Tại sao lại quy định những trường hợp bào chữa chỉ định

Chỉ định người bào chữa là quy định được ghi nhận lần đầu tiên tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. Tố tụng hình sự là cách thức, trình tự tiến hành các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Theo đó, người bào chữa hay bào chữa viên là thuật ngữ chỉ về những người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng thay mặt thân chủ tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự để biện hộ, bảo vệ cho thân chủ của mình để chống lại sự buộc tội, truy tố hoặc một sự tố cáo, giúp làm giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ của họ đồng thời cũng có thể giúp cơ quan có chức năng làm sáng tỏ các tình tiết vụ án, họ có quyền tranh tụng với các chủ thể khác trong quá trình xử lý vụ án hình sự. Và việc chỉ định người bào chữa sẽ áp dụng trong một số trường hợp theo quy định pháp luật.

Sự tham gia của người bào chữa trong tố tụng hình sự là quy định mang tính chất nhân đạo của Nhà nước ta. Theo đó, người bào chữa là thuật ngữ chỉ về những người có kiến thứ pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng thay mặt thân chủ tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự để biện hộ, bảo vệ cho thân chủ của mình để chống lại sự buộc tội, truy tố hoặc một sự tố cáo, giúp làm giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ của họ đồng thời cũng có thể giúp cơ quan có chức năng làm sáng tỏ các tình tiết vụ án, họ có quyền tranh tụng với các chủ thể khác trong quá trình xử lý vụ án hình sự. Và việc chỉ định người bào chữa sẽ áp dụng trong một số trường hợp theo quy định pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) về chỉ định người bào chữa được quy định như sau:

“Điều 76. Chỉ định người bào chữa

“1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.”

2. Quy định của BLTTHS 2015 về chỉ định người bào chữa

Điều luật được tách ra từ khoản 2 Điều 57 BLTTHS 2003 quy định về các trường hợp chỉ định người bào chữa.

Chỉ định người bào chữa là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa và người bị buộc tội thuộc một trong các trường hợp sau:

- Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình: Mức 20 năm tù, tù chung thân, tử hình là mức luật định, chứ không phải là mức hình phạt mà Tòa án khi xét xử bị cáo về tội đó phải áp dụng đối với bị cáo; đó là mức cao nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với bị can, bị cáo. Ví dụ: Bị can bị khởi tố về tội giết người theo quy định theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS (là trường hợp có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình) thì nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích của bị can không mời người bào chữa thì CQTHTT có thẩm quyền phải chỉ định người bào chữa cho bị can vì mức khung cao nhất của khung hình phat theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS là “tử hình”.

- Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Đây là các đối tượng  không thể tự mình bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân họ nên xuất phát từ tính nhân đạo XHCN và để bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, nếu người đại diện hoặc người thân thích của những đối tượng này không yêu cầu người bào chữa thì CQTHTT có thẩm quyền phải chỉ định người bào chữa cho họ.

Chỉ định người bào chữa là trách nhiệm của CQTHTT, tuy nhiên người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội vẫn có quyền chấp nhận, thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo chỉ định của CQTHTT có thẩm quyền.

Để thực hiện trách nhiệm chỉ định người bào chữa theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa:

- Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa. Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận yêu cầu cử người bào chữa của CQTHTT thì phải phân công tổ chức hành nghề Luật sư cử người bào chữa. CQTHTT hoặc Đoàn Luật sư không được chỉ định trực tiếp cá nhân Luật sư làm người bào chữa, trừ trường hợp Luật sư hành nghề cá nhân thì Đoàn Luật sư được phân công trực tiếp.

- Tương tự, khi tiếp nhận yêu cầu cử người bào chữa của CQTHTT, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

Và trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện thủ tục chỉ định người bào chữa được hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 46/2019/TT-BCA:

“Đối với người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa có đơn yêu cầu người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thực hiện các quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này. Nếu người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa không có đơn yêu cầu người bào chữa thì thực hiện như sau:

1. Trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà người đại diện hoặc người thân thích của những người thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chỉ định người bào chữa được quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

2. Khi nhận được văn bản cử người được quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn không quá 24 giờ, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để họ có ý kiến về việc chỉ định người bào chữa; việc gặp phải được lập biên bản và ghi rõ ý kiến của bị can, người đại diện hoặc người thân thích về việc có đồng ý hoặc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp đồng ý chỉ định người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án làm căn cứ để tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa.

3. Trường hợp thay đổi người bào chữa, nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan của người bào chữa đó để phân công; nếu không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm gửi đến một trong các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để cử lại người.

4. Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã cử người, người được cử chỉ định. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất với người được cử chỉ định về thời gian gặp bị can thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người đại diện hoặc người thân thích của những người quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để xác nhận việc từ chối.”

So sánh với khoản 2 Điều 57 BLTTHS 2003, Điều 76 BLTTHS 2015 có những điểm mới sau:

- Mở rộng đối tượng người bị buộc tội được chỉ định bào chữa: Theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS 2003, chỉ bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình mới được chỉ định người bào chữa thì Điều 76 BLTTHS đã hạ mức cao nhất của khung hình phạt xuống 20 năm tù, tù chung thân, tử hình. Theo đó bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình thì đã đã được chỉ định người bào chữa.

- Quy định cụ thể đối tượng người bị buộc tội yếu thế được chỉ định người bào chữa là người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, có nhược điểm về thâm thần; hoặc người dưới 18 tuổi chứ không quy định chung chung như điểm b khoản 2 Điều 57 BLTTHS 2003 là: “bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Theo đó, người có nhược điểm về thể chất mà có thể tự bào chữa thì không thuộc diện được chỉ định người bào chữa. Như vậy, diện người bị buộc tội yếu thế được chỉ định người bào chữa bị thu hẹp lại. Điều luật quy định bổ sung khoản 2 quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cử người bào chữa theo yêu cầu hoặc đề nghị của CQTHTT có thẩm quyền.

Luật Hoàng Anh