So sánh thơ trào phúng của nguyễn khuyến năm 2024

Phải nói rằng, trong số hơn 400 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán để lại cho đời, Nguyễn Khuyến đã dồn rất nhiều tài năng và tâm huyết vào các sáng tác trữ tình. Xoay quanh đề tài nông thôn, tác giả đã thể hiện thành công bức tranh thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi đây. Qua đó, giải bày một cách kín đáo những nỗi niềm băn khoăn, những tâm sự lớn của lòng mình. Chiều sâu tư tưởng kết hợp hài hòa với nghệ thuật thơ sáng tạo, điêu luyện đã đưa những thi phẩm áy lên một vị thế xứng đáng trong thi đàn dân tộc. Do đó, trải qua nhiều biến thiên của thời gian, tên tuổi của Nguyễn Khuyến cùng với những sáng tác ấy vẫn giữ vững ngọn lửa ấm áp trong lòng công chúng yêu thơ.

Đã từng đỗ đạt cao, từng ra làm quan hơn 10 năm, thế nhưng bến neo đậu duy nhất cho Tam Nguyên Yên Đỗ trong cuộc đời ông có lẽ chỉ có thể là quê cha, làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đã từng gắn bó, in đậm trong hồi ức tuổi thơ tác giả, nay làng quê chiêm trũng nghèo lại theo ông trong suốt phần đời còn lại. Điều này đã tạo nên một vốn hiểu biết sâu rộng và tình cảm đẹp đẽ của nhà thoa với cảnh vật nông thôn. Suốt cuộc đời mình, Nguyễn Khuyến luôn sống chan hòa, gần gủi, chân tình với những người nông dân nghèo khổ. Ông xứng đáng là nhà thơ của nông thôn với những bài thơ miêu tả tinh tế, chân thực những vẻ đẹp bình dị của nông thôn, đúng như lời nhận xét của Nguyễn Lộc: ” Trước Nguyễn Khuyến, trong văn chương Việt Nam thỉnh thoảng có những tác phẩm viết về nông thôn, những hình ảnh của nông thôn trong văn học nói chung còn mờ nhạt. Có thể nói, với Nguyễn Khuyến lần đầu tiên nông thôn Việt Nam mới thực sự đi vào văn học “.

Con người quê ông không chỉ phải đốí đầu với cái đói, cái nghèo, mà còn luôn luôn bị đe dọa bởi các thiên tai dữ dội bất ngờ kéo đến:

Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi Gạo năm ba bát cơ còn kém Thuế một hai nguyên dáng chữa đòi. (Nuớc lụt Hà Nam)

Những trận lụt tai hại cùng với chính sách sưu cao, thuế nặng đã đẩy những người dân nơi đây đến độ cùng quẫn, buồn đau. Câu thơ như một tiếng thở dài, một sự cam chịu, chấp nhận vào cơn bão của cuộc đời. Nhà thơ không thi vị hóa sự việc, ngược lại đã được thể hiện rõ nét và chân thực tâm lý, nỗi lo lắng của người nông dân. Tài tình hơn, cũng miêu tả sự tàn phá dữ dội của cơn lũ nhưng Nguyễn Khuyến đã có phát hiện rất mực tinh tế:

Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách Làn sóng long bong vỗ trước nhà. (Nuớc lụt Hà Nam)

Từ một điểm nhìn khác, tác giả đã phát hiện ra một sự vận động khác lạ của cảnh cảnh vật xung quanh “thấp thoáng”, “long bong” đều là những từ láy rất gợi tình khiến cho mọi vật dường như cũng chập chờn, luợn sóng trong cơn lũ. Trước khi nước rút xuống chính nhà thơ đã tìm ra một sự thích thú xua tan nỗi lo âu trong quãng thời gian đằng đẵng.

Là một bậc Đại Nho danh tiếng nhưng Nguyễn Khuyến không tự đối lập mình với mọi người như Nguyễn Công Trứ. Trái lại, tấm lòng thi nhân luôn tìm đến với những cảnh sống chật vật, eo hẹp của lớp dân quê dân cày, luôn lấy hồn mình để hiểu hồn ngưòi. Cảnh sinh hoạt nông thôn khó khăn đã đựoc nhà thơ nêu bật trong “Làm ruộng”:

Phần thuế quan thu, phần trả nợ Nửa công ở đợ, nửa thuê bò Sớm trưa dưa muối cho qua bữa Chợ búa dầu chè chẳng dám mua.

Có được mảnh ruộng để cày cuốc, gieo hái đã khó với người nông dân lắm rồi, lại thêm những khoản thuế má nợ nần, tiền công, tiền thuê như gánh nặng trĩu đè cả hai vai người lao động và để tiếp tục sống, họ đã phải lo lắng chạy vạy khắp nơi. Tuy nhiên đời sống của người nhân nghèo không nhờ thế mà thảnh thơi, an nhàn. Bởi sau một vụ mùa, người nông dân bị ám ảnh, lo sợ mất mùa lụt lội:

Năm nay cày cấy vẫn chân thua Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa. (Chốn Quê)

Nhưng cuộc sống ấy cũng không thiếu đi nét dịu dàng với cái vui của hội hè ngày tết:

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt (Cảnh Tết)

Dẫu chỉ là một chút vui mọn trong những ngày rộn ràng đón lễ tết nhưng dường như không ai để tâm đến cái nghèo cái khổ nữa. Mọi nhà rộn rịp cùng chung nồi bánh chưng truyền thống, âm thanh vui vẻ, xôn xao đã xua đi bầu không khí ảm đạm của cuộc sống khốn khó thường ngày. và chính nhà thơ cũng đang say sưa giữa không khí chan hòa tình thân ái xóm làng:

Chú Đáo xóm đình lên với tớ Ông Từ lại cùng ta (Cảnh Lên Lão)

Chẳng may gặp năm mất mùa thì tết nhất cũng u ám thê thảm hơn:

Dở trời mưa bụi còn hơi rét Nếm rượu tường đều đuợc mấy ông? Hàng quán người về nghe xao xác Nợ nần năm hết hỏi lung tung (Chợ Đồng)

Cái “xao xác” của phiên chợ nghèo cũng chính là xao xác trong lòng nhà thơ. Gắn bó với con người nơi đây, bản thân tác giả cảm thấy xót xa trước cảnh sống nghèo nàn mà chính mình cũng không thể làm gì hơn.

