Mùa hiếu hạnh là gì

Năm nào cũng vậy, chị Nguyễn Thúy Hằng [Hà Nội] chuẩn bị cho lễ Vu lan từ ngày mùng 10 tháng Bảy Âm lịch. Với chị, đây là dịp quan trọng, không thể thiếu sót, nhất thiết phải đi tảo mộ gia tiên, đi chùa lễ Phật và sửa soạn mâm cúng tại nhà.

Mùa Vu lan năm nay lại tới, đặc biệt hơn cả vì Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chị Hằng cũng như nhiều người khác phải thay đổi cách thực hành các nghi lễ cho phù hợp với hoàn cảnh. Nhiều cơ sở tự viện cũng tổ chức các khóa tu, khóa lễ online để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân.

Hiểu đúng ý nghĩa của Vu lan

Năm nay, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên chị Nguyễn Thúy Hằng không thể đi chùa và thăm mộ người thân. Thay vào đó, chị nhờ người nhà ở quê ra mộ thắp hương. Mâm cúng Vu lan tại nhà cũng đơn giản hơn. Mọi năm, chị ra chợ Hàng Bè mua gà lễ, sắm sửa nhiều thứ cho ngày Rằm tháng Bảy. Năm nay, hầu như chị mua đồ chế biến sẵn.

Gia đình chị cũng “quán triệt” không đốt vàng mã để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. Trước thực tế thiên tai, dịch bệnh bủa vây con người khắp mọi nơi trên hành tinh, chị Hằng cho rằng mỗi người, mỗi gia đình cần có ý thức bảo vệ xã hội, bảo vệ môi trường hơn.

“Số phận con người bỗng mong manh và nhỏ bé hơn bao giờ hết trước cơn giận dữ của thiên nhiên. Thời điểm này, tôi nghĩ chúng ta nên sống có ý nghĩa hơn. Thay vì mua vàng mã để đốt thì dành tiền giúp đỡ những người đang khốn khổ vì dịch bệnh,” chị chia sẻ.

[VTV sản xuất chương trình 'Ý niệm yêu thương' nhân mùa Vu lan đặc biệt]

Tại một số nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, ngày lễ Vu lan thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch, để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Ngoài ra, còn có việc cúng dường, làm phước, phóng sinh, bố thí để hồi hướng công đức cho những người đã khuất trong gia đình.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội. [Ảnh: NVCC]

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn.

Vào ngày này, mọi gia đình đều chuẩn bị hai mâm cỗ để cúng tổ tiên tại bàn thờ gia tiên và cúng chúng sinh [cúng cô hồn, cúng thí thực] ở ngoài cửa nhà.

Trong mùa Vu lan, các chùa thường tổ chức tụng kinh và có nghi thức "Bông hồng cài áo," là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.

Ông Phạm Tiến Dũng khẳng định việc thực hiện nghi lễ trong mùa Vu lan từ nhiều năm nay đã là một hoạt động không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Giảng giải ý nghĩa của lễ Vu lan, Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết Vu lan là dịp để chúng ta nghĩ đến “tứ đại ân”: ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội.

Giảng giải điều này, Thượng tọa cho hay: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế, Vu lan là dịp mỗi người nhìn lại bản thân mình, cần biết hiếu kính, phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy là những người công dân tốt, đặc biệt trong thời khắc này, phải chấp hành nghiêm quy định của cơ quan chức năng, chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những kiến thức, đạo lý đã được dạy dỗ. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là những bác sỹ, chiến sỹ tuyến đầu đang vất vả chống dịch ngày đêm.”

Thượng tọa Thích Minh Quang thực hiện nghi lễ Vu lan tại chùa Bái Đính. [Ảnh: PV/Vietnam+]

Khi tiến hành nghi lễ Vu lan, Thượng tọa Thích Minh Quang hướng dẫn người dân hãy cùng cầu nguyện cho cha mẹ được mạnh khỏe, bình an, tai qua nạn khỏi; cầu nguyện cho quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu tan, để mọi người được an vui, hạnh phúc; cầu nguyện cho những người đang dấn thân nơi tuyến đầu chống dịch luôn được bình an, khỏe mạnh; cầu nguyện cho các bệnh nhân không may mắc COVID-19 sớm được bình phục để trở về với người thân và gia đình; cầu cho đồng bào không may bị tử vong vì dịch sớm được siêu sinh về miền cực lạc...

