Ca trù chèo nghệ sĩ là ai?

Một phần ba cuộc đời, NSND Kim Đức gắn liền với chèo

Nghệ sĩ Kim Đức tên đầy đủ là Phó Thị Kim Đức, sinh năm 1931 tại Hà Nội. Từ nhiều năm qua, tiếng hát của bà đã quen thuộc với thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam qua những làn điệu chèo mượt mà, ngọt ngào. Nhưng thực ra, nghệ nhân Kim Đức lại được sinh ra và lớn lên trong cái nôi nghệ thuật ca trù.

Cha, anh trai, bác, cô, chú ruột của bà đều là những nghệ nhân ca trù ở phố Khâm Thiên - một “địa danh ca trù” đất Bắc những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Bà của Kim Đức là cụ Phó Thị Yến, một nghệ nhân ca trù nổi tiếng ở Hà Nội và bố là ông Phó Đình Ổn, quản ca giáo phường ca trù Khâm Thiên.

Ngay từ khi còn nhỏ, Kim Đức đã được cha mình dạy cho từng lời ca, nhịp phách. 7 tuổi, Kim Đức đã chính thức bước chân vào hát ả đào, 13 tuổi Kim Đức bắt đầu theo cha và anh đi hát ở Khâm Thiên như một đào nương chính thức.

Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức [tháng 11/2011]. Ảnh: Tất Sơn

Chiến tranh loạn lạc khiến gia đình bà phải bỏ nghiệp hát đi tản cư khỏi Hà Nội. Bố mất, các anh vào bộ đội, Kim Đức đã phải tạm dừng hát và làm đủ việc để giúp mẹ nuôi gia đình. Nhưng niềm đam mê nghệ thuật của người nghệ sĩ không bao giờ tắt.

Năm 1960, bà trúng tuyển lớp đào tạo giáo sinh trường Ca kịch dân tộc Trung ương ở Hà Nội. Sau đó, nghệ sĩ Kim Đức làm cộng tác viên, rồi được tuyển là diễn viên đội chèo, Đoàn ca nhạc, Đài TNVN. Trong khoảng thời gian hát chèo ở Đài TNVN, bà nhận được nhiều tình cảm của thính giả qua những bức thư gửi về chương trình. Bà cũng tự nhận mình có giọng hát tốt và cũng đã hát chèo từ khi còn bé, nên khi đi biểu diễn cùng các nghệ sĩ, bà cũng được khán giả quý mến.

Từ ngày nghỉ hưu [1986], nghệ sĩ Kim Đức vẫn tiếp tục cộng tác thu thanh với Đài TNVN, đem tiếng hát của mình phục vụ thính giả trong và ngoài nước. Ở nghệ nhân Kim Đức, ta thấy một sức lao động bền bỉ và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng. Một phần ba cuộc đời, Kim Đức gắn liền với chèo và bà được phong tặng danh hiệu NSƯT ngành chèo chứ không phải là ca trù. Mới đây, bà cũng được phong tặng danh hiệu NSND - danh hiệu cao quý nhất trong cuộc đời người nghệ sĩ.

Ở tuổi 88, NSND Kim Đức vui mừng vì những nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật của bà trong suốt những năm qua được đền đáp: “Cả cuộc đời tôi, từ năm 7 tuổi bắt đầu học chèo, ca trù cho đến giờ đã gần 90 tuổi, nhận được danh hiệu NSND thì tôi mừng lắm. Tôi chỉ mong mình sống lâu hơn nữa để còn theo nghề. Tôi quá yêu nghệ thuật. Khi làm ở Đài TNVN, tôi cũng làm hết sức mình với chèo. Sau khi về hưu, tôi quyết tâm làm thế nào để phát triển ca trù một cách chuyên nghiệp và tìm cho ca trù một chỗ đứng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Kim Đức. [Ảnh: Hòa Nguyễn]

“Hy vọng đến lúc tôi ra đi, ca trù có một chỗ đứng trong xã hội”

NSND Kim Đức tâm sự, nghệ thuật ca trù đã bị mai một suốt một thời gian dài. Mặc dù hiện nay, ca trù đã hồi sinh và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, song “hồn” của ca trù dường như không còn được như xưa.

