Ưu nhược điểm của giá trần, giá sàn

Bữa rồi nghe tin các hãng hàng không đòi bỏ mức giá trần vé máy bay. Các hãng cho rằng, áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Nhìn từ khía cạnh kinh tế, giá trần là sản phẩm của thị trường độc quyền, làm giảm lợi ích tổng hòa của nền kinh tế so với việc để giá cả tự do.

Như hình dưới đây, nếu áp giá trần cho một sản phẩm, số lượng sản phẩm các hãng có thể cung ứng ra thị trường bị hạn chế [do càng làm nhiều sản phẩm, chi phí mỗi sản phẩm marginal cost tăng cao, nếu cao quá vượt giá bán thì hãng không thể sản xuất thêm được].

H1: Giá trần làm giảm giá trị thặng dư của xã hội

Với số lượng hạn chế này, mức lợi nhuận hãng thu được là producer surplus [thặng dư sản xuất], được minh họa bằng mảng màu xanh trong hình H1. Thặng dư sản xuất được tính bằng tổng lợi nhuận các sản phẩm. Lợi nhuận mỗi sản phẩm bằng giá trần price ceiling trừ chi phí [chi phí của sản phẩm được xác định bởi điểm tương ứng với số lượng trên supply curve].

Khi số lượng cung ứng hạn chế, mức giá sản phẩm mà khách hàng sẵn sàng và có thể bỏ ra để mua cũng tăng. Nhưng giá bị áp trần, tương đối thấp, nên khách hàng sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá tiền [gọi là thặng dư tiêu dùng – consumer surplus], được minh họa bằng mảng màu hồng trên hình H1. Khoản này được tính bằng tổng tiền tiết kiệm trên mỗi sản phẩm. Tiết kiệm trên mỗi sản phẩm bằng mức giá khách sẵn sàng trả [ứng với điểm trên demand curve] trừ đi mức thực trả [mức giá trần price ceiling].

Như vậy khi giá bị áp trần, số lượng sản phẩm bán ra bị hạn chế, tổng lợi nhuận của người bán [producer surplus] và khoản tiết kiệm [consumer surplus] của người mua sẽ bằng tổng hai mảng xanh và hồng cộng lại.

Trong trường hợp thị trường tự do, giá sẽ được đẩy về mức mà ở đó, số lượng sản phẩm tối đa người mua sẵn sàng mua đúng bằng số lượng tối đa mà người bán sẵn sàng bán, cung lớn gặp cầu mạnh. Như trên hình H1, là giao giữa cung và cầu [supply curve:S=MC và demand curve:D=MB], ở điểm cân bằng thị trường tự do [free market equilibrium].

Tại điểm này, sản lượng bán ra và mua vào lớn hơn so với khi giá bị áp trần. Cùng cách tính như ở trên, có thể thấy, tổng lợi nhuận của bên bán và tổng tiết kiệm của bên mua cũng lớn hơn một mảng diện tích màu vàng. Mảng này gọi là deadweight loss, tổn thất tải trọng, một tham số phản ánh sự mất mát thặng dư của nền kinh tế khi thị trường không được hoạt động tự do hết công suất để định giá sản phẩm.

Một ví dụ thực tế là deadweight loss giữa thị trường cạnh tranh tuyệt đối và độc quyền.

Một thị trường được gọi là độc quyền khi chỉ có một nhà cung ứng sản phẩm hoặc có nhiều nhà cung ứng cùng 1 sản phẩm nhưng cấu kết với nhau để thao túng giá. Ngược lại, một thị trường cạnh tranh tuyệt đối, là thị trường có vố số nhà cung ứng cùng một sản phẩm trong đó không ai liên kết với ai để áp đặt giá.

H2: Thặng dư xã hội của thị trường độc quyền và cạnh tranh

Khi độc quyền, hãng sẽ chọn mức giá mà lợi nhuận được tối ưu nhất. Nó thường được xác định là điểm giao giữa đường doanh thu cận biên [MR: margin revenue] và đường chi phí cận biên [MC: marginal cost]. Tại vì ở mức giá này, sản lượng sẽ đạt tới ngưỡng mà, cứ mỗi sản phẩm được sản xuất thêm, thì chi phí sản xuất sản phẩm sẽ lớn hơn doanh thu từ sản phẩm [MC>MR] nên lợi nhuận bị giảm. Chốt lại, hãng độc quyền sẽ chọn mức giá P_MON. Mức này đủ cao để hãng có nhiều lợi nhuận, nhưng không cao quá đến nỗi không còn ai muốn mua.

Trong thị trường cạnh tranh, không hãng nào có khả năng áp đặt mức giá P_MON [mặc dù nếu hãng nào cũng đặt giá ở mức này thì tất cả đều có lợi].

Bởi vì mức P_MON khá cao so với chi phí bỏ ra, nếu một hãng nào đó giảm giá bán, cầu bị kích tăng lên. Trường hợp các hãng còn lại vẫn giữ giá P_MON, một mình hãng giảm giá sẽ hưởng lợi từ việc cầu tăng. Không một hãng nào trong thế giới cạnh tranh tự do để yên điều này. Họ sẽ đồng loạt giảm giá để xâu xé nhu cầu sản phẩm vừa phình to thêm.

