Cảm nhận về hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Trong lí luận văn học, người ta thường quan niệm nhân vật trữ tình là hình tượng văn học trực tiếp thổ lộ những cảm xúc, tình cảm, tâm trạng trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình không có diện mạo, ngôn ngữ, hành động… cụ thể, chi tiết như nhân vật tự sự. Trong một bài thơ trữ tình, nhân vật trữ tình có thể là chính tác giả, cũng có thể là nhà thơ hóa thân vào nhân vật khác, tạo thành nhân vật trữ tình nhập vai. Ở bài Lưu biệt khi xuất dương, nhân vật trữ tình chính là nhà thơ – nhà chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Bởi vậy, nói đến vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài thơ này cũng tức là nói đến vẻ đẹp tâm hồn của tác giả.

Sinh thời, Phan Bội Châu rất tâm đắc câu thơ của Viên Mai (Trung Quốc):

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,

Lập thân tối hạ thị văn chương.

Có thể tạm dịch là:

Mỗi bữa không quên ghi sử sách,

Lập thân hèn nhất ấy văn chương.

Như thế cũng có nghĩa là Phan Bội Châu không muốn lấy văn chương làm lẽ sống. Nhưng do yêu cầu của cách mạng, trong hơn nửa thế kỉ cầm bút, ông đã sử dụng cả chữHán lẫn chữ Nôm, sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ, gồm hàng trăm bài thơ, bài văn và hàng chục cuốn sách, bằng nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, bài thơ Lưu biệt khi xuất dương là một trong những tác phẩm tiêu biểu, vẻ đẹp của bài thơ này trước hết là vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình – tác giả.

Thơ Phan Bội Châu phản ánh cuộc đời cách mạng của nhà chí sĩ lúc lạc quan đắc ý, lúc thất bại đau buồn. Bởi vậy, khi phân tích thơ văn của ông không thể không tìm hiểu kĩ hoàn cảnh ra đời của một tác phẩm. Nói ở phạm vi hẹp hơn, ta chỉ có thể hiểu được vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài Lưu biệt khi xuất dương nếu hiểu được kĩ lưỡng hoàn cảnh ra đời của bài thơ này.

Vào cuối thế kỉ XIX, sau cái chết oanh liệt của Cao Thắng và của Phan Đình Phùng, phong trào cần Vương đã thất bại. Dẫu trên rừng Yên Thế (thuộc địa phạn tỉnh Bắc Giang) vẫn còn đì đoàng tiếng súng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, nhưng thực chất, giặc đã làm chủ tình thế. Dần dần, chúng đặt ách đô hộ lên cả ba kì. Đất nước ta lúc này thật là tăm tối. "Câu chuyện "Bình Tây phục quốc" tưởng chỉ là một mớ kí ức tê tái" (Đặng Thai Mai) của người Việt Nam. Nhưng rồi, nhờ truyền thống quật cường của dân tộc, nhờ ảnh hưởng của "tân thư" từ nước ngoài…, đến những năm đầu thế kỉ XX, cả một lớp nhà nho đầy nhiệt huyết đã thức tỉnh với những phong trào: Duy Tân, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung Kì… Họ tập hợp nhau lại, bất liên lạc với những lực lượng chống Pháp ở trong nước. Nhiều cậu học sinh cắt nghiến búi tóc trên đầu, quyết tâm đoạn tuyệt với lối học cử tử để đi tìm lí tưởng mới. Họ thoát li gia đình và xuất dương, đi Tàu, đi Nhật, đi Xiêm — "tất cả chí hướng của thế hệ trí thức yêu nước đã nhằm vào một mục tiêu vĩ đại: "khôi phục nước nhà" (Đặng Thai Mai). Trong bối cảnh ấy, năm 1905, Phan Bội Châu cùng với Tiểu La Nguyễn Thành lập tổ chức Duy Tân hội. Sau đó, theo chủ trương của hội, Phan Bội Châu chia tay bè bạn sang Trung Quốc và Nhật Bản, tranh thủ sự giúp đỡ của những nước này đối với phong trào cách mạng Việt Nam.

