Tại sao phương tây vượt trội epub

Nhà khảo cổ – sử học Anh GS. Ian Morris đang dạy sử tại Đại học Stanford, California. Ông vừa ra cuốn “Ai lãnh đạo thế giới? Tại sao các nền văn minh cai trị hay bị trị” (Bản tiếng Anh là: “Why the West rules – for now: The patterns of History, and What They Reveal about the Future”; bản tiếng Việt tên là: “Tại sao phương Tây vượt trội?”) gây chấn động toàn cầu. Ở đó ông nói về các hình mẫu cơ cấu lịch sử phát triển, nguyên nhân phương Tây thống trị và đột biến lịch sử sắp xảy ra.

Trong cuốn sách này Ian Morris lật lại lịch sử loài người 15.000 năm qua đặng trả lời câu hỏi, vì sao phương Tây đạt được vị thế thượng phong 200 năm qua – và như thế bao lâu nữa?

Rõ ràng là lịch sử không tuân thủ thuyết quyết định, không tiên đoán được cho bước phát triển dài hạn, bởi lẽ nếu không thì lịch sử đã phải tuân theo những quy luật được biết sẵn từ đầu. Phép thử vĩ đại nhất nhằm tìm ra công thức toàn cầu cho lịch sử phát triển là của Marx: xã hội phong kiến, chủ nghĩa tư bản, xã hội chủ nghĩa. Nhưng ông lại cho rằng phương Đông bị chế độ chuyên chế trị vì nên không thể theo kịp con đường tiến bộ của phương Tây. Tiến bộ này do cuộc cách mạng công nghiệp đẻ ra. Nhưng không có nghĩa là chẳng có những con đường khác.

Kể từ giai đoạn cuối của thời kỳ băng hà trong 14.000 năm, phương Tây luôn tiến trước phương Đông. Rồi khoảng 540 năm sau CN, khi đế quốc La Mã tàn lụi thì phương Đông lại đi trước phương Tây cho đến thế kỷ 18. Nhưng người Anh phát minh ra máy hơi nước không phải tình cờ. Lịch sử thế giới không theo thuyết quyết định mà cũng chẳng theo hình mẫu ngẫu nhiên. Lại phải quy về Marx, con người làm nên lịch sử, nhưng không phải từ hư không, do những thứ mình tự chọn, mà ở hoàn cảnh đã cho.

Lịch sử xảy ra theo những hình mẫu nhất định. Con người phản ứng nếu có sức ép tác động lên hoàn cảnh sống của họ. Vậy định đề hài hước của Ian Morris là: “Thay đổi do những người lười biếng, tham lam, sợ hãi tác động, những người này tìm những con đường dễ dàng, an toàn, mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho cuộc sống của họ. Khi đó họ hiếm khi biết lẽ ra họ đang làm gì”.

Thực vậy, đó là những hằng số nhân học, con người nếu xét theo nhóm đều như nhau. Họ luôn thử nghiệm để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn và gia tăng thịnh vượng. Họ thực hiện những bước nhảy vọt lớn nhất khi những thời kỳ khốn khó đòi hỏi phải có những biện pháp cực đoan. Sợ hãi thúc đẩy phát triển.

Lịch sử là một chuỗi những thích nghi với thế giới mà nó luôn đặt ra những vấn đề mới. Để nghiên cứu tiến trình cơ cấu của lịch sử, phải dùng ba công cụ: sinh học nói cho ta biết, vì sao con người là loài vật thông minh thúc đẩy xã hội phát triển; xã hội học cho ta biết, con người làm cái đó như thế nào – trong cộng đồng có tổ chức với những người khác, ở thành phố, nhà nước hay thậm chí đa quốc gia; và địa lý cho ta biết, vì sao chính phương Tây chứ không phải nơi nào khác 200 năm nay trị vì thế giới. Sinh học và xã hội học giải thích các quy luật đúng cho tất cả mọi người dù họ sống ở đâu và vào lúc nào, địa lý giải thích những khác biệt trong hành động và những khả năng của họ.

Vùng gốc nền văn minh của chúng ta phát triển cuối thời kỳ băng hà 9500 năm trước CN ở khu vực Địa Trung Hải nơi khí hậu thuận lợi cho động và thực vật, rồi sau lan ra châu Âu. Sau đó 2000 năm quá trình tương tự lại diễn ra ở Trung Hoa, đó là trung tâm văn minh cổ thứ hai của nhân loại. Chính sự khác biệt địa lý này tạo sự khác biệt Đông Tây. Chỉ nhờ địa lý thuận lợi mà phát triển kinh tế mạnh ở Tây Âu thế kỷ XV, XVI ở Tây Ban Nha, Pháp và Anh, nhất là hàng hải sang Tân Thế Giới. Lẽ ra người Trung Hoa cũng có thể làm việc đó. Hoạn quan Zheng He năm 1405 với 300 thuyền cùng 27000 thủy binh khi đó đã có la bàn và bản đồ chính xác, đến Xây Lan (Sri Lanca) nhưng chỉ dừng lại Ấn Độ Dương là đủ, trong khi Christophe Colomb năm 1492 với ba thuyền cùng 90 thủy binh đến tận châu Mỹ.

