Phim Hoắc Nguyên Giáp: Lý Liên Kiệt Thuyết Minh

TTO - Hoắc Nguyên Giáp (*) được quảng cáo là bộ phim võ thuật cuối cùng của Lý Liên Kiệt (mới đây anh đã đính chính rằng đây chỉ là bộ phim cuối cùng anh áp dụng wushu vào các màn đấu võ).

Hoắc Nguyên Giáp: Bữa tiệc ngon một nửa

Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để lôi kéo khán giả đến rạp để trông đợi một điều gì đó mới mẻ hơn ở bộ phim này từ tuyên bố của ngôi sao họ Lý: “Tôi đã tham gia rất nhiều phim mà trong đó người ta dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Còn với Hoắc Nguyên Giáp, tôi muốn nói rằng bạo lực không phải là cách giải quyết duy nhất”.

Phim Hoắc Nguyên Giáp: Lý Liên Kiệt Thuyết Minh
Phóng to

Một màn giao đấu hấp dẫn trong phim

Thế nhưng, những gì diễn ra trên màn ảnh chỉ khiến khán giả hài lòng một nửa.

Bữa tiệc võ thuật hoành tráng…

Hoắc Nguyên Giáp có quá nhiều lợi thế để trở thành một quả bom tấn trên màn ảnh. Ngay bản thân cuộc đời của huyền thoại võ thuật Trung Hoa thời kỳ đầu cận đại này đã chứa đựng nhiều điều bí ẩn thú vị để tạo nên một bộ phim hấp dẫn.

Hoắc Nguyên Giáp là một tên tuổi lớn được nhiều người học võ kính phục, là người đã sáng lập nên Tinh Võ Môn, đưa tuyệt kỹ Mê Tông Nghệ đạt đến đỉnh cao. Điều quan trọng nhất, bằng sức mạnh và tinh thần thượng võ, ông đã cho thế giới thấy được rằng người Trung Quốc không phải là “Đông Á bệnh phu”.

Phim Hoắc Nguyên Giáp: Lý Liên Kiệt Thuyết Minh
Phóng toPoster phim Hoắc Nguyên GiápVới kinh phí 20 triệu USD, Hoắc Nguyên Giáp là bộ phim được khán giả trông đợi ngay khi chưa bấm máy khi quy tụ hàng loạt tên tuổi nổi tiếng như nhà sản xuất William Kong, đạo diễn Vu Nhân Thái, chỉ đạo võ thuật Viên Hoà Bình, ngôi sao Lý Liên Kiệt, nữ diễn viên trẻ Tôn Lệ cùng dàn diễn viên phụ đa quốc tịch như diễn viên Nhật Shidou Nakamura, võ sĩ Úc Nathan Jones, diễn viên Mỹ Anthony De Longis…

Đó là chưa kể sự xuất hiện với tư cách khách mời của ngôi sao Dương Tử Quỳnh (tiếc là các cảnh quay của cô đã bị cắt mất trong bản dựng cuối cùng). Phần âm nhạc của phim được chăm chút bởi nhạc sĩ nổi tiếng người Nhật Shigeru Umebayashi (từng phụ trách phần âm nhạc của phim Chuyến tàu Trùng Khánh, Thập diện mai phục, 2046, Hoa cúc dại…), còn ca khúc chủ đề do Châu Kiệt Luân đảm nhận cũng là một yếu tố mang lại sự hấp dẫn cho bộ phim.

Từ ê kíp làm phim toàn những “cao thủ” như thế, rõ ràng Hoắc Nguyên Giáp không chỉ nhắm đến khán giả Trung Quốc mà còn muốn vươn đến những thị trường xa hơn ngoài biên giới.

Trong chiếc áo của một bộ phim võ thuật, Hoắc Nguyên Giáp đã đạt tầm chinh phục được khán giả với những pha hành động dàn dựng công phu. Chỉ đạo võ thuật Viên Hoà Bình đã chiêu đãi khán giả một bữa tiệc võ thuật hoành tráng khi mang lại cho mỗi trận giao chiến trong phim một màu sắc khác nhau, một phong cách võ thuật khác nhau.

