trọng là sự cai trị của Đức Thánh Linh. Bởi vì con người chưa tái sinh chống nghịch lại Đức Chúa Trời nên tâm linh của họ không thể kiểm soát được. Do đó ý tưởng tự kiềm chế chỉ là nỗ lực riêng chắc chắn sẽ thất bại. Các Cơ Đốc Nhân cần được Đức Thánh Linh kiểm soát và thể hiện các bông trái của Thánh Linh trong đời sống. Phao-lô nói: “Tôi không còn sống nữa, nhưng là Đấng Christ sống trong tôi” (GaGl 2:20). Chúng ta chỉ thực sự tự chế khi chúng ta bằng lòng để Đức Thánh Linh cai trị đời sống chúng ta. Sự cai trị của Ngài đem lại tình yêu thương thiên thượng thể hiện qua mối liên hệ giữa chúng ta và người khác.
Người đời thường tìm kiếm danh vọng, của cải và danh vọng để nâng mình lên. Sự giáo dục ngoài đời thường gợi tính vị kỷ để khích lệ học viên. Ngược lại lý tưởng của Cơ Đốc giáo dục là tình yêu vô kỷ theo gương Chúa Giê-xu. Nguồn khích lệ chính của Cơ Đốc giáo dục là tinh thần yêu thương phục vụ Chúa và tha nhân. Đó là điều sẽ xảy ra khi chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời trước hết, khi đó ý muốn của Chúa sẽ vượt lên ý riêng của chúng ta. Chúng ta trở thành tôi tớ của Ngài, hết lòng yêu mến và phục vụ Ngài.
Đối với chúng ta, nói đến kỷ luật chỉ là nói đến sự sửa dạy và quản trị chứ không nói đến hình phạt. những giáo viên ngoài đời thường áp dụng kỷ luật để gây ảnh hưởng trên học viên khiến học viên làm theo ý muốn của mình, đôi khi không ý thức đúng đắn về mục đích của việc kỷ luật. Hội Thánh có cái nhìn khách về vấn đề này. Hội Thánh cho rằng áp dụng kỷ luật là một hành động yêu thương. “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt” (HeDt 12:6). “Vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai, thì trách phạt nấy, như một ngườicha đối cùng con trai yêu dấu mình” (ChCn 3:12). Hội Thánh coi việc kỷ luật như là sự tập luyện về sự công bình: “Thật các sự sửa phạt lúc ban đầu coi như mộtcớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng, nhưng về sáuinh ra bông trái công bình...” (HeDt 12:11). Kỷ luật chỉ nhằm đem lại lợi ích thuộclinh lâu dài của các học viên. “Nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập vậy” (12:11). Nên nhớ rằng thi hành kỷ luật là một hành động yêu thương và bày tỏ rằng chúng ta thật sự quan tâm đến học viên.
9. ĐẦY DÃY ĐỨC THÁNH LINH
Đức Thánh Linh phải là nguồn sức mạnh năng động trong đời sống của giáo viên và học viên Cơ Đốc. Theo Cong Cv 2:1-4 thì các giáo viên cần thiết phải được đầy dãy Đức Thánh Linh. Họ cũng cần thực hành các ân tứ thuộc linh (Eph Ep 4:11-16; ICo1Cr 12:1-11; RoRm 12:3-8). Điều cùng quan trọng là giáo viên phải sống trong tinh thần đầu phục và thể hiện các bông trái của Thánh Linh (GaGl 5:22-26). Những giáo viên Cơ Đốc phải có mối liên hệ sống động với Chúa Cứu Thế. Họ phải sống đời thuộc linh gương mẫu. Họ phải có thể biện minh như các sứ đồ Phao-lô đã biện minh cho chức vụ của ông tại Tê-sa-lô-ni-ca “Đạo tin lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh và sức mạnh của sự tin quyết nữa. Vì anh em biết rõ cách chúng tôi ở giữa anh em...”( ITe1Tx 1:5). Các giáo viên co thể hạn chế hành động của Đức Thánh Linh khi còn những tội lỗi giấu kín trong đời sống, khi không vâng phục Đức thánh Linh. Và như thế có thể đem lại sỉ nhục cho Tin Lành mà họ giảng dạy .
10. LƯỢNG GIÁ CĂN CỨ TRÊN SỰ TĂNG TRƯỞNG THUỘC LINH
Như đã đề cập ở phần trước, mục tiêu giáo dục Cơ Đốc là sự trưởng thành trong Chúa Cứu Thế. Mục đích sau cùng là khiến các học viên đạt tới sự trưởng thành với một đời sống tin kính và đức hạnh. Mục tiêu này đương nhiên bao gồm việc đưa học viên tới chỗ tin nhận Chúa. Họ phải trở thành con cái Chúa trước khi có thể trưởng thành.
Một câu hỏi được nêu lên liên quan đến sự trưởng thành thuộc linh là làm thế nào chúng ta có thể xác định hay lượng giá được điều này? Có hai cách lượng định thành quả: theo số lượng và theo phẩm chất. Số lượng liên quan đến các con số; phẩm chất liên quan đến chất lượng hay đặc tính chủ yếu của sự vật. Trong lãnh vực thuộc linh, phẩm chất được dùng để nói đến sự tăng trưởng (trưởng thành) của Cơ Đốc nhân.
Lượng giá thành quả của chương trình giáo dục Cơ Đốc theo các con số thì dễ hơn theo phẩm chất. Chúng ta có thể tổng kết số người mới tin Chúa, và chúng ta cũng có thể tổng kết số người tham dự trường Chúa nhật của tháng này so với cùng thời gian trong năm trước. Chúng ta cũng có thể làm như thế đối với sự dâng hiến của Hội Thánh. Khi nói về lượng định theo phẩm chất thì bức tranh sẽ có thể khác. Kenneth Gangel (Sách đã dẫn, p.39) đã đề nghị những người lãnh đạo Hội Thánh nên đặt những câu hỏi sau đây để có thể xác định mức độ trưởng thành của tín đồ.
Người này có biết chân lý của Phúc Âm không?
Người này có thấu hiểu chân lý không?
Người này có thực hành chân lý không?
Chúng ta cũng có thể đặt ra những câu hỏi cụ thể hơn, chẳng hạn:
1.Người này có giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình một cách đẹp lòng Chúa không?
2. Phương thức người đó giải quyết vấn đề có giống Chúa Cứu Thế không?
3. Người này có cái nhìn về cuộc đời theo tinh thần Cơ Đốc không?
4. Quan điểm về hệ thống giá trị của người này có hoàn toàn phù hợp với Kinh Thánh không?
5. Người này có liên hệ tốt với tha nhân không?
6. Đời sống người này có kết quả không?
7. Người này có thể tự nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của mình không?
8. Người này có thể chia xẻ sứ điệp của Phúc Âm cho người khác cách hiệu quả không?
Điểm quan trọng là những lãnh đạo của Hội Thánh cần có phương cách theo dõi sự tăng trưởng thuộc linh của tín hữu. Chúng ta cần khai triển các phương pháp lượng định mức độ trưởng thành của những người mình chăm sóc. Khi nào chúng ta biết rõ điều gì đang diễn tiếp chúng ta mới biết được mình có đạt được mục tiêu hay không, có tiến bộ hay không và có cần thay đổi điều gì không. Phương cách theo dõi sự tăng trưởng thuộc linh là một phần quan trọng trong việc soạn chương trình.
Theo bạn tại sao Kinh Thánh lại dùng những chữ “khách lạ”, hay “lữ hành” để mô tả cuộc sống Cơ Đốc nhân? Hãy xác định những giá trị mà nền giáo dục Cơ Đốc phải nhấn manh.
Hãy viết ra mục tiêu tổng quát cùng những mục tiêu cụ thể của bạn về chương trình giáo dục của Hội Thánh.
Theo bạn, nội dung chương trình giáo dục của Hội Thánh phải như thế nào? Trong trường hợp nào Kinh Thánh được giảng dạy mà không đem lại sự thay đổi trong đời sống?
Cho biết những đặc điểm của phương pháp giảng dạy của Chúa Giê-xu.
Theo bạn việc điều khiển lớp học, sự khích lệ học viên và việc kỷ luật trong bối cảnh Hội Thánh khác với ngoài đời như thế nào? Tình yêu thương quan trọng như thế nào trong môi trường giáo dục của Hội Thánh?
Xin giải thích tầm quan trọng của các ân tứ và bông trái Thánh Linh trong đời sống và chức vụ của giáo viên.

CHÚA GIÊ-XU, VỊ GIÁO SƯ VĨ ĐẠI
Trong ba năm chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất, Ngài dùng phần lớn thời gian để giảng dạy về Nước Trời. Ngài thường xuyên chuyện trò với những người theo Ngài. Ngay cả khi Chúa từ giã đám đông Ngài vẫn dạy dỗ riêng các môn đồ của Ngài. Ngài thường xuyên giao tiếp với người khác. Chúa giảng dạy từ hừng sáng cho đến hoàng hôn. Phần lớn sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu là ở ngoài trời, giữa chỗ công cộng. Ngài giảng cho đoàn dân đông ngồi nghe Ngài suốt nhiều ngày. Chúa chắc hẳn phải kiên nhẫn để có thể dạy dỗ nhiều người trong một thời gian dài như vậy. Những người nghe Ngài không phải lúc nào cũng sẵn sàng tiếp thu. Đôi khi họ tỏ thái độ chống đối. Thông thường họ tỏ ra nghi ngờ. Tuy nhiên Ngài vẫn thu hút và giữ sự chú ý của những người nghe Ngài hơn bất cứ người nào.
A. CHÚA GIÊ-XU, NHÀ GIÁO DỤC
I. Được công nhận
Chúa Giê-xu được dân chúng xưng là Thấy (Rabbi) (Mat Mt 26:25, 49; Mac Mc 9:5; 11:21; 14:45; GiGa 1:38)
Các sách Phúc Âm mô tả chức vụ Ngài là giảng dạy (Mac Mc 4:1-2; 6:26; 8:31; 12:35)
Các môn đồ thừa nhận Chúa là Giáo sư. Chữ “môn đồ” (mathetes) có nghĩa là học trò được dùng 200 lần trong các sách Phúc Âm
II. Có đủ tư cách và thẩm quyền
Chúa có đủ tư cách và thẩm quyền để dạy dỗ vì:
Ngài là Chân Lý (GiGa 14:6)
Có thẩm quyền (Mat Mt 7:28-29)
Biết Kinh Thánh (Chúa Giê-xu trích dẫn ít ra 20 sách Cựu Ước)
Chúa hiểu biết con người/học trò (Mat Mt 9:4, GiGa 1:47; 2:25; 4:17-18)
Ngài tin điều mình dạy (13:13)
Biết nghệ thuật dạy dỗ
Quen thuộc với sinh hoạt tôn giáo: nhà Hội (LuLc 4:16, đền thờ (2:46-47)
Chúa có thẩm quyền và Ngài cũng ban cho chúng ta thẩm quyền của Ngài (Mat Mt 10:1). Điều này có nghĩa là chúng ta rao giảng, dạy dỗ, cầu nguyện cho người bệnh, làm báp têm, đuổi quỷ, tất cả đều nhân Danh Chúa Giê-xu nghĩa là trong thẩm quyền Ngài ban cho chúng ta (LuLc 9:1-2). Trong Công Vụ Các Sứ Đồ cho thấy khi “Nhân Danh Chúa Giê-xu” sẽ được giải cứu, được tha thứ tội lỗi, được chữa lành, đuổi được quỷ... (Cong Cv 2:21; 2:38; 3:16; 4:12; 4:18; 16:18)
III. Có chủ đích rõ rệt
Nhằm đem người nghe quay lại với Đức Chúa Trời (LuLc 13:3; GiGa 3:3)
Nhằm giúp người khác sống hài hoà với nhau (Mac Mc 12:31)
Giúp học trò (người nghe) hiểu đúng (Mat Mt 5:48)
Giúp học trò (người nghe) có niềm tin sâu sắc, tin quyết (GiGa 21:15-17)
Huấn luyện để đi ra truyền bá Phúc Âm (Mat Mt 28:19-20)
B. SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA GIÊ-XU
Trong bài trước, chúng ta đã ghi nhận rằng Chúa Giê-xu lớn lên trong bối cảnh hệ thống giáo dục Do Thái. Tuy nhiên, nếu chỉ biết bối cảnh giáo dục của Chúa Giê-xu thì chưa đủ để cắt nghĩa tính độc đáo của sứ điệp cũng như tư cách, mục đích và các phương pháp của Ngài. Khuôn mẫu giảng dạy của Chúa Giê-xu nghiên cứu kỹ càng và Hội Thánh càng theo sát khuôn mẫu của Ngài bao nhiều thì sẽ thành công bấy nhiêu trong công tác giáo dục.
Sứ điệp và chủ đề chính mà Chúa Giê-xu giảng dạy là Nước Đức Chúa Trời (Mat Mt 4:23; 9:35; Mac Mc 1:14-15). Từ ngữ “Nước Đức Chúa Trời” được dùng trong những câu Kinh Thánh trên không liên quan đến vị trí địa dư nào. Từ ngữ “nước, vương quốc” nói đến sự trị vì của Chúa Cứu Thế. Chúa Giê-xu đã nói với những người Pha-ri-si rằng “Nước Đức Chúa Trời đã đến gần các ngươi” (Mat Mt 12:28). Ngài không muốn nói rằng họ có kinh nghiệm tâm linh sâu xa với Thượng Đế, nhưng chỉ có nghĩa cụ thể là Nước Đức Chúa Trời đã đến nơi họ bởi vì họ đang đứng trước mặt vị vua của vương quốc đó.
Chúa Cứu Thế đã xuất hiện để khởi đầu vương quốc. Do đó vương quốc Đức Chúa Trời là một thực thể trong hiện tại nhưng cũng là thực thể thuộc tương lai (LuLc 22:16-18). Sự trị vì của Đấng Christ sẽ không hoàn toàn hiện thực cho tới khi Ngài tái lâm cùng với các thánh đồ của Ngài (ITe1Tx 3:13) thiết lập vương quốc cuả Ngài trên khắp trái đất (LuLc 19:12-15). Do đó vương quốc hiện nay của Ngài không phải là vương quốc trần gian. Trong khoảng thời gian giữa sự đến lần thứ nhất và sự tái lâm của Ngài, Chúa ngự trị trong tấm lòng và đời sống của những người tin Ngài. Khoảng thời gian này cũng được gọi là thời đại của Hội Thánh. Đó là thời kỳ ân điển trong đó mối thông công thiêng liêng với Đức Chúa Trời được ban vô điều kiện cho những ai đáp ứng lại sự mời gọi của Ngài (Eph Ep 2:8-9; KhKh 3:20). Công tác dạy dỗ lưỡng diện được giao cho Hội Thánh trong Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-xu hoàn toàn tương ứng với chủ đề chính yếu của sứ điệp mà Chúa rao giảng, đó là (1) dạy dỗ để đem người ta đến sự giao thông với Đức Chúa Trời và (2) dạy đường lối của Chúa cho những người đã có mối thông công với Đức Chúa Trời (Mat Mt 28:19-20).
C. TƯ CÁCH CỦA CHÚA
Như chúng ta vừa thấy sứ điệp mà Chúa Giê-xu giảng dạy cũng chính là sứ điệp Ngài truyền cho các môn đồ phải giảng dạy (Mac Mc 16:15). Giả như chính Chúa bước vào Hội Thánh và lớp họ của chúng ta hôm nay thì sứ điệp của Ngài cũng không khác với sứ điệp trong Kinh Thánh. Chúa Giê-xu là vị giáo sự vĩ đại mặc lấy xác thịt loài người (GiGa 1:1, 14) và đời sống và chức vụ của Ngài là tiêu chuẩn hướng dẫn chúng ta. Chính những phẩm chất (tư cách) của Chúa Giê-xu khiến Ngài trở thành vị giáo sư vĩ đại. Những phẩm chất chúng ta nói đến ở đây không nhất thiết có liên quan đến thần tánh của Ngài.
Chúa Giê-xu quan tâm đến cả nhân loại. Chức vụ của Ngài bao gồm cả thế giới. Mặc dầu mối quan tâm chính của Ngài bao gồm cả thế giới. Mặc dầu mối quan tâm chính của Ngài hướng về những chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên (Mat Mt 10:6) nhưng Ngài cũng nói đến “những chiên khác” (GiGa 10:16). Ngài phán: “Còn ta khi Ta đã được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta” (12:32). Chúng ta sẽ đi “khắp thế gian” và giảng Tin Lành cho “hết mọi người”. Điều này nhắc nhở chúng rằng học viên của chúng ta có thể là cả thế giới. Biết đâu Đức Chúa Trời sẽ lựa chọn một trong những học viên của chúng ta để trở thành nhà truyền giáo vĩ đại cho Ngài.
Chúa quan tâm đến nhu cầu thuộc linh của nhân loại. Ngài biết rõ những môn sinh của Ngài. Ngài biết rõ những điều ở trong lòng con người và nhu cầu của họ (Mat Mt 9:4; GiGa 1:47; 2:25; 4:17-18; 6:61, 64) do đó Ngài không cần người khác nói cho biết điều gì. Chúng ta không cần phải nghi ngờ gì về tình trạng và nhu cầu thuộc linh thực sự của nhân loại. Con người ở khắp mọi nơi đều cần một Đấng Cứu Thế. Mọi người thuộc mọi màu da, tiếng nói, trình độ học vấn, địa vị xã hội hoặc kinh tế đều có nhu cầu thuộc linh. Chúa Giê-xu luôn luôn quan tam đến phương diện thuộc linh của bản chất con người. Trong câu chuyện giữa Chúa Giê-xu với Nicôđem (GiGa 3:1-21) và với người đàn bà Samari (4:1-42) Ngài đã đổi hướng câu chuyện và tập trung sự chú ý đến nhu cầu thuộc linh. Với tư cách là những lãnh đạo và giáo viên trong chương trình Cơ Đốc Giáo Dục , chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu thuộc linh của các học viên. Nếu không, việc dạy dỗ của chúng ta không khác gì việc dạy học trong các trường phổ thông.
Chúa Giê-xu sử dụng Kinh Thánh. Chúa Giê-xu sử dụng Kinh Thánh nhiều hơn là chúng ta tưởng. Ngài trưng dẫn từ ít nhất là 20 sách trong Cựu Ước, có không dưới 33 câu trưng dẫn trực tiếp (chẳng hạn như Mat Mt 22:44 liên hệ với Thi Tv 110:1). Thêm vào đó có ít nhất 45 đoạn mà trong đó chứa đựng từ ngữ giống hệt như từ ngữ trong Cựu ước (so sánh Mat Mt 5:8 với Thi Tv 24:4-5). Tất cả những điều này cho thấy rằng Chúa Giê-xu thấm nhuần ngôn ngữ và tư tưởng của Cựu Ước đến nỗi “Cựu Ước đã hình thành nên các yếu tố của nhân cách Ngài, ảnh hưởng đến tư tưởng và lời nói của Ngài, và trở thành nguyên nhân khiến Ngài trở nên hấp dẫn đối với người khác”. (Horne H.H., Teaching Techniques of Jesus, New York: Association Press, 1920, p.106). Sự hiểu biết Kinh Thánh của Chúa Giê-xu là một sự thách đố đối với mỗi giáo viên giảng dạy Lời Chúa. Đừng bao giờ nên nghĩ rằng chúng ta đã đưa lời Chúa cách đầy đủ vào bài học hoặc đã nhấn mạnh quá đáng việc sử dụng Kinh Thánh khi dạy dỗ. Chính Kinh Thánh giúp cho người ta khôn ngoan để được cứu bởi đức tin (IITi 2Tm 3:15).
Chúa Giê-xu là hiện thân sống động của chân lý. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc giảng dạy của Chúa là đời sống gương mẫu của Ngài. Chúa Giê-xu là gương mẫu của những điều Ngài dạy. Lời giảng, đời sống và hành vi của Ngài đều đi đôi với nhau. Ngài phán cùng các môn đồ rằng: “Hãy học theo ta” (Mat Mt 11:29). Đời sống gương mẫu của Chúa Giê-xu được minh hoạ rõ nét khi Ngài dạy các môn đồ cầu nguyện, Ngài đưa ra các hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề (LuLc 11:1-13). Ngài dạy họ về việc cầu nguyện trước đám đông (Mat Mt 26:26; GiGa 6:11; 17:1-26) cũng như cầu nguyện riêng tư (LuLc 5:16; 6:12; 9:18, 28; 11:1; 22:39-46). Một minh hoạ khác về gương sáng của Chúa Giê-xu là khi Ngài rửa chân cho các môn đồ (GiGa 13:1-17), Ngài đã trình bay gương mẫu về sự hạ mình qua lời nói và việc làm của Ngài. Các sách Phúc Âm là sự ký thuật liên tục về việc Chúa Giê-xu là hiện thân sống động của những chân lý mà Ngài giảng dạy. Đó là điều chính Chúa Giê-xu muốn nói đến khi Ngài phán: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống” (14:6). Không những lời của Ngài là chân lý, nhưng chính Ngài cũng là chân lý.
Chúa Giê-xu giảng dạy có phương pháp. Chúa Giê-xu không những được đầy dẫy và hướng dẫn bởi Thánh Linh nhưng Ngài còn nắm được nghệ thuật giảng dạy. Chúng ta cần nhìn hai đặc tính này chung với nhau. Không có thầy giáo nào được Thánh Linh hướng dẫn hoàn toàn như Chúa Giê-xu, và không có ai giảng dạy đúng nguyên tắc sư phạm hơn Chúa Giê-xu. Mặc dầu Chúa Giê-xu không dạy các phương pháp sư phạm cho những môn đồ của Ngài nhưng những con cái Chúa nào để tâm tìm kiếm những chỉ dẫn về lãnh vực này trong các sách Phúc Âm sẽ gặt hái được nhiều ích lợi. Không hề có mâu thuẫn giữa việc được Thánh Linh hướng dẫn và việc áp dụng các nguyên tắc sư phạm đúng đắn. Việc sửa soạn giáo án không hề mâu thuẫn với sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Hai điều đó đi song song với nhau. Việc Chúa Giê-xu nắm vững nghệ thuật giảng dạy là một ân tứ thuộc linh hơn là chỉ áp dụng hoàn hảo cho ân tứ giảng dạy. Nếu không có ân tứ thì các nguyên tắc chỉ đơn thuần là sự khôn ngoan hay thông minh của con người. Nên nhớ rằng việc giáo dục tôn giáo chủ yếu là một công tác thuộc linh. Đây là lý do tại sao chúng ta phải nương dựa vào Đức Thánh Linh để thực hiện việc giáo dục.
D. MỤC TIÊU GIẢNG DẠY CỦA CHÚA GIÊ-XU
Có người nói rằng cái chết quá trẻ của Chúa Giê-xu là một điều không may mắn, nếu Ngài sống 40 hay 50 năm nữa thì có lẽ Ngài đã thực hiện được nhiều việc hơn. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng cái chết của Ngài không phải là quá sớm, nó đã được định sẵn rồi. Bởi vì Chúa Giê-xu là con người có mục đích hơn bất cứ ai khác trong trần gian này. Người đã nói về Chúa rằng Ngài hoạch định công việc của Ngài và Ngài thi hành những điều Ngài đã hoạch định.
