Giáo dục nhân cách cho học sinh THCS

Chạm vào trái tim mỗi HS

Ở khu hiệu bộ của Trường THCS Lê Độ [Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng], tấm biển ghi 20 điều giáo viên cần thấu hiểu được BGH nhà trường bố trí cho treo ở nhiều nơi: Phòng họp hội đồng, phòng tiếp phụ huynh… Chỉ cần thấu hiểu được 20 điều căn cốt này, GV có thể trở thành một nhà giáo chuẩn mực, được HS và phụ huynh quý trọng.

Chẳng hạn: “Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của chúng, vui thì chia vui, buồn thì động viên” hoặc “Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm”… Thầy Lê Quốc Hùng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là những điều mà thầy sưu tầm được và thấy rất đúng với nghề giáo - hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng.

Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS trong nhà trường không phải chỉ bằng những lời rao giảng như các em phải sống thật thà, trung thực, phải biết bảo vệ của công… mà còn ở cách ứng xử, giao tiếp, những lời nói của GV đối với HS và phụ huynh… hay nói cách khác là “dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”, thầy Hùng nhắn nhủ.

Gần như các CBQL và cả GV khi được hỏi về công tác giáo dục đạo đức cho HS trong trường học đều cho rằng: Hiệu quả nhất vẫn là giải pháp nêu gương để thế hệ trẻ noi theo, tin tưởng, không hoài nghi, bất tín. “Nếu không nêu gương thực sự, mọi phương pháp giáo dục, giải pháp đối với thế hệ trẻ sẽ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Thời gian qua, chúng ta đã ý thức sâu sắc, cố gắng rất nhiều trong việc tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt và tạo được những hiệu ứng tốt đẹp như các chương trình thiện nguyện, nghĩa cử hiến tạng…

Thầy Nguyễn Đình Hòa – GV Ngữ văn Trường THPT Trần Phú [TP Đà Nẵng] chia sẻ: Trong quá trình dạy học, thầy thường tổ chức cho HS đến các nhà mở, trung tâm khuyết tật để thăm và giúp đỡ trẻ bị thiệt thòi; như là một cách để giáo dục cho HS biết đồng cảm, sẻ chia với những cảnh ngộ xung quanh mình.

“Mình nghĩ các em đều là con cưng của gia đình, chưa hề chịu khổ, nhưng HS của mình đã giúp đỡ các em nhỏ rất nhiệt tình. Có lần, hai em là HS chưa chăm, chưa ngoan của lớp tự nhiên bỏ đi đâu không rõ, mình nghĩ là em trốn đi chơi. Nhưng một lúc sau cả hai quay lại với túi bánh kẹo để tặng các em nhỏ. Mình rất xúc động và đã chia sẻ cảm xúc này cho cả lớp được biết” – thầy Hòa kể.  

Cần sự bền bỉ, lâu dài

Trong môn Giáo dục công dân và các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ…, các trường học từ mầm non đến tiểu học, THCS cũng như THPT đều lồng ghép để thầy cô nói về an toàn giao thông, lối sống văn minh. Nhưng ở đâu đó vẫn có chuyện HS đánh nhau, các em đi xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi, nói tục chửi thề…

Thầy cô đều cho rằng do môi trường sống, phim ảnh ảnh hưởng đến các em. Có thể khi về nhà các em ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, nhưng khi ra đường, đi với bạn bè lại mang một hình ảnh khác, thậm chí có những câu nói, hành xử không mấy thiện cảm. Rõ ràng, môi trường xã hội có tác động mạnh mẽ đến môi trường học đường ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

Ông Nguyễn Hoàng Long - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Nói đến mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội cần phải định hướng “gắn” như thế nào. Ông Long phân tích: “Sẽ như thế nào khi nhà trường chỉ con đường A, về gia đình chỉ con đường B, xã hội thì đi con đường C? Mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội là mối quan hệ biện chứng, mỗi bên cần phải thấy vai trò của mình và đừng đổ lỗi cho nhau”.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao đổi: Văn hóa ứng xử, giao tiếp học đường phải được triển khai trong suốt quá trình. “Kết quả phổ biến, giáo dục, thực hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường cũng không thể “làm xong”, “làm dứt điểm” và được thẩm định trong một thời gian ấn định một tháng, một năm.