Đọc những vần thơ trên của Nguyễn Khuyến, hình ảnh người nông dân hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết, trước mắt chúng ta cuộc sống xơ xác tiêu điều, nghèo khổ đến mức nghẹt thở của người nông dân vùng chiêm trũng chưa lúc nào lại ám ảnh đến vậy. Như một thước phim quay chậm với những góc quay cận cảnh có, viễn cảnh có… Mỗi bài thơ viết về người nông dân của Yên Đỗ đã cho ta cái nhìn đa chiều, trọn vẹn, đầy đủ hơn nó không chỉ là cơ cảnh của riêng người nông dân Bắc Bộ mà còn là điển hình cho cả một tầng lớp của dân tộc ta lúc bấy giờ. Qua đó, ta thấy cái nhìn độ lượng của tấm lòng nhân hậu, chan chứa tình yêu thương của cụ Tam Nguyên với mọi người xung quanh. Cuộc sống đói khổ không trói được tấm lòng của nhà thơ, không thể tầm thường hóa nhân cách đẹp đẽ, cao khiết của một bậc Đại Nho như thế.

Chính vì luôn trân trọng tình cảm của mọi người, từ người anh vợ, ông hàng thịt đến anh thợ rèn… Cho nên đối với những người bạn thân thiết, với tri kỉ của mình, Nguyễn Khuyến càng chân thành trân trọng hơn. Cao Bá Quát từng nói: “Xưa nay nỗi khổ của người ta không gì bằng chữ tình, mà cái khó ở đời không gì bằng sự gặp gỡ”. Nên khi tìm được người hiểu mình, tìm thấp được sự tri âm trong tình bạn Nguyễn Khuyến đã rất chân thành đón bạn:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Áo sâu nước cả, khôn chài cá Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải chửa ra cây, cà mới nụ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách trầu không có Bác đến chơi đây ta với ta. (Bạn đến chơi nhà)

Phảng phất trong “Bạn đến chơi nhà” có những điểm tương tự như “Khách chí” (khách đến) của thi nhân Đỗ Phủ xưa. Thi nhân Đời Đường đã mượn cái nghèo của mình để nêu bật tính bầu bạn cao đẹp:

Mâm cơm vì chợ xa nên thiếu món ăn Rượu vì nhà nghèo chỉ có thứ củ chưa lọc Ta hãy cùng ông lão bên hàng xóm đối ẩm Qua hàng rào hết rượu sẽ lấy thêm.

Nguyễn Khuyến đã khẳng định chắc chắn tình bạn tự nó đã là một bữa tiệc tinh thần không cần đến của cải vật chất xa hoa, phù phiếm. Chỉ cần hiểu nhau, có thể sẻ chia bầu tâm sự cho nhau ấy đã là “bạn quý” rồi. Hay như Ức Trai đã nói với bạn: “Hai bữa mừng nhau một mặt không, vui sướng nhìn nhau cũng đủ no rồi!”.

Tình bạn nồng thắm gắn bó của Nguyễn Khuyến đã lí giải cho sự đau đớn tột cùng của nhà thơ khi đột ngột hay tin bạn mình qua đời “Khóc Dương Khuê”:

Bác Dương thôi đả thôi rồi Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Sự ra đi đường đột của người bạn thân khiến tác giả sửng sốt bàng hoàng, nỗi đau quá lớn, nhà thơ chỉ kịp than lên như muốn níu giữ lại nhưng đành chấp nhận thực tế đau đớn ấy. Nghĩ đến bạn bao nhiêu kỷ niệm trong ký ức giờ đây như sống lại hàng chục năm của những gì gắn bó giữa nhà thơ và bạn ùa về. Tình bạn ấy sẽ còn sống mãi trong lòng nhà thơ và mãi vẹn nguyên, đẹp đẽ trong tâm hồn độc giả.

Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Qua những bài thơ trữ tình trong trẻo, tác giả dựng nên một bức tranh thiên nhiên nông thôn rất tinh tế, xinh xắn. Yên Đỗ đã khéo thu được những nét điển hình của buổi trưa thôn quê vào trong những câu thơ thật gọn:

Chuông trưa vẳng tiếng người không biết Trâu thả sườn non ngủ gốc cây. (Nhớ cảnh chùa Đọi)

Một bức tranh quê yên ả, thanh bình. Hình ảnh chú trâu hiền lành đang nghỉ ngơi trên sườn cỏ xanh tốt dưới bóng mát của cây xanh đã thu lấy mảnh hồn của nông thôn Việt Nam. Quê hương ai cũng có những nét riêng và trong tâm trí nhà thơ, buổi trưa hè ấy đã sưởi ấm cả một cõi xôn xao trong lòng.

Đôi khi chỉ là một thoáng rùng mình trong cái rét đầu năm cũng làm ta xao xuyến:

Dở trời mưa bụi còn hơi rét (Chợ Đồng)

Và bồi hồi xúc động trước cảnh nước lụt tràn ngập mênh mông:

Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi

Kỷ niệm sống chung với lũ ngay từ thuở bé đến khi lớn khôn vẫn vẹn nguyên. Chỉ ở vùng đồng chiêm trũng như quê Yên Đổ mới có những hình ảnh sống động như vậy.

