Mri scan là gì

Chụp MRI là cách gọi đơn giản của chụp cộng hưởng từ [MRI Scan], đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn, không gây đau.

MRI là viết tắt của hình ảnh cộng hưởng từ [Magnetic Resonance Imaging]. Chụp cộng hưởng từ [MRI Scan] sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh các mô, các nội tạng cũng như các cấu trúc khác bên trong cơ thể trên máy vi tính.

Ghi chú: Chụp cộng hưởng từ [MRI Scan] còn được gọi đơn giản là chụp MRI.

Chụp cộng hưởng từ [MRI] được thực hiện như thế nào để tạo ra hình ảnh?

Cơ thể của bạn chứa hàng triệu nguyên tử hydro. Khi bạn nằm trong máy cộng hưởng từ:

  • Một từ trường mạnh làm các hạt proton nằm trong những nguyên tử hydro xếp theo cùng một hướng. Bình thường hàng triệu proton này có hướng khác nhau một cách ngẫu nhiên nhưng nhờ từ trường nói trên, chúng xếp theo cùng một hướng song song với từ trường giống như các nam châm nhỏ.
  • Sau đó, một chùm sóng radio được phát ra từ máy vào cơ thể bạn. Sóng radio đập vào và đánh các hạt proton ra khỏi vị trí hiện có.
  • Sau khi sóng radio chấm dứt, các hạt proton trở lại những vị trí ban đầu. Trong quá trình này, chúng phát ra tín hiệu sóng. Các hạt proton thuộc những loại mô, cơ quan khác nhau sẽ trở lại vị trí với những vận tốc khác nhau. Do đó, tín hiệu sóng phát ra từ các loại mô trong cơ thể sẽ khác nhau. Các mô mềm sẽ được nhận biết và phân biệt với các mô cứng hơn trên dựa trên tín hiệu phát ra.
  • Các tín hiệu này sẽ được thu nhận bởi một đầu dò trong máy.
  • Đầu dò sẽ truyền tín hiệu đến một máy tính. Máy tính sẽ tạo ra hình ảnh dựa trên các tín hiệu sóng phát ra từ cơ thể.

 Máy chụp cộng hưởng từ. [Ảnh minh họa]

Những gì liên quan đến chụp cộng hưởng từ [MRI]?

Máy cộng hưởng từ giống như một đường hầm dài khoảng 1.5m được bao quanh bởi một vòng nam châm lớn. Bạn nằm trên một bàn dài di chuyển vào trong máy quét. Thiết bị đầu dò nhận tín hiệu sẽ được đặt phía sau, hoặc xung quanh bộ phận cơ thể cần chụp kiểm tra. Điều này giúp phát hiện các tín hiệu sóng radio nhỏ được phát ra từ cơ thể của bạn. Với mỗi “hình ảnh” được chụp, bạn cần nằm yên vài phút, nếu không hình sẽ bị mờ.

Chụp cộng hưởng từ không gây đau. Toàn bộ quy trình chụp mất khoảng 15-40 phút. Bạn có thể cảm thấy không được thoải mái khi nằm trên bàn chụp suốt thời gian này. Trẻ nhỏ có thể cần được gây mê để nằm yên trong suốt quy trình. Trong một số trường hợp, thuốc tương phản từ được tiêm vào cơ thể bạn qua tĩnh mạch ở cánh tay. Điều này giúp một số cơ quan hay mô cần khảo sát có hình ảnh rõ hơn.

Kỹ thuật viên ngồi trong phòng điều khiển, cạnh máy quét và quan sát bệnh nhân qua cửa sổ. Tuy nhiên bạn có thể nói chuyện với họ qua hệ thống liên lạc, và bạn cũng được theo dõi qua màn hình.

Máy tạo sẽ ra tiếng ồn khi chụp, do đó bạn sẽ được cung cấp tai nghe hoặc nút bịt để bảo vệ tại khỏi tiếng ồn. Bạn cũng có thể được nghe radio hoặc CD qua tai nghe.

Chụp cộng hưởng từ [MRI] để làm gì?

