Sản phẩm đặc thù là gì

Trong bài viết sau đây, tailuanvan.com xin chia sẻ đến bạn nội dung cơ sở lý luận về sản phẩm du lịch đặc thù.

Cơ sở lý luận về sản phẩm du lịch đặc thù

1. Khái niệm về sản phẩm du lịch đặc thù

1.1. Khái niệm về du lịch

Từ xưa đến nay, du lịch được coi như một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay, du lịch trở thành một trong những hiện tượng phổ biến có sức ảnh hưởng rộng rãi trên Thế giới. Trong sự phát triển không ngừng của kinh tế xã hội, du lịch ngày càng trở nên phổ biến và ngày càng đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn cũng như giải trí của con người. Du lịch được coi như«hoạt động tinh thần» không thể thiếu trong đời sống, đặc biệt là trong xã hội hiện nay. Do hoàn cảnh khác nhau về điều kiện kinh tế- xã hội, không gian- thời gian, và cũng do các góc độ nghiên cứu khác nhau, nên mỗi ngành khoa học, mỗi người đều có cách hiểu khác nhau về du lịch.

Theo định nghĩa của hai học giả Thụy Sĩ Hunziker và Kraff đã được hiệp hội các chuyên gia du lịch thừa nhận: «Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ và các hiện tượng bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú tạm thời của các cá nhân tại những nơi không phải nơi làm việc thường xuyên của họ»[2, 3]

Tổ chức IUOTO [International Union of Official Travel Organization] đã khái niệm du lịch như sau: «Du lịch được hiểu là hoạt động du hành đến nơi khác với địa điểm cư trú của mình nhằm mục đích không phải để làm ăn, tức không phải để làm một nghề hay một việc kiếm tiền sinh sống». [14, 1]

Trong Luật Du lịch Việt Nam [bản ban hành năm 2005] tại Điều 4, chương 1 định nghĩa: «Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng các nhu cầu tham quan tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định»[2, 3]

Các khái niệm về du lịch tuy có khác nhau về nội dung nhưng bản chất lại giống nhau, đều nêu bật lên được những yếu tố quan trọng tạo nên du lịch như mục đích không phải là làm việc mà là nghỉ ngơi, thư giãn; địa điểm là khác nơi cư trú thường xuyên và các thành phần làm nên du lịch như: khách du lịch, các nhà kinh doanh, chính quyền và dân cư địa phương.

   Xem thêm: Dịch vụ cung cấp tài liệu làm luận văn theo yêu cầu                         

 

 

1.2. Khái niệm về sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch bao gồm các dịch vụ du lịch, các hàng hóa và tiện nghi cung ứng cho du khách, nó được tạo nên bởi sự kết hợp các yếu tố tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động du lịch tại một vùng hay một địa phương nào đó. [2, 21]

Như vậy sản phẩm du lịch bao gồm những yếu tố hữu hình [hàng hóa] và vô hình [dịch vụ] để cung cấp cho khách hay nó bao gồm hàng hóa, các dịch vụ và tiện nghi phục vụ khách du lịch. [2, 21]

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới [UNWTO], «Sản phẩm du lịch là sự tổng hợp của ba nhóm yếu tố cấu thành: Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tài nguyên-môi trường du lịch và dịch vụ, quản lý và hình ảnh du lịch».[6]

Luật Du lịch Việt Nam [ban hành năm 2005], «Sản phẩm du lịch là tổng hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch». Các dịch vụ trong khái niệm này bao gồm: dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ thông tin hướng dẫn, và các dịch vụ liên quan khác. Tuy nhiên trong thực tế khái niệm về sản phẩm du lịch có góc nhìn rộng hơn, không chỉ giới hạn ở tập hợp các dịch vụ mà còn bao gồm tập hợp các yếu tố vật chất và phi vật chất như các yếu tố hấp dẫn du lịch mà trước hết là tại nguyên du lịch, có khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. [7, 4]

Sản phẩm du lịch tạo nên sự khác biệt trong phát triển du lịch, tạo nên thương hiệu và hình ảnh của mỗi điểm đến du lịch, của mỗi địa phương, mỗi vùng, và mỗi quốc gia. Sản phẩm du lịch được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa các giá trị tài nguyên du lịch, các điều kiện về cơ sở hạ tầng xã hội, hệ thống các dịch vụ và khả năng đáp ứng của các cơ sở du lịch.

Như vậy, việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch, trước hết cần nghiên cứu các yếu tố về « Cầu du lịch», bao gồm các đặc điểm tâm lý, văn hóa, nhu cầu, sở thích, khả năng thu nhập, xu hướng đi du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch ưa thích… của các thị trường khách du lịch, và về « Cung du lịch », bao gồm các đặc điểm về giá trị tài nguyên du lịch [thế mạnh, đặc thù…], các điều kiện về cơ sở hạ tầng xã họ, hệ thống các dịch vụ và khả năng đáp ứng [cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, con người…]. Ngoài ra việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch cần tuân theo nguyên tắc phát triển bền vững [kéo dài vòng đời của sản phẩm du lịch], có tính đặc thù riêng, có thương hiệu và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. [7, 4]

Các đặc tính cơ bản của sản phẩm du lịch

- Tính vô hình: Sản phẩm du lịch thường là một kinh nghiệm nên rất dễ dàng bị sao chép, bắt chước và việc làm khác biệt hóa sản phẩm mang tính cạnh tranh khó khăn hơn kinh doanh hàng hoá.