Cảnh quê hương có lúc là chốn vườn cũ với những cảnh vật bình dị đơn sơ:

Vườn Bùi chốn cũ Bốn mươi năm lụ khụ lại về đay Trông ngoài sân đua nỡ mấy chòi cây Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế Ôn Công rượu nhạt chuốc chiều xuân Ngọn gió đông ngoảnh lại lệ đầm khăn Tình thương hải tang điền qua mấy lớp Người chớ giận Lỗ hầu chẳng gặp Như lơ phơ tóc trắng lại làm chi Muốn về sao chẳng về đi? (Bùi Viên cựu trạch ca – dịch)

Cái cảnh chốn cũ ấy đã làm lay động biết bao trái tim, bao tâm hồn của người trong cuộc. Cảnh vật nhỏ bé, chân quê có vẻ như quê mùa ấy mới đúng là cảnh quê ông. Không cần tô vẽ màu mè, đơn giản hơn, chỉ phác họa những đường nét tinh túy nhất của hồn quê, ấy là cái tài của Nguyễn Khuyến. Những hình ảnh dân dã qua lăng kính của thi nhân trở nên tinh tế, lấp lánh mà chân thực, sống động vô cùng.

Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất và cũng là tiêu biểu nhất cho vùng quê chiêm trũng Bắc Bộ chính là chùm ba bài thơ thu: “Thu Vịnh”, “Thu Điếu” và “Thu ẩm”.

Mùa thu ở Miền Bắc với tiết trời trong mát dịu nhẹ như một thiên sứ hiền lành hòa giải giữa cái oi nồng của mùa hạ và mưa dầm gió bắc của mùa đông. Tâm hồn con người vì thế mà góp phần thư thái, nhẹ nhõm hơn. Và bởi lẽ: “Thu là thơ của đất trời. Thơ là thơ của lòng người” cho nên với các nhà thơ mùa thu là mùa của cảm xúc, của những nổi niềm thương nhớ không nguôi. Tuy nhiên, vì khoảng cách thời đại, thi phẩm thu của các thi nhân cũng khác nhau rất nhiều. Thơ thu Nguyễn Khuyến là thơ của làng cảnh Việt Nam đậm đà chân thực dù có gửi gắm ít nhiều tâm sự. Trong khi đó các nhà thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu hay Lưu Trọng Lư chỉ mượn cảnh thu, sắc thu, màu thu để gửi gắm tâm trạng riêng tư.

Đương thời Nguyễn Khuyến cũng đã sáng tác nhiều bài thơ thu bằng chũ Hán như “Thu nhiệt”, “Y thu”. Thế nhưng nức danh nhất vẫn chính là chùm ba bài thơ thu ấy. Mỗi bài một vẽ hợp lại một bức tranh thu toàn bích, xứng đáng đạt ngôi vị quán quân trong những bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam thời Trung đại.

Chùm thơ thu mang đậm hồn quê xứ sở. Tất cả những ai đã từng gắn bó với một vùng quê đất Việt, hẳn không thể kìm lòng xúc động trước những cảnh vật thân thuộc đến thế. Cảnh nông thôn bình thường, thân mếm với năm gian nhà cỏ đơn sơ nhưng vô cùng gần gũi:

Năm gian nhà cỏ thấp te te Ngõ tối đen sâu đó lập lòe (Thu ẩm)

Nơi thi nhân đang uống rượu làm thơ chỉ là ngôi nhà nhỏ đơn sơ, bình dị, thôn dã được lợp bằng mái rạ thấp te te. Nếu đó là thư phòng tao nhã hay lầu son gác tía hoa lệ thì bài thơ đã không sống đến tận hôm nay. Phải là nhà cỏ mới là vùng quê Bắc Bộ.

Vùng quê chiêm trũng ấy còn có những chiếc ao bèo nhỏ nhắn trước nhà. Là nơi chứa đựng những dòng nước mát trong:

Ao thu lãnh lẽo nước trong veo (Thu điếu)

Và dưới ánh trăng mờ ảo đêm khuya, nó như gợi tình gợi ý hơn với những chuyển động lạ kỳ:

Làng ao lóng lánh bóng trăng loe (Thu ẩm)

Nhà thơ đã nhìn trăng qua áo mới có vẽ đẹp lóng lánh như thế. Trăng từ trong áo hắt ánh sáng lên vạn vật xung quanh, tạo ra những chùm sáng “loe” như thế. Một đề tài mòn cũ, đã được Nguyễn Khuyến thổi vào một hơi thở mới, một sức sống mới đầy sáng tạo.

Những con đường nho nhỏ, những bụi tre khóm trúc thực sự là những hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ:

Cần trúc thơ phơ gió hắt hiu (Thu vịnh)

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo (Thu điếu)

Cành trúc như mang trong mình linh hồn, sức sống. Những búp lá non điểm xuyết trên cành trúc cong cong như một chiếc cần câu rất mềm mại, thanh thoát, đầy chất tạo hình. “Cần trúc” đã lột tả được cái hồn, cái thần của cảnh vật, là hình ảnh quen thuộc gợi lên phong vị riêng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những con đường nho nhỏ quanh co dẫn vào từng mái nhà cỏ thật duyên dáng và xinh xắn.

Mùa thu đến mang theo từng cơn gió lạnh hắt hiu với màn sương khói hư ảo. Tất cả hòa quyện đan xen vào nhau tạo nên một hơi thu quyến luyến. Ấn tượng nhất chính là bầu trời trong xanh, cao vòi vọi mà chỉ duy vùng Bắc Bộ mới có vào tiết thu:

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao (Thu vịnh) Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt (Thu điếu) Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (Thu ẩm)

Ba lần Nguyễn Khuyến miêu tả gam màu xanh tuyệt đối ấy. Từ “xanh ngắt” không chỉ gợi sắc màu cụ thể mà còn gợi chiều sâu vòi vọi, chót vót của bầu trời. Không gian xung quanh dường như thoáng đãng, tươi sáng và thanh thoát hơn nhiều. Đó là vẻ đẹp thật sự của bầu trời mùa thu ở nông thôn Việt Nam, không phải vừa mới xuất hiện mà vốn đã có từ trước nhưng bây giờ mới được đem vào thơ, được Nguyễn Khuyến gạt bỏ những ước lệ tượng trưng. Không chói chang như sắc xanh trời hạ, màu xanh này gợi sự thanh nhẹ thư thái của lòng người. Thi sĩ Xuân Diệu khi miêu tả sắc thu cũng từng viết:

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá (Thơ duyên)

Đây là gam màu gợi sự sang trọng, diểm lệ, dịu mát và tươi tắn khác với sắc màu của nông thôn Việt Nam. Nhưng không vì thế mà giá trị của hai gam màu ấy bị sụt giảm, trái lại càng làm phong phú bức tranh thu trên thi đàn dân tộc.