Ca trù xưa là nghệ thuật sang trọng, bác học, ngày nay không còn nhiều người thưởng thức ca trù, thậm chí đây còn là môn nghệ thuật kén người nghe. Ca trù chưa có chỗ đứng trong xã hội hiện đại, nghệ nhân ca trù cũng không sống được bằng nghề. Người theo ca trù bây giờ cũng không còn niềm đam mê đến mức đắm đuối, sống chết với nghề như xưa.

Nhìn thấy được hiện trạng của ca trù, với trách nhiệm của một nghệ nhân, sự đau đáu với nghề, ngay từ khi nghỉ hưu, NSND Kim Đức đã dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật ca trù, vừa để giữ “nghề” của gia đình, vừa để ca trù không “thất truyền”.

“Tôi yêu ca trù lắm, nếu không yêu thì làm sao có thể duy trì đến bây giờ! Cuộc sống của tôi không quá dư dả, về hưu cũng không kiếm ra tiền nhưng tôi vẫn dạy ca trù miễn phí. Tôi nghĩ, mình phải giữ nghề của ông cha mình, giữ hồn cốt của ca trù cho con cháu sau này” – NSND Kim Đức chia sẻ.

"Đêm xuân nghe khúc ca trù" - NSND Kim Đức thể hiện

Bà cũng cho biết, có nhiều người tìm đến xin truyền nghề nhưng bà nhận lời rất ít, bởi bà muốn dành tâm sức để dạy cho những ai thực sự dành tâm huyết với nghề.

"Muốn theo đuổi môn nghệ thuật này, phải thực sự yêu thích và có niềm đam mê. Dù có năng khiếu đến đâu mà không bỏ công rèn luyện, trau dồi giọng hát thì cũng không thành tài được. Ca trù là môn nghệ thuật rất khó, miệng hát, tay phải đánh phách theo đàn. Có những người học 20 năm nhưng khi trộn phách vẫn nhầm lẫn. Vì vậy, tôi dạy học trò rất nghiêm, chỉ bảo từ kĩ thuật hát cho đến dáng ngồi, cách ăn mặc...”.

NSND Kim Đức cho biết thêm, bà đã bỏ thời gian để nghe lại những băng ca trù cổ, ghi lại các phách, cô đọng lại thành tổng thể đàn, phách và hát để đưa vào giáo trình. Bà lấy đó làm cơ sở để dạy cho các học trò một cách khoa học, chứ không để ca trù bị “tam sao thất bản” theo lối dạy “truyền khẩu”.

“Tôi đang làm giáo trình nhưng còn phải biên soạn lại. Tôi mong sau này có một trường tư thục để dạy bài bản cho các cháu về ca trù. Nếu còn sức, tôi sẽ làm nhiều hơn. Trước sau tôi cũng phải ra đi, tôi hy vọng đến lúc đó, ca trù sẽ có một chỗ đứng trong đời sống văn hóa - nghệ thuật của Việt Nam”./.

Ca trù là cả cuộc đời

Xin chào NSND Kim Đức, được biết bà là nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất đạt được danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ Nhân dân” [NSND] do Nhà nước trao tặng vào tháng 8/2019 vừa qua. Vậy cảm xúc của bà hiện tại như thế nào?

- Tuổi tôi cũng đã cao nên khi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, lúc đầu tôi cũng khá bất ngờ, sau đó là vui mừng và cảm động. Vui cho bản thân là một phần thôi, cái chính là vui cho nghề, cũng phấn khởi lắm vì đã mang lại niềm hãnh diện cho những nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống như tôi.

