Ai là kiến trúc sư xây dựng tử cấm thành

Nguyễn An [1381-1453] quê vùng Hà Đông [Hà Nội], là kiến trúc sư trưởng chỉ huy xây dựng Tử Cấm Thành cùng các công trình trị thủy trên sông Hoàng Hà thời nhà Minh ở Trung Quốc.

Vốn là người nổi tiếng thần đồng và có biệt tài về kiến trúc, ngay từ khi chưa đầy 16 tuổi, Nguyễn An đã tham gia xây dựng nhiều công trình kiến trúc tuyệt tác trong cung vua của nhà Trần.

Năm 1407, nhà Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly, xâm chiếm nước ta. Trương Phụ ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly còn bắt hơn 7.000 nghệ nhân đem về Trung Quốc. Trong số này, Nguyễn An, với tài năng kiến trúc, được Minh Thành Tổ Chu Đệ tin dùng.

Bấy giờ, vua Minh thấy thành Bắc Kinh quá nhỏ hẹp lại chưa vừa ý, nên giao cho Bộ Công xây dựng lại. Viên công bộ Thị lang là Thái Tin xin 18 vạn dân phu biết nghề và tốn phí về vật liệu không biết bao nhiêu mà kể. Vua nhà Minh thấy vậy đã ủy cho quan Thái giám Nguyễn An làm Tổng đốc công [Tổng công trình sư] xây dựng lại thành Bắc Kinh.

Tử Cấm Thành được xây dựng gồm 980 tòa nhà trên diện tích 720.000 m2. Ảnh: Northsouthtrave.

Theo sách Kinh thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ, Nguyễn An đã tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ Công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng. Điều đó có nghĩa từ vẽ đồ án, thiết kế, đào luyện thợ cho các hạng mục công trình đến chỉ đạo thi công đều do Nguyễn An phụ trách.

Việc xây dựng lại thành Bắc Kinh gồm các công trình sau: Nội thành xây dựng hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ và các công thự các ty. Ngoại thành có cửa Chính Dương có một chính lâu, ba gian nguyệt thanh lâu: cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triệu Dương, cửa Phụ Thành, cửa Đồng Trực, Tây Trực và cửa Đức Thắng, mỗi cửa có một chính lâu và một nguyệt thanh lâu. Ngoài các cửa đều dựng bi lâu. Góc thành phía tây dựng giác lâu.

Cùng với các công trình xây dựng ấy còn phải đào một hệ thống hào xây gạch thoát nước, làm 9 chiếc cầu đá qua hào dẫn vào thành. Khối lượng công việc rất lớn và phức tạp ấy đòi hỏi tổng công trình sư chẳng những có tài về chuyên môn mà phải có tài tổ chức chỉ đạo. Bộ Công xin 18 vạn thợ là dễ hiểu.

Bằng sự tính toán của mình, Nguyễn An chỉ xin 1 vạn binh đang có mặt ở kinh sư lúc đó và chỉ làm trong 3 năm chứ không phải làm 5 năm như Bộ Công yêu cầu. Điều đó khiến triều đình nhà Minh sửng sốt, không ít người tỏ ra nghi ngờ.

Song, bằng việc chỉ đạo chính xác, khoa học, toàn bộ công trình kiến trúc đồ sộ ấy đã được hoàn thành trong hơn 2 năm. Vua Minh xem Nguyễn An như một kỳ nhân, thưởng cho 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấn thóc, 1 vạn quan tiền.

Nguyễn An không chỉ là nhà kiến trúc đại tài, có công thiết kế, chỉ huy xây dựng cổ thành Bắc Kinh mà còn là chuyên gia trị thủy đại tài, có rất nhiều đóng góp trong các công trình trị thủy sông Hoàng Hà.  

Những trận lụt lớn vào các năm 1444 và 1445, vua Minh đều đặc phái Nguyễn An đến những nơi xung yếu chỉ huy việc trị thủy, để lại tấm gương lao động quên mình trong lòng hàng triệu người dân Trung Quốc.

Một trong những kiến trúc sư xây dựng Tử Cấm thành là người Việt Nam, thái giám Nguyễn An. Ảnh: Northsouthtrave.

Khi đê sông Hoàng Hà ở vùng Trương Thụ [Sơn Đông] bị vỡ, vua Minh lại phái Nguyễn An đi, chẳng may ông bị bệnh và mất dọc đường. Trước khi mất, Nguyễn An trăng trối “đem toàn bộ của cải của ông góp vào quỹ công, để phát chẩn cho dân ở những vùng bị lụt và những nơi ông đang đi mà chưa tới”.

