Nam đi chu Bắc di mã nghĩa là gì

CHƯƠNG VIII

MỘT VÀI QUY LUẬT VỀ SINH HOẠT VĂN HÓA Ở VÙNG ĐẤT MỚI

Khi nói về văn học miền Nam, thường có những nhận xét đánh giá hơn kém, do đó dẫn đến thái độ khinh chê về ba điểm chính sau:

- Viết sai chính tả

- Văn nôm na, xuôi tuột

- Sản phẩm văn hóa thuộc loại hạ cấp.

Sở dĩ văn học miền Nam rơi vào những "thiếu sót, khuyết điểm" kể trên là vì theo những nhà nghiên cứu văn hóa nhìn từ miền Bắc, từ căn bản tiếng nói miền Nam "mang ít nhiều tính chất khẩu ngữ hoặc phương ngữ không được trau chuốt như tiếng nói vùng trung tâm vốn là ngôn ngữ văn học của dân tộc từ nhiều năm qua". Ngay "tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu cũng không được phổ biến ra Bắc vì lý do quan trọng là ngôn ngữ và nghệ thuật của nó" mang tính chất thổ ngữ địa phương, do đó số phận của một nền văn học địa phương không được tiếp xúc để bồi dưỡng với tiếng nói, văn học vùng đồng bằng sông Hồng, mà cái nôi của nó là tiếng nói Hà Nội coi như tiếng nói chuẩn, dễ bị rơi vào quên lãng...

Còn con người sở dĩ chỉ có thể làm ra thứ văn "nôm na" là vì "ít học" chất phác, bộc trực, do xuất thân gốc "lính thú nông dân" ít thích "văn hoa rào đón"...

Lối nhìn kỳ thị, tự tôn như vậy có xúc phạm không? Xúc phạm quá lắm chứ. Làm sao không xúc phạm khi anh nói với một người: Này, anh giàu có đấy nhưng vô học [nói một cách văn hoa thì: Miền Nam có kinh tế phong phú nhưng không có truyền thống văn hóa].

Những lối nhìn cách đánh giá kỳ thị trên đã trở thành thiên kiến có thể giải tỏa bằng cách trình bày những quy luật sinh hoạt, phát triển tiếng nói, văn hóa, ở vùng đất cũ và vùng đất mới của cùng một con người từ vùng đất cũ đến vùng đất mới có những thay đổi diễn tiến ra sao. Trong viễn tượng tìm hiểu kể trên, chúng tôi nêu ba vấn đề gợi ý:

1. Vấn đề không phải là người Nam kỳ viết sai chính tả, mà là tại sao dám viết sai chính tả?

2. Viết văn nôm na, quê mùa, xuôi tuột là vì trình độ khả năng hay do một lựa chọn có ý thức? Nói cách khác: vấn đề là "không thể" hay chỉ là "không muốn" mặc dầu "có thể".

3. Tại sao Nam kỳ chỉ có một giọng phát âm, một thứ tiếng lóng, một dòng văn học?

Cốt lỗi của vấn đề là nhận ra sự khác biệt và nhìn nhận sự khác biệt đó do những yếu tố địa lý chính trị quy định.

Chúng tôi thấy có ba nét khác biệt:

1] Tâm lý con người ở vùng đất mới, là tâm lý khai phá. Mọi sự đều trở về khởi điểm, bắt đầu từ gây dựng nếp sống cách làm ăn đến cách suy nghĩ, diễn tả tình cảm...

2] Nam kỳ là vùng đất tự túc về kinh tế và về văn hóa trong khuôn khổ văn minh nông nghiệp.

3] Ở Nam Kỳ, giao thông tiện lợi trong cả miền.

Từ những nét khác biệt trên, có thể rút ra mấy đặc điểm:

1] Giọng phát âm miền Nam phù hợp với những quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ dân tộc học.

2] Trong sinh hoạt văn học, trở về với lối văn nói [oralité] hay rõ hơn lối văn viết dễ nói và trở về với tiêu chuẩn: câu văn học câu nói [hàng ngày] không phải câu nói học câu văn.

3] Về phương diện xã hội dù có công nhận ở miền Nam đã hình thành những phân hóa giai cấp, từng lớp, nhưng về phương diện văn hóa chưa có một truyền thống văn hóa riêng về ăn, mặc, ở hoặc sinh hoạt văn học của các tầng lớp trên [quý tộc, trưởng giả] như ở vùng cũ. Do đó vẫn chỉ có một dòng văn học chung, chưa tách rời khỏi những mặt khác của thực tế cuộc sống hàng ngày.

