Tại sao bị dzo na

Bệnh Zona hay Herpes zoster là bệnh nhiễm trùng da do sự tái hoạt của virus Varicella zoster (VZV) tiềm ẩn ở rễ thần kinh cảm giác cạnh cột sống với đặc trưng bởi sự xuất hiện các các ban đỏ, mụn nước tập trung thành đám, thành chùm dọc theo đường phân bố của thần kinh ngoại biên. Bệnh thường tương đối nhẹ và không để lại di chứng, tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể để lại các biến chứng đặc biệt là hội chứng đau sau zona. Đây là biến chứng thường gặp nhất gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì việc áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu để điều trị hội chứng này đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt.

Bệnh zona hay gặp ở người già, người suy giảm miễn dịch. Bệnh thư­ờng xuất hiện ở những vị trí như: Trán-quanh mắt-đầu, cổ-vai-cánh tay, liên sườn một bên từ ngực vòng ra sau lưng hoặc dọc từ hông xuống đùi theo đường đi của các dây thần kinh chi phối, thường chỉ có một bên của cơ thể, nhưng cá biệt có trường hợp cả hai bên hay lan toả.

Tại sao bị dzo na

Chẩn đoán xác định bệnh chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng với hai giai đoạn. Giai đoạn khởi phát đặc trưng với các cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối kéo dài từ 1 đến 5 ngày. Sau đó, trên vùng da này xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gờ cao hơn mặt da, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh và dần dần nối với nhau thành dải, thành vệt. Người bệnh có thể thấy nhức đầu, sợ ánh sáng và khó chịu. Giai đoạn toàn phát xuất hiện sau khoảng vài ngày với sự xuất hiện các mụn nước, bọng nước tập trung thành đám giống như chùm nho trên nền da đỏ, thường ở một bên cơ thể, không vượt quá đường giữa và theo đường phân bố của một dây thần kinh ngoại biên; cá biệt bị cả hai bên hay lan toả. Lúc đầu mụn nước căng, dịch trong, sau đục, hóa mủ, dần dần vỡ đóng vảy tiết. Thời gian trung bình từ khi phát tổn thương đến khi lành sẹo khoảng 2-4 tuần.

Điều trị bệnh zona nên được bắt đầu sớm nhằm mục đích chống bội nhiễm thương tổn da, chống đau dây thần kinh, chống vi rút, phòng tránh các biến chứng nặng và đặc biệt là hội chứng đau sau zona. Bên cạnh việc sử dụng các thuốc nội khoa như Acyclovir với liều dùng 4g/ngày trong 7-10 ngày khi có tiền triệu hoặc ít nhất 72h sau khi mọc mụn nước; phối hợp với interferon để điều trị trong những trường hợp nặng; sử dụng các thuốc giảm đau theo bậc hoặc các thuốc giảm đau thần kinh để làm giảm tình trạng đau của người bệnh thì việc kết hợp với các biện pháp điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng như tử ngoại, sóng ngắn, laser…. vào vùng tổn thương với mục đích chống viêm, giảm đau, làm vết thương khô và nhanh lành cũng đem lại hiệu quả tốt.

Tại sao bị dzo na

Đau sau zona là một biến chứng thường gặp nhất sau mắc bệnh Zona. Đây là một hội chứng gây ra tình trạng đau dai dẳng ở khu vực từng bị phát ban trong hơn 90 ngày sau khi phát ban. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Tỷ lệ mắc hội chứng đau sau zona tăng dần theo tuổi. Theo nghiên cứu, tỷ lệ người bệnh mắc hội chứng đau sau zona (được định nghĩa là đau ít nhất 90 ngày được ghi nhận) tăng từ 5% ở những người dưới 60 tuổi lên 10% ở những người từ 60 đến 69 tuổi và lên 20% ở những người từ 80 tuổi trở lên.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau này là do virus gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút tận cùng thần kinh cảm giác. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi trên 50; người bị zona mức độ nặng hoặc tổn thương phát ban nặng; người bị zona ở mặt hoặc thân mình; người mắc zona không được điều trị sớm trong vòng 72 giờ sau khi ban đỏ xuất hiện.

Việc chẩn đoán người bệnh mắc chứng đau sau zona dựa vào các đặc điểm bao gồm tình trạng đau kéo dài ba tháng hoặc lâu hơn sau khi tổn thương da đã lành. Cơn đau liên quan được mô tả là bỏng rát, buốt và nhói, hoặc sâu và nhức nhối. Cơn đau thường không liên tục và không tương quan với các kích thích bên ngoài. Những vùng da thiếu nhạy cảm thông thường khi chạm vào cũng có thể gây ra tình trạng đau quá mức. Các tiếp xúc chạm nhẹ hoặc tiếp xúc với quần áo đôi khi cũng là yếu tố gây nên khởi phát tình trạng đau.

Tại sao bị dzo na

 Điều trị hội chứng đau sau zona bao gồm việc điều trị nội khoa và các biện pháp điều trị không dùng thuốc. Các thuốc thường được sử dụng như thuốc bôi ngoài da, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc giảm đua theo bậc. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm các phương pháp vật lý trị liệu như: sóng ngắn, hồng ngoại, điện xung, điện phân, lazer, từ trường.… Các biện pháp này có tác dụng giảm đau, chống viêm theo cơ chế nội sinh bền vững lâu dài, làm giảm viêm các đầu mút dây thần kinh, giảm co thắt dẫn đến giảm đau. Đặc biệt khi điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu, bệnh nhân tránh được các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc điều trị giảm đau.

Ths.BS. Lê Duy, KTV. Hoàng Tuấn Sơn, KTV. Đoàn Thị Yên

Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108