Phân tích rủi ro phi hệ thống trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Mục lục bài viết

  • 1. Bản chất và vai trò của thị trường chứng khoán?
  • 2.Rủi ro chứng khoán là gì?
  • 3. Có những loại rủi ro nào trên thị trường chứng khoán?
  • 3.1. Rủi ro hệ thống
  • 3.2Rủi ro phi hệ thống

1. Bản chất và vai trò của thị trường chứng khoán?

Bản chất : thị trường chứng khoán không chỉ phản ánh các quan hệ trao đổi mua bán một số lượng chứng khoán nhất định mà là mua bán quyền sở hữu chứng khoán, hay nói cách khác, là nơi mua bán quyền sở hữu vốn. Bởi vậy, có thể nói thị trường chứng khoán là hình thức phát triển cao của nền sản xuất hàng hoá.

Vai trò:

  • Là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp
  • Khuyến khích người dân tiết kiệm để đầu tư vào sản xuất kinh doanh và tạo sự luân chuyển vốn nhịp nhàng giữa người dư vốn và người thiếu vốn.
  • Thị trường chứng khoán tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng côn hiệu quả, đồng thời là công cụ để Nhà nước thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
  • Thị trường chứng khoán là công cụ đánh giá doanh nghiệp và phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế.

2.Rủi ro chứng khoán là gì?

Rủi ro trong kinh doanh là khả năng xảy ra những việc bất lợi cho các chủ thể kinh doanh khi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh.

Rủi ro trên thị trường chứng khoán là khả năng giá trị khoản đầu tư giảm, khiến nhà đầu tư bị thua lỗ. Trên thị trường chứng khoán các loại chứng khoán được phát hành và giao dịch chịu tác động của quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh. Mà chứng khoán là loại giấy tờ có giá thường với thời hạn trung hạn, dài hạn, do vậy trong khoảng thời gian đó có thể có rất nhiều biến động xảy ra ảnh hưởng đến giá trị của chứng khoán. Chính đặc trưng này đòi hỏi nhà đầu tư cần cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng và nắm bắt cơ hội để đầu tư. Giá trị các loại chứng khoán chịu tác động của nhiều yếu tổ như lạm phát, tỷ giá, lãi suất, tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chính sự thay đổi của pháp luật cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự biến đổi giá trị của các loại chứng khoán.

3. Có những loại rủi ro nào trên thị trường chứng khoán?

Một trong những đặc điểm cơ bản của thị trường chứng khoán là có tính rủi ro cao và ảnh hưởng mang tính dây chuyền. Các rủi ro khi đầu tư chứng khoán là điều mà các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ để phòng ngừa trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán.

Các rủi ro khi đầu tư chứng khoán được chia làm hai loại:

3.1. Rủi ro hệ thống

>> Xem thêm: Các chỉ số phân tích tài chính IRR, NPV và ý nghĩa trong việc đánh giá dự án

Rủi ro hệ thống hay còn được gọi là rủi ro thị trường, bao gồm những rủi ro ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường chứng khoán mà bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia chứng khoán đều gặp phải. Các sự kiện chính trị bất ngờ, suy thoái kinh tế thế giới, biến động lãi suất, tỷ giá đều đại diện cho các nguồn rủi ro hệ thống. Đây là loại rủi ro các nhà đầu tư gần như không thể kiểm soát, cũng không thể tránh được, ngay cả khi đã đa dạng hoá, phân bổ đầu tư vào các cổ phiếu khác nhau.

Những rủi ro như vậy xảy đến là điều mà các doanh nghiệp, các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư không thể tránh khỏi, mà chỉ có thể đề phòng và giảm thiểu tác động, khắc phục hậu quả xảy ra.

Những rủi ro hệ thống trong đầu tư chứng khoán lại được thể hiện cụ thể như sau:

  • Rủi ro giá hàng hóa

Nhà đầu tư khi tham gia đầu tư chứng khoán tức là đầu tư vào các công ty cổ phần phát hành chứng khoán, hay nói một cách cụ thể hơn chính là đầu tư vào hàng hóa và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó. Từ đó có thể thấy giá hàng hóa tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán. Nhất là những hàng hóa liên quan tới chính sách tài khóa của nhà nước như: nhiên liệu xăng, dầu; giá điện, ga, ... Do đó, khi giá hàng hóa thay đổi, rủi ro giá chứng khoán xảy ra lớn hơn. Do ảnh hưởng từ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản. Do vvậy, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của những doanh nghiệp này thì sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng”