Cứ như thế, tất cả các hãng đều giảm giá cho đến khi không giảm được nữa, ở mức P_PC. Đây là mức giá vừa bằng chi phí cung ứng hàng, bán dưới mức này hãng bị “lỗ” [lỗ trong kinh tế nghĩa là lợi nhuận thu về thấp hơn lợi nhuận khi đem đi đầu tư chỗ khác].

Kết cục, tất cả các hãng về giá P_PC. Đây là điểm tối ưu của thị trường, khi cung gặp cầu, số lượng sản phẩm mua bán lớn hơn so với thị trường độc quyền, lợi nhuận bên bán có thể thấp hơn so với độc quyền nhưng bù lại, khoản tiết kiệm của bên mua sẽ lớn hơn, và tổng thể, toàn thị trường sẽ cung ứng sản phẩm với giá rẻ hơn, số lượng nhiều hơn, tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn.

[Bài viết thể hiện ý hiểu của tác giả, không có ý nghĩa học thuật]

Giá sàn [tiếng Anh: Price Floor] là một trong những cách điển hình thể hiện sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của thị trường trên cơ sở mô hình cầu - cung.

Khái niệm

Giá sàn trong tiếng Anh gọi là: Price Floor.

Giá sàn là mức giá tối thiểu mà nhà nước qui định. Trong trường hợp này, người mua không thể trả giá với mức giá thấp hơn giá sàn. 

Khi định ra giá sàn về một loại hàng hoá, nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của những người cung ứng hàng hoá. 

Khi nhà nước cho rằng mức giá cân bằng trên thị trường là thấp, nhà nước có thể qui định một mức giá sàn - với tính cách là một mức giá tối thiểu mà các bên giao dịch phải tuân thủ - cao hơn. 

Khi không được mua, bán hàng hoá với mức giá thấp hơn giá sàn, trong trường hợp này, những người bán hàng hoá dường như sẽ có lợi. Nhờ việc kiếm soát giá của nhà nước, họ có khả năng bán hàng hoá với mức giá cao hơn giá cân bằng thị trường.

Một biểu hiện của việc định giá sàn là chính sách tiền lương tối thiểu. 

Khi qui định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương cân bằng trên thị trường [và chỉ trong trường hợp này, chính sách giá sàn mới có ý nghĩa], nhà nước kì vọng rằng những người lao động sẽ khấm khá hơn, nhờ có được mức lương cao hơn.

Hình 1: Hoạt động của thị trường lao động khi có chính sách tiền lương tối thiểu

Hình 1 cho thấy một chính sách như vậy có thể dẫn đến những hậu quả gì. 

Khi chưa có sự can thiệp của nhà nước, thị trường lao động cân bằng tại điểm E, nơi mà đường cầu DL và đường cung SL về lao động cắt nhau. Mức lương cân bằng là w*, số lượng lao động cân bằng là L*. 

Giả sử nhà nước qui định mức lương tối thiểu là w1 cao hơn mức lương cân bằng w*. Tại mức lương w1, lượng cầu về lao động của các doanh nghiệp giảm xuống thành LD1, trong khi lượng cung về lao động lại tăng lên thành LS1. 

Thị trường rơi vào trạng thái không cân bằng, với một lương dư cung là [LS1 - LD1]. Lượng dư cung này biểu thị số người thất nghiệp, tức những người muốn đi làm với mức lương w1 song lại không tìm được việc làm. 

Do chính sách của nhà nước, tiền lương không thể tự điều chỉnh theo hướng hạ xuống để "khử" lượng dư cung nói trên. Nói cách khác, thị trường không còn khả năng tự điều chỉnh để trở về trạng thái cân bằng. 

Như vậy, có thể thấy, mặc dù chính sách tiền lương tối thiểu được thiết kế nhằm bảo vệ lợi ích của những người lao động, song nó lại có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề. 

Những người được lợi nhờ chính sách này chỉ nằm trong số những người lao động may mắn có được việc làm, và số lượng những người này ít hơn trước [LD1 so với L*]. 

Trong khi đó, số người thất nghiệp tăng lên [trong ví dụ của chúng ta, trước kia trên thị trường không tồn tại hiện tượng thất nghiệp]. Trong số này có cả những người trước đây vẫn tìm được việc làm do lượng cầu về lao động là L* cao hơn LD1. 

Ngoài ra, do trên thị trường tồn tại hiện tượng dư cung, thế mặc cả giữa những người thuê mướn lao động và những người cung ứng lao động cũng khác trước. Những người thuê mướn lao động sẽ có một vị thế tốt hơn để có thể đưa ra những qui định bất lợi cho những người muốn xin việc. 

Rõ ràng, chính sách tiền lương tối thiểu nói riêng, cũng như chính sách giá sàn nói chung cũng có thể gây ra những tổn hại đáng kể cho những người mà ban đầu chính sách này muốn bảo vệ.

[Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Vi mô, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội]

Tuyết Nhi

Video liên quan

Chủ Đề