Quy định tùy nghi là gì

Đặc san 02/2013

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1.Cách thức xây dựng các quy định của BLDS về hợp đồng
  • 2.Pháp luật hợp đồng cần được coi là lĩnh vực pháp luật xuyên suốt toàn bộ hệ thống pháp luật của quốc gia
  • 3.Tôn trọng tự do hợp đồng đúng chỗ và giới hạn tự do hợp đồng cũng đúng chỗ
  • 4.Một trong những yêu cầu quan trọng của pháp luật hợp đồng là phải phù hợp với thực tiễn
  • 5.Đời sống dân sự luôn phong phú và đa dạng mà pháp luật dân sự cũng như pháp luật không thể bao quát hết toàn bộ
  • 6.Pháp luật hợp đồng hoàn toàn không bị giới hạn bởi phạm vi không gian áp dụng
  • 7.Tài liệu tham khảo

Những yêu cầu cần phải được đặt ra khi xây dựng chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự

DƯƠNG ANH SƠN*

Đặc san 02/2013 - 2013, Trang 48-53

Ngày đăng:

  • Trích dẫn
  • Share

    • Twitter
    • Facebook
    • Zalo

TÓM TẮT

Ở các quốc gia theo hệ thống dân luật thì BLDS được coi là bộ luật gốc có chức năng điều chỉnh gần như mọi vấn đề thuộc lĩnh vực của luật tư. Trên cơ sở Bộ luật này có thể xây dựng các luật nhằm cụ thể hóa những nội dung tương ứng, bao gồm cả các quy định về hợp đồng. Có hai vấn đề cần quan tâm khi xây dựng các quy định về hợp đồng trong BLDS: i] định hướng và ii] các quy định cụ thể. Trong phạm vi bài viết tác giả không đi sâu vào các quy định cụ thể mà chỉ đề cập đến một số yêu cầu làm định hướng cho việc thiết kế các quy định điều chỉnh hợp đồng cụ thể.


ABSTRACT:

In countries following civil law system, Civil Code is considered as the original code that governs almost every aspects of private law. Based on the Civil Code, other laws are made to detail relevant contents, including regulations on contract. There are two elements that need to be put into consideration during the construction of contractual regulations in the Civil Code: i] orientations and ii] specific regulations. This paper shall not focus on specific regulations but presents only requirements as orientations for the design of specific regulations on contracts.

TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: không có,

Trích dẫn:

×

DƯƠNG ANH SƠN*, Những yêu cầu cần phải được đặt ra khi xây dựng chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự , Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, Đặc san 02/2013, Trang 48-53

//tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=16c9bc71-4a01-42a6-a918-3bc456f67331

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Hợp đồng đóng vai trò đặc biệt trong đời sống hàng ngày và trong hoạt động thương mại. Chính vì vậy việc xây dựng pháp luật cho hợp đồng cần phải được quan tâm thích đáng. Không như các lĩnh vực pháp luật khác thường có các văn bản pháp luật riêng biệt điều chỉnh, có rất ít quốc gia trên thế giới có luật hợp đồng với tư cách là văn bản luật riêng biệt mặc dù tầm quan trọng của chúng là không phải bàn cãi. Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn đề cập đến một số yêu cầu của mà chế định pháp luật về hợp đồng trong BLDS [BLDS] cần phải đáp ứng.