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng tác động nhiều chiều đến đội ngũ cán bộ, GV, HSSV thời gian qua, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai văn hóa ứng xử với mạng xã hội trong trường học gắn với những kỹ năng cần thiết để sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh. Trên cơ sở chương trình ở từng cấp học, trong từng môn học, từng bài học, mỗi thầy cô giáo đã ý thức hơn việc chú trọng các yếu tố văn hóa, văn minh để định hướng các khái niệm, các giá trị, từ đó bồi đắp nhận thức, thái độ… rèn luyện những hành vi tự giác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa một cách liên tục, bền vững cho cả người dạy và người học.

Trường học có sứ mạng quan trọng là dạy chữ và dạy người. Hai nhiệm vụ này gắn bó mật thiết và xuyên suốt mọi thời đại, mọi nền giáo dục. Trong thời đại công nghệ 4.0, sự nghiệp dạy chữ, dạy người trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, dạy người của nhà trường hiện nay là giáo dục nhân cách văn hoá cho người học để họ có đủ những phẩm chất, bản lĩnh tham gia vào quá trình hội nhập, phát triển.

Lứa tuổi học sinh, sinh viên là lứa tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của một đời người, với đầy hoài bão và khát vọng. Ở lứa tuổi này, tâm sinh lý diễn biến, chuyển hoá khá phức tạp nhưng xu hướng chung là rạo rực, thăng hoa, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống. Các em từng bước trưởng thành và đến lúc sẽ có đủ tư cách công dân để thực hiện và chịu trách nhiệm về mình. Sự hình thành tài năng và phát triển nhân cách phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình - nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường có vai trò quan trọng vì “phần nhiều do giáo dục mà nên” [Hồ Chí Minh].

Thế nhưng, lứa tuổi này cũng tiềm ẩn nhiều “điểm yếu”. Trẻ trung, khoẻ mạnh nhưng sức dẻo dai, chịu đựng chưa cao. Hiếu động, năng động, nhiệt tình, xông xáo nhưng cũng dễ nản, dễ chán, buông xuôi. Nhiều ý tưởng, mộng mơ, mong ước, khát vọng nhưng cũng dễ bị lôi kéo, rủ rê, mất phương hướng... Theo kết quả điều tra xã hội học, học sinh, sinh viên hiện nay có sự phân hoá: Có bộ phận chăm ngoan, sống tốt, có lý tưởng, mong muốn khẳng định cá nhân, mong muốn được học hành đến nơi đến chốn để cống hiến cho đất nước, xã hội.

Có bộ phận trung bình, ít ước mơ, hoài bão, có những nhu cầu đời sống gắn với cá nhân, ít quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, xã hội. Có bộ phận chậm tiến, có nhiều biểu hiện đáng lo ngại về nhân cách, thiếu ý chí vươn lên, thiếu lý tưởng, đua đòi, có nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh trong đạo đức, lối sống...

Nhiều người cho rằng học sinh, sinh viên thời nay thuận lợi hơn, sướng hơn học sinh, sinh viên thế hệ trước. Điều này chỉ đúng một phần. Học sinh, sinh viên thời nay hơn về mặt vật chất: được sống trong hoà bình; đa số được ăn ngon, mặc đẹp, phương tiện đi lại, nghe nhìn, liên lạc hiện đại; giáo trình, thiết bị phục vụ học tập, nghiên cứu tốt hơn, có nhiều điều để lựa chọn hơn... Nhưng họ cũng đứng trước không ít thách thức: sự phân hoá giàu nghèo mạnh mẽ hơn, sự tác động của môi trường xã hội hết sức gay gắt, các tệ nạn tiêu cực thường xuyên cám dỗ, việc lựa chọn ngành nghề và tìm kiếm công ăn việc làm sau khi ra trường khó khăn hơn, có sự cạnh tranh khốc liệt hơn... khiến họ dễ mất phương hướng, mất niềm tin... Và do nhiều nguyên nhân, học sinh, sinh viên ngày nay cũng thực tế và thực dụng hơn.