Văn học vùng đất cũ

Chúng tôi thấy văn chương ở miền Bắc vào thời kỳ xảy ra cuộc Nam tiến càng ngày càng tách rời thành hai dòng văn chương bác học và bình dân, mà chưa xác định được rõ thời điểm và nguyên nhân tại sao? Văn chương bác học gồm thơ truyện chữ Hán và chữ Nôm, văn chương bình dân không dựa vào chữ viết, chủ yếu là truyền miệng. Tuy khác nhau về thể văn, thể đường luật trong văn chương bác học và đối tượng [thiểu số có học và đa số quần chúng] nhưng cả hai dòng văn chương bác học, bình dân đều có một đặc điểm chung phần lớn có tính sâu sắc về ý nghĩa chải chuốt về lời: Ý sâu lời đẹp. Nếu có những câu thơ truyện Kiều tuyệt đẹp thì cũng có những câu ca dao tuyệt hay. Một đàng do quá trình xây dựng của một cá nhân, một đàng của tập thể qua thời gian, cả hai đều đạt tới cái tuyệt đỉnh hoàn chỉnh như thể không còn sửa chữa gì thêm được nữa. Sâu sắc nhưng lại kín đáo, tế nhị, ít khi nói thẳng ra mà thường dùng lối nói bóng gió, ám chỉ, nói xa xôi, mượn cái này để nói cái kia, khen mà thực ra là chê, đôi khi phải ít lâu sau mới khám phá ra, và hiểu được dụng ý như gài bom nổ chậm [trường hợp chơi chữ trong câu đối câu đố]. Cả hai dòng văn đều vận dụng trí tuệ, lý luận thiên về suy tư, nghĩ ngợi: Suy nghĩ về cuộc đời, thân phận con người. Chẳng hạn câu tục ngữ: "Khôn dại đều về ba tấc đất, giàu sang cũng chỉ một nồi kê". Những câu đố bày tỏ một mô tả đưa đến suy tư: "Cái gì như thể khí trời, ngày đêm quanh quẩn ở nơi cạnh mình, - không hương không sắc không hình, không hình không sắc mà hình không qua" [lòng cha mẹ], hoặc một suy tư để mô tả sự vật: thân em như tấm ván dài, ngày thời dãi nắng, đêm thời dầm sương, làm ơn tất cả muôn phương, ơn thời chẳng có, đạp đường mà đi [cái cầu]. Cũng suy tư về chuyện đời, nhưng văn chương bình dân tuy có chỗ đả kích, phê phán, nói chung vẫn giữ được tính lạc quan tin tưởng, tính quần chúng [đặc biệt các loại ca hát, hát trống quân, hát quan họ]. Trái lại văn chương bác học, càng ngày càng đi sâu vào những mối sầu thảm thiết đau thương vì xa cách biệt ly, oan ức uất hận, bất lực trước số phận... [Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, truyện Kiều]. Hình ảnh trội bật là người đàn bà đau khổ đầy nước mắt [người chinh phụ, nàng cung nữ, nàng kỹ nữ].

Lối văn thiên về suy tư, đặc biệt suy tư trước những hoàn cảnh bế tắc, càng ít chú ý đến hành động vì làm được gì, hay làm gì được, làm để làm gì, cho ai, đều không có trả lời, giải đáp, rút cục dễ đưa đến những thái độ yếm thế thoát ly, lẩn tránh hành động hoặc hành lạc [Nguyễn Công Trứ].

Người trí thức [có học] ưa suy tư tế nhị sâu sắc, kín đáo, dĩ nhiên không thích những tiếp xúc ồn ào, những hò hét đâm chém, múa may của quần chúng. Họ thích thơ văn hơn là tuồng kịch và trong một hướng lệch lạc, sa đọa nếu vẫn còn muốn có sân khấu, thì sân khấu đó được thu gọn lại trong một căn nhà nhỏ: nhà hát cô đầu, trong đó quần chúng dỗi thành quan viên và diễn viên là cô đầu: "những nơi đó đã nhận chìm sâu trí thức miền Bắc vào trong cái hang huyền diệu, cái động tiên trần gian xa lánh hẳn mọi cọ sát quần chúng." [1]

