Thân mẫu của bác hồ là ai

  • Đang truy cập7
  • Hôm nay13,216
  • Tháng hiện tại75,016
  • Tổng lượt truy cập2,976,473

Bà Hoàng Thị Loan [1868 – 1901] là người mẹ Việt Nam tiêu biểu có công nuôi dạy nên những người con yêu nước, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà sinh năm 1868 tại làng Chùa, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn [ngày nay là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An]. Năm 15 tuổi [1883] bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1884, bà sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh; năm 1888, sinh con trai cả là Nguyễn Sinh Khiêm và năm 1890 bà sinh ra Nguyễn Sinh Cung [tức Chủ tịch Hồ Chí Minh]. Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đậu cử nhân ở trường Nghệ. Ngay năm sau, bà để con gái Nguyễn Thị Thanh [11 tuổi] cho mẹ già rồi cùng hai con trai là Khiêm và Cung theo chồng vào Kinh đô Huế tiếp tục làm nghề dệt vải nuôi con và nuôi chồng ăn học 3 năm tại Trường Quốc Tử Giám [1895 – 1898]. Năm 1900, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa theo cậu Khiêm đi làm thư ký khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Lúc đó ở lại Huế chỉ có bà và cậu Cung. Bà sinh thêm một người con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận [tên chữ là Tất Danh, gọi là bé Xin]. Sau khi bé Xin ra đời, bà bị lâm bệnh nặng và đột ngột qua đời vào trưa ngày 10-2-1901. Thi hài bà Loan được những người láng giềng tốt bụng đưa qua cổng Thanh Long vượt sông Gia Hội lên táng ở chân núi Ba Tầng. Sau Tết Tân Sửu [1901], ông Nguyễn Sinh Sắc nhận được tin vợ mất liền trở vào Huế, đến bên mộ thắp hương vái lạy linh hồn vợ rồi cùng các con về quê ngoại Hoàng Trù. Mấy tháng sau, kỳ thi Hội đang đến, ông Sắc gửi các con lại cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Kép để vào Huế dự thi, kết quả giành được học vị Phó bảng… Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh [đang bị bọn thống trị quản lý ở Huế] đã tìm mọi cơ hội bí mật lấy hài cốt của mẹ, dùng nước thơm rửa sạch, gói bằng lụa quý cho vào một cái túi đẹp giống như hành lý người đi đường, trở về quê nhà. Hài cốt bà Hoàng Thị Loan được yên vị trong khu vườn ở quê nội làng Sen. Núi Đụn là núi Hùng Sơn ở phía tây huyện Nam Đàn. Năm 722, Mai Thúc Loan [tức vua Mai Hắc Đế] xây dựng kho quân lương ở trên núi để chống giặc Đường nên gọi là Núi Đụn. Khe Bò Đái [tên gọi trong dân gian] chảy từ vách đá dựng đứng ở Rú Kia [còn gọi là Cơ Sơn] nước chảy ồ ồ và tung bọt trắng xóa. Trong một trận động đất, núi Đụn bị phân đôi, khe Bò Đái cũng bị rạn nứt, nước chảy nhưng bị thẩm thấu lan toả nhiều vào lòng đất đá nên không phát ra tiếng ồ ồ như trước. Theo thuyết phong thuỷ trong dân gian ở vùng Nam Đàn vẫn truyền tụng câu: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương” [nghĩa là: ở trên con voi trắng trong xứ Ao Hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời]. Câu ca phong thuỷ ấy được huyền thoại như sau: “Ở xứ Ao Hồ, có một huyệt đất, phát một con người, đế chẳng phải đế, vương chẳng phải vương, đi khắp tứ phương, về đứng đầu thiên hạ”. Trong vùng đó có hàng chục dòng họ muốn con cháu được làm vua nên đã đưa hài cốt tổ tiên lên táng ở thung lũng Ao Hồ. Có người còn cắm lều trại ngủ trong đó cầu khẩn thổ thần chỉ cho huyệt đất đó nhưng thổ thần ứng mộng báo cho biết sẽ dành cho họ khác nên phải quay về. Tháng 8/1941, Nguyễn Sinh Khiêm thoát khỏi nhà tù đế quốc đã đi khắp các dãy núi thuộc hai huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên tìm nơi cát táng mẹ. Cuối cùng, ông quyết định chọn mỏm núi Động Tranh thấp là nơi hội tụ đủ các tiêu chí về linh địa làm huyệt đạo. Tháng 3/1942, ông dẫn hai người cháu thân tín lên sườn núi Động Tranh thấp đào 9 cái huyệt ở những nơi ông đã đánh dấu. Một đêm khuya, ông bí mật mang hài cốt mẹ từ vườn nhà làng Sen đến Động Tranh thắp hương khấn vái, xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt mẹ vào một cái huyệt và lấp lại. Sau đó ông tiếp tục lấp bằng phẳng số huyệt đã đào. Ngày 27/10/1946, bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội gặp em trai là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 3/11/1946, ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng ra Hà Nội gặp em. Khi trở về, ông Khiêm dẫn bà con hai họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân lên núi Động Tranh thấp chỉ cụ thể vị trí ngôi mộ mẹ mà ông đã táng bằng phẳng hồi tháng 3/1942. Để trọn tình trọn nghĩa với bà Hoàng Thị Loan, người mẹ kính yêu đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời, ngày 6/7/1983, Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TU quyết định xây dựng khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngày 19/5/1984, Đảng bộ và quân dân Nghệ Tĩnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã làm lễ khởi công xây dựng lại ngôi mộ. Hài cốt bà được giữ nguyên tại chỗ.
Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 2,5m, rộng 1,4m, cao 1,5m. Nhìn tổng quát, ngôi mộ có hình một khung cửi khổng lồ. Quanh mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương Liên Xô [cũ] do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng và những phiến đá cẩm thạch của núi đá Quỳ Hợp do Nghệ – Tĩnh sản xuất. Nóc mộ được phủ lên những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ, phía trên có dàn bê tông che chắn được phủ đầy hoa giấy [được mang về trồng từ khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh – Đồng Tháp] được cách điệu tượng trưng cho chiếc khung dệt vải của bà Hoàng Thị Loan. Từ chân núi Động Tranh, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái dài 500m có 269 bậc [con số 69 là năm Bác Hồ mất – 1969], lối xuống bên phải phần mộ cũng dài 500m có 242 bậc [con số 42 là năm cậu Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây – 1942]. Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc [con số 33 là tuổi đời của Bà]. Đường đi lên và đường đi xuống được làm thành nhiều bậc đá khác nhau giống như hai dải lụa đào xõa xuống từ khung cửi. Phía dưới mộ có tấm bia bằng đá đen núi Nhồi [Thanh Hóa] ghi tiểu sử và công lao của bà. Khu mộ bà Hoàng Thị Loan đã được đầu tư xây dựng thành một khu tưởng niệm rộng lớn, liên kết với Khu di tích Kim Liên, khu lăng mộ Mai Hắc Đế tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Từ ngày khánh thành đến nay, đã có hàng chục triệu lượt du khách trong và ngoài nước về đây thăm viếng tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn bà. Tháng 8/2004, Dự án bảo tồn, tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phê duyệt. Dự án gồm nhiều hạng mục: sân chuẩn bị hành lễ, mộ và mái che mộ bà Hoàng Thị Loan, cụm hai bia dẫn tích, chỉnh trang mộ bà Hà Thị Hy [bà nội của Bác Hồ]… Qua nhiều lần chọn lựa, lấy ý kiến góp ý của nhân dân, năm 2008, thiết kế khu mộ chính thức được quyết định. Ngày 21/7/2010, công trình được khởi công thực hiện. Tới nay, dự án bảo tồn, tôn tạo đã hoàn tất.    

Video liên quan

Chủ Đề