Thú thật, danh hiệu thì tôi có rất nhiều, từ NSUT vào những năm 1993, những năm tháng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam với vô số danh hiệu lớn nhỏ, rồi ở gia đình, địa phương, bằng khen Công dân Ưu tú, Người phụ nữ truyền cảm hứng, Tấm gương mẫu mực,... hằng năm đều có đến mức trong nhà chẳng còn chỗ mà treo [cười]

Nói vậy thôi nhưng đối với tôi, danh hiệu cũng chỉ là một phần. Đến với ca trù từ những năm 7 tuổi cho đến nay, tôi luôn tâm niệm, quan trọng nhất vẫn là mình đã cống hiến, đã làm được những gì cho nghề, có được những danh hiệu đồng nghĩa với trách nhiệm của mình với nghề càng phải cao hơn nữa.

NSND Phó Thị Kim Đức.

Như bà đã chia sẻ, bà đến với ca trù từ năm 7 tuổi, cho đến nay đã hơn 80 năm. Ca trù vốn là một bộ môn được đánh giá là “khó” và kén cả người nghe lẫn người học, vậy điều gì đã đưa bà “bén duyên” và “chung thủy” với ca trù đến vậy?

- Nói đến “cái duyên” thì thật ra là do gia đình tôi có truyền thống hát ca trù từ lâu đời, vì vậy tôi cũng đến với nghề như một lẽ tự nhiên. Cả bà nội, bố, anh trai, bác, cô chú ruột của tôi thời xưa đều là những nghệ nhân ca trù nổi tiếng ở phố Khâm Thiên, con phố này được coi là “địa danh ca trù” đất Bắc những năm trước cách mạng. Tôi được bố dạy về nhịp phách, về cách hát từ những năm 7 tuổi. Khi lên 13 tuổi thì bắt đầu được đi theo bố với anh đi hát ở Khâm Thiên như một đào nương chính thức. Tôi hào hứng, tôi hát hăng say lắm, hát quên hết mọi thứ. Vào thời điểm đó, tôi đã xác định mình sẽ theo ca trù đến cuối đời. Thế rồi chiến tranh liên miên, dân Hà Nội lúc đó buộc phải di tản hết, gia đình tôi cũng vậy. Nhưng chắc khó khăn nhất là giai đoạn khi bố tôi mất, kinh tế gia đình khó khăn vì các anh cũng đi bộ đội hết, nhà không có người lao động, tôi buộc phải nghỉ hát giữa chừng để đi làm kiếm thêm thu nhập phụ mẹ.

Còn nói về việc “chung thủy” với nghề thì đơn giản thôi, do mình yêu nghề, mình có đam mê mãnh liệt với nghề và đặc biệt là đam mê ấy không bao giờ “tắt” trong tôi. Đối với tôi, ca trù là cả cuộc đời.

“Tôi hào hứng, tôi hát hăng say lắm, hát quên hết mọi thứ. Vào thời điểm đó, tôi đã xác định, mình sẽ theo ca trù đến cuối đời”.

Theo ca trù nhiều năm như vậy, bà cảm thấy điều gì là khó khăn nhất?

- Trong ca trù, một trong những cái khó học nhất là phách, bảo học đến phách ai cũng sợ. Ca trù khó mà bắt chước, dạy phải có cơ bản, từng cái lá phách và từng cái tay cầm phải cầm như thế nào. Tiếng phách ca trù nó khác, nó có cao độ, trường độ [nhịp] và nó đánh theo cao độ.

Ca trù có 2 lối hát: Hát khuôn và hát hàng hoa [còn gọi là hát pha]. Nếu như hát hàng hoa lời hát có phần “ngả” ra, thì đối với ca trù hát khuôn, lời hát phải chắc, tiếng phải dựng, không được “ngả” giọng hay “bẻ bai” giọng. Trong hát khuôn, cả đàn, phách, hát đều đòi hỏi chuẩn, chắc và rất cầu kỳ: 1 tiếng đàn, 1 tiếng phách, 1 câu hát với trường độ cao độ như nhau. Lời buông ra, phách ăn vào, không thừa, không thiếu dù chỉ là nửa phách. Nếu phách không chuẩn sẽ không đàn được, đàn không chuẩn, phách không đánh được. Lời hát phải tròn vành rõ chữ, rõ từng dấu hỏi, ngã trong câu, nhưng lại phải ra hát chứ không được như nói.