Chức vụ của Chúa Giê-xu vị giáo sư vĩ đại đã bày tỏ quyết tâm thực hiện các mục tiêu của Ngài. Chương trình giáo dục của Hội Thánh cũng cần có mục tiêu và kế hoạch để thực hiẹn mục đích của Chúa. Một người làm vườn biết rằng có những loại cây có ích có thể tự nhiên mọc lên mà không cần gieo trồng, tuy nhiên đó chỉ là ngoại lệ chứ không phải quy luật. Quy luật là bạn chỉ gặt những điều bạn đã gieo.
Nhiều câu Kinh Thánh chứng tỏ rằng Chúa Giê-xu là một người có kế hoạch, có mục tiêu. Ngài là của lễ chuộc tội đã được Đức Chúa Trời dự bị sẵn từ buổi sáng thế (KhKh 13:8). Điều này cắt nghĩa tại sao mục tiêu của Chúa Giê-xu là mục tiêu vĩnh cữu. Sự chết của Ngài trên thập tự giá là một điều bi thảm nhưng không phải là ngẫu nhiên mà là sự định trước của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều đó trong chương trình đời đời của Ngài. Chính Chúa Giê-xu cũng đã nói trước về sự chết và sống lại của Ngài (Mac Mc 14:58; GiGa 2:19). Ngài phán rằng “Con người cần phải bị treo lên hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời” (3:14-15).
Trong LuLc 4:18-21, Chúa Giê-xu đã tuyên bố các mục tiêu trong chức vụ của Ngài. Ngài đến “Đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo... để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do và để đồn ra năm lành của Chúa”. Theo Mac Mc 1:14-15 Chúa Giê-xu đã đến để tuyên bố rằng vương quốc của Đức Chúa Trời đã đến giữa trần gian. Trong LuLc 19:9-10 chúng ta thấy mục tiêu của Con Người là “Tìm và cứu kẻ bị mất”. Nhiều khúc Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của Chúa Giê-xu là huân luyện, tấn phong và sai phái các môn đồ ra đi thi hành công tác mà Ngài giao phó (11:1; 24:45-47; Mat Mt 28:16-20; GiGa 14:12; 20:21). Mục đích chính yếu của Ngài là thâu họp những con chiên lạc mất của nhà Ysơraên (Mat Mt 10:6; 15:24; 23:37-39), dầu mục đích của Ngài đối với y-sơ-ra-ên chưa phải là đã hoàn tất (Exe Ed 37:1-14; XaDr 10:10-13:2; RoRm 11:25-27; KhKh 7:1-8).
Vị giáo sư vĩ đại đã hoàn tất mọi việc theo kế hoạch. Ngài đã phán cùng các môn đồ: “Ta làm y theo điều Cha đã phán dạy” (GiGa 14:31). Trong suốt các thế kỷ những người đã tạo nên những thành quả lớn cho Chúa cũng đã làm việc theo kế hoạch. Họ đèu có mục tiêu rõ ràng. Chúng ta phải sống và lo làm công việc của Cha chúng ta với những mục tiêu cụ thể.
E. PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CỦA CHÚA GIÊ-XU
Chúa Giê-xu coi các phương pháp giảng dạy là những phương tiện để đạt đến cứu cánh, chứ tự nó không phải là cứu cánh. Các phương pháp phải tuỳ thuộc vào nhu cầu của những người nghe Chúa giảng và phải nhằm hỗ trợ việc hoàn thành mục tiêu của Ngài. Sau đây chúng ta sẽ nghiên cứu các phương pháp Chúa Giê-xu đã sử dụng.
I. Nguyên tắc tổng quát
Không áp đặt ý tưởng trên người nghe (6:60-69)
Tự môn đồ lựa chọn để cam kết theo Chúa (Mac Mc 6:1-6)
Áp dụng trong hoàn cảnh cụ thể (contextualized)
Đặt mình trong địa vị người nghe
Người nghe là khởi điểm cho sự dạy dỗ
Khuyến khích người nghe suy nghĩ (GiGa 6:60-69) Chúa không đưa ra câu trả lời có sẵn cho những vấn đề của đời sống. Ẩn dụ (có nhiều trình độ) có tác dụng kích thích suy nghĩ. Chúa đặt câu hỏi hoặc cho phép họ hỏi. Chúa không đưa ra câu trả lời ngay.
Yêu người mình dạy (13:1-38)
Sống với điều mình dạy (13:12-17, 35-35)
II. Nghệ thuật giảng dạy
Tạo sự chú y: Nếu không tạo được sự chú ý nơi học viên, bạn sẽ có cảm tưởng lời nói của mình bay theo gió. Người ta không tiếp thu được gì nếu không lắng nghe, và người ta chẳng bao giờ lắng nghe nếu không chú ý. Chúa Giê-xu luôn luôn thu hút sự chú ý của mọi người. Ngài đã dùng những cách thức nào để thu hút sự chú ý?
a, Ngài tạo sự chú ý bằng cách yêu cầu mọi người chú ý (Mac Mc 4:9, 24. Ngài tìm cách tạo sự chú ý bằng cách gợi chuyện, gọi đích danh, kêu gọi người nghe quan sát (hãy xem hoa huệ ngoài đồng...). Ngài sử dụng những từ ngữ như “Hãy nghe”, “Hãy lắng nghe”, “Nầy”, “ Ai có tai, hãy nghe!”, “quả thật”... Những người nghiên cứu về khoa hùng biện khám phá rằng phương cách hiệu quả nhất để thu hút sự chú ý là yêu cầu thính giả chú ý: “Xin mọi người vui lòng lắng nghe”.
b, Ngài tạo sự chú ý bằng cách quan tâm đến mọi người. Chúa để ý đến những điều người khác làm, nói và nhu cầu của họ. Ngài đặt những câu hỏi cho họ (Mat Mt 16:13). Ngài gợi chuyện với họ (GiGa 4:7-9) và Ngài sử dụng ngôn ngữ cụ thể và đầy hình ảnh sáng tạo. Ngài cắt nghĩa những điều sâu nhiệm bằng những từ ngữ thông thường.
c, Ngài tạo sự chú ý bằng những sứ điệp thích thú. Ngài dạy về việc giữ ngày Sa-bát như sau: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng loài người” (Mac Mc 2:27) về vấn đề dâng của lễ Ngài phán: “Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ (Mat Mt 9:13). Ngài nói về tình yêu của Đức Chúa Trời khi sai Con Một của Ngài đến cứu rỗi nhân loại (GiGa 3:16).
d, Ngài thu hút người ta bởi những phép lạ Ngài thực hiện. Không có gì thu hút người ta bằng quyền năng của Đức Chúa Trời và không có gì khiến người ta chú ý hơn là những phép lạ và việc chữa lành bệnh.
e, Chúa Giê-xu thu hút người khác qua những hành động độc đáo. Ngài hoà đồng với những người thâu thuế và tội lỗi. Ngài ăn chung với họ và tiếp nhận họ. Ngài được coi là “bạn” của họ trước con mắt đầy ngạc nhiên của những thính giả đầy thành kiến. Ngài chữa bệnh cho người ta trong ngày Sa-bát và biểu họ đứng dậy vác giường đi về nhà (5:8-10). Ngài đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ (Mat Mt 21:12).
Đặt câu hỏi và trả lời. Bốn sách Tin Lành ghi lại hơn 100 câu hỏi khác nhau mà Chúa Giê-xu đã đặt ra. Cũng có ít nhất 40 câu hỏi người ta nêu lên cho Chúa và mong đợi Ngài trả lời. Điều này cho tháy có mối giao tiếp rộng rãi giữa Chúa Giê-xu và thính giả của Ngài. Đặt câu hỏi là cách thức tốt nhất để thu hút học viên. Những câu hỏi có sức hấp dẫn sự chú ý của học viên giúp họ tham gia vào bài học và tập trung vào đề tài. Chúa Giê-xu đã xử dụng những câu hỏi để kích thích sự suy nghĩ, hướng dẫn tiến trình học tập và thúc giục người ta đáp ứng với sứ điệp của Ngài bởi vì sứ điệp đó thích hợp với họ. Cũng có nhiều câu hỏi được các cá nhân và nhóm người nên lên cho Chúa.
Chúa dùng phương pháp đặt câu hỏi, nhằm:
Gợi thích thú, tò mò (người ta nói Ta là ai? 16:13)
Làm sáng tỏ ý tưởng (luật Môi-se dạy điều gì? Mac Mc 10:3)
Bày tỏ tình cảm (12:34)
Giới thiệu hay dẫn vào một câu chuyện (LuLc 11:5-6)
Nhấn mạnh một chân lý (Mat Mt 16:26)
Nhằm áp dụng lẽ thật (LuLc 10:36)
Để biết thêm dữ kiện (Mat Mt 15:34)
Thiết lập mối tương quan (Ai rờ đến Ta? LuLc 8:45)
Quở trách hay bịt miệng đối phương (Mat Mt 21:25-27)
Lý luận (6:25)
Để tra xét (21:15-17)
Những câu trả lời của Chúa có thể được xếp vào những loại như sau:
a, Câu trả lời cung cấp thông tin (13:25-26)
b, Câu trả lời sâu nhiệm (6:28-33)
c, Trả lời trong hình thức câu hỏi (Mat Mt 21:23-25)
d, Trả lời tuỳ thuộc vào dụng ý của người đặt câu hỏi (GiGa 6:25-27)
e, Tiến thoái lưỡng nan (Mat Mt 21:25-27) GiGa 8:5-7)
f, Trả lời cho cả người nêu câu hỏi lẫn nội dung câu hỏi (LuLc 18:18-22)
g, Không tỏ tường (17:37)
h, Câu trả lời không giống như người ta mong đợi (Mat Mt 22:21; 29:30)
e, Trả lời trong hình thức kể chuyện (LuLc 10:29-30)
j, Trả lời bằng sự im lặng (Mac Mc 14:60)
k, Trả lời gián tiếp (Mat Mt 18:1-6)
l, Câu trả lời thực tiễn (LuLc 13:23-24)
3. Kể chuyện. Chúa Giê-xu rất thường kể chuyện. Những chuyện Chúa kể được gọi là ẩn dụ hay dụ ngôn. Ẩn dụ tức là đem so sánh những chân lý cao xa hơn. Khoảng một phần tư những lời Chúa Giê-xu phán trong Phúc Âm Mác, và khoảng một nửa trong Phúc Âm Lu-ca là những dụ ngôn. Từ “ẩn dụ” xuất hiện 50 lần trong các sách Phúc Am. Dĩ nhiên không phải mọi chuyện Chúa Giê-xu kể đều là “ẩn dụ”. Trong một vài câu chuyện Ngài đã dùng những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống để làm minh hoạ (10:30).
Những chuyện kể đóng vai trò rất lớn trong việc giảng dạy. Theo C.B. Eavey, ở bất cứ độ tuổi nào nếu thầy giáo không sử dụng việc kể chuyện kể như đã bỏ mất một phương thức quan trọng nhất để trình bày chân lý (C.B. Eavey, Principles of Teach-ing for Christian Teachers, Grand Rapids, Michigan:Zondervan, 1946, p.245).Những câu chuyện giúp minh hoạ ý tưởng. Giảng dạy mà không kể chuyện cũng giống như ngôi nhà không có cửa sổ. Những câu chuyện đem chân lý vào cuộc sống vì chúng hỗ trợ cho óc tưởng tượng. Kể chuyện tạo nên và duy trì sự hứng thú cũng như giúp cho người ta dễ nhớ.
Ẩn dụ của Chúa có đặc điểm:
Trong tầm hiểu biết của người nghe
Súc tích
Dễ gây chú ý, thích thú
Có mạch lạc
Làm thoả mãn
Những câu chuyện Chúa Giê-xu kể không nhằm mục đích giải trí mặc dù thỉnh thoảng những người nghe có thể cảm thấy thích thú. Chúa kể chuyện nhằm bốn mục đích sau đây:
a, Một vài câu chuyện nhằm thu hút sự chú ý. Thí dụ như trong dụ ngôn về người gieo giống ở 8:4-8. Sau khi Chúa kể câu chuyện này các môn đồ bắt đầu hỏi ý nghĩa về câu chuyện. Câu chuyện gây chú ý, tò mò khiến người nghe muốn biết thêm.
b, Một vài câu chuyện được dùng để minh hoạ. Chúa kể câu chuyện về người â-ma-ri nhân lành để giải nghĩa chữ “người lân cận”. Qua cách đó Ngài làm cho ý nghĩa trừu tượng “người lân cận” trở thành cụ thể. Câu chuyện nhằm soi sáng hay giải thích một lẽ thật hay một nguyên tắc đã trình bày.
c, Đôi khi bản thân câu chuyện là một bài học. Thí dụnhư những câu chuyện được ký thuật trong 15:1-32 (chiên đi lạc, đồng tiền bị mất, người con hoang đàng). Chân lý về Đức Chúa Trời tìm kiếm tội nhân được trực tiếp trình bày trong cả ba câu chuyện.
d, Đôi khi những câu chuyện được kể để áp dụng chân lý. Thí dụ như ẩn dụ về người xây nhà trên đá và người xây nhà trên cát (6:46-49)nhằm mục đích nói lên việc làm theo lời Chúa.
Chúa Giê-xu đã sử dụng phương pháp kể chuyện rộng rãi thế nào thì chúng ta cũng nên làm như vậy.
4. Dùng phương pháp giảng thuyết. Giảng thuyết (lecture) là trình bày chân lý cách hệ thống. Chúa thường giảng trong đền thờ, nhà hội, thành phố, nhà quê, núi, biển, hồ... có khoảng 60 bài diễn thuyết được ghi trong các sách Phúc Am, trong đó có ba bài giảng thuyết quan trọng và nổi tiếng:
a, Bài giảng trên núi (Mat Mt 5:1-7:29) Dạy cho các môn đồ nhưng trong khoảng cách đoàn dân có thể nghe được (5:1; 7:28; 19:1-30). Trong bài giảng này cho thấy Chúa biết phương pháp truyền khẩu truyền thống của người Do Thái. Chúa dùng hình ảnh đồng quê (chim, hoa huệ), dùng câu hỏi lý luận (6:25) và ví dụ trong bài giảng.
b, Bài giảng trên núi Ô-li-ve (24:1-25:46) Giảng cho 12 sứ đồ để trả lời câu hỏi vể ngày cuối cùng (“Bao giờ những điều này sẽ xảy ra?”) Chúa khuyên họ thức canh cầu nguyện chờ ngày Chúa đến. Bài giảng có dùng ẩn dụ, trích Cựu ước. Không thấy ghi lại phản ứng của người nghe.
c, Bài giảng trên phòng cao (GiGa 14:1-16:33) Dạy cho 11 sứ đồ về sứ mạng họ sẽ thực hiện và công tác của Đức Thánh Linh. Bài giảng được kết luận bằng bài cầu nguyện (17:1-26).
5. Làm gương mẫu. Chúa dạy các môn đồ cầu nguyện bằng cách đưa ra bài cầu nguyện mẫu (LuLc 11:1-13). Chúa cũng làm gương cho các môn đồ bằng đời sống cầu nguyện (Mat Mt 26:26; GiGa 6:11,17). Chúa đã rửa chân cho các môn đồ để dạy họ về sự khiêm nhường phục vụ, làm đầy tớ lẫn nhau. (GiGa 13:1-20)
6. Học cụ. Chúa dùng những hình ảnh cụ thể như chim, hoa cỏ để dạy về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời (Mat Mt 6:25-31), trẻ em để dạy sự khiêm nhường (18:1-6); cây và để dạy về đức tin (21:18-22); đồng bạc để dạy về bổn phận và trách nhiệm của một công dân (Mac Mc 12:13-17); đàn bà goá để dạy về động cơ dâng hiến; mùa gặt để dạy về công tác cấp bách của Nước Trời; cành nho và gốc nho bày tỏ sự cần thiết của mối liên hệ giữa người tín đồ và Chúa Giê-xu (GiGa 15:1-8) hột lúa mì để dạy về sự chết và phục sinh; người gieo giống để dạy về hột giống Đạo...
Chúa Giê-xu đã sử dụng nhiều loại học cụ được tìm thấy trong thiên nhiên, sinh hoạt gia đình, việc buôn bán, hệ thống chánh quyền và tôn giáo. Chúa chỉ cho ta thấy rằng có vô số học cụ có thể sử dụng được, chỉ cần chúng ta có óc sáng tạo.
Việc sử dụng học cụ liên quan mật thiết với phương pháp thực hành. Nếu kết hợp việc thấy, nghe và thực hành, chúng ta sẽ tạo nên một môi trường học tập rất tốt đẹp cho học viên.
7. Thực hành. Chúa dạy để người nghe biết đúng và làm đúng. Biết đúng phải làm đúng, làm sẽ biết thêm. Sự giảng dạy của Chúa bao giờ cũng kèm theo sự thách thức (Mac Mc 10:21) và mời gọi thựchành (Mat Mt 7:24; GiGa 15:14). Ngày nay chúng ta gọi đó là “phương pháp thực hành”. Nhờ phương pháp thực hành Chúa Giê-xu đã khiến các môn đồ tham gia vào bài học. Ngài muốn họ trở thành những người làm theo lời Chúa chưa không phải chỉ nghe mà thôi (Mat Mt 7:24-27). Đề ra những việc phải thực hành là một cách rất hiệu quả làm cho môn đồ của Ngài thực hiện điều mình học. Tiến trình học tập được đẩy mạnh khi các học viên tham gia tích cực buổi học.
CÂU HỎI
Chủ đề chính mà Chúa Giê-xu giảng dạy là gì? Cho biết ý nghĩa về tầm quan trọng của chủ đề này.
Sự dạy dỗ của Chúa Cứu Thế bao gồm nhiều đề tài. Hãy đọc những khúc Kinh thánh sau đây và nói lên đề tài của mỗi khúc Kinh Thánh này bằng lời riêng của bạn: 5:45; 7:11; 19:17; 6:26, 30, 32; 16:13-20; 19:3-12; Mac Mc 11:22-24; LuLc 5:33-39; 7:36-50; 11:1-13; 11:14-26; 14:25-27; 24:45-47; 24:49 và Cong Cv 1:4-5; GiGa 3:14-16; 5:19-47; 12:20-26.
Tại sao cần phải thu hút sự chú ý của học viên? Tại sao đôi khi việc thu hút sự chú ý của thính giả trở thành khó khăn. Bạn có thể áp dụng như thế nào những phương thức Chúa Giê-xu dùng để thu hút sự chú ý học viên?
Mỗi câu hỏi trong những câu Kinh Thánh sau đây có mục đích gì? 1) Mat Mt 16:13 2) Mac Mc 10:3 3) LuLc 11:5-6 4) Mat Mt 12:34 5) 16:26 6) LuLc 10:36 7) Mat Mt 15:34; 8) LuLc 8:45; 9) Mat Mt 21:25-27.

VỊ TRÍ CỦA KINH THÁNH TRONG GIÁO TRÌNH
Khi học môn sinh học, học sinh sử dụng sách giáo khoa sinh học. Khi học PhápVăn, học sinh sử dụng sách giáo khoa Pháp Văn. Trong lớp học Kinh Thánh, học sinh sử dụng Kinh Thánh là sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi học Pháp Văn hay sinh học, học sinh có thể lựa chọn và sử dụng nhiều sách giáo khoa khác nhau, không tuỳ thuộc trực tiếp vào một sách giáo khoa nào, trái lại khi học Kinh Thánh, học sinh chỉ tuỳ thuộc vào Kinh Thánh. Sự hiểu biết về Kinh Thánh liên quan trực tiếp đến việc sử dụng Kinh Thánh cách đúng đắn.
Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới những phương cách giúp chúng ta trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Trước hết chúng ta sẽ thảo luận về bản chất của Kinh Thánh và sau đó tìm hiểu về Kinh Thánh như một giáo trình. Không có một chủ đề nào quan trọng bằng những chủ đề của Kinh Thánh. Không có cuốn sách nào chứa đựng những phước hạnh như Kinh Thánh. Không có cuốn sách nào chỉ cho con người đến sự sống vĩnh cửu. Vì thế, sử dụng Kinh Thánh cách đúng đắn là điều vô cùng quan trọng.
I. BẢN CHẤT CỦA KINH THÁNH
Kinh Thánh và sự mặc khải
Kinh Thánh là sách ký thuật về những mặc khải của Đức Chúa Trời cho con người. Nếu không có quyển sách ký thuật về sự mặc khải của Đức Chúa Trời này thì nhân loại sẽ biết rất ít về Đức Chúa Trời. Khởi đầu với A-đam và đặc biệt chú ý đến Ápraham và dòng dõi của ông, Kinh Thánh hướng về Chúa Cứu Thế Giê-xu như là trọng tâm.
Có hai loại mặc khải: mặc khải tổng quát và mặc khải đặc biệt. Trong mặc khải tổng quát, sự cao cả và quyền năng của Thượng Đế được mặc khải qua thiên nhiên: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm, ngày này giảng cho ngày kia, đêm này tỏ tự tri thức cho đêm nọ, đây đó chúng nó truyền đến cực địa, nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời” (Thi Tv 19:1-2, 4) Sứ đồ Phalô cũng đã minh định chân lý này như sau: “Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thể vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (RoRm 1:20).
Nếu bầu trời đầy sao là mặc khải duy nhất về Thượng Đế cho chúng ta, thì Thượng Đế sẽ rất trừu tượng và xa vời. Kinh Thánh cho thấy Thượng Đế đã tạo dựng con người để Ngài có thể tương giao với con người. Và Ngài đã tạo dựng con người để con người sẽ thờ phượng Ngài với tất cả khả năng tâm linh, trí khôn và ngôn ngữ mà Thượng Đế ban cho họ (SaSt 1:27). Thượng Đế trong Kinh Thánh là Thượng Đế tự mặt khải chính mình. Chìa khoá để hiểu biết Ngài là sự mặc khải trong Kinh Thánh và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Chúa Cứu Thế Giê-xu chính là trọng tâm của Kinh Thánh. Ngài là Lời Hằng Sống của Thượng Đế mà lời thành văn tức là Kinh Thánh làm chứng cho (GiGa 5:39, 46). Mục đích đời đời của Thượng Đế bao gồm chương trình cứu chuộc nhân loại. Vậy nên, bắt đầu với Ađam, rồi qua Áp-ra-ham và Môi-se, chúng ta thấy chương trình cứu rỗi của Thượng Đế hé mở. Thượng Đế đã can thiệp vào lịch sử và tự tỏ mình ra cho dân tộc mà Ngài lựa chọn là Y-sơ-ra-ên để thiết lập một giao ước đặc biệt với họ. Chính là qua Áp-ra-ham và dòng dõi của ông mà sau đó gần 2,000 Đấng Cứu Chuộc đã sinh ra bởi một người nữ.