Nhà sử học Trương Tú Dân, người từng làm việc tại thư viện Bắc Kinh của Trung Quốc đã có nhận xét về ông: “Nguyễn An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh.

Nguyễn An là người kiệt xuất, công với quốc gia không thể phai mờ... Tôi nghĩ, với Nguyễn An, không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên”.

Câu chuyện của kiến trúc sư thiên tài Nguyễn An là bài học nhắc nhở chúng ta rằng dù sống ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng là “Con Lạc Cháu Rồng”, giúp đỡ những người dân nghèo khó.

Trong số chủ nhật tuần trước, Báo SGGP có thông tin về vai trò của Nguyễn An, một người Việt Nam, trong quá trình xây dựng Tử Cấm Thành. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, bày tỏ sự quan tâm và tự hào. Nhưng trong đó, một số ý kiến ngạc nhiên là sự kiện rất đáng tự hào này tại sao đến nay chưa có nhiều người biết. Trước câu hỏi này, chúng tôi đã trao đổi cùng Giáo sư - tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, một nhà nghiên cứu văn hóa học, người đã đưa vấn đề này lên trang web www.vanhoahoc.edu.vn.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm

- PV:

Thưa giáo sư, bộ phim tài liệu của CHLB Đức cho thấy Nguyễn An có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng Tử Cấm Thành. Vì sao một người tài như vậy lại lưu lạc sang Trung Quốc và được các vua Minh trọng dụng?

GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM: Theo Minh Sử, vào tháng 12 năm Bính Tuất [1406] tướng nhà Minh là Trương Phụ đem quân sang An Nam với danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ”, giúp nhà Trần đánh nhà Hồ sau sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Trương Phụ bắt Hồ Quý Ly [Thượng hoàng] và Hồ Hán Thương [con trai thứ được Hồ Quý Ly truyền ngôi] đưa về đày ở Quảng Châu. Tháng 7 năm Đinh Hợi [1407], Trương Phụ sai tuyển chọn 9.000 người tài, có học vấn cao và 7.700 thợ giỏi đưa về Trung Quốc xây dựng kinh đô. Một số thanh niên tuấn tú, thông minh được tuyển chọn để thiến, đào tạo thành thái giám phục vụ trong cung. Trong số này có Nguyễn An.

Nguyễn An sinh năm Tân Dậu [1381], quê vùng Hà Đông, nổi tiếng thần đồng là người giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc, cương nghị và liêm khiết. Năm 1397, khi chưa đầy 16 tuổi, Nguyễn An đã có mặt trong các kíp thợ xây dựng các công trình kiến trúc tuyệt tác cung điện nhà Trần [đời vua Trần Thuận Tông]. Chính vì vậy, khi quyết định xây dựng Tử Cấm Thành, nghe tiếng Nguyễn An là có người tài kiến trúc lại liêm khiết, vua Minh Thành Tổ [niên hiệu Vĩnh Lạc] giao cho ông trọng trách là tổng đốc công xây dựng công trình này.

- Là một người Việt Nam, khi xây dựng Tử Cấm Thành chắc hẳn Nguyễn An đã đưa những tư duy văn hóa Việt vào công trình này. Theo giáo sư thì điểm nào thể hiện điều này rõ nét nhất?

Tử Cấm Thành có diện tích 72 vạn m2, gồm 800 cung và 8.886 phòng, được Nguyễn An thiết kế gồm một vòng cung hình chữ nhật bao quanh cả kinh thành. Toàn thành có 9 cổng và 3 lớp vòng thành [tam trùng thành quách]. So với Nam Kinh và các kinh thành trước đó của Trung Quốc, Tử Cấm Thành có hai điểm mới. Thứ nhất, Tử Cấm Thành có hình chữ nhật trong khi các các kinh thành cũ thiết kế kiểu hình vuông, theo nguyên tắc “tiền triều, hậu thị”, tức cung điện phía trước, chợ búa phía sau. Thứ hai, Tử Cấm Thành có 3 lớp vòng thành trong khi kinh thành cũ thường chỉ có 1 đến 2 lớp. Hai sự thay đổi này được đánh giá là chịu ảnh hưởng của tư duy kiến trúc Việt Nam coi trọng số lẻ, chẳng hạn như Cổ Loa cũng có 3 vòng thành.

- Không chỉ Nguyễn An, giai đoạn này nhiều người tài của Việt Nam đã bị đưa sang Trung Quốc, đúng không, thưa ông?

