Câu 23: vào năm 1908, phong trào chống đi phu, chống sưu thuế diễn ra sôi nổi ở đâu?

Sự thống khổ về chuyện thuế má của dân Thừa Thiên Huế thực ra đã có từ năm Mậu Tuất (1898). Trong năm này, mặc dù tuổi đã gần 90, đức Từ Dũ đã động lòng, phải qua hội thương với Toà Khâm sứ, hầu mong giảm thuế cho dân. Vè “Bà Từ Dũ xin thuế cho dân” đã mô tả nhiều đoạn trong giai đoạn này. Ta hãy đọc qua:

“Ngẫm trong nhà nước phân vân

Đến năm Mậu Tuất đã gần nộp tô

Bao nhiêu thiên hạ ở mô

Tai nghe đánh thuế kinh đô Nam Triều

Đức Từ Dũ nghe tiếng dân kêu

Thế gian nhiều kẻ khó nghèo rêu rao

Đình thần phải nghĩ làm sao?

Từ Thừa Thiên đến các tỉnh, nơi đâu chẳng từ

Chẳng qua Nam Việt mình hư

Tây qua đánh thuế nay chừ cân phân”

.............

Đức bà nghe nói hỏi liền:

Thổ điền, thâu thuế đồng niên một lần.

Nước Nam thường bị thuế thân,

Mỗi năm tám tiền nó chạy không ra.

Đứa thời bán cửa bán nhà

Thằng vô gia sản vậy mà cũng dung

Bao nhiêu đất ruộng ngoài đồng

Đến mùa lúa gạo dư phòng nạp kho

Cầm quyền nhà nước phải lo

Dân tình đã khó phải cho gạo tiền

.................

Coi trong bài chỉ bằng nay

Thuế thân Tây đánh, tính này làm sao?

Dĩ từ bổ thượng thấp cao

Thâu đêm chánh tráng hai hào hai nguyên

Cho đến thuế thổ thuế điền

Thuế muối, thuế chợ, thuế liên, thuế đò

Hãy còn tạp thuế nhỏ to

Thuế chi cũng đánh chẳng cho chút nào

Ba quân thiên hạ lao xao

Xin đặng ít nhiều trong dạ mới yên”

.................. (2)

Phong trào kháng thuế của nông dân miền Trung vào năm 1908 mở đầu bằng hình thức biểu tình, tuần hành rầm rộ, bao vậy dinh công sứ Pháp, bao vây tỉnh thành...để phản đối chính sách thuế thân, chính sách bắt đi làm xâu của thực dân Pháp và Nam triều. “Quan toàn quyền Đông Dương lúc đó là Bonhoure và tổng chỉ huy quân đội đóng chiếm Pháp ở Đông Dương là Piel đã phải ra lệnh điều động lực lượng quân chính qui từ từ Bắc Kỳ vào để đàn áp phong trào, xả súng bắn vào những đoàn biểu tình của nông dân”. (3) Cuộc đấu tranh này kéo dài suốt 2 tháng. Ta có thể kể:

Tại Quảng Nam: Ngày 11.3.1908, 300 nông dân bao vây toà Công sứ ở Hội An, đòi bãi bỏ chế độ đi lao dịch, đòi giảm thuế thân và tỏ thái độ cương quyết không rút lui khi yêu cầu chưa được đáp ứng. Ngày 13.3.1908, tất cả các dinh thự của quan lại hàng tỉnh đều bị bao vậy. Khắp mọi nơi đều rầm rập những đoàn nông dân đi biểu tình, số lượng nông dân càng tăng, thái độ càng quyết liệt hơn.

Tại Quảng Ngãi: Ngày 31.3.1908, nông dân bao vây tỉnh thành. Số người bao vây tỉnh thành đã lên đến hàng ngàn, tinh thần đấu tranh ngày càng quyết liệt cho đến ngày 12.4.1908.

Tại Bình Định:Ngày 16.4.1908, nông dân bao vây tỉnh thành đến mấy ngàn người. Sau đó để lại 400 người bao vây thường trực để đấu tranh, số còn lại đi tuần hành, biểu tình khắp trong tỉnh.

Ngoài những hình thức đấu tranh đó, nhân dân còn tiến hành trừng trị bọn tổng lý, kỳ hào gian ác hoặc thờ ơ trước phong trào đấu tranh của mình. Đối tượng trừng trị còn mở rộng ra cả bọn nha lại thu thuế, bọn lĩnh trưng thuế chợ...ở khắp mọi nơi, từ Quảng Nam vào đến Bình Định.