  • Rủi ro mô hình

Trong chứng khoán, nhà đầu tư tư thường chọn cho mình một mô hình đầu tư, có thể là một mô hình định giá tài sản và vốn, ... Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình không thể tách khỏi các yếu tố kỹ thuật của thị trường. Mà thị trường chứng khoán thì lại luôn biến động không theo một quy tắc nào cả, điều này tạo ra những rủi ro chứng khoán lớn. Nhà đầu tư có thể sử dụng phân tích kỹ thuật để chọn mô hình đầu tư được cho là lý tưởng nhất, nhưng cũng không thể tránh khỏi rủi ro và các yếu tố tác động từ thị trường.

  • Rủi ro thanh khoản

Tính thanh khoản của chứng khoán là khả năng chuyển đổi dễ dàng từ tiền sang chứng khoán và ngược lại. Rủi ro thanh khoản là sự bất ổn của chứng khoán khi điều kiện giao dịch thay đổi.Nếu số lượng chứng khoán lớn, giao dịch xảy ra với khối lượng lớn có thể thấy thanh khoản ở mức cao, nhà đầu tư dễ dàng trao đổi cổ phiếu. Nếu khối lượng giao dịch thấp, thậm chí có phiên không có giao dịch xảy ra có thể thấy thanh khoản ở cổ phiếu này là thấp, các nhà đầu tư sẽ càng e ngại mua cổ phiếu này.

  • Rủi ro lạm phát và rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất gây ra bởi sự lên xuống của lãi suất trái phiếu chính phủ, khi đó sẽ có sự dao động trong mức sinh lời kỳ vọng của các chứng khoán khác.

Giá chứng khoán luôn biến động tỷ lệ nghịch với lãi suất thị trường, lãi suất thị trường tăng sẽ làm cho giá trị thị trường của chứng khoán bị sụt giảm và ngược lại.

Lạm phát sẽ khiến giá trị của đồng tiền thay đổi, gây dao động tới lợi nhuận của nhà đầu tư trong tương lai.

3.2Rủi ro phi hệ thống

>> Xem thêm: Lợi nhuận trên mỗi cổ phần [EARNING PER SHARE - EPS] là gì ?

Rủi ro phi hệ thống hay rủi ro cá biệt, là những rủi ro chỉ xảy ra với từng ngành, lĩnh vực riêng lẻ. Loại rủi ro này không có tính chất bao trùm cả thị trường, chỉ ảnh hưởng đến một số nhà đầu tư cụ thể nhất định. Ví dụ các rủi ro khi đầu tư chứng khoán: tai nạn máy bay tới từ ngành hàng không, thông tin xấu từ một công ty chứng khoán hay việc tăng thuế vào các doanh nghiệp lắp ráp xe hơi ... không phải toàn thị trường đều bị ảnh hưởng. Với loại rủi ro phi hệ thống trong đầu tư chứng khoán, người chơi có thể phân tích, nhận diện để tránh gặp phải.

Có 5 loại rủi ro phi hệ thống sau đây:

  • Rủi ro xếp hạng

Bất kỳ một ngành công nghiệp, dịch vụ nào đều có các đánh giá, xếp hàng hằng năm, chủ yếu là vào dịp cuối năm hoặc đầu năm sau. Rủi ro về mặt xếp hạng như doanh nghiệp giảm hạng so với năm trước, khiến giá trị của doanh nghiệp giảm, cổ phiếu xuống giá.

  • Rủi ro lỗi thời

Rủi ro này có thể xảy ra ở nhiều ngành sản xuất khi các sản phẩm đã rơi vào tình trạng lỗi thời, không có giá trị đổi mới, không tăng trưởng lợi nhuận của nhiều năm khiến doanh nghiệp trở nên hoạt động trì trệ, giá cổ phiếu giảm sút.

Ví dụ: Nguyễn Kim là một thương hiệu “anh cả” trong ngành bán lẻ các thiết bị công nghệ, gia dụng, ... ở Việt Nam qua nhiều năm. Song những năm gần đây, Nguyễn Kim tăng trưởng vô cùng chậm, thậm chí không tăng trưởng khi một loạt các đàn em như Thế Giới Di Động [MWG], hay FPT ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ. Đó chính là rủi ro lỗi thời trong ngành công nghệ - một ngành đòi hỏi thay đổi lớn.