Sau cùng, do xu hướng thiên về suy tư, thâm trầm, không phải về hành động sôi nổi, văn thơ bác học là thứ văn thơ để đọc hoặc ngâm một mình, vì chỉ như thế mới thấm thía ý sâu lời đẹp, không phải thứ văn để nói, để xem trình diễn. Sự lựa chọn những thể văn thích hợp chứng tỏ hình thức diễn tả gắn liền với nội dung [thái độ cảm nghĩ] chẳng hạn thể song thất lục bát trong: Cung oán, Ai tư vãn, Chinh phụ ngâm, Tự tình khúc, v.v... là một thể văn tự sự, để bộc lộ nội tâm. Nhà thơ "đóng vai một lữ khách xem cuộc đời của mình như một đoạn đường dài và ôn lại quãng đường ấy... Con người ấy có đặc điểm là ngồi một mình và viết cho những người của mình chứ không phải cho mọi người. Đặc điểm này là trái ngược với thể hát nói. Thể hát nói bao giờ cũng đòi hỏi nhà thơ ngồi giữa bạn bè và bài thơ, lời nói với những người trước mặt mình. Nói chung cho đến nay, thể song thất lục bát là do một người cô độc viết ra ở trong trạng thái cô đơn đòi hỏi sự thông cảm và muốn thưởng thức cái hay của nó thì phải đọc lúc đêm khuya thanh vắng, thậm chí đọc lén lút... đọc một mình, khi mình đối diện với lòng mình." [2]

Đến khi tiếp xúc với văn chương Pháp, dòng văn chương bác học ở Bắc Hà thấm nhuần văn chương Trung Hoa được dịp tiếp thu thêm cái phong phú đa dạng của một dòng văn chương bác học vào bậc nhất ở châu Âu: các xu hướng, tư tưởng, triết lý, siêu hình [Bergson, Nietzseho] triết lý xã hội, chính trị [J.J.Rousseau, Montesquieu, Voltaire] các trào lưu văn nghệ lãng mạn, tượng trưng tả chân xã hội đặc biệt là thoại kịch và phê bình văn học. Bắt đầu có những bài báo sách viết về văn học sử, phê bình văn học. Người ta đi phỏng vấn nhà văn nhà thơ để tìm hiểu cách làm văn, động cơ, mục đích hoặc phỏng vấn độc giả, lập Ban Giám khảo để ban giải thưởng v.v... Tất cả những việc làm trên tạo ra một sinh hoạt mới gọi là sinh hoạt văn học lấy văn chương làm đối tượng, nhận thức. Người dọc có thể không đọc chính tác phẩm nhưng vẫn biết có tác phẩm và thích hay không thích vì các nhà phê bình đã khen hay chê. Do đó đã có tình trạng một tác phẩm có thể ít được đọc trong sinh hoạt thưởng thức, văn chương, mặc dầu thế vẫn được biết đến, đề cao trong sinh hoạt văn học [giảng dạy văn học ở các trường, nghiên cứu phê bình văn học trên sách báo như trường hợp "Quả dưa đỏ" của Nguyễn Trọng Thuật]. Dĩ nhiên sinh hoạt văn học cũng như sinh hoạt văn chương trong dòng văn học bác học chỉ thấy ở một giới có học tại các đô thị mà thôi. Các tầng lớp khác ở đô thị và nông thôn hầu như không hề biết đến những sinh hoạt văn chương, văn học của dòng văn chương bác học, ngay cả trường hợp nhà văn nói viết về họ. Tam Lang khi được hỏi về phóng sự "Tôi kéo xe" của ông, có cho biết: "Tôi làm có 6 ngày cốt ý nói về sự cơ cực, tật hư nết xấu của người kéo xe. Lúc ấy tôi làm chủ bút và ông Bùi Xuân Học làm chủ nhiệm Ngọ Báo, tôi đề nghị và ông Học bằng lòng liền. Cả gia đình tôi khi biết ý định đi kéo xe của tôi liền phản đối và cho làm như vậy là bôi nhọ gia đình. Tôi lén làm, tôi hơi nhát không dám kéo ban ngày mà xin kéo buổi tối để khỏi gặp người quen. Tôi muốn kéo xe để biết kiếp người ngựa cực như thế nào!

- Xin cụ cho biết phản ứng của các giới lúc đó về cuốn phóng sự này: giới chủ xe, cai xe, phu xe, người đi xe?

