Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

Khuyến khích trẻ Mầm non tăng cường vận động thể chất như thế nào?

Thứ Sáu, 15/04/2022, 15:04 (GMT+7)

Trong những năm đầu đời, các hoạt động thể chất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên trên thực tế, cha mẹ thường dành sự quan tâm nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng, làm sao để con ăn đủ chất, đủ bữa mà xao nhãng các hoạt động, vận động thể chất của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những “chìa khóa” để thu hút trẻ Mầm non hoạt động thể chất thường xuyên và hiệu quả hơn.

1. Vì sao hoạt động thể chất rất quan trọng với trẻ mầm non?

Hoạt động thể chất được rèn luyện và giáo dục phù hợp sẽ mang lại cho trẻ rất nhiều lợi ích:

  • Phát triển xương, các nhóm cơ, tim phổi… giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư…
  • Rèn luyện khả năng phối hợp, thăng bằng, nâng cao kỹ năng tập trung và linh hoạt
  • Giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tự tin
  • Giúp trẻ thư giãn, cân bằng năng lượng và ngủ ngon hơn
  • Trẻ học được sự hòa đồng, chia sẻ và kết nối với các mối quan hệ xung quanh.

Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

2. Một số hoạt động thể chất gợi ý dành cho trẻ

Trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi)

Hoạt động thể chất và vui chơi sẽ giúp trẻ sơ sinh khám phá, kích thích các giác quan và trải nghiệm chuyển động, giúp trẻ phát triển các nhóm cơ và xương, các kỹ năng vận động thô và hình thành ý thức về bản thân.

Trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng tuổi cần có nhiều cơ hội để vận động tự do và chơi trên sàn nhà. Đối với trẻ sơ sinh chưa biết bò thì 30 phút thời gian nằm sấp (tummy time) mỗi ngày là khuyến nghị của các chuyên gia.

Ở lứa tuổi này, hoạt động thể chất mới được hình thành từ các vận động nhỏ, như nâng đầu, đá chân, vươn vai… Cha mẹ cũng nên tạo điều kiện để trẻ với tay hoặc nắm đồ chơi trong thời gian nằm sấp, tạo không gian cho trẻ có thể bò, lăn và chơi trên sàn nhà…

Trẻ nhà trẻ (từ 1-3 tuổi)

Ở lứa tuổi này, các chuyên gia khuyến nghị trẻ nên hoạt động thể chất ít nhất 3 giờ mỗi ngày, bao gồm hoạt động thể chất có cấu trúc (được người lớn hướng dẫn) và hoạt động thể chất tự do (trẻ tự vui chơi mà không cần hướng dẫn).

Trẻ ở độ tuổi này đang trong thời điểm phát triển hoạt động đi và chạy rất tốt, cha mẹ cần đảm bảo tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành và xây dựng các kỹ năng này thông qua vận động và vui chơi như:

  • Vượt chướng ngại vật: Cha mẹ có thể đặt những chướng ngại vật trong nhà hoặc ngoài sân như tấm đệm, thùng carton,… Người lớn có thể ngồi trên mặt đất và để trẻ bước/nhảy qua hai chân, hoặc làm cầu bằng thân mình và để trẻ chui xuống dưới…
  • Chơi trò giả vờ: Trẻ nhỏ rất thích động vật, cha mẹ có thể đố trẻ bật nhảy như ếch, đi bộ như chim cánh cụt, chạy phi nước đại như ngựa…
  • Chơi với cát giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động tinh của đôi bàn tay rất hiệu quả
  • Nhảy múa theo điệu nhạc hoặc vẽ vời, múa rối cũng khiến trẻ rất hứng thú
  • Các môn thể thao phát triển sức khỏe, sức bền và sự thăng bằng, trẻ 2 tuổi có thể thích đá bóng, nhảy tại chỗ, còn trẻ 3 tuổi có thể luyện tập giữ thăng bằng bằng 1 chân, tung và bắt bóng,, đạp xe 3 bánh…

Trẻ mẫu giáo (từ 3-5 tuổi)

Trẻ mẫu giáo được khuyến nghị nên hoạt động thể chất ít nhất ba giờ mỗi ngày, trong đó có ít nhất 1 giờ chơi tự do tràn đầy năng lượng với các hoạt động vui chơi không cần người lớn hướng dẫn.

Ở thời điểm 3-5 tuổi, các kỹ năng thể chất cơ bản như chạy, nhảy, đá và ném đã trở nên rất quen thuộc với trẻ, các con sẽ tiếp tục hoàn thiện để học những kỹ năng phức tạp hơn. Cha mẹ nên tận dụng xu hướng hiếu động tự nhiên của trẻ ở lứa tuổi này để tạo những hoạt động thể chất thường xuyên, thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng sự tự tin cho trẻ như:

  • Nhảy lò cò, nhảy tiến về trước/lùi về sau, giữ thăng bằng 1 chân, bắt bóng, nhào lộn…
  • Bơi lội, nhảy múa, đi xe ba bánh…
  • Trẻ mẫu giáo có thể hoạt động thể chất tích cực ngay cả khi chỉ ở trong nhà, nếu có điều kiện, cha mẹ nên có một khu vực vui chơi an toàn để trẻ thỏa thích vui chơi và vận động.
  • Trò chơi truy tìm kho báu với chiến lược giấu “kho báu” khắp nhà và cung cấp manh mối về vị trí của chúng để trẻ đi tìm vừa mang lại nhiều niềm vui vừa tạo cơ hội cho trẻ vận động một cách hiệu quả.
  • Vượt chướng ngại vật, bowling và các trò chơi với bóng.

Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

3. Làm sao để thu hút trẻ hoạt động thể chất thường xuyên?

Dưới đây là Bốn “chìa khóa” giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong việc khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể chất:

(1) Tập trung vào niềm vui: Trẻ Mầm non sẽ không làm điều gì đó mà không có sự thích thú, vậy nên, cha mẹ cần dành thời gian cho những hoạt động vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực. Ví dụ như trẻ sẽ không thích nếu cha mẹ chỉ cho đi bộ 1 vòng thể dục xung quanh, nhưng nếu được đi bộ qua một công viên, được dừng lại để khám phá thiên nhiên và cây cỏ, thì chuyến đi bộ sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

(2) Chọn các hoạt động phù hợp với lứa tuổi, cũng như phù hợp với kỹ năng phát triển của cá nhân từng trẻ như đã gợi ý ở trên.

(3) Mang lại cho trẻ nhiều cơ hội vận động đa dạng: Trẻ Mầm non tràn đầy năng lượng nên nếu các hoạt động thiếu đa dạng, trẻ cũng sẽ không phát triển được hết sự tích cực hoạt động của mình. Ngoài ra, khoảng thời gian trẻ được tự do vui chơi, tự đưa ra quyết định mà không có sự chỉ dẫn của người lớn cũng rất cần thiết – tất nhiên cần được ở trong một môi trường an toàn và được giám sát.

(4) Cha mẹ và người chăm sóc trẻ đóng vai trò rất quan trọng: Trẻ luôn theo dõi cách mà cha mẹ sử dụng thời gian của mình, vậy nên cha mẹ cần trở thành một tấm gương tốt trong việc hoạt động thể chất. Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần có sự giám sát chặt chẽ, vừa có kỷ luật đi kèm với tình yêu thương đối với trẻ đang ở lứa tuổi mầm non – lứa tuổi ham khám phá, tò mò nhưng lại chưa có được nhiều kiến thức và hiểu biết về sự an toàn và các mối nguy hiểm.

Trẻ rất cần có cha mẹ hiện diện trong các hoạt động thể chất của mình, vừa để hướng dẫn, giáo dục, vừa để truyền cảm hứng và đồng hành. Các hoạt động thể chất cần được tổ chức một cách khoa học, giúp trẻ hình thành những kỹ năng cơ bản, xây dựng lối sống lành mạnh để trẻ có được sự phát triển hài hòa hơn trong học tập và trong cuộc sống.

Nguồn tham khảo: Raising Children Network (Australia) & Nemours Children’s Health

     Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là hoạt động nhằm nâng cao thể lực sức khỏe của trẻ, giúp trẻ phát triển các kĩ năng vận động, đồng thời giúp trẻ có một sức khỏe tốt, cơ thể phát triển cân đối, hài hòa, không những thế còn giúp phát triển ngôn ngữ và phát triển nhận thức.

     Trong quá trình giáo dục thể chất cho trẻ mầm non, các nhiệm vụ giáo dục thể chất được hoàn thành bằng nhiều hình thức khác nhau. Ở trường mầm non sử dụng hình thức giáo dục thể chất qua các tiết học thể dục và các trò chơi vận động. Các tiết học thể dục hằng tuần được xem là hình thức giáo dục thể chất có mục đích và kế hoạch cụ thể, giúp định hướng sự phát triển vận động cho trẻ. Các bài tập thể dục giúp trẻ phát triển khả năng vận động, biết cách phối hợp các động tác trong bài thể dục một cách nhịp nhàng. Các trò chơi vận động không chỉ giúp tăng thêm sự gắn kết, mà còn khiến các thành viên trong lớp hiểu nhau hơn.

     Trong quá trình tham gia các hoạt động thể chất trẻ còn được phát triển thêm cả về mặt tình cảm – xã hội cũng như thẩm mĩ. Hoạt động thể chất làm thỏa mãn nhu cầu vận động của trẻ, tạo cho tinh thần trẻ được thoải mái, vui vẻ , giúp phát triển mối quan hệ giữa cô và trẻ cũng như phát triển tốt mối quan hệ giữa bạn bè với nhau trong phối hợp vận động cùng các bạn.

     Phát triển vận động có tầm quan trọng vô cùng, giúp trẻ hoạt bát, nahnh nhẹn trong từng bước đi, từng động tác bò, trèo, trườn, chạy…bên cạnh đó còn rèn luyện sự dẻo dai, phát triển các cơ bắp, hệ thần kinh, lanh tay, lẹ mắt.

      Lớp 4 tuổi A tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động thể chất với bài vận động: “Bò chui qua đường hầm”

Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

Sau phần khởi động là màn đồng diễn của cô và trò lớp 4 tuổi A

Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

Trẻ làm mẫu cô kết hợp giải thích động tác bài tập vận động: "Bò chui qua đường hầm"

Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

Trẻ thực hiện bài tập vận động

Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

Trẻ chơi trò chơi vận động

Trò chơi vận động trong giáo dục thể chất

Cô và trò thư giãn sau giờ học