Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững

Chúng ta cần một nền du lịch bền vững – một nền du lịch tốt cho đất nước lúc này và còn bền vững dài lâu mai sau. Vậy phát triển du lịch bền vững là gì? Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững? Việt Nam đang gặp những khó khăn gì trong việc tiếp cận mô hình phát triển du lịch bền vững? Và đâu là giải pháp cho những khó khăn này?

Du lịch bền vững là gì?

Du lịch bền vững trong tiếng Anh được gọi là Sustainable Tourism. Khái niệm du lịch bền vững được nhắc đến lần đầu tiên năm 1992, tại Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai.

Hình thức du lịch này nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người.”

Như vậy, Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi mà nó phụ thuộc vào.

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững
du-lich-ben-vung

Du lịch bền vững

Du lịch bền vững khác với du lịch đại chúng như thế nào?

Du lịch đại chúng không được lập kế hoạch cẩn thận cho việc nâng cao công tác bảo tồn hoặc giáo dục, không mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Và kết quả là có thể phá hủy hoặc là thay đổi không thể nhận ra được các nguồn lợi và văn hóa mà chúng phụ thuộc

Ngược lại, đây thì được lập kế hoạch một cách cẩn thận từ lúc bắt đầu để mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hóa, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, giáo dục du khách và cả cộng đồng địa phương.

Nó có thể tạo ra một lợi tức tương tự như du lịch đại chúng, nhưng có nhiều lợi ích được nằm lại với cộng đồng địa phương và các nguồn lợi tự nhiên, các giá trị văn hóa của vùng được bảo vệ.

Các yếu tố của loại hình du lịch này?

Theo Khoản 14, Điều 3 của Luật Du lịch 2017, Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – văn hóa xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Du lịch bền vững có ba hợp phần chính, đôi khi được ví như “ba chân”: Môi trường – Văn hóa xã hội – Kinh tế

1. Thân thiện với môi trường

Du lịch bền vững có tác động thấp đến môi trường tự nhiên và khu bảo tồn biển. Nó giảm thiểu các tác động đến môi trường (động vật, các sinh cảnh sống, nguồn lợi sống, sử dụng năng lượng và ô nhiễm…) và cố gắng có lợi cho môi trường.

2. Gần gũi về xã hội và văn hóa

Du lịch bền vững không gây hại đến các cấu trúc xã hội và văn hóa của cộng đồng nơi mà chúng được thực hiện. Thay vào đó thì nó lại tôn trọng văn hóa và truyền thống địa phương. 

Khuyến khích các bên liên quan (các cá nhân, cộng đồng, nhà điều hành chương trình du lịch và quản lí chính quyền) trong tất cả các giai đoạn của việc lập kế hoạch, phát triển và giám sát, giáo dục các bên liên quan về vai trò của họ.

3. Phát triển kinh tế địa phương

Du lịch bền vững đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng và tạo ra những thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như càng nhiều bên liên quan khác càng tốt. 

Nó mang lợi ích cho người chủ, cho nhân viên và cả người xung quanh. Nó không bắt đầu một cách đơn giản để sau đó sụp đổ nhanh do các hoạt động kinh doanh nghèo nàn. Một đơn vị kinh doanh du lịch mà hội đủ ba tiêu chí trên thì “sẽ kinh doanh tốt nhờ làm tốt”. 

Điều này có nghĩa là kinh doanh du lịch có thể tăng cường việc bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, đánh giá cao giá trị văn hóa, mang lợi tức đến cho cộng đồng và cũng có thể sẽ thu lợi tức.

Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững?

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp tạo nhiều lợi nhuận nhất cho đất nước. Du lịch có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt các Mục Tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) mà Liên Hơp Quốc đã đề ra từ năm 2000, đặc biệt là các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới tính, bền vững môi trường và liên doanh quốc tế để phát triển.

Chính vì vậy mà du lịch bền vững (sustainable tourism) là một phần quan trọng của phát triển bền vững (sustainable development) của Liên Hợp Quốc và của Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Phát triển du lịch bền vững là một chủ đề được thảo luận rất nhiều ở các hội nghị và diễn đàn lớn nhỏ trên toàn thế giới. Theo đó, có 3 lý do chính để chúng ta cần phải phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Thứ nhất

Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ đơn giản là bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó, mà nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ đó: Không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo.

Thứ hai

Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch  và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.

Thứ ba

Phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bào cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.

Với ba lí do được đề cập đến ở bên trên, ta có thể thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững trong chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Phát triển loại hình du lịch này để có thể đạt được 3 yếu tố đó đòi hỏi rất nhiều công sức và sự làm việc nghiêm chỉnh trong lúc thực hiện.