1.Cách thức xây dựng các quy định của BLDS về hợp đồng

Pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng cần phải phản ánh được sự thay đổi của xã hội. Trải qua hàng ngàn nămPacta Sunt Servanda [phải tôn trọng nội dung giao ước]được coi là nguyên tắc nền tảng của việc thực hiện hợp đồng và pháp luật hợp đồng phản ánh trung thực nguyên tắc này. Thật vậy, trong hàng ngàn năm xã hội ít có sự thay đổi, cấu trúc của hàng hóa đơn giản, thông tin chưa đóng vai trò quan trọng trong đời sống và trong hoạt động kinh doanh, tình trạng bất đối xứng về thông tin chưa tồn tại. Trong bối cảnh xã hội như vậy, các quy định của pháp luật hợp đồng có tính cứng nhắc hơn và hợp đồng được hiểu theo kiểu “bút sa gà chết” sẽ phát huy được hiệu quả trong việc hạn chế, ngăn chặn sự không thiện chí, trung thực của một trong các bên của hợp đồng. Như vậy, tính cứng nhắc của pháp luật hợp đồng trong bối cảnh đó đã góp phần tạo lập và giữ được sự ổn định cho lưu thông dân sự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi mà xã hội thường xuyên thay đổi, cả về biên độ và cả về chu kỳ thì tính cứng nhắc của pháp luật không còn phù hợp, bởi lẽ chúng không những không tạo được sự ổn định cho lưu thông dân sự mà trong nhiều trường hợp còn có thể phá vỡ trật tự này. Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, để duy trì sự ổn định, vận hành một cách có trật tự của lưu thông dân sự, pháp luật hợp đồng cần phải trở nên mềm dẻo, uyển chuyển hơn.[1]Lạt mềm buộc chặt, pháp luật càng mềm dẻo bao nhiêu thì xã hội càng có trật tự bấy nhiêu. Để làm được điều này, theo quan điểm của chúng tôi pháp luật hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, các quy định của pháp luật hợp đồng nên có tính khái quát cao, độ mở phải đủ rộng để có thể giải thích khi áp dụng. Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận, vì vậy bất kỳ sự thỏa thuận nào nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên đều được coi là hợp đồng. Cuộc sống phong phú và đa dạng và pháp luật không thể bao quát hết tất cả mọi vấn đề trong xã hội và pháp luật chỉ có thể quy định chi tiết đối với một số nội dung, vấn đề cụ thể. Chúng tôi cho rằng, cuộc sống hàng ngày, hoạt động kinh doanh thương mại là tập hợp những cuộc chơi [các trò chơi] và các chủ thể đồng thời tham gia vào các cuộc chơi khác nhau. Khi các bên tham gia đàm phán ký kết hợp đồng có nghĩa là các bên bắt đầu tham gia cuộc chơi. Một điều có thể nhận thấy là bất kỳ cuộc chơi [trò chơi] nào cũng có quy tắc trong đó pháp luật hợp đồng chính là quy tắc chung cho nhưng người chơi. Một khi được xem là quy tắc chung cho mọi cuộc chơi thì không thể và không nên chi tiết và cụ thể mà nên và chỉ nên có tính khái quát. Trong khi đó, hợp đồng chính là quy tắc cho từng cuộc chơi đơn lẻ cần được xây dựng trên cơ sở quy tắc chung [pháp luật hợp đồng]. Vì là quy tắc cho từng cuộc chơi cụ thể nên hợp đồng cần phải chi tiết và cụ thể để phản ánh được những đặc điểm của từng cuộc chơi.

Nếu các quy định của pháp luật thiếu tính khái quát và chỉ quy định cụ thể chi tiết về một số vấn đề thì hậu quả sẽ là: đối với những vấn đề đã được quy định chi tiết và cụ thể thì thẩm phán sẽ áp dụng chúng một các máy móc, thiếu sự xét đoán, giải thích các quy định đó. Đối với những trường hợp pháp luật chưa quy định [thường là như vậy, bởi như đã nói ở trên, pháp luật không thể bao quát hết mọi vấn đề liên quan đến hợp đồng] thì thẩm phán và các chủ thể khác sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp dụng, bởi lẽ khả năng giải thích pháp luật là rất hạn chế. Tính khái quát của các quy định pháp luật hợp đồng cho phép các bên giải thích hợp đồng tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tất nhiên, điều này cũng đòi hỏi cần phải chú ý đến việc nâng cao năng lực giải thích pháp luật của các thẩm phán.

Thứ hai, cần hạn chế các quy phạm mệnh lệnh, gia tăng các quy phạm tùy nghi. Xuất phát từ bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận, nên cần phải cẩn trọng khi sử dụng các quy phạm mệnh lệnh. Việc sử dụng một cách tùy tiện, thiếu thận trọng các quy phạm mệnh lệnh vô hình trung sẽ hạn chế, can thiệp một cách không cần thiết tự do hợp đồng và điều này cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng sáng tạo của các chủ thể. Theo quan điểm của chúng tôi, các quy phạm mệnh lệnh chỉ nên được sử dụng chủ yếu trong giới hạn trong phạm vi điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng. Đồng thời, việc pháp luật cấm một số hành vi, ngăn ngừa sự can thiệp từ các chủ thể khác nhau vào tự do hợp đồng bằng các quy phạm mệnh lệnh cũng là hết sức cần thiết.

Các quy định điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên nên là các quy phạm tùy nghi, chỉ sử dụng quy phạm mệnh lệnh trong một chừng mực nhất định và trong những trường hợp có thể được coi là ngoại lệ. Điều này, xuất phát từ thực tiễn rằng chỉ có các bên của hợp đồng mới là người biết rõ ràng nhất họ cần phải làm gì vì lợi ích của họ trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nào đó. Trong khi đó, các nhà làm luật không ở vào vị thế của các bên trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đó nên không thể làm thay các bên. Hợp đồng là sự thỏa thuận, vì vậy pháp luật chỉ can thiệp khi các bên không có sự thỏa thuận.