Một chiếc ao bèo, một hàng giậu thưa, một con ngõ nhỏ, những khóm tre bụi trúc, chiếc thuyền nan bé tẻo teo, biết bao cảnh vật thật bình dị mà đẹp đến nao lòng, gợi nhớ khôn tả.

Hơn nữa, bằng tài nghệ bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Khuyến, những câu thơ như linh động hơn, co duỗi nhịp nhàng. Ngôn ngữ trong sáng, vô cùng mộc mạc bình dị, không hề thấy dấu vết của sự gọt giũa, công phu nhưng lại giàu sức gợi. Người đọc có cảm giác trong thơ ông có sự hôn phối, hòa hợp giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Kết hợp với khả năng quan sát vô cùng nhạy bén và tinh tế nhưng biến thái tinh vi của tạo vật:

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo (Thu điếu)

Thi nhân không đem đến cho ta những điều hoàn toàn mới lạ mà chỉ nhỏ nhẹ nhắc ta những điều thường gặp một cách thấm thía và sâu sắc hiếm có.

Ông cha ta thường nói “Thi dĩ ngôn chí” quả không sai. Cảnh vật thiên nhiên không bao giờ chỉ là sự minh họa giản đơn cho tài năng của người nghệ sĩ mà quan trọng hơn những hình ảnh thơ là chiếc chìa khóa để chúng ta mở cửa tâm hồn tác giả. Giãi bày bộc lộ tâm sự cũng là một nội dung lớn trong thơ trữ tình Nguyễn Khuyến.

Trong ba bài thơ thu, nhà thơ Yên Đổ đã bôc lộ kín đáo những tâm sự u uất trong lòng: Hai câu kết bài “Thu vịnh” là sự cố nén tủi thẹn về chính mình:

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào

“Nhân hứng” rồi lại “Nghĩ ra” đó là sự đối lập giữa chủ quan và khách quan, giữa ước mong với hiện thực, đó là một sự bất như ý của con người. Nhà thơ nói “Nhân hứng” là ca ngợi mùa thu đẹp và nên thơ. Thế nhứng “toan cất bút” làm thơ rồi lại “thẹn”. Thẹn với Đào Tiềm một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Tấn. Ông nổi tiếng vì thơ hay là một lẽ, lẽ khác còn nổi tiếng vì việc sau một năm làm quan ở Bành Trạch đã rũ áo từ quan bởi không chịu vì ba đấu thóc mà phải cúi lưng. Nguyễn Khuyến tự thấy thẹn là bởi tâm hồn ông đang mang nặng nổi u hoài, bởi ông chưa thực sự hài lòng vì mình vẫn rất xót xa. Ông cáo quan về ở ẩn là vì bất lực trước vận nước. Tâm sự ấy vừa đáng thương vừa đáng trọng. Tấm lòng nhà thơ luôn hướng về nhân dân đất nước. Tấn bi kịch nhàn thân mà chẳng nhàn tâm ấy sẽ mãi theo ông trong những năm cuối đời từ khi trở về vườn Bùi chốn cũ đến khi qua đời.

Ở “Thu Vịnh” và “Thu điếu” còn thi thoảng vang lên đôi chút âm thanh của tiếng ngỗng lạc đàn, tiếng lá rơi, tiếng cá đớp động dưới chân bèo. Đến “Thu ẩm”, tịnh không có một tiếng động nào dù chỉ thoảng qua mà đó là cuộc sống nông thôn, sống giữa bao nhiêu con người vùng quê. Một mình uống rượu để giải sầu nhưng đã uống đến say nhòe mà nổi sầu muộn đâu có vơi. Càng say càng tĩnh, càng thấm thía nỗi lòng u uất. Tự cho mình là túy ông, nhưng đã bao giờ Nguyễn Khuyến say vì rượu:

Túy ông ý chẳng say vì rượu Say vì đau nước thẳm với non cao (Uống rượu ở vườn Bùi)

Bởi thế “ Mắt lão không gầy cũng đỏ hoe” kia không ngoài nét buồn vì cảnh nước mất nhà tan, vì bất lực của bản thân mình.

Lựa chọn lui về sống ẩn dật nhưng tấc lòng của Nguyễn Khuyến vẫn luôn hướng đến vận mệnh của đất nước. Ông cảm thấy tuỉ thẹn vì mình là một trí thức đại thần mà đành bất lực trước thời cuộc:

Sách vở ích gì cho buổi ấy Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già (Ngày xuân răn con cháu)

Và cho đến khi nghĩ là mình sắp từ giã cuộc đời, trong bài “Di chúc” ông vẫn trăn trở:

Ơn vua chưa chút báo đền Cúi trong hổ đất, ngữa lên thẹn trời

Một con người luôn tận tụy vì nước vì dân như cụ Tam Nguyên thật đáng quý. Làm quan thì thanh liêm, cương trực, thẳng thắn. Lúc chỉ là một kẻ thường dân vẫn luôn dõi theo vận mệnh dân tộc. Tâm sự ấy suốt cuộc đời Nguyễn Khuyến luôn mang theo và mãi mãi như tiếng cuốc kêu canh khuya:

Khắc khoải sầu đưa giọng lững lơ Ấy hồn thực đé thác bao giờ Năm canh máu hảy đem hè vắng Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ Có phải tiệc xuân mà đén gọi Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ Thâu đem ròng rã kêu ai đó Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ. (Cuốc kêu cảm hứng)

Qua điển cố vua Thục mất nước, hóa thành chim cuốc kêu thán đêm ngày, bài thơ đã khơi gợi tâm sự đau xót trước cảnh vong quốc. Mượn hình ảnh con cuốc kêu hè, nhà thơ đã cực tả nỗi đau rỉ máu (máu chảy), nổi buồn nát ruột tan hồn (hồn tan) của chính bản thân mình trước cảnh điêu linh của nước tổ. Tiếng kêu ấy cứ vang mãi trong đêm khuya, cô độc và lẻ loi. Điều này càng làm tăng gấp bội nỗi buồn đau của Nguyễn Khuyến. Xuân Diệu đã rất hiểu tâm sự ấy…”chúng ta thường nghe da diết, ám ảnh, chì chiết một tiếng chim kêu có sắc đỏ, khóc nức nở, gào thảm thiết, tiếng kêu có máu, tiếng huyết kêu mất nước! Nhớ nước” ( thơ văn Nguyễn Khuyến). Sức lay động lòng người của tiếng lòng nhà thơ cứ thế trường tồn mãi với thời gian. Cảm phục, trân trọng biết bao những tấm lòng trong thiên hạ!