Ở Thừa Thiên Huế, nơi phát khởi đầu tiên của phong trào chống thuế là làng Diên Đại (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang ngày nay). Khi phong trào chống sưu thuế diễn ra ở Quảng Nam, một nhóm sĩ phu của Thừa Thiên Huế như Lê Đình Mộng, Nguyễn Mãnh (người làng Dạ Lê), Đào Đa (làng An Lưu), Đỗ Quỳnh (làng Hà Trung), Phạm Toản (làng Xuân Hoà)...đọc được tờ thông tri của Nguyễn Hằng Chi viết ra để cổ động phong trào chống thuế ở Hà Tĩnh, liền đi vận động các làng gởi lên Toà Khâm sứ Huế đòi giảm thuế. Lê Đình Mộng chọn bãi cát Sa Trung, rộng hàng chục mẫu, kéo dài đến Hà Thượng, nằm ở giữa 2 huyện Hương Thuỷ, Phú Vang, nơi mà quần chúng đang căm tức về nạn sưu cao thuế nặng để tập hợp quần chúng. Chính từ địa điểm này, “đoàn biểu tình đến làng Công Lương thì gặp toán lính đầu tiên cùng Phủ doãn Trần Trạm, phó quản Trần Phán, tri huyện Phú Vang Bùi Hữu Chí đi hiểu dụ dân. Tại đây đã nổ ra cuộc đấu lý và cuộc xô xát đầu tiên giữa đoàn biểu tình với binh lính và quan viên của triều đình nhà Nguyễn” (4).

Hình thức đấu tranh của phong trào cũng có cách vận động dân làm đơn lấy chữ ký, ở Huế, tờ đơn được viết trên một tờ giấy lớn, dân đồng ký tên ở dưới theo một vòng tròn khép kín nối tiếp nhau. Cách ký tên theo hình thức này là để đề phòng thực dân Pháp biết được người cầm đầu để khủng bố. Chiều hướng đấu tranh cũng phát triển dần từ thấp lên cao như ở các tỉnh miền Trung. Tại cuộc đấu tranh ở làng Công Lương, khi bị đàn áp và có người chết,thái độ của đám biểu tình trở nên kịch liệt, hung dữ. Dân bắt đầu ném đá và bắt trói những người hiểu dụ như phó quản Trần Phán, trị huyện Phú Vang Bùi Hữu Chí...

Cuộc biểu tinh chống thuế phát triển thành cuộc bạo động. điều đó nói lên lòng căm thù cao độ, sức mạnh vùng lên mãnh liệt của quần chúng bị áp bức. Trong cuốn hồi ký “Những chặng đường lịch sử”, đại tướng Võ Nguyên Giáp mô tả sự kiện lịch sử này như sau:

“Đồng bào các nơi kéo về Huế biểu tình mấy ngày liền, đòi giảm thuế. Pháp đưa lính từ đồn Mang Cá lên xả súng bắn vào những người tay không. Nhiều người bị đẩy xuống sông, máu chảy loang trên cầu Trường Tiền”...

Nguyễn Tất Thành sống ở Huế trong hai giai đoạn 1895-1901 và 1906-1909. Giai đoạn thứ hai đánh dấu một sự chuyển biến cực kỳ quan trọng trong nhận thức và hành động của Nguyễn Tất Thành.

Năm 1907, Nguyễn Tất Thành vào học trường Quốc Học Huế. Tại đây, Nguyễn Tất Thành thấy rõ thực chất của nền giáo dục thực dân. Nhà trường dạy bằng tiếng Pháp để đề cao nước “Đại Pháp” và công ơn cái gọi là “khai hoá”. Những giáo sư người Pháp có thái độ ngạo mạn, khinh rẻ học trò Việt Nam.

Ngoài xã hội, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến cái nhục mất nước dưới chế độ thực dân, phong kiến. Các ông Tây, bà đầm thì nghênh ngang giữa phố. Những anh phu xe gầy guộc kéo những tấm thân phì nộn của ông quan, bà lớn đó. Thêm vào đó, từng đoàn người lam lũ kéo vào thành phố xin ăn, sưu cao thuế nặng chồng chất lên mãi. Nguyễn Tất Thành không thể không nghĩ đến vận mạng đất nước, đồng bào khi thấy được những gì đã xảy ra trong nhà trường và ngoài xã hội ấy. Nhận thức và đau xót, đó là nguyên nhân và kết quả dẫn đến hành động yêu nước và cách mạng đầu tiên trong cuộc đời của anh Thành tại Huế.

Tháng 4 năm 1908, nông dân 6 huyện rầm rộ kéo vào thành phố Huế, vây lấy toà Khâm, đòi giảm sưu thuế. Đoàn người biểu tình càng lúc càng đông, đứng chật cả đường trước Toà Khâm, chắn ngang cầu Trường Tiền, lan sang cả chợ Đông Ba.