Trước khi lên đường, vào lúc chia tay, Phan Bội Châu đã sáng tác bài Xuất dương lưu biệt (có nghĩa là: Để lại lúc từ biệt ra nước ngoài) bằng chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ này đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và được dịch ra tiếng Việt. Bản dịch của Tôn Quang Phiệt là bản dịch khá thành công, tuy có một vài chỗ chưa lột tả hết tinh thần nguyên tắc.

Bài Lưu biệt khi xuất dương thể hiện rõ tư thế hào hùng, sự quyết tâm cao độ và những ý tưởng mới mẻ của nhân vật trữ tình – nhà cách mạng Phan Bội Ghâu buổi đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Mở đầu bài thơ, nhân vật trữ tình trực tiếp thể hiện một lí tưởng sống, một khát vọng lớn lao. Là đấng nam nhi sinh ra ở đời thì phải làm được những việc lớn lao phi thường (điều lạ) phải chủ động xoay chuyến đất trời, không thể để cho trời đất tự chuyển vần (Há để càn khôn tự chuyển vần) lấy sao? Ý tưởng táo bạo này có lần đã được họ Phan nhắc đên với thái độ đầy lạc quan trong bài Chơi xuân:

Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,

Sinh thời thế phải xoay nên thời thế.

Đúng là làm trai, khát vọng được làm những việc to lớn vốn được Phan Bội Châu tâm niệm từ rất sớm. Sau này, ông đã kể lại trọng một tác phẩm tự thuật: "Từ lúc bé đọc sách hiểu được ít nhiều nghĩa lí vẫn không thiết gì sống theo thói thường như người xung quanh" (Phan Bội Châu niên biểu). Nhưng cũng phải đến những năm đầu thế kỉXX, khi họ Phan có điều kiện xuất dương cứu nước, khát vọng làm trai trong con người này mới được thể hiện đầy đủ. Thực ra, từ xa xưa, chí làm trai đã thường được nói đến trong văn học. Phạm Ngũ Lão — một viên tướng lừng danh thời Trần đã từng đánh đông dẹp bắc, vẫn thấy chưa trả xong "món nợ" của kẻ làm trai và cảm thấy thẹn thùng khi nghe chiến tích của Khổng Minh Gia Cát Lượng:

Công danh nam tử còn vương nạ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Thuật hoài)

Trong buổi "giã nhà" cùng ba quân ra chiến trường, hình ảnh người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn dường như đẹp hơn, hùng dũng hơn:

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

 Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Và Nguyễn Công Trứ cũng đã không chỉ một lần tâm niệm:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.

(Đi thi tự vịnh)

"Chí làm trai" là tư tưởng rất đáng trân trọng, là sức mạnh tinh thần giúp cho nhiều người lập nên những công tích vang dội, có ích cho đất nước, cho xã hội. Đối với Phan Bội Châu, thực hiện chí nam nhi chính là chủ động tiến hành sự nghiệp cứu nước. Trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ như đã trình bày ở trên, việc khẳng định chí nam nhi càng có ý nghĩa cao cả.

Đến hai câu thực, ý tưởng của nhân vật trữ tình được triển khai rõ hơn: "Giữa khoảng trăm năm này cần phải có ta chứ, chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư?". Người xưa quan niệm một kiếp người là một trăm tuổi. Do đó, "giữa khoảng trăm năm" có nghĩa là cuộc sống một cá nhân trong thực tại. Còn ngàn năm sau là nói đến lịch sử, nói đến tương lai. Câu đầu của phần thực, người dịch chuyển chữ ta thành chữ tớ. Tớ nói được cái hăm hở, lạc quan, trẻ trung, nhưng lại làm mất đi sự trịnh trọng đường hoàng không thật phù hợp với nội dung của đoạn thơ: long trọng tuyên bố về một lẽ sống, một tư thế vào đời của đấng tu mi nam tử. Hơn nữa, câu thơ dịch thanh thoát đọc êm tai, nhưng lại làm mất đi âm điệu chắc nịch, nói như "đinh đóng cột" của tác giả. Hai câu thơ trên thoạt xem dường như có chút ngông nghênh tự phụ, thực ra là bộc lộ ý thức sâu sắc về cái "tôi" cá nhân tích cực. Cái "tôi" này chẳng những khẳng định trách nhiệm đối với hiện tại, tức là đối với vận mệnh hôm nay của đất nước, mà còn khẳng định nghĩa vụ đối với lịch sử muôn đời. Thật là tư thế của con người có chí khí lớn, muốn vươn tới đỉnh cao của lịch sử, phóng tầm mắt tới nghìn đời sau. Tư thế ấy càng được khẳng định hiên ngang hơn nữa ở hai câu luận:

Non sông đã chết, sống chí nhục

Hiền thánh đã vắng thì đọc sách cũng ngu thôi.

