Năng suất lao động tăng lên thì giá trị một đơn vị hàng hóa

[Last Updated On: 02/04/2022 By Lytuong.net]

Tìm hiểu về Lượng giá trị của hàng hóa và Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa.

1. Lượng giá trị của hàng hóa là gì?

Giá trị của hàng hóa là do lao động xã hội, lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Vậy, lượng giá trị của hàng hóa được đo bằng lượng lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hóa đó. Lượng lao động tiêu hao ấy được tính bằng thời gian lao động. Ở đây, lao động tạo thành thực thể của giá trị là thứ lao động giống nhau của con người, là chi phí của cùng một sức lao động của con người…, nó có tính chất của một sức lao động xã hội trung bình…, do đó để sản xuất ra một hàng hóa nhất định, nó chỉ dùng một thời gian lao động trung bình cần thiết hoặc “ thời gian lao động xã hội cần thiết”. Điều đó cũng có nghĩa là, trong thực tế, có nhiều người cùng sản xuất một loại hàng hóa, nhưng điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề, năng suất lao động khác nhau. Thế nhưng lượng giá trị của hàng hóa không phải do mức hao phí lao động cá biệt quy định, mà nó được đo bởi thời gian lao động xã hội cần thiết.

Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa nào đó trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội với trình độ, trang thiết bị trung bình, trình độ thành thạo trung bình và cường độ lao động trung bình trong xã hội đó.

Thực chất, thời gian lao động xã hội cần thiết chính là mức hao phí lao động xã hội trung bình [thời gian lao động xã hội trung bình] để sản xuất ra hàng hóa. Thông thường thời gian lao động xã hội cần thiết gần sát với thời gian lao động cá biệt [mức hao phí lao động cá biệt] của người sản xuất hàng hóa nào cung cấp đại bộ phận hàng hóa đó trên thị trường.

Thời gian lao động xã hội cần thiết là một đại lượng không cố định, vì trình độ thành thạo trung bình, cường độ lao động trung bình, điều kiện trang bị kỹ thuật trung bình của xã hội ở mỗi nước khác nhau là khác nhau và thay đổi theo sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khi thời gian lao động xã hội cần thiết thay đổi [cao hay thấp] thì lượng giá trị của hàng hóa cũng sẽ thay đổi.

Như vậy, chỉ có lượng lao động xã hội cần thiết, hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa, mới quyết định đại lượng giá trị của hàng hóa ấy. Đó cũng chính là giá trị xã hội chứ không phải là giá trị cá biệt của hàng hóa.

2. Những nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa

Tất cả những yếu tố ảnh hưởng tới thời gian lao động xã hội cần thiết đều ảnh hưởng tới số lượng giá trị của hàng hóa. Chúng ta xem xét 3 yếu tố cơ bản: năng suất lao động, cường độ lao động và mức độ giản đơn hay phức tạp của lao động.

Năng suất lao động

Năng suất lao động là năng lực sản xuất của người lao động. Nó được đo bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc số lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm [hàng hóa].

Năng suất lao động tăng lên có ý nghĩa là cũng trong một thời gian lao động, nhưng khối lượng hàng hóa sản xuất ra tăng lên làm cho thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hóa giảm xuống. Do đó, khi năng suất lao động tăng lên thì giá trị của một đơn vị hàng hóa sẽ giảm xuống và ngược lại. Tức là, giá trị của hàng hóa tỷ lệ nghịch với năng suất lao động.

Năng suất lao động lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ khéo léo [thành thạo] trung bình của người công nhân, mức độ phát triển của khoa học – kỹ thuật, công nghệ và mức độ ứng dụng những thành tựu đó vào sản xuất, trình độ tổ chức quản lý, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, và các điều kiện tự nhiên.

