Nhà ở của người Việt có có hình dạng như thế nào

Ở Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những cách xây dựng nhà ở với hình thức và tổ chức công năng khác nhau, nó đặc trưng cho nền văn hóa, khí hậu, địa hình, thói quen canh tác, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Nhưng do giao thoa về văn hóa, tiếng nói, chữ viết, nên nhiều dân tộc cũng có cách tổ chức không gian nhà ở tương đối giống nhau, hoặc khai thác kinh nghiệm của tộc người khác để sáng tạo không gian nhà ở cho tộc mình.

Căn cứ vào hình dáng bên ngoài cũng như tổ chức công năng bên trong ngôi nhà ở dân gian, vào vật liệu sử dụng và kết cấu xây dựng, có thể phân thành 5 nhóm nhà ở dân gian truyền thống như sau:

1. Nhà sàn dài:

Là loại nhà sàn dài hàng trăm mét với nhiều gia đình sinh sống. Đại diện cho nhóm các dân tộc sinh sống trong nhà sàn dài như dân tộc như Ba Na, Cơ Tu, Ê Đê, Gia Rai, Hrê, Rơ Măm, Tà Ôi, Xơ Đăng… Các dân tộc này sống quần cư theo mỗi tộc người thành các bản làng, mỗi bản có một, hai hoặc nhiều nhà sàn dài bám chung quanh ngôi nhà rông. Về hình dáng kiến trúc ngôi nhà: Nhà thường có hai mái dốc, đầu hồi khum cong hình mai rùa, trên đầu đốc của mái trang trí hình cặp sừng trâu hoặc có khau cút đơn giản bằng tre hoặc gỗ. Kiến trúc ngôi nhà phỏng theo hình dáng con thuyền, hai vách của ngôi nhà dọc dựng thượng thách – hạ thu. Cửa ra vào mở về hai phía đầu hồi, riêng dân tộc Rơ Măm cửa chính của các ngôi nhà lại quay mặt ra phía nhà rông. Phía trước nhà có sàn lộ thiên, trên để cối giã gạo. Về tổ chức công năng ngôi nhà: nếu chia nhà theo chiều dọc, một nửa là nơi đặt bếp nấu vừa là chỗ ăn, chỗ tiếp khách của gia đình, nửa nhà bên kia một phần là chỗ ngủ của con gái, phần còn lại là của con trai. Cũng có khi mặt bằng ngôi nhà chia theo chiều dọc thành 3 phần: lối đi ở giữa, một bên chia thành nhiều không gian nhỏ cho các gia đình sinh hoạt riêng, bên kia dùng làm nơi sinh hoạt chung như tiếp khách, bếp nấu, ăn uống, thêu thùa, đan lát và vui chơi của các gia đình. Một giải pháp bố trí công năng nữa là ở giữa nhà có bếp lửa dùng làm nơi nấu ăn và tất cả mọi sinh hoạt như tiếp khách, ngủ, ăn uống, vui chơi đều diễn ra chung quanh bếp lửa. Mặt bằng nhà ở người Rơ Măm lại tổ chức hành lang giữa chạy xuyên suốt chiều dài nhà, ở giữa là nơi tiếp khách và sinh hoạt chung. Các gia đình sinh sống trong không gian riêng có vách ngăn che và có bếp riêng. Ngôi nhà của người Tà Ôi cũng có cách tổ chức công năng mặt bằng tương tự. Vật liệu chính dùng làm nhà bằng tre, gỗ, mái nhà lợp bằng cỏ tranh.
Ngày nay, các tộc người này sống chủ yếu ở nhà sàn nhỏ với gia đình thông thường là hai thế hệ. Nhà sàn dài mất dần theo thời gian, bởi không phù hợp nhu cầu phát triển của xã hội và không được quan tâm gìn giữ bảo tồn.

