Những yếu tố cơ thể gây hại cho hệ bài tiết nước tiểu là gì

Những yếu tố cơ thể gây hại cho hệ bài tiết nước tiểu là gì

Dùng các loại thuốc không đúng chỉ định hoặc lạm dụng về thời gian và liều lượng thuốc sẽ gây hại cho thận. Ảnh: ckdnews.com

Người bình thường, chiếm tuyệt đại đa số ai cũng có 2 quả thận nằm trong ổ bụng. Tuy nhiên cũng có người, sinh ra chỉ có 1 quả thận hoặc nhiều hơn 2 quả thận mà vẫn sống bình thường. Thận chỉ là một bộ phận của hệ tiết niệu, nhưng là bộ phận quan trọng nhất. Nó được ví như một nhà máy lọc nước và xử lý hóa chất. Sau khi được chế tiết từ thận, nước tiểu đổ vào niệu quản. Niệu quản đóng vai trò là cái ống nối giữa thận với bàng quang (còn gọi là bọng đái). Nhìn chung, bề mặt của thận trơn láng. Phía trên của mỗi quả thận có một "cái mào" nhỏ giống như mào gà mới nhú. Bộ phận này gọi là tuyến thượng thận. Tuyến này chế tiết hormone tham gia nhiều quá trình chuyển hóa và điều hòa trong cơ thể.

Cấu tạo và chức năng của thận

Chiều dài trung bình của quả thận là 10 - 12,5cm, rộng 5 - 6cm, dày 3 - 4cm. Trọng lượng trung bình của mỗi quả thận khoảng 170 gram. Thận được bao bọc bởi một lớp vỏ xơ, màu hồng hay đỏ nhạt dày khoảng 4mm. Bên trong thận chia thành hai vùng rõ rệt với phần tủy màu đỏ thẫm và một khoang rỗng gọi là bể thận.

Ngoài vai trò sản xuất ra nước tiểu, thận còn đảm nhận nhiều vai trò quan trọng liên quan đến sự sống còn của con người, bởi nó duy trì trật tự sự có mặt của các chất trong cơ thể với một lượng nhất định nào đó qua việc điều chỉnh các chất điện phân, acid, base,… Hoạt động chế tiết nước tiểu của thận, thực ra là công việc lọc máu để đào thải chất độc, chất thừa và các chất không cần thiết khác xâm nhập vào cơ thể. Thận còn can dự vào việc điều chỉnh huyết áp của con người.

Nói chung, thận bài tiết lượng nước thừa của cơ thể, tạo ra nước tiểu mang theo các chất độc hại sinh ra do quá trình chuyển hóa như urê, amoniac, acid uric,… và giữ lại các chất có lợi cho cơ thể như acid amin, glucose,... Trong trường hợp cần thiết, thận tái hấp thu nước cho cơ thể duy trì tuần hoàn ở mức ổn định. Thận còn có vai trò tạo máu và đặc biệt là sản xuất ra các hormone như renin, erythropoietin, calcitriol,…

Những tác động bất lợi và cách hạn chế

Những tác động bất lợi cho thận có thể đến từ việc lạm dụng hoặc dùng quá liều thuốc chữa bệnh, thói quen ăn uống, hoặc một thói quen sinh hoạt nào đó. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê những tác động bất lợi mà nếu lưu ý chúng ta có thể phòng tránh được một cách khá dễ dàng nếu có sự quyết tâm.

Tác động bất lợi do chế độ ăn uống

Ăn uống, nhất là những bữa ăn kéo dài với nhiều thịt, nội tạng động vật, bia rượu và nước ngọt làm tăng gánh nặng trước tiên là hệ tiêu hóa. Sau đó các chất được hấp thu vào máu rồi được lọc qua thận và gan. Nếu thức ăn bị nhiễm và hết hạn sử dụng thì gánh nặng này gia tăng đáng kể cho thận nói riêng và nhiều cơ quan nội tạng khác nói chung.