Trong khi nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta không nên quên sứ điệp chính yếu của Kinh Thánh. Chúng ta không nên sa lầy trong chữ nghĩa của Kinh Thánh mà quên rằng Kinh Thánh bày tỏ về Lời Hằng Sống. Những điều ký thuật trong Kinh Thánh là rất quan trọng vì đó là phưong cách duy nhất nhân loại có thể hiểu về Thượng Đế. Khi chú giải RoRm 1:16-32, Lawrence Richards đã viết: “Khi thu nhập những dữ kiện về Thượng Đế qua Lời Kinh Thánh, chúng ta kinh nghiệm về Ngài. và khi chúng ta suy niệm về Chúa thì trong kinh nghiệm đó chúng ta nhận biết Ngài” (Lawrence Richards, Creative Bible Teaching, Chicago, ILLinois: Moody Press, 1970, p. 55)
Nhờ Kinh Thánh chúng ta gặp được Lời Hằng Sống là Chúa Giê-xu và Ngài đòi hỏi nơi chúng ta sự đáp ứng. Sự đáp ứng mà Ngài mong muốn đó là sự thay đổi đời sống (IICo 2Cr 5:17). Do đó, Kinh Thánh không phải chỉ để nghiên cứu một cách lý thuyết hoặc nghiên cứu chỉ để thu thập kiến thức như chúng ta học một sách giáo khoa về khoa học. Làm như thế là đi ngược lại mục đích mà Kinh Thánh đã được viết ra. Kinh Thánh là một cuốn sách sống động bởi vì khi chúng ta đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ gặp gỡ Lời Hằng Sống và kết quả là chúng ta sẽ được Chúa biến đổi đời sống qua quyền năng của Đức Thánh Linh.
Kinh Thánh và sự hà hơi
Sự mặc khải có liên quan đến việc tiết lộ nội dung của sứ điệp, còn sự hà hơi có liên quan đến sự ghi chép nội dung đó bởi những người được Đức Thánh Linh hướng dẫn. Lawrence Richards, khi tóm tắt phần giải luận về 1Cô-rinh-to 2:9-13;, ông đã viết: “Căn nguyên của sự mặc khải là Đức Thánh Linh. Nội dung của mặc khải là kiến thức về Thượng Đế. Phương tiện của mặc khải là ngôn ngữ. Do đó bức tranh nhất quán của Kinh Thánh là kiến thức về Thượng Đế được ban truyền cho chúng ta trong ngôn ngữ loài người tức là trong chữ viết” (Lawrence Richards, sách đã dẫn, p.44). Phi-e-rơ đã cho chúng ta biết rõ về phương cách Đức Chúa Trời đã dùng để mặc khải chính Ngài cho chúng ta: “Vì chẳng hề có lời tiên trì nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (IIPhi 2Pr 1:21).
Kết quả của việc được “cảm động” (linh cảm) bởi Thánh Linh là gì? Kết quả đó là những ý tưởng các tác giả Kinh Thánh viết ra thực sự là bởi Chúa. Hết thảy đều chân thực, chính xác và đầy thẩm quyền. Như thếm sự hà hơi (linh cảm) của Kinh Thánh là ảnh hưởng của Đức Chúa Trời nên những tác giả Kinh Thánh để họ viết ra nội dung Kinh Thánh. Khi suy nghĩ về sự tạo dựng vũ trụ (Thi Tv 33:6), tạo dựng nhân loại để tương giao với Đức Chúa Trời (SaSt 2:7), hay về sự mặc khải bằng lời thành văn (IITi 2Tm 3:16), chúng ta thấy rằng tất cả những điều này đều được hoàn thành bởi sự “hà hơi” của Đức Chúa Trời. Vậy nên, sự hà hơi của Kinh Thánh ở cùng một mức độ với sự tạo dựng vũ trụ và con người. Mặc dầu quan niệm “ hà hơi ” (linh cảm) chỉ áp dụng cho những bản văn nguyên thuỷ chứ không áp dụng cho các bản sao chép hoặc bản dịch sau này, khoa phê bình bản văn đã chứng minh rằng việc lưu truyền Kinh Thánh rất chính xác.
Kinh Thánh và Cơ Đốc Giáo dục
Qua những điều vừa trình bày, có ba điều quan trọng đối với các lãnh đạo và giáo viên Cơ Đốc giáo dục, đó là giảng dạy lời Chúa, có mối thông công riêng tư với Đức Chúa Trời, và chú trọng đến sự đáp ứng.
Điều chúng ta giảng dạy là Đức Chúa Trời. Nội dung của Kinh Thánh vô cùng độc đáo. Kinh Thánh là sứ điệp của Thượng Đế loan truyền cho nhân loại. Để nhận biết Chúa, chúng ta phải biết về Ngài. một giáo viên dạy Kinh Thánh phải truyền đạt nội dung của Kinh Thánh một cách rõ ràng và đơn giản để học viên có thể hiểu được Lời của Đức Chúa Trời.
Mục tiêu của chúng ta là mối thông công cá nhân với Đức Chúa Trời. Ngoài việc được cứu và báp têm bằng nước, chúng ta cần phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh và được Ngài sử dụng để thân thể của Đấng Christ. Chúng ta phải được Chúa sử dụng trong việc làm chứng và trongviệc tham gia vào sinh hoạt của Hội Thánh. Chúng ta phải tiến tời bậc thành nhân trong Đấng Christ bày tỏ những mỹ đức của Ngài. Vậy nên, mục đích của chúng ta trong việc giảng dạy Kinh Thánh không phải chỉ là nắm được những nội dung và dữ kiện trong Kinh Thánh mà còn là giúp các học viên nhận biết Chúa bằng cách trình bày chính kinh nghiệm bản thân của chúng ta.
Chúng ta chú trọng đến sự đáp ứng. Sau khi nghe lời Chúa và nhìn thấy sự thực hành lời Chúa trong đời sống chúng ta thì các học viên sẽ có những thay đổi trong đời sống. Qua mỗi bài học, chúng ta cố gắng để đạt được kết quả đó là những đời sống thay đổi, những tâm trí thay đổi mới và sự tăng trưởng thuộc linh. Chúng ta cần kêu gọi sự đáp ứng. Từ ngữ thường xuyên trên môi miệng chúng ta là vâng lời, hành động, ban cho, đọc Kinh Thánh, sống, tin cậy, làm, nghiên cứu. Cầu nguyện, vui mừng, ca hát, chúc tụng... Những giáo viên chú trọng đến sự đáp ứng sữ thường dùng những từ ngữ đó.
Kinh Thánh và việc học thuộc lòng
Một loại hình quan trọng trong Cơ Đốc giáo dục là học thuộc lòng Kinh Thánh. Khi chúng ta suy nghĩ về những câu Kinh Thánh chúng ta yêu cầu học viên phải học thuộc lòng vì khả năng thay đổi đời sống mà những câu Kinh Thánh đó đem lại, một cách thích đáng.
Trong bài học về Chúa Giê-xu, chúng ta đã thấy vị Giáo sư vĩ đại đã thấm nhuần Kinh Thánh đến nỗi lời nói và ý tưởng của Ngài đã rập theo khuôn mẫu Kinh Thánh. Các Cơ ĐốcNhân sẽ nhanh chóng trưởng thành thuộc linh nếu họ có được mối liên hệ với lời của Đức Chúa Trời như thế! Chúng tôi muốn đề nghị một số nguyên tắc giúp cho việc thuộc lòng Kinh Thánh trở nên có ý nghĩa và lâu bền hơn. Những đề nghị này được dành cho cả người trưởng thành lẫn các thiếu nhi.
Chọn lựa những câu Kinh Thánh để học thuộc lòng theo đặc tính và nhu cầu của các học viên. Hãy theo các tiêu chuẩn sau đây:
a, Học viên có khả năng hiểu được khúc Kinh Thánh đó không ?
b, Đối với các em thiếu nhi thì phải xem xét ý nghĩa của khúc Kinh Thánh đó có thể được giải thích bằng những từ ngữ cụ thể không?
c, Từ ngữ thích hợp với các thiếu nhi không?
d, Khúc Kinh Thánh đó có quá dài không?
Chẳng hạn các em tuổi mẫu giáo chỉ có thể học thuộc lòng một phần của câu Kinh Thánh. Thí dụ như “Con cái phải vâng phục cha mẹ”. Thiếu nhi từ 6 đến 8 tuổi có thể học một câu gốc trọn vẹn mà các em đã học từng phần rồi, thí dụ “Hỡi người làm con, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa vì điều đó là phải lắm” (Eph Ep 6:1). Thiếu nhi từ 9 đến 11 tuổi có thể học thuộc lòng một khúc Kinh Thánh dài về một đề tài nào đó chẳng hạn tình yêu thương (ICo1Cr 13:1-13) hay đức tin (HeDt 1:1-14). 10 điều răn (XuXh 20:1-26) hay các phước lành (Mat Mt 5:1-12).
2. Giải thích cho học viên chú ý nghĩa của khúc Kinh Thánh họ cần học thuộc lòng. Học viên cần phải hiểu được điều họ học thuộc lòng. Hơn nữa người ta dễ học thuộc lòng một đoạn văn có ý nghĩa hơn là một chuỗi từ ngữ vô nghĩa.
3. Sử dụng bản dịch Kinh Thánh quen thuộc. Nên sử dụng bản dịch Kinh Thánh đang được dùng tại Hội Thánh. Người ta dễ ghi nhớ một khúc Kinh Thánh đã được nghe giảng rồi. Việc dùng một bản dịch Kinh Thánh thống nhất là điều quan trọng. Việc thay đổi từ bản dịch này sang bản dịch khác thường tạo nên điều mà các nhà tâm lý học gọi là sự “lẫn lộn”.
4. Sử dụng dụng cụ nghe nhìn (thị cụ) khi dạy học cầu gốc (câu Kinh Thánh văn bản). Tranh vẽ,hình ảnh, bài hát có thể dùng để dạy câu gốc.
5. Nhắc lại cầu gốc (câu Kinh Thánh căn bản) trong suốt bài học. Khi nhắc câu gốc được lặp đi lặp lại trong suốt bài học một cách tự nhiên, thì đến cuối bài học viên sẽ trở nên quen thuộc với ý nghĩa của câu gốc.
6. Giúp học viên hiểu câu Kinh Thánh đó được áp dụng vào đời sống của họ như thế nào. Mặc dù việc học thuộc lòng Kinh Thánh là rất quan trọng, nhưng điều đó sẽ có rất ít giá trị nếu học viên không áp dụng vào đời sống của họ. Mục đích việc học thuộc lòng Kinh Thánh là nhắm đến sự thay đổi trong đời sống.
7. Đối với thiếu nhi, việc học thuộc lòng Kinh Thánh cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Trong tuần, phụ huynh nên học câu gốc chung với con cái mình. Tốt hơn hết là chính cha mẹ cũng học thuộc lòng câu gốc. Việc học thuộc lòng câu gốc có thể trở thành một chương trình trong gia đình. Sau khi thực hiện một công việc và nhìn thấy kết quả người ta sẽ có niềm vui của sự hoàn thành.
8. Ôn lại câu gốc (câu Kinh Thánh căn bản). Nếu không được ôn lại người ta rất mau quên. Câu châm ngôn “dao năng dùng thì bén” có thể được áp dụng cho việc học thuộc lòng Kinh Thánh.
II. KINH THÁNH NHƯ MỘT GIÁO TRÌNH
Giáo trình là gì? Chữ giáo trình được dùng trong nhiều cách. Hai định nghĩa sau đây sẽ giúp ích cho việc nghiên cứu của chúng ta.
Giáo trình gồm “Những sinh hoạt của giáo trình và học viên trong việc học Kinh Thánh nhằm mục đích đưa học viên tới sự trưởng thành trong Đấng Christ” (Edwards J. Hakes, An Intro-duction to Eangelical Christian Education, Chicago, IL.: Moody Press, 1964, p.86).
“Giáo trình là một chương trình theo đó tiến trình dạy và học được thực hiện một cách có hệ thống” (Daniel Eleaneor, Introduction to Christian Education, Cincinnati, Ohio: Standard Publishing, 1980, p.78)
Những đặc điểm của một giáo trình có hiệu quả
Sau đây là đặc điểm của một giáo trình có hiệu quả.
1. Giáo trình đặt trọng tâm nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là Lời Hằng Sống như được mặc khải trong Kinh Thánh.
2. Giáo trình bao gồm sự giao tiếp và trao đổi (interaction) giữa giáo viên và học viên.
3. Giáo trình bao gồm kế hoạch được soạn thảo cẩn thận bởi mục sư và những người lãnh đạo Cơ Đốc Giáo Dục trong Hội Thánh. Kế hoạch đó phải gồm những chiến lược rộng lớn phù hợp những nhu cầu và khả năng của Hội Thánh. Những mục tiêu cho từng khoá học, từng phần của khoá học và từng bài học phải được minh định. Cần cầu nguyện nhiều và đầu tư thời gian thích đáng cho việc soạn giáo trình.
4. Giáo trình bao gồm những nguyên tắc hay qui luật căn bản trong tiến trình dạy và học (sẽ đề cập rõ hơn trong chương kế tiếp).
5. Giáo trình bao gồm những tài liệu và phương pháp được lựa chọn nhằm giúp đạt được những mục tiêu đã đề ra. Chúng ta phải suy nghĩ và tìm kiếm những phương pháp và tài liệu thích hợp nhất cho việc dạy dỗ từng lứa tuổi. Giáo viên phải có tinh thần sáng tạo. Trong bài học về Chúa Giê-xu, vị giáo sư vĩ đại, chúng ta thấy Ngài đã sử dụng một cách sáng tạo những hình ảnh đơn sơ, tự nhiên để thu hút mọi người, để minh hoạ bài học của Ngài và khích lệ những môn đồ của Ngài đuổi theo những mục tiêu thuộc linh.
6. Giáo trình bao gồm các hình thức bài học. Hình thức bài học có liên quan đến cách thức phối hợp các kinh nghiệm học tập. Xin đề cập ở đây ba hình thức bài học thường được những người soạn giáo trình sử dụng.
a, Hình thức bài học thống nhất theo đó tất cả mọi người trong Hội Thánh đều học về một nội dung trong cùng một thời điểm. Điểm thuận lợi và mọi người trong gia đình sẽ học cùng một đề tài trong cùng một thời gian và qua đó tạo nên tinh thần cùng học tập trong gia đình. Điểm bất lợi là có những nội dung quá cao hay không phù hợp đối với các em thiếu nhi.
b, Hình thức bài học theo trình độ gồm những loại bài riêng cho từng độ tuổi gặp lại mỗi 2,3,4 hoặc 6 năm. Có những bài học riêng cho thiếu nhi, thanh niên, người lớn. Điểm thuận lợi là nội dung thích hợp với từng lứa tuổi. Điểm bất lợi là nó loại bỏ đề tài chung cho cả gia đình cùng học tập.
c, Hình thức bài học tự lựa chọn cho phép mỗi nhóm tự lựa chọn các bài học từ một danh sach đề nghị. Hình thức này thường được dành cho những người trưởng thành hay cho lứa tuổi tráng niên. Lợi điểm của hình thức này là cho phép tự do lựa chọn, nhưng điểm bất lợi là nó có thể dẫn đến việc học Kinh Thánh không cân đối.
7. Giáo trình phải được thực hiện trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Công việc của Đức Chúa Trời không thể hoàn tất mà không nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời hành động và chúng ta cùng làm việc với Ngài. Chúng ta là những bạn cùng làm việc của Đức Chúa Trời (ICo1Cr 3:7). Ngài vui lòng sử dụng chúng ta mặc dù có lúc chúng ta rất yếu đuối. Chúng ta không dập tắt công việc của Đức Thánh Linh bằng những mục tiêu, hình thức, tiến trình, tài liệu và phương pháp của chúng ta. Trái lại, chúng ta nên nhờ cậy nơi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong khi cân nhắc mọi yếu tố của giáo trình mà chúng ta đề cập ở trên. Tuy nhiên thật là vô lý khi chúng ta đòi hỏi Chúa ban phước cho một bài học được chuẩn bị, sắp xếp, giảng dạy một cách sơ sài, cẩu thả. Với tư cách là những người lãnh đạo và giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục, chúng ta cần không những phải sửa soạ mọi sự chu đáo nhưng chúng ta cũng cần hoàn toàn lệ thuộc vào quyền năng của Đức Thánh Linh. Ngoài Đức Thánh Linh, chúng ta không thể làm được gì cả.
Những tiêu chuẩn để lựa chọn các tài liệu học tập
Ở nhiều nơi trên thế giới, các tài liệu học tập dùng cho chương trình Cơ Đốc Giáo Dục không có nhiều. Trong hoàn cảnh đó, các Hội Thánh địa phương phải tự soạn các tài liệu. Mặc dù đây là một nhiệm vụ lớn lao nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện được nếu chúng ta tiến hành từng bước và trải qua một thời gian dài. Trong trường hợp đã có sẵn tài liệu chúng ta vẫn không nên nghĩ rằng cứ việc sử dụng các tài liệu đó mà không cần bổ sung, điều chỉnh. Sau đây là một vài chỉ dẫn đối với việc lựa chọn các tài liệu học tập.
1. Tài liệu pảhi do uỷ ban giáo dục và những người lãnh đạo Hội Thánh địa phương lựa chọn. Như thế sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong Hội Thánh.
2. Các tài liệu này phải đề cao Kinh Thánh như là lời được hà hơi của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải xem quâ tựa đề và mục lục của tập tài liệu. Chỉ cần chú ý một chút ở điểm này cũng có thể giúp tránh khỏi vô số khó khăn về sau.
3. Các tài liệu phải thích hợp với các lứa tuổi. Các thí dụ minh hoạ và sự áp dụng phải phù hơp với lứa tuổi học viên. Các tài liệu cần được soạn theo đúng các nguyên tắc giảng dạy bao gồm các dụng cụ nghe nhìn thích hợp, và sử dụng các phương pháp giảng dạy một cách phong phú.
4. Các tài liệu phải dễ sử dụng. Cần có những chỉ dẫn rõ ràng để một giáo viên dầu ít kinh nghiệm cũng có thể đọc và thực hành mà không bị nhầm lẫn.
5. Các tài liệu cần phải có tính hấp dẫn, có phẩm chất tốt, dễ hiểu và được soạn thảo nhằm có thể sử dụng lâu dài.
Nhận thức được vai trò của Kinh Thánh trong giáo trình của Hội Thánh, chúng ta càng hiểu hơn lới sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê về vai trò của Kinh Thánh “ Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật”. (IITi 2Tm 2:15).
CÂU HỎI
Những khúc Kinh Thánh sau đây dạy dỗ chúng ta điều gì về sự mặc khải của Thượng Đế trong Chúa Giê-xu Christ? (Xin trình bày bằng lời lẽ riêng của bạn) GiGa 1:1-3; CoCl 1:15-18; GiGa 1:14; HeDt 1:1-2.
Hãy giải thích sự liên hệ giữa lời thành văn và Lời Hằng Sống (Chúa Cứu Thế Giê-xu).
Một giáo trình có hiệu quả cần có những đặc điểm nào? Xin giải thích và cho biết nhận xét của bạn về những đặc điểm được đề cập trong bài học.
Bạn nhận xét gì về những tiêu chuẩn để chọn tài liệu học tập? Ngoài những tiêu chuẩn này, bạn thấy cần thêm những tiêu chuẩn nào khác?

GIÁO ÁN, TIẾN TRÌNH DẠY VÀ HỌC
Có lẽ bạn đã trải qua kinh nghiệm sau đây. Sau khi đã ngồi được 10 phút trong một lớp Kinh Thánh, bạn tự nghĩ: “Tôi mong anh ta sẽ đi đến phần quan trọng!” Nhưng rồi, sau khi ngồi thêm 20 phút nữa bạn vẫn thấy chẳng đi đến phần quan trọng nào cả. Điều bạn gặp phải có thể là kết quả của việc không soạn giáo án đầy đủ cho buổi dạy.
Giảng dạy không phải là chỉ nói về đề tài cả giờ đồng hồ, không phải chỉ giữ cho học sinh bận rộn và im lặng trong suốt buổi học. Không xếp đặt kế hoạch tập trung vào những mục tiêu ấn định trước, những lớp Thánh Kinh sẽ thiếu ý nghĩa và phương hướng. Câu nói quen thuộc sau đây có thể kết luận cho trường hợp này: “Không chuẩn bị kế hoạch là chuẩn bị thất bại”. Chỉ trông cậy vào việc xức dầu của Thánh Linh hơn là để thì giờ xếp để soạn bài là quan niệm không phù hợp với tinh thần Kinh Thánh. Chúng ta phải làm cả hai. Kinh Thánh cho thấy xếp đặt kế hoạch quan trọng như thế nào trong công cuộc sáng tạo, trong việc hình thành quốc gia Ysơraên, cũng như trong chính việc giảng dạy của Chúa Giê-xu. Đức Chúa Trời đã xếp đặt kế hoạch cho việc cứu rỗi chúng ta trước khi sáng thế (KhKh 13:8) bài học hôm nay đề ra một phương thức đơn giản để soạn giáo án.
A. GIÁO ÁN
I. Nhu cầu Soạn Giáo Án
Trong bài học trước chúng ta đã nói đến những đặc điểm của một giáo trình hiệu quả. Triển khai giáo trình là một tiến trình từng bước một, đòi hỏi sự cầu nguyện, sự xếp đặt cẩn thận, thời gian và sự kiên nhẫn. Giáo trình được khai triển thành những bài học riêng rẽ phối hợp thành những đơn vị học tập. Chúng ta cần nhắc lại rằng “Giáo trình là một kế hoạch theo đó tiến trình giảng dạy học tập được xúc tiến có hệ thống “Cũng như giáo trình, giáo án được soạn theo những mục tiêu đã định trước. William Martin cho thấy việc soạn giáo án sẽ đem lại nhiều ích lợi như giúp sử dụng thời giờ hữu hiệu hơn trong việc chuẩn bị cũng như trong lớp học; đem lại sự thống nhất và liên tục của từng bài học; giúp các giáo viên khép mình vào kỷ luật hơn trong việc chuẩn bị và tự tin hơn trong lúc giảng dạy. Những bài học được soạn thảo kỹ lưỡng sẽ tập trung bào những mục tiêu đã được mình định. Những bài học như thế thì thường thú vị hơn. Soạn giáo án cẩn thận, các giáo viên sẽ giảng dạy lời Đức Chúa Trời cách hiệu quả và hoàn thành tốt công tác mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi (William Martin, First Step for Teacher, Springfield, Missouri: Gospel Publishing House, pp/ 84-85). Điều cần nhấn mạnh ở đây là những bài học riêng sẽ phải được soạn thảo kỹ lưỡng vì cách thức soạn giáo án quyết định phần lớn tính chất của việc giảng dạy. Giáo viên sẽ nhận thấy việc giảng dạy không có hiệu quả cho đến khi thủ đắc được kỷ năng chuẩn bị bài học.
II. Những Phần Của Giáo Án
Giáo án cần có những phần sau đây:
1. Tên giáo viên. Nhằm nhấn mạnh vào sự quan trọng và trách nhiệm của mỗi giáo viên.
2. Ngày tháng. Đây là ngày tháng bài học được dạy. Ghi rõ ngày tháng sẽ giúp chúng ta theo đúng tiến trình của giáo trình.