Có lẽ điều an ủi nổi đau đớn cửa Nguyễn Khuyễn ấy là thái độ bất hợp tác của ông với quân giặc. Với ông, danh vị, lợi lộc chỉ là những thứ phù phiếm, phỉnh phờ, lừa gạt của bọn tay sai. Vì thế, ông lại lui về quê, từ bỏ chốn quan trường nhiễu nhương, để nêu cao khí tiết. Thái độ ấy ông thường hay biện bạch qua hình ảnh “ mẹ Mốc” tuy nhan sắc tuyệt trần nhưng giả vờ điên dại để dành trọn tâm tư cho chồng con xa vắng:

So danh giá ai bằng mẹ Mốc Ngoài hình hài gấm vốc chẳng thèm ra Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa Làm thế để cho qua mắt tục. (Mẹ Mốc)

Khi Nguyễn Khuyến tự ví mình như một vương phu nghèo đói bị người ta cám dỗ nhưng vẫn giữ kiên trinh với người cố phu:

Vốn xưa cha mẹ dặn lời Từ hôn chi để kẻ cười người chê Mụ hỏi mụ thương chi thương thế Thương thì hay nhưng kế không thay Thương thì gạo vải cho vay Lấy chồng thì gái già này xin van. (Gái góa)

Tựu chung lại, những tâm sự, nỗi lòng của nhà thơ dù rất kín đáo nhưng đã thể hiện sâu sắc cá tính của bản thân. Trước thời cuộc điên đảo, con người ta có thể không trực tiếp phục vụ đất nước nhưng vẫn hoàn toàn có thể bộc lộ những tình cảm, tấm lòng với đời sống và con người trong đó.

Như vậy, với những bức tranh sinh động, tinh tế về thiên nhiên, làng mạc, con người nơi thôn dã và tâm sự trước thời vận đất nước, thơ trữ tình của Nguyễn Khuyến đã chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. Đa dạng về nội dung, phong phú, đặc sắc về hình thức thể hiện, những bài thơ trong trẻo chân tình sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Và thơ văn của Nguyễn Khuyến đã phản ánh đúng con nhười thi nhân giản dị, tự nhiên, thâm trầm, tinh tế và sâu sắc. Quả là “ Một người nghệ sĩ chân chính trước hết phải là một con người chân chính”. Trải qua bao thăng trầm của thời đại, đến nay chúng ta vẫn thấy bồi hồi và cảm phục trước một con người như thế.

II. Nguyễn Khuyến nhà thơ trào phúng:

Thời kỳ văn học trung đại kết thúc với thành tựu cuối cùng rất rực rỡ của hai cây bút trào phúng Tú Xương – Nguyễn Khuyến. Nếu Tú Xương mang đến cho người đọc những câu thơ trào phúng cay độc, bốp chát thì Nguyễn Khuyến lại mang đến một hồn thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà thâm thúy. Bằng những sáng tác thấm đẫm chất trào lộng, Nguyễn Khuyến thực sự đã bộc lộ được tài năng trào phúng bậc thầy của mình.

Nhắc đến cụ Tam Nguyên Yên Đỗ có lẽ điều người ta nghĩ đến trước hết chính là những bài thơ trữ tính thật hay, thật tinh tế viết về thiên nhiên vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ, về tình cha con, vợ chồng, bè bạn, xóm giềng rất chân thành, thắm thiết. Nguyễn Khuyến là nhà thơ số một của làng cảnh Việt Nam. Cảnh sắc trong thơ ông thanh sơ, đẹp và phơn phớt một sắc buồn từ cõi lòng mang tâm sự thời thế. Chùm ba bài thơ thu đã trở thành “quán quân” về thơ thu Việt Nam xưa nay chính vì lẽ đó.

Hơn thế Nguyễn Khuyến còn có thể được xếp vào hàng ngũ những nhà thơ hàng đầu đất Việt khi viết về tình bạn, tình tri âm tri kỷ Nguyễn Khuyến và Dương Khuê như trong thi phẩm ‘Khóc Dương Khuê” đã thể hiện liệu có còn gì sâu sắc hơn?

Tóm lại, nói Nguyễn Khuyến là nhà thơ trữ tình xuất sắc chắc hẳn chẳng có gì phải bàn cãi.

Thế nhưng không dừng lại ở đó, Nguyễn Khuyến đã thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc bởi những vần thơ mang tiếng cười rất đặc sắc: nhẹ nhàng, kín đáo mà lại thâm thúy, chua cay. Tiếp cận với những sáng tác trào phúng của Nguyễn Khuyến ta mới thấy hết cái đặc sắc, cái giọng điệu riêng của ngòi bút trào phúng này.