Nhà dài

2. Nhà sàn ngắn:

Là loại nhà sàn dành cho gia đình một đến hai thế hệ sinh sống, gồm nhà ở dân gian truyền thống của dân tộc Thái, Mường, Bru – Vân Kiều, Chu Ru, Chứt, Cống, Kháng, Khơ Mú, Giáy… Các tộc người thường sống quần cư thành bản làng dọc theo các con sông, suối, trên sườn đồi hay một khu đất rộng bằng phẳng dưới thung lũng. Các ngôi nhà sàn thường xếp thành hình tròn hay hình bầu dục chung quanh ngôi nhà rông nằm trên khu đất cao giữa bản. Về hình dáng kiến trúc ngôi nhà: nhà sàn, ba gian hai chái hoặc bốn mái, mái hai đầu hồi khum hình mai rùa. Cửa ra vào ở hai đầu hồi nhà, hai bên vách có cửa sổ, hai đầu đốc nhà được trang trí khau cút. Khau cút là hai đoạn cây lồ ô hoặc gỗ phía trên vót nhọn, phía dưới buộc chặt với vì kèo và rui của mái nhà. Khau cút không chỉ để chống gió bão làm hỏng mái, mà còn là dấu hiệu văn hoá để nhận biết tộc người. Phía trên sàn dành cho gia đình sinh sống. Bên dưới chăn nuôi gia súc, để cối giã gạo và dụng cụ sản xuất. Riêng nhà sàn người Mường ở phía Bắc sàn rất thấp, chỉ cao khoảng 0,5 mét. Trong nhà sàn của người Thái, các khung cửa đi và cửa sổ được trang trí nhiều hoạ tiết bằng tre, nứa rất đẹp. Về tổ chức công năng ngôi nhà: mặt bằng nhà sàn thường bố trí thành hai phần. Một phần dành làm nơi ngủ cho các thành viên trong gia đình và bếp nấu ăn, phần kia bố trí bếp sưởi ấm và khu vực ngủ của khách. Cũng có khi bếp lửa được bố trí ngay giữa nhà. Một số không gian được ngăn chia dành cho bố mẹ và con cái lớn như nhà ở của người Bru – Vân Kiều. Nhà ở người Mường lại chia không gian mặt bằng theo chiều ngang nhà làm hai phần, phần bên trong dành cho phụ nữ, phần bên ngoài dành cho đàn ông, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Bếp nấu trên sàn, chung quanh bếp lửa đặt ghế ngồi để tiếp khách, phía trên bếp là gác kho để lương thực. Nhà người Giáy thường có ba gian. Gian giữa để bàn thờ tổ tiên và tiếp khách, hai gian bên là không gian ngủ của các cặp vợ chồng và con gái, phía gian bên kia là bếp nấu. Vật liệu làm nhà sàn chủ yếu bằng tre, gỗ, mái lợp cỏ tranh.

3. Nhà sàn kết hợp với nhà trệt:

Đại diện là nhóm các dân tộc như Dao, Lô Lô, Mnông…. Các dân tộc sinh sống thành bản làng gồm khoảng vài chục nóc nhà trên lưng chừng núi, hoặc thung lũng thấp gần sông, suối. Mỗi gia đình có một khuôn viên nhà ở riêng gồm: nhà ở chính, nhà bếp và chuồng trại chăn nuôi gia súc. Về hình dáng kiến trúc ngôi nhà: Nhà sàn thường ba gian hai chái dùng để ở. Nhà trệt dùng làm nhà bếp và kho chứa đồ. Nhà sàn sử dụng vật liệu tre, gỗ, mái lợp tranh hoặc tre, vầu chẻ đôi lợp theo kiểu âm dương. Sàn ghép bằng tre, nứa, tường vách phên tre đan. Nhà trệt nền đất, vách tường trình bằng đất dày hay dùng tre, nứa, cây gỗ nhỏ xếp ken dày thành vách, mái lợp tranh. Kết cấu của loại nhà sàn dùng vì kèo đơn giản bằng tre, gỗ. Nhà sàn người Mnông có sàn thấp cách mặt đất khoảng 0,7 mét. Cửa lên từ đầu hồi nhà. Nhà trệt có mái vòng cong che sát mặt đất, cửa ra vào kiểu tò vò rất nhỏ ở phía đầu hồi. Về tổ chức công năng ngôi nhà: mặt bằng thường chia thành ba gian, gian giữa là nơi thờ cúng tổ tiên và tiếp khách, gian bên dành cho đàn ông và gian còn lại dành cho đàn bà.

4. Nhà trệt kiểu pháo đài:

Đại diện là dân tộc Nùng, Tày sống tập trung ở miền núi phía Bắc. Họ sống quần cư thành bản làng đông đúc tới hàng trăm nóc nhà trên các sườn đồi thoải hoặc thung lũng ven sông suối. Về hình dáng kiến trúc ngôi nhà: nhà thường ba gian hai chái. Nhà ở truyền thống người Nùng kiểu pháo đài, tường đấp bằng đất hoặc xây gạch mộc dày từ 40-60cm. Nhà kết hợp vừa sàn vừa trệt [kiểu như nhà tầng], trên tường còn có nhiều lỗ châu mai dùng để phòng chống trộm cướp. Người Tày cũng ở nhà truyền thống kiểu pháo đài, tường trình bằng đất dày. Về tổ chức công năng ngôi nhà: nhà ở người Nùng chia mặt bằng làm hai phần, một phần dành cho con trai, phần kia dành cho con gái. Các phòng và nơi ở của các thành viên trong gia đình thường bám vào vách tiền hoặc vách hậu của ngôi nhà. Nhà ở người Tày chia làm ba không gian. Gian giữa tiếp khách, gian ngoài dành cho con trai, buồng trong có vách ngăn riêng dành cho con gái.