3. Lớp. Nhóm tuổi của lớp được ghi nhận, thí dụ như các em tiểu học, học sinh cấp 1, lớp tráng niên...Khi định mục tiêu bài học cần lưu ý đến những nhu cầu của lứa tuổi học sinh.
4.Tựa đề đơn vị. Khoá trình gồm nhiều đơn vị (unit), mỗi đơn vị gồm nhiều bài học. Tựa đề đơn vị cần nên được nêu lên trong mỗi bài học để nhắc nhở chúng ta liên tục về bức tranh toàn diện.
5. Mục tiêu đơn vị học tập. Mục tiêu đơn vị học tập có phạm vi rộng lớn hơn mục tiêu bài học. Mỗi đơn vị học tập nên có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn. Những mục tiêu này phải phản ảnh những nhu cầu của học sinh.
6. Tựa đề bài học. Nên chọn tựa đề đơn giản và đi thẳng vào vấn đề giúp học sinh dễ nhớ bài học và tạo nên hứng thú. Tựa đề cần phải liên quan chặt chẽ với bài học.
7. Phân đoạn Kinh Thánh. Bài học nên căn cứ trên một đoạn Kinh Thánh. Đối với các em nhỏ hơn, một câu trong Kinh Thánh có thể dùng như một đoạn văn. Đối với người lớn, phân đoạn có thể dài khoảng 10 câu và có thể cùng đọc trong lớp. Với những phân đoạn dài hơn, giáo viên nên tóm tắt nội dung của phân đoạn đó khi hướng dẫn lớp học.
8.Chân lý chính yếu của bài học. Đây là câu phát biểu ngắn gọn gói ghém nội dung bài học. Câu phát biểu này nói lên cốt lõi của bài học.
9. Nhu cầu của học sinh. Liệt kê ngắn gọn những nhu cầu của học sinh, theo đó bài học có thể hướng đến. Học sinh đến với chúng ta với những nhu cầu cần được đáp ứng. Động cơ thúc đẩy cho sự thay đổi nằm ở điểm này. Các buổi dạy của chúng ta sẽ thật sự sống động khi chúng ta giúp học sinh mình khám phá ra rằng Chúa Cứu Thế là câu giải đáp cho những nhu cầu này.
10. Mục tiêu bài học. Trình bày súc tích về mục đích bài học. Mục tiêu mỗi bài học phản ảnh cụ thể mục tiêu của đơn vị. Mục tiêu đòi hỏi học viên áp dụng những điều mình học vào chính cuộc sống hoặc suy nghĩ về những kinh nghiệm sống của mình trong ánh sáng lời Chúa.
Bài học có thể được diễn tiến theo những bước sau đây:
1. Giới thiệu bài học (nhập đề): Đây là bước gây chú ý. Có thể kết hiệp bài học với nhu cầu học sinh để thu hút sự chú ý và từ đó hướng học viên vào nội dung bài học cách tự nhiên.
2. Tìm hiểu nội dung phân đoạn Kinh Thánh: Trong phần này giáo viên giúp học viên tìm hiểu những sự kiện và ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh.
3. Áp dụng: Giáo viên giúp học viên rút ra những bài học cho cá nhân và Hội Thánh ngày hôm nay.
4. Đáp ứng. Giáo viên kêu gọi sự đáp ứng của học viên. Chúa muốn chúng ta làm gì?
Cần xác định thời gian cho từng phần trong diễn tiến của buổi học. Để bài học có thể hoàn tất mỹ mãn, chúng ta cần lưu ý đến thời gian.
B. TIẾN TRÌNH DẠY VÀ HỌC
Như chúng ta đã định nghĩa, giáo trình là “Chương trình theo đó tiến trình dạy và học được thực hiện một cách có hệ thống”. Chúng ta đã thảo luận về bản chất của một giáo trình và giáo án. Bây giờ chúng ta nói đến điểm thứ 3 trong định nghĩa của giáo trình: Tiến trình dạy và học.
Trong giáo án chúng ta cần nêu rõ những công việc của thầy giáo và những công việc của học viên. Một thầy giáo dù được chuẩn bị tốt cách mấy cũng sẽ không đạt nhiều hiệu quả nếu không có khả năng giao tiếp tốt.
Trong phần này chúng ta sẽ trình bày 10 quy luật (hay nguyên tắc) để việc dạy và học được kết quả tốt. Những nguyên tắc này là nền tảng của tiến trình dạy và học. Tiến trình là một chuỗi liên tục các hoạt động được thực hiện có chủ ý nhằm đạt tới mục tiêu.
I. Mối liên hệ giữa việc dạy và học
Mối liên hệ giữa việc dạy và học có thể được mô tả như sau: “Dạy là một tiến trình, học là kết quả; dạy là một quá trình, học là thành quả; dạy là phương tiện, học là cứu cánh... Chỉ có thể thực sự gọi là giảng dạy khi có những biến đổi xảy ra trong đời sống của học viên (John T. Siseore, The Ministry of Vistitation, Nashville, TN: Broadman Press, 1964, p.11)Eavey cũng đồng ý rằng việc giảng dạy phải gắn liền với sự tiếp thu của học viên. Thầy giáo cần hiểu được sự tiếp thu xảy ra thế nào nơi học viên và chỉ khi đó thầy giáo mới có thể lựa chọn những sinh hoạt học tập nhằm đạt được những thay đổi trong đời sống của các học viên (C.B Eavey, Sđd.tr.118).
Dạy và học là 2 mặt của đồng tiền. Không thể có điều này mà không có điều kia. Đối với những người học hàm thụ thì sách giáo khoa hay tài liệu hướng dẫn học tâp đóng vai trò thầy giáo. Ngay cả đối với những người “tự học” trong ý nghĩa là không có những sách giáo khoa nhứt định hay tài liệu hướng dẫn học tập cụ thể vẫn có thể có những nguồn tài liệu khác. Tóm lại việc giảng dạy chỉ có thể gọi là hiệu quả khi dẫn đến sự tiếp thu nơi học viên.
“Học” được định nghĩa là “Sự thay đổi khá rõ rệt trong cách sống như là kết quả của việc thực hành và kinh nghiệm” (Rob-ert Davis, Sđđ, tr. 164). Ý nghĩa chính ở đây là “thay đổi cách sống”. Điều đó có nghĩa là một người đi tới chỗ biết và có thể làm những điều mà trước đó người đó không biệt hoặc không có thể làm. Sự thay đổi này là kết quả của việc thực hành hoặc kinh nghiệm để phân biệt với sự thay đổi cách sống do kết quả của sự tăng trưởng bình thường.
Có nhiều hình thức học khác nhau. Chẳng hạn người ta có thể nghĩ rằng mình đã học được điều gì khi họ thâu nhập được những kiến thức, sự hiểu biết, các kỷ năng hoặc hình thành những quan điểm mới. Việc học chỉ nhấn mạnh vào kiến thức mà không có sự hiểu biết thường được gọi là học “vẹt”. Việc học như vậy thường là máy móc và đem lại rất ít hoặc không đem lại thay đổi gì trong nếp sống. Việc học nhấn mạnh đến cả kiến thức lẫn sự hiểu biết đem lại những thay đổi trong lối sống. Điều rõ ràng là chúng ta đã học được nhiều điều khi chúng ta trở nên một tạo vật mới trong Chúa Cứu Thế, khi “mọi sự đều trở nên mới” (IICo 2Cr 5:17). Do đó đối với những nhà giáo dục Cơ Đốc, sự tăng trưởng thuộc linh là hình thức học tập quan trọng bắt nguồn từ kinh nghiệm gặp Chúa.
II. Những nguyên tắc giảng dạy sinh động
Có những nguyên tắc quan trọng giúp cho việc giảng dạy sinh động và học tập có hiệu quả.
1.Quyền năng của Đức Thánh Linh . Chúng ta cần phải nương dựa vào quyền năng của Đức Thánh Linh để đạt được những mục đích thuộc linh (ICo1Cr 1:10-15). Như trước đã nói việc giáo dục Cơ Đốc chủ yếu là một công tác thuộc linh. Nói cho cùng thì chính Đức Thánh Linh là Đấng dạy dỗ mặc dầu Ngài làm việc đó qua con người. Ngài ngự trong tấm lòng của cả giáo viên lẫn học viên. Ngài soi sáng tâm trí và cảm động tấm lòng. Ngài không những chỉ dắt chúng ta và Chân lý (GiGa 16:13) nhưng Ngài cũng chính là Thần Chân Lý (14:17) Ngài cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công nghĩa, về sự xét đoán (16:8). Một khi chúng ta nhận thức rằng Đức Thánh Linh làm việc trong thầy giáo cũng như trong học viên để truyền đạt sứ điệp của Lời Hằng Sống thì khi đó chúng ta mới hiểu được chan lý sống động.
2. Gương mẫu . Việc giáo dục không những chỉ qua lời nói nhưng còn qua cách sống nữa. Nguyên tắc giáo dục bằng gương sáng đòi hỏi giáo viên phải sống đúng với điều mình đã giảng dạy. Chẳng hạn nếu chúng ta huấn luyện người khác về việc dạy lớp Kinh Thánh của Trường Chúa Nhật thì chính việc huấn luyện của chúng ta phải thể hiện những phương pháp giảng dạy có hiệu quả.
Đối với những người làm cha mẹ thấy những hành vi khác lạ nơi con cái mình và đặt câu hỏi: “Chúng đã học điều đó ở đâu?”Rõ ràng là chúng đã học điều đó bằng cách bắt chước người khác. Điều hiển nhiên là học sinh bắt chước thầy giáo của chúng nhiều hơn là điều chúng ta tưởng. Điều này càng đúng nơi các trẻ em. Nguyên tắc noi theo gương mẫu vẫn tác động dầu chúng ta ý thức hay không ý thức. Vì thế chúng ta cần nêu lên những gương sáng chứng minh cho các chân lý mà chúng ta giảng dạy. Các học viên sẽ sẵn sàng tiếp thu điều chúng ta muốn họ học khi chúng ta giảng dạy những điều đó kèm theo gương sáng để họ nhìn thấy và noi theo.
3. Sự giao tiếp . Thầy giáo là một người làm công việc giao tiếp. Nhiệm vụ của họ là truyền đạt những tri thức và tình cảm. Sau đây là những phương cách để một giáo viên Cơ Đốc Giáo Dục có thể giao tiếp, truyền đạt tốt hơn.
a, Nêu rõ các mục tiêu của bài học. Chỉ cho học viên biết đang học phần nào của bài học, như thế sẽ giúp học viên chuẩn bị và sắp xếp những tài liệu trước khi nghe giảng bài. Câu nói sau đây về việc truyền giảng cũng có thể áp dụng cho việc giảng dạy. “Nói cho cử toạ biết điều bạn sắp trình bày với họ, trình bày cho họ về điều đó, và sau đó nhắc lại cho họ điều bạn vừa trình bày.
b, Liên hệ bài học với những yêu cầu và hoàn cảnh thực tế trong đời sống của học viên. Sự giao tiếp sẽ được tăng cường khi nó có ý nghĩa. Việc có ý nghĩa hay không tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Điều nào được người ta coi là quan trọng thì điều đó trở nên có ý nghĩa đối với người đó.
c, Chia nội dung bài học thành từng phần nhỏ một cách hợp lý, tuỳ theo mức độ khó dễ hay phức tạp của bài học và khả năng của học viên.
d, Nêu những câu hỏi để kiểm tra xem mối giao tiếp đã tốt chưa. Giao tiếp là một mối liên hệ song phương. Mối giao tiếp tốt chỉ được khẳng đinh khi thấy sự đáp ứng từ phía học viên.
e, Tìm cách kích thích mọi giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác càng nhiều càng tốt. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy việc kích thích càng nhiều giác quan khiến bài học thú vị hơn và giúp học viên ghi nhớ nội dung bài học trong thời gian dài.
4. Sử dụng các phương pháp và tài liệu đa dạng
Giáo viên cần phải sử dụng các tài liệu và phương pháp cách đơn điệu. Chẳng hạn đừng chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình nhưng chúng ta cần phải lựa chọn phương pháp và tài liẹu tuỳ theo nhu cầu của học viên và mục tiêu của lớp học. Không có một phương pháp nào phù hợp được với mọi hoàn cảnh. Mọi phương pháp đều có điểm thuận lợi và bất lợi riêng. Phương pháp hữu hiệu nhất đối với từng hoàn cảnh là phương pháp đem lại kết quả nhiều nhất. Việc đa dạng hoá các phương pháp giảng dạy không phải là một lựa chọn tuỳ ý nhưng là một điều bắt buộc. Nếu muốn việc giảng dạy có hiệu quả hơn thầy giáo phải chú ý đến việc sử dụng các phương pháp giảng dạy cách phong phú và khôn khéo.
5. Không ngừng cải thiện
Điều nguyên tắc này muốn nhấn mạnh là dù việc giảng dạy đã có hiệu quả đến đâu chăng nữa cũng không ngừng được cải thiện. Có thày giáo đã từng dạy học 20 năm nhưng thực sự chỉ có một năm kinh nghiệm, bởi vì người ấy chỉ lặp đi lặp lại một kinh nghiệm từ đầu đến cuối. Như thế người thầy giáo này đã không tăng tiến gì cả. Có thể là người này đã cố gắng cải tiến nhưng không thành công, nhưng cũng có thể là người này đã tự thoả mãn với kết quả mình đạt được.
Một thầy giáo tốt không ngừng nỗ lực để cải tiến. Chúng ta không thể để mình bị trói buộc bởi những suy nghĩ hoặc bị ngăn trở bởi những người không thích tiến bộ, hoặc bởi thiếu thốn phương tiện. Người thầy giáo cần nhìn thấy những tiềm năng to lớn Đức Chúa Trời đặt trong đời sống mỗi học viên để nỗ lực giúp học viên phát triển các tiềm năng đó trong ơn Chúa. Công việc của người thầy giáo giống như người thợ kim hoàn mài dũa và đánh bóng những viên ngọc quý. Người thầy giáo không mong mỏi gì hơn là thấy những kết quả mỹ mãn nơi học viên. Chúng ta phải mong mỏi làm trọn ý chỉ của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta là một thầy giáo.
III. Những nguyên tắc học tập có hiệu quả
Năm nguyên tắc sau đây liên quan đến việc học tập. Có thể nói nguyên tắc căn bản nhất là nguyên tắc về động cơ học tập.
1. Động cơ học tập
Nguyên tắc này khẳng định rằng động cơ học tập của học viên sẽ quyết định nội dung điều họ sẽ học. Động cơ học tập bắt nguồn từ ước muốn học tập của học viên. Chỉ khi nào một người có ước muốn học tập thì người đó mới có thể bắt đầu học tập. Trong Hội Thánh, các giáo viên có nhiệm vụ phải khơi lửa để mọi viên than đều bắt lửa và cả lò than bừng cháy. Bạn có thể tưởng tượng lời Kinh Thánh của bạn sẽ như thế nào nếu mọi học viên đều có lòng ước ao học hỏi như vậy.
Có một vài yếu tố có thể khuyến khích động cơ học tập:
a, Điều trước tiên là sự giảng dạy có ý nghĩa. Một khi các bài học có liên quan đến những nhu của học viên thì nội dung Kinh Thánh của bài học sẽ trở nên thích hợp. Nó đem lại câu trả lời cho những vấn đề mà con người thời nay đang thắc mắc. Nó thoả mãn mong ước của tấm lòng con người muốn hiểu biết về Đức Chúa Trời.
b, Điều thứ hai là việc giảng dạy phải được trình bày thế nào để ngay từ đầu học viên hiểu được những mục tiêu của bài học là gì. Điều đó giúp học viên hiểu họ đang hướng tới đâu và có cảm giác là họ đang tham gia vào bài học. Chúng ta có thể tưởng tượng được cảm giác của các môn đồ khi Chúa Giêxu phán với họ “Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm, nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các người biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta” (GiGa 15:15)
c, Điều thứ ba là sử dụng những sinh hoạt học tập phong phú trong việc giảng dạy. Người ta thường thích những điều mới mẻ. Chúng ta đã nêu lên sự cần thiết phải áp dụng những phương pháp giảng dạy phong phú. Thêm vào đó những sinh hoạt học tập phong phú giúp tạo nên và duy trì sự thích thú. Một người có thể rất thích ăn cơm với cá, nhưng nếu cứ ăn cơm với cá mãi thì rồi cũng sẽ chán.
d, Điều thứ tư là sự quan tâm đến các học viên và những sự đóng góp của họ vào bài học sẽ giúp tăng cường động cơ học tập. Phải tạo cho học viên có cảm giác rằng họ là quan trọng. Giáo viên cần phải hiểu biết về học viên càng nhiều càng tốt. Giáo viên càng tỏ ra quan tâm đến học viên bao nhiêu thì học viên càng sẵn sàng tiếp thu bài học bấy nhiêu.
2. Tinh thần chịu học tập
Việc học tập tuỳ thuộc rất nhiều nơi ước muốn học tập của học viên hơn là hoạt động giảng dạy của thầy giáo. Ở đây muốn nói đến tinh thần học tập. Dầu thầy giáo có giảng dạy tốt cách mấy về phần mình mỗi học viên cũng phải tự học tập. Học tập luôn luôn bao gồm việc tự học.
Dĩ nhiên chúng ta không bao giờ phủ nhận sự quan trọng của thầy giáo. Đức Chúa Trời đặt những thầy giáo trong Hội Thánh là để dạy dỗ chúng ta. Những bài học được giảng dạy tốt chắc chắn sẽ giúp cho việc học trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, sau khi thầy giáo đã giảng và thực hiện mọi điều rồi, các học sinh vẫn phải có trách nhiệm tự học. Nếu chúng ta thực lòng muốn hiểu biết về lời của Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể hiểu biết được và có thể trở thành một kinh nghiệm bổ ích và kéo dài suốt cuộc đời.
3. Sự tham gia
Nguyên tắc này minh định rằng việc tham gia của học viên là điều cần thiết để học tập được kết quả. Học viên học tập qua việc tham gia các hoạt động. Các hoạt động có thể liên hệ đến thể chất, tâm trí, tình cảm, hay tâm linh. Việc tham gia các hoạt động này giúp cho học viên dễ hấp thụ điều mình đa học. Nguyên tắc này bao gồm việc theo dõi, khen thưởng, thực hành, và ôn tập. Tất cả những điều này đều có liên quan mật thiết với nhau. Việc học tập sẽ được đẩy mạnh và duy trì khi những tiến bộ của học viên biết được kết quả việc học của mình, biết được những sai sót của mình và sửa chữa những sai lầm đó. Khi học sinh thực hiện một việc tốt và được tuyên dương hay khen thưởng thì học viên thường có khuynh hướng lập lại hành động tốt đó. Học sinh nhỏ tuổi rất thích được thầy giáo khen ngợi: “Tốt lắm! Khá lắm!” hoặc “Đúng lắm, bạn có tiến bộ nhanh lắm!” Việc khen thưởng làm gia tăng động cơ học tập nơi học viên. Việc thực hành và ôn tập giúp học viên dễ học thuộc các dữ kiện và nhớ bài được lâu.
4. Sự khác biệt của mỗi cá nhân
Mỗi học viên có trình độ khác nhau, khả năng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, tinh thần học tập và động cơ học tập khác nhau. Chúa Giê-xu đối xử với mỗi người bằng những phương cách khác nhau. Ngài biết chúng ta có thể học nhanh mức nào và học những nội dung nào. Để thực hiện nguyên tắc này, giáo viên phải dành thì giờ tìm hiểu từng cá nhân học viên. Thầy giáo phải biết được điểm mạnh và điểm yếu của mỗi học viên để đối xử với từng học viên một cách thích hợp.
Đây là một thách thức bởi vì đòi hỏi một thầy gió chỉ phụ trách một số lượng ít học viên. Nếu một giáo viên phải dạy một lớp gồm 80 học viên thì không thể nào quan tâm đến từng cá nhân được. Những người lãnh đạo trong Hội Thánh cần theo dõi sĩ số của từng lớp hầu bảo đảm sự quan tâm đến từng học viên.
5. Khung cảnh và không khí học tập
Khung cảnh và không khí học tập thoải mái thú vị sẽ khuyến khích việc học tập rất nhiều. Chúng ta có thể tạo nên khung cảnh thoải mái bằng cách sắp đặt phòng ốc dễ chịu, thoải mái. Điều kiện vật chất không thoải mái, chẳng hạn như nóng quá hoặc lạnh quá sẽ gây trở ngại trong việc học hỏi. Chúng ta cũng cần tạo không khí hào hứng trong khi học tập. Học viên có thể chán nản do việc đặt mục tiêu bài học không thực tế, tình cảm bị tổn thương do những phê bình chỉ trích hay so sánh giữa học viên này với học viên khác.
Những nguyên tắc đã được đề cập trong bài học cần được áp dụng để tạo không khí học tập thú vị, hấp dẫn. Những nguyên tắc này liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó khi chúng ta vi phạm nguyên tắc này thì rất có thể chúng ta sẽ vi phạm nguyên tắc khác. Ngược lại, khi chúng ta đem áp dụng một vài nguyên tắc thì chúng ta cũng sẽ áp dụng các nguyên tắc khác. Mục tiêu của chúng ta, là làm sao để lớp học trở nên thú vị, hấp dẫn đến nỗi các học viên sẽ không muốn bỏ lớp.
CÂU HỎI
Theo bạn việc soạn giáo án cho một bài học Kinh Thánh quan trọng như thế nào? Bằng cách nào bạn soạn một giáo án?
Xin soạn giáo án cho một trong những bài học sau đây:
Biến nước thành rượu (2:1-11)
Chữa lành kẻ bại (5:1-9)
Đi bộ trên mặt biển (6:16-21)
Xin nêu lên mối quan hệ của việc dạy và học. Xin cho biết những nguyên tắc quan trọng nhằm giúp việc dạy và học được hứng thú và kết quả.
Việc đa dạng hoá các phương pháp giảng dạy cần thiết như thế nào? Xin nêu lên vài thí dụ cụ thể.

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC CHO THIẾU NHI
Giáo dục thiếu nhi là công tác mà Kinh Thánh nhấn mạnh. Để có thể thực hiện tốt công tác này chúng ta cần chú ý đến nhiều hình thức giáo dục thiếu nhi khác nhau. Chúng ta cần tập trung vào vị trí của thiếu nhi trong Hội Thánh, chú ý đến những đặc tính của từng lứa tuổi thiếu nhi khi soạn thảo chương trình giáo dục cho các em, cần dạy cho các em điều gì về Đức Chúa Trời và về Chúa Giê-xu. Chúng ta cần chú ý đến công tác truyền giáo cho thiếu nhi, và cũng cần biết ở tuổi nào thiếu nhi có thể quyết định tin Chúa.
Khi nghiên cứu bài học này, bạn hãy suy gẫm lời Chúa Giê-xu phán về trách nhiệm của chúng ta đối với thiếu nhi trong Mat Mt 18:1-6. Chắc chắn những điều Chúa dạy sẽ khích lệ chúng ta hăng hái phục vụ các em.
