Nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng

Người mắc chứng hoang tưởng bị hại luôn có niềm tin rằng đang có những người theo dõi, muốn làm hại mình nên bắt đầu có các hành vi tấn công những người xung quanh trong trạng thái mất kiểm soát. Đây là một dạng hoang tưởng vô cùng nguy hiểm, không thể tự khỏi nếu không sớm có biện pháp điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng

Ảnh minh họa

Hoang tưởng bị hại là gì?

Hoang tưởng bị hại là một trong những dạng rối loạn hoang tưởng phổ biến hiện nay (gồm hoang tưởng bị hại, ghen tuông hoang tưởng, hoang tưởng cơ thể, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao). Đặc trưng của tình trạng này chính là người bệnh luôn có niềm tin rằng đang có người hay một thế lực nào đó có âm mưu làm hại mình, cảm giác như luôn có mối nguy hiểm kề cận nên luôn trong trạng thái đề phòng. Thậm chí họ còn có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ mình.

Điểm chung của những người mắc chứng hoang tưởng chính là họ luôn nghi ngờ xung quanh và luôn cho rằng mình đúng. Niềm tin ấy vô cùng mãnh liệt nên cho dù ai có đưa ra bằng chứng nào cũng không thể thay đổi suy nghĩ này của họ. Họ dành rất nhiều thời gian để bảo vệ mình. Những hành động hết sức bình thường của những người xung quanh cũng đều trở thành nguy hiểm hoặc mang tính chất khiêu khích, coi thường thông qua con mắt của những người mắc chứng hoang tưởng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây hoang tưởng bị hại có thể liên quan đến các vấn đề sau:

  • Bị ngộ độc rượu, nghiện các chất ma túy.
  • Người mắc các bệnh tâm lý, tâm thần chẳng hạn như tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh, loạn thần do nghiện bia rượu.
  • Người có cấu tạo thể chất bất thường, dị tật bẩm sinh hay một số thiếu sót về não bộ làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách.
  • Người gặp các chấn thương làm ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ như chấn thương sọ não, trải qua các cuộc phẫu thuật não kéo dài,  nhiễm trùng thần kinh, các bệnh mạch máu não hay nhiễm độc thần kinh…
  • Người có trải nghiệm thơ ấu kinh hoàng, chẳng hạn bị bắt cóc, bị bạo lực, lạm dụng tình dục.

Triệu chứng

Các dấu hiệu điển hình của hoang tưởng chính là có xu hướng chống đối người khác, nghi ngờ, luôn trong tư thế phòng bị vì cho rằng sẽ có người tấn công mình. Điều này dẫn tới họ luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ kích động và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Những người mắc bệnh này cũng khó có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt hằng ngày hoặc gặp khó khăn trong việc đi học, đi làm như những người bình thường.

Cụ thể, một số dấu hiệu điển hình của căn bệnh này như:

  • Luôn có niềm tin rằng đang có một người, một tổ chức hay một thế lực nào đó theo dõi hay chuẩn bị hãm hại mình. Người bệnh có thể chia sẻ với một vài người và yêu cầu được bảo vệ nhưng không được tin tưởng. Nếu người bệnh vô tình bị quẹt xe hoặc gặp một số tình huống gây nguy hiểm thì sẽ càng khẳng định niềm tin của mình. Đặc biệt niềm tin của họ cực kỳ chắc chắn và không điều gì có thể làm thay đổi suy nghĩ này. Thậm chí bản thân họ cũng đưa ra những lập luận cực kỳ logic cho niềm tin của bản thân.
  • Rối loạn cảm xúc và hành vi được biểu hiện khá rõ ở những người mắc chứng hoang tưởng bị hại. Họ luôn có những cảm xúc lẫn lộn, thay đổi bất ngờ, chẳng hạn như khóc ở đám cưới, cười ở đám ma. Có những người họ bỗng nhiên vô cùng yêu quý, thân thiết như quen từ rất lâu nhưng nếu ghét ai sẽ luôn xa lánh hay thậm chí làm hại họ.
  • Rối loạn giấc ngủ là tình trạng gặp ở hầu hết những người mắc bệnh này. Họ thường cảm thấy khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thậm chí gặp ác mộng. Do luôn lo lắng có mối nguy hiểm rình rập nên lúc nào tâm trí họ cũng “ăn không ngon, ngủ không yên”, giấc ngủ luôn chập chờn, khó ngủ sâu giấc.
  • Có xu hướng đi lang thang với đôi mắt thẫn thờ, vô hồn hoặc vừa đi vừa nói lảm nhảm, một số lại chửi những người xung quanh mà không thể nghe được họ nói gì.
  • Rối loạn ảo giác: một số người có thể nghe thấy ảo thanh hay nhìn thấy ảo giác. Chẳng hạn rất nhiều người cho rằng trong tai họ cũng luôn có những lời nói khuyến khích họ tấn công những người xung quanh hay bắt ép mình phải làm điều này, điều kia.
  • Tấn công người khác bởi họ có thể nhầm lẫn, cho rằng người đó là kẻ thù, người đang âm mưu làm hại mình hoặc bản thân họ nghe được những tiếng nói trong đầu đang thúc giục họ thực hiện.
  • Dễ bị giật mình, kém tập trung, thậm chí một số người không dám ăn, không dám tắm rửa vì sợ kẻ thù hạ độc. Nếu nhất định phải ra ngoài sẽ mặc đồ rất kín đáo, chẳng hạn như đội mũ, đeo kính râm để bảo vệ bản thân, một số người còn có cả xu hướng mang theo vũ khí để bảo vệ bản thân.
  • Không tin tưởng những những người xung quanh nên thường không để ai động vào mình. Chẳng hạn một số bệnh nhân hoang tưởng bị hại thường có mái tóc dài bù xù, bết dính, rất lâu rồi họ chưa cắt tóc, gội đầu vì họ cho rằng những thợ cắt tóc có thể dùng kéo làm hại mình.
  • Tâm lý tiêu cực, dễ kích động và ngay chính bản thân họ cũng không thể nào kiểm soát được những nguy nghĩ của mình.
  • Một số bệnh nhân có biểu hiện như bị “ma nhập”, chẳng hạn như la hét, quằn quại, gào thét... tất cả đều được diễn ra một cách đột ngột – đây chính là dấu hiệu của rối loạn tâm thần nặng.

Các triệu chứng hoang tưởng của người bệnh thường được nhận thấy một cách cực kỳ rõ ràng bởi ngay cả khi bạn đưa ra một bằng chứng rõ ràng về việc họ không bị theo dõi nhưng vẫn không thể nào khiến họ tin tưởng. Mặt khác cũng rất khó kiểm soát được những người mắc bệnh này bởi họ luôn có xu hướng đi lang thang, rất khó tìm kiếm. Do đó những người xung quanh thường đánh giá người mắc bệnh này là người “điên”.

Lan Uyển (t/h)