Kết luận

Quá trình phát triển du lịch mà đảm bảo giải quyết được các vấn đề nêu trên sẽ được đánh giá là bền vững. Tuy nhiên sự phát triển đó chỉ mang tính tương đối bởi vì trong xã hội luôn luôn có sự thay đổi và phát triển thì sự bền vững của yếu tố này có thể sẽ là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự bền vững của những yếu tố khác. Không một xã hội nào, một nền kinh tế nào có thể đạt được sự bền vững tuyệt đối. Mọi hoạt động, mọi biện pháp của con người chỉ nhằm mục đích đảm bảo khả năng khai thác lâu dài các nguồn tài nguyên tự nhiên.

Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tổng quan du lịch, ThS. Ngô Thị Diệu An, 2014, NXB Đà Nẵng; Đỗ Hồng Thuận (ĐH Sư Phạm TP HCM)

Kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững

Phát triển du lịch xanh bền vững dựa trên nền tảng văn hóa và con người Việt Nam. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những định hướng trong phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh đến yếu tố các sản phẩm du lịch phải bảo đảm được môi trường tự nhiên, gìn giữ và phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa, mang lại phúc lợi cho người dân địa phương.

Theo ông việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đóng vai trò như thế nào trong thời điểm hiện nay, thưa ông?

Ông Hà Văn Siêu: Năm Du lịch quốc gia-Quảng Nam 2022 với chủ đề "Điểm đến du lịch xanh" là thông điệp lan tỏa cho toàn ngành du lịch, để thế giới biết đến Việt Nam về hình ảnh du lịch bền vững, du lịch xanh.

Du lịch xanh, du lịch bền vững hướng tới thiên nhiên, bảo đảm an toàn sức khỏe, du lịch cho mọi người để không một ai bị bỏ lại phía sau. Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch dựa vào văn hóa và môi trường … là nền tảng cho du lịch Việt Nam.

Thông điệp xanh năm 2022 thể hiện rõ nội hàm của du lịch bền vững, dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam, cũng như coi trọng yếu tố cân đối giữa văn hóa, xã hội, môi trường. Chúng ta không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá mà phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.

Trong ngành du lịch, những sản phẩm du lịch xanh phát huy được thế mạnh yếu tố văn hóa bản địa, mang lại phúc lợi cho người dân. Ở đâu có du lịch, ở đó diện mạo văn minh đô thị nông thôn, hạnh phúc của người dân được bảo đảm. Du lịch mang lại thông điệp hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân ở điểm đến với du khách.

Du lịch xanh còn thể hiện ở điểm người dân được coi trọng, văn hóa bản địa được tôn trọng. Đó là nền tảng vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Nói đến du lịch xanh là cộng đồng địa phương được bảo vệ, được tôn trọng và những hoạt động tương tác giữa người dân với du khách, các hoạt động chia sẻ về kinh tế giữa doanh nghiệp và người dân được bảo đảm. Làm sao doanh nghiệp đưa khách đến địa phương sẽ để lại sự phát triển, sự ấm no, thu nhập, việc làm cho người dân bản địa.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng yếu tố xanh hóa, số hóa, hòa bình và phát triển. Chính du lịch là đại sứ cho hòa bình, đại sứ cho sự lan tỏa phát triển. Du lịch bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa vùng miền, các ngành lĩnh vực, cân đối hài hòa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới hòa bình, hữu nghị.

Người dân phải được thụ hưởng những giá trị và thành quả của du lịch mang lại

Du lịch xanh không dễ dàng để thực hiện nhất là ở các địa phương vẫn có sự đối lập giữa bảo tồn và phát triển du lịch.Ông đánh giá như thế nào vấn đề này, thưa ông?

Ông Hà Văn Siêu: Nói đến màu xanh chúng ta thường nghĩ đến môi trường tự nhiên nhưng màu xanh thực sự trong du lịch được hiểu là sức sống, sự bền bỉ sống mãi qua thời gian. Sức sống này đương nhiên là cả về môi trường tự nhiên nhưng trong du lịch sức sống này bao gồm cả môi trường xã hội, văn hóa.

Có thể gói gọn du lịch xanh mang lại cho cuộc sống của chính chúng ta và cuộc sống của người dân điểm đến ngày càng tốt hơn. Chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ những giá trị về thiên nhiên, văn hóa về phẩm hạnh con người, những giá trị chúng ta trải nghiệm khi đi du lịch được trường tồn mãi mãi, được nuôi dưỡng, được phát triển.

Ví dụ như việc bảo vệ môi trường phải là đầu tiên, trong đó môi trường sinh thái, môi trường sinh hoạt phải bảo đảm sạch. Tiếp đến, văn hóa bản địa phải được tôn trọng, nuôi dưỡng, phát triển. Người dân phải được thụ hưởng những giá trị và thành quả của du lịch mang lại thông qua việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, được hiểu biết mở mang thông qua giao lưu giữa người dân với khách.

Các giá trị về thiên nhiên, văn hóa, du khách được trải nghiệm đầy đủ, đúng và sâu sắc. Khách đến với điểm đến được trải nghiệm, thẩm thấu những giá trị về văn hóa, cuộc sống của người dân ở điểm đến cùng với môi trường sinh thái trong sạch đó mới là trải nghiệm tốt.

