Bài học chớp thời cơ trong cách mạng Tháng 8


Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

PTĐT - Cách đây 75 năm - tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nổ ra trên toàn quốc và giành được thắng lợi mau lẹ, ít tổn thất, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó không phải là một thắng lợi “ăn may” trong bối cảnh “khoảng trống quyền lực” như một số ý kiến sai lầm, hoặc cố ý xuyên tạc lịch sử, mà là một quá trình chuẩn bị công phu, lâu dài và khoa học của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, việc nắm bắt và giải quyết hết sức đúng đắn bài toán thời cơ cách mạng đã trở thành một bài học mẫu mực, một nghệ thuật tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người đã dự đoán khoa học và nhận định chính xác về thời cơ; theo dõi chặt chẽ, tích cực chuẩn bị sẵn sàng chờ thời cơ; thúc đẩy cho thời cơ phát triển nhanh chóng và chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đã chín muồi. Đó chẳng những là sự quán triệt, kế thừa lý luận Mác-Lênin về khởi nghĩa giành chính quyền, mà còn là sự vận dụng sáng tạo vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam, góp phần tạo dựng nên phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn hết sức coi trọng yếu tố thời cơ cách mạng. Người đã đúc kết:

   “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công”.

Nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám được thể hiện trước hết ở việc Người xác định chính xác những dấu hiệu của thời cơ và dự đoán chính xác thời điểm xuất hiện thời cơ.  Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám do Hồ Chí Minh chủ trì đã phân tích tình hình thế giới đang bị tác động sâu sắc bởi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và dự báo: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.

Riêng đối với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ trương “phải thay đổi chiến lược” và đặt lên trên hết, trước hết nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung tất cả mọi lực lượng yêu nước trong dân tộc nhằm vào một mục tiêu duy nhất là đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp giành lại độc lập cho Tổ quốc. 


Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh tư liệu

Hội nghị xác định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang” và nêu rõ những điều kiện phát động khởi nghĩa thành công - các dấu hiệu của thời cơ:  1] Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc.  2] Nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, mà đã sẵn sàng hy sinh bước vào con đường khởi nghĩa. 3] Phe thống trị Đông Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng phổ thông đến cực điểm vừa về kinh tế, chính trị lẫn quân sự. 4] Những điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương như quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng, cách mạng các thuộc địa Pháp, Nhật sôi nổi và nhất là quân Tàu hay quân Anh - Mỹ tràn vào Đông Dương.  Tháng 2/1942, trong tác phẩm Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh đã đưa ra dự báo thiên tài: “1945 - Việt Nam độc lập!”. Tháng 10/1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Người nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”. Những dự báo về thời cơ cách mạng của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng được tiếp nối và bổ sung với Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 3/1945, khi quân Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng quân Pháp ở Đông Dương. Điểm đáng chú ý thể hiện năng lực dự báo thời cơ cách mạng hết sức tài tình của Hồ Chí Minh là Người không dừng ở việc đánh giá, nhận định thời cơ tại thời điểm hiện tại, mà luôn luôn nhìn nhận, phân tích thời cơ đó trong sự vận động, phát triển của tình hình thế giới và trong nước, theo đúng tinh thần phép biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó lý giải vì sao Người luôn đưa ra các dự báo chính xác về thời cơ cách mạng mỗi khi tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển. Nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám còn được thể hiện ở sự chỉ đạo tích cực, chủ động để chờ đón thời cơ và thúc đẩy thời cơ nhanh chín muồi. Trên cơ sở thấm nhuần phương pháp biện chứng duy vật, với tinh thần độc lập, sáng tạo cao độ, Hồ Chí Minh cho rằng, không thể trông chờ thời cơ một cách bị động, mà phải trong tư thế chủ động, tích cực. Thậm chí, trong một chừng mực nhất định, có thể và cần phải tìm ra những cách thức để tác động, thúc đẩy thời cơ chóng chín muồi, tạo thành bước phát triển nhảy vọt của cách mạng. Ngay từ năm 1921, khi dự báo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam sẽ bùng nổ mạnh mẽ khi thời cơ đến, Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ ra nhiệm vụ của lực lượng lãnh đạo: “Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”.  Trên thực tế có hai phương thức để tác động, thúc đẩy thời cơ. Thứ nhất, là bằng cách tác động vào các mâu thuẫn làm phát sinh thời cơ. Đây là cách của các lực lượng cách mạng đang có ưu thế mạnh hơn so với lực lượng kẻ thù, có thể trực tiếp làm suy yếu thế lực kẻ thù, khiến cho kẻ thù bị đẩy vào thế phạm sai lầm. Thứ hai, là phải nỗ lực tích lũy, tăng cường thực lực cách mạng, biết tìm ra những hình thức tổ chức và đấu tranh thích hợp khi thời kỳ hoà bình phát triển cách mạng đã qua nhưng thời kỳ tổng khởi nghĩa chưa tới để khi thời cơ tới, cách mạng đủ sức tận dụng thời cơ. Đây là cách tác động, thúc đẩy thời cơ của các lực lượng cách mạng vốn chưa mạnh, phải đợi thời, nhưng theo tinh thần chủ động, tiến công. Chính với tinh thần chủ động như trên, Hồ Chí Minh đã tích cực tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam cả về lực lượng lãnh đạo [Đảng] và lực lượng tham gia [lực lượng chính trị: Mặt trận dân tộc thống nhất quy tụ lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc, với các giai cấp, tầng lớp, tổ chức đoàn thể, cá nhân yêu nước; lực lượng vũ trang nhân dân]. Theo sáng kiến của Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh ra đời, nhằm tập hợp, quy tụ các lực lượng, cá nhân yêu nước trên toàn quốc cùng thực hiện mục tiêu chung là giành lại độc lập dân tộc, thực hiện tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng các đoàn thể cứu quốc thành viên của Mặt trận Việt Minh, như Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc, Hội Văn hóa cứu quốc... diễn ra sôi nổi ở cả nông thôn và thành thị. Cùng với đó, việc tổ chức lực lượng vũ trang xây dựng các căn cứ địa cũng được Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, khu giải phóng Việt Bắc - căn cứ địa chính của cả nước, hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới trong những ngày tiền khởi nghĩa ra đời. Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944. Cùng với các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến giữa năm 1945, lực lượng cách mạng trên toàn quốc đã phát triển vượt bậc, sẵn sàng chờ thời cơ đến. Bài học thời cơ trong Cách mạng tháng Tám còn được thể hiện ở năng lực của Hồ Chí Minh nhạy bén phát hiện thời cơ và chỉ đạo lực lượng cách mạng nhanh chóng chớp thời cơ khi thời cơ đến. Sau khi tiêu diệt phát xít Đức, thực hiện cam kết với các nước Đồng minh, ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và chỉ trong vòng một tuần lễ đã tiêu diệt đạo quân Quan Đông tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Nhật, giải phóng vùng Đông Bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Trước đó, nhằm gây sức ép với Chính phủ Nhật và phô trương sức mạnh vũ khí hạt nhân, trong hai ngày 6 và 9/8/1945, Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật là Hirôsima và Nagazaki làm hàng chục vạn người chết và để lại những hậu quả nặng nề kéo dài. Trước tình hình trên, ngày 9/8/1945, Hội đồng tối cao chiến tranh của Nhật Bản đã họp bàn về các điều kiện đầu hàng theo Tuyên bố Pốtxđam của phe Đồng minh. 12 giờ ngày 15/8/1945, Đài phát thanh Tôkyô của Nhật Bản phát đi lời tuyên bố của Nhật hoàng “chấp nhận bản Tuyên bố chung của các cường quốc”. Nước Nhật bị quân Mỹ chiếm đóng. Quân đội Nhật đang đồn trú tại các quốc gia khác ở nguyên vị trí chờ quân Đồng minh đến giải giáp. Thông tin từ nước Nhật, khiến quân đội Nhật đang đóng ở Việt Nam hoang mang, rệu rã; Chính phủ thân Nhật bị lung lay cực điểm. Trong khi đó, tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam được đẩy lên cao độ để giành quyền sống sau khi khoảng hai triệu người từ Bắc Trung Bộ trở ra bị chết trong nạn đói năm 1945. Qua sóng rađiô, từ ngày 12/8, Hồ Chí Minh đã nắm bắt được thông tin về khả năng quân Nhật đầu hàng Đồng minh và cũng nắm rõ tinh thần cách mạng sục sôi của quần chúng nhân dân. Kẻ thống trị không còn có thể thống trị như trước nữa và quần chúng nhân dân cũng không còn chịu đựng được ách thống trị như trước nữa. Hồ Chí Minh nhận rõ thời cơ tổng khởi nghĩa đã chính thức xuất hiện và thời cơ này chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn [trên thực tế thời cơ thuận lợi cho tổng khởi nghĩa chỉ trong khoảng 20 ngày, từ ngày 15/8/1945 - khi Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh, đến ngày 5/9/1945 - khi quân Đồng minh kéo vào nước ta để giải giáp quân Nhật]. Người chỉ đạo khẩn trương tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng [ngày 14/8/ - 15/8] và Đại hội quốc dân [ngày 16/8 - 17/8] tại Tân Trào, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi đồng bào cả nước:  “Hỡi đồng bào yêu quý!  Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đáp lời kêu gọi của Người, chỉ trong khoảng hai tuần, cả dân tộc vùng lên, làm cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc thành công rực rỡ.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta nhiều lần khẳng định đất nước đang đứng trước cả những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, nguy cơ, thách thức đan xen, đòi hỏi toàn Đảng phải nâng cao quyết tâm chính trị, dự báo chính xác tình hình và có những quyết sách phù hợp. Do đó, bài học về nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Hồ Chí Minh trong Cách mạng tháng Tám vẫn mang ý nghĩa thời sự hết sức sâu sắc.


PGS,TS Lý Việt Quang
Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Video liên quan

Chủ Đề