Người công giáo tránh thai bằng cách nào năm 2024

Ban Truyền Thông sẽ đăng những bài làm của các sinh viên Thần học, như một thành quả nỗ lực của các em trong thời gian học tập, và cũng là để chị em tham khảo thêm.

Theo quan điểm đạo đức sinh học Công Giáo, tại sao các phương pháp ngừa thai nhân tạo bị xem là “hành vi xấu tự thân” (intrinsically evil acts) và bị ngăn cấm?

DẪN NHẬP

Chúng ta đang chứng kiến sự đảo lộn giá trị trong lãnh vực tình dục của con người và đời sống gia đình. Kinh nghiệm thật của tình yêu bị lầm tưởng là sự thèm khát tình dục. Đứa trẻ bị gọi là con hoang đã đành là từ một tình yêu nhảy rào, còn đứa trẻ sinh ra từ tình yêu hôn nhân thì lại bị xem như một sai lầm, với não trạng tránh thụ thai. Tình dục được xem như đồ chơi, trò giải trí, thuần túy mang lại hoan lạc. Tình cờ hay ngẫu nhiên, tình dục đang phá hoại chính bản chất của nó. Bản chất của tình dục hay nói cách khác bản chất của hành vi vợ chồng là gì nếu không phải là sự hiệp thông hữu thể và hướng mở đến thiện ích của sự sống con người trong việc lưu truyền sự sống ấy. Thật tệ hại, hành vi ấy ngày nay đang bị giản lược đi rất nhiều so với ý định của Đấng Tạo Hóa. Có thể nói, hành vi ấy phần lớn chỉ còn là sự thỏa mãn thân xác, bên cạnh với lý do sợ trách nhiệm, người ta dùng mọi cách để ngăn ngừa cho một sự sống mới ra đời. Đứng trước thực trạng ấy, lập trường của Giáo hội có quan điểm như thế nào về ngừa thai? Người viết xin trình bày những nội dung mình nghiên cứu, tìm tòi được về xung quanh vấn đề này.

NỘI DUNG

  1. Quan điểm thần học luân lý Công giáo về ngừa thai nhân tạo

1. Khi nào sự sống bắt đầu?

Theo giáo huấn Giáo hội, phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.

Bộ Giáo lý Đức tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người” (Declaration on Procured Abortion, 12). “Giáo huấn này vẫn còn giá trị và được xác định hơn… bằng những tìm thấy mới đây của khoa Sinh học con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành” (Huấn thị Donum Vitae DV, I, 1).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích thêm: “Bộ gen di truyền xuất hiện như yếu tố cấu tạo và tổ chức của cơ thể… nó điều khiển và cho phôi tính thành viên loài người, nối kết di truyền và những đặc trưng thân thể và sinh học của tính cá thể. Nó có ảnh hưởng quyết định trên cấu trúc của hiện hữu thể lý từ lúc khởi đầu thụ tinh cho đến cái chết tự nhiên. Chính trên cơ sở của sự thật nội tại của bộ di truyền, đã hiện diện ngay lúc tạo sinh mà Giáo hội đảm nhận chính mình công việc bảo vệ phẩm giá của mỗi người ngay từ lúc khởi đầu sự hiện hữu của người ấy.”

2. Định nghĩa ngừa thai nhân tạo và thực chất của một số phương pháp ngừa thai nhân tạo

Ngừa thai nhân tạo là bất cứ hành động nào cản trở sự kết hợp của trứng và tinh trùng trước, trong và sau giao hợp. Người ta xác định việc ngừa thai, như một hành vi nhân linh và luân lý, nhờ đối tượng được tự do chọn lựa, và đối tượng này đúng là để ngăn ngừa việc bắt đầu sự sống con người mới mà người ta dự đoán cách hợp lý là nó có thể xuất hiện qua hành vi tình dục tự ý chọn lựa.

Các phương pháp ngừa thai nhân tạo là bất cứ dụng cụ hoặc thuốc sử dụng trong ngừa thai. Một số phương pháp ngừa thai nhân tạo thường được áp dụng là: Giao hợp giữa chừng – nghĩa là khi đang giao hợp mà dương vật được rút ra khỏi âm đạo ngay trước lúc xuất tinh – gọi là tội Ô-nan. Khoa học đã chứng minh cho thấy rằng, trong khi giao hợp thì đã có một số tinh trùng (kèm theo một tí tinh dịch) đã xuất ra trước, ngay cả trước khi người đàn ông đạt đến điểm cực khoái và phóng tinh. Trong trường hợp này, vẫn có thể thụ thai cho dù phần lớn tinh trùng đã để chảy ra ngoài âm hộ người nữ.