Phải thấy rằng đối tượng trào phúng trong thơ Yên Đỗ hết sức phong phú, đa dạng. Ông cười bọn quan lại tham quan vơ vét hại dân, cười bọn hãnh tiến nhố nhăng, cười cái bi hài của nền Hán học cuối ngày tận số, cười cả Vua, cả Tây và cười cả chính mình. Chính vì thế mà tiếng cười mang những sắc thái khác nhau. Khi để bông đùa cùng bạn, tiếng cười Nguyễn Khuyến thật hóm hỉnh, thâm mật, duyên dáng:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa Ao sâu nước cả, khôn chài cá Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà Cải chửa ra cây, cà mới nụ Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa Đầu trò tiếp khách trầu không có … (Bạn đến chơi nhà)

Với sự hào hiệp và tấm lòng chân tình của mình, nhà thơ muốn dành những gì sang trọng nhất, ngon lành nhất để tiếp đãi bạn. Thế nhưng ước muốn đó không thể thực hiện được, oái ăm thay cái gì cũng có mà thành ra không có gì vì tất cả đang ở dạng “tiềm năng” còn non tơ nên không thể thu hái được, đến cả miếng trầu làm đầu câu chuyện cũng không có nốt. Thật ra tác giả đang khoe sự giàu sang hay đang giải bày sự thiếu thốn? Có lẽ là cả hai song điều đáng nói ở đây là nhà thơ đã sử dụng bút pháp cường điệu hóa rất đặc sắc, sự thiếu thốn đạm bạc của gia cảnh được cường điệu một cách tối đa và sự giàu có sang trọng cũng cường điệu không kém với mục đích đùa vui với bạn đồng thời tỏ rõ được tấm chân tình của mình. Chính sự đối lập giữa giàu sang và đạm bạc trong cái nhìn mang tính phóng đại, hài hước của nhà thơ đã tạo ra sự hài hước rất riêng của Nguyễn Khuyến.

Tuy nhiên, sắc thái đẫm nét nhất trong tiếng cười của Nguyễn Khuyến chính là cười tâm huyết, cười ra nước mắt, cười với giọng nhẹ nhàng mà không kém phần chua cay. Tiếng cười ở đây không phải để đùa vui nữa mà là để phê phán, để tố cáo hiện thực xã hội. Đối tượng trước hết trong xã hội cần phải lên án, vạch trần chính là bè lũ thống trị, bọn tham quan:

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông Nó lại lôi ông đến giữa đồng Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ Xương già da cóc có đau không? Bây giờ trót đã sầy da trán Ngày trước đi đâu mất mảy lông Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa Kẻo mang tiếng dại với phường ông. (Hỏi thăm quan tuần mất cướp)

Bằng những câu hỏi thăm rất đỗi tận tình, một người quan tuần bị mất cướp lại còn bị kẻ cướp đánh cho, nhà thơ đã khiến chúng ta bật cười bởi chính giọng điệu “tử tế” ấy. Nhà thơ đã “hỏi thăm” đã nói những điều lẽ ra theo phép lịch sự thông thường thì không nên hỏi, không nên nói, hay có hỏi, có nói thì phải hỏi, phải nói một cách tế nhị, đằng này ông lại hỏi thẳng, nói thẳng. Những câu thơ cứ như những mũi dao nhọn cứ ngoáy mãi vào một vết thương nên càng ngoáy càng đau. Ban đầu nhà thơ còn nói ỡm ờ, chế dễu nhưng về sau thì đả kích thật sự. Ông quan “đáng kính” chỉ như một món đồ để cho bọn cướp lôi từ nơi này sang nơi khác lại còn bị đánh cho “sầy da trán”, thật là đau xót! Nhà thơ còn tỏ ý thông cảm với tuổi già của tên quan để rồi sau những lời hỏi han sức khỏe ấy, nhà thơ thốt ra lời khuyên “thôi cũng đừng nên ki cóp nữa”. Nghe thật tử tế làm sao! Thật ra cả bài thơ tác giả chỉ nhắm một mục đích duy nhất là cho người đọc bông đùa thỏa thích trước sự “xui xẻo” của tên quan để rồi chốt lại lời châm biếm đả kích gay gắt về cái thói tham lam, hà tiện, bủn xỉn của không chỉ tên quan tuần mà các tầng lớp quan lại thời bấy giờ. Mượn thành ngữ “ki cóp cọp ăn’ của dân gian xưa, Nguyễn Khuyến đã giúp ta hiểu sâu sắc về bộ mặt thật của bọn quan lại đương thời, những “nạn nhân” bị cướp thứ tài sản đã đi cướp!

Hiện thực xã hội xấu xa cần phải vạch trần không chỉ ở bè lũ quan lại mà ở cả hiện tượng lố lăng trong buổi giao thời. “Hội tây” được viết để lên án hiện tượng ấy. Mở đầu bài thơ Nguyễn Khuyến giới thiệu ngay khung cảnh nhộn nhịp của ngày hội:

Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.

Quả là ngày hội lớn của người Pháp trên đất Việt, có âm thanh rộn rã của tiếng pháo, có màu sắc lấp lánh của đèn treo, cờ kéo… Cả con người trong ngày hội ấy cũng rất háo hức:

Bà quan tranh ngất xem bơi trải Thằng bé lom khom ghé hát chèo Cậy sức, cây đu nhiều chị nhún Tham tiền, cột mỡ lăm anh leo.

Bằng những hình ảnh đậm sắc thái tạo hình, người đọc dễ dàng tưởng tượng không khí vui vẻ của ngày hội, thế nhưng cũng chính bằng những cách miêu tả ấy, giọng điệu ấy đã tỏ rõ lên án thói mị dân, nhố nhăng của bọn thống trị, quan Tây và quan Ta. Bà quan thật nực cười trong cái thế “tênh nghếch” thăng bé thì nom thật tội nghiệp trong điệu bộ “lom khom”. Chỉ hai hinh ảnh đặt đối xứng đã lột trần thực tại xót xa của cảnh đất nước trong cảnh nô lệ, dưới gót giày của lũ xâm lược. Đau xót hơn, những con người nô lệ ấy không nhận thức được nỗi nhục mất nước lại còn cuốn vào những trò chơi mà bọn thực dân Pháp bày ra để mị dân. Nhận thức rỏ điều đó, từ chổ gián tiếp đã kích, Nguyễn Khuyến đã chỉ thẳng:

Khen ai khéo vẻ trò vui thế Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu!

Nhà thơ như đang đứng từ xa, từ chối việc nhập cuộc ngày hội nhộn nhịp để miêu tả không khí náo nhiệt của ngày hội, nhận ra nỗi nhục của nô lệ để rồi cảnh tỉnh cho người dân Việt Nam đang bị thói mị dân làm cho mờ mắt. Có lẽ hiếm có bài thơ nào mà thái độ châm biếm của Nguyễn Khuyến được thể hiện trực tiếp đến như vậy.