Tiếng hò reo của đoàn biểu tình vang dội đến trường Quốc Học, thúc giục lớp thanh niên yêu nước phải hưởng ứng hành động. với ý thức ủng hộ đồng bào, Nguyễn Tất Thành tham gia vào đoàn người biểu tình, kéo xuống toà Khâm. Là một học sinh biết tiếng Pháp, anh nhận làm thông ngôn, phiên dịch những yêu sách của đồng bào. Hành động của Nguyễn Tất Thành không phải ngẫu nhiên, bột phát. Đây là một hành động có ý thức, có chiều sâu của sự suy nghĩ từ những gì mà anh đã thấy được, từ nhà trường và xã hội trước đây...Chính hành động cách mạng này là cái mốc khởi đầu một sự nghiệp cách mạng lớn, sự nghiệp giải phóng đồng bào của Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Phong trào chống thuế ở Huế bị đàn áp dã man. Quân lính Pháp đã bắn vào đồng bào không một vũ khí cầm tay. Sau vụ chống thuế ở Huế, Nguyễn Tất Thành thôi học ở trường Quốc Học, nhưng không trở lại quê nhà mà đi thẳng vào Nam để mở thêm tầm hiểu biết, tìm tòi một hướng đi đúng đắn. Anh dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, sau đó vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911.

Do sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân các tỉnh miền Trung và miền Nam Trung bộ chống chính sách thuế má và đi xâu tháng 3 năm 1908, Phụ chánh cố vấn đại thần phải làm tờ tâu lên vua để đề nghị một số điểm (tờ tâu này đã được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y ngày 31.12.1908). Nội dung tờ tâu có một số điểm sau:

1. Giảm số ngày đi xâu làm việc “hàng tỉnh” từ 8 ngày (theo Nghị định Toàn quyền ngày 31.12.1907) xuống còn 5 ngày. Trong 5 ngày đó, cho chuộc 2 ngày bằng tiền, còn 3 ngày cho chuộc hay không là do tình hình cụ thể của từng năm sau khi đã được Bộ công sứ, quan lại hàng tỉnh và chính quyền cấp xã trao đổi, quyết định. mức tiền chuộc, về nguyên tắc chung là 0đ20/1 ngày, nhưng có thể thay đổi do sự hội bàn thương lượng giữa Khâm sứ và quan phụ chính cố vấn của vua (tuỳ từng tỉnh, mức chuộc ấn định từ 0đ10 đến 0đ50 là tối đa).

2. Hằng năm, chính quyền phải có chương trình xây dựng cụ thể: Cố gắng bố trí cho những người đi làm xâu được làm ở những địa điểm gần làng xã để tránh tốn kém về đi lại cho họ.

3. Mỗi công trình phải tính toán cụ thể xem hết bao nhiêu ngày công để huy động số người đi làm xâu cho được sát. Không nên một lúc huy động toàn bộ những người trong diện đi làm xâu của mỗi xã để tránh tình trạng thiếu nhân lực trong xã đó. Ngoài ra, nên tránh đi làm xâu trong thời gian ngày mùa, để khỏi ảnh hưởng đến công việc đồng áng, thu hoạch mùa màng.

4. Đặc biệt phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh ở những nơi công trường, phải phân bố lao động cho phù hợp với sức khoẻ của mỗi người, phải có bịên pháp cần thiết để đảm bảo an toàn lao động cho người lao động, chỗ nào cần phải đặt trạm xá...” (5).

Đó là kết quả những ngày tranh đấu của nhân dân các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ, trong đó có Nguyễn Tất Thành, một cá nhân bé nhỏ, nhưng chí hướng thật lớn lao. Nguyễn Tất Thành - sau này là Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên của nước ta sớm nhận thức vai trò vị trí của nông dân trong cách mạng. Sự kiện lịch sử ở Huế năm 1908 là cơ sở thực tiễn nhất giúp cho người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc rút ra được những bài học bổ ích hầu đưa cách mạng tiến đến thành công.

TS. Tôn Thất Bình

Nguyên giảng viên trường Đại Học Khoa Học - Huế

Chú thích:

(1) Lê Đình Liễn : Vài nhận xét về phong trào kháng thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế năm 1908 - Thông tin khoa học - Số 5 - Tập II - Phần Khoa học xã hội - Đại học Tổng hợp Huế - 1983 - trang 68.

(2) Vè “Bà Từ Dũ xin thuế cho dân” - Bản chép tay do Lê Văn Hoàng ở Xuân Long-Huế sưu tầm năm 1977.

(3) Dương Kinh Quốc - Việt Nam: Những sự kiện lịch sử 1858 - 1945 - tập II (1897-1918) - Nhà xuất bản khoa học xã hội - Hà Nội - 1982.- Trang 141,142.

(4) Lê Đình Liễn - Bài đã dẫn - trang 69.

(5) Dương Kinh Quốc - Sách đã dẫn - trang 149-150.

Nguồn: Sách \"Phong trào kháng thuế của nông dân miền Trung Việt Nam năm 1908 và sự tham gia đấu tranh của anh Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Thừa Thiên Huế\" - NXB Thuận Hóa - 2008