Ở con người này, số phận gắn làm một với số phận đất nước, sống chết cùng non sông, vinh nhục cùng Tổ quốc, ở con người này dường như không có chút băn khoăn về quan hệ cá nhân, quan hệ đời tư. Một tư thế sử thi hùng vĩ biết bao!

Ở đây, nhân vật trữ tình tuy nói về mình nhưng cũng là nói cho cả một thế hệ, cả một dân tộc đang chuyển mình theo một lí tưởng cứu nước mới, phù hợp với thời đại

mới. Hiền thánh đã chết, kinh sử mất thiêng, nhà thơ dứt khoát hướng thẳng về tương lai, đầy lạc quan tin tưởng.

Bài thơ kết bằng hai câu tuyệt đẹp, đầy cảm hứng lãng mạn:

Muốn vượt, biển Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Đúng là con đại bàng cất cánh bay ra biển khơi, bay vào thời đại. Hình ảnh thơ, nếu hiểu đúng như nguyên tắc, còn lãng mạn và hào hùng hơn nữa:

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

(Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên).

Lưu biệt khi xuất dươnglà bài thơ tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách Phan Bội Châu ở giai đoạn đầu của cuộc đời cách mạng, khi ông xuất dương ra đi cứu nước theo đường lối cách mạng mới mà ông xiết bao tin tưởng. Bài thơ mang khẩu khí của bậc trượng phu đội trời đạp đất. Cái hay của bài thơ xuất phát từ vẻ đẹp của nhân vật trữ tình với khát vọng làm nên sự nghiệp lớn lao, với khí thế hăm hở và "một dự cảm mới mẻ" (Nguyền Huệ Chi). Bởi vậy, bài thơ có giá trị khích lệ, động viên, tuyên truyền cách mạng mạnh mẽ, nhất là đối với thế hệ thanh niên yêu nước hồi đầu thế kỉ XX.

Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.

Cảm nhận về hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Cảm nhận Lưu biệt khi xuất dương

Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu để thấy được khí phách ngang tàng, táo bạo quyết liệt của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu. 

1. Dàn ý cảm nhận Lưu biệt khi xuất dương

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về tác giả Phan Bội Châu và tác phẩm "Xuất dương lưu biệt", nêu nội dung khái quát của tác phẩm.

2. Thân bài

Cảm nhận về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, dẫn dắt vào cảm nhận bài thơ

a, Hai câu đề

Quan niệm của chí sĩ Phan Bội Châu về "chí làm trai", sống chủ động, làm chủ thế sự, gây dựng lên sự nghiệp lớn, không chấp nhận cuộc sống tầm thường.

b, Hai câu thực

Cảm nhận về ý thức cái "tôi" cá nhân của nhân vật. Tác giả đã ý thức được về vị trí, vai trò của mình trong cuộc đời, trong lịch sử.

Phân tích những hình ảnh biểu tượng "bách niên", "khởi thiên"

Phân tích ý nghĩa câu hỏi tu từ mà tác giả tự đặt ra cho mình

Cảm nhận quan niệm mới mẻ, tiến bộ của tác giả về chí nam nhi và công danh

c, Hai câu luận

Cảm nhận quan niệm sống tốt đẹp của kẻ sĩ trước thời thế lịch sử và thực trạng đất nước.

Ý thức được nỗi đau mà non sông đang phải gánh chịu, tác giả đã đưa ra tư tưởng sâu sắc, tiến bộ, thể hiện cái nhìn tỉnh táo về những điều không còn phù hợp của Nho giáo.

d, Hai câu kết

Cảm nhận những hình ảnh biểu tượng kì vĩ mang tầm vũ trụ, cảm nhận tư thế hiên ngang và ý chí quyết tâm của người chí sĩ yêu nước trong thời điểm xuất dương đi tìm đường cứu nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại.