Vu lan trực tuyến

Đại đức Thích Đạo Tâm, chùa Thần Quang [44 phố Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội] cho hay Vu lan năm nay, chùa tổ chức nghi lễ Phật giáo với quy mô nhỏ, nội bộ, tuyệt đối không để Phật tử tín đồ đến chùa.

“Với tâm hiếu hạnh, tu tập theo lời Phật dạy thì nơi đâu có lòng từ bi nơi đó là thắng địa, Phật tử nên tiến hành nghi lễ tại tư gia, có thể mở trang Facebook của các thầy, các chùa để tham gia các khoá lễ online,” Đại đức Thích Đạo Tâm cho hay.

Từ đầu tháng Bảy Âm lịch, Đại đức Thích Đạo Tâm đã có những bài chia sẻ trên mạng xã hội hướng dẫn Phật tử lễ Vu lan tại nhà. Lễ vật có thể không nhiều, chỉ cần chuẩn bị được 6 thứ: Hương [trầm], hoa, đăng [đèn, nến], trà, quả, thực [xôi, chè, bánh hoặc mâm cơm chay, mặn].

Ngoài ra nếu điều kiện cho phép, người dân đi chợ, có thể mua cá, ốc, lươn, trạch... mang ra chỗ nước sạch để thả. Đại đức cũng khuyên nhủ mọi người không nên đốt vàng mã.

“Nếu được hãy dâng cúng tiền thật, đặt vào đĩa gọn gàng, dâng cúng xong đem tiền đó mua sách bút cho con cháu nhân dịp năm học mới sắp tới hoặc đem làm từ thiện,” Đại đức Thích Đạo Tâm cho biết.

Đại đức Thích Đạo Tâm. [Ảnh: Zing]

Trưởng Ban tôn giáo Thành phố Hà Nội cho rằng việc cúng lễ tại gia đình có thể thực hiện được theo tinh thần gọn nhẹ, giản tiện. Quan trọng nhất là mọi người thực hiện hành vi thiện lành với cái tâm trong sáng, tham gia các hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho cộng đồng thông qua việc ủng hộ cho các Quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

“Năm nay, lễ Vu lan diễn ra trong lúc tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp, các cơ sở thờ tự đã tiến hành các hoạt động dưới hình thức trực tuyến, người dân hoàn toàn có thể liên hệ và tham gia sinh hoạt qua các trang web chính thức của các chùa, cổng thông tin điện tử của các tổ chức giáo hội,” ông nói.

Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ một số trang web hỗ trợ quần chúng tham gia tụng kinh online trong dịp lễ Vu lan năm 2021 như khuongviet.vn, hvpgvn.edu.vn, giacngo.vn. Ngoài ra, Phật tử và người dân có thể tham gia khóa tu báo hiếu một ngày trên trang web hoangphaponline.com. Cũng trên website này, khóa lễ Vu lan trực tuyến sẽ diễn ra lúc 19h hàng ngày trong suốt tháng Bảy Âm lịch./.

Minh Thu [Vietnam+]

Thứ 5, 15/08/2019 | 09:22:49

2,359 lượt xem

Vào dịp lễ Vu Lan, các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đều tổ chức cho các tín đồ Phật tử tụng kinh, cầu siêu tế độ, nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ, cha mẹ quá vãng được thác hóa siêu thăng. Một số cơ sở tự viện còn tổ chức lễ hội hoa hồng cài áo nhằm nhắc nhở những người làm con sống hiếu nghĩa với cha mẹ.

Nghi thức hoa hồng cài áo tại lễ Vu Lan.

Đã thành thông lệ, vào dịp lễ Vu Lan hàng năm, chùa Son, xã Minh Hưng [Kiến Xương] đều tổ chức cho các tín đồ Phật tử tụng kinh cầu phúc cho cha mẹ hiện tiền, cầu siêu tế độ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Năm nay, nhà chùa tổ chức lễ hội hoa hồng cài áo nhằm khơi dậy, nhắc nhở những người làm con phải sống hiếu nghĩa với cha mẹ; đặc biệt đối với những người còn cha, còn mẹ càng phải biết trân trọng những tháng ngày được ở bên cha mẹ để phụng dưỡng và yêu thương. 