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THIẾU NHI
Thiếu nhi là quà tặng của Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh. Chúng ta đã thấy Chúa Giê-xu coi các em thiếu nhi là quan trọng thế nào. Hội thánh cần phải nhìn nhận tiềm năng thuộc linh to lớn của các thiếu nhi trong vương quốc Đức Chúa Trời.
Chúng ta hay nói thiếu nhi tương lai của Hội Thánh nhưng chúng ta lại ít chú ý đến vai trò của thiếu nhi trong hiện tại. Sa-mu-ên đã được trưởng thành từ những ngày thơ ấu hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ. Nền tảng đức tin vững chắc đã được gieo trong lòng Sa-mu-ên ngay từ buổi thiếu niên. Những năm tháng đầu tiên của cuộc đời sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai về mọi mặt, tinh thần, thể chất, tình cảm và tâm linh. Qua việc giáo dục thiếu nhi, Hội Thánh sẽ thiết lập một nền tảng để sau đó người khác sẽ xây dựng thêm lên. Khi chúng ta xây dựng một toà nhà chúng ta không nhìn thấy nền móng nữa nhưng cả sức mạnh và sự bền vững của toà nhà phụ thuộc vào nền móng đó. Mỗi em thiếu nhi đều có một nền móng. Nhưng nền móng đó có thể là nền móng thiết lập vững vàng trong đức tin nơi Chúa Cứu Thế và các phẩm tính Cơ Đốc Giáo, hoặc xây dựng trong thái độ hoài nghi, vô tín, hoặc những tiêu chuẩn thế gian.
Có một mối liên hệ hỗ tương giữa các thiếu nhi Hội Thánh. Các thiếu nhi cần được Hội Thánh hướng dẫn về mặt thuộc linh và giúp chúng phát triển những tiềm năng được Đức Chúa Trời ban cho. Ngược lại, Hội Thánh cần các thiếu nhi để có thể hoàn tất sứ mạng của Hội Thánh. Việc các thiếu nhi tiếp nhận Chúa Giê-xu luôn luôn là một niềm phấn khởi và gương mẫu đức tin đối với mọi người. Làm thế nào chúng ta có thể giúp các thiếu nhi có thể phát triển tiềm năng thuộc linh của chúng ta? Trong Mat Mt 19:14 Chúa Giê-xu dạy “đừng ngăn trở các thiếu nhi”. Vì còn non trẻ nên các thiếu nhi thường hay bị lợi dụng, coi thường hoặc bị làm tổn thương về mặt tình cảm cũng như tâm linh. Chương trình giáo dục cần dùng mọi phương cách để băng bó các vết thương của thiếu nhi. Mặc dù các em thường bị xúc phạm nhưng rất ít khi các em kêu gào sự giúp đỡ. Cần gỡ bỏ những ngăn trở để chúng ta có thể cất đi những gánh nặng trên vai các em. Khi làm như vậy chúng ta giúp các em được tự do trở nên người mà Thượng Đế muốn.
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA THIẾU NHI LIÊN HỆ ĐẾN CƠ ĐỐC GIÁO DỤC
Dưới 2 tuổi:
- Thấy và để ý cha mẹ, thầy cô giáo dùng Kinh Thánh.
- Biết Kinh Thánh qua sự tiếp xúc với những người sống với lời Chúa.
- Có thể nghe được những bài hát, truyện tích hay những câu Kinh Thánh đơn giản.
- Bắt đầu biết Kinh Thánh là quyển sách đặc biệt nói về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu.
- Qua tình thương và sự chăm sóc của người lớn có thể biết được tình thương và sự chăm sóc của Chúa.
- Bắt đầu thấy sự liên hệ giữa tên Chúa Giê-xu với Kinh Thánh.
- Bắt đầu phát triển lòng tin cậy nơi Chúa.
- Bắt đầu biết cầu nguyện.
- Biết Chúa Giê-xu là người dạy về Đức Chúa Trời, giúp đỡ người khác, thương yêu trẻ em.
3-5 tuổi :
- Biết Kinh Thánh là quyển sách quan trọng.
- Biết nghe chuyện tích Kinh Thánh nói về những nhân vật cố gắng sống đẹp lời Chúa.
- Nhận biết những chuyện tích quan trọng nhất trong Kinh Thánh là nói về Chúa Giê-xu.
- Có thể nói và hát những câu Kinh Thánh.
- Thích những sách về chuyện tích Kinh Thánh có hình.
- Quan sát người lớn dùng Kinh Thánh.
- Bắt đầu có cảm giác tuỳ thuộc vào Chúa như là con với Cha.
- Biết hỏi những câu hỏi đơn giản về bản tính của Chúa, sự chết, sự sinh ra...nhưng chưa có thể diễn tả bằng lời những ý tưởng trừu tượng.
- Biết tha thứ và làm hoá với người khác.
- Biết thờ phượng.
6-8 tuổi:
- Bắt đầu biết Kinh Thánh là quyển sách giúp chúng ta biết về Chúa.
- Biết Kinh Thánh có hai phần: Cựu và Tân Ước.
- Bắt đầu hiểu một vài phân đoạn Kinh Thánh.
- Biết học cách để tìm một số phân đoạn Kinh Thánh.
- Nhận biết những chuyện tích và những câu Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta yêu thương và chăn sóc nhau.
- Chấp nhận dễ dàng những điều được dạy về Chúa, bắt đầuhỏi nhữngcâu hỏi “tại sao,” “thế nào.” Tuy nhiênchưa thể suy nghĩ bằng lý luận về Chúa và chưa diễn tả những cảm giác bằng lời nói.
- Có thể tự cầu nguyện bằng những câu ngắn.
9-11 tuổi:
- Biết dùng Kinh Thánh trong việc hoạc hỏi và thờ phượng.
- Nhận thức về sự liên hệ giữa lời dạy của Kinh Thánh và mối tương quan với Đức Chúa Trời.
- Tìm hiểu ý nghĩa những phân đoạn Kinh Thánh bằng sự học hỏi và thảo luận.
- Biết sử dụng bản mục lục để tìm những sách trong Kinh Thánh.
- Làm quen với những phần trong Kinh Thánh (Các sách Luật pháp, các sách Phúc Âm...)
- Có thể học để học để biết Kinh Thánh đượchình thành như thế nào.
- Có thể dùng những bản dịch khác nhau trong Kinh Thánh.
- Có thể dùng những sách tham khảo đơn giản để học Kinh Thánh.
- Có thể đặt những câu hỏi sâu hơn về Chúa
- Liên hệ những điều Kinh Thánh dạy với những quyết định điều nào nên làm hay không nên làm.
- Có thể diễn tả những ý tưởng tôn giáo bằng lời nói.
- Biết tìm hiểu về ý nghĩa sự làm môn đồ của Chúa.
(Trích “As Children Grow” an interpretive leaflet, Copyright 1984 by Graded Press).
III. NHỮNG YẾU TỐ CẦN LƯU Ý
1. Nguyên tắc đồng nhất và sỉ số học viên
Các học viên sẽ dễ liên kết nhau và học hỏi cách hiệu quả khi họ có cùng chung khả năng và nhu cầu với nhau trong một nhóm. Điều này được đặt cơ sở trên nguyên tắc đồng nhất. Chương trình giáo dục của Hội Thánh cần lưu ý đến nguyên tắc này khi thành lập các nhóm . Mặc dù mỗi em có nhịp độ phát triển về thể chất , trí lực , cảm xúc và tâm linh khác nhau nhưng mỗi em đều phải trải qua những giai đoạn phát triển theo cùng một trình tự như tất cả các em khác . Các thầy cô có thể đáp ứng những nhu cầu của học viên nhiều hơn trong một nhóm đồng nhất . Vì thế chúng ta nên chia các em theo những nhóm tuổi sau đây :
Lớp mẫu giáo : 2và 3 tuổi
Lớp chuẩn bị đến trường : 4 và 5 tuổi
Lớp tiểu học : 6 , 7 và 8 tuổi
Lớp trung học cấp I: 9 , 10 và 11 tuổi
Một giáo viên có thể hướng dẫn 6 em cho lớp mẫu giáo ; 8 em cho lớp chuẩn bị đến trường ; mười em cho lớp tiểu học ; và 12 em cho lớp trung học cấp I. Số học viên của lớp không được nhiều hơn 20 đến 25 em . Trong trường hợp một lớp chuẩn bị đến trường có 24 em , thì sẻ có một giáo viên và 2 trợ lý . Thanh niên lớn tuổi thường giữ vai trò trợ lý rất tốt .
Để điều hành một nhóm đông học viên , chúng ta có thể chia thành những nhóm nhỏ nếu có một phòng rộng rãi . Cũng có thể sử dụng sân bên ngoài . Cần tìm những cơ sở rộng lớn hơn . Cầu nguyện về vấn đề này và hãy để Thánh Linh hướng dẫn bạn . Hãy làm hết sức mình trong mọi hoàn và tin cậy của Đức Chúa Trời là Đấng sẻ ban cho bạn điều cần thiết
Trong sinh hoạt thiếu nhi, việc chia nhóm các em theo phương thức phát triển đồng nhất có những ích lợi như sau:
a. Mỗi cá nhân trong nhóm có thể chia xẻ được những đặc điểm tương tự.
b. Thầy cô có thể đáp ứng những nhu cầu của học viên.
c. Học tập có hiệu quả hơn trong những nhóm như vậy.
d. Bản thân các em sẽ liên kết với nhau tốt hơn.
2. Các em có thể học hỏi được gì về Đức Chúa Trời?
Có những mức độ hiểu biết phù hợp với từng giai đoạn phát triển của các em. Về phương diện trí năng, các em sẽ tuần tự qua những thời kỳ: tiền nhận thức (từ 2 đến 7 tuổi), khái niệm cụ thể (từ 7 đến 11 tuổi), và khái niệm trừa tượng (từ 11 đến 15 tuổi). Trách nhiệm của thầy cô là giảng dạy chân lý qua một hình thức nào đó mà học viên của mình hiểu được. Thông thường các em ít quan tâm đến việc nghe “Lời Đức Chúa Trời” là vì ngôn ngữ khó quá hoặc khái niệm vượt qúa khả năng hiểu biết của các em. Những khái niệm về Đức Chúa Trời, Chúa Cứa Thế, Thánh Linh, Thánh Kinh, Hội Thánh, cầu nguyện, công dân tốt, quan hệ gia đình, sự phục vụ, truyền bá Phúc Âm.v.v.., các em chỉ có thể hiểu trong một mức độ nào đó. Tuynhiên chúng ta cũng cần nhớ lại nguyên tắc về Kinh Thánh “hàng theo hàng” (EsIs 28:10). Đứa trẻ không cần phải biết tất cả chân lý ngay. Chân lý phải được trình bày trong một cách thức có ý nghĩa thành chuỗi nối tiếp nhau qua nhiều năm tháng.
Chúng ta có thể dạy các em về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu như sau:
Mẫu giáo
Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta
Chúa Giê-xu muốn trò chuyện với ta
Chúa Giê-xu là một người bạn
Chúa Giê-xu yêu thương chúng ta
Trước tuổi đi học
Đức Chúa Trời yêu thương ta và những bạn khác
Đức Chúa Trời luôn nghe lời cầu nguyện
Chúa Giê-xu đến để làm Cứu Chúa
Chúa Giê-xu chết cho ta
Tiểu học
Đức Chúa Trời yêu thương ta, gia đình và bạn hữu ta
Đức Chúa Trời muốn chúng ta cầu nguyện và đọcKinh Thánh mỗi ngày.
Chúa Giê-xu là con của Đức Chúa Trờ và Cứu Chúa.
Chúa Giê-xu muốn cất tội lỗi khỏi đời sống của chúng ta.
Chúa Giê-xu có quyền tha tội.
Trung học cấp I
Đức Chúa Trời yêu thương ta và muốn ta yêu mến Đức Chúa Trời.
Đức Chúa trời luôn đáp lại lời nguyện.
Lời cầu xin được chấp nhận, không chấp nhận hoặc phải chờ đợi.
Chúa Giê-xu chỉ dạy ta biết cách sống cho Đức Chúa Trời, vì cuộc sống thiện hảo của Ngài.
Như chúng ta thấy ở trên, những chân lý dạy cho em không phải là những chân lý dạy cho người lớn. Đứng hơn, đó là những phần của chân lý có thể hiểu được ở mức tuổi của các em. Không có thời kỳ nào trong cuộc đời mà tâm trí con người phát triển mau lẹ bằng thời thơ ấu. Là thầy cô dạy trẻ, chúng ta có một phần trách nhiệm trong việc hình thành tâm hồn các em.
IV. TRUYỀN GIÁO THIẾU NHI
1. Truyền giáo cho ai và khi nào?
Mặc dù Kinh Thánh không vạch rõ rằng các thiếu nhi là những tội nhân cần được một Cứu Chúa, nhưng hiển nhiên là các em được bao gồm trong tình trạng tội lỗi chung của nhân loại (xem RoRm 3:23; GiGa 14:6; Cong Cv 2:38; RoRm 10:9). Trong tình trạng đó, đòi hỏi nơi thiéu nhi cũng giống như đòi hỏi người lớn : đó là sự nhận biết và từ bỏ tội lỗi của mình và quay về với Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Đấng Christ cứu chuộc loài người. Ở độ tuổi nào thì một đứa trẻ hiểu được “sự hư mất” hay sự “xa cách Đức Chúa Trời”? Đó là độ tuổi mà các em dã có hiểu biết (14:12).
Tuổi hiểu biết các em có thể khác nhau vì sự phát triển trí năng và tinh thần tuỳ theo cách phát triển cá nhân. Trước độ tuổi này thì các em vô tội như các bé chưa sanh ra hay các em được sanh ra ới khuyết tật tâm thần. Chúa Giê-xu đã ví Nước Trời như những đứa trẻ này. Chúng ta tin rằng các em qua đời trước tuổi hiểu biết sẽ được Chúa đối xử độ lượng. Do đó, truyền giảng Phúc Âm trước độ tuổi này sẽ không mang lại kết quả trong việc hoán cải lâu dài vì trẻ còn quá trẻ để hiểu rõ ý nghĩa của tội lỗi, sự công nghĩa và sự xét đoán (GiGa 16:7-12)
2. Truyền giảng như thế nào?
Marjorie E. Soderholm trong quyển “Giải Thích Về Sự Cứu Rỗi Cho Trẻ Em” (Explaining Salvation to Children, Minneapolis, Minnesota: Free Church, 1962,pp. 10-14) đã đưa ra một số đề nghị nhằm giúp các thầy cô giới thiệu Phúc Âm cho các em như sau:
* Thầy cô nên giải thích rõ ràng những khái niệm về tình thương của Đức Chúa Trời, sự cần thiết phải có một Chúa Cứu Thế, ý nghĩa sự chết của Chúa Cứu Thế, sưng tội, sự ăn năn, sự tha thứ, và sự ban cho sự sống vĩnh hằng.
* Thầy cô nên giải thích những thuật ngữ mình sử dụng gồm cả những từ gắn gọn như tội, cứu, và nên dùng cách diễn đạt cho trẻ hiểu được.
* Thầy cô nên trích những câu Kinh Thánh nói đến sự cứu rỗi như 3:16; 3:36; RoRm 3:23, và 5:6. Thầy cô nên cho em nào có khả năng tự đọc những câu Kinh Thánh và sau đó giải thích cho các em hiểu.
* Thầy cô nên minh hoạ về tính chất đơn sơ của ơn cứu rỗi bằng cách dùng những câu chuyện Kinh Thánh như cuộc trò chuyện giữa Chúa Giê-xu với Ni-cô-đem (GiGa 3:1-36) người phụ nữ bên giếng nước (4:1-54) người què với Phi-ơ-rơ và Giăng (Cong Cv 3:1-26) Phi-líp và người Ê-thi-ô-pi (8:1-40) người cai ngục thành Phi-líp (16:1-40).
* Thầy cô phải nhờ cậy vào sự hành động của Thánh Linh để hướng dẫn các em đáp ứng với Phúc Âm, Phúc Âm được trình bày đúng đắn chính thực là lời mời gọi. Các em không nên đáp ứng vì bị áp lực hoặc ngoài ý muốn cốt để làm vui lòng thầy cô. Chỉ có những quyết định tác động bởi Thánh Linh mới chân thật.
* Thầycô nên khuyến khích các em đặt câu hỏi về sự quyết định bước theo Đấng Christ mà các em sắp thực hiện. Câu hỏi của các em phản ánh sự hiểu biết về hiểu biết về ý nghĩa của những việc các em sắp làm. Điều giúp thầy cô cụ thể hoá việc giới thiệu Kinh Thánh của mình.
V. NHỮNG HÌNH THỨC GIÁO DỤC
1. Kể chuyện
Kể chuyện là phương tiện truyền đạt mạnh mẽ. Kinh Thánh áp dụng chuyện kể rất nhiều để giảng dạy những chân lý thiêng liêng. Lớn nhỏ đều ưa thích những chuyện kể trong Kinh Thánh. Tuyện kể thu hút chúng ta, dạy chúng ta chân lý,và giúp chúng ta ghi nhớ chân lý, chẳng hạn chuyện Na-than và Đa-vít (IISa 2Sm 12:1-17) Người Con Trai Đi Hoang Trở Về (LuLc 15:11-31); Đa-ni-ên (Tất cả những câu chuyện về Đa-ni-ên); Ru-tơ (tất cả về Ru-tơ); Đa-vít và Sau-lơ (Insuline Sa-mu-ên 24 và 26).
a. Hình thành cơ cấu kể chuyện như thế nào?
Truyện kẻ gồm bốn phần chính: giới thiệu, thân bài, cao điểm và kết luận. Phần giới thiệu cho biết ai, lúc nào, ở đâu và những gợi ý cho điều sắp đến. Phần giới thiệu tạo sự chú ý và là điểm khởi đầu của câu chuyện. Thân bài là phần khai triển câu chuyện, gồm những hành động và tình tiết. Phần cao điểm đánh dấu đỉnh cao của các hành động và cho biết nguyên do của câu chuyện, đồng thời cho biết những lý do thật sự của những hành động của các nhân vật. Phần kết luận đúc kết câu chuyện và giải thích về những nhân vật chính yếu. Trong những câu chuyện kể cho các em, phần kết phải thoả đáng và dễ hiểu.
b. Lựa chọn các chuyện kể cho các em
Với bất cứ mục đích nào của bài học đưa ra, chúng ta cần lựa chọn một câu chuyện mà các em ưa thích. Cần tìm hiểu các em để biết các em thích những câu chuyện nào. Có thể tìm hiểu các em bằng cách chuyện trò với các em, đi du ngoạn với các em, ăn uống chung với các em, cầu nguyện với các em, thăm viếng các em tại nhà hoặc tại trường. Qua những knh nghiệm này, chúng ta sẽ biết phải lựa chọn và kể những câu chuyện nào mà các em ưa thích.
c. Những đề nghị cho việc kể chuyện có hiệu quả
Phải chắc chắn rằng câu chuyện đáp ứng được những mục tiêu của bài học. Không nên kể chuyện đơn thuần là để giải trí nhưng phải đạt được mục đích. Truyện kể phải thích hợp với lứa tuổi của các em để các em có thể nghe chuyện hiểu được. Bạn có thể thực tập kể chuyện trước giờ dạy. Nên nhớ rằng việc kể chuyện có hiệu quả là một nghệ thuật bạn có thể phát triển được qua việc thực tập. Lắng nghe khi người khác kể chuyện và rút ưu khuyết điểm cho họ. Quan sát xem giọng nói, nét biểu lộ trên mặt, và cử động của thân thể vì những điều này có tác dụng trên câu chuyện. Chẳng hạn, bạn không thể kể một câu chuyện vui với nét mặt u buồn được.
2. Sử dụng Kinh Thánh
Chúng ta đã thảo luận về nội dung và phương pháp trong bài học 3 và 4, nhưng cần muốn nhấn mạnh một lần nữa là các nhà giáo dục Cơ Đốc cũng phải quan tâm đến phương pháp dạy Kinh Thánh như là quan tâm về nội dung giảng dạy. Nội dung và phương pháp luôn gắn bó với nhau. Chúng ta đã xét đến những vấn đề như làm cách nào để các em hiểu được ngôn ngữ Kinh Thánh, làm cách nào để lựa chọn nội dung cho phù hợp, làm cách nào để nhớ được Kinh Thánh, và làm cách nào để có một lòng trung kiên đối với lời của Đức Chúa Trời. Đây là những vấn đề thuộc về phương pháp giảng dạy. Điều chúng ta nhấn mạnh ở đây là chúng ta sử dụng Kinh Thánh như thế nào cũng quan trọng như chúng ta dạy điều gì từ Kinh Thánh.
3. Âm nhạc
Giá trị của âm nhạc trong việc giáo dục các em.
Con người được tạo dựng để ca tụng Đức Chúa Trời. Có lẽ con người có thể ca ngợi Chúa tốt nhất qua âm nhạc, trẻ em khắp mọi nơi đều thích âm nhạc. Các em thích ca hát. Âm nhạc có giá trị trong việc giáo dục các em vì nhiều lý do. Trước hết âm nhạc tạo không khí vui tươi khiến các em thích tham gia các giờ nhóm lại và thờ phượng Đức Chúa Trời của Hội Thánh.
Âm nhạc cò là một phương tiện giáo dục tốt. Thường thì với một bài hát chúng ta dạy được nhiều hơn bất cứ phương tiện nào khác. Do đó những bài hát dành cho các em phải được tuyển chọn kỹ lưỡng về giá trị nội dung. Âm nhạc cũng có giá trị về việc truyền bá Phúc Âm. Khi âm nhạc lôi cuốn một đứa trẻ vào một buổi nhóm họp cũng sẽ giúp các em tiếp xúc trực tiếp với Phúc Âm. Âm nhạc sống động và nhằm gợi ca Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta truyền bá Phúc Âm cho những trẻ hư mất cách hiệu quả.
Âm nhạc cũng tạo nên những trạng thái khác nhau, thời gian tập trung chú ý của các em nhỏ ngắn ngủi - từ 10 đến 15 phút và tăng lên với lứa tuổi. Những bài hát được chọn và sắp xếp kỹ lưỡng sẽ tạo nên sự phong phú cho bài học cũng như giúp nhấn mạnh đến đề tài được giảng dạy. Và sau hết, âm nhạc làm cho học sinh tham dự vào bài học, vào tiến trình giảng dạy và học hỏi một cách tự nhiên. Ngoài việc giúp học sinh tham dự vào bài học, âm nhạc còn làm cho trẻ cảm thấy mình là một thành phần trong nhóm.
Âm nhạc trong công tác giáo dục thiéu nhi ở Hội Thánh.
Âm nhạc có thể được sử dụng trong nhiều sinh hoạt giáo dục cho các em như Trường chúa nhật, buổi nhóm thiếu nhi, a đoàn thiếu nhi, lớp Thánh Kinh mùa hè, truyền giáo thiếu nhi, hướng đạo thiếu nhiv.v... Chúng ta cần nhấn mạnh đến ca đoàn. Ca đoàn không phải là hình thức mới mẻ nhưng đã từng là một phần di sản phong phú của Hội Thánh qua hàng ngàn năm. Cần có những bài hát phù hợp với lứa tuổi các em chứ không phải các em hát những bài viết cho người lớn.