Dụng cụ tử cung hay còn gọi là “vòng tránh thai” thực chất là phá thai non vì dụng cụ là nguyên nhân khiến cho trứng vừa rời khỏi buồng trứng di chuyển trong ống dẫn trứng quá mau lẹ đến độ, cho dẫu đã được thụ tinh, trứng vào trong tử cung mà không thể ở lại lâu dài; hoặc có thể là dụng cụ đã kích thích nội mạc tử cung (endometrium), đến độ nó không để yên cho trứng có đủ cơ hội để kết tổ. Như vậy, ta phải xem những vòng tránh thai này là dụng cụ phá thai, chứ không phải thuần túy ngừa thai. Do vậy, xét về mặt luân lý thì không thể cho phép dùng để kế hoạch hóa gia đình. Những dụng cụ ngừa thai còn lại, bao gồm những dụng cụ làm ngăn chặn tại cổ tử cung không cho tinh trùng có thể gặp trứng để có thể thụ tinh như bao cao su, màng tránh thai (phim đặt âm đạo VCF), mũ chụp cổ tử cung và những loại thuốc có dạng kem đặc hay chất lỏng nhằm để diệt tinh trùng. Ngoài ra còn có thuốc nội tiết (thuốc viên và chích ngừa thai); phương thức thắt ống dẫn tinh ở nam, thắt ống dẫn trứng ở nữ (triệt sản vĩnh viễn).

3. Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo về ngừa thai nhân tạo

Để tìm hiểu lập trường hiện nay của Giáo Hội Công Giáo Rôma về vấn đề ngừa thai, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nhìn lại bốn văn kiện chính thức của Giáo hội đề cập đến vấn đề này trong thế kỷ thứ XX.

Đức Piô XI và thông điệp Casti Connubii: Tháng 12/ 1930, Đức Piô XI đã phổ biến thông điệp Casti Connubii, trong đó giáo huấn truyền thống của Giáo hội Công Giáo về việc ngừa thai vẫn được dứt khoát duy trì. Bên cạnh đó, thông điệp còn nêu rõ hai mục đích của việc giao hợp, một mục đích chính là hành vi giao hợp phải nhắm đến việc có con nhưng do quyền lợi trong đời sống hôn nhân, cũng còn có những mục đích phụ nữa, như trợ giúp lẫn nhau, chăm sóc tình yêu đôi lứa, và việc làm dịu cơn thèm khát xác thịt mà chồng và vợ không bị cấm đoán xét đến bao lâu họ vẫn tuân thủ mục đích chính và bao lâu mà bản chất nội tại của hành vi đó vẫn được gìn giữ vẹn toàn.

Đức Piô XII ngỏ lời với hiệp hội những cô đỡ công giáo người Ý: Năm 1951, Đức Piô XII lần đầu tiên công bố cách chính thức và minh nhiên thừa nhận cho phép thực hành sự kiêng cữ định kỳ, qua đó vợ chồng tránh việc giao hợp với nhau khi người nữ có thể thụ thai và do vậy chỉ giao hợp vào những giai đoạn không thể thụ thai tính theo chu kỳ kinh nguyệt nơi người vợ. Trong buổi nói chuyện với giới cô đỡ người Ý, Đức Piô XII minh nhiên cho rằng vợ chồng phải có lý do chính đáng để giới hạn việc giao hợp vào những lúc người ta có thể phỏng đoán việc thụ thai không thể xảy ra.

Công đồng Vaticanô II & Hôn nhân và gia đình: Năm 1965, kết thúc khóa họp khoáng đại thứ tư và sau cùng, Công đồng Vaticanô II đã phổ biến Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), một trong những điểm quan trọng được đề cập đến đó là: Việc ăn ở với nhau nhằm diễn tả tình yêu phu - phụ (vợ chồng) được xem như một giá trị thiết yếu nhưng lại độc lập với việc sinh con. Tuy nhiên tình yêu vợ chồng không tách rời khỏi bổn phận truyền sinh cũng như việc giáo dục con cái (

48). Các nghị phụ Công đồng khuyến khích vợ chồng thực tập đức trong sạch hôn nhân, vốn phần nào đó có nghĩa là trong khi nhằm hạn chế sinh sản, vợ chồng cần tránh các phương pháp “bị Huấn quyền Giáo Hội cho là sai trái vì không phù hợp với lề luật Thiên Chúa” (

51).