Xã hội đổi thay, những kỳ thi Hán học như “những phiên chợ chiều đã tàn”. Để chế giễu cảnh thi nửa mùa – nửa Tây nửa Ta – lúc bấy giờ chẳng ra gì, Nguyễn Khuyến đã mượn hình ảnh “tiến sĩ giấy” – một nhóm đồ chơi yêu thích của trẻ em ngày trước, qua đó nhằm miêu tả những “tiến sĩ thật”:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai Cũng gọi ông nghè có kém ai

Điệp từ “cũng” kết hợp nghệ thuật liệt kê cho thấy những tiến sĩ thời bấy giờ cũng có đầy đủ từng thứ một những thứ áo xiêm diêm dúa. Họ cũng được gọi là những “ông nghè” chẳng kém ai, thế nhưng học vị danh giá, vẻ vang ấy thực chất cũng chỉ là một mảnh giấy có đóng dấu son đỏ lòe loẹt của triều đình:

Mãnh giấy làm nên thân giáp bảng Nét son điểm rõ mặt văn khôi

Hơn thế nữa, kẻ học vị tiến sĩ, ông nghè cao quý giờ chẳng còn chút giá trị, nó mới “nhẹ” mới đơn giản làm sao khi có thể mua được bằng tiền. Cuộc mua bán này vô cùng có lợi “cái giá khoa danh ấy mới hời” bởi sự nghiệp quan trường còn có biết bao những cuộc mua bán đổi chác khác. Tất cả bọn chúng chỉ là một lũ ngu dốt, bất tài, vô dụng leo lên được vị danh giá thực chất chỉ nhờ có đồng tiền. Tiếng cười trào phúng cất lên hóm nhẹ mà càng ngẫm càng thấy sâu cay.

Bằng nghệ thuật đột giáng, Nguyễn Khuyến đã đem lại sự rẽ ngoặt bất ngờ trong ý thơ:

Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi

Miêu tả món đồ chơi để đã kích đồ thật nhưng đồ thật chỉ hóa ra như đồ chơi đó là tài châm biếm ý vị của nhà thơ Yên Đỗ. Nó đem đến cho bài thơ sự đa nghĩa đầy bất ngờ: đồ chơi, đồ thật, tiếng hư hư thực thực lẫn lộn khó mà phân biệt.

Cười người, cười đời chưa đủ, Nguyễn Khuyến còn đem mình ra để mà cười, cười mình có tài mà luẩn quẩn mà bế tắc. Ta nhận ra trong bài thơ “Tiến sĩ giấy” chút ngậm ngùi, chua xót bởi yếu tố tự trào mà nhà thơ muốn thể hiện. Là tam nguyên, từng vinh quy bái tổ rất vẻ vang, vinh hiển nhưng vì thời thế không thể giúp được gì cho dân, cho nước, ngẫm ra mình cũng chỉ là “Tiến sĩ giấy” với danh vờ danh hảo mà thôi. Nguyễn khuyến bộc lộ một tiếng cười chua xót đến tội nghiệp.

Thậm chí đã có lúc ông còn chế giễu cái bất lực, bạc nhược của chính mình một cách thẳng thắn:

Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng

Đối với cụ Tam Nguyên lúc này bìa xanh, bảng vàng có ý nghĩa gì đâu khi bản thân không thể góp sức phò vua, giúp nước, giúp dân. Điệp từ “mình” trở đi trở lại thể hiện niềm day dứt khôn nguôi, xoáy sâu vào bản thân mình mà chế giễu, mà trào phúng bởi thấy cuộc đời mình mới đáng cười làm sao. Cười chính mình có lẽ cái cười sâu sắc nhất mà cũng xót xa nhất.

Như vậy, những sáng tác trào phúng của Nguyễn Khuyến hầu như đã điểm mặt đủ mọi đối tượng, mọi hiện tượng đáng phê phán trong xã hôi nửa thực dân, nửa phong kiến đương thời. Tiếng cười Nguyến Khuyến thực sự mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bởi lẽ, Nguyễn Khuyến làm thơ trào phúng không phải xuất phát từ nổi đau nhân thế mà xuất phát từ tấm lòng trong sạch, cao khiết của một bậc đại nho có lòng yêu nước kín đáo, thâm trầm tìm cách phản ứng lại những cái xấu xa đen bạc của thời thế. Chính nỗi đau về thời thế đã khiến tiếng cười của Nguyễn Khuyến mang đậm tình yêu nước, tâm huyết với cuộc đời. Bởi trào phúng thực chất là trữ tình mà ở đó tình yêu thương được thay bằng sự căm thù. Cụ thể ở đây, tình yêu nước, thương dân được thể hiện bằng sự ẩn giấu dưới sự phê phán cái rởm đời, lố lăng của buổi giao thời đã hủy hoại bao giá trị tinh thần tốt đẹp, quý giá cộng với sự tố cáo tội ác của bọn xâm lược vô nhân đạo. Có lẽ vì thế mà Xuân Diệu đã cho rằng: “Nguyễn Khuyến dù không cầm gươm chiến đấu dưới là cờ phấn nghĩa Cần Vương vẫn đáng được xếp vào hàng những nhà thơ yêu nước”.

Phải thấy rằng, tiếng cười trong thơ Nguyễn Khuyến hết sức đặc sắc: nó nhẹ nhàng, thâm thúy không vang lên thành tiếng nhưng hết sức sâu cay. Với nững điều ông viết ra, người đọc càng nghĩ càng thấm thía cái dụng ý sâu sắc trong lời thơ. Trong khi đó, nhà thơ trào phúng – Tú Xương thì lại gây tiếng cười dữ dội, quyết liệt, sắc sảo đến bốp chát.

Cũng nói đến cảnh nghèo, cái đạm bạc của gia cảnh, nếu Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng đùa vui trong “Bạn đến chơi nhà” thì Tú Xương lại nói thẳng, nói thật đến mức chua xót về cảnh nghèo của mình:

Van nợ lắm khi trào nước mắt Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.