- Họ chả có phản ứng gì. Giới phu xe thì không đọc báo hóa cho nên không biết mà phản ứng. Chỉ có Sở kiểm duyệt khuyên không nên làm việc ấy nữa. Họ cho làm như vậy là gây căm thù giữa các giai cấp [1]. Quần chúng ở đô thị không đọc hoặc ít đọc văn chương bác học vì không thích hợp với họ. Có lẽ họ chỉ được đọc những truyện nôm loại bình dân khổ nhỏ giá 20 xu các nhà in xuất bản Long Quan, Quan Long, Quảng Thịnh hồi 1910 - 1920 và hầu hết đều do Xuân Lan dịch, dịch ra quốc ngữ thoại kịch cũng chỉ dành cho trí thức, còn ở nhà quê không biết họ được đọc cái gì? Có một điều rất rõ từ ngữ "nhà quê" trong ngôn ngữ thời đó ở miền Bắc là một tiếng chê, mắng chửi, "đồ nhà quê" có nghĩa là ngu dốt...

Câu nói học câu văn: Đầu tiên, câu văn xuất phát từ câu nói [lời nói hàng ngày, phổ thông] nhưng rồi càng ngày càng được trau dồi, chải chuốt, bóng bảy... Nếu câu văn được thể hiện bằng câu viết, thì lại có điều kiện thuận lợi trở nên xúc tích chải chuốt hơn, vì loại bỏ được những hạng từ nghi vấn, tán thán, khẳng định. Những loại hạng từ đó được thay thế bằng những ký hiệu tương ứng:

[?], [!], [ ù], [ ø]: Trong chữ viết, những đơn vị "nhân cách hóa" được biểu thị bằng chữ in [chữ hoa]: cờ bạc, đờn hát, chúa xuân trong câu văn của Nguyễn Tuân "Quê hương của họ là cờ bạc và đờn hát [2], thêm tội với chúa Xuân" [3]. Trong câu viết một cảm nghĩ xuất hiện đồng thời với một sự kiện được biểu thị bằng ký hiệu [- ... -] như trong câu "Bởi vì - quái sao mãi đến giờ ông mới nhận ra - khuôn mặt cô Phượng cũng hao hao tự như diện mạo người đàn bà ẵm con" [4]

Câu văn chải chuốt, bóng bảy, thâm trầm, sâu sắc chỉ hay và độc đáo lúc mới được dùng. Về sau càng được dùng, càng trở thành điển tích, thành ngữ, công thức và khi không còn hợp với thực tế trở thành khuôn xáo rỗng tuếch. Mặc dầu vậy, vẫn phải nói, viết như thế vì đó là lễ nghi phong tục bắt buộc: ăn nói phải thưa gửi trịnh trọng, cũng như ăn mặc phải chỉnh tề khăn đóng áo dài hoặc complet, veston mới ra tiếp khách. Do đó câu nói hàng ngày bắt chước câu văn. Thử nghe vợ chồng xa nhau viết thơ cho nhau như sau: "Gió thu mát, nước thu trong, trăng thu đẹp, đối cảnh thu, ta ở ngoài ngàn dặm chạnh nhớ đến hiền thiếp nơi quê một mình gánh vác bao công việc. Ở ngoài này chốn Cẩm đường tuy bận việc mà nhà lính ngự [nhà giam] vẫn vắng không. Đây là điều ta hằng mong mỏi... Giấy ngắn tình dài, khôn nói hết nỗi niềm thấm thía. Ý giàu lời ít để ghi đầy một kỉnh tin. Nhân cho trẻ Tuyết về vui dưới gối, nên có chút quà gọi là quí vị Tề quân" [1] hoặc bạn bè nói chuyện thường với nhau "Thưa tôn huynh đệ thiết nghĩ, người quân tử chu cấp nhau là thường. Vả đời người ta có lúc kinh, có lúc quyền, có lúc biến, có lúc thông. Như tôn huynh hiện nay đang ở vào lúc biến, thế tất phải tòng quyến. Xin lỗi nhân huynh cho đệ được nói thực... Dạ thưa tôn huynh, thầy Nha Tử, một giỏ cơm, một bầu nước ở trong các ngõ hẻm, mà suốt đời còn vui, nữa là đệ bây giờ còn được sang trọng hơn nhiều"... [2]. Người có học, biết chữ, viết thư nói chuyện hàng ngày bằng câu văn - câu nói bắt chước câu văn - đã đành, nhưng ngay cả người bình dân khi biết được ít chữ nghĩa cũng học câu văn để nói [3] trong giao tế hàng ngày: lời chào, lời chức, lời mừng, lời thăm [4]. Thậm chí lời chửi cũng phải văn vẻ nghĩa là cân đối, có vần điệu:

Xóm trên

Xóm dưới

Xóm ngoài

Xóm trong

mở lỗ tai ra mà nghe đây nè: Gà của tao còn ràng ràng hồi trưa, mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi.

