Các mặt hàng nông lâm ngư nghiệp được sản xuất ra thị trường thế giới là

1. Thành tựu trong xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 là khoảng thời gian đầy khó khăn cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không thể tránh được những ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta. Thế nhưng, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt một con số ấn tượng: 544 tỷ USD, trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm, hoạt động giao thương bị hạn chế đáng kể. Cùng với những thành tựu trong phòng chống sự lây lan của dịch bệnh Covid -19, xuất khẩu được xem là kỳ tích của Việt Nam và đã được nhiều quốc gia khác công nhận.

Nông sản là mặt hàng xuất khẩu nổi trội trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thời gian qua, lập kỷ lục mới với giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD năm 2020 và 22,83 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021. Đó là thành quả đáng kinh ngạc của những người nông dân và các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực nắm bắt từng cơ hội dù là nhỏ nhất để mang nông sản nước ta ra thế giới trong tình hình hết sức khó khắn do dịch bệnh Covid-19.

Thành tựu trong xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam được ghi nhận ở các khía cạnh sau:

- Xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định:

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021

TT

Sản phẩm nông sản chủ lực

Năm 2020

5 tháng đầu năm 2021

Kim ngạch xuất khẩu(tr. USD)

Tăng giảm so với năm 2019 (%)

Kim ngạch xuất khẩu(tr. USD)

Tăng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (%)

1

Gạo

3.120

11,2

1.479

0,07

2

Cà phê

2.741

-4,2

1.303

5

3

Cao su

2.384

3,6

923

93,9

4

Điều

3.211

-2,3

1.288

4,9

5

Hạt tiêu

661

-7,5

387

25,2

6

Chè

218

-7,8

78

9,9

7

Rau quả

3.269

-12,7

1.770

18

8

Sắn và các sản phẩmtừ sắn

1.012

4,7

533

27,5

9

Cá tra

1.490

-25,5

577

7,9

10

Tôm

3.700

11

1.229

4,9

11

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ

12.372

16.2

6.598

61,2

Nguồn: Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Cơ cấu ngành hàng xuất khẩu chuyển dịch đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước

Cơ cấu các mặt hàng nông sản xuất khẩu có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, rau quả, hạt điều và giảm tỷ trọng các mặt hàng gạo, cà phê, cao su, chè. Các mặt hàng có tỷ trọng tăng là gỗ và sản phẩm từ gỗ (tăng từ 2,6 tỷ USD chiếm 16,6% năm 2009 lên 12,372 tỷ USD chiếm 30,03% năm 2020), rau quả (tăng từ 438,9 triệu USD chiếm 2,8% năm 2009 lên 3,269 tỷ USD chiếm 7,93% năm 2020), hạt điều (tăng từ 846,9 triệu USD chiếm 5,4% năm 2009 lên 3,211 tỷ USD chiếm 7,79% năm 2020).

- Thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản mở rộng, chuyển dịch tích cực

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Khu vực châu Á vẫn chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 46,5% tổng kim ngạch. Tiếp đến là các thị trường: Mỹ (27%), châu Âu (10,1%), châu Phi (1,7%) và châu Đại Dương (1,3%). 4 thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là: Mỹ (24,6%), Trung Quốc (22,6%), Nhật Bản (6,6%) và Hàn Quốc (4,9%).

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng hàng trái cây tươi đã xuất khẩu được là 2,5 triệu tấn, bằng 76,2% so với cả năm 2020. Trong đó, thanh long là trái cây có lượng xuất khẩu lớn nhất với 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 1.703 mã số vùng trồng với diện tích 178.697 ha và 1.776 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm trái cây. Hiện, Trung Quốc đang xem xét phương án nhập khẩu đối với khoai lang và ớt, bên cạnh 9 trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt.

Bảng 2: Thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản lớn nhất của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021

Thị trường xuất khẩu

Giá trị xuất khẩu(triệu USD)

Thị phần(%)

Hoa Kỳ

5.620

24,6

Trung Quốc

5.155

22,6

Nhật Bản

1.501

6,6

Hàn Quốc

1.115

4,9

Khác

9.439

41,3

Nguồn: Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tỷ trọng sản phẩm chế biến trong xuất khẩu tăng lên

Do trong giai đoạn vừa qua các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư chế biến. Các ngành hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm chế biến cao là cao su, gỗ, thủy sản nên tỷ lệ xuất khẩu thô giảm, tăng xuất khẩu các sản phẩm qua chế biến. Tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng từ 21,75% năm 2008 tăng lên 45% năm 2019.

2. Những hạn chế trong xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu trong những năm qua nhưng xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như:

- Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp

Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê, đồ gỗ nội thất, gạo nhưng thứ hạng về giá xuất khẩu lại rất thấp. Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu xếp thứ 1 thế giới nhưng giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ đứng thứ 8; hạt điều đứng thứ 1 thế giới nhưng giá đứng thứ 6, gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10. Giá trị xuất khẩu thấp phần nhiều do Việt Nam còn xuất khẩu thô và sơ chế nhiều (chiếm khoảng 60%).

- Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường

Trong giai đoạn 2010 - 2021, xuất khẩu các sản phẩm nông sản phụ thuộc hai thị trường là Trung Quốc, Hoa Kỳ chiếm 47,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản trong 5 tháng đầu năm 2021. Mức độ phụ thuộc vào các thị trường như Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng tăng. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 14,7 % năm 2010 lên 22,6% 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu trên 70% rau quả sang Trung Quốc (Tổng cục Hải quan).

- Chất lượng các sản phẩm nông sản xuất khẩu chưa đồng đều

Trong những năm qua chất lượng một số sản phẩm nông sản còn chưa ổn định, trong khi các yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng cao nhất là các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc vẫn còn nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trả về do sử dụng các chất cấm trong quá trình sản xuất và chế biến. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít, chỉ đạt khoảng 10%.

- Tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít

Mặc dùcó nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở vị trídẫn đầu thế giới nhưng có đến hơn 80% chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam. Điều nàylà hạn chế lớn, làm giảmsức cạnh tranh sản phẩm đồng thời hạn chế sự tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu.

Những hạn chế trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan:

Nguyên nhân khách quan

Quy mô sản xuất trong nước nhỏ lẻ với 80% nông dân có diện tích dưới 1 ha. Điều này hạn chế việc sản xuất sản phẩm đồng bộ, chất lượng đồng đều. Sản phẩm xuất khẩu chịu sự cạnh tranh quyết liệt trong khi nguồn lực hỗ trợ cho nông nghiệp còn hạn chế. Tổng đầu tư cho ngành nông lâm thuỷ sản chỉ chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong bối cảnh hội nhập mạnh, các quốc gia ngày càng nâng cao các rào cản phi thuế quan để bảo về thị trường trong nước. Một số nước thay đổi chính sách nhập khẩu thường xuyên cũng gây khó khăn cho nông sản Việt Nam.

Nguyên nhân chủ quan

Hệ thống thông tin và phân tích thị trường còn hạn chế, khung pháp lý chưa được đầu tư đầy đủ. Hệ thống dịch vụ công chưa đáp ứng được yêu cầu (công tác kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng còn hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng hàng xuất khẩu). Công nghiệp hỗ trợ (dịch vụ logistics) còn yếu, đặc biệt trong khâu vận chuyển và bảo quản. Thiếu phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Các chính sách trong thời gian gần đây được xây dựng khá đầy đủ nhưng sự hỗ trợ còn hạn chế, chưa đi vào thực tiễn, nhất là thúc đẩy các doanh nghiệp vào liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu và phát triển thương hiệu sản phẩm.

3. Cơ hội

Hội nhập kinh tế mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, xuất khẩu nông sản. Với những lợi thế về nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, nông sản Việt Nam đang có những thế mạnh nhất định để cạnh tranh với hàng hóa nông sản quốc tế.

- Nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường quốc tế tăng lên

Theo dự báo của OECD-FAO giai đoạn 2019-2028 tiêu dùng các sản phẩm nông sản của thế giới tăng bình quân 1,5-3%/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ thịt và cá bình quân đều tăng 3%, nhu cầu tiêu thụ cá cũng dự báo tăng 2,12%, nhu cầu ngũ cốc dự báo tăng khoảng gần 2%, nhu cầu về nội thất sử dụng các nguyên liệu từ tre nứa tăng, dự báo tăng trưởng giai đoạn 2019-2028 là 10,6%.

Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 180 thị trường trên thế giới đã gây được nhiều tiếng vang, đặc biệt là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc Với nhiều thuận lợi trong sản xuất các mặt hàng nông sản, hoa quả vùng nhiệt đới đặc trưng cho khí hậu của nước ta và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, khiến nông sản Việt Nam chinh phục được các thị trường khó tính như EU, trữ lượng lớn có thể cung cấp cho những thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Quốc. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ những vị trí đứng đầu trong xuất khẩu trên thế giới như cà phê, lúa gạo, chè, hạt điều

- Lợi thế trong sản xuất

Là quốc gia nằm trong vùng nội chí tuyến, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, sản xuất nông nghiệp. Với mức tăng trưởng bình quân đạt 3,5%/năm, mức cao ở khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Sau khoảng thời gian thiếu lương thực kéo dài năm 1989, Việt Nam đã dần vươn mình thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Giai đoạn 2008 2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt bình quân 2,66%/năm, năm 2018 đạt 3,76%, đến năm 2019 đạt 2,2% và năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid nhưng tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt 2,65%.