Theo sư cô Thích Diệu Hoài, trụ trì nhà chùa: Nguồn gốc của lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Tôn giả Mục Kiều Liên cứu mẹ mình là bà Thanh Đề đã qua đời thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Để giải thoát cho mẹ, Tôn giả Mục Kiều Liên đã làm theo lời đức Phật vào ngày rằm tháng bảy, sắm sửa lễ vật dâng cúng, cầu thỉnh chư tăng chú nguyện cho mẹ ông. Làm theo lời Phật, mẹ của Tôn giả Mục Kiều Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời, trở thành ngày tri ân, báo hiếu của đạo Phật. Mặc dù ngày lễ Vu Lan chính thức là ngày 15/7 âm lịch song tùy theo điều kiện mà mỗi chùa sẽ lựa chọn thời gian tổ chức lễ Vu Lan cho phù hợp bắt đầu từ đầu tháng 7 cho đến ngày 15/7 âm lịch để mọi người có cơ hội cùng thành tâm hướng nguyện về cha mẹ, nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cầu cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ, cha mẹ quá vãng được thác hóa siêu thăng. 

Bà Lê Thị Lụa, làng Son, xã Minh Hưng [Kiến Xương] cho biết: Vào dịp lễ Vu Lan, tôi thường gác lại công việc hàng ngày đi các chùa để tụng kinh, cầu siêu cho cha mẹ, ông bà đã khuất. Thường thì tôi hay đi một mình song thỉnh thoảng tôi có dẫn các cháu theo với mong muốn thông qua những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái được các Phật tử trong chùa truyền tải, các cháu sẽ hiểu hơn về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên. Từ đó, cháu sẽ chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, trở thành công dân có ích.

Tham dự buổi lễ hoa hồng cài áo của chùa Son, bên cạnh các tăng ni, tín đồ Phật tử lớn tuổi và phụ huynh còn rất nhiều em nhỏ. Khi nghe các thầy giảng pháp, nói về đạo làm con, về công ơn lớn lao của cha mẹ, nhiều em đã xúc động bật khóc. Hòa cùng những giọt nước mắt biết ơn là những giọt nước mắt ân hận vì đã trót có lần cãi lời cha mẹ, làm cho cha mẹ buồn để rồi tự dặn mình từ nay phải cố gắng chăm ngoan để cha mẹ vui lòng. 

Sau khi dự lễ hoa hồng cài áo của chùa Son, em Trịnh Ngọc Khánh, xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định chia sẻ: Em rất hạnh phúc khi được cài lên ngực đóa hoa hồng đỏ thắm, tượng trưng cho niềm hạnh phúc vô biên vì vẫn còn bố mẹ. Em sợ nhất sau này, mùa Vu Lan mình phải cài đóa hồng trắng lên ngực. Tuy rằng điều đó trước sau gì cũng tới nên em càng thấy trân trọng những tháng ngày được ở bên bố mẹ nhiều hơn. Em dặn mình phải học tập thật tốt để bố mẹ vui lòng. Ngoài ra, em sẽ chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn từ những việc nhỏ nhất như làm việc nhà.

Cùng với chùa Son, hàng năm, chùa Pháp Quang, thôn Thượng Điền, xã Tam Quang [Vũ Thư] đều tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu bao gồm cả nghi thức hoa hồng cài áo cho các tín đồ Phật tử và nhân dân. 

Theo sư thầy Thích Thiện Quang, trụ trì nhà chùa: Vu Lan là một trong những ngày lễ thiêng liêng cao quý của Phật giáo. Đây là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với đấng sinh thành, vì thế ngày này luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Bên cạnh đó, lễ Vu Lan cũng là dịp hướng các Phật tử trở về với cội nguồn, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì vậy, vào dịp lễ Vu Lan, ngoài cầu siêu tịnh độ cho gia tiên, mong cho cha mẹ được bình an, các tăng ni, tín đồ Phật tử còn tham gia lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ nhằm tri ân các vị tiền nhân đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, Vu Lan từ một ngày lễ riêng của Phật giáo nay đã phổ biến rộng rãi trong nhân dân, là dịp để mỗi người con hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, nhắc nhở chúng ta sống chậm lại, tạm gác lại những xô bồ, hối hả trong cuộc sống, dành thời gian để suy ngẫm, hành động và yêu thương cha mẹ nhiều hơn, để mỗi ngày đều là ngày Vu Lan báo hiếu.

Đào Quyên 

Video liên quan

Chủ Đề