Ối thằng liền ông

Ối con liền bà

Ối đứa già [vần]

Ối đứa trẻ

Ối đứa nào đêm hôm qua xỏ xiên gà nhà tao

thì nó dỏng mái tai

gài mái tóc [vần]

gọi ông bà ông vải, cụ kỵ nhà nó lên để nghe bà chửi.

Làng trên

Xóm xưới

bên sau

bên trước

bên ngược [vần]

bên xuôi

Tôi có con gà mái xám, có sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào

đứa nào ở gần mà qua

đứa ở xa mà lại [vần]

nó day tay mặt

nó dặt tay trái [vần]

nó bắt mất của tôi, thì buông tha nó ra, không thì tôi chửi cho đó ơ ơi!

[Nguyễn Công Hoan - Bước đường cùng - trang 20-21]

* Hành trang của người lưu dân

Những người bỏ quê ra đi về miền Nam, nói chung đều thuộc một lớp người: nghèo khổ, tay anh chị, ít nhiều có óc phiêu lưu, tinh thần bất khuất, mang theo những gì? Về vật chất, chắc rất ít, vài bộ quần áo, cái cày, cái cuốc, nhưng về tinh thần mang được nhiều, trừ văn chương bác học mà họ ít biết hay không biết: phong tục tập quán, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng Thành Hoàng, văn chương dân gian, nhất là các bài ca hát theo những lối riêng của mỗi vùng [quan họ, trống quân, dặm, ví].

Đến một miền đất bát ngát phì nhiêu, chỉ cần bàn tay khai phá và bộ óc sáng tạo: có làm chắc có ăn rồi, sau đó làm chơi ăn thiệt. Làm chủ một giang sơn rộng lớn, họ phải tìm ra những lề lối canh tác, chuyên chở, trồng trọt, chăn nuôi khác, không thể tiếp tục dùng cái liềm, cái thuyền bé tí... Trong việc vận dụng óc sáng tạo, họ bắt gặp những người bạn đồng cảnh ngộ: người Trung Hoa lưu dân, không phải là những quân xâm lăng thống trị như hình ảnh vẫn thấy ở miền Bắc, sẵn sàng hợp tác để càng phát huy sáng kiến, hoặc những người tại chỗ [Miên, nhiều kinh nghiệm] và mang tính cần cù ra mà làm ăn, họ chắc có ăn trước mắt và sẽ khá mai sau. Nếu hiện tại và tương lai đều bảo đảm cần gì phải suy tư nhiều, hoặc lý luận này nọ, cuộc sống hầu như bị thu hút hết vào hành động với thái độ lạc quan, tin tưởng. Về nếp sống văn hóa, họ cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới, chỉ giữ lại cái cốt yếu, gốc rễ về phong tục tập quán, văn nghệ và gạn lọc bỏ đi tất cả những gì rườm rà chải chuốt, quan cách lễ nghi, khách sáo, hình thức... Cái gốc rễ là căn bản đạo lý như tinh thần tự chế [1]. Cái cốt yếu trong các hình thức diễn tả văn xuôi Việt Nam là cách nói lối [truyện, vè, tuồng đồ, chèo, hát bộ, cải lương...].

Họ chỉ có một dòng văn chương là dòng văn chương đại chúng. Những tác phẩm thuộc dòng bác học có thể tiếp thu được "bình dân hóa" nghĩa là được rút vắn lại, bỏ bớt điển tích và cấu tạo sao cho có thể đọc cho mọi người nghe được.

Chẳng hạn thể thất ngôn bát cú là thể duy nhất còn sót lại của Trung Hoa qua các thời gạn lọc và người Bắc thích dùng nó như người Trung Hoa vẫn dùng: mô tả tâm sự, bày tỏ những mối thương thầm xót vay. Rõ ràng là lối thơ càng xem riêng lẻ chừng nào càng hay chừng đó [thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thanh Quan"...

