Các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo năm 2024

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

Các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo năm 2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Chiều 28.11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các bộ, ngành liên quan, một số địa phương về tình hình triển khai nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

"Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, thì những tồn tại, hạn chế của hệ thống giáo dục, đào tạo được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW đã được khắc phục đến đâu sau 10 năm triển khai, nguyên nhân, giải pháp sắp tới là gì?", Phó Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Kết quả đào tạo nguồn nhân lực các trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam được nâng lên.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh theo hướng tăng quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế… Nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế có chuyển biến tích cực. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt trong các bảng xếp hạng đại học khu vực và thế giới.

Các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo năm 2024
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng công tác tổng kết cần bám sát nội dung đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận số 51/KL-TW ngày 30.5.2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, từ công tác thể chế hoá đến tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, tập trung phân tích, đánh giá khách quan tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đối với những mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt được.

Công tác tổng kết, đánh giá không chỉ liệt kê đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ đã triển khai mà cần tập trung làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu phối hợp, kết nối, liên thông, đồng bộ giữa các bộ, ngành, và thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong nghị quyết.

Điều này dẫn đến tình trạng "văn bản có đầy đủ nhưng không vận hành được", "chủ trương đúng, nhưng hiểu và vận dụng chưa thông".

"Các tiêu chí đánh giá chất lượng, kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần theo thang chuẩn của thế giới", Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng trước bối cảnh, yêu cầu trong nước và quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thì hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại.

Từ đó, chúng ta sẽ xác định những định hướng lớn tiếp tục kiên định, kiên trì triển khai; đồng thời bổ sung các vấn đề, đòi hỏi mới từ thực tiễn, lý luận, tạo đột phá hơn nữa đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới.

"Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay", Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Trong mỗi tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học có số lượng các tiêu chí khác nhau. Cụ thể, tiêu chuẩn về tổ chức và quản trị (gồm 4 tiêu chí), yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có bộ máy tổ chức ổn định, hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Tiêu chuẩn về giảng viên (gồm 3 tiêu chí) yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên bảo đảm yêu cầu về số lượng, trình độ và quỹ thời gian để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất (gồm 4 tiêu chí) yêu cầu cơ sở giáo dục đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Tiêu chuẩn về tài chính (gồm 2 tiêu chí), yêu cầu cơ sở giáo dục đại học duy trì cân đối tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng phát triển bền vững.

Tiêu chuẩn về tuyển sinh và đào tạo (gồm 5 tiêu chí) yêu cầu duy trì chất lượng hiệu quả tuyển sinh, đào tạo và hỗ trợ người học. Tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (gồm 2 tiêu chí), yêu cầu cơ sở giáo dục đại học bảo đảm có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học.

Các tiêu chuẩn, tiêu chí nói trên được áp dụng đầy đủ cho các cơ sở giáo dục đại học, trừ trường hợp cơ sở giáo dục đại học mới thành lập, chưa tuyển sinh; mới đi vào hoạt động, chưa có sinh viên tốt nghiệp; cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; cơ sở giáo dục đại học có thời gian hoạt động dưới 10 năm… sẽ có một số tiêu chí không áp dụng.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nhằm thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng; việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện công bố kết quả chuẩn cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hằng năm (bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề).

Các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học cũng thực hiện trách nhiệm giải trình với người học và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục đại học thông qua kết quả thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.