Ca đoàn thiếu nhi không chỉ đem lại lợi ích cho Hội Thánh nhưng đồng thời cũng đem lại lợi ích cho chính các em:
Ca đoàn giúp các em truyền bá Phúc Âm cho các bạn khác
Ca đoàn là phương diện giảng dạy và sự thờ phượng
Ca đoàn giúp để phát triển tinh thần
Ca đoàn tạo cơ hội cho các em phục vụ
Tóm lại các ca đoàn thiếu nhi cũng như các hình thức giáo dục âm nhạc khác đem lại những lợi ích lâu bền và những phần thưởng vĩnh hằng.
VI. GIỜ THỜ PHƯỢNG THIẾU NHI
Chúng ta đã đề cập đến các yếu tố giảng dạy, mục tiêu, nội dung, và phương pháp học. Bây giờ chúng ta tập trung vào việc thờ phượng Đức Chúa Trời mà công tác giảng dạy cần hướng đến. Theo quan điểm của các nhà giáo dục Cơ Đốc thì cho các em tham dự các buổi thờ phượng thiếu nhi là cách chuẩn bị tốt nhất cho các em tham dự giờ thờ phượng chung với người lớn
1. Thờ phượng thiếu nhi là gì?
Buổi thờ phượng thiếu nhi được lập ra cho lứa tuổi chuẩn bị đến trường và lứa tuổi cấp tiểu học (tuổi từ 4 đến 8). Các em tuổi mẫu giáo còn quá non nớt để hưởng lợi ích của buổi nhóm nhiếu nhi, còn các em lớp trung học cấp 1 thì đã lớn đủ để có thể tham dự giờ thờ phượng dành cho người lớn. Giờ thờ phượng thiếu nhi được tổ chức cùng một lúc với giờ thờ phượng dành cho người lớn sẽ tạo thêm lợi ích là cho phép các bậc cha mẹ thờ phượng Chúa không bị các con của họ quấy rầy.
Buổi thiếu nhi cũng bao gồm tất cả những việc như buổi thờ phượng của người lớn: hướng dẫn đến chỗ ngồi, đọc Kinh Thánh, hát ca ngợi Chúa, âm nhạc đặc biệt, dâng hiến, thông báo, làm chứng, cầu nguyện, và bài giảng. Nguyên tắc ở đây là giúp cho các em thực tập việc thờ phượng bằng cách để chính các em tham dự vào việc thờ phượng. Buổi thờ phượng thiếu nhi do người lớn điều khiển và phối hợp thì khác hẳn với giờ thờ phượng dành cho người lớn vì trong buổi nhóm thiếu nhi nhiều phần thường có tính chất dạy dỗ. Thí dụ như người lãnh đạo có thể hỏi: “Tại sao chúng ta dâng hiến?” hay “cầu nguyện là gì?” Sau giờ các em thờ phượng nên có những sinh hoạt có người giám sát cho các em khi buổi nhóm của người lớn chấm dứt.
2. Những điều cần nhớ khi soạn bài giảng cho thiếu nhi
- Bài giảng cho thiếu nhi phải thật sự là bài giảng, nghĩa là công bố Phúc Âm (dạy về Kinh Thánh)chứ không phải là một bài dạy luân lý.
- Nên nhớ là bài giảng thiếu nhi cho thiếu nhi. Những câu chuyện thường ngày và sứ điệp Phúc Âm cần nối kết cách thế nào để các em có thể hiểu được. Lời Chúa cần được trình bày bằng những từ ngữ, hình ảnh quen thuộc để trở nên gần gũi với kinh nghiệm của các em và thích hợp với từng lứa tuổi.
- Khi kể chuyện cần tôn trọng các em, tránh cười nhạo các em. Cười là điều cần thiết, nhưng là cươi vui với các em chứ không phải cười chế nhạo.
- Cần cho các em thấy rằng các em được Chúa và Hội Thánh yêu thương chăm sóc.
- Bài giảng cần được soạn thế nào để các em có thể tham dự vào, chẳng hạn nêu câu hỏi để các em trả lời, kích thích các em bày tỏ cảm xúc hồn nhiên của trẻ con.
- Người giảng có sáng tạo, trình bày tự nhiên, nhiệt tình sẽ làm cho bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn đối với các em.
- Những câu hỏi kích thích các em suy nghĩ và bày tỏ cảm xúc sẽ giúp các em tham gia tích cực hơn trong lúc giảng. Chẳng hạn câu hỏi mở đầu “Các em làm gì khi biết có cơn bão sắp tới?” sẽ đưa đến nhiều câu trả lời lý thú hơn là những câu hỏi chỉ cần trả lời “có” hay “không”.
- Sử dụng nghệ thuật kể chuyện để truyền đạt Lời Chúa cho các em. Nên dùng trợ huấn cụ liên hệ đến để gây thích thú và giúp các em nhớ lâu.
- Giáo dục trẻ em thì công tác đầy thích thú và ích lợi lâu dài. Hy vọng bạn sẽ được khích lệ với những điều bạn đã học được qua bài học này.
CÂU HỎI
Cho biết vị trí và vai trò của thiếu nhi trong mối liên hệ với Hội Thánh. Xin nêu lên một trong những phương cách mà chương trình giáo dục của Hội Thánh có thể giúp thiếu nhi tăng trưởng thuộc linh.
Xin cho biết ý kiến của bạn về việc sử dụng Kinh Thánh để dạy các em. Theo bạn, những nguyên nhân nào khiến các em thiếu quan tâm đến việc lắng nghe Lời Chúa? Làm cách nào bạn có thể giúp các em quan tâm đến việc học hỏi Kinh Thánh?
Theo bạn, một bài giảng cho thiếu nhi cần có những đặc điểm nào? Khi soạn một bài giảng cho thiếu nhi chúng ta cần dựa vào những nguyên tắc nào?
Trong việc giới thiệu Phúc Âm cho các em, những điều nào chúng ta cần giải thích rõ ràng? Vào tuổi nào thì chúng ta nên dạy các em về công cuộc cứu chuộc của Chúa Cứu Thế? Vào tuổi nào thì các em có thể được tái sanh?

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC CHO THANH THIẾU NIÊN
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THANH THIẾU NIÊN
Một nửa dân số thế giới ở lứa tuổi 20. Như tất cả mọi người, thanh thiếu niên cũng cần đến Chúa Cứu Thế. Họ là những người khát khao tìm kiếm chân lý và có ước muốn sống theo một lý tưởng nào đó. Cùng với lòng khao khát sự độc lập, thanh thiếu niên thường đối diện với những khủng hoảng trong cuộc sống. Áp lực từ mọi phía xui họ chọn lựa những tiêu chuẩn thế gian này vì những tiêu chuẩn thánh thiện của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không đem Phúc Âm đến với thanh thiếu niên, chắc chắn họ sẽ theo đuổi những thứ khác để tìm cách thoả mãn những khao khát của tâm hồn và có nguy cơ đi vào con đường tội lỗi.
Kinh Thánh xem tuổi thanh thiếu niên là thời kỳ có ý nghĩa Trong cuộc sống của từng cá nhân. Tiên tri Giô-ên đã nói về việc Thánh Linh đổ tràn trên người trẻ cũng như người già (Gio Ge 2:28). Nhiều phong trào của thanh niên đã thay đổi dòng lịch sử. Chủ nghĩa Marxist và những phong trào truyền giáo lớn trên thế giới đều là những phong trào của Thanh niên. Đa số những quyết định đến với Chúa Cứu Thế được thực hiện trong lứa tuổi 12 đến 21.
Thanh thiếu niên là thời kỳ thay đổi lớn trong đời người. Trước hết, sự thay đổi có thể nhận ra nhất là sự thay đổi về thể chất. Các cô gái trẻ trở nên phụ nữ và các cậu con trai thành những người đàn ông.
Sự thay đổi về nhận thức cũng xảy ra. Thanh thiếu niên suy xét từ cụ thể đến trừu tượng. Điều này được biểu hiện trong việc các thanh thiếu niên thường tỏ ra quan tâm đến sự hiện hữu và bản thể của Đức Chúa Trời . Do đó thanh niên thường là thời kỳ mâu thuẫn giữa “đứa bé người lớn” và “người lớn trẻ con” ở trong cùng một thân xác kề bên nhau.
Phát triển đạo đức xảy ra đồng thời với phát triển tài năng. Phát triển đạo đức có liên quan đến sự hoà hợp với những tiêu chuẩn về hành vi đúng. Thanh thiếu niên phải chọn lựa rất nhiều giữa những hành động đúng và sai.
Sự tăng trưởng thuộc linh là một tiến trình bắt đầu với việc tái sinh (IICo 2Cr 5:17) và tiếp tục cho đến khi thân xác sẽ bị hư nát (RoRm 12:1-2; Eph Ep 4:22-24; CoCl 3:10). Chúng ta đang dần dần dứt bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Tiến trình này được xem như sự thánh hoá. Khi nào chúng ta cảm thấy mất kiên nhẫn với thanh thiếu niên, chúng ta phải nhớ rằng Đức Chúa Trời vẫn còn đang hoàn tất công việc của Ngài trong cuộc đời họ.
Đời sống thuộc linh của chúng ta không phát triển biệt lập nhưng phát triển trong bối cảnh cộng đồng Cơ Đốc (Cong Cv 2:42-47; Eph Ep 4:11-16). Chúng ta cần được quan tâm trong tình bằng hữu Cơ Đốc. Điều này đặc biệt quan trọng trong lứa tuổi thanh niên khi các giá trị được dạy dỗ lúc còn bé hoặc sẽ được tiếp thu hoặc sẽ bị loại bỏ. Đó là lý do tại sao bối cảnh xã hội của tuổi trẻ có thể làm cho thanh niên lựa chọn những giá trị tốt hay xấu.
Qua những chương trình giáo dục thanh thiếu niên, họ có cơ hội để nhận biết lời giải đáp của Kinh Thánh trong việc tìm kiếm chân lý. Qua các chương trình thanh thiếu niên Hội Thánh có thể biểu lộ sự quan tâm đến nhu cầu đặc biệt của thanh thiếu niên và kết nối họ trong đời sống Hội Thánh. Chương trình thanh thiếu niên cũng cho phép họ tiếp xúc với những bạn khác phái một cách lành mạnh.
Sau đây chúng ta cần tìm hiểu những đặc điểm khác biệt giữa thiếu niên và thanh niên để có thể có phương cách giáo dục thích hợp.
THIẾU NIÊN (Youth, Teenager)
Thiếu niên là lứa tuổi từ 12 đến 18, lứa tuổi giữa trẻ con và người lớn. Họ không phải trẻ con cũng không phải người lớn!
A. Văn hoá thiếu niên (Youth Culture):
Văn hoá được hiểu như là những thói quen, lối sống, niềm tin, hệ thống giá trị, hình thức tư tưởng của một nhóm người hay một dân tộc trong một thời điểm nào đó.
I. Đặc điểm Văn hoá thiếu niên có những đặc điểm như sau:
1. Về thói quen : thích cảm giác mạnh, thích liều lĩnh, sống cho hiện tại hơn là suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, không suy nghĩ chín chắn về những hậu quả của việc làm.
2. Về niềm tin : có khuynh hướng lý tưởng hoá những nhân vật nổi tiếng (ca sĩ, tài tử xi-nê, các nhà thể thao)thành những khuôn mẫu. Niềm tin của các thiếu niên còn cạn cợt, ít sâu sắc.
3. Về hệ thống giá trị : Thường chịu áp lực, ảnh hưởng của bạn bè đồng lứa tuổi (peer pressure), ý kiến bạn bè quan trọng hơn cha mẹ.
4. Về lối suy nghĩ : Thường có những mâu thuẫn trong lối suy nghĩ, chẳng hạn tuổi thiếu niên thường thích vui đùa nhưng ít khi thấy thoả mãn, hạnh phúc, thích tìm sự tự do nhưng bao giờ cũng cảm thấy bị ràng buộc, thích di chuyển nhưng chẳng biết đi đâu. Tư tưởng, suy nghĩ của lứa tuổi này thường mơ hồ, lẫn lộn.
II. Phương pháp giáo dục
Với lứa tuổi thiếu niên, Cơ Đốc Giáo Dục cần:
1. Khai triển một triết lý giáo dục vững vàng đặt nền tảng trên Kinh Thánh, nhấn mạnh đến những yếu tố tạo thành văn hoá của lứa tuổi này (youth culture).
2. Phát huy những khía cạnh tích cực của lứa tuổi này. Người lớn không cần biến mình thành những thiếu niên nhưng cần tìm hiểu văn hoá (thói quen, niềm tin, hệ thống giá trị, lối suy nghĩ) lứa tuổi này để tìm một nội dung và phương pháp phù hợp.
3. Tìm hiểu văn hoá của lứa tuổi này trong môi trường hay khu vực đang sống, vì văn hoá thay đổi theo từng môi trường, từng khu vực
B. Đặc điểm tuổi Thiếu Niên
Lứa tuổi thiếu niên thường được chia thành hai giai đoạn, từ 12 đến 14 tuổi (junior high), 14 đến 18(senior high). Lứa tuổi này có một số đặc điểm như sau:
II. Thể xác
1. Đặc điểm
Thể xác phát triển nhanh chóng khiến các em có vẻ lúng túng.
Các em thích trang điểm, sửa soạn quần áo.
Cảm giác và bản năng tình dục phát triển và thường các em trai mạnh hơn các em gái.
2. Nguyên tắc giáo dục
Chấp nhạn cho các em trang điểm sửa soạn (nhưng đừng thái quá).
Chấp nhận tình trạng thể xác các em (thường tỏ ra vụng vè, lọng cọng) vì đây là cách Chúa sáng tạo. Xem Thi Tv 139:13-16.
Hướng dẫn các em về thái độ đối với thân xác. RoRm 12:1-3; ICo1Cr 6:19.
Giúp các em quan niệm thân xác như là phương tiện để thờ phượng Chúa.
II. Trí tuệ
1. Đặc điểm
Chưa phân biệt rõ giữa cái thực và cái tưởng tượng.
Đặc điểm giàu óc tưởng tượng từ thời thơ ấu vẫn còn lưu lại.
Có khuynh hướng thích phê bình, chỉ trích vì khả năng nhận thức trừu tượng, tính độc lập (không muốn lệ thuộc người khác) phát triển trong khi thiếu kinh nghiệm.
Thích tò mò, tìm hiểu, lý luận với những câu hỏi Cái gì? Tại sao? Thế nào? Các em thiếu niên lớn (Senior high) có khả năng nhận thức trừu tượng sắc bén hơn nên thích thảo luận hay tranh luận các vấn đề, thích suy nghĩ độc lập và thường thách thức những quan niệm có sẵn.
2. Nguyên tắc giáo dục
Giúp các em phân biệt giữa sự phê bình chỉ trích và sự đánh giá, nhận xét chân thành.
Dùng khả năng suy luận và đặt vấn đề của các em vào phương pháp giáo dục.
Thành thật về khả năng hiểu biết mình.
III. Xã Hội
1. Đặc điểm
Có nhu cầu tiếp xúc với xã hội bên ngoài như kết bạn, sinh hoạt cộng đồng.
Muốn được người khác để ý, muốn được chấp nhận, muốn được người khác thấy và thừa nhận những thành quả.
Khó vào khuôn khổ hoặc sống kỷ luật vì sự chấp nhận của xã hội (người khác) được coi là có giá trị hơn những tổ chức khuôn mẫu có thẩm quyền (nhà trường, gia đình, Hội Thánh...)
Các em có khuynh hướng độc lập, muốn tự quyết định khiến cha mẹ gặp nhiều khó khăn trong việc dạy dỗ con cái.
Tình bạn phát triển sâu đậm, đặc biệt các thiếu niên lớn bắt đầu biết tán tỉnh.
Dễ đồng hoá với bạn bè trong nhóm, nhất là cách ăn mặc,sử dụng ngôn ngữ...
Các em thiếu niên lớn muốn được nổi tiếng, muốn lãnh đạo người khác, nhất là giữa các em cùng lứa.
Có lòng quan tâm đến những người trong hoàn cảnh khó khăn.
2. Nguyên tắc giáo dục
Cung cấp tin tức dữ kiện, giải thích, làm gương để giúp các em có một thái độ xã hội đúng đắn trên nền tảng Kinh Thánh.
Chấp nhận con người các em, không nhất thiết là chấp nhận hành động.
Trình bày về Chúa Giê-xu như là mẫu người lý tưởng, gương mẫu trong nếp sống tương quan xã hội (với người khác)
IV. Cảm xúc
1. Đặc điểm
Các em thiếu niên nhỏ có cảm xúc bất thường vì sự phát triển các tuyến trong cơ thể, phản ứng của cảm xúc thường thay đổi nhanh chóng, thiếu tự chủ.
Các em thiếu niên càng lớn càng có khả năng tự chủ mạnh hơn.
Thường phản ứng bằng hành động (chẳng hạn rút lui, đánh đấm...) hơn là bằng lời nói.
Chủ quan trong việc đánh giá người khác.
Các em thường dễ chán và bỏ cuộc nếu không được khích lệ
Các em thiếu niên thường có khuynh hướng quỵ ngã, tự đánh giá cao về mình hơn thực sự.
Nhu cầu cảm xúc lớn nhất là cần được chấp nhận, nếu không sẽ đưa đến mặc cảm tự ti.
2. Nguyên tắc giáo dục
Tìm hiểu và nhận định phản ứng cảm xúc của các em theo từng lứa tuổi. Người hướng dẫn (thầy giáo hay cha mẹ) cần tỏ sự trưởng thành, chững chạc về phương diện cảm xúc của chính mình.
Chia xẻ lời dạy của Kinh Thánh về vấn đề tình cảm, tình dục, tình yêu, cảm xúc...
Dành thì giờ gần gũi với các em để tìm hiểu những nhu cầu cảm xúc của các em để đáp ứng hoặc hướng dẫn.
V. Tâm linh
1. Đặc điểm
Nhận thức và đáp ứng những vấn đề tâm linh khác nhau đối với từng em.
Vì chưa trưởng thành về nhận thức nên các em thiếu niên lớn vẫn còn lẫn lộn, chưa phân biệt được rõ ràng giữa cái đúng và cái sai.
Các em thiếu niên lớn bắt đầu hoài nghi về những vấn đề tâm linh và muốn đặt câu hỏi tại sao, thế nào.
Vì có khuynh hướng lý tưởng hóa nên thường đòi hỏi một Cơ-đốc giáo chân chính và thực tế.
Muốn thách thức, tra vấn về mặt tâm linh.
Nguyên tắc giáo dục:
Giúp các em khai triển những nguyên tắc Kinh Thánh và tập tành sự tin kính.
Sống với các em và làm gương mẫu về đời sống tâm linh.
THANH NIÊN (Youth Adult)
Thanh niên là lứa tuổi từ 18 đến 35. Đây là lứa tuổi của những quyết định có ảnh hưởng suốt cả đời sống. Mặc dầu những quyết định trong tuổi thanh niên sau này có thể chuyển hướng nhưng có ảnh hưởng rất lâu dài trên đời sống cá nhân. Trong lứa tuổi này các bạn trẻ có những lựa chọn và quyết định quan trọng như sau:
Quyết định về đức tin: Khi bắt đầu cuộc sống độc lập cũng bắt đầu tự quyết định về vấn đề đức tin.
Quyết định về hôn nhân: chọn nếp sống độc thân hay lập gia đình, chọn người bạn đời.
Quyết định về ngành học và nghề nghiệp: có những mơ ước tương lai.
Quyết định về những mối tương quan xã hội: hội đoàn, câu lạc bộ, nhà thờ, các sinh hoạt trong các ban, các nhóm...
Đối với lứa tuổi thanh niên, Cơ Đốc Giáo Dục cần nhấn mạnh đến việc hướng dẫn các bạn có một quyết định đúng đắn trong vấn đề niềm tin, nghề nghiệp, hôn nhân, xã hội. Ngoài sự cứu rỗi ra, có lẽ hôn nhân là quyết định quan trọng nhất của thanh niên. Giáo dục để chuẩn bị hôn nhân là điều cần thiết vì thanh niên cần chân lý Thánh Kinh hướng dẫn trong việc lựa chọn người bạn đời.
NHỮNG HÌNH THỨC GIÁO DỤC THANH NIÊN
Trong một cuộc thăm dò thực hiện cách đây vài năm, với gần 1000 thanh niên thường xuyên đi nhà thờ, khi được hỏi về mục đích hay ước muốn của học trong việc đi nhà thờ, những câu trả lời thường là:
Để có mối liên hệ mật thiết hơn với Đức Chúa Trời
Để dự những buổi nhóm nơi đó tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa Trời
Để học nói lên niềm tin của tôi một cách tự nhiên và thông minh.
Để nhận sự hướng dẫn về ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc sống.
Để học cách kết bạn và trở nên một người bạn
Để tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong đời sống.
Để được chấp nhận trong một nhóm mà mọi người thật sự quan tâm đến người khác.
Để được tự nhiên hơn khi tôi đến với những người khác.
Để học cách giao tiếp với những thành viên khác phái tính.
Để học hỏi những quan điểm Cơ Đốc về phái tính, hẹn hò và hôn nhân
Để phát triển khả năng quan tâm yêu mến những người khác hơn.
Cuộc thăm dò này cho thấy thanh niên ước muốn điều gì và đồng thời cũng cho thấy cấp lãnh đạo học hỏi được nhiều như thế nào khi lắng nghe Thanh niên. Những câu trả lời này có thể được phân loại theo năm hình thức giáo dục cho Thanh niên, đó là truyền bá Phúc Âm, học Kinh Thánh, thờ phượng, phục vụ Cơ Đốc, và dự bị hôn nhân.
TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM
Truyền bá Phúc Âm là kết quả của việc thờ phượng, sự giảng dạy và sự thông công. Nói cách khác, sự quan tâm đến người khác và việc truyền bá Phúc Âm bắt nguồn từ mối liên kết thật sự với Đức Chúa Trời và Hội Thánh của Ngài (Cong Cv 2:42-27). Việc truyền bá Phúc Âm xuất phát từ mối thông công lành mạnh. Không có những “con đường tắt” cho việc truyền bá Phúc Ám, vì thế chúng ta cần phải tiến hành từ một nền tảng vững mạnh.
Thanh niên cần được huấn luyện đặc biệt trong việc truyền bá Phúc Âm. Không phải tất cả thanh niên đều quan tâm đến việc làm chứng. Do đó, những người lãnh đạo thanh niên nên hướng nỗ lực của mình vào lĩnh vực này cho những ai quan tâm đến. Chọn lựa một nhóm để huấn luyện kỹ lưỡng về những điều căn bản của nếp sống Cơ Đốc , phát triển mối thông công, cầu nguyện, và cách làm chứng. Dùng phương thức nhóm nhỏ hay nếu có cơ hội, chia thành nhiều đôi. Đây là cach thức Chúa Giê-xu huấn luyện môn đồ của Ngài (Mat Mt 10:1; 5:20; LuLc 10:1).
