Chuyển giá chi diễn ra giữa các doanh nghiệp liên kết

Chống chuyển giá không chỉ với doanh nghiệp FDI

Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Động cơ của hành vi chuyển giá không gì khác chính là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh.

Chuyển giá gây bất bình đẳng trong cạnh tranh

Kết quả chống chuyển giá thời gian qua có chuyển biến tích cực, một phần nhờ nỗ lực của cơ quan quản lý thuế, phần khác là do Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ hơn và tiến gần với thông lệ quốc tế trong việc kiểm soát chuyển giá, nhưng đặt trong bối cảnh mới, đặc biệt là việc thực thi CPTPP và EVFTA, thì đã đến lúc phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý này.

Hiện tại, nhìn nhận về chuyển giá chỉ được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường, nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các công ty đa quốc gia. Song, theo PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, trên thực tế chuyển giá không chỉ được thực hiện bởi công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà còn được thực hiện bởi các doanh nghiệp có nhiều công ty con chỉ hoạt động kinh doanh trong nước, hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ thân nhân [vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em ruột…] với nhau.

Động cơ của hành vi chuyển giá không gì khác chính là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi điều tiết thấp hơn và ngược lại. Hành vi này không có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư tư trực tiếp nước ngoài [FDI].

Hành vi chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. “Khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện, nhưng hoạt động đúng pháp luật”, ông Trường bình luận.

Bổ sung trường hợp có giao dịch liên kết

Ông Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã thiết lập và dần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo ra cơ sở pháp lý nhất định cho việc đấu tranh chống chuyển giá của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động này cần phải tiếp tục hoàn thiện bởi hoạt động chuyển giá ngày càng phức tạp hơn.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP tiếp tục giữ nguyên mức khống chế chi phí lãi vay được trừ là 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo tối đa là 5 năm như quy định tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP, thay vì mức khống chế tối đa 20% và thời gian chuyển chi phí lãi vay không được trừ tối đa là 3 năm như Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Để chống chuyển giá hiệu quả, theo ông Hải, không chỉ có nỗ lực, kinh nghiệm của cơ quan quản lý thuế, mà cần nhiều điều kiện khác và tất cả những điều kiện này phải được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Hiệu quả đạt được trong chống chuyển giá còn khiêm tốn là do hiện nay chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách nhà nước phục vụ chống chuyển giá như chi phí để mua thông tin, điều tra, xác minh…; chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan như công an, kế hoạch - đầu tư, tham tán kinh tế Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ cơ quan thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá.

“Hiện chưa có cơ quan chuyên trách ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề thông tin ở tầm quốc tế, chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng, chưa có được nguồn thông tin đa dạng và cập nhật kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước và nguồn thông tin khác đã hạn chế hoạt động chống chuyển giá, trong khi chuyển giá luôn là vấn đề nóng, phức tạp, diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới”, ông Hải nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chống chuyển giá những năm gần đây chưa như mong đợi, có nguyên nhân là hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết chưa hoàn thiện, trong đó chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế như nhiều nước trong khu vực.

Pháp luật của các nước trong khu vực đều có chế tài rất mạnh đối với hành vi chuyển giá, như Singapore quy định mức xử phạt chung cho các hành vi vi phạm pháp luật về thuế từ 100% đến 400% khoản thuế phải trả. Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48%/tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá [Việt Nam là 0,03%/ngày, tương đương 0,9%/tháng]. Malaysia phạt từ 100% đến 300% số thuế bị phát hiện gian lận, đồng thời công khai danh tính doanh nghiệp có hoạt động chuyển giá nhằm chiếm đoạt tiền thuế...

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Hiện nay, công tác chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận là bài toán "đau đầu" với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Xin ông cho biết tình hình thực tế tại nước ta?

- Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến cuối năm 2019, tổng số doanh nghiệp có quan hệ liên kết là trên 16.500 đơn vị. Trong đó, số doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết là gần 8.000 và 83% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, ngành Thuế đã liên tục thực hiện thanh tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Số thuế truy thu trong 3 năm [2017-2019] đạt gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, qua thanh tra, số giảm lỗ rất lớn như năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2020, ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra 263 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, qua đó truy thu, truy hoàn, phạt 525 tỷ đồng, trong đó có 177 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với số thuế truy thu hơn 440 tỷ đồng.