Thứ ba, như đã được đề cập ở trên, trong bối cảnh xã hội thường xuyên có sự biến động lớn cả về biên độ và chu kỳ thì sự cứng nhắc của pháp luật trong nhiều trường hợp sẽ làm giảm tính hiệu quả của pháp luật hợp đồng. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì hợp đồng chỉ có thể được sửa đổi khi và chỉ khi có sự thỏa thuận của các bên. Điều này có nghĩa là cho dù điều kiện hoàn cảnh có thay đổi thậm chí đến mức có sự khác biệt rất cơ bản với điều kiện, hoàn cảnh tại thời điểm ký kết hợp đồng thì các bên vẫn phải thực hiện hợp đồng nếu không đạt được sự thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng. Điều này có nguy cơ phá vỡ trật tự xã hội bởi lẽ trong các trường hợp này bên bị thiệt hại do sự thay đổi của hoàn cảnh không phải do lỗi của họ mà hoàn toàn do khách quan. Một bên bị thiệt hại thì đương nhiên bên kia sẽ được hưởng lợi. Ở đây bên được hưởng lợi không phải vì sự cố gắng của họ mà là hưởng lợi trên sự thiệt hại của người khác. Đây không phải là phần thưởng vì chẳng có lý do gì để anh ta được thưởng cả, hơn thế nữa anh ta không đáng được nhận khoản lợi ích phần thưởng đó. Điều này có thể dẫn đến việc bên bị thiệt hại có thể vi phạm hợp đồng và hệ quả là trật tự sẽ bị phá vỡ.

Sẽ là công bằng nếu trong những tình huống nói trên, bên được hưởng lợi cần phải biết chia sẻ với người bị thiệt hại. Để có thể giải quyết một cách hợp lý tình trạng nói trên, pháp luật nên thiết kế cơ chế bắt buộc các bên phải sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh khách quan thay đổi cơ bản. Tác giả đồng ý với quan điểm một số tác giả cho rằng hợp đồng cần phải được tiếp cận theo hướng là một quá trình.[2]

* PGS-TS Luật học, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

[1]Có thể so sánh: xã hội là mặt đường, pháp luật là bánh xe. Nếu mặt đường bằng phẳng thì muốn có cảm giác êm ái, bánh xe cần phải được bơm căng; còn nếu mặt đường ghồ ghề, mấp mô thì bánh xe không nên bơm căng thì mới có cảm giác êm ái cho người đi xe.

[2] Xem: Lê Minh Hùng, “Điều khoản điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong pháp luật nước ngoài và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 6 tháng 3/2009.

2. Pháp luật hợp đồng cần được coi là lĩnh vực pháp luật xuyên suốt toàn bộ hệ thống pháp luật của quốc gia

Hợp đồng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, vì vậy đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hợp đồng là việc hết sức cần thiết. BLDS được coi là cơ sở nền tảng của lĩnh vực luật tư, chính vì vậy các quy định về hợp đồng trong BLDS phải đảm nhận được vai trò chính yếu, là cơ sở để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hợp đồng. Đảm bảo sự thống nhất của pháp luật hợp đồng được lý giải bởi việc: i] pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng là thể thống nhất, không phân chia; ii] trong khoa học pháp lý và trong pháp luật cũng như thực tiễn ở các nước phát triển không có sự phân chia tách bạch hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại; và iii] đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật cũng như của hoạt động áp dụng pháp luật.

Trước đây, chế định hợp đồng trong BLDSBLDS 1995 và cả 2005 chưa được coi là đóng vai trò trung tâm của pháp luật hợp đồng, điều này dẫn đến việc là tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các quy định của BLDS với các quy định liên quan trong các văn bản pháp luật khác như Luật Thương mại, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bảo hiểm,… Và để giải quyết những mâu thuẫn đó, các nhà làm luật Việt Nam đã sáng tạo những quy định chỉ có trong pháp luật Việt Nam, ví dụ quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại, bắt buộc phải tìm tiêu chí để phân biệt hợp đồng dân sự với hợp đồng thương mại; hoặc đưa ra những khái niệm luật chung và luật chuyên ngành; hoặc trong hệ thống tòa án thì phân chia thành tòa dân sự và tòa kinh tế.

Chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại 2005 được hiểu là các bên trong hợp đồng có quyền chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Chọn luật cho hợp đồng chỉ tồn tại trong hợp đồng thương mại quốc tế. Hợp đồng được ký kết và thực hiện trên lãnh thổ của một quốc gia, giữa các chủ thể cùng thực hiện hoạt động trên lãnh thổ của một quốc gia thì vấn đề chọn luật áp dụng cho hợp đồng không thể được đặt ra.

Một vấn đề khác là có thể phân biệt được hợp đồng dân sự với hợp đồng thương mại hay không? Câu trả lời là trong nhiều trường hợp là không thể. Có lẽ chỉ có trong khoa học pháp lý Việt Nam mới có các thuật ngữ “hợp đồng dân sự” và “hợp đồng thương mại”. Ở các nước phát triển, việc phân chia hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại chỉ mang tính ước lệ và chỉ được xem xét trên phương diện khoa học pháp lý, chứ không có sự phân chia trong thực tiễn và pháp luật thực định. Điều này được lý giải bởi việc pháp luật hợp đồng ở các nước phát triển có mức độ thống nhất cao.

Mọi hoạt động kinh tế đều chịu chi phí giao dịch.[3]Nhiệm vụ của pháp luật, của kinh tế học, của quản trị học là tìm mọi cách để giảm chi phí giao dịch. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí giao dịch là pháp luật. Các lý thuyết kinh tế học đã chỉ ra rằng pháp luật càng rõ ràng, mức độ thống nhất càng cao thì chi phí giao dịch càng thấp. Ngoài ra, tính rõ ràng và thống nhất của pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng sẽ làm cho cá nhân, tổ chức và các nhà đầu tư hạn chế được rủi ro, bởi lẽ họ có thể dự đoán được có những rủi ro gì đang chờ họ để có giải pháp khắc phục.[4]

Chính vì những lý do nói trên, chúng tôi cho rằng khi xây dựng BLDS, cần tuyên bố một cách rõ ràng rằng các quy định về hợp đồng trong các văn bản pháp luật khác không được trái với quy định của BLDS mà chỉ có thể cụ thể hóa chúng mà thôi. Về vấn đề này chúng ta có thể tham khảo BLDS của Liên Bang Nga trong đó chỉ đề cập một cách khái quát đến các loại hợp đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam, các hợp đồng này một phần được quy định trong BLDS 2005, một phần được quy định trong Luật Thương mại 2005. Ở Việt Namhiện nay có nhiều loại hợp đồng được quy định trong Luật Thương mại có bản chất giống với hợp đồng được quy định trong BLDS như mua bán hàng hóavà mua bán tài sản, hợp đồng đại diện cho thương nhân với hợp đồng ủy quyền, hợp đồng thuê hàng hóa với hợp đồng thuê tài sản, gia công trong thương mại với hợp đồng gia công…. Chúng tôi cho rằng sự lặp lại nói trên là không cần thiết và làm cho vấn đề trở nên rắc rối hơn khi có sự mâu thuẫn giữa chúng.

[3] Xem: Oliver E. Williamson, “Kinh tế học về chi phí giao dịch”, Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thị Xinh Xinh. Chương trình giảng dạy kinh tế của Fulbright. Niên khóa 2005 - 2006.

[4] Có thể tham khảo cách so sánh của tác giả cuốn sách Chiếc Lexus và cây Ô liu.


3. Tôn trọng tự do hợp đồng đúng chỗ và giới hạn tự do hợp đồng cũng đúng chỗ

Vấn đề này đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu, tuy nhiên cũng sẽ là không thừa nếu được thảo luận kỹ hơn. Như đã đề cập ở trên, pháp luật hợp đồng cần phải mềm dẻo và uyển chuyển. Để đạt được điều này thì các quy định mang tính mệnh lệnh chỉ được sử dụng ở mức tối thiểu, khi điều chỉnh những vấn đề thật cần thiết. Tôn trọng tự do hợp đồng có nghĩa là hạn chế các quy định có tính mệnh lệnh[5]và đây cũng được coi là điều kiện tiên quyết khuyến khích sự sáng tạo của các chủ thể. Trong BLDS 2005 có nhiều quy định nên là quy phạm tùy nghi, tuy nhiên chúng lại được thiết kế dưới dạng quy phạm mệnh lệnh; ví dụ, thời điểm quyền sở hữu đối với tài sản là động sản có đăng ký quyền sở hữu được chuyển từ người bán sang người được quy định tại Điều 439 BLDS 2005.