Trái lại thơ họ Tôn [Tôn Thọ Tường] không bao giờ viết để cho mình mà chính là để cho người, không phải để xem mà để đọc. Lạ nhất là thơ thất ngôn bát cú miền Nam còn có thể đem đọc vanh vách trước công chúng và họ cũng có thể nghe hiểu được, bởi chính tác giả không mang tinh thần vị kỷ mà rất vị tha trong khi sáng tạo [2]. Còn truyện Kiều được cải biên rút vắn lại, bỏ hầu hết các điển tích trở thành rất nhiều bài phú, như bản Túy Kiều phú của Phụng Hoàng San, Võ Thành Ký nổi tiếng hơn cả [1902].

Dòng văn chương đại chúng này thiên về hành động, lạc quan sống văn chương, ít suy tư, nên không chú ý đến sinh hoạt văn học và thiên về lối văn nói, trình diễn, văn không phải viết ra để đọc thầm, thưởng thức, nghĩ ngợi một mình mà để xem nghe bắng mắt, lỗ tai, cùng xúc động, rung cảm với những người chung quanh. Ngay cả thơ, truyện [bằng văn vần] cũng là nói thơ, nói truyện, huống nữa là tuồng. Nhiều người đã so sánh truyện Kiều và Lục Vân Tiên, sự so sánh đó vẫn chính đáng để tìm hiểu cái hay cái khác biệt của mỗi lối văn, mỗi đối tượng. Chúng tôi xin trích dẫn một trong nhiều chứng từ dưới đây:

"Khi người lưu dân trở lại" của Nguyễn Văn Xuân [trang 78] "Lục Vân Tiên lồ lộ hiện ra, có vẻ hơi [kỳ cục] khi thấy người đẹp mà lại bảo "ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai. Chàng cũng "kỳ cục nữa"! khi một nho sinh dáng thời thượng phải mềm như lá cỏ thì chàng lại bẻ cây làm gậy đánh tan lũ cướp. Suốt quyển truyện con người có đau khổ nhưng không rên rĩ tuyệt vọng, không ẻo lả, uốn éo, mềm dịu như những con bún người. Mỗi nhân vật dù tà, dù chánh cũng mang một sức sống, một nhân cách, một phong độ, sự ngang tàng, ngay thẳng, chất phát của một Tử Trực, một Hớn Minh, một ông quan, một tiểu đồng, thật chính là hiện thân của một miền còn đầy sinh lực, lương tri, đối chọi hẳn cái miền đã quá bạc nhược, tệ bại nửa người. Chỉ trong Lục Vân Tiên mới có người đàn ông! Và chỉ một mình chàng cũng tả đột hữu xông chống với cái trào lưu văn nghệ phụ nữ, nữ hóa từ Bắc tiến vào. Hình như chàng đã thắng ít nhất cũng bảo vệ hữu hiệu từ mũi Cà Mau đến đèo Hải Vân. Chẳng khác nào Triệu Tử phá vòng Chương Dương cho mãi đến 1932, nhưng đến đó dù có thất bại ở thành thị, chàng vẫn về tổ chức du kích tại nông thôn rất lâu dài.

Truyện Kiều, khi qua đèo Hải Vân rồi, dân chúng không hiểu, chỉ có trí thức hiểu. Ngược lại, Lục Vân Tiên sang bên kia, có lẽ giới trung lưu và quần chúng ưa thích hơn là trí thức!

Nhưng còn từ Hải Vân vào thì Lục Vân Tiên chính là tiếng nói thật, phát tự đáy lòng của người dân ở đó. Sự can trường đối kháng cái xấu, sự thao thức phục hưng cái tốt, lòng ao ước phục vụ hạnh phúc quảng đại nhân dân... phải chăng đó là lý tưởng của đa số, một đa số vẫn chưa quên nếp sống xa đạo lý? Một đa số vẫn cảm thấy cuộc đời mình gắn liền với lịch sử còn nóng hổi những khát vọng bình dị của đám dân đi khai phá?

