Tổ chức chính trị - xã hội là gì

Trong hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò là một bộ phận tạo nên kiến trúc thượng tầng, vai trò hoạt động của nó được thể hiện thông qua việc phối hợp với thực hiện các chủ trường, nhiệm vụ đặt ra. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam thông qua các nội dung khái niệm tổ chức chính trị xã hội là gì, Đặc điểm, tính chất và vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng và phát triển đất nước.

Khái niệm tổ chức chính trị - xã hội là gì?

Các tổ chức chính trị - xã hội [CT-XH] hay còn được gọi là các tổ chức đoàn thể quần chúng được sáng lập bởi Đảng cộng sản nhằm tiếp cận và vận động quần chúng tham gia, ủng hộ các chính sách của Đảng. Các tổ chức này được ra đời dựa trên ý tưởng của Lê nin trong tác phẩm “Làm gì” xuất bản 1902 với mục đích gây dựng các tổ chức có cơ sở thành viên rộng rãi trong công chúng.

Trong xã hội phương Tây, các tổ chức chính trị - xã hội được gọi khác là “các tổ chức xã hội độc lập”, các “nhóm lợi ích”,…với chức năng chính là trực tiếp tác động, gây ảnh hưởng đến chính quyền để thực hiện những mục tiêu của một nhóm xã hội nào đó.

Mô hình các tổ chức chính trị - xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng tương tự,phát triển mạnh mẽ trong các giai đoạn 1920-1950, 1936-1939 và sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã khiến các tổ chức chính trị - xã hội không còn phát triển và ngày nay chỉ còn ở một số nước, trong đó có Việt Nam.

Tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức tự nguyện được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ với hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức xã hội này có điều lệ hoạt động bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu các thành viên thông qua.


Khái niệm tổ chức chính trị - xã hội là gì?

Xem thêm:

➣ Luận văn thạc sĩ quản lý công: Gợi ý chọn đề tài & hướng dẫn cách viết

Các tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam

Trong cấu trúc của hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay bao gồm Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động. Cụ thể:

Mặt trận tổ quốc Việt Nam

Là liên minh chính trị - tổ chức liên hiệp một cách tự nguyện của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo. Mặt trận tổ quốc là tổ chức đại diện cho ý chí đại diện cho đoàn kết và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Bên cạnh đó, trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Mặt trận tổ quốc thực hành chức năng giám sát, bảo vệ và tham gia vào việc xây dựng nhà nước, quản lý xã hội.

Hội Cựu chiến binh 

Là tổ chức CT-XH của cựu chiến binh, là nơi tập hợp, đoàn kết, tổ chức và động viên các thế hệ cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền,…Đây là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Hội Nông dân

Là tổ chức CT-XH của giai cấp công nhân, có chức năng vận động, gióa dục hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt cũng như chăm lo bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân là cầu nối giữa giai cấp nông dân với Đảng và Nhà nước. Hội nông dân kiến nghị với Nhà nước những vấn đề cần thiết trong chính sách nông nghiệp, xây dựng pháp luật quản lý nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Là tổ chức CT-XH rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tính chất quần chúng và giai cấp công nhân với chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của công nhân viên chức lao động, tham gia quản lý Nhà nước,kinh tế- xã hội và tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Là tổ chức CT-XH tập hợp tầng lớp thanh niên, là đoàn thể của thanh niên ưu tú, đội hậu bị của Đảng. Đoàn thành niên là nơi đào tạo ra các viên chức, cán bộ có phẩm chất trong bộ máy Nhà nước hoặc giữ chức vụ trọng trách trong các tổ chức CT-XH như Đảng, công đoàn. Tổ chức Đoàn được thành lập trên phạm vi cả nước.

Hội liên hiệp phụ nữ

Là tổ chức CT-XH của nữ giới với chức năng đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tham gia quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng. Hội liên hiệp phụ nữ đoàn kết, vận động tổ chức, hướng dẫn phụ nữ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam

Các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nước ta giữ vai trò quan trọng trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính  trị và tinh thần trong nhân dân. Đóng vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức CT-XH thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước và giữ vai trò tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Đồng thời tham gia xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của thành viên, hội viên và tham gia quản lý phát triển xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay

Đặc điểm của tổ chức chính trị - xã hội là gì?

Thứ nhất, các tổ chức chính trị xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tích cực phối hợp hoạt động với Nhà nước. Các tổ chức chính trị - xã hội là một trong những tổ chức xã hội góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đây là tổ chức mang màu sắc chính trị, đại diện cho ý chí của các tầng lớp trong xã hội, cũng như trong hoạt động của bộ máy Nhà nước

Thứ hai, trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều tổ chức được Đảng Cộng sản vận động, giúp đỡ thành lập và trở thành những tổ chức quần chúng của Đảng. Các tổ chức chính trị - xã hội ra đời là nhằm thực hiện yêu cầu lợi ích của các hội viên.

Thứ ba, các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị nước ta là thành viên của Mặt trận Tổ quốc - một liên minh chính trị - xã hội rộng lớn có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp cơ sở, hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, thống nhất và phối hợp.

Thứ tư, các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị đều được Nhà nước hỗ trợ gần như hoàn toàn kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc, biên chế cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm

Đặc điểm lớn nhất của các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị nước ta là được ngân sách nhà nước bao cấp, cán bộ công tác trong các tổ chức CT-XH được trả lương và hưởng phụ cấp theo chức nghiệp và ngạch bậc như các công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Tính chất của tổ chức chính trị xã hội là gì?

Thứ nhất, đây là tổ chức gần gũi và có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, nói cách khác là các tổ chức này do Đảng tổ chức ra và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua các tổ chức CT-XH, Đảng tập hợp quần chúng. Các tổ chức CT-XH phản ảnh trung thành những nhu cầu, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của hội viên với Đảng.

Thứ hai, các tổ chức CT-XH có quan hệ chặt chẽ với bộ máy nhà nước. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn, Đoàn Thanh niên là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của đất nước là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh.Trong quá trình hoạt động, các tổ chức CT-XH phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước, tham gia các hoạt động đề ra và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính trị, chế độ liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của các đối tượng.

Thứ ba, là những tổ chức có sự tham gia của đông đảo người lao động, các tầng lớp nhân dân, các giai tầng xã hội.

Thứ tư, cơ chế tham gia và quản lý của các tổ chức này là mềm dẻo, chủ yếu dựa trên cơ sở tự nguyện của các hội viên, chế tài không mang tính cưỡng chế, áp đặt, mà chủ yếu là dùng biện pháp giáo dục, thuyết phục, động viên, vận động để điều chỉnh các mối quan hệ giữa các hội viên - tổ chức - nhân dân.

Các tổ chức CT-XH giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và là cầu nối giữa người dân với các chính sách, gói hỗ trợ giúp phát triển của Đảng và Nhà nước. Hy vọng những thông tin này sẽ mang lại nguồn tham khảo hữu ích cho tất cả các bạn đang có nhu cầu tìm hiểu về các tổ chức CT-XH.

Trên đây, Luận Văn 99 đã cùng bạn đọc tìm hiểu khái niệm tổ chức chính trị xã hội là gì cũng như đặc điểm, tính chất của tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng với những thông tin trên đây đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích. Đừng quên chia sẻ đến mọi người nhé!

Video liên quan

Chủ Đề