“Sống được bằng nghề” lâu nay là nỗi niềm của rất nhiều nghệ sĩ, nhất là với nghệ thuật truyền thống. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Loại hình nghệ thuật khác tôi không nói, nhưng đối với ca trù, thẳng thắn mà nói, tôi phải thừa nhận người nghệ sĩ không thể sống bằng nghề ở thời điểm này được. Bởi hiện nay có còn ai biết nghe nữa đâu mà tạo ra kinh tế được. Bây giờ người ta hip hop, nhạc trẻ nhảy loạn lên mới ra tiền. Cho nên bây giờ các ca sĩ mới họ giàu lắm, chứ còn ngành nghệ thuật dân tộc của mình thì nghèo, chả có tiền đâu.

Cả cuộc đời gắn bó với ca trù, chắc hẳn bà đã có rất nhiều kỉ niệm đẹp với nghề, bà có thể chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình không?

- Kỉ niệm thì đẹp cũng có, mà dở cũng có. Kỉ niệm đẹp nhất là thời gian khi mà ca trù thịnh vượng, khoảng từ năm 1949 - 1952. Lúc đó người nghe còn đông, người thích ca trù còn nhiều lắm, nên mình cũng được người ta tôn vinh, người ta kính trọng, yêu thích. Người biết nghe và người biết hát gặp nhau cũng như là một số nhạc trẻ người ta thích nhảy, người ta mê ấy. Có những người ở tận Sài Gòn đáp máy bay ra chỉ để nghe mấy câu hát rồi lại bay về luôn, hay là người ở Nam Định, Thái Bình lên cũng chỉ để nghe mấy câu rồi về. Tôi vui, tôi có động lực, tôi yêu nghề là ở điểm đó.

Nói chung, ca trù khó mà tiếng hát ca trù đối với những người hiểu thì thấy nó cao lắm, nó hay lắm, nhưng đối với những người không hiểu sẽ cho là không ra cái gì cả, cho nên ca trù cũng có một cái khổ, những người làm nghề ca trù cũng có cái khổ.

Ca trù là một thể loại kén người nghe, ngày xưa người học lịch sử và Hán văn nhiều thì người ta mới hiểu. Chứ giới trẻ hiện nay không hiểu gì, nhất là thanh niên ấy. Nếu không tìm hiểu thì sẽ không hiểu được cái hay của ca trù. Không những vậy, hiện nay còn không có người hát hay nên khó chinh phục được khán giả.

NSND Kim Đức nhận bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Có nhiều khán giả từng được gặp và nghe bà hát đã nhận xét: “Con người bà toát ra sự thanh cao, đài các, nền nã và dịu dàng từ lời nói, dáng đi, tiếng hát”. Phải chăng đó đều là những vẻ đẹp đặc trưng của người con gái Hà Nội?

- Tôi là con gái Hà Nội gốc. Tôi sinh ra, lớn lên, làm việc, lấy chồng rồi đến bây giờ già rồi cũng vẫn là ở trên mảnh đất này. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người thường nói tôi có cái khí chất đặc biệt của người Hà Nội. Con gái Hà Nội xưa kiêu hãnh, thanh lịch, e ấp lắm. Từ ngày tôi còn bé xíu cũng đã phải mặc áo dài, đi đâu cũng mặc áo dài thành quen cho nên bây giờ đi biểu diễn cũng mặc toàn bộ là áo dài. Ngày xưa con gái đi ngoài đường nói to cũng không dám vì sợ người ta nhìn xấu hổ. Còn bây giờ thì khác hoàn toàn rồi, con gái Hà Nội giờ không còn giữ được cái nét thanh cao duyên dáng đặc trưng của ngày xưa nữa.

Là một người con của Hà Nội, 88 năm gắn bó với thủ đô, chắc hẳn bà đã có rất nhiều kỉ niệm sâu sắc với mảnh đất này. Vậy điều gì trong số đó khiến bà ấn tượng nhất?