Những người lãnh đạo thanh niên cần phải đối phó với những nan đề liên quan đến việc làm chứng. Những nan đề bao gồm việc không có năng lực để làm chứng, sợ bị chế giễu, không biết cách thực hiện, thiếu tiếp cúc với những người chưa tin Chúa... Giải quyết được những vấn đề này, thanh niên sẽ quan tâm hơn đến việc truyền bá Phúc Âm.
Nhiều phương cách khác nhau có thể được dùng trong việc truyền bá Phúc Âm. Chẳng hạn những buổi nhóm ngoài trời, thăm viếng, những ca đoàn đi đây đó, trình diễn âm nhạc, phim Kinh Thánh, những trung tâm thanh niên, quán giải khát, họp mặt cuối tuần, nhóm học Kinh Thánh, diễn đàn trong đại học, nhóm cầu nguyện. Nhiều thanh niên Cơ Đốc cảm thấy dễ chịu khi làm chứng cho trẻ em hơn là làm chứng cho những người đồng trang lứa. Có rất nhiều cơ hội để làm điều này. Họ phải được khuyến khích và huấn luyện để tận dụng những cơ hội này.
HỌC KINH THÁNH
Học Kinh Thánh có thể thực hiện trong nhiều cách, nhưng chúng ta cần chú tâm và nhóm nhỏ, thân mật. Những nhóm nhỏ khi được giới hạn không quá 20 người sẽ trở thành thân mật, thời gian và địa điểm họp mặt dễ uyển chuyển. Các nhóm nhỏ thường được hướng dẫn do một người được chỉ định bởi Mục sư hay ban Cơ Đốc Giáo Dục của Hội Thánh. Những đề tài học tập và những sinh hoạt nhóm thường do các nhóm tự hoạch định và điều hành. Những nhóm học tập này nhằm hướng dẫn đời sống thuộc linh, xây dựng đức tin, phát triển việc học tập tốt và noi theo những gương mẫu đạo đức, đề ra một mục đích để sống, tạo mối thông công vô điều kiện, tạo những cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với những người khác giới tính trong một khung cảnh lành mạnh, và giúp thanh niên trở nên những gì Đức Chúa Trời muốn nơi họ.
THỜ PHƯỢNG
Trong GiGa 4:23-24, cóhai điều kiện để thờ phượng đúng đắn mà Chúa Giê-xu đã nói, đó là “trong Thánh Linh và trong Chân Lý”. Điều kiện thứ nhất “trong Thánh Linh” đòi hỏi người thờ phượng ý thức rằng thờ phượng bản chất là thuộc về tâm linh. Chính tâm linh của chúng ta tương giao với Đức Chúa Trời là Thần. Phương diện tâm linh của việc thờ phượng buộc chúng ta phải có thái độ hay trạng thái tinh thần đúng đắn. Điều kiện thứ nhì “trong Chân Lý” nói lên nội dung của việc thờ phượng. Chân Lý giúp chúng ta thấu hiểu bản chất và phẩm tính của Đức Chúa Trời để chúng ta biểu lộ lòng sùng kính và biết ơn Ngài. Trong khi điều kiện thứ nhất gắn liền với việc chúng ta đến với Đức Chúa Trời bằng cách nào, thì điều kiện thứ nhì nói đến chúng ta làm gì khi đến với Đức Chúa Trời. Thanh niên có khả năng thực hiện hai điều kiện này.
Chúng ta cần nhấn mạnh rằng Thanh niên nên tham dự giờ thờ phượng chung cũng như giờ thờ phượng dành cho Thanh niên. Giờ thờ phượng của thanh niên khác với buổi nhóm thiếu nhi về mức độ cần có sự giám sát và hướng dẫn trực tiếp, và khác với buổi nhóm dành cho người lớn vì có sự tham gia và kết hợp của cử toạ nhiều hơn. Sau đây là một số đề nghị cho việc thực hiện chương trình thờ phượng của Thanh niên.
1. Phối hợp nhiều yếu tố thờ phượng
Điều này có thể được hoàn thành bằng cách chọn lựa một đề tài được nói đến trong lời cầu nguyện khai lễ, đọc Kinh Thánh, âm nhạc, và bài giảng. Một đề tài như thế sẽ làm tăng thêm hiệu quả việc thờ phượng, đồng thời sẽ làm cho diễn tiến trôi chảy hơn. Hãy nhờ chính Thánh Linh là Đấng phối hợp tuyệt hảo. Ngài muốn ghép những mãnh rời hợp lại với nhau trong một tổng thể có ý nghĩa.
2. Nhấn mạnh đến phương diện thờ phượng hướng thượng
Chúng ta đặt trọng tâm và Đức Chúa Trời . Ngài là trung tâm để thờ phượng. Buổi thờ phượng của thanh niên không phải là buổi thực tập thờ phượng nhưng là sự thờ phượng đích thực. Chúng ta cần nhớ rằng tất cả việc thờ phượng là chuẩn bị cho chúng ta về những thực tại vĩnh cửu.
3. Chuẩn bị thận trọng
Các buổi nhóm nên trù tính ít nhất trước một tuần lễ để các thanh niên phụ trách buổi nhóm có thời gian chuẩn bị. Dĩ nhiên, điều quan trọng trong việc chuẩn bị là cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện cho mỗi buổi nhóm xin Thánh Linh hành động trong mỗi tiết mục và trong mỗi đời sống.
4. Khuyến khích tham dự
Thờ phượng không phải là chỉ đến để quan sát. Hãy làm cho mọi người tham dự vào càng nhiều cách càng tốt. Abraham Lincoln, Tổng Thống Hoa kỳ vào thời kỳ đầu, đã một lần mô tả chính quyền là “bởi dân, vì dân, của dân”. Cũng vậy buổi thờ phượng thanh niên phải được điều khiển bởi thanh niên, dành cho thanh niên và bao gồm thanh niên.
5. Bao gồm sự đa dạng
Ở đây chúng ta xét đến sự đa dạng của các hình thức buổi sinh hoạt và sự phân bổ trách nhiệm. Cần giữ cho giờ thờ phượng sống động. Khuyến khích nhiều người khác chia xẻ lời chứng, luân phiên đọc Kinh Thánh, sử dụng nhiều người phụ trách âm nhạc, mời nhiều diễn giả thuyết trình, tạo cơ hội cho người đến dự chọn lựa một vài bài hát.
6. Cố vấn sinh hoạt Thanh niên
Trách nhiệm của huấn luyện viên không phải là tự anh ta chơi trò chơi nhưng là giúp đỡ những người khác chơi. Anh ta dẫn dắt bằng cách hướng dẫn từ bên ngoài, không tham dự vào. Đây là phương thức lãnh đạo của cố vấn thanh niên. Phương thức này thật sự cho thấy có nhiều ảnh hưởng hơn là hình thức lãnh đạo trực tiếp.
PHỤC VỤ CƠ ĐỐC
Phục vụ Cơ Đốc là một yếu tố quan trọng về giáo dục thanh niên. Điều này liên quan trực tiếp đến việc truyền giáo và sự hầu việc Chúa. Chúng ta không thể nói về điểm này mà không đề cập đến hai điểm kia. Chẳng hạn như, một lãnh vực của sự hầu việc Chú là dâng tiền để yểm trợ những chương trình truyền giáo. Nhưng Kinh Thánh cho thấy rõ rằng sự hầu việc Chúa trong ý nghĩa rộng lớn nhất là dâng đời sống cho Chúa. Do đó, sử dụng thời giờ, tài năng và tiền bạc của mình là ba thành phần cơ bản của sự hầu việc Chúa. Đây cũng là những thành phần cơ bản cho việc phục vụ Cơ Đốc và truyền giáo.
Trước hết những người cố vấn hay bảo trợ thanh niên phải quan tâm đến việc truyền giáo. Họ phải yểm trợ toàn bộ chương trình truyền giáo của Hội Thánh.
Thứ nhì, Hội Thánh phải lo việc giáo dục truyền giáo thông qua những sinh hoạt của Hội Thánh như trường Chúa nhật, các nhóm thanh niên, và những nhóm thiếu niên khác.
Thứ ba, Hội Thánh nên nhấn mạnh rằng phục vụ truyền giáo là đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời cho dù phục vụ ở quê nhà hay xứ người. Thanh niên cần được khích lệ để tận hiến cuộc sống mình cho Đấng Christ và luôn luôn sẵn sàng phục vụ Ngài.
Thứ năm, phải nỗ lực làm cho Thanh niên chú tâm đến những sinh hoạt truyền giáo trong khu vực, làng mạc, hoặc khu phố tại địa phương của họ.
Và sau hết, chúng ta phải bảo đảm rằng thanh niên hiểu rõ động cơ thúc đẩy thật sự để truyền giáo là đưa những người hư mất đến với Đấng Christ. Chúng ta tham gia truyền giáo vì tình yêu Đức Chúa Trời ban cho đối với những người hư mất. Tình cảm tự tôn hoặc thương hại không phải là thái độ của chúng ta trong việc quan tâm đến truyền giáo.
Một số công tác phục vụ cho các nhóm Thanh niên có thể kể ra như sau:
a.Trong Hội Thánh địa phương
Phụ giúp lau dọn sạch sẽ Hội Thánh
Phụ giúp Mục sư những việc lao động cá nhân để ông ta có thời giờ hơn cho giáo dục.
Phụ giúp các thầy cô trong buổi nhóm thiếu nhi
Giúp đỡ sửa chữa và bảo trợ cơ sở Hội Thánh.
Giúp đỡ thiết lập hoặc phụ giúp trong nhà trẻ Hội Thánh.
Thành lập một ca đoàn Thanh niên
Tài trợ một chương trình giáo dục truyền bá Phúc Âm do Thanh niên thực hiện
Tài trợ đề án truyền giáo do Hội Thánh chỉ định
Chuẩn bị truyền đạo đơn và những bích chương cho Hội thánh
Cung cấp âm nhạc cho các buổi nhóm
Thăm viếng những người mới đến với Hội Thánh
b. Ngoài Hội Thánh địa phương
Thực hiện các công tác trong lao tù, bệnh viện,hay trường học
Gia nhập vào chiến dịch quét dọn cộng đồng
Phục vụ với tư cách người tư vấn hay nhân sự trong một trại Thanh niên.
Thành lập một toán truyền giáo và đi một vòng địa hạt hay tiểu bang của bạn.
c. Trong và ngoài Hội Thánh địa phương
Khởi sự lớp học Kinh Thánh trong khu vực
Phân phát giấy mời đến dự những buổi nhóm đặc biệt
Giúp đỡ khởi sự công tác trong những vùng không có Hội Thánh.
Phụ giúp trong lớp Kinh Thánh hè của Hội Thánh.
Phụ giúp lau dọn sạch sẽ và sửa chữa những Hội Thánh khác.
Thăm viếng, giúp đỡ những người già, giúp chuyên chở họ đến Hội Thánh.
Giúp thực phẩm, quần áo cho những nạn nhân thiên tai, hoả hoạn...
DỰ BỊ HÔN NHÂN
Có lẽ không có đề tài nào làm cho Thanh niên thích thú hơn là đề tài nói về tình yêu, chọn người bạn đời, và hôn nhân. Đây là điều rất tự nhiên. Lựa chọn người bạn hôn nhân đem lại những kết quả quan trọng trong đời sống. Hầu hết niềm an ủi và hạnh phúc trần thế của một người sẽ được quyết định qua sự lựa chọn người bạn hôn nhân của người đó. Lời Đức Chúa Trời nói đến rất nhiều về đề tài này. Thanh niên không nên đợi cho đến một vài tuần trước đám cưới của họ để nghe Lời Đức Chúa Trời nói gì về hôn nhân. Thanh niên có rất nhiều câu hỏi liên quan đến sự tỏ tình, chọn người bạn đời, và hôn nhân. Nếu chúng ta chịu bỏ thời gian ra với họ, trả lời các câu hỏi của họ, và nói lên mối quan tâm của họ, thì họ sẽ được phước hạnh, Hội Thánh sẽ được ích lợi, và vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ được mở rộng. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp các bạn thanh niên tìm hiểu về vấn đề này.
Kinh Thánh nói gì về những người tin Chúa lập gia đình với người không tin?
Giả như bạn không thích sự lựa chọn của cha mẹ về người bạn đời thì sao?
Việc chúc phước của cha mẹ quan trọng như thế nào?
Bạn có nên lập gia đình với người mà cha mẹ không bằng lòng?
Những đức tính nào tôi nên tìm kiếm ở người bạn hôn nhân?
Người bạn nào tôn nên tìm hiểu?
Trong thời kỳ tán tỉnh chúng ta nên đi đâu?
Đến mức độ nào chúng ta nên hạn chế việc chuyện trò tán tỉnh để dành thời giờ cho sinh hoạt thanh niên.
Trong những điều kiện nào một nam một nữ có thể gặp nhau một mình?
Điều gì tạo thành một hôn nhân và gia đình Cơ Đốc?
Việc tìm hiểu có thể bắt đầu vào tuổi nào?
Việc tìm hiểu nên kéo dài bao lâu?
Tuổi nào tốt nhất để lập gia đình?
Tôi có nên chờ đợi đến khi xong việc học vấn mới lập gia đình?
Người Cơ Đốc có nên chọn sống độc thân không?
Một đám cưới công khai trước Hội Thánh cần thiết như thế nào?
CÂU HỎI
1. Những câu Kinh Thánh sau đây nói gì về thanh thiếu niên?
Thi Tv 71:5, 17; 119:9; ChCn 5:18; TrGv 11:9; 12:1; Gio Ge 2:28; Cong Cv 2:17; ITi1Tm 4:12; Tit Tt 2:4.
2. Sự tăng trưởng thuộc linh liên quan đến điều gì? Tại sao cộng đồng Cơ Đốc là môi trường cần thiết cho sự tăng trưởng thuộc linh?
3. Mô tả phương pháp huấn luyện cho việc truyền bá Phúc Âm mà Chúa Giê-xu sử dụng. Cho biết vài phương thức thanh niên có thể sử dụng để truyền bá Phúc Âm cho người khác?
4. Những cầu hay phân đoạn Kinh Thánh dưới đây nói gì về hôn nhân? Xin tóm tắt các ý chính. Eph Ep 4:17-32; ChCn 31:10-31; ICo1Cr 7:1-7; Mat Mt 19:10-12; Eph Ep 5:21-64; ITe1Tx 2:7, 11; IPhi 1Pr 3:1-7; Eph Ep 6:1-3; PhuDnl 5:16; ChCn 1:8; 6:20; 23:22; IICo 2Cr 6:14; HeDt 13:4; Mat Mt 19:3-6.

CƠ ĐỐC GIÁO DỤC CHO NGƯỜI LỚN
Người lớn đề cập ở đây gồm lứa tuổi tráng niên, trung niên và cao niên. Nhiều người trong Hội Thánh mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nhiều năm để phục vụ. Tuy nhiên, họ cần được khuyến khích và cũng cần được huấn luyện để phục vụ hữu hiệu hơn. Chúng ta không nên chểnh mảng công tác Cơ Đốc Giáo Dục cho người lớn tuổi trong Hội Thánh và trang bị họ cho công tác phục vụ.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI LỚN
Trên thế giới, người lớn kiểm soát chính quyền, kinh tế, lực lượng quân sự, trường học, và những hoạt động tôn giáo. Trong Hội Thánh, họ là thành phần quan trọng trong các sinh hoạt của Hội Thánh và đặc biệt trong chương trình giáo dục. Kinh Thánh cho thấy những người đầu tiên đến với Đấng Christ là những người lớn. Những người đầu tiên được trang bị để phục vụ Đấng Christ là những người lớn. Tân ước tập trung vào việc truyền bá Phúc Âm cho người lớn, rồi sau đó họ đem gia đình của mình đến với Đấng Christ (Cong Cv 16:28-34).
Có người cho rằng nếu đem trẻ em và thanh niên trở lại với Chúa thì thường cả gia đình cũng sẽ tin Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy trẻ em đã tin nhận Chúa thường không đứng vững, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên, nếu cha mẹ chưa tin Chúa. Người lớn giữ vai trò quan trọng trong đời sống gia đình cũng như việc nuôi dưỡng đức tin cho con cái.
Có ba quan niệm thường ảnh hưởng đến chương trình giáo dục của Hội Thánh:
Qua trẻ em để đem Phúc Âm đến với người lớn. Như chúng ta đã thấy, quan niệm này không phải là khuôn mẫu Thánh Kinh.
Vì khó đem người lớn đến với Chúa nên chúng ta phải nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ em và thanh niên trong các chương trình giáo dục của chúng ta. Quan niệm này cũng không đúng. Kết quả các công tác truyền giáo trên thế giới cho thấy thành phần tráng niên thường tin nhận Chúa với số lượng đông khi được truyền giảng một cách thích hợp.
Giáo dục Cơ Đốc phải thực hiện trong Hội Thánh. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng cho dù chương trình giáo dục của Hội Thánh có hiệu quả như thế nào cũng không thể thay thế cha mẹ trong việc giáo dục niềm tin cho con cái. Trong Kinh Thánh, gánh gặng giáo dục tôn giáo do gia đình gánh vác. Tuy nhiên công tác Cơ Đốc Giáo Dục không thể để cho gia đình gánh vác một mình. Hội Thánh, nhất là những người lớn, có trách nhiệm làm việc với gia đình của mình để sản sinh và nuôi dưỡng những đời sống Cơ Đốc trong Hội Thánh.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÀ NHU CẦU CỦA NGƯỜI LỚN
Những nhu cầu chung cho tất cả người lớn gồm những nhu cầu về thể chất như giấc ngủ, thức ăn, chỗ trú ngụ, vận động... Những nhu cầu tinh thần như mối liên hệ tốt với người khác, nhu cầu gia nhập hội đoàn, tổ chức. Người lớn thường được muốn thán phục, tôn trọng phát xuất từ sự coi trọng chính mình và cho mình là xứng đáng. Hầu hết những ý tưởng thế tục về vấn đề này không phù hợp với ý tưởng Kinh Thánh. Trng quan điểm Kinh Thánh, con người không xứng đáng nhưng cũng không vô giá trị. Chính vì giá trị Đức Chuá Trời đặt trên mỗi cuộc sống, chúng ta có thể cảm nhận sự quan trọng đích thực qua mối liên hệ thật sự với Đấng Christ.
Những người lớn tuổi thường có nhu cầu muốn được kết quả trong đời sống gíđình cũng như xã hội. Người Cơ-đốc cần ý thức nhu cầu quan trọnglà mở mang nước Đức Chúa Trời ở trần thế vàphát triển Hội Thánh của Ngài.
Nhucầu tình thương liên quan đén những mối quan hệ như hôn nhân, mối quan hệ cha con, tình bạn thân thiết, và sau cũng là mối quan hệ con người và Thượng Đế.
Những nhucầu tâm linh chỉ được thoả mãn trong mối liên kết chínhđáng với Đức Chúa Trời. Người ta có thể chối từ hay ngăn lại nhu cầu này, nhưng nó vẫn còn đó. Rao giảng Chúa Cứu Thế là phương cách để đáp ứng nhu cầu này của con người.
Mặc nhu cầu trên là chung cho tất cả người lớn, nhưng một số người lớn nhận ra một số nhu cầu này hơn một số nhu cầu khác tuỳ theo sự phát triển khác biệt giữa những lứa tuổi tráng nien, trung niên, hay cao niên.
Thời kỳ tráng niên là thời kỳ càng ngày càng độc lập với cha mẹ mình. Những tráng niên phải phát triển một hình ảnh rõ rệt về mình như một người lớn và cảm thấy có năng lực trong thế giới người lớn. Những biến cố quan trọng trong đời anh ta gồm việc lựa chọn người bạn hôn nhân, thiết lập và điều hành một mái nhà, tạo dựng một gia đình, và bắt đầu một nghề nghiệp.
Người trung niên có trách nhiệm với cha mẹ luống tuổi. Đời sống hôn nhân của anh trải quanhững sự điều chỉnh khi con cái của anh lớn lên và rời gia đình. Đây là thời kỳ chờ tuổi già à bắt đầu sự suy thoái. Càng về già, người lớn thường có khuynh hướng hướng về qua khứ.
Người cao niên phải thích ứng với cuộc sống hưu hạ, sự giảm lợi tức, thời giờ nhàn rỗi, cái chết của người phối ngẫu và bạn bè. Họ được giảm bớt trách nhiệm để được tự do vui hưởng cuộc sống. Tuỳ theo mức độ điều chỉnh mà thời kỳ cao niên có thể đem lại mãn nguyện, sự trưởng thành thuộc linh và gần gũi với Đức Chúa Trời, hoặc cũng có thể là thời kỳ suy sụp tiếp nối từ những năm trung niên.
Nhận biết được nhu cầu chung của tuổi người lớn cũng như nhu cầu cá biệt của từng người sẽ giúp chúng ta làm cho sứ điệp Phúc Âm thích hợp với họ hơn và đáp ứng những nhu cầu của họ một cách thoả đáng. Sự đóng góp quan trọng của giáo dục Cơ Đốc là giúp mỗi cá nhân ý thức được nhu cầu về mối tương quan với Chúa và cuộc sống vĩnh cửu của họ.
TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM
Truyền bá Phúc Âm là việc truyền đạt rõ ràng về Phúc Âm. Việc trình bày Phúc Âm cần bắt đầu với tính chất tuyệt đối thánh thiện của Đức Chúa Trời (IPhi 1Pr 1:15-16), sự phạm tội của loài người (EsIs 53:6; RoRm 3:23), sự xuống thế làm người của Chúa Cứu Thế (LuLc 2:9-14; GiGa 1:4), cái chết của Ngài như một sinh tế hoàn hảo để chuộc tội (1:29; EsIs 53:4-5; IICo 2Cr 5:21). Sự phục sinh vinh quang của Ngài (LuLc 24:1-8; KhKh 1:12-18) và chấm dứt với lời mời gọi sự ăn năn và đặt niềm tin và sự tuân phục nơi Chúa Cứu Thế (LuLc 14:26-27; Cong Cv 16:31).
Có thể truyền bá Phúc Âm cách “đại chúng” như tổ chức những buổi họp mặt ngoài trời do một nhà truyền giáo thuyết giáo và tín hữu trong Hội Thánh mời bạn bè đến. Có thể truyền bá Phúc Âm bằng cách phân phát truyền đạo đơn cho những người ngoài đường phố và đi đến từng nhà. Truyền bá Phúc Âm có thể theo hình thức quan hệ tình bạn. Nhiều người thấy truyền bá Phúc Âm qua tình bạn (friendship evangelism) thoải mái và phù hợp hơn trong Hội Thánh địa phương vì thực hiện trong những mối quan hệ bình thường.
Truyền bá Phúc Âm theo hình thức quan hệ bạn bè dựa theo những nguyên tắc sau đây. Thứ nhất, chúng ta phải hiểu rằng cuộc sống của chúng ta phải phản ảnh một cách chính xác Phúc Âm. Chính chúng ta phải là Phúc Âm trước khi chúng ta rao giảng Phúc Âm (IICo 2Cr 3:2). Thứ nhì, chúng ta phải kết bạn với những ai chưa được cứu rỗi (LuLc 7:34) vì sự quan tâm thật sự đến họ. Thứ ba, chúng ta phải nói cho họ về Phúc Âm đúng lúc. Thứ tư, nếu Hội Thánh là bối cảnh của việc truyền bá Phúc Âm, Hội Thánh phải thể hiện tốt tình trạng thuộc linh giữa vòng các tính hữu. Bất cứ sự tị hiềm hoặc chia rẽ sẽ làm hỏng việc truyền bá Phúc Âm.