Phim có nhiều màn võ thuật buộc khán giả phải nhớ như cảnh Hoắc Nguyên Giáp tỉ thí với các võ sĩ trên võ đài cao hơn chục mét, trận giao chiến với Tần gia trong tửu lầu hay cảnh giao đấu với các võ sĩ Tây phương Hercules O’Brien, với võ sĩ Nhật Anno Tanaka…

Giá như Hoắc Nguyên Giáp chỉ tập trung phô diễn nét hấp dẫn của võ thuật Trung Hoa như thế thì bộ phim này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhưng, nói như đạo diễn Ronny Yu: “Hoắc Nguyên Giáp không chỉ là một phim hành động thông thường. Đó là một phim võ thuật nói về sự vô nghĩa của bạo lực”. Ngay cả Lý Liên Kiệt cũng đặt nhiều tâm huyết vào tác phẩm do chính anh là nhà sản xuất: “Tôi quyết tâm thực hiện Hoắc Nguyên Giáp sau khi đọc mẩu tin năm 2003 có 280.000 thanh niên Trung Quốc tự tử. Tôi không hiểu tại sao nhiều bạn trẻ quyết định từ bỏ sinh mạng mình một cách dễ dàng như vậy. Tôi muốn thông qua bộ phim này, họ sẽ cảm nhận được giá trị quý báu của cuộc sống”.

Tiếc thay, giá trị tinh thần ấy lại không được thể hiện một cách thuyết phục trong suốt 105 phút phim.

Món tráng miệng nhạt nhẽo

Phim Hoắc Nguyên Giáp: Lý Liên Kiệt Thuyết Minh
Phóng toHoắc Nguyên Giáp (Lý Liên Kiệt) và cô sơn nữ mù (Tôn Lệ)Nếu ví von những màn võ thuật là món ăn chính trong Hoắc Nguyên Giáp thì những triết lý mà các nhà làm phim gửi gắm như món tráng miệng kèm theo cho bữa tiệc thêm phần thịnh soạn. Nhưng món tráng miệng này lại được bày biện quá sơ sài làm hỏng đi khẩu vị thưởng thức của người xem.

Cái sơ sài đầu tiên nằm ở phần kịch bản với đường dây câu chuyện khiến những ai từng say mê những bộ phim kiếm hiệp Trung Hoa đều có thể thấy điều gì đó rất quen thuộc, từng được nhào nặn nát nước ở thể loại phim võ thuật trước đó: một kẻ ngạo mạn, hiếu thắng nhưng rồi bị một cú sốc tâm lý rồi từ đó ngộ ra chân lý và trở thành người hùng.

Với kịch bản đầu tay này, nhà biên kịch tốt nghiệp điện ảnh tại Mỹ Chris Chow vấp phải sự phản đối của chính gia đình của Hoắc Nguyên Giáp (vụ kiện đã vô tình trở thành một công cụ tiếp thị cho bộ phim) khi hư cấu nhiều chi tiết thiếu chính xác về cuộc đời của huyền thoại võ thuật này.

Quá trình chuyển đổi tâm lý của Hoắc Nguyên Giáp được chia cắt cố ý thành ba giai đoạn - từ một thanh niên cao ngạo đến một kẻ buông xuôi bản thân rồi cuối cùng là người hùng huyền thoại - nhưng không đủ liền mạch để thuyết phục khán giả.

Lý Liên Kiệt cũng đã có một vài cảnh diễn nội tâm gây được cảm xúc bên cạnh các màn phô diễn tài nghệ võ thuật nhưng Hoắc Nguyên Giáp của anh đôi lúc vẫn mang bóng dáng của Hoàng Phi Hồng, Phương Thế Ngọc… của cách đây nhiều năm.

Điều đáng nói hơn là bộ phim điện ảnh hoành tráng này còn lặp lại nhiều khuôn sáo thường thấy trong các phim kiếm hiệp truyền hình (cứ hễ người nào nương tay cho đối thủ, chấp nhận mình thua ngay khi đang thắng thế là người đó có tinh thần thượng võ; sử dụng hình tượng cô gái mù để thể hiện sự trong sáng...)

Điện ảnh là ngôn ngữ của hình ảnh, nhưng những triết lý mà các nhà làm phim muốn gửi gắm lại được chuyển tải khá gượng ép thông qua lời thoại của nhân vật, được lặp đi lặp lại ra rả trong suốt bộ phim có thể khiến những khán giả khó tính phì cười.

Tuy nhiên, bỏ qua món tráng miệng hơi nhạt nhẽo này, Hoắc Nguyên Giáp vẫn là một bữa tiệc võ thuật đáng thưởng thức, nhất là với những khán giả từng yêu thích những bộ phim mang phong cách của Lý Liên Kiệt trước đây.

____________________

(*) Phim khởi chiếu từ ngày 11-8 tại các rạp Megastar Cineplex, Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Hà Nội); Diamond, Galaxy, Thăng Long, Đống Đa, Toàn Thắng, Tân Sơn Nhất (TP.HCM)