- Quê hương của mình mà! Hạnh phúc nhất, đau thương nhất cũng là trên mảnh đất này... Nhưng khó quên nhất chắc chắn là những năm tháng chiến tranh rồi. Nó khốc liệt quá mà cũng đau thương quá.

Bây giờ nói đến chiến tranh tôi hãi lắm, tôi sợ lắm, vì có lẽ không ai khổ như tôi. Chiến tranh nổ ra liên tục, hết Nhật ném bom rồi đến Nhật đảo chính Pháp, Nhật sang, rồi Trung Quốc sang. Bom nổ súng bắn không kể ngày đêm, gia đình tôi vẫn bám trụ trên mảnh đất này, chẳng ở được nơi nào cố định, cứ cả ngày chạy khắp nơi, chỗ nào ném bom bắn phá thì lại chạy sang chỗ khác rồi lại về. Chiến tranh bao nhiêu năm trời. Nhà có ba ông anh thì đi hết, người đi Vệ quốc quân, người thì Cảm tử quân, người thì Tử vệ thành, còn mỗi mình là con gái thì phải ở nhà giúp bố mẹ.

Biến cố lớn nhất chắc là khi bố tôi mất vì không kịp chạy bom. Khó khăn lại chồng chất hơn vì khi đó mẹ tôi đang mang thai đứa út. Thành ra lúc đó vừa phải chăm mẹ yếu, vừa phải chăm đứa em còn đỏ hỏn. Sau khi giải phóng, đến lúc hồi cư thì trong người chẳng còn xu nào, đi xin việc cũng chẳng ai nhận vì lúc đó mới 16 tuổi. Tôi từng phải đi làm phu, vác xẻng đi khắp nơi đi từ tờ mờ sáng để có tiền nuôi mẹ nuôi em. Nghĩ lại mà tôi sợ quá, không biết làm gì để vượt qua được lúc đó. Chiến tranh cũng làm tôi bị thương ở chân, đạn xuyên qua mắt cá chân, phải đi nằm viện mấy tháng. Nói thật là tôi vẫn không thể tượng tượng rằng mình có thể sống qua giai đoạn đó.

Đau đáu nỗi niềm giữ nghề

Hiện nay trên các sân khấu hiện đại, một số loại hình nghệ thuật truyền thống  đang thưa vắng dần nên đã làm cho lớp khán giả trẻ gần như lãng quên. Trong đó, thực tế cho thấy, ca trù đang dần bị mai một và mất chỗ đứng?

- Số người biết hát ca trù thực sự đa số đều đã qua đời và người biết nghe cũng thế, gần như chẳng còn ai cả. Một mặt nữa, tôi thấy Nhà nước có khôi phục nhưng lại không khôi phục hẳn hoi, gần như kiểu “đem con bỏ chợ”. Khôi phục theo kiểu phong trào chứ không phải khôi phục chuyên nghiệp, thành ra bây giờ nó mất hẳn.

Ca trù được khôi phục cũng phải trên 30 năm nay rồi chứ không phải mới làm. Từ lúc tôi chưa về hưu đã khôi phục rồi, nhưng đến bây giờ vẫn chưa hiệu quả vì có nhiều vấn đề quá, những người phụ trách việc này vẫn còn thờ ơ quá. Ca trù là một loại hình âm nhạc đặc biệt của Việt Nam, cả thế giới không có, cũng chẳng bắt chước được.

Nhà nước cũng có kế hoạch đưa vào nhạc mới nhưng không được. Khuôn khổ của nó khác hẳn, không giống chèo với cải lương, thành ra đưa vào nhạc lý không được. Nói chung là người có nghề bây giờ cũng thấy buồn.

Nếu Nhà nước muốn khôi phục thực sự thì phải có sự nhiệt tình, chứ đừng làm như thế này, phải đặt nó vào đúng vị trí của nó và phải có trách nhiệm bảo quản thì mới được.

NSND Kim Đức luôn trăn trở về việc khôi phục ca trù và truyền nghề cho thế hệ sau.

Như bà đã nói, ca trù mai một một phần cũng là do những nghệ nhân thực sự của bộ môn này đều đã qua đời, vậy bà có suy nghĩ đến việc truyền nghề không?