Lượng nước uống trong ngày có tác động đáng kể đến lượng nước tiểu thải ra. Nếu uống không đủ lượng nước trung bình 1,5 - 2 lít/ngày, nước tiểu thải ra sẽ ít và bị cô đặc với những phân tử hữu hình lắng đọng gây sỏi thận và hàm lượng độc tố trong nước tiểu cũng gia tăng. Ở những người ăn quá mặn, lượng muối thừa là gánh nặng cho thận. Nó có khả năng giữ nước gây phù và gia tăng huyết áp động mạch, làm hạn chế lượng máu lưu thông qua thận.

Ngoài ra, các loại nước ngọt có gas thường có độ acid cao hơn cơ thể. Nếu sử dụng nhiều, lâu ngày thận sẽ bị tổn thương.

Tác động bất lợi do hoàn cảnh hoặc thói quen sinh hoạt

Nhiều người bị buộc phải… nín tiểu do hoàn cảnh như đang đi xe đường dài, ở nơi đông người, chưa tìm ra toilet hay địa điểm đi tiểu thích hợp, ngủ nướng,... Việc nín tiểu gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang và trong thận tạo cơ hội cho các chất lắng đọng thành sỏi, gây nhiễm trùng đường tiểu, ứ nước trong thận hoặc viêm bể thận… Nếu tình trạng này kéo dài liên tục hoặc lặp đi lặp lại sẽ làm cho thận bị tổn thương nghiêm trọng, mạn tính và khó phục hồi.

Thói quen uống nước chè hoặc trà đậm đặc sau khi uống nhiều bia rượu với mục đích "giải rượu" là một thói quen không tốt và thậm chí là phản khoa học. Vì các chất có trong nước chè hoặc nước trà tuy có tác dụng lợi tiểu, nhưng lại gây ảnh hưởng không tốt cho các đơn vị thận. Thời gian đào thải quá nhanh khiến rượu không có đủ thời gian phân hủy gây ra hiện tượng kích thích ethanol làm tổn thương cấu trúc của thận.

Tác động bất lợi do sử dụng và lạm dụng thuốc điều trị

Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh sau khi uống được đào thải qua thận, nhất là các thuốc giảm đau - kháng viêm phổ biến như acetaminophene (paracetamol), aspirin, indomethacin,… Việc sử dụng các loại thuốc không đúng chỉ định hoặc lạm dụng cả về thời gian và liều lượng thuốc sẽ gây hại cho thận là điều khó có thể tránh khỏi.

Hạn chế tác động bất lợi cho thận từ thực phẩm

Nhìn chung, một chế độ ăn nhiều rau và trái cây sẽ có lợi cho nhiều bộ phận cơ thể, trong đó có thận. Rau và trái cây có các chất mang gốc hóa học chống hiện tượng oxy hóa giúp tế bào thận và tế bào của các cơ quan khác tránh sự tác động nguy hại bởi các gốc tự do trong cơ thể gây ra. Một số loại thực phẩm được các chuyên gia chứng minh là có lợi cho thận, bao gồm: Bắp cải, ớt chuông, lòng trắng trứng, giấm táo,…

Việc bổ sung thêm magne (Mg) rất cần thiết để đảm bảo chức năng thận hoạt động tốt. Lượng magne từ nguồn thức ăn có nhiều trong các loại rau có màu xanh lá cây, các loại ngũ cốc và hạt. Khi ăn cần hạn chế lượng muối ăn. Nên "ăn mặn" thấp nhất có thể. Không nên ăn quá nhiều thịt, vì lượng protein và muối dư thừa buộc thận phải gia tăng hoạt động đào thải. Nếu không, chúng sẽ tích trữ lâu ngày gây tăng huyết áp và nghiêm trọng hơn là các biến cố về tim mạch và đột quỵ não./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

MÔN SINH HỌC 8

Câu 1: Các tác nhân có thể gây hại cho hệ bài tiết nước tiểu là?

·         A. Các chất độc trong thức ăn.               B. Khẩu phần ăn không hợp lí.

·         C. Các vi trùng gây bệnh.                        D. Cả A, B và C

Câu 2: Hoạt động lọc máu kém hiệu quả hay bị ngưng trệ do

·         A. Cầu thận phải làm việc quá tải, suy thoái dần.

·         B. Cầu thận bị suy giảm, làm việc quá tải hoặc bị nhiễm độc.

·         C. Một số cầu thận bị hư hại do tác động gián tiếp của vi khuẩn.