3. Kết bài

Đánh giá nghệ thuật và giá trị nội dung của bài thơ

Vị trí của bài thơ trong nền văn học và tài năng của tác giả

2. Cảm nhận về bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - Mẫu 1

Phan Bội Châu vị lãnh tụ của phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX. Mặc dù mang trong mình tâm huyết lớn lao song sự nghiệp của ông lại không thành, nhưng lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng của ông vẫn lưu mãi muôn đời. Ông dùng thơ văn của mình như một thứ vũ khí đắc lực để cổ vũ, tuyên truyền cách mạng. Xuất dương khi lưu biệt là một trong những bài thơ như vậy.

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, đã có nhiều phong trào nổ ra, trong đó nổi bật nhất là phong trào Cần Vương nhưng cuối cùng vẫn bị dập tắt, nó là sự báo hiệu cho việc cứu nước theo con đường phong kiến đã không còn thích hợp. Trước thực trạng chưa tìm được con đường cứu nước đúng đắn, phong trào cách mạng mới của Phan Bội Châu đã hé mở một hy vọng mới, ông cùng những người cùng chí hướng đã lập ra Duy tân hội. Đầu năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương sang Nhật, mở đầu cho phong trào Đông Du. Tác phẩm Xuất dương lưu biệt được viết trước khi ông lên đường. Tác phẩm thể hiện lòng yêu nước sâu lặng của tác giả.

Hoài bão cuộc đời, chí khí làm trai của Phan Bội Châu được bộc lộ trực tiếp ngay trong câu thơ đầu tiên của tác phẩm:

Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời.

Câu thơ bắt đầu bắt motip rất phổ biến trong văn học trung đại đó là “làm trai” tức để nói về nghĩa vụ, trách nhiệm của một nam nhi đối với cuộc đời, đối với đất nước. Đây là quan niệm nhập thế tích cực của Nho giáo. Câu thơ gợi cho ta nhớ đến rất nhiều bài thơ nói chí phổ biến trong văn học trung đại như: “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” (Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão) hay “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Đến đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu tiếp tục nhắc lại quan niệm về chí làm trai, nhưng trong cách thể hiện của ông mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Làm trai là “phải lạ” tức là phải biết sống một cách phi thường, hiển hách, dám xoay vần, chuyển đất, không thể là một kẻ sống cuộc đời tầm thường, tẻ nhạt, buông xuôi theo thời thế, để con tạo tự xoay vần cuộc đời mình. Bởi vậy mà:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai?

Trong khoảng trăm năm là cả một đời người với biết bao biến cố có thể xảy ra, Phan Bội Châu tự tin khẳng định: “cần có tớ” cái tôi cái nhân xuất hiện thật ngạo nghễ, thật chủ động. Cần có ông không phải để được vui chơi, hưởng lạc mà là để cống hiến tận lực, tận tâm cho đời, để tiếng thơm còn lưu danh muôn thuở. Trong thời cuộc lúc bấy giờ đầy rối ren, thử hỏi mấy ai có thể chủ động đứng ra nhận lấy trách nhiệm vừa cao cả, vừa nặng nề ấy cho bản thân. Câu thơ của ông càng khiến ta cảm phục hơn về nhân cách cao đẹp, lớn lao ấy.

Với bốn câu thơ đầu người đọc có thể thấy hình tượng người chí sĩ hiện lên là người có khát vọng làm những việc lớn lao, trọng đại. Đồng thời ông cũng đầy ý thức về cái tôi của bản thân nhưng không phải là cái tôi hưởng thụ mà là cái tôi công dân đầy trách nhiệm. Có ý thức cống hiến cho đời. Giữa thời buổi tối tăm đó ý thức làm chai, khát vọng xoay chuyển vũ trụ và hoài bão lớn lao của Phan Bội Châu có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Bốn câu thơ cuối thể hiện chí làm trai trong hoàn cảnh thực tế:

Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài
Muốn vượt biển đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Câu thơ là nỗi đau đớn, xót xa quặn thắt của nhân vật trữ tình trước thực tế nước nhà đã bị mất chủ quyền, nhân dân phải sống trong vòng nô lệ. Phan Bội Châu cũng ý thức rõ về sự hết thời của Nho học, sách vở thánh hiền không còn có ý nghĩa gì cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Ông vốn xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, vậy nhưng ông không hề bao biện mà thấy rõ sự bất lực, vô ích của lối học cũ, mang trong mình quyết tâm tìm ra con đường mới để giải phóng đất nước. Đây là một ý tưởng hết sức mạnh mẽ, táo bạo. Sự táo bạo đó bắt nguồn từ nhiệt huyết nồng cháy, lòng yêu nước nồng nàn, muốn nhanh chóng thực hiện sự nghiệp cứu nước. Đồng thời cũng do ông chịu ảnh hưởng từ những cuốn “tân thư” được truyền bá bí mật vào nước ta lúc bấy giờ. Chính những yếu tố đó đã thôi thúc ông tìm một hướng đi mới, con đường mới để cứu nước, cứu dân.

Với giọng điệu tràn đầy nhiệt huyết và cảm xúc, bài thơ đã khắc họa một cách chân thực và đầy đủ khí phách ngang tàng, táo bạo quyết liệt của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Đồng thời tác phẩm này cũng cho người đọc thấy nét tính cách nổi bật trong con người ông đó là cá tính mạnh mẽ, ưa hành động, lòng yêu nước nồng nàn, sâu đậm.

3. Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - Mẫu 2

Phan Bội Châu là một nhân vật lịch sử kiệt xuất. Một người yêu nước nồng nàn tha thiết tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Ông luôn nung nấu ý chí giải phóng dân tộc. Ông là một trong những người khai sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Phan Bội Châu là người khởi xướng phong trào Đông du, thành viên của Việt Nam Quang phục hội. Phan Bội Châu không xem văn chương là mục đích của cuộc đời mình. Nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng buộc ông phải cầm bút sáng tác văn chương phục vụ cho công cuộc cách mạng. Ông là người có ý thức dùng văn chương để tuyên truyền, vận động cách mạng. Bởi vậy mà thơ văn của ông luôn nóng bỏng nhiệt tình yêu nước. Ông luôn khích lệ tinh thần và ý chí chiến đấu, vận động đông đảo đồng bào tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc để hợp sức đánh đuổi kẻ thù.

Sau khi Duy Tân hội được thành lập, Phan Bội Châu nhận nhiệm vụ xuất dương sang Nhật để đặt cơ sở đào tạo cốt càn cho phong trào cách mạng trong nước. Tác giả đã viết bài thơ này trong buổi chia tay với các đồng chí để lên đường sang Nhật. Với giọng thơ bay bổng và khỏe khoắn, đầy tráng khí và cảm hứng lãng mạn, góp phần thể hiện khát khao lớn lao, chí khí và quyết tâm của nhân vật trữ tình.

Bài xuất dương lưu biệt thể hiện rõ ràng tư thế hào hùng, quyết tâm hăm hở và những ý nghĩ cao cả, mới mẻ của nhà cách mạng Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất ngoại tìm đường cứu nước. Chí làm trai của Phan Bội Châu được thể hiện rõ trong bài thơ, nó là lí trưởng sống và cũng là một hi vọng của tác giả. Cái điều lạ tác giả nhắc tới là những điều lớn lao, phi thường. Làm trai thì ắt phải chủ động làm những việc có thể xoay chuyển trời đất, không thể để cho trời đất tự thay đổi. Chí làm trai, khát vọng làm được những việc to lớn vốn được Phan Bội Châu ấp ủ, tâm niệm ngay từ rất sớm. Cái chí khí đó càng được thể hiện rõ ở những câu thơ sau. Tác giả ý thức và tự khẳng định cái tôi rất tự tin, rất có trách nhiệm và đầy tự do. Đó là cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời. Ở đây, tác giả dùng phép bình đối chỉ thời gian, giữa cái hữu hạn với cái vô hạn. Đó là nhân vật trữ tình đang tự đứng giữa cuộc đời một cách can đảm, do ý thức được sứ mệnh của mình trong lịch sử và cũng do sự thôi thúc của khát vọng lập công danh. Hai câu luận nói về sự thực nhức nhối. Cao hơn nữa thì chí làm trai với khát vọng lưu danh, đó là ý thức về nôn sông đã mất chủ quyền. Phan Bội Châu đã cho người đọc thấy được nhận định thực trạng lịch sử bằng một cái nhìn dứt khoát, cái nhìn tinh tế, tỉnh táo của ông về thời cuộc.