Nếu nói rằng bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận, thì triết lý của pháp luật hợp đồng chính là sự giới hạn tự do hợp đồng. Như vậy một mặt cần phải tôn trọng tự do hợp đồng, mặt khác cần phải giới hạn loại tự do này. Về nguyên tắc, các bên trong hợp đồng có địa vị pháp lý bình đẳng, tuy nhiên trong thực tế điều này ít xảy ra. Sự không bình đẳng có thể xuất phát từ nhận thức, mức độ kinh nghiệm hay sự hiểu biết của các bên về hợp đồng, đối tượng hợp đồng cụ thể, mức độ sở hữu thông tin không giống nhau. Trong thực tế, bên có kinh nghiệm hơn, mạnh hơn, nắm giữ thông tin nhiều hơn thường đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi cho bên kia-những điều khoản mà ở các nước văn minh được biết đến dưới tên gọi: điều khoản hợp đồng không công bằng.

Thật vậy, không thể có sự bình đẳng thực tế giữa công ty kinh doanh bảo hiểm với khách hàng, giữa ngân hàng với người vay, giữa thương nhân chuyên nghiệp với người tiêu dùng… Theo lẽ tự nhiên, kẻ mạnh luôn sử dụng sức mạnh và nguy hiểm hơn là luôn có xu hướng làm dụng sức mạnh của họ. Việc làm dụng đó chỉ có thể được hạn chế bằng pháp luật, nhằm tạo sự bình đẳng tương đối giữa các chủ thể. Vì lý do trên, chúng tôi cho rằng trong BLDS cần phải có những quy định cho phép giám sát các điều khoản không công bằng.[6]

[5] Về mối quan hệ giữa tự do, tự do hợp đồng với phát triển đã được là sáng rõ trong nhiều công trình khoa học . Có thể xem: Amartya Sen, Phát triển là quyền tự do, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2002.

[6] Khi thiết kế các quy định này cần thiết phải tham khảo “ Unfair Contract Terms Act” của Anh năm 1977.

4. Một trong những yêu cầu quan trọng của pháp luật hợp đồng là phải phù hợp với thực tiễn

Quy luật tồn tại khách quan và pháp luật nói chung, pháp luật hợp đồng nói riêng phải phản ánh được quy luật đó. Thực tiễn chính là nếp nghĩ, thói quen hàng ngày của người dân bình thường. Khi pháp luật phù hợp với thực tiễn thì việc hiểu chúng, giải thích chúng trở nên dễ dàng hơn và vì vậy chúng đi và cuộc sống cũng tự nhiên hơn và hệ quả là người dân sẽ không làm trái pháp luật.

Cuộc sống tự nó hiện hữu và phát triển bởi chính nhu cầu trao đổi vật chất giữa các chủ thể thông qua công cụ pháp lý là hợp đồng. Vì hợp đồng là công cụ pháp lý mà bất kỳ người nào cũng có thể sử dụng được nên các quy định của pháp luật hợp đồng cần phải được xây dựng như thế nào đó để không những các luật gia mà đa số người dân, cho dù không học luật cũng có thể hiểu được. Muốn vậy chúng phải đơn giản và gần gũi với suy nghĩ, thói quen hàng ngày của người dân. Quy định của pháp luật hợp đồng không những phải hiểu được mà còn cần phải giải thích được, có nghĩa là khi ai đó đặt câu hỏi, tại sao pháp luật quy định như vậy thì không những người làm luật cả người áp dụng pháp luật cũng phải giải thích được cho họ.

Trong BLDS Việt Nam hiện hành và trong nhiều văn bản pháp luật khác có nhiều quy định không đáp ứng được yêu cầu nói trên. Ví dụ Điều 523 quy định, tất cả những vật không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản. Rõ ràng quy định này là trái thực tiễn. Ở Việt Nam, từ ngàn đời nay người dân vẫn thường nói mượn gạo, mượn thóc, mượn tiền, chẳng nhẽ pháp luật cho rằng, họ sai? Hoặc, khi ông A mua xe hơi, khi đưa ra khỏi cửa hàng, tất cả mọi người dân bình thường đều cho rằng chiếc xe đó là của ông A, có nghĩa là thuộc sở hữu của ông A. Đó là cách nghĩ thông thường của người dân bình thường. Duy chỉ có các nhà làm luật, các luật gia nói rằng chiếc xe đó vẫn chưa thuộc quyền sở hữu của ông A; bởi lẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 439 BLDS 2005, đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó.