·         D. ảnh hướng của mổt số chất độc lên cầu thận.

Câu 3: Nước tiểu đầu được hình thành do quá trình lọc máu xảy ra ở

·         A. Cầu thận.                      B. Nang cầu thận,

·         C. ống thận.                        D. Bể thận.

Câu 4: Nhịn đi tiểu lâu có hại vì

·         A. Dễ tạo sỏi thận và hạn chế hình thành nước tiểu liên tục.

·         B. Dễ tạo sỏi thận và có thể gây viêm bóng đái.

·         C. Hạn chế hình thành nước tiểu liên tục và có thể gây viêm bóng đái.

·         D. Dễ tạo sỏi thận, hạn chế hình thành nước tiểu liên tục và có thể gây viêm bóng đái.

Câu 5: Cơ quan quan trọng nhất của hệ bài tiết nước tiểu là

·         A. Hai quả thận.                    B. ống dẫn nước nước tiểu.

·         C. Bóng đái.                             D. ống đái.

Câu 6: Sự tạo thành nước tiểu có đặc điểm

·         A. diễn ra liên tục.                   D. diễn ra khi trao đổi chất quá nhiều.

·         B. diễn ra gián đoạn.            C. tuỳ từng thời điểm có thể liên tục hoặc gián đoạn.

Câu 7: Ý nghĩa của sự bài tiết là gì ?

·         A. Làm cho các chất căn bã, chất độc không kịp gây hại cho cơ thể

·         B. Đảm bảo sự ổn định các thành phần của môi trường trong

·         C. Giúp cho sự trao đổi chất của cơ thê’ diễn ra bình thường

·         D. Cả A, B và C

Câu 8: Cơ quan bài tiết là?

·         A. Da bài tiết mồ hôi.                     B. Thận bài tiết nước tiểu.

·         C. Phổi thải khí cacbônic.               D. Cả A, B và C

Câu 9: Quá trình lọc máu có đặc điểm?

·         A. Diễn ra ở cầu thận và tạo ra nước tiểu đầu.

B. Diễn ra ở ống thận và tạo nước tiểu chính thức,

·         C. Diễn ra ở ống thận và tạo nước tiểu đầu.

·         D. Diễn ra ở cầu thận và tạo ra nước tiểu chính thức.

Câu 10: Chức năng của cầu thận là

·         A. lọc máu và hình thành nước tiểu đầu.

·         B. lọc máu và hình thành nước tiểu chính thức,

·         C. hình thành nước tiểu và thải nước tiểu.

·         D. lọc máu, hình thành nước tiểu và thải nước tiểu.

Câu 11: Những yếu tố có thể gây hại cho hệ bài tiết nước tiểu là gì?

·         A. Các chất độc trong thức ăn, đồ uống

·         B. Khẩu phần ăn uống không hợp lí

·         C. Vi trùng gây bệnh

·         D. Cả A, B và C

Câu 12: Lượng nước tiểu chính thức được tạo ra ở mỗi cơ thể trong một ngày bằng:

·         A. 2,5 lít                  B. 2 lít                    C. 3 lít                      D. 1,5 lít

Câu 13: Sự kết tinh muối khoáng và các chất khác trong nước tiểu sẽ gây ra bệnh gì?

·         A. Viêm thận             B. Sỏi thận             C. Nhiễm trùng thận         D. Cả A và B

Câu 14: Số lượng đơn vị chức năng của mỗi quả thận là:

·         A. 100.000            B. 1.000.000                C. 1.000               D. 10.000

Câu 15: Chất được hấp thụ lại ở đoạn đầu ống thận trong quá trình tạo nước tiểu là:

·         A. Các chất dinh dưỡng                         B. Các ion cần thiết như Na+, Cl-..

·         C. Nước                                                  D. Cả a, b, c đều đúng

Câu 16: Chất không có trong thành phần nước tiểu chính thức là:

·         A. Các ion thừa như N+, K+...                     B. Các chất bã như urê axit utric...

·         C. Các chất dinh dưỡng                             D. Các chất thuốc

Câu 17. Người bị sỏi thận cần hạn chế sử dụng những chất nào?

·         A. Nước                B.Vitamin           C. Muối khoáng                 D. Cả A và C.