5. Nhà trệt:


Là loại nhà xây dựng trên mặt đất, đại diện cho nhóm dân tộc sinh sống trong nhà trệt là dân tộc Việt, Chăm, Hoa, Hmông, Khmer… Các dân tộc sống quần cư thành các bản trên sườn núi hoặc làng đông đúc ven sông, suối. Trong đó, người Việt có cơ cấu tổ chức làng chặt chẽ nhất. Mỗi làng có hàng trăm gia đình sinh sống tạo thành một cộng cư với hương ước riêng. Quanh làng có lũy tre xanh dày như thành lũy nhằm bảo vệ dân làng. Công trình công cộng của làng là đình làng, thường được xây dựng trên khu đất cao ráo nằm ở giữa làng. Về hình dáng kiến trúc ngôi nhà: phần lớn sử dụng loại nhà trệt ba gian hai chái, mái lợp tranh hay ngói âm dương, tường trình bằng đất dày, phía trước có hiên đón, cửa ra vào mở ở gian giữa, hai bên có cửa sổ nhỏ mở ra hiên. Nhà người Hà Nhì không có cửa sổ, chỉ có một cửa ra vào ở phía hiên trước mặt nhà, nhưng bố trí lệch sang một bên. Nhà của người Hmông ở Sơn La lại giống nóc nhà của người Thái. Cũng hình mai rùa nhưng không có khau cút. Trong khuôn viên khu đất nhà ở người Chăm có nhiều ngôi nhà nhỏ: nhà dành cho khách, nhà của cha mẹ và con nhỏ, nhà cho các cô gái lớn đã lập gia đình, nhà bếp và nhà “tục”, trong đó có kho chứa lương thực, buồng tân hôn và là chỗ ở của vợ chồng cô con gái út trong gia đình [người Chăm có tập tục gia đình mẫu hệ]. Người Hoa thường làm nhà có hình chữ Môn hay chữ Khẩu. Nhà có ba gian hai chái, hoặc năm gian không có chái. Kết cấu vì kèo gỗ đơn giản. Tường xây gạch hay tường trình đất. Mái lợp ngói âm dương hay lá tre, phên nứa. Nhà có hiên phía trước, cửa chính mở ra hiên.
Nhà ở truyền thống người Việt được tổ chức trong khuôn viên ở có hàng rào chung quanh bằng cây xén tỉa, hoặc xây bằng gạch, đá ong. Nhà ở người Việt xây dựng rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Mỗi gia đình thường có nhà chính, nhà phụ, sân phơi, vườn cây, ao cá. Nhà chính từ 3 -5 gian, có hiên phía trước quay ra hướng Nam đón gió mát. Nhà phụ 2-3 gian vuông góc với nhà chính quay ra hướng Đông. Nhà phụ dùng làm bếp và làm các nghề phụ thủ công. Phía trước nhà có sân phơi, trước sân là giếng nước, bể nước mưa, ao thả cá và vườn cây ăn quả. Phía sau nhà ở bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh. Nhà ở thường xây gạch, mái lợp tranh hoặc ngói, kết cấu vì kèo gỗ chắc chắn, chạm trổ hoa văn đẹp mắt. Về tổ chức công năng ngôi nhà: gian giữa thờ cúng tổ tiên và tiếp khách, hai gian bên ngăn thành không gian ngủ của chủ nhà, nơi ở con gái và để đồ đạc. Nhà ở người Hà Nhì ở đầu hồi có một cửa đi ra gian bếp nấu. Phía trên quá giang của vì kèo, thường có gác xép bằng gỗ, nơi để ngũ cốc và chỗ ngủ của con trai lớn chưa cưới vợ. Mặt bằng nhà ở người Hmông bố trí thành ba không gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách, phía gian bên là nơi ở của con trai và bếp phụ, phía còn lại dành cho con gái đồng thời là nơi đặt bếp chính.

Tóm lại, nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, qua bao đổi thay của xã hội vẫn giữ được những nét văn hoá, bản sắc và đặc điểm riêng của dân tộc mình. Ngày nay, dưới tác động của đô thị hoá cũng như sự phát triển của xã hội, văn hoá truyền thống và nhất là kiến trúc nhà ở truyền thống đang bị mai một dần, có nguy cơ sẽ biến mất. Thay thế vào đó là những ngôi nhà bê tông cốt thép nhiều tầng, vững chắc nhưng vô cảm, nặng nề… làm mất đi vẻ đẹp thanh bình vốn có của làng quê Việt.


Vấn đề đặt ra là, quá trình phát triển của đô thị hoá cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, và quản lý chặt chẽ nhằm kiểm soát được sự biến động của các vùng nông thôn. Những đặc trưng kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống phải được giữ gìn, bảo quản, tôn tạo và phát triển để làm giàu thêm kho tàng văn hóa kiến trúc dân tộc, nhưng vẫn phù hợp với xu hướng của thời đại.

TS. KTSNguyễn Đình Thi

Tài liệu tham khảo:
– Nguyễn Văn Huy [Chủ biên], Bức tranh văn hoá các dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1998.
– Nhiều tác giả, Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2002

Theotapchikientruc.com

Bình luận từ Facebook

Video liên quan

Chủ Đề