Các vua nhà Minh đều xem Nguyễn An như một “kỳ nhân”. Bên cạnh đó, còn một số người Việt Nam khác tài giỏi cũng được sử sách công nhận như Hồ Nguyên Trừng [con trưởng của Hồ Quý Ly], Phạm Hoằng, Vương Cẩn… Hồ Nguyên Trừng là một thiên tài kỹ thuật quân sự. Chính ông đã sáng tạo nên súng thần công, được vua Minh dùng chống các đội quân xâm lược phía Bắc và phong cho ông chức Thượng thư bộ Công, coi ông là ông tổ của súng thần công Trung Quốc. Ông còn là một nhà văn với tác phẩm đặc sắc để lại cho đời là “Nam Ông mộng lục”. Còn Phạm Hoằng là người chủ trì xây dựng ngôi chùa lớn Vĩnh An tự ở Tây Nam Bắc Kinh. Vua Anh Tông nhà Minh tặng ông biệt danh “Bồng Lai Cát Sĩ”. Vương Cẩn [Trần Vũ] là thái giám giả, bị phát hiện nhưng nhờ ông rất tài giỏi nên được vua miễn tội chết, lại được ban cho cung nữ và nhiều vàng bạc…

- Thưa giáo sư, ông là người 15 năm trước đây đã nhắc đến Nguyễn An trong tác phẩm “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của mình và bây giờ lại đưa những thước phim “Tử Cấm Thành - bản di chúc của một bạo chúa” lên giới thiệu trên trang web vanhoahoc.edu.vn. Theo ông, những thông tin quý như vậy tại sao chưa được nhiều người biết đến?

Đúng là trong số chúng ta chưa có nhiều người biết đến một trong  công lao đóng góp của Nguyễn An - những người tài giỏi Việt Nam trong những công trình để đời tại thủ đô của Trung Quốc. Mặc dù nhiều sử sách Trung Quốc thời trung đại như “Hoàng Minh thông kỷ”, “Anh Tông chính thống thực lục” hay những sách như “Kinh kỳ ký thắng” của Dương Sĩ Kỳ, “Thủy Động nhật ký” của Diệp Thanh… đều ghi nhận công lao của Nguyễn An. Nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn sống vào thế kỷ 18 [1726-1784] cũng đã viết trong cuốn “Kiến Văn tiểu lục” ca tụng tài năng và công lao của Nguyễn An trong việc xây dựng và tu tạo thành Bắc Kinh. Tại Mỹ, trong tập 7 của bộ sách lịch sử Trung Quốc do Đại học Cambridge biên soạn, trong phần viết về triều đại nhà Minh, cũng đã kể rõ vai trò của kiến trúc sư trưởng người Việt Nam là Nguyễn An trong việc xây dựng cung điện Bắc Kinh.

Tuy nhiên, người Trung Quốc đời sau đã không công bằng với Nguyễn An khi cố tình lờ đi chuyện này. Sau này, có một nhà sử học đương đại Trung Quốc tên là Trương Tú Dân đã công bố trên tờ “Ích Thế báo” số ra ngày 11-11-1947 một bài báo với nhan đề: “Thị dân Bắc Kinh nên kỷ niệm Nguyễn An, người An Nam, Thái giám nhà Minh, tổng công trình sư tạo dựng lầu thành Bắc Kinh thế kỷ XV”. Trong đó, sau khi kể các công lao của Nguyễn An, ông nêu rõ: Nguyễn An sống cùng thời với Tam Bảo thái giám Trịnh Hòa [người ba lần sang Tây Dương], đều là những người kiệt xuất trong các hoạn quan, có công với quốc gia không thể phai mờ. Trong khi nói đến Trịnh Hòa, người dân Trung Quốc ai cũng rõ, còn tên của nhà đại kiến trúc Nguyễn An gốc An Nam thì ngay cả học giả, chuyên gia cũng ít ai hay biết, thật là bất công. Do đó với Nguyễn An, không chỉ giới công trình sư ngưỡng mộ mà người dân Bắc Kinh nên uống nước nhớ nguồn, tổ chức kỷ niệm ông. 

Gần đây, Đài truyền hình ZDK của CHLB Đức đã xây dựng bộ phim tài liệu nhan đề “Tử Cấm Thành Trung Quốc - bản di chúc của một bạo chúa” đã một lần nữa xác quyết công lao của Nguyễn An. Bộ phim đã cung cấp cho ta thêm một bằng chứng khách quan bằng hình ảnh, nó giúp chúng ta có thêm cơ sở để tiến hành vinh danh công lao của ông sòng phẳng trước lịch sử. Để rồi không chỉ chúng ta mà con cháu chúng ta cũng tự hào về những con người tinh hoa của dân tộc.

Văn Thiên Lộc thực hiện

>> Nguyễn An, người Việt Nam xây Tử Cấm Thành

văn thiên lộc

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề