Hệ số thu nhập tăng thêm là gì

Điều chỉnh hệ số thu nhập tăng thêm và chưa nâng lương cơ sở theo lộ trình năm 2020 để chia sẻ khó khăn trước tình hình dịch bệnh Covid-19

Trước tình hình khó khăn của đại dịch Covid-19, cả Thế giới đang cùng chung tay phòng, chống, đẩy lùi nạn dịch vừa tham gia phục hồi, xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Việt Nam là một đất nước được Quốc tế đánh giá cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh với nhiều giải pháp cấp bách, tối ưu và hiệu quả. Cùng chia sẻ những khó khăn của đất nước, Chính phủ đã có những giải pháp để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập các doanh nghiệp cụ thể:

1. Ngày 21/04/2020 Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số: 1456/UBND-KT về việc điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, điều chỉnh như sau:

– Đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương trên 3,00: điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 giảm còn 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của năm 2020;

– Đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,00 trở xuống: điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 giảm còn 0,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của năm 2020;

– Đối với người được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng Nghị định 68/2000/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện theo Công văn số 180/UBND-VX ngày 13/01/2020 [tối thiểu 3.000.000đồng/người/quý]

2. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Sau khi xem xét, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Bộ Chính trị cũng yêu cầu, trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1/7/2020; kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 sang năm 2021.

Đây là hai trong nhiều giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội sau dịch COVID-19. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”.

Giải pháp cấp bách là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động; miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Theo đó, thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải bệnh viện và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh.

Phòng Tổ chức cán bộ
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Thu nhập tăng thêm là một chủ trương, cơ chế nhằm hỗ trợ tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá qua năng suất, hiệu quả công việc được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 24 tháng 11 năm 2017, được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện chủ trương trên Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý và triển khai thực hiện.

Thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 chính thức được thực hiện dựa trên việc cán bộ, công chức, viên chức tiến hành đánh giá năng lực, hiệu quả công việc hằng quý theo nguyên tắc: “Đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc trên số ngày làm việc thực tế hằng tháng của cán bộ, công chức, viên chức để chi trả thu nhập tăng thêm”. Theo mức hưởng được quy định vào năm 2018 là 0.6 lần, năm 2019 là 1.2 lần và dự kiến đến năm 2020 là 1.8 lần, đó là mức hưởng tối đa, ngoài ra tùy theo năng lực, đánh giá mức độ hoàn thành công việc sẽ được hưởng theo tỷ lệ % so với mức tối đa theo quy định trên. Tháng 7/2019, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Công văn số 2980/UBND-VX ngày 22/7/2019 bổ sung thêm đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm là công chức, viên chức đang thực hiện chế độ tập sự tại các cơ quan, đơn vị. Tháng 9/2019, Ủy ban nhàn dân Thành phố tiếp tục ban hành Công văn số 3728/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2019 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định, đánh giá, phân loại về nguyên tắc, tiêu chí và quy trình đánh giá phân loại để xác với tình hình thực tế, hưởng theo năng suất lao động.

Một số nội dung cần biết:
Phạm vi điều chỉnh.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý từ cấp thành phố đến cấp quận- huyện, phường – xã, thị trấn [sau đây gọi chung là đơn vị].

Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp phường – xã, thị trấn được cấp có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Nguyên tắc thực hiện
1.Thu nhập tăng thêm theo quy định của Nghị quyết này được chi trả căn cứ hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị do Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá theo quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ. Mỗi đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo dân chủ, minh bạch.

Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ, giao Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn để các đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc.

2. Chi trả thu nhập tăng thêm của năm nào thì căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng quý, hàng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Căn cứ nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của Thành phố từng năm trong giai đoạn 2018 – 2020, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ rà soát hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm so với khả năng cân đối ngân sách thực tế hàng năm. Nếu có thay đổi, Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Mức chi trả thu nhập tăng thêm Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm giai đoạn 2018 – 2020 theo lộ trình như sau:

Năm 2018: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ [tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ].


Năm 2019: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ [tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ].
Năm 2020: Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ [tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ].

Căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; gắn với hiệu quả công việc và không cào bằng.

Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành [sau khi đã thực hiện chi trả chính sách tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hàng năm], được sử dụng theo trình tự như sau: a] Nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang. b] Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp theo quy định [không kể các khoản chi lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ]. c] Nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm theo quy định của cấp có thẩm quyền.

d] Sau khi sử dụng hết các nguồn cải cách tiền lương nêu trên, trường hợp nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh thu nhập tăng thêm theo quy định của Nghị quyết này còn thiếu so với nguồn hiện có, các cấp ngân sách sẽ xem xét bố trí nguồn cải cách tiền lương của ngân sách cho đơn vị thực hiện chi trả theo quy định.

Cơ sở pháp lý: Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND ngày 16 tháng 3 năm 2018 về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý; Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Công văn số 7386/SYT-TCCB ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Sở Y tế Thành phố về việc hướng dẫn đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với công chức, viên chức thuộc Sở Y tế; Công văn số 4822/SNV-CCVC ngày 17 tháng 12 măm 2018 của Sở Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến đánh giá, phân loại hàng quý; Công văn số 2980/UBND-VX ngày 22 tháng 7 năm 2019 về việc hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố;

Công văn số 3728/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 4631/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố.

PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Video liên quan

Chủ Đề