Cần tạo những chiếc cầu dẫn đến cuộc sống của những người chưa tin Chúa một cách tự nhiên. Chẳng hạn Hội Thánh có thể đưa ra những chương trình và sinh hoạt với những đề tài có quan tâm đến cuộc sống thực tế như việc làm cha, mẹ, sự giao tiếp trong hôn nhân... Những người tin Chúa phải hiểu và tôn trọng những người khác. Nếu chúng ta lắng nghe những gì họ nói, chúng ta có thể giới thiệu Kinh Thánh một cách thích ứng hơn. Chúng ta phải phân biệt giữa Chân lý Thánh Kinh và tính tương đối của văn hóa. Cách ăn mặc kiểu tóc chỉ liên hệ đến văn hoá, không thể trở thành những vật chướng ngại trong việc tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Sau hết, chúng ta phải phát triển và vun trồng tình yêu Đức Chúa Trời đối với những người hư mất. Khi chúng ta liên hệ với người khác trong tình yêu, chúng ta thật lòng chú tâm đến họ như những cá nhân với nhu cầu cá biệt của họ.
GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
Mục đích của chương trình giáo dục gia đình là giúp đỡ phát triển nếp sống tâm linh của gia đình. Chương trình giáo dục gia đình đòi hỏi sự phối hợp giữa chương trình giáo dục của Hội Thánh và giáo dục trong gia đình.
Nguyên tắc thứ nhất của giáo dục này là Hội Thánh phải huấn luyện cha mẹ để thực hiện nhiệm vụ giáo dục tôn giáo cho con cái của họ. Cha mẹ phải học biết quan điểm Kinh Thánh về vai trò của họ, cách phát triển những thói quen học hỏi Kinh Thánh cá nhân và những kỷ năng lãnh đạo sinh hoạt đức tin trong gia đình. Họ phải hiểu biết những nhu cầu phát triển của trẻ em, thanh niên và cách thức giáo dục giới tính, rèn luyện tinh thần trách nhiệm và phục vụ. Họ cần phát triển ý thức cộng đồng với những cha mẹ Cơ Đốc khác về những tiêu chuẩn thông thường của cuộc sống gia đình và họ có thể đánh giá sự tăng trưởng thuộc linh và đạo đức diễn tiến trong gia đình
Nguyên tắc thứ hai là việc giáo dục của Hội Thánh phải liên kết với giáo dục của gia đình. Điều này liên quan đến việc phải thông tin cho các cha mẹ về những gì Hội Thánh đang làm. Cha mẹ phải yểm trợ những phương pháp giảng dạy của Hội Thánh và giúp đỡ con cái mình áp dụng những gì được giảng dạy tại Hội Thánh trong cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ phải giúp đỡ con cái mình đáp ứng lại với Đức Chúa Trời. Cha mẹ và thầy cô phải phối hợp trong việc phát triển tâm linh của đứa trẻ.
Nguyên tắc thứ ba là chương trình giáo dục của Hội Thánh phải được thực hiện để giúp đỡ hơn là gây cản trở hay thay thế việc giáo dục Cơ Đốc trong gia đình. Vì thế những người lãnh đạo Hội Thánh cần quyết định xem chương trình của Hội Thánh có thật sự tập trung vào gia đình hay không. Nếu không, những bước nào cần phải áp dụng để thực hiện được như vậy. Cũng phải sắp xếp những sinh hoạt của Hội Thánh sao cho thời gian dành cho cuộc sống gia đình được tối đa. Việc thực hiện một chương trình giáo dục gia đình sẽ tăng thêm sự vươn tới của việc truyền bá Phúc Âm. Người lớn sau khi đã hoàn tất tốt chương trình giáo dục với gia đình có thể xây dựng được những chiếc cầu với bạn hữu nhờ đó có thể đem Phúc Âm cho họ.
GIÁO DỤC CHO NHỮNG NGƯỜI LỚN ĐỘC THÂN
Những người lớn độc thân gồm những người lớn, đủ hạng tuổi, chưa bao giờ lập gia đình, đã ly dị, hay trong tình trạng goá bụa. Làm thế nào để chương trình giáo dục của Hội Thánh có hiệu quả đối với một nhóm như vậy?
Nhiều Hội Thánh thầy rằng trong các sinh hoạt nên hợp chung những người độc thân và có gia đình lại với nhau. Một số Hội Thánh tìm cách giáo dục những người này qua các chương trình dành cho quí ông và quí bà của Hội Thánh. Một số Hội Thánh có những nhân viên phụ giúp việc giáo dục riêng cho những người độc thân. Dù áp dụng phương pháp nào, chúng ta cần lưu ý những người độc thân có những lo âu, nhu cầu và mong ước riêng của họ. Những điều này phải được lưu tâm đến. Chúng ta cần mở rộng lòng mến khách theo Kinh Thánh đối với những người độc thân qua tình bằng hữu. Rất dễ bỏ qua những người độc thân nhất là khi Hội Thánh quá bận rộn với chương trình tập trung vào gia đình. Sự sơ suất như thế sẽ làm cho những người độc thân cảm thấy bị loại trừ, thậm chí thấy mình thấp kém. Cũng cần giao cho những người độc thân những công tác, chức vụ trong Hội Thánh hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ.
GIÁO DỤC NGƯỜI CAO NIÊN
Người cao niên thường có kiến thức, kinh nghiệm, và có khả năng sáng tạo. Lời Đức Chúa Trời nói rằng họ phải được kính trọng. Người cao niên thường cần sự cảm thông và giúp đỡ về mặt thể chất, tâm trí, tài chánh, xã hội, tình cảm, pháp lý, và tâm linh. Trong Nước Trời, người cao niên vẫn còn hữu ích hay có khi hữu ích hơn lúc họ còn trẻ. Nhưng để được nhiều hữu ích hơn, Hội Thánh phải tập trung vào những nhu cầu đặc biệt của họ. Chúng ta có thể xây dựng một chương trình cho người cao niên với những mục tiêu sau đây.
1. Một số người cao niên cảm thấy rằng công việc của đời họ hoàn tất và đây là thời gian để nghỉ ngơi thoải mái. Một số khác cảm thấy công việc của đời họ chưa bao giờ hoàn tất vì thế họ vẫn cứ bận rộn và lao động hữu ích cho đến ngày chết. Có những người lại ước mong cuộc đời khác đi, muốn có sức mạnh và của cải nhiều hơn nhưng lại đành cam chịu với những giới hạn của họ. Cũng có những người mà tuổi già của họ không có mục đích, vô nghĩa và nuối tiếc khi nhìn lại cuộc đời phí phạm, vô ích đã qua. Chúng ta giúp đỡ người cao niên sử dụng thì giờ trong cái nhìn về thời gian vĩnh cửu. Tuổi già không phải là để sống qua ngày cho biết cuộc đời nhưng là để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu (Thi Tv 90:12).
2. Giúp liên kết giữa những thế hệ bằng cách đem con cháu, cha mẹ và ông bà lại với nhau. Khi họ được đem lại gần nhau trong những chương trình hành động đánh giá và trong những đề án phục vụ, họ sẽ được biết nhau như những con người chứ không phải là các thành viên của một nhóm tuổi. Điều này giúp loại bỏ đi những định ý sai lầm của người lớn tuổi cho những người cao niên muốn không bị vướng bận với cuộc sống và các sinh hoạt của nó, họ không thể học hỏi, nếp suy nghĩ đã cố định và cơ bản là không thay đổi. Thật ra, không nhất thiết phải như vậy. Họ vẫn có nhu cầu và ước muốn tham gia vào công việc Chúa và kết quả.
3. Bởi vì Đức Chúa Trời giao phó cho người cao niên trách nhiệm “sống thánh thiện và giảng dạy” (Tit Tt 2:2-5) nên chúng ta phải khuyến khích họ thực hiện những trách nhiệm của họ. Họ cần được tham dự vào việc thờ phượng, giảng dạy, tình bằng hữu, và truyền giáo. Những ai không thể đảm nhận những chức vụ lãnh đạo vì cơ thể ốm yếu, thì nên được khuyến khích tham gia vào nhóm cầu nguyện. Những ai không thể tham dự giờ thờ phượng, thì cần được viếng thăm và giúp đỡ bằng tài liệu, băng ghi âm, điện thoại vv....
CÁC NHÓM PHỤ NỮ VÀ NAM GIỚI
Việc chia nhóm quí ông và quí bà đáp ứng những nhu cầu riêng biệt cho mỗi phái có những ích lợi đặc biệt. Khi sinh hoạt theo phải tính có những lợi ích riêng mà trong một nhóm cả nam lẫn nữ không có được. Tân ước nói đến một nhóm nhỏ phụ nữ, họp lại với lòng yêu mến Chúa (Mac Mc 15:41) và nói đến một toán những người phụ nữ cầu nguyện nhọm họp bên bờ sông (Cong Cv 16:13)
Những nhóm quí ông và quí bà nhằm mục đích:
1. Truyền bá Phúc Âm cá nhân
Xét đến việc chia xẻ Phúc Âm một người cho một người, thì đàn ông thường có thiện cảm hơn khi nghe một người đàn ông thay vì nghe một người đàn bà. Điều này cũng đúng cho quí bà. Sinh hoạt của nhóm quí ông và quí bà có thể có nhiều hình thức. Thường thì những sinh hoạt này thân mật, ngoài nhà thờ, và được tổ chức để tạo nên tình bạn. Mục tiêu vẫn là đàn ông đem đàn ông và đàn bà đem đàn bà đến với Chúa Cứu Thế.
2. Lãnh đạo những trẻ em và thanh niên
Những nhóm quí ông và quí bà có thể bảo trợ những nhóm thanh niên nam và nữ. Khi hướng dẫn lãnh đạo cho những nhóm thiếu nhi và thanh niên, thì quí ông và quí bà là khuôn mẫu có giá trị để giúp tạo nên cuộc sống các bạn trẻ. Nhóm quí ông hoặc quí bà có thể giúp giám sát những sinh hoạt đặc biệt, những cuộc đi chơi giải trí cho các em thiếu nhi nam hoặc nữ...
3. Những đề án phục vụ đặc biệt
Một số những sinh hoạt gây quỹ nấu nướng, may vá thì thích hợp với những nhóm quí bà. Việc sửa soạn và bảo trì tài sản Hội Thánh thì do nhóm quí ông lo liệu. Công tác thăm viếng nhà tù, bệnh viện, và những nơi khác có thể cả hai nhóm quí ông và quí bà đảm trách tuỳ thuộc vào tính chất của công tác.
4. Gây dựng
Trong những nhóm dành riêng cho quí ông hoặc quí bà, một số đề tại được tự do để bộc lộ và thảo luận hơn là trong một nhóm cả nam lẫn nữ. Trong những buổi cầu nguyện và chia xẻ quí ông quí bà có thể tìm ra cơ hội để quen biết nhau hơn, để chia xẻ những gánh nặng của nhau, và để hiểu thêm việc sống đạo Cơ Đốc.
NGƯỜI LỚN VÀ VIỆC HỌC KINH THÁNH
I. Nhu cầu học Kinh Thánh
Đáng tiếc là có nhiều tín đồ lớn tuổi biết rất ít về nội dụng Kinh Thánh. Những gì họ biết được thường là những câu chuyện Kinh Thánh quen thuộc họ còn nhớ từ khi còn nhỏ. Một thực tế là khi thành người lớn họ thường ít học hỏi lời của Đức Chúa Trời. Sau đây là một số lý do tại sao người lớn cần học hỏi Kinh Thánh.
1. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để tăng trưởng và nhận được sự hướng dẫn cho chính cá nhân họ.
Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam và Ê-và hoàn hảo theo nghĩa họ không có tội. Nhưng họ không hoàn hảo trong phương diện tăng trưởng thuộc linh. Mục đích của Đức Chúa Trời cho nhân loại ngay từ lúc khởi đầu là sự tăng trưởng thuộc linh. Phao-lô cho thấy “Chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đầng Christ” (Eph Ep 4:13). Kinh Thánh là sách chỉ dẫn của Đức Chúa Trời giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh. Những ai đọc và áp dụng Lời Chúa sẽ trở nên người mà Đức Chúa Trời mong muốn.
2. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để có thể dạy con cái của họ.
Dù muốn hay không, cha mẹ phải dạy cho con cái một điều gì đó. Vì vậy, họ cần được học hỏi để dạy và huấn luyện con cái của mình (6:4) Chuyên cần học hỏi Lời Chúa của cha mẹ cũng nêu gương tốt cho con cái trong việc này.
3. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để phát triển khả năng lãnh đạo trong Hội Thánh địa phương.
Hội Thánh cần những người lãnh đạo, những giáo viên Trường Chúa Nhật, những người làm việc cho thanh niên, vv... Họ là những người trưởng thành biết Lời Đức Chúa Trời. Những Mục sư và những nhà Cơ Đốc Giáo Dục phải giúp những người lớn trưởng thành thuộc linh và “có tài dạy dỗ kẻ khác” (IITi 2Tm 2:2)
4. Người lớn cần học hỏi Kinh Thánh để có thể chia xẻ Phúc Âm với người khác.
Trong Cong Cv 8:30-31 chúng ta thấy nói đến cuộc gặp gỡ giữa Phi-lip và một người Ê-thi-ô-pi. Phi líp hỏi anh có hiểu gì về phân đoạn Kinh Thánh anh ta đang đọc không, hoạn quan trả lời rằng: “Nếu chẳng ai dạy cho tôi, thể nào tôi hiểu được?” Chúng ta cần nhiều người biết Kinh Thánh như Phi-lip để có thể sẵn sàng chia xẻ Phúc Âm cho người khác.
II. PHƯƠNG PHÁP SOẠN BÀI HỌC KINH THÁNH
Khi soạn bài học Kinh Thánh thảo luận cho nhóm, người hướng dẫn cần:
Xác định đề tài, đại ý, mục đích, phân đoạn Kinh Thánh, câu Kinh Thánh căn bản của bài học.
Chia dàn bài (bố cục) hoặc nêu những ý chính
Tìm hiểu ý nghĩa phân đoạn Kinh Thánh và viết ra những ý chính cho từng phần của bài học.
Soạn câu hỏi thảo luận
Diễn tiến buổi học Kinh Thánh có thể phác hoạ như sau:
Cầu nguyện
Trình bày đề tài
Khai triển bài học
Áp dụng
Đúc kết
Cầu nguyện
III. CÁCH SOẠN CÂU HỎI THẢO LUẬN CHO BUỔI HỌC KINH THÁNH
Công việc chính của người hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh không phải là thuyết trình hay giảng dạy nhưng là hướng dẫn thảo luận. Vì thế người hướng dẫn nhóm học Kinh Thánh cần soạn trước những câu hỏi thích hợp để cùng học viên thảo luận bài học.
Có ba loại câu hỏi:
1. Câu hỏi về sự kiện (Fact questions) hay câu hỏi quan sát (observation questions):
Câu hỏi nhằm giúp học viên tìm hiểu tổng quát xem bản văn nói gì, vấn đề nào được nêu ra trong bản văn, bằng cách ghi nhận các sự kiện nổi bật được đề cập trong bản văn. Loại câu hỏi này cũng nhằm tìm ra những từ ngữ quan trọng, diễn tiến câu chuyện hoặc bố cục của bản văn. Câu hỏi sự kiện có thể dùng những chữ như: Ai? Việc gì? Ở đâu? Bao giờ? Bằng cách nào? Xin liệt kê...
2. Câu hỏi về ý nghĩa (meaning questions) hay câu hỏi giải thích (explanation questions) hay câu hỏi này tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện, câu nói, hay sự kiện nằm đàng sau các sự kiện. Loại câu hỏi này nhằm giải thích, khai triển, làm sáng tỏ ý nghĩa của những từ ngữ, câu nói, hay ý tưởng trong bản văn. Loại câu hỏi này có thể dùng những chữ : Tại sao? Thế nào? Có hàm ý gì? So sánh...? Tương quan nhau thế nào?
3. Câu hỏi áp dụng (Application questions):
Đối chiếu với hiện tại, trong cuộc sống xã hội, cá nhân Hội Thánh, gia đình.
Tìm ra những bài học áp dụng, chẳng hạn: Học được gì về Chúa? Gương nào nên theo? Gương nào nên tránh? Có lời hứa nào? ...
Dẫn học viên đến chỗ đáp ứng với Lời Chúa bằng sự cam kết, hứa nguyện, quyết định...
Các câu hỏi áp dụng có thể dùng những chữ: Làm thế nào để ...? Bí quyết nào giúp chúng ta...? Bạn học được điều gì qua...? Bạn có quyết định gì...
Những điều cần lưu ý khi đặt câu hỏi thảo luận:
Nên chia phân đoạn Kinh Thánh thành từng phần (bố cục) hoặc ý chính sau đó đặt câu hỏi cho từng phần hoặc từng ý chính.
Cần giữ quân bình ba loại câu hỏi trên. Những sự kiện dễ thấy không cần đặt câu hỏi, nếu có chỉ nhằm dẫn đến câu hỏi ý nghĩa.
Câu hỏi nhằm để học viên thảo luận và tìm hiểu, không phải để trắc nghiệm hay thử tài.
Câu hỏi cần khúc chiết, sáng sủa, dễ hiểu để tránh hiểu lầm.
Những câu hỏi đặt liên tục nhau cần mạch lạc, có ý tưởng liên tục, hợp lý.
Mỗi câu hỏi đều có mục đích rõ ràng, không phải hỏi bâng quơ và không ra ngoài phạm vi bài học.
Tránh những câu hỏi quá dễ không ai muốn trả lời.
Tránh những câu hỏi chỉ cần trả lời “có” “không” mà thôi. Những câu hỏi này nên đi kèm câu hỏi “tại sao” hoặc “xin giải thích”...
Nên đặt những câu hỏi phụ để làm sáng tỏ vấn đề hoặc trước khi đưa ra câu hỏi khó.
Các loại câu hỏi (sự kiện, ý nghĩa, áp dụng) có thể đặt xen kẻ nhau, không nhất thiết phải xong tất cả câu hỏi sự kiện hay ý nghĩa rồi mới đặt câu hỏi áp dụng.
Bài mẫu: VÂNG PHỤC ĐỂ CHIẾN THẮNG
Gios Gs 6:1-20
Mục đích: Khuyến khích chúng ta đồng tâm nhứt trí vâng lời Chúa để chiến thắng mọi trở lực và thực hiện chương trình của Đức Chúa Trời.
Câu căn bản: 6:16
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Thành Giê-ri-cô được phòng thủ ra sao? Chúa hứa điều gì cho dây y-sơ-ra-ên? Để nhận được điều Chúa hứa họ phải thi hành mạng lệnh nào? Chiến thuật tấn công Giê-ri-cô mà Chúa ra lệnh có hợp lý không? Dân chúng đã bày tỏ được những phẩm tính nào khi thực hiện một chiến thuật như thế?
Những “tường thành Giê-ni-cô” trong Hội Thánh và trong đời sống cá nhân chúng ta là gì? Bài học hôm nay dạy chúng ta phương pháp nào để triệt hạ những tường thành đó? Trong kinh nghiệm, bạn thấy Chúa đã dùng những cách “bất thường” nào để giúp bạn (chúng ta) chiến thắng những trở lực? Kinh nghiệm đó giúp bạn thế nào trong hiện tại?
CÂU HỎI
Cho biết người lớn tuổi nói chung có những đặc điểm và nhu cầu nào? Có những đặc điểm và nhu cầu khác biệt nào giữa lứa tuổi tráng niên, trung niên, và cao niên? Theo bạn công tác Cơ Đốc Giáo Dục cho những lứa tuổi này cần nhấn mạnh đến những điểm nào?
Sự thành lập các ban phụ nữ và nam giới trong Hội Thánh nhằm mục đích và ích lợi như thế nào, đặc biệt trong công tác Cơ Đốc Giáo Dục?
Việc học Kinh Thánh quan trọng thế nào đối với người lớn tuổi? Theo bạn phương pháp học Kinh Thánh nào là thích hợp và hiệu quả cho lứa tuổi tráng niên, trung niên và cao niên?
Xin bạn chọn một phân đoạn Kinh Thánh và soạn câu hỏi thảo luận (xem bài mẫu) cho một buổi học Kinh Thánh tráng niên.

Những bài hát Christian hàng đầu hiện nay là gì?

Những bài hát Kitô giáo hay nhất của ngày hôm nay..
Nước thánh. Chúng tôi là vương quốc. Chúng tôi là vương quốc. ....
Người chết đi bộ. Trại Jeremy. Trại Jeremy. ....
Chiến đấu cho tôi. Riley Clemmons. Riley Clemmons. ....
Chưa nhìn thấy nó. Danny Gokey. Danny Gokey. ....
Giải thoát. Lauren Daigle. Lauren Daigle. ....
Cạnh ghế của tôi. Tobymac. Tobymac. ....
Tên của bạn là sức mạnh. Kết xuất tập thể. ....
Tốt hơn. Pat Barrett ..

Bài hát Christian số 1 mọi thời đại là gì?

Đó là số 1 trên nhà ga của họ, như, sáu tháng, ở trên đó với 50 xu trong Câu lạc bộ DA và một số bài hát của J. Lo. "Kể từ đó, hãy tưởng tượng đã trở thành đĩa đơn Christian bán chạy nhất mọi thời đại, bán 2,5 triệu Các bản sao, theo Nielsen Music (bài hát duy nhất trong thể loại này đi gấp đôi bạch kim).Imagine has become the best-selling Christian single of all time, selling 2.5 million copies, according to Nielsen Music (the only song in the genre to go double platinum).

Bài hát Christian nổi tiếng nhất hiện nay là gì?

Danh sách phát nhạc Christian 2022 - Bài hát Christian hàng đầu 2022..
Xây dựng một chiếc Boatcolton Dixon ..
Chúa đang ở trong câu chuyện này Nichole, Big Daddy dệt ..
Sự tốt lành (kỳ công. ...
Trong tên Chúa Giêsu (Thần của có thể) Katy Nichole ..
Ai là người tôi fuller ..
Trái tim của Godzach Williams ..
Làm thế nào Fartasha Layton ..
Yêu tôi như tôi là Vua & Quốc gia ..

Mười bài hát Kitô giáo hàng đầu trong tuần này là gì?

Một danh sách phát cho 20 bản hit Christian lớn nhất trong tuần - được cập nhật hàng tuần !..
Tôi là ai [acoustic] ben fuller • Tôi là ai.....
Luôn luôn là tomlin • Hỡi Chúa, bạn xinh đẹp.....
Trái tim của Godzach Williams • Một trăm đường cao tốc.....
Good Lorddavid Leonard • Light a Fire.....
Chúa đang ở trong câu chuyện này Nichole & Big Daddy Dệt • Chúa ở trong câu chuyện này ..