Rút giấy phép kinh doanh hiệu thuốc tăng giá khẩu trang

Rút giấy phép kinh doanh hiệu thuốc tăng giá khẩu trang

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam ra yêu cầu rút giấy phép kinh doanh các cơ sở nâng giá bán khẩu trang trong mùa dịch virus corona

Lo ngại về việc bị nhiễm virus corona, dịch viêm phổi hiện đã gây ra 565 tử vong khiến mọi người đổ xô đi mua khẩu trang y tế, tạo tình trạng khan hiếm, tăng giá khắp nơi.

Tại cuộc họp về phòng chống dịch virus corona hôm 1/2, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam ra chỉ thị tước giấy phép kinh doanh các cơ sở nâng giá bán khẩu trang y tế trong mùa dịch, mà không cần phải thanh tra.

Nhiều chuyên gia kinh tế và luật sư đã phản biện lại chỉ thị gây tranh cãi này, thậm chí có người cho rằng đây là chính sách "dân túy vội vã nông cạn nhất trong mùa dịch".

Virus corona: Dân Vũ Hán: 'Tôi thà chết ở nhà còn hơn'

Virus corona: Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định tin 33 người chết là không đúng

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh viết trên Facebook cá nhân là ông không ủng hộ việc xử phạt hành vi găm khẩu trang ở thời điểm này. Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu thì lo ngại đây là một mệnh lệnh có vấn đề pháp lý.

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp- Đoàn Luật sư TP HCM phân tích với BBC News Tiếng Việt hôm 5/2:

"Việc rút giấy phép của các nhà thuốc hiện nay chỉ vì bán giá cao là sai. Bởi lẽ, việc rút giấy phép hoạt động được đề cập trong các Nghị định hiện hành như 109/2013/NĐ-CP, 109/2013/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với các vi phạm về việc thu phí, lệ phí; kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.''

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, tạo tình trạng khan hiếm, tăng giá khắp nơi.

Theo Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng… Tuy nhiên, điều luật này không quy định hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép" - luật sư Sơn nhấn mạnh.''

Ông Sơn cũng cho rằng cần phân biệt hành vi găm hàng và hành vi đầu cơ hàng.

"Không phải cứ găm hàng, cứ đầu cơ là bị tước giấy phép ngay. Chỉ khi nào các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì cơ quan nhà nước mới có quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là rút giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… Do đó, việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tước giấy phép của các nhà thuốc ngay khi có bán giá cao là không đúng quy định pháp luật" - ông Sơn khẳng định.

Bên cạnh đề yêu cầu rút giấy phép ngay bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ thị không được tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá.

Về vấn đề này, ông Phùng Thanh Sơn lý giải:

"Theo Điều 15 Luật Giá, mặt hàng khẩu trang không thuộc diện nhà nước bình ổn giá. Do đó, phó thủ tướng yêu cầu giữ nguyên giá là can thiệp trái pháp luật. Nhà nước chỉ được phép sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp vào giá chỉ khi nào các hàng hóa đó thuộc diện nhà nước bình ổn giá".

Ngay cả trong trường hợp khẩu trang thuộc danh mục hàng hóa mà nhà nước bình ổn giá thì việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh giữ nguyên giá là chuyện bất khả thi, đi ngược lại với quy luật cung cầu của thị trường, ông Sơn phân tích thêm.

Chụp lại hình ảnh,

Tính đến ngày 2/2, có 85 cửa hàng kinh doanh khẩu trang vi phạm về giá

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt cũng hôm 5/2, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định rằng những cửa hàng thuốc không niêm yết giá, có hàng trong kho nhưng không bán là vi phạm 109/2013/NĐ-CP, có thể phạt nặng để làm gương.

Tuy nhiên, theo ông, rất khó để nhận định thế nào là tăng giá "bất hợp lý" như luật định: "Nếu giá là do cung cầu quyết định thì khi cầu tăng mà cung hạn chế thì tăng giá là hợp lý và không thể coi tăng giá là "bất hợp lý" được" - ông Nguyễn Quang A khẳng định.

Bác sĩ TQ tìm cách cảnh báo về virus bị cảnh sát đe dọa

Virus corona: Lời cảnh tỉnh từ nạn săn động vật hoang dã

Trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cũng nêu ý kiến việc cấm tăng giá khẩu trang là lợi bất cập hại:

"Giá khẩu trang sẽ tăng khi có dịch. Giá bị đẩy lên rất cao nếu có yếu tố đầu cơ và găm hàng. Vấn đề là không có cơ sở nào để biết giá khẩu trang tăng cao một cách tự nhiên hay các nhà cung ứng tăng quá mức để trục lợi. Do vậy, nếu nhà nước can thiệp với chỉ đạo không được tăng giá hoặc thanh tra rồi phạt thì sẽ gặp rắc rối và can thiệp thô bạo vào thị trường".

Sau chỉ thị của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, một số cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay".

Chụp lại hình ảnh,

Một số cửa hàng treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay".

Ông Sơn cho rằng không loại trừ khả năng các nhà thuốc vì chỉ thị trên mà phản ứng lại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, có thể các nhà thuốc không muốn bán. "Để giữ nguyên tỷ suất lợi nhuận như trước buộc họ phải bán cao nhưng lại đối diện với nguy cơ rút giấy phép. Chi phí xin giấy phép, lợi nhuận bán thuốc trong thời gian bị đóng cửa cao hơn lợi nhuận bán khẩu trang nhiều" - ông phân tích.

Để giải quyết vấn đề, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói rằng, những hành vi gom hàng, trục lợi tăng giá là đáng lên án về mặt đạo đức, phải dùng dư luận, thuyết phục để xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. "Không thể đóng cửa, rút giấy phép hay phạt tràn lan các cửa hàng bán khẩu trang, nước rửa tay vì điều này chỉ làm rối loạn việc cung ứng hàng hóa. Vô hình chung, việc phạt làm sự khan hiếm tăng lên, giá bán cũng tăng lên".

Chụp lại hình ảnh,

Một số phòng khám, hiệu thuốc quyết định phát khẩu trang miễn phí

"Để giải quyết vấn đề, quan trọng nhất là phải tăng cung, khuyến khích sản xuất, lưu thông và kiềm chế cầu bằng cách khuyên người dân không tích trữ, gom hàng. Quan trọng nữa là buộc họ niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và đóng thuế đầy đủ: giá cao thì lợi nhuận cao và phải đóng nhiều thuế hơn để xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh. Tuy khó, nhưng cần thiết hơn là thực hiện một cách độc đoán, không theo đúng tinh thần luật, lạm dụng luật chỉ có hại, chỉ tiếp tay cho sự khan hiếm và tăng giá khẩu trang hiện nay".

Luật sư Sơn thì đề nghị để có cơ sở pháp lý, chính phủ nên trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ sung mặt hàng khẩu trang vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 của Luật Giá. "Đồng thời, cần nhanh chóng bổ sung mặt hàng khẩu trang vào danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu để ngăn việc các công ty con của Trung Quốc tại Việt Nam ra sức thu gom khẩu trang để chuyển về Trung Quốc" - ông Sơn nói.