Có một thực tế không chỉ doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh giao dịch liên kết mà ngay chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thực hiện hoạt động này khá nhiều. Ông có thể nói rõ về những trường hợp này?

- Thực tế, các doanh nghiệp trong nước đã vươn ra đầu tư nước ngoài hay bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau, vì đặc thù nước ta có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực. Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch thuế suất thì doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ.

Hơn nữa, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay có nhiều loại ưu đãi, mức độ ưu đãi, thời gian ưu đãi căn cứ vào địa bàn đầu tư, lĩnh vực đầu tư… Giữa doanh nghiệp được ưu đãi và doanh nghiệp không được ưu đãi phải chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau nên để giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nội địa cũng thực hiện chuyển giá từ doanh nghiệp có thuế suất cao sang doanh nghiệp có thuế suất thấp hoặc không phải chịu thuế.

Thậm chí, doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn, tổng công ty cũng có hiện tượng chuyển giá vì rất nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và trên nhiều địa bàn nên trong trường hợp ngành nghề, địa bàn nào đó có ưu đãi thuế thì hiện tượng chuyển giá sẽ diễn ra.

Theo ông, những quy định về chống chuyển giá tại Việt Nam đã đầy đủ cơ sở pháp lý, đảm bảo công bằng, minh bạch chưa?

- Để lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, Chính phủ ban hành các quy định về khống chế chi phí lãi vay với mục đích không để doanh nghiệp sử dụng lãi tiền vay quá mức để tránh thuế.

Trước đó, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP với quy định khống chế chi phí lãi vay chỉ 20%. Dù quy định này đã mang lại kết quả chống chuyển giá khá tốt cho các doanh nghiệp FDI nhưng nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong nước đã gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Mới đây, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Nghị định 132 đã quy định mức trần khống chế chi phí lãi vay nâng từ 20 lên 30% và cho phép doanh nghiệp được hồi tố nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20 lên 30%, đồng thời bù trừ với lãi tiền gửi, tiền vay từ năm 2017, 2018. Theo tính toán của cơ quan Thuế, việc hồi tố trần chi phí lãi vay trong năm 2017, 2018 khiến số thuế dự kiến phải hoàn hoặc khấu trừ cho doanh nghiệp lên đến 4.785 tỷ đồng.

Cụ thể những điểm mới tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là gì, thưa ông?

- Có thể nói, Nghị định 132/2020/NĐ-CP được xây dựng trên nguyên tắc thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý thuế, trong đó có nội dung quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Cụ thể, tại Nghị quyết số 50-NQ/TƯ của Bộ Chính trị có nêu: “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”; “hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá”.

Tại Nghị định này, tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được nâng từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ, cộng với lãi vay phát sinh trong kỳ, cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ, áp dụng ngay trong kỳ tính thuế năm 2019.

Bên cạnh đó, Nghị định 132 còn mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, ngoài các đối tượng là tổ chức tín dụng và tổ chức kinh doanh bảo hiểm, Nghị định còn mở rộng thêm đối tượng loại trừ bao gồm: các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức [ODA], vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia [chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững]; các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước [nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác].

Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại rằng những quy định về chống chuyển giá sẽ gây bất công bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Hiện Việt Nam đã ký trên 80 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước, trong đó, tại Điều 24 của Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần quy định không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo cam kết WTO có nguyên tắc cấm phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong nước về thuế. Nguyên tắc đối xử công bằng được dẫn chiếu tại Điều 17 Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ [GATT], Điều 3 của Hiệp định GATT về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, chính sách pháp luật được xây dựng nói chung và quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nói riêng đều phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước.

Với thực tế doanh nghiệp trong nước cũng có hoạt động chuyển giá thì Nghị định 132 áp dụng chung cho cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Video liên quan

Chủ Đề