  • Rủi ro kiểm toán

Rủi ro này có thể đến với nhiều doanh nghiệp bởi sự kiểm soát chi phí và nguồn vốn kém, gây tổn hại tới giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất không hiệu, từ đó làm sụt giảm giá trị cổ phiếu.

  • Rủi ro truyền thông

Rủi ro truyền thông xảy ra khi doanh nghiệp phát hành chứng khoán phải đối mặt với sự kiện xấu, truyền thông xấu từ nhiều phía hoặc truyền thông sai sự thật gây ảnh hưởng xấu tới thương hiệu cũng như khiến giá cổ phiếu của công ty sụt giảm một cách nhanh chóng. Đây có thể coi là rủi ro của đầu tư chứng khoán có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 với sự bao phủ của các trang mạng xã hội.

Chỉ cần một tin tức nội bộ được đưa lên mặt báo thôi cũng có thể kiến cổ phiếu của các doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao. Ví dụ, việc giám đốc điều hành đương nhiệm của công ty Y từ chức có thể khiến giá cổ phiếu Y giảm do những lo ngại từ phía nhà đầu tư về tương lai của công ty sau khi thiếu vắng một nhà quản lý tài ba.

Hay ví dụ mới trong vụ lùm xùm sao kê của các nghệ sĩ, ngân hàng Vietcombank bị gắn với những cái tên gây ồn ào như Thủy Tiên, Trấn Thành, cùng những động thái trên mạng xã hội khiến trang fanpage bị tấn công, ứng dụng nhận hàng loạt đánh giá 1 sao. Sự kích động của cộng đồng này cũng kéo theo tác động xấu tới giá cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua [8/9, tức là chỉ một ngày sau khi Trấn Thành công khai 1000 trang sao kê tài khoản tại ngân hàng này], giá cổ phiếu VCB giảm 300 đồng, còn 99.700 đồng/cp, giá cổ phiếu VCB đã quay đầu giảm sau khi cán mốc 100.000 đồng vào đầu tuần.

  • Rủi ro pháp lý

Nhà nước có những quy định nghiêm ngặt về vốn, Luật chứng khoán được điều chỉnh liên tục để nâng cao tính minh bạch của thị trường. Rủi ro pháp lý là điều mà hầu hết các nhà đầu tư đều có thể mắc phải khi đầu tư chứng khoán nếu không nắm vững pháp luật chứng khoán.

>> Xem thêm: Chứng khoán là gì ? Khái niệm về chứng khoán theo quy định của pháp luật

Thêm nữa, đối với các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, những thay đổi của pháp luật, thắt chặt chính sách thuế, quy định vốn, ... cũng có thể gây rủi ro cao nên doanh nghiệp không chỉ cần nắm vững mà còn phải cập nhật liên tục.

Các cơ quan chính phủ có thể ban hành nhiều loại chính sách khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư, ví dụ như: mức thuế cho lợi nhuận từ đầu tư, các quy định về việc được mua bán chứng khoán, quy định về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài... Các chính sách đó có thể khiến các nhà đầu tư không thể thực hiện được các chiến lược đầu tư đáng lẽ có thể thực hiện được. Đặc biệt là khi chính sách đột ngột thay đổi, nhà đầu tư có thể bị mắc kẹt, thậm chỉ trở thành phạm pháp nếu không kịp thời thay đổi theo chính sách.

Ngày 27/9/2010, Thông tư 19/2010/TT NHNN sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng được ban hành. Thông tư 13 và Thông tư 19 là văn bản pháp lý có ảnh hưởng lớn nhất tới thịtrường chứng khoán trong năm 2010 khi được xem là tác nhân gây ra sự lo lắng về khả năng thoái vốn ồ ạt của các ngân hàng, giảm hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản... nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mới. Tóm lại, đối với các nhà đầu tư, việc hiểu rõ bản chất của hai loại rủi ro này sẽ rất hữu ích trong việc thiết lập một kỳ vọng hợp lý và đánh giá được hiệu quả của các khoản đầu tư của mình. Bởi không chỉ trong chứng khoán mà ở bất kì lĩnh vực nào thì cũng luôn tiềm tàng những rủi ro nằm bên cạnh thuận lợi, nên sẽ rất khó để thành công nếu bạn không đối mặt với những rủi ro. Nếu bạn được trang bị những kiến thức đầu tư thực sự hiệu quả và được hướng dẫn 1 cách bài bản, bạn hoàn toàn không những có thể tránh được những rủi ro trên mà còn có thể kiếm được lợi nhuận lớn từ chính rủi ro.

Video liên quan

Chủ Đề