Tác phẩm dừng lại với những câu kết thể hiện tâm huyết và nhãn quan thực tiễn. Tác giả đã ý thức được nỗi đau mất nước và gắn liền trách nhiệm công dân với vận mệnh của đất nước. Một khi “non sông đã chết” – đất nước đã mất thì sống cũng chỉ thêm nhục mà thôi. Với nhãn quan thực tiễn, tác giả nhận thấy lối học cũ nơi “cửa Khổng sân Trình” đã lỗi thời không còn giúp gì được cho đất nước. Hai câu thơ bộc lộ thái độ quyết liệt và tình cảm đau đớn của tác giả trước thực trạng của đất nước. Thể hiện khát vọng vượt biển Đông tìm lối thoát cho đất nước, để dân tộc có một con đường tươi sáng hơn. Những câu thơ bộc lộ cảm hững khoáng đạt, tư thế hào hùng và đặc biệt là niềm lạc quan của người ra đi.

Qua bài Xuất dương lưu biệt, hình ảnh Phan Bội Châu trong những năm tháng đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước hiện lên khá đầy đủ. Đây là một con người có lòng yêu nước sâu sắc, ý thức sâu sắc về cái “tôi”, có khát vọng làm nên sự nghiệp to lớn, có tư thế hăm hở tự tin, có cái nhìn mới mẻ, táo bạo…Bài thơ là lời tự bạch chân thành, bản thân hình ảnh tác giả – nhân vật trữ tình của bài thơ – có tác dụng động viên khích lệ, tuyên truyền tinh thần cách mạng. Bài thơ này còn tiêu biểu cho bút pháp Phan Bội Châu với khẩu khí của bậc anh hùng.

4. Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - Mẫu 3

Phan Bội Châu nhân vật lịch sử có tình yêu nước vô bờ bến, ông luôn mang trong mình ý chí phản kháng giặc ngoại xâm và nuôi chí lớn giải phóng dân tộc, tư tưởng đấu tranh của ông khuynh hướng dân chủ tư sản ra đi tìm con đường cứu nước ở các nước tư sản.

Phan Bội Châu chính là chủ nhân của phong trào Đông du, ông chủ yếu hoạt động cách mạng sáng tác ra các tác phẩm chỉ để phục vụ cho cách mạng. Thơ văn của ông luôn nồng nàn tình yêu nước, khích lệ tinh thần và ý chí chiến đấu, vận động đồng bào đoàn kết với nhau thành một khối thống nhất để đánh bại giặc ngoại xâm đang giày xéo đất nước.

Phong trào Duy Tân thành lập, Phan Bội Châu phải sang Nhật mục đích đào tạo cho thành viên trong hội tìm cách cứu nước. Tác giả viết bài thơ Lưu biệt khi xuất dương trong buổi chia tay để sang Nhật, bài thơ viết bằng chữ Hán thể thất ngôn bát cú Đường luật.

Bài thơ thể hiện sự tự hào, quyết tâm của Phan Bội Châu trong buổi xuất ngoại ra đi để tìm đường cứu nước cho dân tộc. Phan Bội Châu thể hiện chí nam nhi làm trai trong đất trời,phải làm điều lớn lao dám mưu đồ việc lớn đó lí trưởng sống của thời đại. Làm trai ắt trong trời đất phải chủ động xoay chuyển trời đất chứ không thể để cho trời đất tự thay đổi. Tác giả thể hiện cái tôi cá nhân của con người công dân có trách nhiệm với cuộc đời, đất nước.

Tác giả đã sử dụng phép bình đối chỉ thời gian, với cái hữu hạn mang đi so sánh với cái vô hạn. Nhân vật trữ tình đang tự đứng giữa cuộc đời đã ý thức được sứ mệnh của bản thân với lịch sử đồng thời đó cũng là khát vọng tạo dựng được công danh của chính ông. Phan Bội Châu giúp người đọc hiểu rõ hơn về thực trạng lịch sử lúc bấy giờ bằng cái chân thực, tỉnh táo trước thời cuộc.