Cái thú vị của Lục Vân Tiên chính nằm trong sự phiêu lưu như dân miền Nam đã và đang phiêu lưu. Cái hào hùng của Lục Vân Tiên chính là sự tiêu diệt những tên côn đồ, những tham quan, những ác bá như miền Nam đầy dẫy. Cái sảng khoái trong Lục Vân Tiên là dám phát ra lời cương trực để đè bẹp những lời tà vạy. Cái say sưa trong Lục Vân Tiên là các nhân vật hiện ra mỗi người là một điển hình. Lời nói hành động của họ, nếu đổi tên những Cốt Dột, vua, tể tướng, tiểu thư, quan lại ra những ông hương, ông lý, ông điền chú, cô bảy, cô ba, tên anh chị bự đầu chợ thì đó chính là sinh hoạt giản dị thường nhật trong làng, trong huyện quen thuộc biết bao. Cái mê ly trong Lục Vân Tiên chính là lối kết cấu với những tình tiết gọn gàng thay đổi với bối cảnh cũng luôn luôn thay đổi làm cho nó linh hoạt hẳn lên rất thích hợp với hạng thính giả nóng tính.

Nhiều người nặng về hình thức cho là Lục Vân Tiên không hay, không điêu luyện. Ấy là chỉ nhìn bằng cái mắt độc giả mà quên lỗ tai thính giả. Văn Lục Vân Tiên là tiêu biểu cho văn miền Nam để đọc chứ không hẳn để xem. Đó là văn nặng trình diễn như truyền thống của loại văn ấy. Về giá trị lớn của nó chính nằm trong phản ứng của người đọc [chứ không phải xem] và của khán giả [1]. Một phê bình gia Pháp cho là văn Molière đầy lỗi văn phạm, câu rắc rối, văn xuôi mà nhiều câu còn chêm cả thơ 12 chân thô thiển. Thế nhưng tất cả diễn viên thiên tài lừng lẫy nào khi đọc văn đó lên cũng công nhận là chưa ai viết mà thuận lợi cho lối trình diễn đến thế!

Với lục Vân Tiên, chỉ cần nghe một người to giọng, vừa vỗ vào đùi vừa cất tiếng ngâm ca:

Trước đèn xem chuyện Tây Minh

Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le...

Là tất cả những ai có mặt cũng đều chăm chú theo dõi, say sưa... Hình như chưa hề có quyển truyện nào lôi cuốn họ như thế. Cả trí thức lẫn bình dân, kẻ giàu cũng như người nghèo, quân nhân cũng như thương gia, ai cũng cảm thấy như chính đó là giọng nói của đất nước.

VĂN CHƯƠNG VÙNG ĐẤT MỚI

Nói sao viết vậy:

Một định kiến thường được dựa vào để phủ nhận văn chương ở miền Nam thời kỳ này là viết theo lối phát âm địa phương khác với chính tả hoặc dùng nhiều thổ ngữ chứng tỏ một trình độ sơ khai ấu trĩ. Thực ra không thể căn cứ vào viết khác với chính tả [văn phạm] hoặc dùng thổ ngữ để đánh giá một tác phẩm, vì ít nhiều ai cũng sai, kể cả những nhà văn hóa lớn. Ở miền Bắc, đến 1925 cũng vẫn thấy viết sai chính tả. Chẳng hạn trong truyện dịch bình dân: Tây Thi chuyện diễn nghĩa, mỹ nhân liều mình bán nước. Thấy nhiều lỗi chính tả: một quyển chọn bộ, transerit en quốc ngữ par Duc Phổ lère édition, Phủ Văn Đường Hà Nội 1925. "Phen này ta đem quân đi chắc gặp lúc địch đương có tang mà ta xuất kỳ bật ý, thì chắc rằng chỉ đánh một tiếng chống thì hạ được... Trong bụng Ngộ vương dận lắm sông vào quân Ngộ, quan nhà Ngô khi ấy bày trận không được trỉnh tề... quân Ngô đang khi chẳng ngờ, không thể trống lại được" [2]. Ngay cả thơ văn đăng trên báo của nhà giáo cũng đầy lỗi chính tả. Mỗi câu thơ đều có lỗi:

Đêm đông trường tuyết xa lạnh lẽo

Như khêu giạ thắm nhớ chồng đôi phen

Khi buồn lưu thủy khúc cao dọng tình

Tiếng rế khóc dục lòng trinh phụ

Dài bi lá dụng, hướng dương huệ tàn

Rọt lã chã thương người rậm vắng

Vọng phu ngâm [1]

Chủ Đề