Tuy nhiên Tây Âu có tinh thần sáng tạo vượt trội ở thời kỳ Khai Sáng văn hóa lý tính, tự do tư tưởng, trách nhiệm cá nhân. Các triết gia và nhà khoa học đặt ra những vấn đề mà bước phát triển xã hội đòi hỏi. Mỗi thời đại lịch sử có tư duy mà nó cần. Sau khi tìm ra Tân Thế giới, Tây Âu cần kỹ thuật mới và các chuẩn mực chính xác để đo thế giới. Thời kỳ Phục hưng, Khai sáng và Cách mạng khoa học không phải là nguyên nhân mà là hệ quả của phát triển xã hội, như Marx nói: tồn tại quyết định ý thức. Không thể thay đổi thế giới bằng ý chí. Những con người bình thường, biết tính toán và thích nghi thành công hơn những tài năng lập dị. Lọc lựa theo tiến hóa ưu tiên hiện thực chủ nghĩa của tư duy lành mạnh của con người. Trong khi đó phương Đông không có bắt buộc cần phải có một tiền đề tư duy mới.

Ian Morris quan niệm phát triển xã hội là khả năng một quốc gia kiến tạo một môi trường vật chất, kinh tế, xã hội và tri thức của mình. Chỉ số mà ông lập được tính bằng các dữ liệu khảo cổ và lịch sử từ 4 đặc trưng: tiêu thụ năng lượng, tổ chức chính trị – xã hội, sức mạnh quân sự, kỹ thuật thông tin. Như vậy phát triển không đồng nghĩa với tiến bộ. Đo và so sánh phát triển không phải là phương pháp để đánh giá đạo đức các cộng đồng khác nhau. Khi ở cuộc chiến tranh nha phiến 1839 – 42, các tàu Anh đánh tan các tàu Trung Hoa trên sông Dương Tử, đó không phải hành động can đảm về đạo đức học mà biểu dương ưu việt của phương Tây.

Nhưng nay đã đổi chiếu. Năng lực kinh tế Trung Quốc sẽ ngang Hoa Kỳ trong 10 – 20 năm tới. Các chỉ số khác như tiêu thụ năng lượng đầu người, sức mạnh quân sự, kỹ thuật thông tin có thể lâu hơn, nhưng đến 2050, phương Đông sẽ vượt qua phương Tây. Vấn đề là liệu các giá trị phổ biến của phương Tây có thắng không. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã chuyển từ chế độ chuyên chế sang dân chủ. Tuy nhiên trong lịch sử, hết sức bất thường là một trung tâm quyền lực mới thay thế cái cũ lại chấp nhận phương pháp tư duy và dạng điều hành của nó. Sau 1945 châu Âu Mỹ hóa hơn chứ không ngược lại là Hoa Kỳ trở nên Âu hóa hơn.

Một thế giới phương Đông tương lai chắc chắn vẫn sẽ chuyên quyền, độc đoán, ít tự do hơn so với phương Tây hiện nay. Có thể do giới lãnh đạo dị ứng do kinh nghiệm lịch sử để lại với các cuộc bạo loạn nông dân mà không chỉ các triều đại tan rã mà cả đế quốc cũng bị xé tan tành.

Tuy ngày nay cuộc tranh giành bá chủ giữa phương Tây và phương Đông ít có khả năng dẫn đến chiến tranh vì nó chẳng có lợi cho cả đôi bên, và với Trung Hoa, theo truyền thống Khổng Tử với nghệ thuật lãnh đạo nhà nước hòa bình, giới tinh hoa không bao giờ coi chiến tranh là tiếp tục chính trị bằng những biện pháp khác. Nhưng dẫu sao quá khứ Trung Hoa vẫn có dấu vết bạo lực. Có lẽ lãnh đạo Trung Hoa nay thận trọng với yếu kém quân sự của họ hơn là truyền thống Khổng Tử.

Nếu nhìn theo tầm ngắn, tồn tại rối loạn các dự báo mâu thuẫn nhau. Đó là do chúng ta đã đến một điểm mà khả năng ngoại suy sẽ phá tung sức tưởng tượng. Nếu phát triển xã hội cứ tiếp tục tăng tốc như trong thế kỷ 20, đến giữa 2000 – 2050 nó sẽ đạt đến mức độ tăng gấp đôi so với những gì 15000 năm qua đạt được, nghĩa là từ thời ăn lông ở lỗ đến thế kỷ nguyên tử. Và đến 2100 lại một lần nữa tăng gấp đôi.

Tiến hóa hiện nay không gì so sánh được. 40 năm tới sẽ là thời kỳ quan trọng nhất của lịch sử loài người. Tốc độ phát triển xã hội không chỉ làm thay đổi tác động đến địa lý mà cả các điều kiện sinh học và xã hội của loài người.

Biến đổi kỹ thuật sẽ nhất thể hóa thế giới tới mức, mâu thuẫn hàng ngàn năm nay giữa Đông và Tây sẽ hoàn toàn vô nghĩa – nếu như chúng ta kiểm soát được quá trình. Như đế chế La Mã thời tan rã, nay chúng ta cũng đã đạt đến trần nhà mà phải chọc thủng. Hoặc chúng ta đạt tới bước chuyển đổi vượt xa cả cuộc cách mạng công nghiệp và nó sẽ giải được phần lớn các vấn đề hiện nay của chúng ta, hay chúng ta rơi vào một tai họa mà từ xưa tới nay chưa từng gặp. Khi đó các dấu hiệu của tận thế sẽ lại tăng tốc: biến đổi khí hậu, nạn đói, dịch bệnh, các dòng di dân, các thể chế nhà nước thay nhau sụp đổ.

Tuy nhiên ở tư cách nhà sử học. GS. Ian Morris tin rằng chúng ta biết những vấn đề mà hiện nay chúng ta đối mặt, rõ hơn người La Mã biết những vấn đề của họ thời xưa nhiều hơn. Bởi vậy thế kỷ 21 sẽ có thể thật sự phát triển tư duy mà thời đại chúng ta đang cần tới.

Bài viết của Ngụy Hữu Tâm. Trích đăng lại từ CSCI INDOCHINA 

Post Views: 2.202

Tại sao phương tây vượt trội epub