Chụp cộng hưởng từ có thể cho hình ảnh rõ ràng của hầu hết các bộ phận của cơ thể. Vì vậy nó rất hữu ích khi các kỹ thuật khác [như X quang] không cung cấp đủ thông tin cần thiết. Nó thường được sử dụng để chụp não và tủy sống để phát hiện những bất thường và các khối u. Thậm chí, rách dây chằng vùng khớp có thể được phát hiện bằng cộng hưởng từ. Vì vậy, cộng hưởng từ được sử dụng nhiều hơn sau chấn thương do thể thao.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI. [Ảnh minh họa]

Tôi cần chuẩn bị gì trước khi chụp cộng hưởng từ [MRI]?

Hầu như chẳng cần chuẩn bị gì cả. Bệnh viện sẽ cung cấp những thông tin cần thiết trước khi bạn chụp cộng hưởng từ. Vì máy cộng hưởng từ sử dụng từ trường mạnh, người mang một số loại thiết bị cấy ghép không được chụp. Từ trường có thể làm lệch hoặc làm hỏng các thiết bị y tế có kim loại bên trong.

Vì vậy, trước khi vào máy cộng hưởng từ, bạn sẽ được hỏi xem có đang mang bất kỳ thiết bị y tế nào trong người hay không. Bạn có thể sẽ phải điền vào một bảng câu hỏi an toàn về những vật có thể chứa kim loại.

Hình sau đây là danh sách các vật chứa kim loại mà kỹ thuật viên chụp cộng hưởng từ cần biết.

Người mang một trong các vật trên cần cho kỹ thuật viên chụp cộng hưởng từ biết. [Ảnh minh họa]

Việc báo cho kỹ thuật viên biết rằng bạn có dị vật kim loại trong hốc mắt hay trong cơ thể cũng rất quan trọng. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần được chụp X quang trước khi chụp cộng hưởng từ để chắc về sự an toàn khi vào máy.

Những biến chứng nào có thể xảy ra khi chụp cộng hưởng từ [MRI]?

Chụp cộng hưởng từ không gây đau và được cho là an toàn. Chụp cộng hưởng từ không sử dụng tia X như chụp X quang hay chụp cắt lớp vi tính [CT scan]. Tuy nhiên:

  • Một số người có phản ứng dị ứng với thuốc tương phản từ. Thuốc này đôi khi được chỉ định và phản ứng dị ứng là hiếm.
  • Phụ nữ mang thai thường được khuyên không nên chụp cộng hưởng từ ngoại trừ những tình huống khẩn cấp. Mặc dù chụp cộng hưởng từ được cho là an toàn, tác dụng lâu dài của từ trường mạnh lên thai nhi đang phát triển vẫn chưa được làm rõ.

Tôi có thể mong đợi điều gì sau khi chụp cộng hưởng từ [MRI]?

Không có ảnh hưởng nào lên cơ thể sau khi chụp cộng hưởng từ. Bạn có thể trở lại hoạt động bình thường ngay sau khi chụp xong. Hình ảnh cộng hưởng từ sẽ được đọc bởi bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ này sẽ gửi kết quả về bác sĩ đã cho chỉ định chụp.

Tài liệu tham khảo: //www.patient.co.uk/healt...

Chụp cộng hưởng từ hay MRI [magnetic resonance imaging] là một kỹ thuật chuẩn đoán bằng hình ảnh giúp bác sĩ nhìn thấy được bên trong cơ thể để kiểm tra một số bệnh hoặc tình trạng bất thường. Chụp MRI không dựa vào các loại bức xạ để tạo ra hình ảnh như X-quang hay chụp cắt lớp [CT] mà sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong cơ thể.

MRI được sử dụng để làm gì?

MRI sử dụng để chẩn đoán các vấn đề tiềm ẩn hoặc các tình trạng bất thường liên quan đến nhiều bộ phần khác nhau trong cơ thể. Kỹ thuật MRI tạo ra hình ảnh có thể cho thấy sự khác biệt giữa các mô khỏe mạnh hoặc bất thường. Tùy thuộc vào các triệu chứng, MRI sẽ quét một phần cụ thể của cơ thể để chẩn đoán các vấn đề như sau:

  • Các khối u
  • Tổn thương tim
  • Tổn thương phổi
  • Vấn đề với mắt hoặc tai
  • Các chấn thương trong thể thao
  • Các vấn đề với cột sống bao gồm đĩa đệm hoặc các khối u
  • Các vấn đề với tĩnh mạch hoặc động mạch
  • Bất thường về não như khối u và chứng sa sút trí tuệ
  • Các vấn đề về bụng hoặc đường tiêu hóa
  • Các bệnh và tình trạng về xương
  • Các vấn đề về xương chậu [ở phụ nữ] hoặc các vấn đề về tuyến tiền liệt [ở nam giới]

Chụp MRI có an toàn không?