- Tính đồng thời giữa sản xuất và tiêu dùng: Vì sản phẩm du lịch nằm ở xa nơi cư trú của khách du lịch, nên khách thường mua sản phẩm trước khi thấy sản phẩm.

- Tính không chuyển đổi quyền sở hữu: Đối với sản phẩm du lịch, du khách không có quyền sở hữu sản phẩm của mình mua, chỉ có quyền sử dụng trong những điều kiện cụ thể.

- Tính mùa: Sản phẩm du lịch mang tính mùa rõ rệt, nhu cầu về sản phẩm xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong năm tùy thuộc vào điều kiện nhất định

- Tính không thể di chuyển: Người tiêu dùng phải di chuyển để tiêu dùng sản phẩm du lịch

- Tính không đồng nhất: Khách hàng khó có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi mua, gây khó khăn cho việc chọn sản phẩm.

1.3. Khái niệm về sản phẩm du lịch đặc thù

Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên các giá trị đặc thù, độc đáo [có thể là duy nhất], nguyên bản của tài nguyên du lịch; dựa trên các giá trị đặc sắc, thành tựu nổi trội của nền kinh tế- xã hội, khoa học kỹ thuật… của mỗi điểm đến, mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi quốc gia với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch mà còn tạo được những ấn tượng bởi tính độc đáo [duy nhất], sáng tạo… trong lòng du khách. [7, 4]

Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm có khả năng tạo nên thương hiệu, hình ảnh du lịch; tạo nên sự “khác biệt” giữa điểm du lịch này với điểm du lịch khác [giữa địa phương này với địa phương khác, giữa vùng này với vùng khác, và giữa quốc gia này với quốc gia khác]. Tuy nhiên tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch đặc thù còn phụ thuộc vào thị hiếu, phù hợp với nhu cầu của thị trường khách du lịch; có thể hấp dẫn với thị trường này, nhưng lại không hấp dẫn với thị trường khác. [7, 4-5]

Sản phẩm du lịch đặc thù có vị trí vai trò rất quan trọng trong hệ thống sản phẩm du lịch mỗi điểm đến. sản phẩm du lịch đặc thù tạo nên sự khác biệt, gây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch; tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh cho mỗi điểm đến. [7, 5]

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là hoạt động nhằm hoàn thiện các yếu tố vật chất [xây dựng mới hạ tầng dịch vụ có chất lượng cao, Bảo vệ môi trường, Bảo vệ Tài nguyên du lịch tự nhiên và hạn chế sự quá tải,…Duy tu bảo dưỡng các tài nguyên nhân văn,…];

Nhân tố quan trọng hàng đầu cấu thành nên sản phẩm du lịch đặc thù là các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch. Do vậy, tài nguyên du lịch mang ý nghĩa cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp địa phương sẽ quyết định sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa cấp quốc gia, cấp vùng hay cấp địa phương. Như vậy, sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa quốc gia hay cấp vùng và cấp địa phương sẽ được xây dựng dựa trên giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch cấp quốc gia, hay cấp vùng và cấp địa phương.[7, 5]

Vì vậy, cẩn phân biệt rõ các cấp của sản phẩm du lịch đặc thù: [12] 

Sản phẩm du lịch đặc thù có tính quốc gia: sử dụng tài nguyên du lịch có tính độc đáo, đặc trưng cao nhất so sánh toàn quốc, các sản phẩm này có thể thu hút đông đảo thị trường khách du lịch và có thể xây dựng thương hiệu du lịch có tính cạnh tranh cao.

Sản phẩm du lịch đặc thù có tính nội vùng: sử dụng tài nguyên du lịch có tính độc đáo, đặc sắc của một địa phương trong mối quan hệ so sánh với các địa phương còn lại trong vùng. Các sản phẩm này có thể rất hấp dẫn khách du lịch trong vùng và các vùng lân cận nhưng có thể không có tính hấp dẫn toàn quốc, không phải là sản phẩm du lịch đại diện có khả năng xây dựng thương hiệu du lịch của vùng.

2. Vai trò của sản phẩm du lịch đặc thù trong hoạt động du lịch hiện đại

Sản phẩm du lịch đặc thù trong hoạt động du lịch hiện đại có các vai trò sau:

  • Cá biệt hóa du lịch của điểm đến, của địa phương;
  • Tạo ra tính hấp dẫn cao, thu hút thị trường khách đặc biệt hoặc đại trà;
  • Gây dựng hình ảnh du lịch của điểm đến, địa phương;
  • Xây dựng thương hiệu du lịch của điểm đến, địa phương
  • Tạo ra sức cạnh tranh cao cho điểm đến, địa phương;
  • Là những điểm nhấn của hệ thống sản phẩm du lịch của điểm đến, địa phương
  • Có khả năng tạo ra các động lực cho các sản phẩm du lịch khác cùng phát triển

Video liên quan

Chủ Đề