Cường độ lao động

Cường độ lao động là khái niệm nói lên mức độ hao phí sức lao động trong một đơn vị thời gian. Đó chính là mức độ khẩn trương, nặng nhọc, hay căng thẳng của lao động. Cường độ lao động tăng lên tức là mức hao phí sức lao động trong một đơn vị thời gian tăng lên. Nếu cường độ lao động tăng lên thì số lượng hàng hóa sản xuất ra tăng lên nhưng sức lao động hao phí cũng tăng lên, vì vậy giá trị của một đơn vị hàng hóa vẫn không đổi. Tăng cường độ lao động, thực chất chính là việc kéo dài thời gian lao động. Cường độ lao động cũng phụ thuộc vào trình độ tổ chức quản lý, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, đặc biệt là nó phụ thuộc vào thể chất, tinh thần của người lao động.

Như vậy, tăng cường độ lao động và tăng năng suất lao động đều làm cho số lượng sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên, tăng cường độ lao động là thường có giới hạn và hiệu quả thấp, còn tăng năng suất lao động có ý nghĩa tích cực hơn đối với phát triển kinh tế và là nhân tố quan trọng nhất nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Như vậy, mấu chốt để hạ giá trị cá biệt của sản xuất hàng hóa là tăng năng suất lao động. Muốn vậy, phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng, kỹ xảo, kỉ luật của người lao động, cải tiến tổ chức quản lý, hợp lý hóa sản xuất kinh doanh, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất .

Mức độ phức tạp của lao động

Mức độ phức tạp của lao động cũng ảnh hưởng nhất định đến số lượng giá trị của hàng hóa. Có thể chia lao động thành lao động giản đơn và lao động phức tạp. Lao động giản đơn là lao động mà bất kỳ một người lao động bình thường nào không cần phải trãi qua đào tạo cũng có thể thực hiện được. Lao động phức tạp là lao động đòi hỏi phải được đào tạo, huấn luyện thành lao động chuyên môn lành nghề nhất định mới có thể tiến hành được. Trong quá trình trao đổi hàng hóa, mọi lao động phức tạp đều được quy thành lao động giản đơn trung bình.

3. Cấu thành lượng giá trị hàng hóa

W = c + [v + m]

– Giá trị cũ ký hiệu c bao gồm các yếu tố của tư liệu sản xuất như máy móc, nhà xưởng, nguyên liệu, nhiên liệu, được lao động cụ thể của người sản xuất chuyển hóa giá trị vào sản phẩm.

– Giá trị mới ký hiệu v+m là lao động sống, lao động trừu tượng bao gồm lao động tất yếu[v] và lao động thặng dư [m]

– Cấu thành lượng giá trị hàng hóa bao gồm hai bộ phận: giá trị cũ tái hiện và giá trị mới.

Việc hiểu về khái niệm cũng như đối chiếu, so sánh năng suất lao động và cường độ lao động, từ đó dẫn chứng ra khả năng thực thi nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh là những điều doanh nghiệp cần chú ý trong quá trình sản xuất thời đại 4.0.

Thuật ngữ năng suất lao động và cường độ lao động đã được đề cập cụ thể trong quan hệ pháp luật về lao động. Đây cũng là mối quan tâm của Nhà nước, xã hội, cụ thể là đối tượng doanh nghiệp và người lao động. Vậy cường độ lao động, năng suất lao động là gì? Giữa hai khái niệm có gì khác nhau, sau đây, hãy cùng đi so sánh năng suất lao động và cường độ lao động để có đánh giá xác đáng.

Cường độ lao động là đại lượng chỉ mức độ tổn hao sức lao động của nhân lực thực hiện công việc trong một đơn vị thời gian. Nó cho thấy mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động.

Khi cường độ lao động tăng lên trong một đơn vị thời gian, đồng nghĩa với việc tăng mức hao phí sức cơ bắp, thần kinh và mức độ khẩn trương, nặng nhọc hay căng thẳng của lao động cũng tăng tương ứng. Tăng cường độ lao động thực chất là việc kéo dài thời gian lao động nên hao phí lao động không đổi trong một đơn vị sản phẩm.

Điều này có nghĩa, nếu cường độ lao động tăng thì số lượng [hoặc khối lượng] hàng hóa sản xuất ra trong doanh nghiệp cũng tăng tương ứng. Giá trị của một đơn vị hàng hóa không đổi.