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế để phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP với trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Nhanh nhạy, uyển chuyển trong xuất khẩu:

Với quy mô đầu tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều của các doanh nghiệp hiện nay, tập trung vào vận hành các khâu từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông sản, ngoài ra doanh nghiệp còn đẩy mạnh, nhanh nhạy, uyển chuyển trong xúc tiến thương mại, mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới như vài thiều tươi sang Nhật Bản, bưởi vào Chi Lê, chanh leo sang Châu Âu... ngay khi nhận thấy sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

- Cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới FTAs (CPTPP, EVFTA)

CPTPP và EVFTA là hai Hiệp định thương mại thế hệ mới, tham vọng lớn là cam kết hầu hết số dòng thuế về 0%, đồng thời, quy định rất nhiều nội dung mới chưa từng được đề cập đến trong đàm phán các FTAs truyền thống. CPTPP và EVFTA sẽ tác động tích cực hoạt động thương mại, xuất khẩu thông qua thúc đẩy các dòng thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ.

Ngay trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang EU đã tăng 15-17% so với cùng kỳ năm 2019. Hiệp định CPTPP cũng góp phần giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo Bộ Công Thương, nửa đầu năm 2020, xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%... Tuy mức tăng trưởng chưa quá cao, song nếu đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang bị ảnh hưởng lớn, gây sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thì kết quả này là tương đối lạc quan. Trước đó, năm 2019, mặc dù Hiệp định đưa vào thực thi chưa đủ một năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt là hai thị trường trước đây chưa tham dự Hiệp định thương mại tự do là Canada và mexico đều tăng ở mức từ 26-29%.

- Phát triển khoa học công nghệ, công nghệ 4.0

Sự phát triển khoa học công nghệ và làn sóng của cách mạng công nghệ 4.0 cũng tạo ra nhiều cơ hội giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu. Các ứng dụng nổi bật nhất của cách mạng công nghệ 4.0 như công nghệ số (AI, Bigdata, Internet vạn vật IoT, Công nghệ viễn thám) giúp giảm chi phí, tăng chất lượng và năng suất một cách hiệu quả. Cơ hội thúc đẩy sản xuất ra các sản phẩm giá trị cao phục vụ xuất khẩu.

Sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ 4.0 đã thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến. Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp 5 châu lục, huy động cả thệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc góp phần hỗ trợ các địa phương, bà con nông dân tiêu thụ nông sản kịp thời trong hoàn cnhr không thể thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trên thực tế ở nước ngoài.

Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp tổ chức và hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Cà Mau tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau củ quả Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức xúc tiến thương mại - điện tử mới, hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước, qua đó góp phần tích cực vào kết quả xuất - nhập khẩu của cả nước trong thời gian vừa qua.

Riêng một số ngành như sản xuất đồ gỗ, đẩy mạnh phát triển trên các kênh trực tuyến như Alibaba.com được xem là một bước ngoặt đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp cận khách hàng quốc tế hơn. Kết quả thu được là nhóm sản phẩm đồ gỗ đã bứt tốc trong những tháng cuối năm 2020 với kim ngạch xuất khẩu trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đững trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

4. Thách thức

- Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra cạnh tranh mạnh cả thị trường trong và ngoài nước

Việt Nam đã ký kết tham gia 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA), 3 Hiệp định đang đàm phán là cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng cũng gặp phải những thách thức lớn về cạnh tranh cả ở thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh thấp như mía đường, sản phẩm chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ chịu sự cạnh tranh mãnh liệt từ sản phẩm nhập khẩu.

- Nhu cầu của các thị trường thay đổi và yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao

Nhu cầu thị trường đang hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm (như thủy sản, rau quả, gỗ). Đây cũng là rào cản thách thức với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp mới đang trong quá trình đổi mới đề hòa nhập với thế giới.

- Sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Những xung đột chính trị, xung đột lãnh thổ trong các khu vực và giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại các xung đột, xu hướng bảo hộ gia tăng, điển hình là xung đột thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc. Các nước gia tăng các rào kỹ thuật, các các biện pháp phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ khẩn cấp... luôn là những thách thức đối với xuất khẩu.

- Bất ổn trong chính sách của các nhà nhập khẩu

Sự thay đổi chính sách nhập khẩu của các nước sẽ tác động rất lớn tới xuất khẩu nông sản. Trong những năm qua nhiều vụ kiện thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ với các mặt hàng tôm và cá tra của Việt Nam. Hay EU áp thẻ vàng với hải sản nhập khẩu của Việt Nam vào EU; đạo luật Farmbill của Hoa Kỳ (Luật Nông trại Mỹ); việc thay đổi chính sách quản lý thương mại biên giới của Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp về truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, xiết chặt nhập tiểu ngạch, tạm nhập tái xuất; các biện pháp kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu của Hàn Quốc, tạm dừng nhập khẩu thuỷ sản của Ả rập Xê út, một số quy định nhập khẩu của Brazil hay các chính sách nhập khẩu thuỷ sản vào Nga... tạo ra các khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

- Thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh

Ngành nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các tác động của thiên tai (biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, mưa đá, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn), dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại nông lâm thủy sản. Đặc biệt, diễn biến bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19trong thời gian qua đã gây ra diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội và tình hình thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam với các thị trường trên toàn cầu.

Trương Thị Quỳnh Vân

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại - VIOIT