Khi thực hiện nhiệm vụ dạy người cho học sinh, sinh viên, có hai điều cần quan tâm: ở lứa tuổi này, nhân cách chưa định hình, đang phát triển, có khả năng xuất hiện những đặc điểm, những cá tính bất ngờ, cả hay lẫn dở, cả tích cực lẫn tiêu cực. Những giá trị nhân cách đang được hình thành về cơ bản chưa được trải nghiệm trong đời sống thực tế. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cơ sở, chuẩn bị cần được nuôi dưỡng, chăm sóc một cách chu đáo. Giáo dục nhân cách là giáo dục giá trị đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.

Nhưng cần phải hiểu rằng nhân cách là sự tổng hợp những giá trị ấy bao gồm tư duy, đạo đức, văn hoá... được thể hiện trong toàn bộ cuộc sống của học sinh, sinh viên. Đó là thái độ sống, lối sống, năng lực và hành động sống. Giáo dục nhân cách là giáo dục lý tưởng sống: sống phải có ước mơ, hoài bão, khát vọng và sự cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước. Phải nuôi dưỡng năng lực trí tuệ, biết học hỏi và tiếp nhận những tri thức cần thiết, biến quá trình giáo dục, đào tạo thành quá trình tự giáo dục, đào tạo để sau khi rời nhà trường có thể thực hành nghề nghiệp của mình một cách tự tin, có hiệu quả..

Điều căn cốt nhất là chú trọng giáo dục đức tính trung thực cho học sinh, sinh viên. Trung thực trong học tập, thi cử, lao động; trung thực với bạn bè, thầy cô, tổ chức, tập thể... Để khi họ trưởng thành là tấm gương tốt về lòng trung thực trong quan hệ, ứng xử và công việc. Điều đáng lo và đáng buồn về đức tính trung thực của học sinh, sinh viên hiện nay là theo điều tra của Giáo sư - Viện sĩ Trần Ngọc Thêm - ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, có 22% học sinh tiểu học nói dối, tỷ lệ này ở THCS, THPT là khoảng 64% và ở CĐ, ĐH lên đến 82%. Bên cạnh đó, cần xây dựng cho học sinh, sinh viên có bản lĩnh văn hoá. Biết kế thừa những tinh hoa văn hoá truyền thống nhưng sẵn sàng tiếp thu văn hoá hiện đại, tốt đẹp của thế giới, tẩy chay văn hoá lai căng, độc hại, phản động...

 Trong giáo dục, nhân cách của người thầy đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục dạy học. Thầy phải giỏi về chuyên môn, thành thạo về phương pháp giáo dục và dạy học, có tinh thần trách nhiệm cao và có lòng yêu thương, bao dung đối với học trò. Thực tế hiện nay, không ít giáo viên còn non kém về chuyên môn nhưng ngại nghiên cứu, học hỏi. Có giáo viên đến trường trút hết bực dọc riêng tư… vào học trò. Vẫn còn giáo viên chưa mẫu mực trong đạo đức, lối sống. Và còn bao nhiêu biểu hiện không đẹp khác đang làm xói mòn niềm tin của học sinh và xã hội.

Đối với nhà trường, dạy chữ, dạy người là những nhiệm vụ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều này càng quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giai đoạn hiện nay. Thực trạng việc dạy người - giáo dục nhân cách văn hoá cho người học hiện nay như thế nào, đạt đến mức độ nào, có thể an tâm hay không, chắc mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Nhà trường, các lực lượng giáo dục cần nắm được thực trạng này để có quyết sách, phương pháp và biện pháp giáo dục phù hợp nhằm đạt được mục tiêu chung là hình thành, phát triển nhân cách văn hoá cho học sinh, sinh viên; giúp họ trở thành những công dân tốt, những người lao động tốt, những cán bộ tốt cho đất nước.

DIỆU MAI

Video liên quan

Chủ Đề