Để giễu cợt bọn quan tham, Nguyễn Khuyến gửi gắm tâm sự đã kích trong “Hỏi thăm quan tuần mất cướp”, trong khi đó Tú Xương lại châm biếm hết sức chua cay qua việc nhắc lại lời chúc đầu năm mới của bọn quan lại với nhau:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu … Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang Đứa thời mua tước đứa mua quan … Nó lại mừng nhau cái sự giàu … Nó lại mừng nhau cái sự lắm con… (Năm mới chúc nhau)

Sau mỗi lần nhại lại một lời chúc là thêm một lần Tú Xương có cơ hội vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn quan lại. Chúng là một lũ tham sống, sợ chết, bản chất trơ tráo lì lợm, vô liêm sỉ thay nhau thực hiện hành vi mua quan bán tước bỉ ổi, tỏ rỏ lòng tham vô độ mà lại keo kiệt bủn xỉn vô cùng. Để rồi đến đoạn thơ kết, Tú Xương bày tỏ thái độ muốn tống khứ chúng đi bởi dưới mắt ông chúng chỉ là một lũ khỉ ngày ngày diễn trò làm rối loạn xã hội.

Phố phường chật hẹp người đông đúc Bồng bế nhau lên ở núi non.

Những câu thơ chẳng khác nào những ngọn roi mạnh quất thẳng vào bọn người đáng ghét ấy. Quả thật trào phúng của Tú Xương thật sắc sảo, thật bốp chát chứ không thâm trầm, kín đáo như cụ Yên Đổ.

Cũng nói đến sự thay đổi theo chiều hướng đáng buồn của luân thường đạo lý, Nguyến Khuyến thể hiện một cách kín đáo qua việc miêu tả không khí vui nhộn của ngày “Hôi tây” thì Tú Xương lại đặt ngay môỵ câu hỏi lớn đối với xã hội:

Có đất nào như đất ấy không Phố phường tiếp giáp với bờ sông Nhà kia lỗi phép con khinh bố Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng. (Đất Vị Hoàng)

Rồi ngay khi cùng phê phán những kỳ thi Hán học đương suy tàn, Tú Xương vẫn chửi thẳng không ngần ngại:

Cử nhân cậu ấm kỉ Tú tài con đô mĩ Thi thể mới là thi Ơi khỉ ơi là khỉ.

Qua đó có thể thấy Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai nhà thơ trào phúng có phong cách rất riêng, rất nổi bật. Nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát được cá tính sáng tạo của hai nhà thơ này qua hai câu thơ:

Yên Đổ khóc dẫu cười không thể giấu Tú Xương cười như mãnh vỡ thủy tinh.

Vì sao Nguyến Khuyến cười ra nước mắt như vậy trong khi Tú Xương lại cười dữ dội, sắc nhọn đến thế ? Phải thấy rằng Tú Xương và Nguyến Khuyến tuy sống cùng thời đại nhưng nếu Tú Xương sống ở chốn thành thị – nơi diễn ra rất sớm và rất tập trung lối sống lai căng, lỡm đời của buổi giao thời thì Nguyễn Khuyến quanh năm sống ở nông thôn, sau lũy tre làng với cuộc sống ở ẩn êm đềm, thanh bình. Hiện thực xã hội mà Nguyến Khuyến chứng kiến có nhiều phần ít trực tiếp hơn so với Tú Xương bởi thế sự phản ứng của Tú Xương mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Lại cùng là người có tài nhưng nếu Yến Đỗ là bậc đại nho với ba lần đỗ đầu vị thế “Tam nguyên” vẻ vang nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam thì Tú Xương lại lận đận trong thi cử với “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”, cuối cùng thi đỗ “Tú tài rốt bang”. Vì lẽ đó mà tiếng cười Nguyễn Khuyến là tiếng cười của bậc bề trên, luôn ý thức cái hơn hẳn người đời về tài, đức; nó mang giọng nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà lại rất thâm thúy, chua cay, cười mà cũng là để khóc nên không thể có giọng điệu nào khác có thể thấy sự thâm trầm, kín đáo ấy.

Sự khác biệt trong phong cách trào phúng của hai nhà thơ này còn do một lẽ tất yếu trong sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật là một lĩnh vực của sáng tạo, của độc đáo. Nó không bao giờ chấp nhận bất cứ sự lặp lại nào, ngay cả sự lặp lại những chân lý vĩnh hằng. Chân lý chỉ có một nhưng người nghệ sĩ có vô vàn cách khác nhau, bằng tài năng và tâm huyết của mình, để thể hiện nó. “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho” là vì vậy. Bởi thế, dù cùng vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, cùng chứng kiến buổi giao thời lố lăng, đồi bại, lại cùng lựa chọn mảng thơ trào phúng để thể hiện thái độ của mình trước cuộc đời với Tú Xương, song Nguyễn Khuyến đã khẳng định cá tính của mình trong sáng tác. Là bậc đại nho sống cuộc sống ở ẩn, sống nhàn, tiếng cười của Nguyễn Khuyến thật ý nghĩa, thật kín đáo, thật thâm nho. Cũng nhờ sắc màu trào phúng riêng biệt ấy mà những tác phẩm cũng như tên tuổi của Nguyễn Khuyến vẫn còn ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bao thế hệ trong suốt hơn một thế kỷ qua và cho đến mai sau.

Tóm lại, mảng thơ trào phúng đã góp phần bồi đắp nên tên tuổi, vị thế của Nguyến Khuyến trên thi đàn dân tộc. Cùng với Tú Xương nhà thơ xứ Yên Đỗ đã đạt được những thành tựu đầu tiên nhưng có giá trị vững bền trong lĩnh vực trào phúng của văn học Việt Nam. Chắc chắn rằng dù thời gian có trôi đi, lớp bụi của nó vẫn không thể làm lu mờ dấu ấn mà Nguyễn Khuyến đã khắc tạc vào tâm trí bạn đọc – dấu ấn về một nhà thơ trào phúng “khóc dẫu cười không thể dấu”.