Hằng năm, có khoảng 10 triệu bệnh nhân sử dụng kỹ thuật chụp MRI để chẩn đoán bởi vì tính an toàn và không gây bất kỳ tổn thương nào trên cơ thể.

Quá trình chụp MRI không gây đau đớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nằm yên hoàn toàn trong một khoảng thời gian vì bất kỳ chuyển động nào cũng có thể dẫn đến hình ảnh bị mờ. Thông thường, quá trình quét kéo dài từ 15 phút đến một giờ tùy thuộc vào cơ quan cần chụp. Tiếng ồn lớn sẽ phát ra từ máy quét, điều này là hoàn toàn bình thường.

Từ trường mạnh mẽ của hệ thống MRI sẽ hút bất kỳ vật thể chứa sắt nào trong cơ thể chẳng hạn như thiết bị cấy ghép y tế, một số kẹp túi phình động mạch hoặc một số máy bơm thuốc,… Do đó, MRI không được thực hiện trên bệnh nhân có sử dụng thiết bị hoặc dụng cụ cấy ghép không được chấp nhận. Ví dụ, kiểm tra MRI không thể thực hiện nếu có kẹp phình động mạch bằng sắt vì có nguy cơ kẹp này di chuyển và gây tổn hại nghiêm trọng cho bệnh nhân. Trong một số trường hợp, một số thiết bị cấy ghép y tế nhất định có thể nóng lên trong quá trình kiểm tra MRI do sử dụng năng lượng tần số vô tuyến. Thiết bị cấy ghép nóng lên có thể dẫn đến chấn thương cho bệnh nhân. Từ trường mạnh của hệ thống cũng có thể làm hỏng máy trợ thính bên ngoài hoặc khiến máy tạo nhịp tim, máy kích thích điện hoặc máy kích thích thần kinh hoạt động sai hoặc gây thương tích. Do đó, bênh nhân cần phải thông báo cho kỹ thuật viên MRI về bất kỳ thiết bị cấy ghép hoặc vật thể nào bên trong cơ thể trước khi bước vào phòng máy quét MRI.

Một số bệnh nhân có thể cần hỗ trợ chất cản quang [gọi là gadolinium] tiêm vào tĩnh mạch để làm một số mô và mạch máu dễ nhìn thấy hơn. Không giống như các chất cản quang được sử dụng trong chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp [CT], gadolinium không chứa i-ốt. Do đó, hiếm khi gadolinium gây ra dị ứng hoặc các vấn đề khác. Tuy nhiên, nếu có tiền sử bệnh thận, suy thận, ghép thận, bệnh gan hoặc các tình trạng khác, cần phải thông báo cho kỹ thuật viên MRI hoặc bác sĩ trước khi tiêm gadolinium.

Rất hiếm khi bệnh nhân gặp phải các phản ứng phụ khi chụp MRI. Tuy nhiên, thuốc cản quang có thể gây buồn nôn, nhức đầu và đau hoặc bỏng rát tại điểm tiêm ở một số người. Dị ứng với chất cản quang cũng hiếm khi xảy ra nhưng có thể gây phát ban hoặc ngứa mắt. Bệnh nhân cần báo cho kỹ thuật viên nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào xảy ra.

Những người bị chứng sợ ngột ngạt sẽ cảm thấy không thoải mái khi ở trong không gian kín, hãy nói với bắc sĩ để được hỗ trợ thuốc khi cần thiết.

Cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy MRI ảnh hưởng đế thai nhi. Tuy nhiên người ta khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tránh chụp MRI, đặc biệt trong 3 tháng tháng đầu của thai kỳ khi các cơ quan của thai nhi đang được hình thành.