Đức Phaolô VI và Thông điệp Humanae Vitae: Tháng 7/1968, Đức Phaolô VI trong thông điệp Humanae Vitae đã tuyên bố một lần nữa là: không thể nào chấp nhận việc điều hòa sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự một mầm sống. Ngài nhắc lại huấn quyền của Giáo Hội: chúng ta không thể chấp nhận việc trực tiếp vô hiệu hóa khả năng sinh sản nơi người đàn ông hay đàn bà, dù là vĩnh viễn hay chỉ tạm thời trong một thời gian. Chúng ta cũng không có quyền chấp nhận bất cứ một hành vi nào có mục đích hay dùng làm phương tiện để ngăn chặn việc sinh sản, hoặc trước khi hoặc đang khi làm hành vi hôn nhân, hoặc làm trở ngại việc diễn tiếp tự nhiên của hành vi ấy. Ngài nhấn mạnh: chúng ta phải tôn trọng nền trật tự được Thiên Chúa thiết lập. Nếu có những hoàn cảnh, những lý do thể lý, tâm lý, hoặc ngoại cảnh đòi hỏi vợ chồng phải hạn chế bớt việc sinh con, thì trong trường hợp đó, Giáo Hội cho biết có thể căn cứ vào các chu kỳ tự nhiên, cố hữu của cơ năng sinh sản để làm hành vi hôn nhân trong những thời gian không đậu thai, và chỉ có phương pháp điều tiết sinh sản ấy mới không đi ngược lại những nguyên tắc luân lý truyền thống. Tóm lại: Qua những giáo huấn của Giáo Hội cho chúng ta thấy rõ: Hành vi ngừa thai nhân tạo được coi là hành vi “xấu ngay tự bản chất” (HV,

14), và “không bao giờ hợp pháp” (HV,

16) cho vợ chồng khi giao hợp với nhau mà đồng thời lại toan tính cách tích cực có chủ ý ngăn cản khả năng truyền sinh của hành vi này. Do đó, Giáo Hội lên án gay gắt và ngăn cấm sử dụng.

II. Ưu – khuyết điểm của lập trường Giáo Hội so với các lập trường khác

1. Ưu điểm

Lập trường của Giáo Hội kiên quyết tôn trọng và bảo vệ sự sống con người một cách tuyệt đối cho dù sự sống ấy chỉ mới được bắt đầu qua việc thụ thai. Vì Giáo Hội tin chắc rằng sự sống được bắt nguồn từ Thiên Chúa và là ân ban của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, là tính không sai lầm của giáo huấn khi dựa trên luật luân lý tự nhiên và đặc biệt là ý định muôn thuở của Thiên Chúa về hôn nhân cũng như bản chất sâu sắc của hành động phối ngẫu. Tiếp đến, lập trường của Giáo Hội đã đưa ra phương cách giúp vợ chồng điều hòa sinh sản mà không phi luân lý và giữ gìn được phẩm giá con người, đó là tiết dục theo chu kỳ tuần hoàn tự nhiên. Với phương pháp này không những giúp vợ chồng khám phá được vẻ đẹp của cơ thể mà Thiên Chúa sáng tạo, khám phá sự tôn trọng xứng hợp mà còn giúp cho tình yêu của vợ chồng có một giá trị nhân bản rất cao, có thể cho phép vợ chồng không phải rơi vào tình trạng nạn nhân của thói quen đều đặn hưởng thụ sinh lý cách mù quáng. Nhờ đó, vợ chồng phát triển được toàn vẹn nhân cách của mình, giàu có thêm các giá trị tinh thần, đem lại cho đời sống gia đình hoa quả trong sáng, bình an và hữu hiệu hơn trong việc giáo dục con cái (Trích FC. 33 ). Đặc biệt, sự hòa nhập vui tươi nối lại các liên hệ “tính giao” sau thời gian tiết dục, có thể gợi cho vợ chồng càng thêm hứng khởi và những hành vi yêu thương của họ trở nên sống động và không ngừng sáng tạo thêm nữa.

2. Khuyết điểm

Humanae Vitae cho rằng Thiên Chúa đã muốn sự nối kết bất khả phân ly giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng là giao hợp và truyền sinh (HV,

12). Nhưng chính trên luận điểm này, cố thần học gia luân lý Richard McCormick, S.J đưa ra ý kiến: dường như thông điệp đã mâu thuẫn với những gì đã được xác quyết trước đó, chẳng hạn hành vi tính giao “vẫn hợp luật, nếu do nguyên nhân độc lập với ý muốn của vợ chồng, như bị chứng vô sinh chẳng hạn, thì chúng vẫn được sắp đặt để diễn tả và tăng cường sự hiệp nhất yêu thương của vợ chồng” (HV,

11). Như thế, trong những hành vi tính giao vô sinh này những khía cạnh hiệp nhất và truyền sinh tách lìa nhau, và thực tế chúng đã tách lìa nhau vào những thời điểm mà người phụ nữ không thể thụ thai. Do vậy, rõ ràng là không phải mọi và từng hành vi giao hợp đều mở ngõ cho sự truyền sinh.