- Có chứ! Đó là việc tôi luôn suy nghĩ và trăn trở suốt nhiều năm qua.

Tôi cũng có nghiên cứu, dành rất nhiều thời gian để nghe lại những băng ca trù cổ, ghi lại các phách, cô đọng lại thành tổng thể đàn, phách và hát để làm giáo trình giảng dạy rồi. Tuy nhiên, để giảng dạy bài bản thì hiện nay tôi chưa thể triển khai được vì vẫn còn nhiều vấn đề.

Những vấn đề đó là gì, thưa bà?

- Vấn đề đầu tiên có lẽ là do số lượng người học quá ít. Tôi nói như vậy không phải có ý nói bộ môn ca trù không hấp dẫn. Sở dĩ số lượng người đăng ký học ít là vì thực tế, những người hiểu về bộ môn này không nhiều, ca trù không còn đất diễn nhiều, đồng nghĩa với việc lượng người biết đến ca trù cũng giảm xuống.

Ngoài ra, người muốn theo học ca trù cần phải có rất nhiều phẩm chất. Mỗi người học trò phải theo học ít nhất từ 3-5 năm thì tôi mới cho ra ngoài biểu diễn. Muốn theo đuổi môn nghệ thuật này, phải thực sự yêu thích và có niềm đam mê. Dù có năng khiếu đến đâu mà không bỏ công rèn luyện, trau dồi giọng hát thì cũng không thành tài được. Có những người học 20 năm nhưng khi trộn phách vẫn nhầm lẫn.

Người muốn học không chỉ cần tố chất mà quan trọng nhất là phải có “cái tâm”. Nếu chỉ học để làm kinh tế thì khi theo học cùng lắm cũng chỉ học được một thời gian ngắn rồi từ bỏ, như vậy tôi sẽ không dạy.

Dành nhiều tâm huyết cho ca trù như vậy, bà có mong muốn gì ở thời điểm hiện tại không?

- Tâm nguyện lớn nhất của tôi bây giờ là chỉ mong ca trù có một chỗ đứng hẳn hoi. Tôi đã già lắm rồi, sức khỏe cũng yếu, lực bất tòng tâm, nếu còn trong thời gian công tác thì may ra còn có thể nói chuyện, đề bạt với Nhà nước chứ giờ nghỉ hưu đã mấy chục năm rồi. Số cán bộ tôi quen thì đều không còn, còn những người mới cũng không biết là ai nên rất khó.

Tôi mong các học trò sẽ gìn giữ và chuyển giao lại cho các thế hệ sau, để các thế hệ tương lai hiểu đúng về ca trù, yêu mến và gìn giữ ca trù. Tôi đã làm sẵn hết rồi, tôi cũng đã căn dặn học trò là sau này các con mở trường tư thục để dạy, nếu Nhà nước không làm thì mình làm.

Trước mắt, tôi cũng hy vọng tới đây có thể tổ chức được nhiều buổi biểu diễn ca trù mà ở đó người nghe sẽ đến mua và đặt thẻ tre thưởng, theo đúng cách mà các quán ca trù ngày xưa đã làm.

Xin cảm ơn NSND Kim Đức.

Nghệ sĩ Phó Thị Kim Đức sinh năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1960, bà trúng tuyển lớp đào tạo giáo sinh Trường Ca kịch dân tộc Trung ương ở Hà Nội. Sau đó, nghệ sĩ Kim Đức làm cộng tác viên, rồi được tuyển là diễn viên đội chèo Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà nghỉ hưu năm 1986 và đến năm 1993 được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngành chèo. Nghệ sĩ Kim Đức vẫn tiếp tục cộng tác thu thanh với Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà đã lưu diễn ở nhiều nơi như Mỹ, Pháp, Thuỵ Sỹ, Hồng Kông... và được nhiều khán giả nước ngoài mến mộ. Ở tuổi 88, những nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật của bà trong suốt những năm qua được đền đáp xứng đáng bằng danh hiệu NSND.

Video liên quan

Chủ Đề