5. Đời sống dân sự luôn phong phú và đa dạng mà pháp luật dân sự cũng như pháp luật không thể bao quát hết toàn bộ

Không một ai có thể biết được có bao nhiêu loại hợp đồng đang và sẽ được sử dụng bởi lẽ hợp đồng là sự thỏa thuận. Bất kỳ thỏa thuận nào làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nghĩa vụ dân sự đều được coi là hợp đồng. Như vậy sẽ có nhiều trường hợp pháp luật chưa có sự điều chỉnh một hay một số nội dung nào đó. Ở các quốc gia văn minh, khiếm khuyết của pháp luật sẽ được bổ sung bằng các nguyên tắc chung của luật và các học thuyết pháp lý. Trong khi đó ở Việt Nam, khi rơi vào những tình thế này các tòa án cấp dưới sẽ buộc phải chờ hướng dẫn của tòa án cấp trên. Điều này sẽ làm cho hoạt động xét xử trở nên kém linh hoạt và hạn chế tính độc lập của thẩm phán. Chúng ta đang từng bước trong việc thừa nhận án lệ, và chúng tôi cho rằng việc thừa nhận án lệ không thể tách rời khỏi việc coi học thuyết pháp lý là nguồn của luật. Học thuyết pháp lý là nguyên liệu đầu vào và án lệ là sản phẩm đầu ra của hoạt động áp dụng pháp luật.

Chúng tôi cho rằng, khi xây dựng BLDS sửa đổi, liên quan đến phần hợp đồng nên có một tuyên bố rõ ràng rằng, học thuyết pháp lý cần được coi là nguồn của luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học pháp lý.[7]Hơn nữa, việc coi học thuyết pháp lý là nguồn của luật sẽ góp phần nâng cao năng lực tranh tụng của các chủ thể tham gia tố tụng tại phiên tòa và đương nhiên năng lực của thẩm phán cũng vì vậy mà được cải thiện.

[7] Theo quy định tại điểm d, Điều 38 Quy chế Tòa án quốc tế, các án lệ và các học thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về luật quốc tế của các quốc gia khác nhau được coi là phương tiện để xác định các qui phạm pháp luật.

6. Pháp luật hợp đồng hoàn toàn không bị giới hạn bởi phạm vi không gian áp dụng

Các lĩnh vực pháp luật khác trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia thường bị giới hạn bởi phạm vi không gian áp dụng. Trong khi đó,theo các quy tắc của tư pháp quốc tế, trên phương diện hợp đồng, pháp luật Việt Nam hoàn toàn có thể được áp dụng ở nước ngoài trong hợp đồng thương mại quốc tế. Trong các hợp đồng thương mại quốc tế giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và bên kia là công ty nước ngoài thì sự khác nhau về tư duy pháp lý càng lớn thì việc đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng càng trở nên khó khăn và thường bị kéo dài.[8]Điều này không những làm giảm tính hiệu quả mà trong nhiều trường hợp có thể làm mất cơ hội kinh doanh của các chủ thể.

Khi so sánh pháp luật hợp đồng của Việt Nam với pháp luật hợp đồng của các nước văn minh [những quốc gia này là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam] nhận thấy rằng, còn có sự cách biệt quá lớn. Có nhiều hành vi theo pháp luật của những nước đó bị coi là vi phạm hợp đồng, còn theo pháp luật Việt Nam thì hành vi đó hoàn toàn không trái luật. Điều này có thể mang lại nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy những nội dung cơ bản như: vi phạm hợp đồng khi chưa tới hạn thực hiện nghĩa vụ, nội dung hợp đồng cần phải được thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của hoàn cảnh, các quy định về mức phạt hợp đồng… cần phải được tiếp nhận một cách hợp lý và nên được thể hiện trong BLDS.

Kết luận: Để có một hệ thống pháp luật hợp đồng tương đối hoàn thiện thì trước hết cần phải xây dựng được những tiêu chí mang tính định hướng, trên cơ sở đó xây dựng các quy định cụ thể cho từng nội dung. Trong bài viết tác giả đã đưa ra một số tiêu chí, yêu cầu cần phải được chú ý khi xây dựng các quy định về hợp đồng trong BLDS.

[8] Sự khác biệt trong pháp luật hợp đồng không là rào cản thuế quan, cũng không là rào cản phi thuế quan nhưng là trở ngại đặc biệt nghiêm trọng của tự do hóa thương mại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua

Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref

  • Bài báo mới

Video liên quan

Chủ Đề