Những lưu ý khi chụp MRI

Trước khi chụp

Nói cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe hiện tại, đặc biệt đối với các bệnh nhân có vấn đề ở gan hoặc thận [đang lọc thận hay cần ghép gan hoặc thận], bị ứng với thuốc hoặc chất cản quang, đã từng phẫu thuật trước đây, đang mang thai hoặc có thể đang mang thai.

Nếu có kim loại bên trong cơ thể, có thể bệnh nhân sẽ không được chụp MRI. Thảo luận điều này với bác sĩ trước khi lên lịch chụp MRI nếu bệnh nhân có sử dụng các thiết bị sau:

  • Máy trợ thính
  • Máy tạo nhịp tim
  • Tấm kim loại, vít hoặc thanh
  • Van tim nhân tạo
  • Vòng tránh thai [IUD]
  • Một máy cấy bơm thuốc
  • Khớp nhân tạo
  • Trám răng hoặc niềng răng
  • Làm việc trong ngành công nghiệp gia công kim loại [và có thể bị bụi kim loại bay vào mắt]
  • Hình xăm

Tương tự, bệnh nhân sẽ không được phép đeo bất cứ thứ gì bằng kim loại trong quá trình chụp MRI. Vì vậy hãy để đồng hồ, đồ trang sức hoặc bất cứ thứ gì làm từ kim loại ở nhà. Ngay cả một số loại mỹ phẩm cũng chứa một lượng nhỏ kim loại, vì vậy không nên trang điểm trước khi chụp MRI.

Bệnh nhân đôi khi sẽ được tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch để cải thiện khả năng hiển thị của một mô cụ thể có liên quan đến quá trình quét.

Nút tai hoặc tai nghe sẽ được cung cấp để chặn tiếng ồn lớn của máy quét.

Trong khi chụp MRI

Khi ở trong máy quét, kỹ thuật viên MRI sẽ hỏi thăm bệnh nhân qua hệ thống liên lạc nội bộ để đảm bảo rằng họ cảm thấy thoải mái. Kỹ thuật viên sẽ không bắt đầu quét cho đến khi bệnh nhân sẵn sàng.

Bệnh nhân sẽ nghe thấy tiếng vỗ hay tiếng gõ rất lớn. Thời gian ở giữa những lần chụp thường yên lặng. Trong khoảng thời gian yên lặng này, bệnh nhân có thể nói chuyện với chuyên viên qua hệ thống liên lạc.

Trong quá trình quét, điều quan trọng là phải giữ yên. Bất kỳ chuyển động nào cũng sẽ làm gảnh hưởng đến kết quả.

Bệnh nhân có thể cảm thấy cơ thể co giật. Điều này là bình thường và không có gì phải lo lắng. Chúng xảy ra khi MRI kích thích các dây thần kinh trong cơ thể.

Nếu cảm thấy không thoải mái trong quá trình chụp, bệnh nhân có thể nói chuyện với kỹ thuật viên MRI qua hệ thống liên lạc và yêu cầu dừng quá trình quét.

Sau khi chụp

Sau khi chụp hình, bác sĩ sẽ xem lại các hình ảnh để kiểm tra xem có cần thêm bất kỳ hình ảnh nào không. Bệnh nhân được yêu cầu chụp thêm nếu cần thiết.

Đối với trường hợp tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân sẽ được theo dõi trong 15 phút để xem các triệu chứng bất kỳ nếu có. Sau đó, họ có thể trở về sinh hoạt như bình thường.

Câu hỏi khi gặp bác sĩ

  • Tại sao cần chụp MRI?
  • Chụp MRI sẽ mất bao lâu?
  • Có nên nhịn ăn trước khi chụp MRI không?
  • Kỹ thuật viên MRI có sử dụng chất cản quang không?
  • Tôi có bọc răng bằng kim loại. Tôi có thể chụp MRI không?
  • Có thể chụp MRI nếu đang mang thai hay cho con bú không?
  • Khi nào có kết quả?
  • Bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của tôi ngay cả khi bình thường chứ?
  • Tôi sợ ở một mình. Tôi có thể chụp MRI không?
  • Có cần thuốc an thần trước khi chụp MRI không?
  • MRI có làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư không?

Video liên quan

Chủ Đề