Năng suất lao động được định nghĩa là số lượng sản phẩm [hay GDP] được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc, nhằm phản ánh tính lợi nhuận, tính hiệu quả và giá trị chất lượng công việc thực hiện. Khái niệm này là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, được lượng hóa bằng mức tăng giá trị gia tăng của tất cả nguồn lực.

Có hai loại năng suất lao động là năng suất lao động cá biệt và năng suất lao động xã hội.

Từ việc tìm hiểu về khái niệm của hai thuật ngữ trên, có thể hiểu ngắn gọn rằng:

– Năng suất lao động là số lượng sản phẩm được người lao động sản xuất ra trong một đơn vị thời gian.

– Cường độ lao động là sự hao phí trí tuệ, sức lực của người lao động trong quá trình sản xuất tại một đơn vị thời gian hoặc kéo dài thời gian sản xuất, hoặc bằng cả hai cách đó.

Đi vào so sánh năng suất lao động và cường độ lao động, điểm giống nhau ở đây là: khi tăng cả năng suất lao động và cường độ lao động thì đều tạo ra nhiều sản phẩm hơn; tuy nhiên, giữa hai khái niệm này cũng tồn tại những điểm khác biệt nhất định:

– Tăng năng suất lao động làm cho lượng sản phẩm [hàng hóa] sản xuất ra trong một đơn vị thời gian tăng lên, nhưng giá trị của một đơn vị hàng hóa sẽ được giảm xuống.

Hơn nữa, tăng năng suất lao động có thể phụ thuộc nhiều vào máy móc, kỹ thuật, cho nên đây gần như là một yếu tố có “sức sản xuất” vô hạn.

– Còn tăng cường độ lao động làm cho lượng sản phẩm sản xuất ra tăng lên trong một đơn vị thời gian, nhưng giá trị của một đơn vị hàng hóa không đổi.

Hơn nữa, quyết định tăng cường độ lao động cần phụ thuộc nhiều vào thể chất và tinh thần của người lao động. Cho nên, đây là yếu tố của “sức sản xuất” có giới hạn nhất định. Đánh giá thì việc tăng năng suất lao động sẽ có ý nghĩa tích cực hơn đối với sự phát triển kinh tế.

>> Xem thêm: 7 công cụ quản lý chất lượng mới trong sản xuất

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự đột phá của Internet và Trí tuệ nhân tạo cùng xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa – vật lí – công nghệ sinh học, đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ đến khối doanh nghiệp. Tăng cường độ sâu vốn và công nghệ là một trong những giải pháp nổi bật được áp dụng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Là quốc gia đang phát triển, việc tiếp cận những thành tựu của CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, tận dụng các cơ hội để giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Hơn nữa, tăng cường độ sâu vốn và công nghệ là điểm mấu chốt, tỉ lệ thuận với kết quả năng suất lao động quốc gia. Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp rất có tiềm năng, một số doanh nghiệp đã áp dụng số hóa vào sản xuất kinh doanh từ giống, canh tác, thu hoạch, phân phối tiêu dùng… Ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất lao động trong chính các ngành vốn đang sử dụng rất nhiều lao động.

Tiếp cận Nông nghiệp 4.0 là ứng dụng các thành tựu của Công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, dịch bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quá trình sản xuất – chế biến – tiêu thụ.

Trong lĩnh vực hàng không, dịch vụ đã áp dụng ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo vào thực tế. Hàng triệu dữ liệu của động cơ máy bay đều có hệ thống phân tích và dự báo về tình hình hoạt động. Các hoạt động khác trong hệ thống như quản lí đặt chỗ, quản lí bán vé… cũng đã áp dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn [Big Data] để phục vụ khách hàng.

>> Xem thêm: Phần mềm quản lý sản xuất tại các doanh nghiệp vừa và lớn
>> Tham khảo: Quy trình xây dựng hệ thống KPI đánh giá hiệu quả công việc

Video liên quan

Chủ Đề