Giáo sư Adrian Hastings cho rằng: giao hợp trên thực tế không luôn luôn thuộc bản chất của nó là “mở ngỏ cho sự sống”. Vì sự thụ thai không phải lúc nào cũng luôn luôn xảy ra sau mỗi lần vợ chồng giao hợp với nhau. Hastings cho rằng có 2 loại giao hợp: một “mở ngỏ cho truyền sinh” - dẫn đưa chúng vào đời và hai “không mở ngỏ cho truyền sinh” - cho phép chúng được nuôi dưỡng và giáo dục tốt hơn. Ông nói rằng: Có thể cho là hợp luân lý khi vợ chồng sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo đương thời kỳ trứng chưa rụng.

Burtchaell nhận định: phương pháp theo chu kỳ kinh nguyệt là bất tự nhiên nhất trong những phương pháp ngừa thai, bởi nó không những ngăn ngừa sự thụ thai, mà còn ngăn ngừa luôn sự biểu lộ tình cảm yêu thương giữa vợ chồng qua hành vi tính dục. Vì trong giai đoạn này – thời kỳ rụng trứng – vợ chồng không thể gần gũi với nhau trong vấn đề chăn gối, nếu họ muốn áp dụng phương pháp ngừa thai tự nhiên. Mặt khác, chính trong thời kỳ này người phụ nữ lại có đòi hỏi về sinh lý mạnh mẽ nhất. 3. Thực tế mục vụ

Ngày nay chủ nghĩa hưởng thụ đang thống trị con người. Do đó, hầu như đối với mọi người trong xã hội, Công giáo và không Công giáo, thì việc ngừa thai của những người đã kết hôn được nhìn nhận như một điều tự nhiên. Tiếp đến, khi áp dụng phương pháp điều hòa sinh sản theo chu kỳ tự nhiên nhiều người chia sẻ: Đây là một việc khó khăn không tuân giữ nổi bởi vì bản thân khó chế ngự bản năng trong chuyện đó. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp xảy ra bất ưng xung quanh về các vấn đề có liên quan đến ngừa thai nhân tạo, sự sống, sức khỏe … của nhiều đối tượng. Chính vì thế, công tác tư vấn mục vụ là một thách đố rất lớn khi giúp đôi vợ chồng sống đúng theo giáo huấn của Giáo Hội trong xã hội ngày nay. Để có thể làm tốt vai trò này đòi hỏi người tư vấn mục vụ phải nắm vững lập trường của Giáo Hội, bên cạnh đó phải nắm chắc các nguyên tắc luân lý truyền thống như nguyên tắc song hiệu, nguyên tắc toàn thể, nguyên tắc hợp tác chính đáng để có thể hướng dẫn, đồng hành với họ cách hiệu quả nhất. Và để giúp cho xã hội phần nào giảm bớt được tình trạng này, vấn đề mục vụ mà người tu sĩ ngày nay cần quan tâm là giáo dục con người ngay từ nhỏ để các em có một nhận thức đúng đắn lành mạnh về sự sống, đạo đức, nhân cách; quan tâm đến những số phận thiếu may mắn để giúp họ có cuộc sống ổn định, không bị sa vào những tệ nạn. Trong giáo lý hôn nhân cần dạy kỹ về khởi đầu sự sống của con người và lập trường của Giáo hội về vấn đề này để giúp họ sống trung thành với giáo huấn của Giáo Hội.

TẠM KẾT

Qua lập trường của Giáo Hội về vấn đề ngừa thai nhân tạo, một lần nữa cho chúng ta khẳng định: các phương pháp ngừa thai nhân tạo là hành vi xấu tự thân và bị ngăn cấm. Bởi lẽ nó là hành vi phi đạo đức không chỉ đối với người Kitô hữu nhưng là cho mọi người nam và nữ khi đi ngược lại với luật luân lý tự nhiên đối với sự hưởng dùng tình dục. Hơn nữa, khi bằng việc ngừa thai, các đôi vợ chồng nắm lấy khả năng sáng tạo tiềm tàng từ hành vi phối ngẫu tình dục, họ đã đòi hỏi một quyền chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Họ chiếm lấy tư cách là kẻ nắm giữ nguồn gốc sự sống con người, chứ không là kẻ cộng sự với quyền sáng tạo của Thiên Chúa. Như thế, đứng trước một thời đại quá phát triển như ngày nay, một thách đố lớn được đặt ra đó là: Trong thế giới hôm nay làm sao chúng ta có thể làm cho gia đình trở thành Tông đồ và đứng ra hướng dẫn các gia đình khác trong việc trung thành với lề luật Thiên Chúa cụ thể đó là áp dụng phương pháp điều hòa sinh sản theo chu kỳ tự nhiên và tuyệt đối không được phép sử dụng các phương pháp ngừa thai nhân tạo.