Những dòng thơ cuối đã thể hiện mong muốn của tác giả muốn vượt mọi muôn trùng sóng gió vươn ra biển lớn để tìm đường giải phóng dân tộc, đất nước khỏi ách kìm kẹp của thế lực ngoại xâm. Câu thơ thể hiện được sự hi vọng, tư thế hào hùng và sự lạc quan trong tương lai.

Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương đã tạo nên sức lôi cuốn mạnh khi thể hiện được khát vọng sống hào hùng, mạnh mẽ của nhân vật trữ tình, khí phách làm trai hiên ngang xoay chuyển càn khôn trong đất trời, cùng với đó là giọng thơ đầy tâm huyết mà vẫn thể hiện được chí khí của bậc anh hùng thời đại.

5. Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương - Mẫu 4

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Xuất dương lưu biệt là những năm đầu thế kỷ XX, đất nước ta đã mất chủ quyền, hoàn toàn lọt vào tay thực dân Pháp. Tiếng trống, tiếng mõ Cần Vương đã tắt, báo hiệu sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến do các sĩ phu lãnh đạo. Phan Bội Châu lúc này mới ba mươi tám tuổi, là hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ cách mạng mới, quyết tâm vượt mình, bỏ qua mớ giáo lý đã quá lỗi thời của đạo Khổng để đón nhận tư tưởng tiên phong trong giai đoạn, mong tìm ra bước đi mới cho dân tộc, nhằm tự giải phóng mình. Phong trào Đông du được nhóm lên cùng với bao nhiêu hy vọng…

Bài thơ đã thể hiện rất sinh động tư thế, ý nghĩ của Phan Bội Châu trong buổi xuất dương tìm đường cứu nước. Hai câu đề nói rõ nhận thức của nhà thơ về chí làm trai – một nhận thức làm cơ sở cho mọi hành động:

Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời.

Thực ra chí làm trai chẳng phải đến bây giờ mới được Phan Bội Châu khẳng định. Trước đó, trong thơ trung đại, ta vẫn thấy Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ nhắc đến (ở các bài Thuật hoài, Chí nam nhi). Nhưng điều đó không có nghĩa là ở bài thơ của Phan Bội Châu, lý tưởng nhân sinh kia đã mất đi sự mới lạ, thôi thúc. Nó chính là điều nung nấu bao năm của tác giả bây giờ được nói ra, trước hết như lời tự vấn, tự nhủ, tự mình nâng cao tinh thần mình: đã làm trai là phải làm nên chuyện lạ, đó là trời đất không để "tự chuyển dời". Đây là một tư tưởng táo bạo, cách mạng đối với người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình trong thời điểm ấy. Với hai câu thực, nhà thơ tiếp tục khẳng định tư thế của kẻ làm trai giữa vũ trụ và trong cuộc đời:

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?

Ý thức về cái "tôi" đã hiện lên rõ ràng, không rụt rè, dè dặt. Đó là nhân vật trữ tình đang tự đứng giữa cuộc đời một cách can đảm, do ý thức được sứ mệnh của mình trong lịch sử và cũng do sự thôi thúc của khát vọng lập công danh. Hai câu luận nói về sự thực nhức nhối:

Non sông đã chết sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.

Đến hai câu này, ta cũng thấy nổi lên ý chí làm trai với khát vọng lưu danh theo một nội dung mới, đó là ý thức về non sông đã mất chủ quyền, "hiền thánh" thần tượng một thuở giờ còn đâu nữa. Hai câu thơ nhận định thực trạng lịch sử bằng một cái nhìn dứt khoát. "Hiền thánh còn đâu học cũng hoài" – đây quả là một câu thơ thể hiện khí thế sục sôi của Phan Bội Châu, cho thấy cái nhìn tỉnh táo của ông về thời cuộc.

Hai câu kết của bài thơ có cái khí thế gân guốc và ý thức được sự ra đi một cách sôi trào, đầy dũng khí:

Muốn vượt biển Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

"Vượt biển Đông" là cách nói có vẻ khoa trương nhưng đó là hành động sắp diễn ra. Người ra đi trong niềm hứng khởi vô biên "muôn trùng sóng bạc" tiễn chân như một yếu tố kích thích. Đó chính là bạn đồng hành trong cuộc ra đi hùng tráng này.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.