Nhìn ở góc độ du lịch xanh mang tính chất rộng là như vậy vì du lịch cuối cùng cũng là phục vụ cho cuộc sống của con người, cuộc sống của người dân điểm đến được nâng lên, bền vững; khách du lịch đến trải nghiệm ngày càng tốt lên. Hai điều đó làm cho chất lượng cuộc sống, chất lượng du lịch được bảo đảm và có giá trị cao nhất, được gìn giữ duy trì cho thế hệ mai sau để khách sau này đến cũng được thụ hưởng những giá trị tốt hơn bây giờ.

Không phát triển du lịch xanh thì sẽ sớm suy thoái, chết yểu

Theo ông, các doanh nghiệp du lịch, các tập đoàn đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng đã chú trọng đến du lịch xanh hay chưa?

Trong giai đoạn trước đây du lịch có sự tăng trưởng nhanh, nhất là giai đoạn từ năm 2015-2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng 22,7%/năm. Du lịch nội địa cũng tăng mạnh, rất nhiều điểm du lịch có sự tăng trưởng nóng. Ở đâu đó có nhiều công trình, dự án chưa đánh giá hết được tác động môi trường, thiên nhiên, văn hóa.

Sau đại dịch COVID-19, chúng ta có đánh giá, nhìn nhận lại, cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, đánh giá hiệu quả của dự án. Trong đó, nổi lên một xu hướng là những tập đoàn lớn, dự án lớn đã coi trọng hơn những vấn đề môi trường, coi trọng hơn yếu tố bền vững, yếu tố xanh trong du lịch. Đó là yếu tố sống còn, được nhận thức thấu đáo từ trên xuống dưới, nếu không gìn giữ môi trường, không phát triển bền vững, không phát triển du lịch xanh thì sẽ sớm suy thoái, chết yểu.

Vì vậy những nhà đầu tư lớn, dự án lớn đã đi tiên phong trong du lịch xanh và bền vững này. Từ sự tiên phong của các tập đoàn lớn, các dự án lớn sẽ tạo ra xu hướng, làn sóng để toàn ngành kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ đi theo xu hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, coi chất lượng môi trường, chất lượng điểm đến làm tiêu chí sống còn tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến.

Muốn điểm đến trở thành điểm đáng đến, đáng sống hay không chính là chất lượng của môi trường, chất lượng cuộc sống, sự ứng xử của khách du lịch, điểm đến với môi trường xung quanh. Những chỉ số xanh tạo nên niềm tin, sức hấp dẫn trở thành tài nguyên vô hình thu hút khách, trở thành nơi đáng đến, đáng để trải nghiệm, đáng để đầu tư và là nơi đáng sống. Xu hướng và tư duy đó đang thay đổi làm cho những điểm đến du lịch sau COVID-19 xanh hơn, cải thiện nhiều hơn so với trước đây.

Trên thế giới đã có nhiều bài học điển hình về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh thành công có, thất bại có. Vậy Việt Nam làm thế nào để tránh đi vào vết xe đổ của sự thất bại về phát triển du lịch xanh, thưa ông?

Ông Hà Văn Siêu: Không có bài học nào là tuyệt đối, chúng ta có thể tham khảo những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, phát triển du lịch xanh ở góc độ tiêu chí về môi trường thôi chưa đủ, mà phải coi trọng ở góc độ văn hóa, phải mang lại sự phồn thịnh cho người dân ở điểm đến, tránh trường hợp trở thành ốc đảo dành riêng cho những người giàu bởi sự xa hoa, tráng lệ, ngược lại người dân vẫn khổ cực.

Sự xanh đó không có ý nghĩa nhiều cho điểm đến, xanh phải thực sự cho người dân. Đó là sự phát triển bền vững, mang lại hài hòa, phồn vinh cho điểm đến. Muốn phát triển du lịch cuối cùng là để mang lại hạnh phúc cho người dân. Nếu chỉ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp mà người dân không được hưởng nhiều thì sẽ dẫn đến sự không bền vững, dẫn đến xung đột, bất đồng giữa doanh nghiệp và người dân.

Chúng ta khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, khuyến khích hành vi không làm phương hại đến môi trường và văn hóa bản địa, khuyến khích sản phẩm du lịch, chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Chúng ta cổ vũ, khen thưởng những hành vi, những chương trình du lịch mang lại giá trị cho người dân bảo vệ môi trường. Lên án những dự án phát triển nóng theo du lịch đại chúng không quan tâm đến bảo vệ môi trường, những hoạt động du lịch xô bồ, ồ ạt. Vinh danh những hoạt động là biểu tượng cho những giá trị bền vững về môi trường, sinh thái, văn hóa. Các cơ quan quản lý hướng tới phát triển du lịch xanh. Không cổ vũ những dự án tác động không tốt với môi trường, trong thẩm định cân nhắc những giá trị về tác động môi trường sinh thái, văn hóa.

Diệp Anh (thực hiện)